Chương 8
Tác giả: Khái Hưng
Hai cây đèn măng sông đặt trên giá ở hai đầu tủ chè tỏa khắp phòng một thứ ánh sáng dịu lọc qua một cái chụp vải xanh rủ tua hột bột ngũ sắc.
Bà phán ngồi xếp bằng tròn trên sập đợi khách đến đánh tổ tôm: ban chiều bà đã cho đi mời bà phủ, bà đốc, ông "chủ dây thép" và họ đều nhận lời cả. Bà đã tưởng hai vợ chồng bà ngồi hai chân, nhưng sau bữa cơm chiều, ông phán kêu mệt và đi ngủ liền, nên bà lại phải nghĩ đến một chân thứ năm. Mọi khi bà vẫn mời vợ chồng ông Huấn, nhưng hôm nay ông bà ấy lại đi Hà Nội vắng. Chẳng lẽ cho gọi một thầy trưởng phố? Chơi với họ mất cả danh giá! Hay một ông giáo?... Họ thì làm gì có sẵn tiền!
Ở phố Ninh Giang xưa nay vẫn chia ra nhiều xã hội cao thấp cách biệt hắn nhau: Xã hội quan thì có quan phủ, quan chủ, quan huấn và quan phán đầu tòa. Kế đến xã hội mô phạm của nhà giáo, "bọn tổ tôm một đồng", cái tên bà phán thường dùng để gọi bọn họ; xã hội trưởng phố rất hách dịch đối với những nhà buôn nhỏ và quá lễ phép, nhiều khi khúm núm nữa đối với những đấng bề trên. Ấy là chưa kể xã hội Khách trú đông đến một phần tư dân số và xã hội tài xế, khách hàng rất trung thành và rất hào phóng của xóm bình khang.
Thường thì những người trong từ hạng đi lại chơi bời với nhau chứ không chịu trộn lẫn vào hạnh khác. Nhưng trong bọn trưởng phố có mấy tay đã nhờ thâu thuế chợ, thuế đò, thuế bò lợn mà trở nên giàu lớn, nên được "các quan" hạ cố tới luôn: Một thầy trưởng phố ngồi vắt chân chữ ngũ hầu tổ tôm góp năm, góp mười ở trong phủ, đó là cảnh quen mắt lắm rồi.
Bà phán cũng như bà đốc vẫn chê ông phủ về điều đó. Bà thường nói: "Không đủ chân thì nhịn, chớ chơi với bọn họ, thì nhất định không chơi?" Và hôm nay thiếu chân một cách bất thần bà rất lấy làm khó nghĩ. Bà đã toan cho đi mời tạm thím Phồn, một người đàn bà giàu và lễ phép, vợ người khách buôn gạo to nhất Ninh Giang, thì ông phủ bà phủ đẩy cửa bước vào. Bà mừng rỡ reo lên:
- Chân đây rồi!
Và vội chắp tay vái chào:
- Lạy quan lớn, lạy bà lớn!
- Không dám, lạy bà lớn. Thế nào, có những ai đấy?
- Mẹ đốc với lão chủ.
- Chưa đến kia à?
- Cũng sắp đến đấy.
- Thế quan lớn đâu?
- Ông lão nhà tôi ốm đi nằm rồi.
Ngôn ngữ thân mật ở tỉnh nhỏ nhiều khi vẫn phóng túng như thế. Nhưng bà phán chợt nhớ tới sự buồn cần phải có của mình, liền đổi giọng:
- Chả giấu gì quan lớn, bà lớn, chúng tôi vừa nhận được một tin đau đớn, nên nhà tôi...
Ông Phủ giật mình, vội hỏi:
- Thưa bà lớn, tin buồn gì thế?
- Chúng tôi vừa mất một thằng cháu rể.
Bà phủ run cả chân tay:
- Khổ! ông phán Hà Nội mới hôm nào...
- Không phả ạ, cháu Thân, con cụ Tuần kia ạ.
- À! chồng cô Hồng.
- Vâng.
- Thế cô Hồng đâu?
Bà phán đưa khăn tay lên lau mắt, đáp:
- Ấy chúng tôi vừa cho cháu về Hà Nội chơi với chị phán cháu... Bẩm, chúng tôi còn giấu cháu đấy ạ. Thương hại cháu quá...
Bà nức lên không nói được dứt câu. Bà phủ khuyên giải:
- Thôi, bà lớn cũng chằng nên buồn phiền quá sinh yếu người. Chẳng qua số cậu ta có thế...
- Chia bài ra!
Tiếng thét từ ngoài cửa đưa tới ; bà y sĩ cười nói bước vào. Theo liền sau, ông chủ sự Bưu chính.
