watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thời thơ ấu gian khổ-Chương XIV - tác giả Iamin Muxtaphin Iamin Muxtaphin

Iamin Muxtaphin

Chương XIV

Tác giả: Iamin Muxtaphin

- Dậy đi con, dậy! - thím Samsura lay gọi con – Dậy đi làm kẻo muộn...
Giamin mệt nhọc tỉnh dậy. Mắt cậu đau nhức. Suốt đêm, hai mi dính chặt vào nhau như có keo dán. Ngọn lửa lay lắt của chiếc đèn dầu như chọc vào mắt cậu. Rồi Giamin bất giác lại từ từ nhắm mắt.
Thế là đã một tuần trôi qua kể từ ngày đội thanh niên cộng sản đảm nhiệm toàn bộ công việc sửa chữa các thanh ốp đường ray. Trước đây đã có một số trường hợp chỉ sau vài ba ngày các thanh ốp chữa xong đã bay ra từng mảnh, suýt nữa gây tai nạn. Các thành viên của đoàn điều tra cục đường sắt không thống nhất ý kiến với nhau. Người cho là do hàn xấu, người thì bảo lỗi tại thợ nguội khoan quá nhỏ, có người lại chỉ cho là do que hàn điện ít cácbon.
Dù sao thì người có lỗi trong tất cả mọi chuyện vẫn là đốc công Piôt Pêrovich Xamôrucop. Trước khi ra về, đoàn điều tra đã chỉ thị là: “Phải nâng cao hơn nữa chất lượng sửa chữa các thanh ốp đường ray”. Chính vì thế mà đốc công đã cho gọi cậu lại.
- Tôi cứ tưởng các cậu ấy đã cố gắng nhiều lắm - cụ Cudia đi lại chỗ học trò của mình. Đôi mi đã ngả màu trắng luôn nhấp nháy.
- Các cậu ạ, tôi nghĩ là chúng ta có thể cải tiến được phần nào công việc của mình - bác đốc công bắt đầu nói như không nghe thấy lời nhận xét của người thợ già ở xưởng dụng cụ. - Giả sử chỉ một mình đội các cậu chịu trách nhiệm về các thanh ốp đường ray thì sao?
- Một người nào đấy làm ẩu, mà chịu trách nhiệm lại là các cậu ấy - ông cụ lên tiếng.
- Phải làm sao để toàn bộ quá trình sửa chữa các thanh ốp được tập trung vào tay các cậu. Cả khâu hàn cũng vậy. Lúc ấy thì không ai còn đổ lỗi cho ai được nữa.
- Nhưng những người thợ hàn có chịu để cho Giamin lãnh đạo không? - cụ Cudia hỏi - chắc gì họ đồng ý?
- Không. Vấn đề là ở đó. Chúng ta không đủ thợ hàn.
- Thì bác hãy dậy các cháu của lão đây, Piôt Pêtrovich ạ.
- Tôi cũng đang nghĩ về chuyện đó..
Và thế là đã một tuần nay Gôga và Vichia - những cậu lớn hơn trong đội - đã bắt đầu học nghề hàn.
Mấy lần Giamin lại chỗ hai cậu ở phân xưởng hàn, nơi bao giờ cũng bốc mùi như sau một cơn dông, và các cậu có cảm giác như ở đây bao giờ cũng có tiếng vải bạt bị xé – “Cậu bắt được thỏ rồi đấy” - hai cậu kia giải thích cho đội trưởng của mình khi cậu này bảo là đau mắt.
- Con còn định nằm đến bao giờ đây? - bà mẹ thở dài sau một hồi lâu im lặng. Giamin biết mẹ đang bận coi mấy chiếc chảo gang dưới bếp - Côlia và Gôga sẽ đến đây bây giờ. Lúc ấy thì, dễ coi đấy - đội trưởng còn nằm trên giường - thím Samsura trách nhẹ con.
- Con dậy rồi đây - Giamin ngái ngủ đáp, vừa mặc bộ quần áo bốc mùi than, mỡ và gỉ sắt.
