Chương 12
Tác giả: Khái Hưng
Sáng hôm sau đứng trước cái gương chữ nhật khung gỗ, Lương tháo đi tháo lại đã ba lần vẫn chưa thắt xong ca vát.
Ngay bên cạnh, trên cái ghế nhựa quang dầu, một người cuộn tròn trong chăn nằm ngủ.
Lương gọi:
- Thiện! Thiện ơi! Thiện!
Thiện thò đầu ra ngoài chăn hỏi:
- Cái gì thế anh?
- Ngủ gì mà ngủ trưa thế, dậy mà ngắm ca vát mới của anh.
Thiện lại thụt đầu vào trong chăn:
- Em biết rồi, cái ca vát của anh đẹp lắm.
Lương chau mày, gắt:
- Thiện, nhất định ngủ trưa à? Ngủ gì mà ngủ lắm thế, có mụ người đi không?
Thiện, giọng van lơn:
- Anh để cho em ngủ mười lăm phút nữa thôi. Với lại chủ nhật này không đi chơi xa dậy sớm làm gì, vô ích.
Lương hơi ngượng với Thiện. Hai anh em đã bàn nhau chủ nhật đi bộ sang Gia Lâm, đến chơi nhà một người bạn thân. Bỗng chiều hôm trước, Lương đổi ý kiến nói bận việc không đi được. Sự thực chàng không bận một việc gì hết. Chàng ở lại chỉ vì Hồng. Nghĩ đến Hồng, Lương lại tò mò ngắm nghía cái hình trong gương. Thoạt nhìn, chàng nhận ngay thấy mình không xinh trai, nhưng phân tích ra từng thứ một, chàng cho rằng chàng cũng không đến nỗi xấu quá như chàng tưởng. Chàng tìm sự thông minh ở cái trán rộng, sự thẳng thắn ở cái sống mũi cao, sự chân thật ở cặp môi dầy, sự hiền từ ở đôi con mắt cận thị mà chàng cho là tình tứ. Cả đến cái sẹo thấp thoáng trong món tóc ở thái dương chàng cũng không thấy chướng, mà trái lại còn cho là có duyên nữa;
- Thế Thiện nhất định ngủ lại đây?
Không thấy trả lời, và tưởng em đã ngủ lại, chàng nhún vai nói tiếp:
- Sao mà nó ngủ dễ thế? Sung sướng quá những người có tâm hồn bình tĩnh.
Một tiếng cười to phá lên:
- Vì những người ấy không mắc vào lưới ái tình.
- Chưa ngủ à?
Thiện tung chăn ngồi dậy:
- Thôi, không ngủ nữa. Ði chơi đi anh!
Lương ngần ngừ nhìn em:
- Anh hơi bận chút việc, em ạ.
Thiện mỉm cười láu lỉnh:
- Anh lại đến đằng ông đốc đánh tổ tôm chứ gì?
- Em đoán đúng đấy. Tổ tôm góp có một đồng thôi ấy mà.
- Vậy cho em ngồi chầu rìa nhé? Ồ, thích nhỉ, em đi mặc quần áo đây.
Thiện nhảy xuống sàn vui vẻ múa hai tay lên, hát nghêu ngao. Kỳ thực lòng chàng buồn rượi. Từ khi thấy anh ngơ ngẩn nhớ nhung, chàng sinh ra ghen. Không phải lòng ghen ghét của kẻ không yêu đối với người có ý trung nhân, nhưng tình ghen tuông, như vợ chồng ghen nhau, ghen bóng ghen gió.
Cha chết đi, Lương và Thiện sống trong sự cô độc mênh mang, tuy thời còn cha, hai người cũng đã cảm thấy cô độc rồi. Vì thế chúng quyến luyến săn sóc đến nhau, thân yêu nhau hơn là trong tình anh em. Thiện coi Lương như một người mẹ, và Lương chăm nom, bảo ban Thiện như một người chị gái đối với em.
Mỗi lần Lương có một bạn thân mới, Thiện lại buồn phiền, và hơn thế nữa, tỏ vẻ tức tối căm hờn đối với người bạn của anh, dù khi người ấy trở nên bạn thân của mình. Thiện muốn giữ hoàn toàn tình yêu của anh như người vợ muốn chiếm lấy một mình sự thương mến của chồng không để ai san sẻ. Nay Thiện biết sự nguy hiểm có phần hệ trọng hơn mọi lần. Mọi lần chàng chỉ đương đầu với tình bằng hữu, lần này chàng đoán như không phải tình bằng hữu nữa. Trong sự băn khoăn, trên vẻ mặt bần thần của anh, Thiện nhận thấy tình yêu của một người đàn bà. Chàng đã cố tìm biết xem người đàn bà ấy là ai, và một dạo đã ngờ vực, thù ghét và đặt điều nói xấu Nga, vì tưởng Nga là ý trung nhân của anh.
- Thế nào, anh có ưng để em cùng đi với không?
Lương ngẫm nghĩ đáp:
- Không. Em chả nên bén mảng đến nơi cờ bạc làm gì. Em cần học tập để sắp thi.
- Còn anh?
Mắt em nhìn thẳng vào mắt anh, khiến Lương ngượng ngùng cúi mặt. Chàng lấy làm tự thẹn đã nói dối em. Bỗng chàng ngửng đầu lên cười:
- Năm nay em mới mười tám tuổi!
Thiện khôi hài ngắt lời:
- Mười tám tuổi ta thôi đấy.
- Vậy chắc em chưa hiểu tình yêu là gì, vì em chưa yêu ai.
Thiện thản nhiên đáp:
- Có em yêu anh.