Thấy mọi người yên lặng, vẻ mặt buồn rầu bà y sĩ vội ngừng tiếng cười.
Bà ta vốn rất thông minh, thoáng hiểu ngay rằng mình đương đứng trước một sự đau đớn. Liền ghé tai thì thầm hỏi bà phủ:
- Sao thế?... Cái gì thế?
Bà kia cũng thì thầm đáp lại:
- Bà phán vừa bỏ mất người rể thứ hai.
- Chồng chị Hồng?
- Chính phải đấy.
- Ồ! tưởng gì!
Bà đốc lại vui vẻ cười tiếp. Bà chơi thân với bà phán nên việc gia đình bạn, bà biết rõ như việc nhà. Hơn thế, mỗi khi bạn có việc gì khó xử với chồng, với con chồng vẫn sang vấn kế bà, coi bà như quân sư vậy.
Bà là con một ông phủ về hưu, ăn chơi từ thuở trẻ, từ khi bọn phụ nữ còn chưa dám coi thường dư luận.
Mới mười tám tuổi, bà đã mạnh bạo vấn tóc trần, rẽ đường ngôi lệch, cùng bạn trai đi trong phố. Mười lăm mười sáu năm về trước, người ta cho thế là táo bạo lắm. Và người ta nhao nhao công kích bà trên hết các báo chí.
Ngày nay, trong câu chuyện thù tiếp, bà thường thản nhiên thuật lại những bài đại luận đầy tư tưởng đạo đức ấy. Rồi bà cười một cách ngạo mạn.
Bà có đủ các lối cười, tùy dịp, tùy trường hợp đem ra dùng, hoặc cười vui, hoặc cười buồn, hoặc cười an ủi, hoặc cười trêu tức. Lần này, cái cười của bà rất mỉa mai, như muốn bảo mọi người: "Rõ khéo giở trò hề!"
Bà tiếp luôn một câu để giải nghĩa cái cười của mình:
- Nó chết thì mặc nó, việc gì phải buồn! Nó mới hỏi chứ đã cưới đâu mà là rể, là con!
Nó chết đã có thằng khác giỏi gấp mười đến hỏi.
Rồi bà gọi:
- Sửu chia bài ra, mày!
Bà lại cười, làm cho mọi người cũng lơ đãng cười theo và quên bẵng cái tin buồn.
- Mời bà lớn ngồi lên cho.
Bà phán hai ba lần mời mọc, bà phủ vẫn không chịu bước lên sập nói xin ngồi ghế cho đỡ mỏi. Bà phủ là con nhà thế phiệt, lấy chồng con nhà dòng dõi, nên bà đã quen với cái lễ phép quá câu nệ, dù khi đối đãi với những người ngang hàng hay bề dưới.
Tuy thế, bà vẫn hách, cái hách dịch lề lối của một mệnh phụ. Hồi ông phán Trinh mới đổi về Ninh Giang, bà khinh bỉ bà phán là lẽ mọn, không thèm đi lại chơi bời, ông phủ khuyên thế nào cũng không được.
Nhưng sau thấy nhiều sự rất khó chịu xảy ra cho bà và cho chồng bà, bà phải hạ mình làm quen với người đàn bà đáng ghét ấy vậy.
Vì bà phán đi đâu cũng kể xấu bà, và chồng bà. Có khi bà ta bỏ hắn ra một ngày để đi rải rắc khắp các nơi một tin đồn phao về những việc không hay mới xảy ra trong nhà bà phủ. Bà này cũng đáo để lắm, nghe người ta thuật lại, chỉ cười và nói nhiếc bắn hơi:
- Các bà tính, hạng vợ lẽ, vợ theo thì họ còn ưa sao được tôi.
Bà cười xòa nói tiếp:
- Những cô hầu của cụ tôi cũng vậy, các cô ấy ghét tôi lắm.
Không biết bà phán Trinh có sợ bà không, nhưng chẳng bao lâu chính bà phải sợ bà phán. Bà này xui xiểm chồng, bắt ép chồng nói xấu ông phủ với ông đại lý mà bà biết là một người rất đa nghi và rất thích ăn lễ... ông phán nghe theo, thuật lại với ông đại một câu phàn nàn hỗn xược của ông phủ. Mấy hôm sau, ông đại lớn tiếng cự ông phủ ở ngay trước mặt dân sự đông đảo.
Một chuyện nhỏ mọn ấy đủ khiến bà phủ hiểu rõ tình thế gay go và nhanh nhẹn kéo cờ hàng.