Thật khó mà dậy sớm được khi cậu mới trên 15 tuổi, và qua đêm, người cậu chưa kịp vứt bỏ hết cái mệt góp lại trong suốt 12 giờ liền luôn quai chiếc búa hai cân và khuân hàng tạ sắt từ chỗ này tới chỗ khác. Giamin có cảm giác cậu chưa bao giờ được ngủ đẫy giấc trước khi đi làm, và từ nay có lẽ chẳng bao giờ được ngủ đẫy giấc nữa. Thậm chí trong khi ngủ cậu cũng chỉ thấy toàn những thanh ốp, tàu xe và ông đốc công hay khiển trách. Ngay cả mẹ mỗi sáng đánh thức cậu dậy, cậu cũng tưởng là Piôt Pêtrovich.
Sau khi rửa mặt bằng nước lạnh giá, Giamin ngồi xuống bàn, trên bàn là một chảo khoai tây khói bốc nghi ngút làm không khí trở nên ấm áp và dễ chịu hơn. Bắp cải muối ánh màu hồng trong chiếc bát tráng men. Những chiếc nấm trong giống như những con sứa biển nhỏ bốc mùi tỏi ngon lành. Cạnh chiếc thìa gỗ với các cạnh bị véo nham nhở là mẩu bánh mì đen to bằng lòng bàn tay trẻ con.
- Bánh mì hôm nay ẩm quá - mẹ cậu từ bếp nói vọng lên quay lưng về phía cậu mà như vẫn thấy được cậu con trai đang buồn rầu nhìn mẩu bánh.
- Sao mẹ lại nói thế? - Giamin vội an ủi mẹ - Chừng này hai người ăn còn thừa đấy…
- Không hiểu sao các anh con vẫn không thấy thư từ gì cả. Mong sao đừng có chuyện gì xảy ra - giọng mẹ cậu đầy lo lắng - Ở xưởng, con không nghe nói bây giờ bọn Đức đến đâu rồi à?
- Gần Lêningrat rồi. Bọn khốn kiếp! Ở đấy, mẹ ạ, người ta cho chúng nếm đòn còn đau hơn ở Matxcova nữa. Trong một lần phổ biến thời sự, bác đốc công có bảo là bây giờ bọn Đức định đánh phía Nam trước đã, rồi chiếm Matxcova sau. Hitle đang lao vào Xtalingrat. Ở đấy quân ta đánh mạnh lắm..
Ngoài phòng ngoài có tiếng động. Một người nào đó đang lấy chổi quét tuyết khỏi giày. Con Gaxtôn cất tiếng sủa muộn màng, nhưng nhận ra người quen, nó ngáp một cái rồi kéo theo dây xích bỏ đi. Giamin tưởng tượng thấy nó vươn mình một cách khoan khoái, lim dim đôi mắt đen, cà đôi vành tai nhọn vào cổ.
Côlia bước vào, chào mọi người.
- Lại đây, khoai tây đang nóng, ăn một ít. Bở lắm - thím Samsuara mời - Mẹ cháu thế nào?
- Lúc nào cũng thấy ủ dột - Côlia lúng búng nói - Một bầy con thế này thì làm thế nào bây giờ, mẹ cháu nói thế. Còn cháu thì bảo là không có thư chưa hẳn đã có chuyện không hay xảy ra...
Như một nhà ảo thuật, Côlia chuyển từ lòng bàn tay này sang lòng bàn tay kia củ khoai tây nóng luộc cả vỏ, rồi nhanh nhẹn bóc lớp vỏ mỏng như lớp giấy thuốc lá bẩn. Giamin đưa cho bạn một mẩu bánh mì bằng bao diêm. Côlia làm bộ không thấy bánh mì.
