Chương 9
Tác giả: Khái Hưng
Từ biệt bác sĩ, Hồng thuê xe về thẳng nhà chị. Nàng vừa cạo răng trắng nên bẽn lẽn, chỉ sợ gặp người quen.
Nàng do dự mãi, nay thì có Nga thúc giục mới dám quả quyết, tuy từ lâu nàng vẫn ao ước thèm muốn "cái cười sáng và tươi" của nhiều chị em bạn. Một lần muốn có cái cười ấy trên tấm hình, nàng đã cắt giấy trắng dán vào răng, trước khi chụp ảnh. Vừa đến nhà, Hồng bước vội lên gác, lấy gương soi, mủm mỉm với bóng, trong lòng hồi hộp, sung sướng.
Nhưng nàng có ngay một cảm giác buồn man mác. Nàng nhớ lại hồi còn theo học trường Nữ cao đẳng tiểu học. Rời nhà trường, nàng hết sức tự do cả những tự do nhỏ nhặt, như cái tự do để răng trắng.
Thôi học được nửa tháng, nàng liền bị cha a dua với dì ghẻ bắt phải nhuộm răng cho bằng được.
Trước nàng còn bướng bỉnh nhất định không vâng lời.
Về sau, muốn được yên thân, nàng miễn cưỡng nghe theo. Rồi qua bữa đầu lạ mắt, nàng ngắm nghía trong gương thấy nàng răng hạt huyền không xấu lắm như nàng tưởng, mà lại có duyên nữa là khác.
Nhưng nay, nàng nhận thấy hai màu trắng đen hơn kém nhau rõ rệt quá. Vả, trái lại với ngày xưa, nay nàng chỉ muốn trêu tức người dì ghẻ và tỏ cho người ấy biết rằng nàng có đủ hết quyền tự do.
Hồng đương mơ màng nhìn bóng, thì một dịp cười dòn ở sau lưng làm nàng giật mình quay lại:
- Ồ chị Nga! Chị dạy học về?
Nga vẫn cười:
- Ðấy có phải không? Cạo răng trắng đẹp lắm mà lại! Có nham nhở gì đâu? Cười xem nào!
Hồng mím môi lại cười sằng sặc:
- Cười nhăn răng ra kia chứ! Ðấy!... Ðẹp thế mà mãi nay mới chịu nghe theo. Trông trẻ đi đến năm, sáu tuổi. Lương mà trông thấy thì đến tự tử mất thôi.
Hồng cau mày cự bạn:
- Chỉ nói bậy!
- Chị còn nhớ Lương không nhỉ?
Hồng ngẫm nghĩ, đáp:
- Không, Lương nào thế?
- Người chúng ta gặp năm ngoái trong ngày hội Sinh viên ấy mà!
Hồng như chợt nhớ ra, cười vui vẻ:
- Ồ phải, cái anh chàng ném hoa giấy, mặt xấu như mặt quỷ sứ.
- Thế nó mê tít chị đấy.
Nga thuật cho bạn nghe cái tính nhẫn nại lạ lùng của người thiếu niên. Tuần lễ nào, ít ra chàng cũng một lần đến chơi với Căn mà chàng đã làm quen, làm thân nữa.
- Trước, tôi vẫn tưởng anh chàng muốn chớp chới với tôi. Nhưng một hôm gặp tôi, anh ta thì thầm hỏi: "Thưa cô, cô Hồng bao giờ lại lên chơi Hà Nội?"
Hồng đỏ mặt:
- Sao chị không mắng cho hắn một chặp.
Nga cười:
- Sao chị hủ thế? Ở mãi nhà quê có khác! Người ta hỏi thăm là một sự hân hạnh cho mình, việc gì lại mắng? Hắn hỏi tôi adresse chị, tôi bảo chớ viết thư cho chị mà làm phiền chị ra vì ở nhà chị gia pháp nghiêm khắc lắm.
Hồng buồn rầu:
- Cảm ơn chị, quả thực thầy tôi và... người ta hà khắc với tôi lắm, nhất từ ngày...
Hồng ngừng lại nhìn Nga, Nga nói gạt:
- Ðã bảo đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa!
Hồng chữa thẹn, gượng cười:
- Chị bảo hắn đừng lôi thôi nữa, nhé! Thầy tôi mà bắt được thư của hắn ta thì tôi đến chết mất.
- Hắn ta cũng đã ở trong tình cảnh như chị, chắc tôi bảo hắn hiểu ngay. Chị cứ yên lòng.
Hồng kinh ngạc:
- Tình cảnh như tôi?
- Phải. Hắn cũng dì ghẻ làm khổ... Ấy chính hắn ta kể lể với anh Căn và tôi như thế.
- Bây giờ tôi dạy cùng trường với hắn, chị ạ.
Hồng hơi cảm động:
- Hừ! gia đình nào cũng vậy, hễ có vợ lẽ là y như tan nát.
Nga cười:
- Tưởng cũng tùy đấy thôi. Thiếu gia đình dì ghẻ con chồng ở với nhau êm thấm vui vẻ, có khi thân yêu nữa.