Chiều hôm ấy, bà đến chơi bà phán, rồi lại đánh tổ tôm cho tới hai giờ sáng. Sự giao du của hai nhà đã bắt đầu và chẳng bao lâu trở nên mật thiết, mật thiết đến nỗi nhiều người ở Ninh Giang đồn rằng bà phủ sắp hỏi cô Lan cho cậu hai, sinh viên lớp nhất trường trung học Pháp.
- Thế nào, bà lớn nhất định ngồi ghế? Vậy tôi xin vô phép hai bà với hai ngài nhé.
Vừa nói, bà đốc vừa cúi xuống tháo quai dép, rồi bước lên sập ngồi xếp bằng tựa lưng vào tủ chè:
- Còn chỗ ngồi sập nữa?
- Thôi, xin mời bà phán.
- Ấy ai lại thế, tiền khách hậu chủ chứ lị! Xin mời quan lớn!
- Thì xin vâng.
Bà phủ đứng dậy đổi chỗ với bà phán và nói:
- Vợ chồng ngồi liền cánh nhau không tiện.
- Vẽ! Dễ thông lưng được đấy mà sợ!... Hay bà đổi với ông chủ? Phải đấy, để ông ấy ngồi dưới cánh tôi, tôi chèn cho không có ông ấy ù dữ quá.
- Chà! bà đốc thì cũng chẳng kém gì bà. Vâng, thì đổi.
Ông chủ sự Bưu chính bệ vệ đi lắc la lắc lư, cái mặt núng nính những thịt. Ông béo lắm, nên ở Ninh Giang, những kẻ ghét ông, thường gọi ông là ông chủ "lợn ỷ". Tuy ghét mà người ta vẫn sợ ông, coi ông như một thanh tra mật thám. Sự thực, người ta chỉ biết rõ có một điều: ông chơi thân với quan đại lắm, chẳng ngày nào không vài dân gọi điện thoại vào tòa, và chẳng mấy chủ nhật không đến chơi nhà riêng quan đại.
Có tin đồn khắp Ninh Giang rằng ông ta thường bóc thư ra xem để tìm những kẻ phản đối chính phủ mà ghi tên vào "sổ đen".
Ngoài việc bóc thư, người ta còn ta tụng cái tài gợi chuyện của ông chủ: Khi nghe người ta tỏ ra người khăng khái yêu nước thương dân, hay thất ra những chữ quá mạnh để chê bai các quan Pháp ở xứ thuộc địa, thì người khôn ngoan phải coi chừng mà mặc cho ông ta nói cho sướng miệng. Nếu không, những câu trả lời của mình sẽ bị ông ta ghi chép liền.
Nhưng ông ta có một nhược điểm: thích tiệc. Mời ông ta ăn luôn, uống luôn, hút luôn thì ông ta cũng châm chước cho mình, khi mình phạm điều gì mà ông ta không thể không ghi "sổ đen" được. Hơn nữa ông ta sẽ tìm dịp để nói tất mình với quan đại. Ðã có nhiều người nhờ ông ta mà tên được xóa trên sổ "đoạn trường" của tòa đại lý. Những người ấy, ta có thể đoán biết rằng đã tiêu thụ tới hàng tá sâm banh của chú "An thái" để thết cơm tây "quan chữ".
Ðối với ông phán, ông chủ sự vẫn bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Ông ta biết ông phán ghét ông ta, và thường tỏ ý khinh ông ta nữa, khinh không phải vì cái tài mật thám, nhưng vì cái thói ăn của ông ta. Còn bà phán thì cũng chẳng ưa gì ông ta. Bà thấy mỗi khi ông ta đến chơi nhà, hộp thuốc lá "ăng lê" của chồng lại khuyết thêm một chỗ hổng lớn. Bà lấy thế làm tức lắm và đã có lần ỡm ờ hỏi:
- Ông chủ dễ không một phút nào không hút thuốc lá đấy nhỉ? Nhất là thuốc lá "ăng lê".
Ông kia cười khì đáp:
- Vâng, nhất là thuốc lá "ăng lê" của bạn.
Hôm nay, ông chủ gặp dịp báo thù. Nhưng trước khi nói một câu thấm thía, ông còn ngấm ngầm ngồi hưởng thú sắp được thất câu ấy ra. Và ông mủm mỉm cười, sung sướng:
- Thưa bà lớn, cô Hồng là cô thứ hai?
Bà phán vô tình thắng thắn trả lời:
- Vâng, cháu thứ hai.
- Dễ bà lớn sinh cô Hồng ở Hà Nội?
Bà đốc và vợ chồng ông phủ đều quay cả về phía ông chủ. Bà phán đánh trống lảng, hỏi bà đốc:
- Có ăn không thì bốc, chứ?