- Cầm lấy cháu, ở nhà chắc cũng chẳng lấy bánh mì nhiều - thím Samsura nói
Khi cậu ra khỏi nhà, mặt trăng đã nhợt nhạt vì ngày sắp rạng. Tuyết không còn ánh màu bạc như trong đêm, mà ngả sang màu lam nhạt. Suốt đêm, tuyết rơi nhiều đến nỗi bây giờ ngập đến tận đầu gối, như đi trong cát xốp lạnh và buốt. Tiếng còi tàu cạnh đấy vang lên trong không gian lạnh lẽo. Trên các mái nhà, từng cột khói như đứng yên một chỗ. Suốt đêm chúng như đỡ vòm trời sẫm đen trĩu nặng đầy sao lấp lánh.
Trong xưởng cơ khí còn yên lặng và lạnh. Công nhân đã tụ nhau đứng trước tấm bản đồ lớn có những ngọn cờ nhỏ đỏ và xanh. Gần Matxcova cờ đỏ đã dịch về phía Tây một chút, còn ở miền Nam thì cờ xanh đang tiến về phía Capcadơ, về phía Hắc hải, và đã đến gần sông Vonga. Trong sân nhà ga cũng có một bản đồ như vậy, nhưng to hơn nhiều. Ở đấy bao giờ cũng đông người. Cạnh bản đồ là một bức tranh cổ động vẽ một người phụ nữ tóc bạc, chĩa tay vào người xem mà hỏi:" Anh đã giúp được gì cho mặt trận?". Không ai có thể trốn khỏi cái nhìn nghiêm khắc và ngón tay trỏ giống như nòng súng trường của bà. Nhiều lần các cậu nghĩ là ngón tay ấy có thể bắn vào người được nếu người ấy quả thực không giúp gì cho mặt trận.
Công nhân nhận phần việc của mình xong, ai về chỗ người ấy
Các nhà máy hầu như không cung cấp được gì cho tuyến đường, thành ra công nhân tuyến đường phải tự làm lấy tất cả, từ chiếc đinh nhỏ đến những chiếc ghi nặng hàng tấn. Ở nhà máy có cần cẩu, có thể chuyển nó dễ dàng từ chỗ này đến chỗ khác. Còn ở đây thì phụ nữ và trẻ em xúm nhau lại hàng giờ để tháo ghi khỏi ổ, rồi đặt nó lên xe ngựa và chuyển đến xưởng cơ khí. Ở xưởng, người ta cũng vừa văng tục, vừa vất vả hạ nó xuống cho những người thợ hàn làm việc trước. Những người này hàn lại những bộ phận bị gỉ ăn, sau nó được chuyển đến phân xưởng rèn và cuối cùng được đặt trên một bệ cao có mái che rồi các động cơ điện và máy mài được huy động đến. Tất cả quá trình trên được tiến hành dưới sự chỉ huy của bác thợ nguội Ivan Phachiêvich Macximenco. Bác ta đã về hưu năm năm trước khi chiến tranh bùng nổ, và trở lại xưởng ít ngày trước khi các cậu vào làm việc. Người bác cao, gầy và bác mang cặp kính tự làm lấy gọng. Nét mặt bác bao giờ cũng cau có không thích tiếp xúc với những người khác. Chỉ có Nunhikianop và cụ Cudia là có thể nói chuyện thoải mái với bác được.
Giamin và Côlia thích xem bác làm việc đến nỗi Piôt Pêtrovich phải nhắc:
- Xem thế có lâu quá chưa,các cậu?
- Các cậu ấy vừa mới đến. Cứ để các cậu nhìn mà học theo - Ivan Phachiêvich lên tiếng bênh vực - Tôi có chết các cậu còn thay thế chứ!
Bác đốc công rung rung ria mép, nói một câu gì đấy rồi bỏ đi. Các cậu vẫn tiếp tục say sưa nhìn chiếc ghi đồ sộ bị gỉ ăn loang lổ giống một mũi tên khổng lồ, miễn cưỡng chịu sự gia công của con người. Chiếc ghi gắn chặt trên xe được đẩy về phía trước lúc nào không biết, đá mài rung lên vì sung sướng, kêu xè xè, bắn những tia bụi màu đỏ như những tia lửa. Ivan Phachiêvich ngồi bên cạnh, đều đặn vặn tay quay chuyển động của chiếc xe, và qua lớp bụi kia, như có phép lạ bác vẫn nhìn rõ và cho đá mài bằng cái lưỡi rám của mình liếm sâu vào thép một độ dày cần thiết. Bất kỳ máy kiểm tra kỹ thuật nào cũng phải công nhận mặt thép của chiếc ghi bác mài phẳng và nhẵn đến mức tuyệt vời.
