Chương XVII
Tác giả: Iamin Muxtaphin
Đối với Giamin và các bạn, mùa đông 1945 trôi qua rất nhanh. Các cậu làm việc mỗi ngày mười hai giờ, hầu như không có ngày nghỉ.
Các đợt tấn công của quân ta ở mặt trận đã tiếp thêm sinh lực cho hậu phương đã hầu như kiệt quệ. Tất cả đem hết sức ra làm việc, ai cũng biết ở mặt trận nào quân ta đang đánh mạnh, và ai là người chỉ huy. Mọi người tranh nhau nhổ đi cắm lại những chiếc cờ nhỏ tí hon trên tấm bản đồ đem sạm vì bụi và bồ hóng. Những người khác đứng xung quanh, ồn ào tán thưởng và bông đùa.
- Cắm ngay vào Béclanh thử nào!
- Thì thế nào mà ta chẳng tới đấy!
- Ấy không được, Gơben không bằng lòng đâu!
- Đúng thế, vì lão ta cứ kêu là quân ta đánh không theo một chiến thuật nào cả!
Một vài người nghe bản tin cuối cùng của phòng thông tin, đi tới chỗ làm việc sớm hơn ngày thường, viết lên bản tin số lượng quân địch bị ta diệt, bị bắt làm tù binh và số phương tiện kỹ thuật ta thu được…
Những ngày này đội thanh niên cộng sản tình nguyện tăng chỉ tiêu sản xuất. Các cuộc họp hay hội ý chớp nhoáng được tiến hành ngay ở chỗ làm việc.
Đốc công Xamôrucốp thường nói với những công nhân hay kêu chỉ tiêu quá cao và không có đủ nguyên liệu:
- Khó khăn hết chỗ nói. Nhưng anh hãy nhìn mấy cậu kia xem…
- Gì mà phải nhìn, lại không thấy hay sao? Các cậu ấy bây giờ thì đâu mà chẳng có!
- Có cái để mà nhìn đấy, các đồng chí ạ. Lứa tuổi này, đáng lẽ còn đang chơi đùa mà đã ba năm nay các cậu ấy lăn lộn trong khói và bụi của xưởng, làm việc như người lớn, mà không hề kêu ca. Có ai nghe các cậu ấy kêu ca bao giờ chưa? Chưa! Đấy, đấy… Trông chúng như những ông già bé nhỏ… Chúng làm ra một nửa sản phẩm của xưởng ta đấy. Thế mà có cậu còn tranh thủ đi học được.
- Đấy là việc của các cậu ấy…
- Không, các đồng chí, đấy là việc của chúng ta, của tôi, của anh, của Nhà nước!
Rồi liếc nhìn những đôi mắt thiếu ngủ của các cậu, Piốt Pêtrôvích nhai nhai những sợi ria nói giọng khản đặc:
- Phải thế, các cháu ạ… Tiền tuyến yêu cầu phải thế. Các cháu hiểu điều đó, - Rồi ông bỏ vào phòng mình, lần lượt gọi điện thoại hết phòng kế hoạch đến đảng uỷ, thủ trưởng tuyến đường sắt. Với ai ông cũng hỏi họ nghĩ gì khi giao cho ông những chỉ tiêu lớn như vậy, và họ quên là xưởng ông hầu như chỉ độc trẻ con làm việc, phải không? Và lúc nào ông cũng được trả lời một câu giống nhau:
- Chúng tôi hiểu, Piốt Pêtrôvích ạ. Chúng tôi hiểu anh lo cho các cậu bé, nhưng bọn phát xít có hiểu thế không, mặt trận có chờ không…
Mặc dù mùa đông năm 1945, Giamin gặp rất nhiều khó khăn - thời tiết lạnh, hay có bão tuyết, luôn phải lưu động, lúc thì vào rừng lấy củi, lúc thì giúp công nhân đường sắt, lúc bốc xếp tà vẹt… cậu vẫn tiếp tục học. Nhiều lần mẹ cậu đã bảo cậu thôi đừng giày vò mình bằng những quyển sách ấy nữa, và nên như người khác tranh thủ ngủ thêm một vài giờ, nghỉ lấy sức, chứ dạo này trông người chẳng ra người, hồn chẳng ra hồn. Hết chiến tranh, các anh cậu trở về, sẽ cáng đáng mọi việc, lúc ấy tha hồ học bao nhiêu thì học.