Rồi cười lớn để cố làm cho câu trả lời thành thực của mình có vẻ hài hước:
- Vâng, em chỉ yêu có anh, yêu trong linh hồn trong lý tưởng.
Thiện lại cười:
- Và em muốn mãi là người tình của anh, có được không anh?
- Sao lại không được... Nhưng thực ra thì không được đâu, em ạ, vì nay...
Lương suy nghĩ, trù trừ.
- Vì sao, anh?
- Vì anh đã phụ tình em rồi.
Thiện vẫn cười:
- Thực à?
- Thực, anh yêu, mà yêu thực kia.
- Thế còn yêu em là yêu giả đấy?
- Không phải... Nhưng lần này anh yêu nghĩa là... yêu một thiếu nữ...
Thiện vỗ tay reo:
- Thế à? Ồ thích nhỉ!
Nhưng buồn man mác đã hiện trên vẻ mặt Thiện. Bỗng chàng ngừng cười, tàn ác hỏi:
- Anh yêu thực à? Nhưng người ta có yêu anh không đã chứ?
Lương đem chuyện gặp Hồng kể cho em nghe không giấu một tí gì, cả nỗi băn khoăn không lấy được Hồng.
Chàng nói tiếp:
- Hồng thì anh không sợ lắm, anh chỉ sợ nhà Hồng, vì em phải biết anh chẳng giàu có gì.
Thiện mỉa mai:
- Chẳng giàu? Nghèo hắn ấy chứ lị.
- Nhưng anh không nghèo mãi đâu. Anh sẽ giàu... nghĩa là anh sẽ không nghèo. Mà anh muốn thế, thì sẽ được thế.
- Ðể cưới Hồng phải không?
Lương mê man với cái chí làm giàu, không để ý đến câu chua chát của em. Chàng nói cho Thiện biết cái mộng tương lai rực rỡ của chàng. Bỗng rút đồng hồ xem chàng kêu:
- Chết! gần chín giờ. Không khéo họ đi Gô đa mất rồi!
Giơ tay hôn gửi em, chàng vội vàng, hấp tấp xuống thang gác. Tới nhà Căn, Lương gặp Hảo ngồi ở hàng, còn Căn, Hồng và Nga thì đương nói chuyện ở trên gác.
Căn vui vẻ bắt tay chàng:
- Ông giáo! Hôm nay chủ nhật ông không đi chơi đâu?
Lương đáp:
- Thưa ông, tôi toan hỏi ông câu ấy.
Nga cười:
- Người ta đến thăm mình, lại bảo người ta không đi chơi đâu.
Căn chữa:
- Anh bảo đi chơi là đi chơi xa kia, chứ đến đây thì ngày ngày ông giáo thường đến rồi, còn hỏi làm gì.
Câu nói làm cho Lương hơi ngượng. Thấy thế Nga đánh trống lảng:
- Sao các anh cứ gọi nhau bằng ông thế? Ông giáo với ông phán rõ kiểu cách quá! Gọi nhau bằng anh Căn với anh Lương có giản dị và dễ nghe hơn không? Có phải không Hồng?
Hồng không đáp, chỉ mủm mỉm cười. Nhưng trong cái mủm mỉm ấy, Lương tưởng có ẩn một tình cảm sâu xa đối với mình.
Câu chuyện xoay về phạm vi dạy học, Lương kể những cách khôn khéo của mình để bắt những trò gian lận trong các kỳ thi tam cá nguyệt. Căn và Nga cười rất vui vẻ. Lương cố moi óc tìm những câu khôi hài ý vị để làm Hồng cười mà không được. Chàng nghĩ thầm: "Kín đáo, bí mật quá!" Và chàng sinh ra tức tối khó chịu. Nếu chàng biết Hồng đã quen nghe chuyện với một vẻ mặt thản nhiên như thế trong những bữa cơm gia đình, thì chàng đã không khổ tâm về cái thái độ lạnh lùng của Hồng. Sau cùng Hồng cũng phê bình một câu:
- Học trò trường tư vẫn nghịch ngợm hơn học trò trường công.
Nàng nói trống không, nhưng Lương cho rằng nàng nói với mình, liền quay lại đáp:
- Vâng, chính thế. Nhưng cũng có nhiều lớp, học trò biết điều, chăm chỉ và lễ phép.
Hồng nhìn Nga như để phân trần: "Tôi có nói với ông ấy đâu!"
Ðến đây, Căn đứng dậy bảo Lương:
- Mời ông ngồi chơi, tôi xin phép đi đằng này có chút việc cần.
Lương yên lặng bắt tay rất mạnh, hai con mắt lấp lánh sự cảm ơn.
Quả khi Căn đi rồi, câu chuyện trở nên thân mật hơn, tự do hơn. Và có lúc Hồng đã để tai chăm chú nghe những lời run rung vì cảm động của Lương.
Rồi Nga bàn "tổ chức một cuộc" đi chơi Gô đa. Nhưng Hồng thoái thác nhức đầu, xin ở nhà. Biết rằng ngồi dốn lại không tiện, Lương đứng dậy ngả đầu cáo từ xin về.
Qua cửa hàng Lương dừng lại hỏi Hảo mấy lời vấn an, và như mọi lần chàng nhắc tới câu khuyên bảo:
- Thưa bà, bà phải tĩnh dưỡng, chả nên làm việc quá nhiều hại sức khỏe lắm.
Rồi chàng cúi chào, vội vàng ra đi.
Tới hồ Hoàn Kiếm, Lương dạo quanh một vòng ngắm cái cảnh tươi đẹp của Hà thành, mà hôm nay chàng thấy tươi đẹp bội phần. Cái tháp nhỏ giữa hồ dưới ánh nắng buổi sáng, hiện ra như một khối vàng trên làn nước màu ngọc thúy.