Hôm nay, nhận tờ giấy ghi phần việc xong, như mọi người, Ivan Phachiêvich gấp tư cho vào chiếc bao kính làm bằng sắt tây. Bác định nói một điều gì nhưng lại khoát tay, bỏ đi tới chỗ chiếc ghi.
- Còn các cậu thì tôi định giao một việc khác - Piôt Pêtrovich nói khi chỉ còn lại mình các cậu trong đội thanh niên cộng sản - Hôm qua chúng tôi nghĩ đi nghĩ lại mãi về việc nên cử ai vào rừng lấy củi. Và rồi thấy không ai hơn ngoài đội thanh niên các cậu... - Bộ ria mép ám khói của ông rung rung - Tại sao lại chọn các cậu à? Tôi sẽ giải thích rõ. Các cậu đã chữa được nhiều thanh ốp đường ray, đủ dùng cho cả tháng. Đâu cũng thấy chúng. Tốt lắm, nghĩa là có thể sử dụng các cậu vào việc khác trong một vài tuần mà không sợ ảnh hưởng tới công việc chung… Các cậu hiểu chứ?
- Có gì đâu mà chẳng hiểu! - Giamin lên tiếng
- Các cậu hiểu được như thế là tốt. Không thể cử người khác được, công việc chung sẽ bị ảnh hưởng ngay. Mà tàu bây giờ thì các cậu biết đấy - chạy như điên cả hai chiều. Thời bình mà chạy thế thì có thể nghĩ là điên rồ được...Các cậu ạ, chúng ta cần củi cho nồi hơi, cho nhà ăn, cho văn phòng..
- Thế than đá để làm gì? - Vichia hỏi
- Than chỉ để cho phân xưởng rèn thôi, và khi xuất cũng phải theo cân. Chiến tranh, các cậu ạ, cái gì cũng phải định mức hết. Cụ Cudia sẽ đi cùng với các cậu và phụ trách chung. Bây giờ thì ai về nhà nấy đã. Nhớ mặc ấm vào. Đúng mười một giờ có đoàn tầu đỗ đối diện đây, sẽ có một toa được sưởi ấm, nhớ đừng chậm.
Mỗi cậu tiếp nhận một cách khác nhau tin báo của bác đốc công. Không lấy gì làm mừng lắm nhưng cũng không ai kêu ca, tuy có đột ngột thật.
Mười một giờ, cụ Cudia và đốc công đã chờ các cậu trong toa ấm. Các tấm ván kê làm chỗ nằm được trải một lớp rơm đã ngả màu đen. Trong góc toa có rìu, cưa, dây thừng, các cuộn dây thép gai cũ, một đống đinh bu-long, khoảng mười thanh ốp đường ray, búa và cờ lê vặn ốc. Mọi người trong đội đã đến đông đủ.
- Có lẽ chẳng cần phải dặn thêm gì nữa - Piôt Pêtrovich nói - Tự các cậu cũng biết là phải nhanh chóng chất củi lên xe và trở về. Không được đùa nghịch trong khi làm việc. Làm thế nào đừng để cụ Cudia phải xấu hổ là được. Cụ ấy chịu trách nhiệm về các cậu đấy.
- Bác cứ yên tâm. Tất cả sẽ tốt đẹp như trong chuyện Sừng vàng - cụ Cudia nói
Ông đốc công đi khỏi. Chiếc đầu máy điều phối đẩy bảy toa phía trước, kéo thêm chiếc toa được sưởi ấm của các cậu phía sau, từ từ chuyển bánh. Phía ngoài Taiset, nhánh đường sắt mới, đi Bratxco được khởi công xây dựng từ trước chiến tranh, có chỗ đã bắt đầu lún, vì vậy tàu phải đi chậm, như thể vừa đi vừa dò đường.
