điếu thuốc lá
Tác giả: Khái Hưng
Chúng ta sẽ không có một câu chuyện "điếu thuốc lá". Các anh ở Pháp về sẽ thuật cho bạn nghe những chuyện đau đớn, khi túi đã cạn tiền, những phút cảm động, khi nhặt được mấy mẩu đầu thuốc lá trong khe tủ, dưới gầm bàn, trên ổ khóa. Những thi sĩ sẽ ca tụng cái thủa thần tiên ngồi ngắm khói thuốc lá giữa lúc câu thơ sắp hiện hình trong khối óc. Nhiều nhà văn sẽ kể lại cái giật mình khinh hoảng trong đêm khuya, khi chuông đồng hồ rè rè điểm hai tiếng, vội liếc nhìn đĩa gạt tàn thuốc lá đã cao có ngọn...
Nhưng chuyện của tôi đây sẽ không có những thú vị, những ủy khúc nên thơ như thế. Nó sẽ là xin nói ngay, một câu chuyện trẻ con, rất trẻ con.
Thời ấy, tôi mới độ chín mười tuổi.
Một hôm tôi đứng xem anh tôi và ông Cửu Thầy đánh cờ. Anh tôi hai tay ôm đầu, mắt đăm đăm nhìn xuống bàn cờ chừng để tìm gỡ một nước bí. Còn ông Cửu Thầy thì điềm tĩnh, không nghĩ ngợi, ngửng mặt như chú mục vào một người tưởng tượng, đương từ cửa đi vào. Sự thực, thì ông ta chẳng nhìn gì hết, vì một lẽ rất giản dị: ông ta mù.
Thỉnh thoảng cặp môi mỏng và thâm của ông ta lại bỏ rơi nụ cười hầu bất tuyệt để kéo một hơi thuốc lá, rồi khi điếu thuốc đã đặt y nguyên chỗ cũ trên thành bàn cờ sơn son, nụ cười lại trở về đậu lên cái miệng hé mở, tựa con chuồn chuồn trên mặt ao không bao giờ chịu rời hẳn bông hoa muống sau mỗi cái giật mình cất cánh bay đi.
Tôi đứng ngắm ông Cửu Thầy, và như bị cái dáng điệu, cái cử chỉ lạ lùng thôi miên, mắt tôi đưa từ đôi kính đen bóng, từ hàng răng đen láy, đến điếu thuốc lá với sợi khói xanh, từ từ xoáy trôn ốc cất lên.
Và tôi lấy làm thán phục ông ta, vì thấy ông ta không sờ soạng tìm như mọi người mù, nhưng rất tự nhiên cầm điếu thuốc đưa lên môi, như một người hoàn toàn có đủ ngũ quan. Nào phải ông ta lờ mờ trông thấy ngoại vật cho cam! Ông ta mù tịt, mù một trăm phần trăm. Mà điều ấy chính tôi đã nhận thấy rõ ràng, một hôm tôi đứng nhìn ông ta tháo kính uốn nắn lại đôi gọng đồng: hai con mắt ông ta cùng không có con ngươi và lõm hẳn vào, hai mép mi như khâu liền lại nhau. Người nhà tôi còn nói một lần đến cúng kỵ, vì thằng con ông ta bỏ chạy chơi không dẫn lối cho ông ta, ông ta đã lễ bốn lễ sang phía bên cạnh bàn thờ. Nhưng điều này tôi quyết không thể có, chẳng qua người ta chỉ bịa đặt ra để giảm giá ông Cửu Thầy, vì tôi tin chắc rằng ông ấy không làm sai lầm một việc gì, không đi sai lạc một con đường nào: con mắt tinh thần của ông còn sáng suốt hơn con mắt thịt của chúng ta nhiều.
