dọc đường gió bụi
Tác giả: Khái Hưng
Gánh hát tất cả mười người. Tất cả mười người đã mấy tháng nay, bắt đầu từ khi mới sang xuân, đi lang thang trên con đường cát trắng, hành lý chứa chặt trong bốn chiếc hòm vuông quang dầu, cũ kỹ.
Họ đi, đi mãi, đi đã hàng trăm dặm chỉ thỉnh thoảng dừng chân một đêm hoặc hai, ba ngày trong một xóm, một làng, một huyện lỵ.
Rồi họ lại đi.
*
* *
Một buổi chiều cuối xuân, một buổi chiều ngây ngất oi ả khiến ai đã luôn luôn sống gần cảnh thiên nhiên phải tiếc thời xuân qua khi ngắm lại cỏ, cây mây nước.
Bao ngày tốt đẹp hầu tàn.
Mặt trời đã sắp lặn mà phường bạn còn lang thang giữa quãng đường Thái Nguyên, Đa Phúc, phân vân chưa biết đi đâu. Một cô đào hát chậm chạp, uể oải lê bước theo sau, bỗng cất tiếng gọi:
- Bác Hai ơi! Nghỉ chân ăn lót dạ đã, kẻo đói lắm.
Bác Hai, một người quắc thước, giọng dịu dàng, âu yếm gắt yêu:
- Mơ đói rồi à? Chả được việc gì. Chỉ ăn cả ngày thôi!
Xuống giọng, tiếng cười khanh khách của cô đào hát làm rung động làn không khí yên lặng một thung lũng hoang vu. Rồi theo Mơ, cả bọn cùng cười, cười một cách vô ý nghĩa, vì họ biết rằng cười Mơ như thế không bao giờ họ bị bác Hai giận hay mắng.
Mơ, năm nay vừa mười tám tuổi, mười năm trước, nàng theo cha mẹ hát xẩm ở bến phà Tân Đệ. Một hôm đó, bác Hai ngắm nghía thấy con bé hát hay, lại có giọng trong trẻo, nhẹ nhàng, liền bỏ tiền ra mua đem về nuôi, dậy nghề xướng ca.
Năm năm học tập, Mơ thành tài múa hát có nhịp nhàng điệu bộ. Hai đặc điểm của Mơ là cái giọng véo von bổng trầm đúng bậc và tấm nhan sắc diễm lệ. Không phải là cái nhan sắc chín chắn, thùy mị, kín đáo của phần nhiều các cô gái quê, nhưng cái nhan sắc long lanh với đôi mắt hơi sếch, với cặp môi tươi thắm luôn nhếch một nụ cười lẳng lơ, nồng nàn.
Vì thế Mơ là người cốt yếu trong gánh hát bác Hai Truyện, là linh hồn một ban chèo dù khi Mơ đóng các vai rất hoạt động như Thị Mầu, Vân Dại, Châu Long, hay khi Mơ chỉ sắm một vai hoạt tượng như Phật Bà trong bản Quan Âm Thị Kính suốt nửa giờ ngồi im không nhúc nhích. Lúc đó mặt xinh xắn, và cặp mắt, cặp môi của Mơ thu hết tinh thần khán giả.
Thực vậy, người ta đến coi chèo chỉ vì Mơ. Chẳng thế mà phường của bác Hai Truyện đã nổi danh khắp các vùng là "phường Mơ".
- Mơ! Đừng cười thế đó!
Mơ càng cười to rồi nũng nịu:
- Khốn nhưng cháu đói lắm. Cháu vừa mỏi, vừa đói.
Bác Hai Truyện cũng gật cười theo:
- Đói mà cười no được ư?
- Không bác ạ, cười không no được, nhưng ăn thì no ngay. Còn mười nắm cơm buổi sáng mang đi, để làm gì nữa cho nặng khăn gói, thưa bác?