Hồng thở dài:
- Làm gì có... Mà nếu có thì hẳn là giả dối.
- Vậy chỉ có một cách giản dị...
Hồng cướp lời bạn:
- Là đừng ai lấy vợ lẽ hết.
- Nhưng còn trẻ mà góa vợ và đã có con thì chị cho phép lấy vợ kế không?
- Không.
Câu trả lời quả quyết của Hồng làm Nga bật cười:
- Nếu thế thì thừa nhiều phụ nữ quá. Trong nhân loại sẽ có bao nhiêu gái già. Tội nghiệp lắm chị ạ!
Hồng cáu kỉnh:
- Xin chị hãy thương hại đứa con mất mẹ như tôi. Ðã bao nhiêu năm sống giữa một gia đình không một ai bênh vực, an ủi! Ðến khi tưởng thoát ly được cái gia đình ấy để đi lấy chồng, thì cái thằng chồng khốn nạn bỗng dưng lăn ra chết...
Nga cười càng to vì nàng chỉ nhận thấy ý nghĩa khôi hài của những lời chua chát.
- Sao nó không để cưới xong rồi hãy chết!
- Ðể làm một quả phụ, phải không?
- Làm quả phụ, hay làm gì thì làm, làm cả một gái giang hồ nữa cũng được, nhưng đừng ở trong một gia đình có một người dì ghẻ của tôi.
Nga dương mắt nhìn, kinh ngạc về những ý tưởng ngộ nghĩnh, quá khích của Hồng.
Nàng chau mày toan cự bỗng ngừng lại, vì thấy hai dòng lệ chảy ướt má bạn.
- Chị khổ lắm, phải không chị Hồng?
Hồng cười gằn:
- Tôi cũng không hiểu thế có là khổ hay không. Nhưng kẻ thù nhất đời của tôi, tôi cũng không nỡ tàn nhẫn mong cho nó có một người dì ghẻ như dì ghẻ tôi. Rồi nàng cố trấn tĩnh thuật lại với Nga những sự xảy ra trong hơn năm nay.
Ðời nàng là một đời chồng chất những ngày sầu thảm nhưng nàng cho chằng thời kỳ nào sầu thảm bằng trong vòng một năm gần đây. Những nhân vật mới xuất đầu lộ diện, nàng chỉ thầm nhắc đến tên cũng đủ rùng rợn. Vì ngoài dì ghẻ và mấy đứa em khác mẹ, lại hai người đáng ghét nữa mới len vào đời nàng: bà cửu Sót, chị gái bà Phán, và cả Ðiện con trai bà ta.
Thân, chồng chưa cưới của Hồng, chết được ba tháng, thì một giáo viên trẻ tuổi ở Ninh Giang nhờ ông Huấn làm mối hỏi Hồng. Nhưng bà phán xúi chồng từ chối, lấy cớ rằng giáo học lương ít và không có bổng lộc. Hồng chưa từng gặp ông giáo kia bao giờ, mà cũng không biết có ông ta ở Ninh Giang, nhưng chỉ vì bị người dì ghẻ cự tuyệt mà ông ta bỗng được Hồng lưu ý tới. Nàng hỏi thăm biết tên người ấy là Duy, và hai, ba lần qua trước nhà ấy để gặp được mặt mới nghe. Duy rất tầm thường, cả về dung mạo, dáng dấp lẫn trí thức, nhưng Hồng thấy chàng rất đáng yêu.
Hồng mến thầm Duy đến đỗi không ghét Tý nữa, dù, đứa em nhỏ ấy vẫn tàn nhẫn với nàng; vì Tý là học trò Duy. Nàng lấy sách Tý xem luôn, để chỉ bảo điều này, điều khác. Kỳ thực nàng chỉ cất ngắm nghía những chữ đỏ phê và chữa của Duy ở bìa các trang giấy. Một hôm trong bữa cơm Hồng đánh bạo gợi chuyện nói đến Duy với cha. Nàng khen ông giáo dạy lớp Tý giỏi và chăm chỉ. Cha nàng nhìn nàng, hỏi:
- Sao mày biết?
Nàng thản nhiên trả lời:
- Con xem vở của em Tý.
Bà phán thừa biết ông giáo là ai, nên bà mỉm cười chua chát, làm cho Hồng vừa hổ thẹn vừa căm tức.
Nhưng hết hè, Duy xin được đổi đi nơi khác. Ở một thành phố nhỏ như Ninh Giang mà làm chủ động trong một chuyện không hay, thì chỉ còn một cách rời đi nơi khác, nếu không muốn bị chế giễu, hay nghe thấy những lời bình phẩm khó chịu. Người ta sẽ chỉ trò mình mà thì thào "kìa ông giáo, chồng hụt cô Hồng!" hay "Ông giáo ấy bị ông phán Trinh đá đít đấy!" Tỉnh nhỏ là nơi người ta ít lòng thương.