- Không, con sẽ học xong trường phổ thông năm nay, - kiên nhẫn ngồi nghe mẹ xong, Giamin bướng bỉnh đáp - Mẹ có biết anh Xưrômachin nói gì không? Sau chiến tranh sẽ rất cần người có học! Ông hiệu trưởng cũng bảo vậy, và cả Piốt Pêtrôvích nữa… Họ hiểu hơn mẹ và con!
- Thôi, tuỳ con. Họ là những người thông minh, họ nói đúng. Có điều thấy con thế, mẹ không nỡ.
Bà mẹ không biết gì về ước mơ thầm kín của con trai, về tình yêu của cậu. Còn Giamin thì quyết định là hết lớp mười cậu sẽ tới Mátxcơva, sẽ vào đại học. Vì điều này, cậu sẽ sẵn sàng chịu đựng tất cả mọi khó khăn thiếu thốn…
… Tin nước Đức phát xít đầu hàng vô điều kiện đến Taisét vào ban đêm. Thị trấn yên tĩnh, đang sống trong nhịp địêu thời chiến, bỗng như bùng nổ. Tất cả các cửa được mở toang. Người ta chạy ùa ra ngoài trời lạnh. Bầu trời xanh đen đầy sao lấp lánh ánh bạc. Họ kêu đến rát cổ: “Thắng lợi rồi”. Họ khóc, họ vừa nhảy vừa chạy như bay tới những nhà đang ngủ, đấm thình thình vào cửa rồi kêu to: “Thắng lợi rồi”
Khi đã bình tĩnh trở lại một chút, người dân Taisét mới nhận thấy là trong toàn thị trấn hầu như không có đàn ông khoẻ mạnh, chỉ còn độc trẻ em, thiếu niên, phụ nữ, thương binh và một ít ông già. Phụ nữ ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở, thương tiếc những người đã hi sinh, những người dũng cảm, xinh đẹp đã hiến cả cuộc đời mình vì họ, vì một tương lai tốt đẹp.
Cái giờ phút ấy, người ta đã chờ suốt bốn năm trời đằng đẵng.
…. Giamin tốt nghiệp trường phổ thông vào loại khá và gửi hồ sơ lên Mátxcơva. Chỉ có Côlia Xôcôlốp biết điều này. Khi có giấy gọi học, có lẽ thím Samsura là người ngạc nhiên nhất.
- Sao phải đi học xa thế? Học ở Ixcrutxcơ không được à? Gần nhà. Để mẹ còn có thể gửi khoai cho, và hè con còn về thăm nhà nữa chứ…
- Con phải tới Mátxcơva mẹ ạ, phải tới! - cậu con trai nhất quyết nói.
Thấy vậy thím Samsura quyết định nhờ Xtêpan Xôcôlốp bàn với Giamin. Ở nhà Xtêpan, thím thấy Grunhia đang phơi quần áo vừa giặt.
- Thì thằng nhà tôi cũng đang định bỏ đi học xa đấy, - Grunhia buồn rầu nói – Đi đâu cơ chứ? Ông nhà tôi làm sao mà nuôi nổi cả gia đình này? Thế nhưng nó có chịu hiểu cho như vậy đâu. Và một phần cũng tại bố nó nữa. Cứ bảo là để nó đi. Thế đấy…
Thím vào trong nhà, có thể con mình không khuyên được, nhưng biết đâu nhà tôi khuyên được thằng Giamin cũng nên.