Hôm sau mọi người đến chỗ làm việc. Từng đống gỗ được xếp theo đường sắt, tuyết phủ dày trông như những nóc nhà cao hàng chục mét.
Từ đêm trước, cụ Cudia đã thấy trong người khó chịu. Cụ gọi đội trưởng lại, nói:
- Không hiểu sao lão thấy trong người khó chịu quá. Ê ẩm toàn thân. Bị cảm chắc. Bây giờ mà được tắm hơi nước và lấy chổi bạch dương mà đập vào người là khỏe ngay - Ông cụ thều thào nói - Tức ngực. Giamin ạ, cháu hãy hướng dẫn mọi người xếp củi lên xe. Cháu biết phải bắt đầu thế nào rồi chứ?
- Tất nhiên là cháu biết. Lúc đầu phải chọn những đống ở xa…
- Đúng, thôi đi đi. Để lão nằm nghỉ một chốc.
Các cậu ầm ĩ chui ra khỏi toa. Có một cậu bước ra rìa đường, lập tức bị ngập tuyết đến vai. Các cậu khác xúm lại vui vẻ lôi người ta lên.
- Ở đây thì chỉ có bơi thôi chứ làm việc gì được - Lênca Crittốp, có biệt hiệu là cậu Rỗ, nhân thế pha trò. Không ai biết tại sao lại gọi là Rỗ, vì mặt cậu ta nhẵn nhụi, dễ coi. Trong đội, Lênca là người lớn tuổi nhất. Cậu ta từ Ôđetxa tới Taiset, được nhận vào đội cách đây hai tháng. Lúc mới làm quen, cậu ta tự giới thiệu: “Mình là Rỗ, biệt hiệu đấy”. Những ngày đầu cậu ta tỏ vẻ rụt rè, ngoan ngoãn. Công nhân thấy thế thường bảo nhau:
- Chiến tranh thế đấy, khổ thân thằng bé..
- Ở đây không bơi mà chúng ta phải xếp gỗ lên xe - Giamin chữa lại câu nói của Lênca, rồi quay sang phía các bạn: - Phải bắt tay ngay vào dọn chỗ làm việc, một lúc cho cả ba toa. Tuyết thì có thể san bằng hay lấy xẻng mà dọn sạch đường đi. Hôm nay chúng mình chuẩn bị mọi việc, ngày mai sẽ bắt đầu xếp… Thế nào, được không?
- Bắt đầu đi, cậu là đội trưởng cơ mà! - Lênca nói và quay ngang nhổ nước bọt đánh choẹt một cái.
Mọi người bắt đầu làm việc. Tuyết khô tuột khỏi xẻng như thủy ngân. Có cậu đã cởi áo khoác.
- Này, ai là đội trưởng ở đây? - người lái tàu nhô đầu ra khỏi toa ấm, hỏi to.
- Kia, cái anh đội mũ lông chó ấy. Một người đội trưởng có tư tưởng cao - Lênca nói rồi phá lên cười.
- Bảo cậu ta lại đây! - người lái tàu lại gọi.
Giamin leo lên toa và sửng sốt thấy cụ Cudia đang mê sảng.
- Vừa rồi trước khi về, tôi nghĩ bụng hay tôi lại chỗ ông già một chút, xem có cần nhắn gì về thủ trưởng xưởng không. Dù sao thì chỉ mình ông cụ ở đây với các cậu, giữa rừng sâu… Đến nơi thì thấy ông cụ thế này đây, - anh lái tàu vò nhàu trong tay chiếc mũ màu nâu dính đầy dầu mỡ và dầu madut - Cũng may là tôi ghé vào. Nếu không, tôi đi rồi thì các cậu sẽ có khối chuyện phải lo thêm. Làm thế nào bây giờ nhỉ? - người lái tàu nói như tự hỏi mình - Không thể để ông cụ ở đây thế này được. Hay thế này cậu nhé, bây giờ tôi sẽ chở ông cụ đi. Đến tối thì tôi về tới nơi.
