Jung Chang và Jon Halliday
Chương 40
Tác giả: Jung Chang và Jon Halliday
Khi Mao đã hoàn toàn đập nát mọi ý đồ chống Mao từ trong đảng cũng như của giới trí thức, Mao hãnh diện tuyên bố là kế hoạch kỹ nghệ hoá Trung Quốc, đưa TQ lên hàng siêu cường có thể được rút ngắn lại, thay vì 15 năm, nó có thể thành công trong 8 năm, 7 năm, hoặc 5 năm, mà cũng có thể chỉ 3 năm. Vì thế tháng 5-1958 Mao phát động phong trào "Bước tiến nhảy vọt ".
Dân TQ được Mao cho biết là "Bước tiến nhảy vọt " này sẽ đưa TQ qua mặt các cường quốc kinh tế tư bản trong một thời gian ngắn. Mao không che giấu ý đồ muốn thôn tính toàn thế giới. Người dân TQ vì thế bị động viên làm việc ngày đêm cho mau đạt được mục đích này. Bộ máy tuyên truyền của Mao không ngớt rầm rộ đưa tin là hợp tác xã Sputnik ở tỉnh Henan trồng được 1,8 tấn thóc mỗi sào đất (bằng 1/6 mẫu), gấp 10 lần các nơi khác. Đây là một con số khó tin. Ngày 4-8 Mao công khai tuyên bố đã đến lúc TQ phải nghĩ đến cách giải quyết số gạo dư thừa. Đây là một chuyện khó tin thứ hai, vì chỉ mới 6 tháng trước TQ còn bị thiếu gạo. Tháng 9 tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin Quảng tây gặt được 70 tấn thóc trên một mảnh đất nhỏ bằng 1/5 mẫu. Tất cả những tuyên truyền láo khoét này chỉ nhằm một mục đích là thúc đẩy dân TQ cật lực làm việc, và cho cán bộ đảng tha hồ vơ vét và bóc lột. Thừa biết là dân TQ không có gạo mà ăn, nhưng Mao vẫn kiên trì tuyên truyền bắt cán bộ đảng phải đi tra xét và lục lọi nhà dân cố tìm cho ra chỗ giấu gạo để tịch thu và trừng phạt họ.
Mao là tác giả của nhiều công trình hoang tưởng: Trong 4 năm từ 1958 hàng trăm triệu dân công bị khai thác làm đập, hồ chứa nước và kênh đào, mà dụng cụ chỉ là đồ cá nhân như búa, dùi và xẻng. Dân công không những phải dùng dụng cụ của mình mà còn phải mang theo thức ăn, có nơi còn phải tự cất lều lấy mà ở. Dĩ nhiên tai nạn không tránh khỏi. Công trình càng lớn, số người chết càng nhiều. Công trình xây đập ở Hà Nam (Henan) chẳng hạn, vừa xây xong thì vỡ làm chết 85.600 người (con số chính thức). Rất nhiều công trình phải bỏ dở vì lý do không thực tế.
Mao cũng là tác giả của một kế hoạch điên khùng: xua đuổi chim két ra khỏi TQ vì chim ăn thóc. Toàn dân TQ bị trưng dụng ra đồng với gậy gộc và liên tục la ó ồn ào để chim không dám đậu xuống, rồi khi mệt quá thì sẽ rớt xuống và bị bắt bởi đám đông. Sau này khi biết rằng chim két ăn thóc nhưng cũng ăn một số sâu bọ nguy hại cho mùa màng, Mao đánh điện cho Toà đại sứ Liên Xô ở Bắc Kinh: "Tối mật: Xin gửi ngay cho 200 ngàn chim két" .
Một thất bại to lớn nữa đã huỷ diệt hết năng lực của dân TQ là kế hoạch làm thép. Để qua mặt Anh quốc trong vòng 3 năm theo ý muốn của Mao, Mao hỏi ông bộ trưởng năng lực: "Chúng ta sản xuất 5 triệu tấn thép năm vừa rồi, chúng ta có khả năng tăng lên gấp đôi năm nay không?". Dĩ nhiên nói không là chết, ngài bộ trưởng hăng hái gật đầu: "Dạ, có ngay". Thế là thành chỉ tiêu của Mao cho năm1958. Các nhà máy làm thép phải hoạt động 24 trên 24 cho tới lúc máy móc hư hỏng mà vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn, Mao liền ra lệnh cho mọi nhà đều phải làm thép: dân chúng phải tình nguyện đem các vật dụng trong nhà bằng thép ra nộp cho các lò nấu được xây dựng sơ sài sau vườn, hàng chục triệu người phải bỏ công việc để đi nấu thép. Kết quả là 6 triệu tấn thép được sản xuất từ những nhà máy thép vườn mà không sử dụng gì được. Một sự lãng phí nhân lực và vật lực khủng khiếp.
Trong số 1,639 công trình quân sự nặng chỉ có 28 công trình hoàn thành. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người TQ đã sản xuất được máy bay mà không cất cánh được, xe tăng không chạy đường thẳng (phanh) được, tàu chiến bị chìm trước khi có thể nổ súng. Mao đem tặng Hồ Chí Minh một chiếc trực thăng mà xưởng sản xuất chỉ dám chở tới biên giới rồi bỏ đó.
Trong phong trào "Bước tiến nhảy vọt " Mao cũng cho thành lập rất nhiều công xã mà mục đích chính là để kiểm soát đời tư của người dân. Dân chúng phải sống theo giờ giấc quy định của cán bộ đảng. Ở Henan và một số thí điểm khác, Mao còn phát cho mỗi người một con số và người dân phải mặc áo với con số này trên lưng.
Mao không ngần ngại phá huỷ đền chùa, di tích để xây công xưởng. Ở Bắc Kinh có 8 ngàn di tích, Mao chỉ muốn để lại 78 cái. Nhiều bức tường cổ kính bị phá huỷ, một hồ nước bị lấp, nhưng rất may là lệnh của Mao đã không được thực hiện tới nơi.
Sau 4 năm thực hiện "Bước tiến nhảy vọt ", Lưu Thiếu Kỳ ước tính có tới 38 triệu người chết đói. Thế nhưng TQ đã xuất cảng 7 triệu tấn gạo chỉ trong hai năm1958-1959. Mao ban lệnh cho trồng rau cải trên mộ người chết, vì "người chêt cũng có lợi: xác họ làm thành phân bón". Người dân không được khóc than cho kẻ chết. Mao chẳng đã từng nói "Chúng ta sẵn sàng hy sinh 300 triệu dân TQ (một nửa dân số) để hoàn thành chủ nghĩa cộng sản" đó sao.