Hồi lâu thím Samsura kể về đời mình và con trai cho Xtêpan nghe. Xtêpan nói, vẻ thông cảm:
- Tất nhiên Mátxcơva xa thật, nhưng chúng ta làm sao mà biết được cái gì đã lôi cậu ấy tới đấy? Mà bây giờ ta khuyên nên đi nơi này nơi nọ liệu có đúng không? Giamin là một thanh niên có tinh thần tự lập, ba năm vừa học, vừa làm việc mà đã chịu đựng đợc. Có phải ai cũng làm được như cậy ấy đâu. Như thằng Côlia nhà tôi đấy, học được năm rưỡi đã bỏ. Bây giờ mới lao vào học tiếp. Nó bảo sẽ thi vào trường trung cấp kỹ thuật. Thằng Gôga cũng thế. Bà nhà tôi không muốn. Sự việc là thế đấy, thím Samsura ạ. Bây giờ mà không có kiến thức thì không làm được gì đâu. Xa thì xa nhưng không sao.
- Ừ, thế cũng được.. – thím Samsura đồng ý.
…Tàu Vlađivôxtốc – Mátxcơva đã chậm bốn tiếng. Ra tiễn Giamin có tất cả những người trong đội cũ của cậu, những người hàng xóm và một số học sinh nam nữ cùng lớp. Những người ra tiễn nói với nhau đủ mọi chuyện trên đời, có điều là họ tránh nói đến chuyến đi xa của Giamin. Họ nói đùa, họ cười song cũng như bất kì một cuộc chia li nào, buổi tiễn hôm nay cũng đượm buồn.
Mặc dù chiến tranh kết thúc đã hai tháng, song không khí chiến tranh vẫn còn cảm thấy khắp nơi, sân ga đầy người mặc quân phục. Từ các đường gần đấy, vẫn có thể nghe tiếng ồn ào vọng lại, nhất là khi có các đoàn tàu quân sự vào ga, anh em bộ đội từ các toa ùa ra Họ vui vẻ, sôi động, mặc áo lính, ngực đầy huân chương và huy chương. Không khí ngày lễ vẫn chưa rời khỏi họ, những người vừa từ lò chiến tranh ra, vừa làm nên chiến thắng. Anh em bộ đội nói đùa, mời nhau hút thuốc.
Cuối cùng, đoàn tàu đã đến, sau khi chậm bảy tiếng. Đám đông ùa chạy tới các toa. Các nhân viên hoả xa không cho ai lên tàu, luôn tay vẫy cờ hiệu và kêu to đến lạc cả giọng:
- Đi đâu, đi đâu thế? Không thấy người ta ngồi cả ở cửa vào đấy à? Định ngồi lên đầu người ta chắc?
Nhưng hành khách không chịu nghe vẫn tiếp tục tấn công vào những toa xe đã chật ních người. Họ luồn các tay nải các vali vào cửa sổ rồi qua vai bạn bè chui người vào theo.
- Đóng cửa sổ lại! Đóng cửa sổ lại! – các nhân viên hoả xa thét lên.
- Ngột lắm! Không thở được – có người đáp lại
- Không chết đâu! Đóng lại, đóng lại!
Giamin chạy đến toa số tám, dí chiếc vé vào tay một cô béo, mặt đỏ như gấc.
- Cái gì thế này? À, giấy thế này thì ai muốn mà chẳng có hàng đống! Tránh ra cho người ta xuống.!
- Cô ơi, đây là vé tàu, có phải giấy gì đâu! – Giamin kêu to, vẫn tiếp tục dí chiếc vé vào lòng bàn tay bẩn của cô nhân viên.
- Tôi có mù đâu. Tránh ra, đã bảo là tránh ra mà. Kẻo tôi đánh vào mặt!
- Thôi, con ạ, thế càng hay, ở nhà cũng được.. Xem đấy, đi thế nào được? – thím Samsura vừa khóc vừa nói, vất vả lắm mới không bị người khác chen ngã.
