Jules Verne
Chương 47
Tác giả: Jules Verne
Cuộc hành trình của tôi đến đây là hết. Chuyện gì đã xảy ra đêm ấy, chiếc xuồng của chúng tôi làm sao ra khỏi vùng nước xoáy khủng khiếp ấy, vì sao Nét Len, tôi và Công-xây thoát khỏi vực thẳm ấy? Tôi không thể biết được. Nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong túp lều của một người đánh cá ở đảo Lô-phô-đen. Cả hai bạn tôi đều bình yên vô sự. Họ ngồi cạnh tôi và nắm chặt tay tôi. Chúng tôi hôn nhau thắm thiết. Lúc đó chúng tôi không thể nghĩ đến chuyện về Pháp. Tàu chở khách giữa miền Bắc và miền Nam Na-uy thường rất hiếm. Đành phải chờ chuyến tàu chạy hai tháng một lần đến mũi biển bắc. Trong thời gian nương nhờ những người dân chài đáng mến, tôi xem lại câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của chúng tôi. Câu chuyện này thật chính xác, không bỏ sót một sự việc nào, không thổi phồng một chi tiết nào. Đó là câu chuyện xác thực về một cuộc thám hiểm rất kỳ lạ dưới lòng biển chưa ai đặt chân tới. Những sự tiến bộ của văn hóa sẽ biến nơi đó thành những con đường tự do, ai đến cũng được. Vấn đề đặt ra là không biết mọi người có tin tôi không? Thật ra, cũng không quan trọng lắm. Tôi có thể khẳng định một điều là giờ đây tôi có quyền nói về những đáy biển sâu, nơi tôi đã vượt hai vạn dặm và đi vòng quanh thế giới trong không đầy mười tháng. Chuyến đi này đã cho thấy bao điều kỳ diệu ở ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở biển Đỏ và Địa Trung Hải, ở Đại Tây Dương và các biển miền bắc, miền nam. Nhưng còn tàu Nau-ti-lúx? Chẳng biết nó có chống chọi được với vùng nước xoáy Man-xtơ-rim không? Thuyền trưởng Nê-mô còn sống không? Nê-mô vẫn cho tàu chạy dưới biển sâu và tiếp tục việc trả thù khủng khiếp, hay con đường của ông ta đã bị cắt đứt ở cái nghĩa địa khổng lồ vừa rồi? Liệu sóng nước có đem lại cho chúng ta tập bản thảo nói về cuộc đời Nê-mô không? Chiếc tàu bị mất tích có giúp cho ta biết được quốc tịch của thuyền trưởng Nê-mô không? Tôi hy vọng. Tôi còn nghĩ rằng, chiếc tàu ngầm vững vàng đó đã thắng được biển cả ngay trong vùng nước xoáy kinh khủng nhất, rằng tàu Nau-ti-lúx vẫn còn nguyên vẹn ngay ở chỗ rất nhiều tàu thuyền khác đã bị đắm. Nếu thực như vậy, và nếu thuyền trưởng Nê-mô còn sống ngoài đại dương mênh mông kia, thì cầu sao cho lòng căm thù trong trái tim tàn nhẫn đó dịu đi! Cầu sao cho những kỳ quan của thiên nhiên kia dập tắt đi ngọn lửa hận thù! Cầu sao cho quan tòa đáng sợ trong ông ta nhường chỗ cho nhà bác học hiền hòa tiếp tục công cuộc nghiên cứu đáy biển! Số phận của thuyền trưởng Nê-mô vừa kỳ lạ, vừa cao cả. Phải chăng tôi không hiểu ông ta? Phải chăng tôi đã không sống cuộc sống siêu nhiên của Nê-mô trong mười tháng trời? Sáu ngàn năm trước đây, kinh thánh đã đề ra câu hỏi:
“Ai đã đo được các vực thẳm?". Chỉ hai người trên đời này có quyền trả lời câu hỏi đó: thuyền trưởng Nê-mô và tôi.