Rồi sau một hồi lâu suy nghĩ và có lẽ đoán biết rằng ở Ninh Giang không còn ai lạ gì tình cảnh nhà mình, tự nhiên bà phán phân trần kể lể với ông phủ, bà phủ:
- Thưa quan lớn, bà lớn, chả nói giấu gì quan lớn, bà lớn, cháu Hồng là con riêng ông phán nhà tôi đấy ạ, nhưng tôi thương yêu cháu chẳng khác con đẻ, vì tôi nuôi cháu từ ngày cháu mới lên ba.
Ba phủ phỉnh:
- Thưa bà lớn, như thế thì khác gì con đẻ!
Và ông chủ sự vờ kinh ngạc:
- Ỗ! thế mà tôi cứ tưởng... Xin lỗi bà lớn nhé.
- Có gì mà ông phải xin lỗi?
Ở tỉnh nhỏ, khi mình cung kính tôn người ta lên địa vị quan lớn, bà lớn, mà người ta cứ kéo miệt mình xuống hàng ông bà, đó là một cách chọc tức ghê gớm lắm, có thể gây ra một cuộc cãi lộn và ẩu đả nếu hai kẻ đương đầu là hai người đàn bà trẻ tuổi hung hăng. Nhưng ông chủ sự là người tất nhịn. Ông làm ra mặt không thèm chấp đàn bà.
Bà phán coi như không có ông ta, vẫn kể lể với bà phủ:
- Thưa bà lớn, cháu mến tôi lắm ạ, mến như mẹ đẻ ấy ạ. Từ hôm bên quan tuần xin cưới mà tôi nhận lời, cháu cứ buồn rượi cả ngày. Cháu chỉ sợ phải xa tôi.
Ông chủ sự lại thêm:
- Thưa bà lớn, thế mà bà lớn phán nghiêm khắc lắm, dạy dỗ đánh mắng luôn chớ có phải nuông con như người ta đâu.
Bà phán nguýt dài một cái:
- Quan lớn tính, chả dạy để nó thô bỉ hay sao?
Rồi quay sang phía bà phủ, tuy vẫn để ý đến ván bài, và vẫn không bỏ một nước ăn, một nước phỗng:
- Bẩm bà lớn, cháu còn dại lắm ạ, chẳng biết một tí gì, nên ông phán nhà tôi với tôi cứ lo sợ khi về làm dâu người ta, nó không chịu đựng nổi với mẹ chồng nó. Nghe nói bà lớn Tuần đanh thép lắm kia đấy ạ.
Ông chủ sự chẳng chịu bỏ qua một nhát nào:
- Thế thì cậu Thân chết, bà lớn cũng chẳng nên buồn lắm, thêm ốm người.
Bà phủ vội hỏi để át câu khiếm nhã của ông kia:
- Thưa bà lớn, cậu ấy chết về bệnh gì thế?
Bà phán đáp, giọng nước mắt:
- Bẩm bà lớn, bệnh thương hàn ạ.
Ông chủ bình phẩm:
- Bẩm, bệnh sốt rét thương hàn thì khó chữa lắm. Sách thuốc ta cho là "nội thương, ngoại cảm" đấy ạ. Tài thánh cũng không cứu được.
Bà đốc cãi để tỏ rằng mình am hiểu thuốc tây:
- Làm gì mà chằng chữa được? Cứ kiêng cơm, ăn sữa thì chẳng sao hết... Nhưng này, năm ván rồi đấy, góp ra thôi chứ! Tôi ù một lèo, một thông, ba đồng rưỡi, còn phải góp một đồng rưỡi đây.
Vừa nói bà vừa vứt xuống sạp một cái giấy bạc gói năm hào vào trong. Ông chủ sự mỉm cười:
- Còn một ván cúng tổ nữa chứ.
Câu chuyện cứ như thế kéo dài cho tới khi mãn cuộc tổ tôm, lúc buồn rầu, lúc vui vẻ, lúc khôi hài, lúc châm chọc.
Một giờ sáng, bà phán tiễn khách ra về, trong lòng sung sướng, tuy bà thua bốn đồng rưỡi. Bà sung sướng vì đã khéo đóng cái vai từ mẫu đối với con chồng. Bà có ngờ đâu rằng mọi người đều "đi guốc trong bụng bà", vì ở tỉnh nhỏ, còn chuyện riêng nhà ai mà người ta không biết rõ. Có khi buổi sáng, bếp nhỡ nấu phải nồi cháo khê, người ta còn chẳng lạ nữa là chuyện dì ghẻ con chồng to tát kia!