Nghe mẹ nói, Giamin càng nóng rụôt:
- Này cô ơi, cô không phải doạ cháu. Cháu cần tới Mátxcơva, tới trường đại học…
- Thì có ai đến ga tới xuống đâu. Tất cả đều đi Mátxcơva. Thôi, tránh ra, đừng quấy rầy nữa. Tại sao nhất thiết phải lên toa này? Tới toa khác mà lên. Hay cậu mê tôi hơn. Ha, ha, ha! – thân hình to lớn của cô ta rung lên.
- Cháu có vé tới đấy… - Giamin nói, vẻ lo lắng không còn tự chủ như trước nữa.
- Ha, ha, vé à? Bây giờ ai mà chẳng có vé? – cô nhân viên nói to, tay vẫn xô hành khách không cho vào.
- Thôi kệ mụ ấy. Trèo qua cửa sổ mà vào! – Côlia nói
- Đứng lên vai mình đây, kẻo không vào được đâu, thật mà! – Gôga nói thêm vào và đưa mắt nhìn xem có cửa sổ nào mở không.
Giamin định làm thế thì bỗng nghe sau lưng giọng nói khàn khàn của Xamôrucốp:
- Giamin, sao bây giờ còn loay hoay ở đây? Tàu sắp chạy mà cậu còn đứng thế?
- Vì cô nhân viên không cho vào?
- Cô ta định gây sự đánh nhau
- Không phải nhân viên mà là một mụ ba que! – các cô gái tranh nhau nói nhao nhao.
- Khoan, bình tĩnh nào. Piốt Pêtrôvích chen lại gần cô nhân viên đang nổi giận – Này đồng chí, sao làm ầm ĩ lên thế? Sao người của mình, nhân viên đường sắt mà không cho đi? Chúng tôi chữa đường cho các cô mà các cô không thèm biết. Thế là không tốt. Trưởng tàu đâu?
Thấy trên vai Xamôrucốp có mang phù hiệu đường sắt, cô nhân viên dịu giọng hỏi:
- Thế ai đi?
- Người này chứ còn ai nữa! – chen được lên phía trước, Côlia chỉ vào bạn
- Sao không nói ngay từ đầu là nhân viên đường sắt? – cô ta nhìn Giamin vẫn không lấy gì làm thiện cảm lắm, rồi nói như ra lệnh – Trèo lên nhanh, tàu chạy bây giờ đấy. Có còi hiệu rồi.
Nhưng đến lúc này thì thím Samsura lại ôm chặt lấy con, không muốn rời ra nữa. Cô nhân viên cộc cằn nói;
- Thôi, đừng quấn quít nhau nữa! Có phải đi chết đâu. Này cậu kia, trèo lên nếu không cho ở lại bây giờ!
- Lên đi, lên đi – Xamôrucốp ẩy vai Giamin - viết thứ về nhé, đừng quên bọn mình đấy - Rồi ông ôm vai thím Samsura đang khóc nói – Không sao, bác ạ, đâu sẽ vào đấy…
- Này, Giamin! – Gôga ném chiếc va li đen một nửa chất đầy sách giáo khoa lên tàu.
Giamin định chen ra cửa, nói vài lời từ biệt, nhưng không được vì cậu luôn bị những người chạy theo tàu nhảy lên xô vào trong. Thân hình đáng sợ của cô nhân viên đứng che hết cả lối ra vào. Tiếng kêu và chửi xung quanh làm cậu không nghe rõ lời chào tiễn biệt của những người đi tiễn.
Mẹ cậu buồn rầu đứng nhìn theo đoàn tàu đang chở đứa con út của bà đi xa, cho đến khi khuất hẳn mới thôi. Đứng xa hơn một tí là các bạn cậu và đốc công Xamôrucốp. Lần về nghỉ hè đầu tiên, chắc bác ta sẽ không còn sống nữa: “Những năm chiến tranh đã rút hết sức lực bác ấy…” - mọi người bảo vậy.