Cái tin Duy rời Ninh Giang làm cho Hồng đau xót ngấm ngầm trong hơn một tuần lễ, trái hẳn khi Thân chết, nàng rững rưng, không một chút cảm động. Ðể người dì ghẻ không trông thấy nét mặt ảo não của mình, Hồng cáo ốm bỏ cơm luôn hai ngày. Nằm trong phòng, nàng tưởng ngất đi được, nghe tiếng dì ghẻ the thé: "Nó vờ vĩnh đấy chớ, ốm yếu gì! Hay cô ả ốm tương tư cậu giáo?"
Cách đó ít lâu lại một người nữa đến hỏi Hồng. Lần này thì Hồng hoàn toàn đồng ý với dì ghẻ, vì biết người kia là một anh nhà quê dốt nát, con của một ông chánh tổng cự phú. Nhưng bà phán xúi chồng từ chối, chẳng phải vì không muốn Hồng có một người chồng ngu si dốt nát. Chỉ vì bà ta không ưng cho Hồng được làm dâu một nhà cực kỳ giàu có.
Rồi ngay tuần lễ sau, mẹ con bà cửu Sót đến chơi. Bà phán mừng rỡ đón tiếp rất long trọng luôn năm, sáu tối mời bà phủ, bà đốc đến đánh tổ tôm. Những hôm ấy Hồng thấy dì ghẻ ân cần săn sóc tới mình, nói với mình những lời dịu dàng, âu yếm nữa.
Hồng đoán hiểu. Vì nàng thấy bữa nào dì ghẻ xếp đặt chỗ cho mọi người cũng để Ðiện ngồi đối diện với nàng. Rồi luôn luôn khen ngợi cháu: "ngoan ngoãn, nết na như con gái", nào "cái mũi kia thì sau này hẳn là làm nên, cái trán rộng mới thông minh chứ?" Hồng chỉ thấy Ðiện đáng ghét, mà cái cớ thiển cận nhất, là vì Ðiện được người dì ghẻ đáng ghét ca tụng, tâng bốc.
Quả Hồng đoán không sai. Sau khi mẹ con bà cửu Sót về Hà Nội, nàng thường thấy cha và dì ghẻ nhìn nàng, thì thầm nói chuyện. Rồi một hôm thằng Tý gọi đùa nàng là chị Ðiện. Nàng giận cho nó một cái tát thực mạnh, khiến nó khóc, lên mách mẹ. Nàng chắc sẽ bị mắng tàn tệ, nhưng trái hắn, bà phán chỉ cười bảo rằng:
- Em có nói thế đã sao mà chị đánh nó? Tội nghiệp.
Ý định của bà phán đã hiển nhiên: Bà muốn gả Hồng cho cháu bà. Chẳng thế sao trong hai tháng Ðiện về Ninh Giang chơi những ba lần, lấy nê rằng được nghỉ hè, về thăm chú dì, nhưng kỳ thực, chính bà phán viết thư bảo đến. Bà cho rằng con gái đến tuổi cập kê mà luôn luôn gần gũi con trai thì thế nào cũng bị yêu.
Hồng kể với chị trong một bức thư dài cái dã tâm của dì ghẻ. Hảo liền đi hỏi dò tin tức và biết đích rằng Ðiện là một học trò lười biếng, dốt nát, đã học ba năm lớp nhất một trường tư thục mà vẫn chưa thi đậu nổi cái bằng cơ thủy. Ðược thư trả lời của chị, Hồng càng căm tức dì ghẻ và oán trách cha đem gả mình cho một thằng vô học.
Mỉa mai không! ngay bữa cơm chiều hôm ấy dì ghẻ lại nhắc đến Ðiện, và khoe khoang rằng chàng đương học để thi bằng thành chung. Hồng không giữ được nữa, bưng miệng cười sằng sặc. ý chừng bà phán hiểu nên mắng át:
- Con nhà mới vô phép chứ, mới mất dạy chứ! Cười bắn cả cơm ra bàn ăn!
Hồng và vội cho xong bữa, để ra hiên cười thực to. Rồi nàng nói lớn cốt dì ghẻ nghe rõ:
- Học ba năm ở lớp nhất thì thành chung thành chiếc gì!
Từ đó, bà phán không đá động tới Ðiện nữa, mà Ðiện cũng không về thăm dì nữa. Nhưng thôi! Hồng đừng có mong được yên thân! Bà sẽ đem hết tâm lực ra mà hành hạ nàng cho bỏ tức. Chiến lược của bà nay khác hắn trước, nhưng ghê gớm gấp mấy. Vì trước kia bị bà mắng nhiếc, thù ghét ra mặt, Hồng còn biết đường mà đối phó lại. Nay trái hắn, bà chỉ yên lặng ngấm ngầm bày mưu làm hại. Một cái nhìn sắc như gươm, một cái cười chứa đầy nọc độc đôi khi thoáng qua mắt Hồng, nhưng đủ khiến nàng rùng mình khiếp sợ.
Mấy tháng gần đây có hai đám đến giạm Hồng và đều là nơi xứng đáng, một người vừa đậu tú tài, một người hiện làm tham tá góa vợ. Bà phán tiếp đãi bà mối rất trọng, thết tiệc linh đình khiến Hồng đã phải cảm động. Nhưng chẳng hiểu bà xử trí ra sao mà Hồng mong mỏi mãi vẫn không có tin tức gì nữa.