1870
(Dịch theo bản tiếng Nga của Nhà xuất bản văn học Mát-xcơ-va 1956-do N.G. I-a-cô-vơ-lê-va và E. Ph. Co-rơ-sa dịch từ tiếng Pháp)
Cuộc hành trình của tôi đến đây là hết. Chuyện gì đã xảy ra đêm ấy, chiếc xuồng của chúng tôi làm sao ra khỏi vùng nước xoáy khủng khiếp ấy, vì sao Nét Len, tôi và Công-xây thoát khỏi vực thẳm ấy? Tôi không thể biết được. Nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong túp lều của một người đánh cá ở đảo Lô-phô-đen. Cả hai bạn tôi đều bình yên vô sự. Họ ngồi cạnh tôi và nắm chặt tay tôi. Chúng tôi hôn nhau thắm thiết. Lúc đó chúng tôi không thể nghĩ đến chuyện về Pháp. Tàu chở khách giữa miền Bắc và miền Nam Na-uy thường rất hiếm. Đành phải chờ chuyến tàu chạy hai tháng một lần đến mũi biển bắc. Trong thời gian nương nhờ những người dân chài đáng mến, tôi xem lại câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của chúng tôi. Câu chuyện này thật chính xác, không bỏ sót một sự việc nào, không thổi phồng một chi tiết nào. Đó là câu chuyện xác thực về một cuộc thám hiểm rất kỳ lạ dưới lòng biển chưa ai đặt chân tới. Những sự tiến bộ của văn hóa sẽ biến nơi đó thành những con đường tự do, ai đến cũng được. Vấn đề đặt ra là không biết mọi người có tin tôi không? Thật ra, cũng không quan trọng lắm. Tôi có thể khẳng định một điều là giờ đây tôi có quyền nói về những đáy biển sâu, nơi tôi đã vượt hai vạn dặm và đi vòng quanh thế giới trong không đầy mười tháng. Chuyến đi này đã cho thấy bao điều kỳ diệu ở ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở biển Đỏ và Địa Trung Hải, ở Đại Tây Dương và các biển miền bắc, miền nam. Nhưng còn tàu Nau-ti-lúx? Chẳng biết nó có chống chọi được với vùng nước xoáy Man-xtơ-rim không? Thuyền trưởng Nê-mô còn sống không? Nê-mô vẫn cho tàu chạy dưới biển sâu và tiếp tục việc trả thù khủng khiếp, hay con đường của ông ta đã bị cắt đứt ở cái nghĩa địa khổng lồ vừa rồi? Liệu sóng nước có đem lại cho chúng ta tập bản thảo nói về cuộc đời Nê-mô không? Chiếc tàu bị mất tích có giúp cho ta biết được quốc tịch của thuyền trưởng Nê-mô không? Tôi hy vọng. Tôi còn nghĩ rằng, chiếc tàu ngầm vững vàng đó đã thắng được biển cả ngay trong vùng nước xoáy kinh khủng nhất, rằng tàu Nau-ti-lúx vẫn còn nguyên vẹn ngay ở chỗ rất nhiều tàu thuyền khác đã bị đắm. Nếu thực như vậy, và nếu thuyền trưởng Nê-mô còn sống ngoài đại dương mênh mông kia, thì cầu sao cho lòng căm thù trong trái tim tàn nhẫn đó dịu đi! Cầu sao cho những kỳ quan của thiên nhiên kia dập tắt đi ngọn lửa hận thù! Cầu sao cho quan tòa đáng sợ trong ông ta nhường chỗ cho nhà bác học hiền hòa tiếp tục công cuộc nghiên cứu đáy biển! Số phận của thuyền trưởng Nê-mô vừa kỳ lạ, vừa cao cả. Phải chăng tôi không hiểu ông ta? Phải chăng tôi đã không sống cuộc sống siêu nhiên của Nê-mô trong mười tháng trời? Sáu ngàn năm trước đây, kinh thánh đã đề ra câu hỏi:
“Ai đã đo được các vực thẳm?". Chỉ hai người trên đời này có quyền trả lời câu hỏi đó: thuyền trưởng Nê-mô và tôi.
1870
(Dịch theo bản tiếng Nga của Nhà xuất bản văn học Mát-xcơ-va 1956-do N.G. I-a-cô-vơ-lê-va và E. Ph. Co-rơ-sa dịch từ tiếng Pháp)