Cái tài đoán trông mọi việc của ông, bọn người sống chung quanh tôi thường thêm thắt truyền tụng, đến nỗi đã in sâu vào khối óc thơ ấu của tôi cái ảo thuật lạ lùng của ông thầy bói lạ lùng ấy. Vì ông Cửu Thầy chính là một ông thầy bói, một ông thầy bói cao quý của quan trường. Thiên tiểu sử của ông mà người ta thuật đi thuật lại bằng một giọng bí mật càng làm tôn giá trị ông lên và đã khiến tôi đặt ông ngang hàng với những nhân vật kỳ dị trong những truyện Chinh đông, Chinh tây, hay Đông Chu liệt quốc mà ông thường kể cho anh em chúng tôi nghe bên khay đèn thuốc phiện sáng bóng.
Ông mù năm mười tám tuổi, sau một khoa thi mà ông không may bị loại ở kỳ phúc hạch. Từ đó ông đi chu du thiên hạ để đoán việc dở, hay cho người đời. Một hôm, ông đến chơi một ông tổng đốc lĩnh chức khâm sai đi dẹp loạn Đốc Tít, giữa lúc ông tổng đốc sắp sửa cất quân lên đường. Ông gieo một quẻ, đoán sẽ xảy ra sự bất trắc và quan quân sẽ mất đầu chết ở một quãng đồi Tây. Ông tổng đốc lo lắng, rụt rè không dám vội tiến binh, liền cho một đoàn thám tử mười người, cưỡi ngựa phi qua đồi Tây để xét tình hình hư thực. Quả nhiên bọn thám tử đều bị câu liêm bên địch dựt mất thủ cấp. Được tin, ông tổng đốc thở ra khoan khoái: ngài vừa thoát cái nạn làm con ma không đầu. Tức thì ông thầy được ngài ban cho hàm cửu phẩm và từ đó ông đã nghiễm nhiên có cái tên, ông "Cửu Thầy".
Một lần nữa - mà lần này chính tôi được mục kích - giữa một trận bão dữ dội, một trận bão đổ cửa đổ nhà, nhổ bật cây, uốn cong cột giây thép, ông đã dám một mình nằm ngủ một giấc ngon lành trong gian nhà học mảnh yếu của chúng tôi. Thấy cụ cử và anh em chúng tôi rời đi nơi khác, ông chỉ mỉm cười nói một câu bí mật: "Không hề gì đâu!" Quả không hề gì thật. Gian nhà học chênh vênh trên nền cao vẫn đứng vững sau trận bão.
*
* *
Tôi tò mò đứng ngắm cái mặt bình tĩnh như mặt hồ phẳng lặng, ngắm hai ngón tay diễm ảo rón rén cầm điếu thuốc lá nhẹ nhàng như hai ngón tay thiếu nữ cầm sợi chỉ xỏ trúng ngay cái lỗ trôn kim, và trí tôi âm thầm ôn lại những chuyện trên kia.
Bỗng nẩy ra trong óc tôi một ý kiến ngộ nghĩnh: tôi muốn giấu điếu thuốc lá đi xem ông Cửu Thầy có đoán biết không, hay vẫn cứ rón rén hai ngón tay để cầm một vật đã mất. Tôi mon men lại đứng sát bên giường, mắt dán vào điếu thuốc. Và tôi thò tay ra rồi lại rụt tay về, lòng phân vân, sợ hãi. Như có tiếng thì thào xui giục tôi: "Cứ thử xem nào!..." Nhưng tôi vẫn không dám liều.
Một lần tôi đã quả quyết, mạnh bạo đưa bàn tay ra. Nhưng, như đoán rõ ý tôi hai ngón tay ông Cửu Thầy đã tới đích trước, khiến tôi càng kinh ngạc...