Giamin đứng im bối rối
- Còn chúng tôi thì sao? - cậu thốt lên.
- Chất củi lên toa. Cậu là đội trưởng sao còn hỏi. Ba ngày nữa tôi sẽ lại đây đón các cậu.
Khi cụ Cudia được bọc kín trong chiếc áo ấm, người lái tàu và anh phụ lái khiêng cụ lên đầu máy. Ông cụ trông chẳng khác gì một đứa trẻ.
- Các cậu phải làm thế nào cho đâu vào đấy nhé! - người lái tàu nhô đầu ra khỏi ô cửa sổ được bọc đệm cũ xung quanh, nói như ra lệnh.
Chiếc đầu máy chở cụ Cudia đi khỏi. Trong rừng như trở nên cô đơn và im lặng hơn.
Ăn tối xong Giamin đi nằm ngay và bảo các bạn cũng làm thế, vì ngày mai sẽ phải làm việc nhiều.
Giamin thiếp đi như bị rơi tõm xuống nước, và cũng bỗng tỉnh dậy nhanh như khi ngủ. Cậu có cảm giác như chưa ngủ tí nào. Chiếc lò sưởi vẫn đỏ lửa như cũ. Một số cậu đang ngồi với nhau, Côlia nằm co bên cạnh.
- Sao các cậu chưa nằm ngủ? - Giamin hỏi.
- Thì việc gì đến cậu? Cậu tưởng là đội trưởng thì ghê lắm đấy à? - cậu Rỗ càu nhàu - Cậu muốn ngủ thì cứ ngủ đi.
- Lênca, trả lại mình đi, về nhà mình sẽ đưa cho cậu... Nếu không, còn ba ngày nữa, lấy gì mà ăn... Gôga mếu máo.
- Im đi! Biết thế sao còn chơi!
“Ra các cậu ấy chơi bài. Đồ khốn! Liệu hồn!”
Giamin tụt khỏi giường. Quả đúng các cậu ấy chơi bài thật.
- Nào ai muốn thắng thì đặt ra nữa đi! - Lênca đề nghị - Nếu thua, về nhà trả cũng được. Còn cái này - hắn vỗ vào đống bánh mì - thì đã xong xuôi rồi. Trước là của các cậu, bây giờ là của mình. Chịu khó nhịn đói ba ngày. Các cậu có phải trí thức đâu mà sợ. Thế nào, đồng ý không?
Đến giờ Giamin mới nhận thấy là tay của Lênca rất dẻo, như không xương vậy. Những ngón tay mảnh khảnh, trắng trẻo của hắn dính chặt vào các quân bài.
- Trả bánh mì lại cho các cậu ấy! - Giamin cúi gần Lênca, cố lấy giọng bình tĩnh nói.
- À, ra thế! - thằng Rỗ nghiến răng - Thằng đểu, mày dám cậy quyền à! Ở đường phố Đeribaxop những thằng như mày tao cũng đã cho…
Giamin hầu như không hiểu tí gì những lời nói dọa dẫm của hắn.
- Cậu không được rống lên như một thằng điên thế! Còn bánh mì thì phải trả lại. Phải làm việc các cậu ấy mới nhận được từng ấy bánh mì...
- Này! - thằng Rỗ dùng đầu húc từ dưới lên vào ngực Giamin.
Giamin tay ôm mũi bị chấn thương, lùi lại. Cậu chưa kịp hiểu bằng cách nào mà nó có thể làm cậu đau như vậy. Các cậu khác hoảng sợ chạy ra hai bên.
- Sao mày lại đánh tao thế, đồ khốn? - Giamin che mũi, hỏi và xông vào Lênca.
- Được, bây giờ tao sẽ dạy cho mày, nhóc ạ - Lênca lôi ra một chiếc dao găm từ phía sau chiếc ủng, rồi nheo đôi mắt nâu, đẹp của hắn, nói.