Ở đầu ga, phía kia, ông hiệu trưởng đứng một mình, thong thả lau cặp kính dày. Qua khe hở, Giamin đã nhìn thấy ông. Cậu cố chen ra cửa, kêu to:
- Thầy Ruvim Ixacôvích! Tạm biệt! Cám ơn thầy!
Ruvim Ixacôvích đưa kính lên mắt giơ tay vẫy theo:
- Tạm biệt, Giamin, tạm biệt…
Trong toa thật là ngột ngạt, phải đến năm, sáu người ngồi một ghế tầng dưới. Tầng hai và tầng ba cũng chật cứng người. Đâu cũng thấy vali, ba lô, túi xách. Trẻ con khóc inh ỏi, người lớn thì như thi nhau xem ai kêu to hơn.
Giamin không dám vào trong toa, đặt chiếc va li cạnh tường, ngồi lên đấy, một chốc sau cậu ngủ thiếp đi.
Rồi có người lay vai làm cậu tỉnh dậy.
- Cậu này, dậy… Gì mà xỉu ngay thế? Đi Mátxcơva phải không? Định ngồi ở đây mãi chắc? Sao không vào trong toa?
- Trong ấy có còn chỗ nào mà len chân nữa đâu… - Giamin đáp, vẫn chưa biết rõ mình đang ở đâu – không sao, cô ạ. Cháu ở đây cũng được…
- Hừ, thế mới phiền! Cầm va li theo tôi! - rồi cô ta dẫn cậu vào phòng dành riêng cho nhân viên phục vụ, nếu như có thể gọi nó là phòng được, vì ở đấy chỉ có hai tấm ván nằm được che bằng những chiếc chăn lính.
Trên tầng hai, một cô nhân viên khác đang ngủ say.
- Đấy, cậu nghỉ đây…
- Thế cô ở đâu? – Giamin hơi lùi lại
- Hành lí của cậu chẳng lấy gì làm nhiều. Ở đây bao giờ cũng có một giường trống. Tên cô là Cơxênhia, còn cô kia là Valia. Cô ta hất hàm chỉ lên giường trên.
Giamin hoàn toàn lúng túng trước dịp may hiếm có này, đến nỗi cậu không biết nên nói gì, làm gì với cô nhân viên mà vài giờ trước đây đã doạ cho cậu ăn đấm này.
- Sao đứng im như phỗng thế? Đặt va li xuống, ngồi nghỉ đi. Cùng cánh đường sắt với nhau cả mà. Nếu không có bố cháu thì nhất định cô không cho lên đâu. Bố cháu làm gì thế?
- Ông ta không phải là bố cháu… Đấy là đốc công Xamôrucốp… Bố cháu chết rồi…
- Người dưng mà như bố con vậy
- Piốt Pêtrôvích của chúng cháu thế đấy! Bên ngoài thì trông có vẻ khắc khổ nhưng bác ta là người tốt. Chính cháu cũng là nhân viên đường sắt. Thì cô cũng vậy, mới đầu chỉ trông cũng đủ sợ, thế mà…
- Tên cháu là gì?
- Giamin…
- Tên gì nghe đến lạ… Cháu xem, Giamin, cô mà không làm ghê gớm thế thì cái toa này đã nổ tung ra từ lâu, và người ta đã giẫm nát cô ra… Nằm nghỉ nhé, để cô lại đi chiến đấu nữa. Sắp tới ga mới.
Càng đi xa Taisét, Giamin càng hồi hộp
Tiếng ồn ào, cảnh chen chúc nhau trên sân ga, các đoàn tàu quân sự, tiếng rao hàng của những người bán sữa chua, khoai tây luộc bọc trong những chiếc lá rộng, hoa quả, tất cả những cái ấy hình như di chuyển theo đoàn tàu từ ga này đến ga khác. Những chú bé lang thang không ai chăm sóc nhanh nhẹn chui hết chỗ này đến chỗ nọ để kiếm ăn. Người ta chen nhau mua bán áo sơ mi, áo khoác ngoài, ủng lính, thường thường thì họ đổi những thứ đó để lấy bánh mì, xà phòng và thuốc lá.
Lúc đầu, rừng taiga còn như trùm lấy đường sắt và con tàu như mũi tên xuyên qua nó, nhưng tới gần Nôvôxibiếcxcơ thì rừng taiga đã lùi đến tận chân trời, còn thảo nguyên với những cây cối xác xơ và vô số các hồ nước nhỏ hiện ra trước mặt. Lần đầu tiên, Giamin được nhìn thấy một vùng rộng lớn thế này mà không có rừng, và điều này làm cậu hết sức ngạc nhiên. Chân trời cũng chạy nhanh như đoàn tàu vội vã.
Ba ngày đầu, Giamin còn chưa hỏi bao giờ thì tới Mátxcơva, nhưng sang ngày thứ tư thì sáng nào cậu cũng hỏi:
- Cô Cơxênhia, sắp tới chưa?
- Sắp tới rồi, sắp rồi, cậu bé ạ. Chúng ta ngày một tới gần Mátxcơva đấy…
Đoàn tàu đi qua Craxnôiácxcơ, Nôvôxibiếcxcơ, Xvécđlốpxcơ. Qua mỗi thành phố, Giamin lại nói:
- Chẳng nhẽ Mátxcơva còn to hơn à?
- To hơn chứ, to hơn. Giamin ạ. Tới nơi, cậu sẽ thấy.
Rồi một sáng, mọi người bỗng nhiên nhốn nháo hẳn lên như đang thiu ngủ bỗng chợt tỉnh dậy và bắt đầu sửa sang lại mình. Bảy ngày đêm liền các cửa sổ tàu luôn mở đã hút vào một lượng bụi và chất bẩn đủ biến hành khách thành những người đốt lò. Người ta cột lại túi, xếp lại va li, nhắc đến các tên phố, ga tàu điện ngầm, những người Mátxcơva nói đến thành phố thân yêu của mình như nhắc đến một người sống.
- Thôi, chúc cháu mọi sự tốt lành, Giamin! Đã đến Mátxcơva của cháu rồi đấy! – Cô Cơxênhia nói, dịu dàng như một người mẹ, khi đoàn tàu giảm tốc độ chạy vào ga - Cứ bình tĩnh. Từ đây đi thẳng tới trường. Có xe điện tới đấy. Hình như xe “B” thì phải. Chúc cháu may mắn…
- Cảm ơn cô, cô Cơxênhia! Thế nào cháu cũng sẽ tới nơi thôi, - Giamin mỉm cười, bối rối đáp.
Ga Iarôxlápxki đầy tiếng ồn ào đến nhức tai và tiếng người nói khác nhau. Dòng người đủ màu sắc đang tuôn vào các cửa ga. Đã vào đây thì không thể dừng lại được. Giamin mấy lần hỏi bến xe điện đâu nhưng mọi người đang vất vả vì những túi xách và va li chỉ lặng lẽ gật đầu chỉ đâu đấy về phía trước rồi lại đi tiếp.
Theo đám đông, Giamin đã đến được bến xe điện. Xe điện thì chiếc nào cũng giống chiếc nào, và chật ních người. Ngồi nghỉ trên vali, cậu cảm thấy gần nửa giờ qua đã làm cậu mệt mỏi hơn cả một ca làm ở xưởng cơ khí. Lưng cậu đẫm mồ hôi, đầu choáng váng.
Mặt trời tháng bảy rực lửa đã tụt xuống đằng sau những dãy nhà cao, hắt những chiếc bóng dài, quái dị trên mặt đường nhựa bị cày nham nhở trong những năm chiến tranh. Ở bến người thưa dần mà xe điện “B” vẫn không thấy đâu.
Rồi đèn bật sáng khắp nơi. Hàng nghìn ngọn đèn đã chiếu sáng thành phố. “Thế này thì tốn biết bao nhiêu là điện nhỉ” – Giamin nghĩ bụng và nhớ tới Piốt Pêtrôvích, một người mà ai vô cớ bật một ngọn đèn nhỏ nào đấy sẽ bị ông quở mắng thậm tệ, “Bác ấy mà ở đây thì phải biết!” - cậu thoáng nghĩ.
Giamin chờ năm tiếng liền mà xe “B” có thể chở cậu về trường vẫn không thấy. “Hay cô Cơxênhia nhớ nhầm?” Bỗng nhiên cậu cảm thấy mình rất nhỏ bé. Hàng nghìn người đang đi qua trước mặt cậu, người nào cũng bận việc của mình, chẳng ai để ý đến cậu bé chân đi ủng với những ống gập lại, đang buồn bã ngồi trên chiếc vali gỗ. Xe điện hết chiếc này đến chiếc khác, đèn sáng trưng ầm ầm đi qua trước mặt cậu.
Hoàn toàn mệt mỏi và váng đầu vì tiếng ồn của một thành phố lớn, Giamin đang lơ đãng nhìn những gì xảy ra xung quanh thì một anh công an đi lại, nghiêm khắc hỏi cậu đang làm gì ở đây.
- Cháu chờ xe điện… - Giamin uể oải đáp
- Đã hàng chục chiếc xe đi qua mà sao cậu còn ngồi ở đây? Xem chừng đừng giở trò với tôi đấy nhé! Giấy tờ đâu? Đưa xem!
- Thật mà, cháu chờ xe “B”. Cháu tới đây để học…
- Đưa giấy tờ đây đã, sau hẵng nói tới cái xe điện mà cậu chờ. Bọ vẫn chẳng chạy luôn đấy là gì?
- Bọ nào cơ ạ? Đây, giấy thông hành và giấy gọi học của cháu đây.
- Xe “B” chứ còn “B” nào nữa, - anh công an đáp, đã thân mật hơn trước vẫn chăm chú xem giấy tờ của Giamin - Giấy tờ ổn cả. Đúng là cậu phải đi xe “B” thật, cậu bé Xibêri ạ. Kia, nó đến kia rồi.
- Đâu?
- Không nhìn thấy hay sao mà còn hỏi “đâu”? Có hai đèn tím và xanh trên đầu, và ở giữa là chữ “B”, thấy chưa?
- Ừ nhỉ, đúng rồi. Thế mà cháu cứ nhìn phía dưới, nơi có ghi các con số. Cháu cứ nhìn xem tàu này mang số 3434…
Anh công an cười to, vỗ vai Giamin:
- Thế thì có chờ đến sáng mai, cậu bé ạ. Đó là số toa xe chứ không phải số tuyến xe chạy. Có phải lần đầu tiên thấy xe điện không?
- Vâng…
- Không sao… Sẽ quen dần. Mátxcơva rất mến khách, mặc dù lúc đầu có thể làm người ta sợ. Rồi đâu sẽ vào đấy. Thôi lên đi, kẻo không lại bảo không thấy xe “B” đâu cả.
- Không, cháu không bảo thế nữa đâu. Bây giờ cháu biết rồi. Cảm ơn chú!
- Nhanh lên, nhanh lên, đêm đã khuya rồi…
“Giá vé bao nhiêu nhỉ?” – Giamin nghĩ bụng khi bước vào toa xe trống gần một nửa – “Đáng lẽ phải hỏi anh công an lúc nãy” Tự cho mình là người thành phố và không muốn bị hố nữa, cậu tiếp tục nghĩ: “Tất nhiên, đi càng xa thì vé càng đắt. Vé đường sắt cũng vậy. Mình cứ đưa một tờ 30 rúp, nếu không đủ sẽ đưa thêm”. Cậu rụt rè đưa tờ giấy bạc đỏ cho cô bán vé đang thản nhiên nhìn cậu. Chị này mệt mỏi đưa mắt nhìn người khách lạ lùng từ đầu đến chân rồi cho đồng 30 rúp vào chiếc cặp da trông như một chiếc ví lớn, bắt đầu đếm tiền lẻ trả lại cho Giamin. Chị ta đếm rất lâu, vẫn không quên giật chuông mỗi khi xe đến bến. Và theo tiếng chuông của chị, xe lại đi tiếp. Cuối cùng, chị ta đưa lại cho cậu một đống tiền thối lại gồm giấy 3 rúp và một rúp, với rất nhiều tiền xu lẻ. Xong chị đưa vé cho Giamin.
- Cám ơn chị, - Giamin nói với chị bán hàng đang ngạc nhiên nhìn cậu – Còn lâu nữa không thì đến quảng trường “Đấu tranh” ạ?
Quay về phía cửa sổ, Giamin đưa mắt liếc nhanh tấm vé và suýt nữa thì phá lên cười; trên mảnh giấy nhỏ màu xám xé không đều có dòng chữ in màu nâu: “Giá vé 30 côpếch”
Xe đi đã khá lâu, vòng theo các phố vắng đèn chiếu lù mù, rung chuông inh ỏi mỗi khi qua các ngả đường. Mặc dù trong xe hầu như chẳng có ai, khi đến bến, chị bán vé vẫn cất giọng đều đều nói to tên bến. Cuối cùng, chị ta quay về phía người khách duy nhất của mình:
- Đến nơi rồi đấy. Trường của cậu đây, - con mắt kinh nghiệm của chị ta không bao giờ đoán sai ai là sinh viên tương lai
Giamin bước ra khỏi xe điện, đi về phía ngôi nhà năm tầng có những chiếc cửa sổ rất lớn. Hai cánh cửa to, nặng bằng sắt đã được cột bằng một dây xích. Giamin rụt rè đưa tay đẩy rồi lách mình qua khe hở giữa hai cánh cửa. Sân trường tối om, có trồng nhiều cây, đón cậu một cách lặng lẽ và huyền bí. Cậu bước tới chiếc cửa được chiếu sáng bằng một đèn nhỏ lờ mờ. Tim cậu đập to đến nỗi cả tiếng cá sắt của giày cậu đang khua trên mặt đường nhựa cũng không át nổi. Bỗng nhiên cánh cửa lớn hé mở và như trong truyện cổ tích tốt lành và đẹp đẽ, trước mặt cậu là Tamara Crưgianôva với vẻ mặt thất vọng hiện ra. Sau Tamara là cô gái mặc áo xanh. Cô ta nói rất nhanh với Tamara:
- Đừng buồn, Tamara ạ, chắc là cậu ta chưa đến. Hay có thể cô Nhura của cậu nhầm số tàu cũng nên. Người ta bảo đã gửi giấy gọi rồi. Không đến hôm nay thì mai chứ đi đâu mà sợ…
- Tamara! – Giamin nói như thì thầm vừa bước lại phía hai cô gái: - Chào Tamara… Sao Tamara lại ở đây?
- Giamin, cậu đấy à? Valia! Valia! cậu ấy đây rồi! – Tamara quay lại phía bạn - Cậu tới bằng cách nào đấy? Sao muộn thế này? Sao cậu không đánh điện cho mình? Đi đường thế nào?
Giamin đặt va li xuống đất, mỉm cười sung sướng nói:
- Hãy từ từ, một lúc nói hết thế nào được. Để mình trả lời từng câu một.
- Cậu ấy nói nghe buồn cười thật… - Valia nói nhỏ vào tai bạn. Cứ như là hát ấy. Và trông người cũng buồn cười thật…
Tamara phật ý nhưng không để lộ ra ngoài.
Còn Giamin thì sung sướng kể việc mình chờ xe điện thế nào. Hai cô gái cười to vui vẻ:
- Tamara, chính cô nhân viên đường sắt đã bảo mình tới Mátxcơva sẽ gặp may đấy!
HẾT