Về sau, tôi cũng làm nổi cái việc dự định của tôi, cái việc nó ám ảnh tôi một cách mãnh liệt. Mà làm nổi là nhờ về một cuộc cãi lộn của hai kỳ thủ: Lúc ấy anh tôi khẽ nói với bên địch nước cờ vừa đi của mình. Tức thì, không ngần ngừ, hai ngón tay ông Cửu Thầy rón rén hạ xuống bàn cờ, như cái mỏ con gà mái thong thả hé ra, nghiêng nghiêng hạ xuống đất để đớp một cái mồi chắc chắn và béo bổ. Nhưng cái kìm tay cặp không khí. Tôi cho là ông thầy lầm chỗ và mỉm cười nhìn ông: cái mỉm cười bí mật của ông đáp lại liền. Còn đáp lại anh tôi thì ông thầy chỉ dùng lời nói:
- Thôi, xin hòa, vì con ngựa của tôi đã bị người ta... bắt trộm mất rồi, tôi còn đánh chác làm sao!
Anh tôi cãi lại:
- Ông nói lạ! Có phải ông ngờ tôi giấu quân mã của ông không?
- Không, cậu không giấu, cậu chỉ nhặt để ra giường thôi. Kia kìa, quân mã của tôi kia kìa!
Vừa nói, ông Cửu Thầy vừa giơ tay trỏ vào chỗ những quân cờ mà anh tôi đã chặt được, y như một người sáng mắt vậy. Lòng kính phục của tôi đối với ông thầy bói đã lên đến cực điểm. Và tôi càng quả quyết thi hành việc dự định của tôi. Nhân ông không lưu ý tới, vì đương tức tối với anh tôi, tôi cầm ngay điếu thuốc lá giấu đằng sau lưng. Liền lúc ấy hai ngón tay của ông lò cò rón rén hạ xuống bàn cờ. Tôi sợ hãi luống cuống, vội vàng lại đặt điếu thuốc vào chỗ cũ. Tôi vội vàng quá nên đặt ngược, đầu có lửa cháy quay vào phía trong.
Chừng mải cãi lý với anh tôi, ông Cửu Thầy không kịp đoán biết điều bất trắc, biến cố thình lình ấy. Nghiễm nhiên, không ngờ vực, ông cầm thuốc hút. Bỗng ông giật mình đánh rơi điếu thuốc xuống đất: ông vừa đưa đầu có lửa vào môi.
Nhưng cái mỉm cười của ông không vì thế, cũng như không vì việc mất trộm ngựa, mà héo rụng. Nó vẫn nở tươi như đóa hoa hàm tiếu ở trên cặp môi ông, tuy cặp môi ấy chắc chắn đã bị bỏng, vì tôi thấy thỉnh thoảng ông lại thè lưỡi ra yên lặng lia quanh một vòng.
Rồi trong khi anh tôi chịu thua bày lại quân cờ để đánh ván khác, ông thản nhiên móc túi lấy gói thuốc lá, đánh diêm châm một điếu khác mà vẫn như trước, mỗi lần kéo xong một hơi, ông đặt xuống thành bàn cờ, y nguyên chỗ cũ. Có điều ông cẩn thận hơn, trước khi hút, ông đưa ngón tay ra sờ qua xem đầu nào nóng.
*
* *
Từ hôm ấy, luôn luôn ông Cửu Thầy nhìn tôi mỉm cười, cái mỉm cười lặng lẽ, bí mật, ghê sợ nữa. Tôi cố nhớ đến cái mù của ông mà cho rằng ông không nhìn tôi, không mỉm cười với tôi. Nhưng không sao được, tôi vẫn nhận thấy rõ rệt hai cái mắt kính đăm đăm thu lấy hình tôi. Hơn thế, cái nhìn đen còn theo đuổi tôi cả những lúc tôi đứng một mình, cả trong những giấc chiêm bao của tôi. Tôi yên trí chắc chắn rằng thế nào rồi ông Cửu Thầy cũng trả thù tôi một cách đích đáng. Mà một ông thầy bói cao tay lại lắm mưu nhiều kế như ông ta đã định trả thù ai thì thực chẳng biết đâu mà coi chừng, mà tránh thoát được.
Vì thế, tôi lo lắng, ăn mất ngon, ngủ mất yên, mong cho chóng tới ngày ông từ biệt nhà tôi để cùng thằng con cắp tráp theo hầu đi chu du thiên hạ. Nhưng, hình như không bao giờ ông ta đi, hay ngỏ ý muốn đi. Hay ông định ở lại cho kỳ báo được thù?
Tôi càng sợ hãi khi thấy ông ta phô diễn sự trả thù thằng con một cách quỷ quyệt lạ lùng. Ông ta mỉm cười gọi:
- Con ơi!
Rồi rất ngọt ngào:
- Con lại đây thầy bảo thầm điều này.
Thằng con vì biết mình có lỗi, rụt rè chưa dám vâng lời ngay. Nhưng về sau như bị đôi kính đen của cha thôi miên, nó mon men lại gần... lại gần... Ông Cửu Thầy vẫn mỉm cười, đợi. Bỗng nhanh như con bói cá chộp mồi, bàn tay trái ông bổ xuống nắm lấy cái chỏm tóc rối trong khi bàn tay phải tát luôn một chập đến gần chục cái rất mạnh rất kêu trên hai má thằng con khốn nạn...
Đoạn đâu lại hoàn đấy. Nụ cười tươi, bí mật, đôi kính đen vẫn lãnh đạm nhìn thẳng vào mắt tôi.
Tôi không ngờ vực gì nữa. Những cái tát kia là cốt để bảo cho tôi biết trước rằng sự trả thù của ông thầy bói sẽ ghê gớm đến bực nào...
Nhưng sáng hôm sau ông Cửu Thầy từ biệt ra đi.
*
* *
Ngày nay thỉnh thoảng đãng trí cầm ngược điếu thuốc đưa gần môi, tôi lại nhớ tới câu chuyện thời còn nhỏ, và tôi mơ màng như nhìn thấy đôi kính đen và cái miệng cười say, sợi khói xanh từ từ xoáy trôn ốc cất lên.
Rút từ tập truyện ngắn Đợi chờ
Nxb Đời nay, Hà nội, 1940.
Chúng ta sẽ không có một câu chuyện "điếu thuốc lá". Các anh ở Pháp về sẽ thuật cho bạn nghe những chuyện đau đớn, khi túi đã cạn tiền, những phút cảm động, khi nhặt được mấy mẩu đầu thuốc lá trong khe tủ, dưới gầm bàn, trên ổ khóa. Những thi sĩ sẽ ca tụng cái thủa thần tiên ngồi ngắm khói thuốc lá giữa lúc câu thơ sắp hiện hình trong khối óc. Nhiều nhà văn sẽ kể lại cái giật mình khinh hoảng trong đêm khuya, khi chuông đồng hồ rè rè điểm hai tiếng, vội liếc nhìn đĩa gạt tàn thuốc lá đã cao có ngọn...
Nhưng chuyện của tôi đây sẽ không có những thú vị, những ủy khúc nên thơ như thế. Nó sẽ là xin nói ngay, một câu chuyện trẻ con, rất trẻ con.
Thời ấy, tôi mới độ chín mười tuổi.
Một hôm tôi đứng xem anh tôi và ông Cửu Thầy đánh cờ. Anh tôi hai tay ôm đầu, mắt đăm đăm nhìn xuống bàn cờ chừng để tìm gỡ một nước bí. Còn ông Cửu Thầy thì điềm tĩnh, không nghĩ ngợi, ngửng mặt như chú mục vào một người tưởng tượng, đương từ cửa đi vào. Sự thực, thì ông ta chẳng nhìn gì hết, vì một lẽ rất giản dị: ông ta mù.
Thỉnh thoảng cặp môi mỏng và thâm của ông ta lại bỏ rơi nụ cười hầu bất tuyệt để kéo một hơi thuốc lá, rồi khi điếu thuốc đã đặt y nguyên chỗ cũ trên thành bàn cờ sơn son, nụ cười lại trở về đậu lên cái miệng hé mở, tựa con chuồn chuồn trên mặt ao không bao giờ chịu rời hẳn bông hoa muống sau mỗi cái giật mình cất cánh bay đi.
Tôi đứng ngắm ông Cửu Thầy, và như bị cái dáng điệu, cái cử chỉ lạ lùng thôi miên, mắt tôi đưa từ đôi kính đen bóng, từ hàng răng đen láy, đến điếu thuốc lá với sợi khói xanh, từ từ xoáy trôn ốc cất lên.
Và tôi lấy làm thán phục ông ta, vì thấy ông ta không sờ soạng tìm như mọi người mù, nhưng rất tự nhiên cầm điếu thuốc đưa lên môi, như một người hoàn toàn có đủ ngũ quan. Nào phải ông ta lờ mờ trông thấy ngoại vật cho cam! Ông ta mù tịt, mù một trăm phần trăm. Mà điều ấy chính tôi đã nhận thấy rõ ràng, một hôm tôi đứng nhìn ông ta tháo kính uốn nắn lại đôi gọng đồng: hai con mắt ông ta cùng không có con ngươi và lõm hẳn vào, hai mép mi như khâu liền lại nhau. Người nhà tôi còn nói một lần đến cúng kỵ, vì thằng con ông ta bỏ chạy chơi không dẫn lối cho ông ta, ông ta đã lễ bốn lễ sang phía bên cạnh bàn thờ. Nhưng điều này tôi quyết không thể có, chẳng qua người ta chỉ bịa đặt ra để giảm giá ông Cửu Thầy, vì tôi tin chắc rằng ông ấy không làm sai lầm một việc gì, không đi sai lạc một con đường nào: con mắt tinh thần của ông còn sáng suốt hơn con mắt thịt của chúng ta nhiều.
Cái tài đoán trông mọi việc của ông, bọn người sống chung quanh tôi thường thêm thắt truyền tụng, đến nỗi đã in sâu vào khối óc thơ ấu của tôi cái ảo thuật lạ lùng của ông thầy bói lạ lùng ấy. Vì ông Cửu Thầy chính là một ông thầy bói, một ông thầy bói cao quý của quan trường. Thiên tiểu sử của ông mà người ta thuật đi thuật lại bằng một giọng bí mật càng làm tôn giá trị ông lên và đã khiến tôi đặt ông ngang hàng với những nhân vật kỳ dị trong những truyện Chinh đông, Chinh tây, hay Đông Chu liệt quốc mà ông thường kể cho anh em chúng tôi nghe bên khay đèn thuốc phiện sáng bóng.
Ông mù năm mười tám tuổi, sau một khoa thi mà ông không may bị loại ở kỳ phúc hạch. Từ đó ông đi chu du thiên hạ để đoán việc dở, hay cho người đời. Một hôm, ông đến chơi một ông tổng đốc lĩnh chức khâm sai đi dẹp loạn Đốc Tít, giữa lúc ông tổng đốc sắp sửa cất quân lên đường. Ông gieo một quẻ, đoán sẽ xảy ra sự bất trắc và quan quân sẽ mất đầu chết ở một quãng đồi Tây. Ông tổng đốc lo lắng, rụt rè không dám vội tiến binh, liền cho một đoàn thám tử mười người, cưỡi ngựa phi qua đồi Tây để xét tình hình hư thực. Quả nhiên bọn thám tử đều bị câu liêm bên địch dựt mất thủ cấp. Được tin, ông tổng đốc thở ra khoan khoái: ngài vừa thoát cái nạn làm con ma không đầu. Tức thì ông thầy được ngài ban cho hàm cửu phẩm và từ đó ông đã nghiễm nhiên có cái tên, ông "Cửu Thầy".
Một lần nữa - mà lần này chính tôi được mục kích - giữa một trận bão dữ dội, một trận bão đổ cửa đổ nhà, nhổ bật cây, uốn cong cột giây thép, ông đã dám một mình nằm ngủ một giấc ngon lành trong gian nhà học mảnh yếu của chúng tôi. Thấy cụ cử và anh em chúng tôi rời đi nơi khác, ông chỉ mỉm cười nói một câu bí mật: "Không hề gì đâu!" Quả không hề gì thật. Gian nhà học chênh vênh trên nền cao vẫn đứng vững sau trận bão.
*
* *
Tôi tò mò đứng ngắm cái mặt bình tĩnh như mặt hồ phẳng lặng, ngắm hai ngón tay diễm ảo rón rén cầm điếu thuốc lá nhẹ nhàng như hai ngón tay thiếu nữ cầm sợi chỉ xỏ trúng ngay cái lỗ trôn kim, và trí tôi âm thầm ôn lại những chuyện trên kia.
Bỗng nẩy ra trong óc tôi một ý kiến ngộ nghĩnh: tôi muốn giấu điếu thuốc lá đi xem ông Cửu Thầy có đoán biết không, hay vẫn cứ rón rén hai ngón tay để cầm một vật đã mất. Tôi mon men lại đứng sát bên giường, mắt dán vào điếu thuốc. Và tôi thò tay ra rồi lại rụt tay về, lòng phân vân, sợ hãi. Như có tiếng thì thào xui giục tôi: "Cứ thử xem nào!..." Nhưng tôi vẫn không dám liều.
Một lần tôi đã quả quyết, mạnh bạo đưa bàn tay ra. Nhưng, như đoán rõ ý tôi hai ngón tay ông Cửu Thầy đã tới đích trước, khiến tôi càng kinh ngạc...
Về sau, tôi cũng làm nổi cái việc dự định của tôi, cái việc nó ám ảnh tôi một cách mãnh liệt. Mà làm nổi là nhờ về một cuộc cãi lộn của hai kỳ thủ: Lúc ấy anh tôi khẽ nói với bên địch nước cờ vừa đi của mình. Tức thì, không ngần ngừ, hai ngón tay ông Cửu Thầy rón rén hạ xuống bàn cờ, như cái mỏ con gà mái thong thả hé ra, nghiêng nghiêng hạ xuống đất để đớp một cái mồi chắc chắn và béo bổ. Nhưng cái kìm tay cặp không khí. Tôi cho là ông thầy lầm chỗ và mỉm cười nhìn ông: cái mỉm cười bí mật của ông đáp lại liền. Còn đáp lại anh tôi thì ông thầy chỉ dùng lời nói:
- Thôi, xin hòa, vì con ngựa của tôi đã bị người ta... bắt trộm mất rồi, tôi còn đánh chác làm sao!
Anh tôi cãi lại:
- Ông nói lạ! Có phải ông ngờ tôi giấu quân mã của ông không?
- Không, cậu không giấu, cậu chỉ nhặt để ra giường thôi. Kia kìa, quân mã của tôi kia kìa!
Vừa nói, ông Cửu Thầy vừa giơ tay trỏ vào chỗ những quân cờ mà anh tôi đã chặt được, y như một người sáng mắt vậy. Lòng kính phục của tôi đối với ông thầy bói đã lên đến cực điểm. Và tôi càng quả quyết thi hành việc dự định của tôi. Nhân ông không lưu ý tới, vì đương tức tối với anh tôi, tôi cầm ngay điếu thuốc lá giấu đằng sau lưng. Liền lúc ấy hai ngón tay của ông lò cò rón rén hạ xuống bàn cờ. Tôi sợ hãi luống cuống, vội vàng lại đặt điếu thuốc vào chỗ cũ. Tôi vội vàng quá nên đặt ngược, đầu có lửa cháy quay vào phía trong.
Chừng mải cãi lý với anh tôi, ông Cửu Thầy không kịp đoán biết điều bất trắc, biến cố thình lình ấy. Nghiễm nhiên, không ngờ vực, ông cầm thuốc hút. Bỗng ông giật mình đánh rơi điếu thuốc xuống đất: ông vừa đưa đầu có lửa vào môi.
Nhưng cái mỉm cười của ông không vì thế, cũng như không vì việc mất trộm ngựa, mà héo rụng. Nó vẫn nở tươi như đóa hoa hàm tiếu ở trên cặp môi ông, tuy cặp môi ấy chắc chắn đã bị bỏng, vì tôi thấy thỉnh thoảng ông lại thè lưỡi ra yên lặng lia quanh một vòng.
Rồi trong khi anh tôi chịu thua bày lại quân cờ để đánh ván khác, ông thản nhiên móc túi lấy gói thuốc lá, đánh diêm châm một điếu khác mà vẫn như trước, mỗi lần kéo xong một hơi, ông đặt xuống thành bàn cờ, y nguyên chỗ cũ. Có điều ông cẩn thận hơn, trước khi hút, ông đưa ngón tay ra sờ qua xem đầu nào nóng.
*
* *
Từ hôm ấy, luôn luôn ông Cửu Thầy nhìn tôi mỉm cười, cái mỉm cười lặng lẽ, bí mật, ghê sợ nữa. Tôi cố nhớ đến cái mù của ông mà cho rằng ông không nhìn tôi, không mỉm cười với tôi. Nhưng không sao được, tôi vẫn nhận thấy rõ rệt hai cái mắt kính đăm đăm thu lấy hình tôi. Hơn thế, cái nhìn đen còn theo đuổi tôi cả những lúc tôi đứng một mình, cả trong những giấc chiêm bao của tôi. Tôi yên trí chắc chắn rằng thế nào rồi ông Cửu Thầy cũng trả thù tôi một cách đích đáng. Mà một ông thầy bói cao tay lại lắm mưu nhiều kế như ông ta đã định trả thù ai thì thực chẳng biết đâu mà coi chừng, mà tránh thoát được.
Vì thế, tôi lo lắng, ăn mất ngon, ngủ mất yên, mong cho chóng tới ngày ông từ biệt nhà tôi để cùng thằng con cắp tráp theo hầu đi chu du thiên hạ. Nhưng, hình như không bao giờ ông ta đi, hay ngỏ ý muốn đi. Hay ông định ở lại cho kỳ báo được thù?
Tôi càng sợ hãi khi thấy ông ta phô diễn sự trả thù thằng con một cách quỷ quyệt lạ lùng. Ông ta mỉm cười gọi:
- Con ơi!
Rồi rất ngọt ngào:
- Con lại đây thầy bảo thầm điều này.
Thằng con vì biết mình có lỗi, rụt rè chưa dám vâng lời ngay. Nhưng về sau như bị đôi kính đen của cha thôi miên, nó mon men lại gần... lại gần... Ông Cửu Thầy vẫn mỉm cười, đợi. Bỗng nhanh như con bói cá chộp mồi, bàn tay trái ông bổ xuống nắm lấy cái chỏm tóc rối trong khi bàn tay phải tát luôn một chập đến gần chục cái rất mạnh rất kêu trên hai má thằng con khốn nạn...
Đoạn đâu lại hoàn đấy. Nụ cười tươi, bí mật, đôi kính đen vẫn lãnh đạm nhìn thẳng vào mắt tôi.
Tôi không ngờ vực gì nữa. Những cái tát kia là cốt để bảo cho tôi biết trước rằng sự trả thù của ông thầy bói sẽ ghê gớm đến bực nào...
Nhưng sáng hôm sau ông Cửu Thầy từ biệt ra đi.
*
* *
Ngày nay thỉnh thoảng đãng trí cầm ngược điếu thuốc đưa gần môi, tôi lại nhớ tới câu chuyện thời còn nhỏ, và tôi mơ màng như nhìn thấy đôi kính đen và cái miệng cười say, sợi khói xanh từ từ xoáy trôn ốc cất lên.
Rút từ tập truyện ngắn Đợi chờ
Nxb Đời nay, Hà nội, 1940.