Trong phường có tài tử Tư Thiệp vào trạc tuổi Mơ. Bao giờ chàng cũng làm theo ý Mơ, bao giờ chàng cũng ân cần săn sóc đến Mơ. Chàng liền vì Mơ năn nỉ:
- Thưa bác chúng ta nên nghe lời chị Mơ, hãy dừng chân trên ngọn đồi để ăn lót dạ nắm cơm và tiện nhìn xem vùng quanh đây có làng nào trù phú, ta đến xin hát.
Cất giọng tự phụ, bác Hai quay lại bảo anh em phường bạn:
- Các chú mới theo nghề được năm ba năm nay, chứ tôi, tôi đã già một đời khắp trên các con đường trong nước. Tôi cần gì trèo lên ngọn đồi mới biết đâu có làng trù phú. Anh em cứ đi, chỉ nửa thôi nữa là đến ấp Đông Hà, thế nào cũng có cơm ăn chiếu ngủ.
Mơ vẫn thích trêu ghẹo cha nuôi, ỡm ờ hỏi:
- Bác thông thuộc thế thì sao từ sáng đến giờ tới bao nhiêu nơi xin hát đều không đắt?
Câu hỏi của Mơ làm cho bác Hai phải buồn rầu nghĩ ngợi. Nay đã gần hết tháng ba hội hè ở các làng đã gần tàn đám, hèn chi mà phường bác đi từ sáng đến giờ không gặp một nơi giữ hát.
Kể thì cái nhan sắc của Mơ cũng đã khiến họ mời mọc ân cần. Song bọn kỳ mục hủ lậu, biển lận kia còn bao giờ biết ngắm nghía cái đẹp, biết thưởng thức cái tài.
Bác Hai lẩm bẩm:
- Phải rồi! Chính phải rồi! Chỉ vì thế.
Rồi bác quay lại bảo anh em bạn hát. Lời dõng dạc quả quyết như hô binh của một ông tướng có oai quyền:
- Chúng ta lên đồi!
Mơ thích chí cười như nắc nẻ. Bỗng thoáng nhìn thấy cặp mắt nghiêm khắc của bác Hai, Mơ im bặt, lặng lẽ đi theo.
Tới ngọn đồi, mọi người nghỉ chân, ai nấy mở lấy cơm nắm, muối vừng ra ăn.
Bác Hai thầm bảo Mơ:
- Ăn ít chứ, con ạ.
Mơ cười:
- Nhưng cháu đói, mà ở đây có gió mát, cháu ăn càng ngon miệng.
- Tùy ý, nhưng để bụng chốc nữa ăn cơm nóng, canh ngọt vẫn hơn. Bây giờ Mơ nên nghe lời bác, mở hòm lấy phấn sáp, lược gương ra điểm trang cho thực đẹp.
Mơ ngơ ngác ngây thơ nhìn chủ:
- Đã hát đâu mà bác bảo sắm vai trò.
Bác Hai vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị:
- Không, bác không bảo cháu đóng trò. Bác chỉ bảo cháu trang sức mà thôi. Cả chị Liên cũng vậy.
Ngoan ngoãn, Mơ vâng lời, lấy gương lược phấn sáp ra chải chuốt tô điểm. Trông vào gương thấy dung nhan mình tiều tụy, Mơ giật mình vì cùng một cảm tưởng như cha nuôi. Dầm mưa, dãi nắng, cái nước da trắng mát tự nhiên của nàng đã xám đen với gió bụi dọc đường. Mơ ngẫm nghĩ: "Thảo nào! Mà ta có ngờ đâu!".
Mười phút sau, mọi người xúm xít chung quanh cô đào hát, khen ngợi không dứt lời. Vì trang điểm xong, Mơ vẫn còn giữ được cái nhan sắc mọi khi, với tấm thân uốn lượn nhịp nhàng trong chiếc quần lĩnh và chiếc áo the mùa vỏ xó. Cảm động hơn hết là chàng Tư Thiệp. Chàng ngây người, đứng ngắm không chớp mắt.
*
* *
Gánh hát của bác Hai Truyện nấn ná ở lại ấp Đông Hà đã gần một tuần lễ.
Chủ ấp là một trang thiếu niên lỗi lạc, ưa chơi các thứ thi, họa, cầm ca. Mà cái thú coi diễn chèo hình như chàng lại thích hơn. Chầu chàng đánh rất xinh, các điệu hát chàng rất thành thạo.
Vì thế đôi bên có chiều lưu luyến lẫn nhau. Chủ ấp muốn được nghe đủ các điệu hay, trùm phường được người sành nghề thưởng thức, cũng không vội ngỏ lời từ biệt xin đi.
Song dẫu sao cái cớ hiển nhiên rõ rệt mà không ai muốn thú nhận... là đào Mơ.
Ngay hôm theo ban hát tới ấp Đông Hà, nàng đã được khách đa tình chú ý. Tối hôm ấy phường hát bắt đầu diễn tích Kim Nham, và Mơ sắm vai Vân Dại.
Dưới ánh đèn măng xông, đôi mắt long lang hoạt động, cặp môi đỏ thẫm nhoẻn nụ cười ngây thơ, bàn tay mềm mại xòe mạnh cái quạt tầu xương trắng, tay vờ rung rung tháo đường chỉ viền tà áo, hai chân thoăn thoắt khi tiến khi lui, khi bắt chước con gái bơi nước té bèo, bao điệu bộ, bao ám hiệu khuôn sáo để tả một cô gái điên đã khiến Mơ trở nên muôn phần diễm lệ.
Thế là lửa ái tình nhóm liền, bùng bùng ngùn ngụt. Hai người như đã hẹn hò nhau từ kiếp trước, để kiếp này gặp nhau.
Một người trai trẻ chơi bời, một người đang tuổi đào thơ đã từng yêu vờ thương hão những phường tục tử vô tri cùng mình thủ những vai tình chính. Nay thì không phải ái tình giả dối chốn sân khấu nữa, nhưng là ái tình nồng nàn, thành thực trong gian phòng ấm cúng thơm tho.
*
* *
Hôm nay bác trùm Hai Truyện lên chào ông chủ ấp để xin rời phường đi nơi khác.
Tới giờ lên đường tìm đâu cũng không thấy Mơ. Đồng ý với chủ ấp nàng đã trốn núp ở nhà một điền hộ quanh vùng. Mọi người trong gánh hát còn đương lo sợ, ngơ ngác nhìn nhau thì một tên điền tốt đến đưa cho bác Hai một phong thư. Mở vội ra xem, bác chỉ thấy có năm chục bạc và mấy lời vắn tắt "Chúc anh em lên đường may mắn. Còn Mơ thì nay đã là vợ tôi rồi". Buồn rầu gánh hát ra đi.
Gánh hát mất Mơ khác nào người mất linh hồn.
Gánh hát mất Mơ? Không bao giờ bác Hai Truyện tưởng đến một sự vô lý như thế. Người ta chiếm mất Mơ của bác? Người ta cướp Mơ của bác? Cố nén sự đau đớn, bác bỏ số tiền vào túi. Bỗng như điên cuồng, bác cười nói huyên thuyên rồi nghêu ngao cất tiếng hát vang trời trên con đường cát trắng.
Bạn bè thấy bác vui vẻ thì tưởng rằng có lẽ bác mừng cho con nuôi đã lấy được chồng giàu có. Nhưng cặp mắt ướt mờ kia chứa bao nhiêu nỗi bi ai.
Hôm ấy, đêm đã khuya. ở một làng bên hãy còn tiếng trống chèo phường bác Hai Truyện. Trong khi bác cùng gánh hát uể oải, chậm chạp lang thang trên con đường chưa biết đi đâu thì, làng ấy đã khẩn khoản ra đón mời.
Thức giấc Mơ lắng tai nghe. Cái thời kỳ đằng đẵng Mơ lăn lóc với nghề đã cùng hồi trống đến làm rối loạn lòng nàng. Trước mắt Mơ lộn xộn hiện lên các vai chèo nhẩy múa trên con đường trắng mịt mù xa tắp.
Tiếng trống chèo đổ hồi càng thúc giục.
Tiếng trống chầu điểm thì thùng như mắng trách, gắt gỏng, đe nạt.
Lẳng lặng, se sẽ Mơ ngồi dậy. Tình nhân của Mơ ngủ vẫn mê man. Khoác vội tấm áo vào mình, quấn vội cái khăn lên mái tóc, Mơ nhẹ nhàng lướt như cái bóng, lẻn bước ra đi.
Cảnh sáng trăng suông, các vật lờ mờ, Mơ tưởng tới tấm thân cô độc.
Khi đến gần gánh hát Mơ thở dài, dừng bước đứng lại. Giữa lúc ấy, Tư Thiệp thổi khúc địch sầu thảm trong bản chèo Hạng Vũ bị vây nơi Cai Hạ.
Tiếng địch véo von, rền rĩ làm rung động lòng Mơ, làm tiêu tan cả ái tình mới mẻ. Ngồi xệp xuống đất Mơ bưng mặt khóc hối hận.
Tiếng địch vẫn sang sảng, khi lên bổng lúc xuống trầm như mỉa mai, như chế giễu kẻ lìa phường phản bạn. Mơ đứng phắt dậy lau nước mắt hốt hoảng chạy một mạch vào trong rạp.
*
* *
Bản chèo vừa tan, gánh hát bác Hai đã vội vã lên đường, tuy bấy giờ mới gà gáy sáng.
Rồi mặt trời mọc trên đỉnh đồi lại chiếu ánh nắng xuống mười người lang thang trên con đường cát trắng, hành lý chứa chất trong bốn chiếc hòm vuông quang dầu, cũ kỹ.
Họ đi. Rồi họ lại đi.
Và Mơ, Mơ sẽ già đời là một tấm linh hồn phiêu lưu nay đây mai đó, như bị cái nghề lãng mạn tự do ác nghiệt, mọi rợ nó cám dỗ, nó chiếm đoạt, nó cưỡng bách, cái nghề mà hạnh phúc của ái tình, mãnh lực của kim tiền đều không thắng nổi.
Tận tụy với nghề, họ đi mãi trên con đường.
Rút từ tập truyện ngắn Dọc đường gió bụi.
Nxb Đời nay, Hà Nội, 1936.
Gánh hát tất cả mười người. Tất cả mười người đã mấy tháng nay, bắt đầu từ khi mới sang xuân, đi lang thang trên con đường cát trắng, hành lý chứa chặt trong bốn chiếc hòm vuông quang dầu, cũ kỹ.
Họ đi, đi mãi, đi đã hàng trăm dặm chỉ thỉnh thoảng dừng chân một đêm hoặc hai, ba ngày trong một xóm, một làng, một huyện lỵ.
Rồi họ lại đi.
*
* *
Một buổi chiều cuối xuân, một buổi chiều ngây ngất oi ả khiến ai đã luôn luôn sống gần cảnh thiên nhiên phải tiếc thời xuân qua khi ngắm lại cỏ, cây mây nước.
Bao ngày tốt đẹp hầu tàn.
Mặt trời đã sắp lặn mà phường bạn còn lang thang giữa quãng đường Thái Nguyên, Đa Phúc, phân vân chưa biết đi đâu. Một cô đào hát chậm chạp, uể oải lê bước theo sau, bỗng cất tiếng gọi:
- Bác Hai ơi! Nghỉ chân ăn lót dạ đã, kẻo đói lắm.
Bác Hai, một người quắc thước, giọng dịu dàng, âu yếm gắt yêu:
- Mơ đói rồi à? Chả được việc gì. Chỉ ăn cả ngày thôi!
Xuống giọng, tiếng cười khanh khách của cô đào hát làm rung động làn không khí yên lặng một thung lũng hoang vu. Rồi theo Mơ, cả bọn cùng cười, cười một cách vô ý nghĩa, vì họ biết rằng cười Mơ như thế không bao giờ họ bị bác Hai giận hay mắng.
Mơ, năm nay vừa mười tám tuổi, mười năm trước, nàng theo cha mẹ hát xẩm ở bến phà Tân Đệ. Một hôm đó, bác Hai ngắm nghía thấy con bé hát hay, lại có giọng trong trẻo, nhẹ nhàng, liền bỏ tiền ra mua đem về nuôi, dậy nghề xướng ca.
Năm năm học tập, Mơ thành tài múa hát có nhịp nhàng điệu bộ. Hai đặc điểm của Mơ là cái giọng véo von bổng trầm đúng bậc và tấm nhan sắc diễm lệ. Không phải là cái nhan sắc chín chắn, thùy mị, kín đáo của phần nhiều các cô gái quê, nhưng cái nhan sắc long lanh với đôi mắt hơi sếch, với cặp môi tươi thắm luôn nhếch một nụ cười lẳng lơ, nồng nàn.
Vì thế Mơ là người cốt yếu trong gánh hát bác Hai Truyện, là linh hồn một ban chèo dù khi Mơ đóng các vai rất hoạt động như Thị Mầu, Vân Dại, Châu Long, hay khi Mơ chỉ sắm một vai hoạt tượng như Phật Bà trong bản Quan Âm Thị Kính suốt nửa giờ ngồi im không nhúc nhích. Lúc đó mặt xinh xắn, và cặp mắt, cặp môi của Mơ thu hết tinh thần khán giả.
Thực vậy, người ta đến coi chèo chỉ vì Mơ. Chẳng thế mà phường của bác Hai Truyện đã nổi danh khắp các vùng là "phường Mơ".
- Mơ! Đừng cười thế đó!
Mơ càng cười to rồi nũng nịu:
- Khốn nhưng cháu đói lắm. Cháu vừa mỏi, vừa đói.
Bác Hai Truyện cũng gật cười theo:
- Đói mà cười no được ư?
- Không bác ạ, cười không no được, nhưng ăn thì no ngay. Còn mười nắm cơm buổi sáng mang đi, để làm gì nữa cho nặng khăn gói, thưa bác?
Trong phường có tài tử Tư Thiệp vào trạc tuổi Mơ. Bao giờ chàng cũng làm theo ý Mơ, bao giờ chàng cũng ân cần săn sóc đến Mơ. Chàng liền vì Mơ năn nỉ:
- Thưa bác chúng ta nên nghe lời chị Mơ, hãy dừng chân trên ngọn đồi để ăn lót dạ nắm cơm và tiện nhìn xem vùng quanh đây có làng nào trù phú, ta đến xin hát.
Cất giọng tự phụ, bác Hai quay lại bảo anh em phường bạn:
- Các chú mới theo nghề được năm ba năm nay, chứ tôi, tôi đã già một đời khắp trên các con đường trong nước. Tôi cần gì trèo lên ngọn đồi mới biết đâu có làng trù phú. Anh em cứ đi, chỉ nửa thôi nữa là đến ấp Đông Hà, thế nào cũng có cơm ăn chiếu ngủ.
Mơ vẫn thích trêu ghẹo cha nuôi, ỡm ờ hỏi:
- Bác thông thuộc thế thì sao từ sáng đến giờ tới bao nhiêu nơi xin hát đều không đắt?
Câu hỏi của Mơ làm cho bác Hai phải buồn rầu nghĩ ngợi. Nay đã gần hết tháng ba hội hè ở các làng đã gần tàn đám, hèn chi mà phường bác đi từ sáng đến giờ không gặp một nơi giữ hát.
Kể thì cái nhan sắc của Mơ cũng đã khiến họ mời mọc ân cần. Song bọn kỳ mục hủ lậu, biển lận kia còn bao giờ biết ngắm nghía cái đẹp, biết thưởng thức cái tài.
Bác Hai lẩm bẩm:
- Phải rồi! Chính phải rồi! Chỉ vì thế.
Rồi bác quay lại bảo anh em bạn hát. Lời dõng dạc quả quyết như hô binh của một ông tướng có oai quyền:
- Chúng ta lên đồi!
Mơ thích chí cười như nắc nẻ. Bỗng thoáng nhìn thấy cặp mắt nghiêm khắc của bác Hai, Mơ im bặt, lặng lẽ đi theo.
Tới ngọn đồi, mọi người nghỉ chân, ai nấy mở lấy cơm nắm, muối vừng ra ăn.
Bác Hai thầm bảo Mơ:
- Ăn ít chứ, con ạ.
Mơ cười:
- Nhưng cháu đói, mà ở đây có gió mát, cháu ăn càng ngon miệng.
- Tùy ý, nhưng để bụng chốc nữa ăn cơm nóng, canh ngọt vẫn hơn. Bây giờ Mơ nên nghe lời bác, mở hòm lấy phấn sáp, lược gương ra điểm trang cho thực đẹp.
Mơ ngơ ngác ngây thơ nhìn chủ:
- Đã hát đâu mà bác bảo sắm vai trò.
Bác Hai vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị:
- Không, bác không bảo cháu đóng trò. Bác chỉ bảo cháu trang sức mà thôi. Cả chị Liên cũng vậy.
Ngoan ngoãn, Mơ vâng lời, lấy gương lược phấn sáp ra chải chuốt tô điểm. Trông vào gương thấy dung nhan mình tiều tụy, Mơ giật mình vì cùng một cảm tưởng như cha nuôi. Dầm mưa, dãi nắng, cái nước da trắng mát tự nhiên của nàng đã xám đen với gió bụi dọc đường. Mơ ngẫm nghĩ: "Thảo nào! Mà ta có ngờ đâu!".
Mười phút sau, mọi người xúm xít chung quanh cô đào hát, khen ngợi không dứt lời. Vì trang điểm xong, Mơ vẫn còn giữ được cái nhan sắc mọi khi, với tấm thân uốn lượn nhịp nhàng trong chiếc quần lĩnh và chiếc áo the mùa vỏ xó. Cảm động hơn hết là chàng Tư Thiệp. Chàng ngây người, đứng ngắm không chớp mắt.
*
* *
Gánh hát của bác Hai Truyện nấn ná ở lại ấp Đông Hà đã gần một tuần lễ.
Chủ ấp là một trang thiếu niên lỗi lạc, ưa chơi các thứ thi, họa, cầm ca. Mà cái thú coi diễn chèo hình như chàng lại thích hơn. Chầu chàng đánh rất xinh, các điệu hát chàng rất thành thạo.
Vì thế đôi bên có chiều lưu luyến lẫn nhau. Chủ ấp muốn được nghe đủ các điệu hay, trùm phường được người sành nghề thưởng thức, cũng không vội ngỏ lời từ biệt xin đi.
Song dẫu sao cái cớ hiển nhiên rõ rệt mà không ai muốn thú nhận... là đào Mơ.
Ngay hôm theo ban hát tới ấp Đông Hà, nàng đã được khách đa tình chú ý. Tối hôm ấy phường hát bắt đầu diễn tích Kim Nham, và Mơ sắm vai Vân Dại.
Dưới ánh đèn măng xông, đôi mắt long lang hoạt động, cặp môi đỏ thẫm nhoẻn nụ cười ngây thơ, bàn tay mềm mại xòe mạnh cái quạt tầu xương trắng, tay vờ rung rung tháo đường chỉ viền tà áo, hai chân thoăn thoắt khi tiến khi lui, khi bắt chước con gái bơi nước té bèo, bao điệu bộ, bao ám hiệu khuôn sáo để tả một cô gái điên đã khiến Mơ trở nên muôn phần diễm lệ.
Thế là lửa ái tình nhóm liền, bùng bùng ngùn ngụt. Hai người như đã hẹn hò nhau từ kiếp trước, để kiếp này gặp nhau.
Một người trai trẻ chơi bời, một người đang tuổi đào thơ đã từng yêu vờ thương hão những phường tục tử vô tri cùng mình thủ những vai tình chính. Nay thì không phải ái tình giả dối chốn sân khấu nữa, nhưng là ái tình nồng nàn, thành thực trong gian phòng ấm cúng thơm tho.
*
* *
Hôm nay bác trùm Hai Truyện lên chào ông chủ ấp để xin rời phường đi nơi khác.
Tới giờ lên đường tìm đâu cũng không thấy Mơ. Đồng ý với chủ ấp nàng đã trốn núp ở nhà một điền hộ quanh vùng. Mọi người trong gánh hát còn đương lo sợ, ngơ ngác nhìn nhau thì một tên điền tốt đến đưa cho bác Hai một phong thư. Mở vội ra xem, bác chỉ thấy có năm chục bạc và mấy lời vắn tắt "Chúc anh em lên đường may mắn. Còn Mơ thì nay đã là vợ tôi rồi". Buồn rầu gánh hát ra đi.
Gánh hát mất Mơ khác nào người mất linh hồn.
Gánh hát mất Mơ? Không bao giờ bác Hai Truyện tưởng đến một sự vô lý như thế. Người ta chiếm mất Mơ của bác? Người ta cướp Mơ của bác? Cố nén sự đau đớn, bác bỏ số tiền vào túi. Bỗng như điên cuồng, bác cười nói huyên thuyên rồi nghêu ngao cất tiếng hát vang trời trên con đường cát trắng.
Bạn bè thấy bác vui vẻ thì tưởng rằng có lẽ bác mừng cho con nuôi đã lấy được chồng giàu có. Nhưng cặp mắt ướt mờ kia chứa bao nhiêu nỗi bi ai.
Hôm ấy, đêm đã khuya. ở một làng bên hãy còn tiếng trống chèo phường bác Hai Truyện. Trong khi bác cùng gánh hát uể oải, chậm chạp lang thang trên con đường chưa biết đi đâu thì, làng ấy đã khẩn khoản ra đón mời.
Thức giấc Mơ lắng tai nghe. Cái thời kỳ đằng đẵng Mơ lăn lóc với nghề đã cùng hồi trống đến làm rối loạn lòng nàng. Trước mắt Mơ lộn xộn hiện lên các vai chèo nhẩy múa trên con đường trắng mịt mù xa tắp.
Tiếng trống chèo đổ hồi càng thúc giục.
Tiếng trống chầu điểm thì thùng như mắng trách, gắt gỏng, đe nạt.
Lẳng lặng, se sẽ Mơ ngồi dậy. Tình nhân của Mơ ngủ vẫn mê man. Khoác vội tấm áo vào mình, quấn vội cái khăn lên mái tóc, Mơ nhẹ nhàng lướt như cái bóng, lẻn bước ra đi.
Cảnh sáng trăng suông, các vật lờ mờ, Mơ tưởng tới tấm thân cô độc.
Khi đến gần gánh hát Mơ thở dài, dừng bước đứng lại. Giữa lúc ấy, Tư Thiệp thổi khúc địch sầu thảm trong bản chèo Hạng Vũ bị vây nơi Cai Hạ.
Tiếng địch véo von, rền rĩ làm rung động lòng Mơ, làm tiêu tan cả ái tình mới mẻ. Ngồi xệp xuống đất Mơ bưng mặt khóc hối hận.
Tiếng địch vẫn sang sảng, khi lên bổng lúc xuống trầm như mỉa mai, như chế giễu kẻ lìa phường phản bạn. Mơ đứng phắt dậy lau nước mắt hốt hoảng chạy một mạch vào trong rạp.
*
* *
Bản chèo vừa tan, gánh hát bác Hai đã vội vã lên đường, tuy bấy giờ mới gà gáy sáng.
Rồi mặt trời mọc trên đỉnh đồi lại chiếu ánh nắng xuống mười người lang thang trên con đường cát trắng, hành lý chứa chất trong bốn chiếc hòm vuông quang dầu, cũ kỹ.
Họ đi. Rồi họ lại đi.
Và Mơ, Mơ sẽ già đời là một tấm linh hồn phiêu lưu nay đây mai đó, như bị cái nghề lãng mạn tự do ác nghiệt, mọi rợ nó cám dỗ, nó chiếm đoạt, nó cưỡng bách, cái nghề mà hạnh phúc của ái tình, mãnh lực của kim tiền đều không thắng nổi.
Tận tụy với nghề, họ đi mãi trên con đường.
Rút từ tập truyện ngắn Dọc đường gió bụi.
Nxb Đời nay, Hà Nội, 1936.