Chương 1
Tác giả: Khái Hưng
Xe hai người tới bờ hồ Hoàn Kiếm. Tiếng ồn ào cười nói ở vỉa hè bắt đầu làm cho Hồng chú ý. Nàng vừa bảo Nga được một câu: "Ðông quá, chị nhỉ!" thì còi điện ô tô thét lên khiến anh phu kéo vội né sang một bên và đứng dừng lại. Xe hơi nghiêng, và đầu hai thiếu nữ chạm vào nhau. Hồng nhớn nhác, thở hổn hển bảo bạn:
- Tý nữa thì chết!
Nga cười vui vẻ, đáp:
- Bây giờ tính nết chị đổi khác. Ngày xa đi học trong trường nghịch ngợm liều lĩnh thế, mà này nay chị nhút nhát sợ hãi đến hay!
Hồng chữa thẹn:
- Chị tính xa Hà Nội năm năm còn gì.
Và nàng ngượng ngùng nói tiếp:
- Không thành một cô gái quê mùa đặc là còn khá lắm đấy!... Nhưng... Hà thành thay đổi mau quá, chị nhỉ!
- Chuyện! nơi nghìn năm văn vật của người ta!
Thấy xe tiến rất chậm và khó khăn giữa đám người mỗi lúc mỗi đông hơn, Nga với Hồng liền xuống đi bộ.
Dãy hàng giải khát chật ních những khách ; các bàn kê gần sát nhau. Người qua lại phải đi rẽ xuống đường, trong khi các cô hàng tranh nhau vươn cổ gào: "Mời hai thầy, mời thầy mời cô vào hàng em xơi nước đã".
Hồng tò mò ngắm một bọn năm thiếu nữ tóc rẽ lệch, hoặc búi lỏng, ngồi cười đùa nói chuyện với ba thiếu niên đầu chải lật, bóng loáng, người nào người nấy lấm tấm dính đầy những hoa giấy tròn nhỏ đủ các màu. Nàng bỗng bước hụt từ trên hè xuống đường và xuýt ngã, làm bọn kia cất tiếng cười rộ. Một thiếu nữ nói bông:
- Tý nữa thì vồ ếch!
Một chàng gật gù đọc, ra vẻ tự đắc lắm:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.
Hồng xấu hổ đỏ bừng mặt, kéo Nga rảo bước.
Nàng lẩm bẩm:
- Ðồ vô giáo dục!
Nga ghé tai bạn thì thầm:
- Dở hơi lắm, tức giận như thế thì tức giận đời! Mặc kệ họ có được không?
Hồng hậm hực lặng thinh, tai còn nghe vang tiếng cười và những câu chế nhạo. Thấy Nga thích kẻ khuỷu tay vào cạnh sườn, nàng hỏi:
- Cái gì thế, chị?
- Không nghe thấy mấy tướng khoe tài ném confettis với nhau à?
- Không, sao chị?
Nga chưa kịp đáp câu hỏi thì hai thiếu niên vừa vượt qua, đã quay lại. Một người mặt đỏ như say rợu hầm hầm đi thẳng tới mặt nàng. Hồng lo sợ ngắm chàng và để ý ngay đến cái sẹo bóng chạy xiên từ thái dương bên trái lên cái trán gồ và rộng. Mắt chàng cười nheo một cách vô duyên trên ba cái gò thịt sù sì: lưỡng quyền và cái mũi sư tử.
Chàng dang tay toan ném thực mạnh nắm giấy hoa vào mặt Nga, bỗng chàng dừng lại đăm đăm nhìn Hồng rồi phá lên cười.
Hồng bị giấy vụn bay tối cả mắt, đưa tay lên phủi, thì nắm giấy thứ hai lại ném tiếp liền, khiến nàng cuống quít ẩn vào sau lưng Nga.
- Ông Lương giỏi nhỉ!
Nghe gọi đến tên, người kia ngơ ngác nhìn hỏi:
- Thưa cô, cô biết tôi?... Cô quen tôi?
Nga mỉm cười:
- Quen thì tôi không có hân hạnh được quen ông, nhưng năm ngoái tôi có được xem ông diễn kịch.
Hồng hỏi:
- Ông mà cũng diễn kịch?
Chừng cho đó là một câu mỉa mai, Lương ngả mũ chào, rồi cùng bạn đi liền. Nga cười khúc khích hỏi với một câu ranh mãnh:
- Thế năm nay ông có đóng vai gì không?
- Không!
Một lát sau, trên khoảng đất ven hồ người đứng đông quá, hai thiếu nữ thấy khó lòng tiến lên được. Giữa lúc ấy có tiếng reo ầm ỷ từ phía hội quán "Khai Trí Tiến Ðức" đưa lại. Rồi từ phố hàng Trống rẽ sang một cái ô tô kết bông trắng thành hình cái thuyền trên có tám cô thủy binh, tuổi từ mời bảy tới hai mươi, cầm dựng ngược tám cái mái chèo lấp loáng màu vàng trang kim. Người ngồi cầm lái là một chàng thanh niên đầu đội mũ giấy, mặt đánh phấn, môi thoa son.
Trong làn không khí mờ bụi, ồn ào, đầy tiếng cười và tiếng vỗ tay, những hoa giấy, những giòng giấy ngũ sắc ném tung lên đầu, lên bọn lính thủy xinh xắn và như cố lôi giựt các cô xuống đất. Nhưng chiếc ô tô với hàng răng trắng lớt qua, những sợi dây hồng, dây tím đứt rơi đầy đường.
- Xe trường nào đấy?
- Trườngtaxi girls.
Ðáp lại câu tảr lời ngộ nghĩnh, tiếng cười phá lên vang động. Nhưng đã theo liền sau một cái xe do bốn con bò nặng nề kéo. Trên xe đứng xếp hàng hai dãy bộ binh thời cổ, đầu đội mũ đâu mâu, chân đi hài sảo kiểu La Mã tết bằng rơm. Họ luôn luôn múa mộc, khoa giáo hò la như một bọn mọi đen trong phim chiếu bóng. Người đứng xem trầm trồ khen ngợi và bàn tán:
- Trường Mỹ thuật! Trường Mỹ thuật! đẹp quá!
- Mỹ thuật lại chẳng đẹp!
- Nhưng phải cái ông kia hơi gầy!
- Ông kia bắp chân hơi nhỏ trông chẳng La mã tí nào!
Trong khi ấy thì hoa giấy, vòng giấy đua bay loạn xạ. Hồng hỏi bạn:
- Họ làm trò gì thế?
Nga gắt:
- Họ thi xe kết hoa chứ làm trò gì! Rõ ngớ ngẩn như cô mán rừng! Hỏi thế không sợ người ta cười cho.
Thì người ta cười thực: đứng sau lưng hai thiếu nữ, một bọn sinh viên đương che miệng cười khúc khích bảo nhau:
- Con bé hay tệ!
- Phải cái răng đen không thì khá lắm.
Hồng quay lại, vừa chưa kịp nhìn, đã bị một nắm giấy vụn bắn toé vào mặt, và một vòng giấy quấn lợn vào cổ. Nàng bẽn lẽn gỡ ra, rồi sợ hãi đứng sát lại Nga.
- Anh Lương, gớm thật.
Lương lơi lả hỏi:
- Hai cô không mua hoa giấy để ném?
Nga mỉm cười tinh quái hỏi lại:
- Ném ai được mà mua?
Hồng thấy anh chàng xấu xí ấy cứ theo chân và trêu ghẹo mãi mình, liền cáu tiết nói một câu chua chát cho bõ ghét:
- Chắc hẳn là không phải để ném vào mặt ông.
Dứt lời, nàng lôi bạn đi chỗ khác. Nga thích chí cười ngất:
- Chị vẫn còn nghịch ngợm đáo để như xưa... Kìa chị trông xe trường Thuốc.
Nga vừa nói vừa trỏ một cái ô tô lớn trên có những sinh viên áo trắng dài rộng, ống tay vén đến khuỷu. Hồng hỏi:
- Sao chị biết?
- Sao tôi biết? Lại quê mùa rồi! Chị không nhận thấy rằng đó là những ông đốc tờ à? Kia kìa! Họ cầm những ống tiêm thuốc khổng lồ, ai mà không trông rõ?
Theo liền xe trường Thuốc là xe trường Bào chế, kết thành hình con hạc trắng vỗ cánh đứng trên lưng con rùa vàng. Rồi đến xe trường Luật bài trí rất giản dị, bằng một hàng lan can vây bốn phía, nhưng trang hoàng rất rực rỡ bằng những ông cử luật tương lai dưới bộ y phục trang nghiêm màu đen. Trong số đó lại đứng xen vào một cô Pháp và ba cô An Nam xinh đẹp
- Sự thực những xe của các trường cao đắng được người ta chú ý hơn những xe của các tư gia, tuy trong đám này cũng có nhiều cái trang hoàng rất khéo. Có lẽ hơn kém nhau chỉ ở chỗ trẻ trung và biết vui đùa.
Thoáng nghe mấy câu bình phẩm ở sau lưng, một người đã đứng tuổi quay lại. Người vừa nói vội cất mũ chào:
- Kìa ông đốc!
Ông này cười, nói:
- Ông Trần! Ông cho thế là trẻ trung, là vui đùa, nhưng tôi, tôi cho thế là lõa lồ, là đĩ thõa. Tệ hại mấy cái ông vô công rồi nghề ngồi vẽ ra những kiểu quần áo mà họ cho là tân thời ông xem họ ăn mặc thế kia thì còn coi công chúng vào đâu nữa? Sao không cởi trần hẳn ra nhân thể.
Ông ta vừa nói vừa trỏ một thiếu nữ có bộ ngực nở phỡn căng thẳng với cái áo kim tuyến màu hồng.
Bác sĩ hạ giọng nói tiếp:
- Giá ông đến gần mà nhìn thì ông sẽ thấy rõ gần đủ các thứ ở trong người cô ta.
Mấy tiếng cười kín đáo càng làm cho bác sĩ được thể, nhắc đi nhắc lại mãi:
- Cởi trần ra có hơn không? Phải, sao không cởi trần hắn ra? Mà mới cuối xuân, đã nóng bức gì cho cam!
Rồi ông ta kể nhiều câu chuyện để tỏ rằng người Bắc kỳ tiến, tiến đến chỗ suy đồi, mau chóng hơn người Trung kỳ và cả người Nam kỳ.
- Một bà ở Nam kỳ - ông nói - ra đây chơi, bữa nọ đã phải lấy làm kinh ngạc về cách phục sức của các cô ngoài này.
Không ai lu ý nghe những lời chua chát của ông ta nữa, vì một cái xe bò kéo, đương đia qua, trên đứng một lũ mọi đen dữ tợn, dậm chân, khoa giáo và kêu la inh ỏi. Từng tràng vỗ tay. Tiếng hoan hô om sòm. Tiếng cười ầm ý. Vòng giấy bay tua tủa.
- Các ông xì cút đấy! Các ông xì cút đấy!
- Hay nhỉ!
- Ghê gớm quá!
- Vô lý! Xe ấy mà bảo là xe hoa! Hoa gì, hoa nhọ nồi!
Tưởng bác sĩ vẫn đứng đấy, người tiếp chuyện ông lúc nãy nói:
- Ông xúi người ta cởi trần ra, thì người ta cởi trần ra thực kia rồi, lại gần cởi truồng nữa.
Một bà y phục theo kiểu mới những kín đáo hơn, đứng đắn hơn, nhất là kém tha thướt hơn nhiều người khác, vội đáp:
- Thưa ông nhà tôi về rồi.
Người kia ngả mũ chào:
- Xin lỗi bà, tôi vô tình không thấy bà.
- Tha ông tôi cũng vừa đến đây ạ. Tôi đem áo tơi ra cho nhà tôi, sợ về chiều trời lạnh.
Tiếng máy truyền thanh ở cửa "Khai Trí" bắt đầu thét oang oang, khiến những câu truyện gần đấy đều vụt im:
"Thưa các bà, tha các ông, thưa các cô, xin nhớ tối nay lại nhà hát tây coi diễn kịch "Tình lụy". Ðó là một vở kịch rất hay, rất tức cười, rất lương tâm nữa của ông Huỳnh, một sinh viên trường Thuốc, soạn rất công phu, xin các ông, các bà, các cô thế nào tối nay cũng lại nhà hát tây lấy vé vào xem hát. Hay lắm, bỏ lỡ dịp này rất đáng tiếc..." Lời quảng cáo sang sảng, cứ một dịp kéo dài, bất tuyệt. Vì xong câu ấy, kế tiếp liền câu khác quảng cáo thuốc, quảng cáo sách, quảng cáo đủ các thứ hàng hóa.
Hồng vơ vẩn đứng lắng tai nghe. Bỗng nàng đỏ bừng mặt bảo bạn:
- Thô bỉ quá!
Nga hỏi:
- Ðứa nào trêu chị đấy?
- Không, tôi bảo máy truyền thanh.
- Ồ! chị nghe làm gì!
Lời quảng cáo khoe khoang đến sự công hiệu của một "môn thuốc thần".
- Ê! im ngay!
Ðó là câu mắng của một người đàn ông, cùng đi với vợ và hai con nhỏ. Nhưng lời cổ động không im. Ông kia tức tối gọi xe, rồi cùng vợ con đi thắng, để sau lưng những tiếng cười chế nhạo.
- Rõ đạo đức rởm!
Có người cãi lại:
- Ông ấy mắng thế không phải à? Cũng tùy từng câu quảng cáo chứ.
Ðoàn xe hoa vẫn cái nọ theo cái kia đi vòng quanh như trông đèn cù trên ba con đường Hàng Trống, Bờ hồ và phố Bảo Khánh. Ðến vòng thứ tư, thứ năm thì tiếng gào, tiếng hét cũng những người đứng trên xe đã nhỏ đi và trở nên rời rạc; những giấy, những hoa, những vải, những đồ trang hoàng đã rách, đã sứt mẻ nhiều nơi, để lộ thân xe và giơ cốt xương phên cót ra. Những chuỗi dây hoa quấn đũa bánh xe bò của trường Mỹ thuật kéo lệt sệt dưới đường. Con rắn trong xe trường Thuốc đã đổ siêu và gầy mất đầu. Những nụ cười tươi sáng của các cô Nhật bản trên một chiếc xe tư gia đã mờ xạm vài phần.
Rồi dần dần các xe giải tán, người đi xem bỏ ra về. Còn trơ lại ba con đường sặc sở.
Hồng buồn rầu nhìn mái tóc Nga dính đầy hoa giấy, và hỏi:
- Hết rồi à, chị?
- Hết rồi.