“Giết thì nó không dám, nhưng nó có thể đâm mình bị thương” - Giamin bình tĩnh nghĩ. Thằng Rỗ nhẹ nhàng bước lại gần, tin chắc là không ai làm gì được nó:
- Thế nào, trả bánh lại cho các cậu ấy hả?
Cặp mắt của Giamin dừng lại ở chiếc xẻng dựng cạnh tường.
Cậu vội vớ lấy nó, nện vào vai thằng Rỗ. Hắn rú lên, vung dao. Giamin còn muốn nện cho hắn một gậy nữa, nhưng một đầu xẻng đã bị vướng vào phản…
Lênca đã thấy trước là kẻ thù sẽ bị quật ngã dưới chân mình. Hắn đứng cúi đầu, mỉm cười một cách ngu độn, môi dưới trễ ra.
Nhưng lúc đó, từ phía sau, như hai gọng kìm, đôi tay Côlia túm chặt lấy tay hắn, kéo giật về phía mình rồi xô ngã vào chiếc lò sưởi nóng bỏng.
Lúc đầu là mùi vải cháy, sau là tiếng Lênca kêu thé lên:
- Ôi, chết cháy mất!
Côlia lại vật ngã hắn lần nữa, lần này thì xuống sàn toa.
- Vì Giamin, tao giết mày!
Các cậu khác xúm lại lôi Côlia ra. Thằng Rỗ rên rỉ vẻ thảm hại:
- Mình chỉ định dọa chơi... Thế mà cậu ấy xô mình ngã vào lò sưởi nóng bỏng… Cái dao bé tí thế kia, đâm chuột cũng chẳng chết… Ôi ôi ôi... Phần bánh các cậu, các cậu cứ lấy đi…
- Câm mồm, đồ khốn! Không tao nện nữa bây giờ - Côlia dọa.
Lênca cố im nhưng không chịu nổi, vẫn tiếp tục kêu đau, hai tay đỡ chiếc quần bị cháy sém.
- Cháy ở đâu?
Hắn quay đít lại.
- Đây!
- Lấy xà phòng xát là khỏi, nhưng phải mất xà phòng cho những thằng khốn như mày thì tiếc lắm.
Lênca vẫn rên hừ hừ như chó. Đôi mắt mở rộng và đẹp của hắn đầy vẻ hoảng sợ, Giamin cầm gậy đi lại. Hắn co người lấy tay che chỗ bị bỏng.
- Thôi, câm đi, đừng rên nữa. Nước mũi cũng dùng được đấy. Cởi quần ra - Giamin ra lệnh.
Lênca chần chừ, nó đưa mắt sợ sệt, lúc thì nhìn chiếc dao trong tay Côlia, lúc thì nhìn chiếc gậy trong tay đội trưởng.
- Phải chờ mời nữa à? - Côlia quát.
Thằng Rỗ luống cuống, nhăn nhó vì đau, bắt đầu cởi chiếc quần bị cháy.
- Cúi xuống, đứng yên nào! Đồ khốn! Còn phải chữa cho mày nữa! Xì mũi đi, các cậu, không, hắn sẽ không làm việc… Một ít nhũ tương sẽ đỡ… Bây giờ thì nằm sấp mà ngủ…
Khi trong toa đã yên tĩnh trở lại, Giamin nói:
- Chúng mình là lính coi ngục hay sao mà chơi bài để ăn bánh của người khác làm họ phải nhịn đói?! Hả?
Các cậu khác lặng thinh.
- Thế nào, sao lại lặng thinh cả thế? - Giamin lại hỏi.
- Thế thì nói gì? - Lênca vừa rên vừa đáp - Bọn chúng ngủ cả rồi. Vì tí bánh mà ném người ta vào lò sưởi đang cháy… Thế mà cũng là đoàn viên thanh niên cộng sản…
Thời thơ ấu gian khổ
PHẦN I - Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII
PHẦN II - Chương I
Chương II
Chhương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII