Chương 27
Tác giả: Khái Hưng
Một lát sau nghe tiếng vặn quả nắm cửa, Hồng giật mình quay ra. Khung cửa sáng bật lên và trong khung, vú Hà đứng sững, tay cầm cái đèn búp măng. Hồng mỉm cười nhớ đến bức tranh ác tiên trong chuyện “giấc ngủ trăm năm” của Perrault.
- Vú đấy à?
Vú Hà đặt đèn lên bàn, nói:
- Bà truyền chị thu dọn buồng cho gọn ghẻ để quan đốc tờ lên thăm bệnh.
Hồng chau mày:
- Ông đốc!… Ai bảo mời ông đốc thế vú?
- Tôi cũng chả biết ai bảo. Chừng lại bà bảo chứ còn ai.
Hồng cười nhạt:
- Ừ, chừng bà bảo đấy! Vậy vú làm ơn vắt hộ cái màn này lên, rồi ấn hộ tôi đống quần áo bẩn kia xuống gầm giường.
Vú già yên lặng làm các công việc ấy, rồi yên lặng khép cửa đi ra.
Hồng tò mò ngắm cái thông phong đèn ám khói vì đặt lệch và vơ vẩn nghĩ ngợi: “Lạ! hơn hai tuần lễ chẳng thuốc men gì, bây giờ bỗng dương lại đón đốc tờ!” Nàng mỉm cười nghĩ tiếp: “Mời lão đốc tờ ấy… Hừ!… Thôi mình cứ để xem sao đã… hay họ sợ mình chết?…”
Sự thực không những không ai sợ Hồng chết, mà cũng chẳng ai nghĩ đến nàng hay để ý đến bệnh trạng của nàng. Trong hơn nửa tháng Hồng ốm, thỉnh thoảng đến bữa ăn ông phán mới nhớ tới và hỏi:
- Còn con Hồgn đâu?
Lần nào bà phán cũng trả lời:
- Cô ả ốm.
Và ông phán cũng kinh ngạc:
- Chưa khỏi kia à?
Bà phán lãnh đạm:
- Bệnh hoạn gì! Chắc lại ốm tương tư anh chàng đấy thôi!
Rồi bà cười vui vẻ nói lãng sang việc khác ngay.
Nhưng hôm nay, chiều thứ bảy, nhà có khách đánh tổ tôm. Trong bọn khách cố nhiên có vợ chồgn ông phủ và vợ chồng ông y sĩ Canh. Mọi người đương ngồi uống nước trà khai vị, bỗng bà phán gọi người nhà giục bưng cơm lên gác cho chị Hồng. Chừng bà muốn khoe với người khác rằng mình vẫn trông nom săn sóc đến con chồng. Bà phủ liền hỏi:
- Cô Hồng làm sao thế bà lớn?
Bà phán dịu dàng đáp:
- Bẩm bà lớn, cháu nó cảm xoàng thôi đấy ạ.
Bà đốc bĩu môi:
- Lại bỏ cơm, phải không? Các cô tiểu thư động một chút tí là bỏ cơm.
Ông phủ bàn:
- Bà lớn bảo nấu cho cô ấy một bát cháo hành thực nóng, ăn hết bát cháo là giải cảm ngay.
Bà phủ cười, nhìn chồng:
- Rõ ông lang băm. Ðã có quan đốc đó, chứ ông thì biết cái gì mà cũng mách thuốc.
Ông Canh tính hay khôi hài, đáp lại:
- Thuốc quan phủ hay đấy chứ! Cảm thì chả thuốc gì công hiệu bằng một bát cháo hành nóng… Hay một bát phở tái nạm càng tốt hơn. Nhưng hãy xem cô Hồng có cảm thực không đã.
Vì thế, ông Canh nói với bà phán đưa lên gác coi bệnh Hồng. Bà phán sợ sau này phải trả tiền thuốc, liền nói gạt:
- Xin để ngày mai, nếu bệnh cháu không bớt, tôi sẽ cho mời đến quan lớn.
Bà đốc cười nói tiếp:
- Bây giờ thì đánh tổ tôm đã. Ðánh hết một hội rồi hãy ăn cũng vừa.
Nhưng ông đốc nhất định đòi lên thăm bệnh Hồng, ông nói:
- Nên cẩn thận! Ninh Giang này là nơi sào huyệt của vi trùng Paludisme đấy.
Chẳng dừng được, bà phán phải theo lời cho vú Hà lên gác trước để quét dọn buồng kho, vì bà biết nơi đó bề bộn không được sạch sẽ.
Khi đã bước vài bực thang, bà phán còn giữ ông Canh lại:
- Hay là quan lớn hãy ngồi chơi thong thả, để tôi bảo cháu xuống.
- Ðược, bà lớn cứ để tôi lên thăm bệnh cô Hồng.
- Vâng, thế thì xin rước quan lớn lên.
Bà phán mời ông Canh ngồi lại phòng ngoài, rồi vào buồng Hồng, Hồng chổi dạy lí nhí chào:
- Cô ạ…
- Em cứ nằm… quan đốc lên thăm bệnh em đấy… Thế nào, hôm nay có đỡ không? Ðỡ nhiều phải không?
- Vâng.
- Vậy em có thể ra ngoài để quan đốc xem không?
Ông Canh đã tiến đến cửa phòng:
- Thôi được bà lớn cứ để cô Hồng nằm trong buồng.
Rồi lại bên giường bệnh. Hồng cố ngồi dậy.
Ông Canh vộinói:
- Cô cứ nằm, cô sốt?
- Vâng.
- Tôi xem lưỡi nào!
Hồng thè lưỡi. Ông cầm đèn và, vì cận thị, ghé sát mắt vào miệng Hồng. Bất giác Hồng ngả đầu về phía sau như để tránh một cái hôn. Bà phán yên lặng mỉm cười đứng ngắm. Nhưng lúc bà để ý tới cái thông phong ám khói và cái bấc đèn cháy lệch thì bà chau mày tỏ vẻ khó chịu.
- Sao không bảo nó gạt cái bấc đi hử?
Hồng còn mãi thè lưỡi nên không kịp trả lời.
- Thôi được!
Ông Canh đặt đèn lên mặt bàn, rút khăn hỉ mũi ra lau tay.
- Hiện bây giờ cô có sốt không?
- Bẩm không.
Bà phán vui mừng:
- Cháu đỡ nhiều rồi đấy ạ.
Ông Canh vừa bắt mạch, vừa hỏi:
- Lên cơn vào hồi mấy giờ.
- Bẩm cách một hôm lại có cơn, vào buổi chiều. có lẽ con bịPaludisme .
- Còn có lẽ gì nữa!
- Bẩm vì thế nên mấy hôm nay con vẫn uống kí-nin.
Ông Canh mỉm cười:
- Cô sốt đã mấy hôm nay.
- Hơn nửa tháng!
Bà phán ngượng vì sợ ông đốc cho là mình không săn sóc đến Hồng. Bà liền vờ kinh hoảng kêu theo ông Canh:
- Hơn nửa tháng! Chết chửa thế mà nó giấu chẳng cho ai biết.
- Hừ hừ!
Ông Canh gật gù có vẻ e ngại:
- Cô có thấy đau ở ngang thắt lưng bên phải không?
- Bẩm có, đau lắm. Ðau chói lên. Con sợ đaufoie .
- Ðừng sợ thì hơn… thôi được, không can gì… cô nằm nghĩ… Mai tôi đem thuốc hay cho thầy khán hộ mang lại.
Ra phòng ngoài, bà phán cố làm vẻ mặt lo lắng thì thầm hỏi:
- Thưa quan lớn có hề gì không ạ?
- Không việc gì, nhưng bệnh… hơi nặng.
Hai người thong thả xuống nhà.
Khay bài đã đặt lên sập. Bà phủ, bà đốc ông phủ đã ngồi vào chỗ và đều có ý mong đợi hai chân còn thiếu. Vừa nghe tiếng lộp cộp ở chân thang gác, bà đốc đã vội kêu:
- Vào bắt cái đi mình.
Rồi cười bảo mọi người:
- Nhà tôi bắt cái bao giờ cũng ù to.
Nhưng ông Canh vẫn không vội vàng, đứng chậm chạp sát sà phòng rửa tay. Bà phủ nhìn bà phán hỏi:
- Thế nào, bệnh tình ra sao?
Bà đốc cười the thé khôi hài:
- Hay bệnh ái tình đấy?
Bà phán buồn rầu đáp:
- Quan đốc bảo bịnh cháu hơi nặng.
Ông Cạnh ngồi xuống ghế, và như nói một mình.
- Bệnh paludisme năm nay nặng lắm.
Rồi quay ra hỏi bà phán:
- Quan lớn đâu?
- Nhà tôi chừng lại đi bách bộ ngoài sông. Sao ạ?
- Tôi biên thứ thuốc tiêm này, sáng mai bà lớn cho lên Hải Dương mua sớm.
- Vâng.
Ông Canh rút bút máy viết mấy hàng chữ vào cái danh thiếp vào đưa cho bà phán.
Nhưng chỉ năm phút sau, mọi người, cả ông Canh, như đã quên hẳn bệnh nặng của Hồng, ai nấy chăm chú xoay bài hay thi nói khôi hài và cười đùa ầm ỹ.
Trong khi ấy, ở buồng Hồng, Tý ngồi nói chuyện với chị. Hồng cảm động nằm nghe Tý đọc xong bức thư của Yêm. Rồi thở dài bảo em:
- Chị lo chị chết, em ạ.
- Chị chỉ nói dại dột!
- Ông đốc bảo chị bệnh nặng lắm… chị đau đến gan rồi. Thảo nào da chị vàng như thị rụng.
Tý nhìn Hồng an ủi:
- Chị đừng sợ hãi gì hết. Rồi ông đốc sẽ chữa cho chị khỏi.
- Em đã lấy bức thư của…
Thấy Hồng như nghẹn ngào, Tý đỡ lời:
- À, bức thứ… ấy, bức thư ở đằng chị Thêm. Em vừa lại nhà chị Thêm, nhưng chị ấy đi vắng, đi thu tiền họ.
- Thôi, cũng chả cần… Chắc cũng chả có điều gì can hệ đâu… Em chưa xuống ăn cơm?
- Chưa. Em bảo bưng cơm lên chị ăn nhé?
Hồng không đáp, lắng tai nghe tiếng cười, nói oang oang từ nhà dưới đưa lên.
- Thầy có nhà không, em?
- Không. Thầy đi chơi. Chắc cũng sắp về ăn cơm, vì nhà có khách.
- Có bà phủ và bà đốc phải không?
- Vâng, có cả ông phủ nữa.
Hồng vẫn vơ nhìn theo con mối chạy đuổi con vờ đương bay tung tăng ở trần nhà. Thấy con mối sắp sửa đớp mồi, Hồng nín hơi nằm chờ, vì lo sợ muốn kêu: “kìa nó bắt!”
Và nàng thở ra khoan khoái khi thấy con vờ thoát nạn bay nơi khác.
Tý đứng dậy:
- Thôi, chị nằm nghỉ. Em xuống bảo sắp cơm chị xơi.
- Cám ơn em. Nhưng có lẽ chị nhịn cơm thì hơn.
Giữa lúc ấy vú Hà vào, cầm đưa cho Hồng một hộp sữa:
- Bà bảo tôi mua cho chị đấy. Tý nữa tôi đem cốc với nước sôi lên.
Tý đỡ hộp sữa đặt lên bàn mà hỏi:
- Ông đốc bảo mua, phải không?
- Phải, quan đốc bảo chị Hồng phải kiêng cơm. Hộp sữa tôi đã đục hai lỗ rồi đấy. Tý nữa cậu pha cho chị ấy uống nhé?
- Ðược, cứ để mặc tôi. Vậy vú xuống mang nước sôi lên đi.
Lòng tốt của Tý như làm cho Hồng nhẹ bớt đau đớn thân thể và tâm hồn. Nàng cảm động ứa nước mắt và muốn nức lên. Vội vàng kéo chăn trùm kín đầu để Tý khỏi trông thấy nàng khóc.
Tưởng chị ngủ, Tý rón rén xuống nhà.