tiếng khèn
Tác giả: Khái Hưng
Nhiều lần tôi nghe tiếng khèn. Và tôi chắc ai lên Sapa cũng đã được thưởng món âm nhạc Mèo ấy một cách dễ dàng như tôi. Ngày phiên chợ, chỉ việc tặng chú tài tử Mèo dăm xu là chú ta cúi khom ngay lưng xuống mà vừa thổi vừa nhảy lò cò chung quanh một cái vòng tròn tưởng tượng.
Nhưng trong hai đêm tiếng khèn đã gieo vào lòng tôi sự buồn thảm nặng nề và sự rùng rợn ghê gớm.
*
* *
Đêm hôm ấy, gió mưa hắt lạnh đánh thức tôi dậy. Tôi vội vàng đóng cửa kính. Bỗng tiếng khèn ở dưới đường đưa lên rầu rĩ, trầm dài một điệu.
Tôi ra hiên nhìn xuống: Một người Mèo thong thả đi trong mưa, lên dốc khách sạn Trung ương và tiến về phía nhà bưu chính.
Tiếng khèn xa dần, nhỏ dần. Và một lát, tôi tưởng tôi mơ mộng, vì tiếng tsè tsè vẫn còn như vương vấn, ngân nga tựa tiếng ve từ nơi thung lũng xa xăm nào bay tới.
Nhưng chỉ nửa giờ sau tôi đã nhận thấy rằng tôi không mơ mộng. Tiếng khèn quả thực chưa ngừng... Một lúc một rõ, một gần. Rồi từ phía chợ đi lên, nhà tài tử Mèo vẫn lom khom, thong thả đi trong mưa với cái ống tiêu Mèo dính liền miệng.
Lúc đó, từ trong bóng tối, dưới mái quán chợ, một người lính cảnh sát ném ra mấy câu tiếng Mèo. Nhà âm nhạc đứng thẳng lên lắng tai nghe, cái khèn vẫn không rời môi. Rồi chẳng đáp lại nửa lời, hắn nghiễm nhiên thổi tiếp, vừa thổi vừa đi về phía sở Bưu chính.
Lần thứ ba, đợi người Mèo đi qua nhà, tôi gọi to:
- Ê! này!
Hắn ngửng lên nhìn, ngơ ngác. Tôi đọc luôn một câu tiếng Mèo mà tôi đã học thuộc:
- Một sảng hát thư?(1)
Hắn cười phô hàm răng trắng và trả lời đùa:
- Sảng ká.(2)
Tôi hỏi lại:
- Sảng ká?
Không tìm được tiếng Mèo nào nữa, tôi nói tiếng An Nam:
- Thổi kèn hay lắm, nhưng sao đêm khuya không đi ngủ?
- Khuya gì mà khuya!.
Sự thực, lúc bấy giờ đã hơn ba giờ sáng. Người Mèo nói tiếp:
- Đi ăn cỗ cưới, uống rượu nhiều, bây giờ buồn, đi thổi khèn chơi.
Rồi hắn lại đi thẳng, tiếng khèn dần dần lẩn trong tiếng mưa.
--------------------------------------------------------
1. Đi chơi đâu đấy.
2. Đi chợ.
--------------------------------------------------------
Cuộc dạ du lạ lùng ấy khiến tôi nghĩ ngợi mãi: đi chơi đêm dưới trời mưa? Hắn say rượu? Nhưng sao hắn lại bảo hắn buồn vì vừa ăn cỗ cưới về? Đi ăn cỗ cưới sao lại buồn?
Biết bao câu hỏi làm tôi băn khoăn.
*
* *
Năm sau, cũng một đêm mưa, tiếng khèn một dịp buồn ấy tôi lại được nghe ở một trường hợp khác hẳn trong một túp nhà Mèo, dưới thung lũng ý Lìn hồ.(1)
Thung lũng ý Lìn hồ, chiều chiều ngồi chơi trên hòn Núi Đen hay dạo mát trên những con đường cao, tôi thường đứng lại ngắm. Nó ở sâu hoắm, sát ven sườn Fan si pan. Hai bên dòng nước trắng long lanh, khuất hiện trong khóm mai, rải rác những túp nhà tranh nhỏ xíu, trông như những đồ chơi bằng sành mà người ta gắn vào cái non bộ nhẵn nhụi, xinh xẻo. Có khi trong một vòng u ám dưới sương, mây bao phủ, thung lũng ý Lìn hồ tựa một cảnh thần tiên hiện ra, rực rỡ ánh nắng vàng, hiện ra mấy phút rồi lại lẩn vào trong sương mờ, mây trắng từ ngọn núi chìm dần xuống.
Trưa hôm ấy, ăn cơm xong, tôi mang máy ảnh đi về phía Cầu Mây, để tìm lối xuống thung lũng ý Lìn hồ. Tới đỉnh một quả đồi cỏ tranh mọc cao và xanh tốt, tôi ngồi lại nghỉ. Ngay dưới chân, sau chừng ba, bốn trăm thước, những ruộng thành bực bao quanh suối lượn vòng, trông như những ngấn nước lan rộng trên mặt hồ có gió.
Tôi thấy những thửa ruộng xanh ấy gần quá và tưởng có thể chạy tuột từ đỉnh đồi xuống được. Và tôi đi liền.
Nhưng mãi hơn hai giờ sau tôi mới tới nơi. Không ngờ đường xá xa đến thế! Dẫu sao tôi cũng không tiếc công, vì cảnh ý Lìn hồ hùng vĩ và xinh đẹp. Cái lạch nước êm lặng mà tôi thấy khi ngồi ngắm từ trên cao, kỳ thực là một con sông, nước réo ầm ầm, dữ dội như tiếng thủy triều đương dâng. Đứng trên cầu mây tôi chóng mặt, rợn người nhìn bọt sóng sùng sục sôi quanh những tảng đá lớn, đen và xám.
Sang bờ bên kia, tôi loay hoay chụp ảnh. Bỗng một cảnh tượng làm tôi lưu ý. Một người Mèo đầu đội nón sơn, vai đeo cái khèn, dắt một con ngựa thồ mang hai bên sườn hai cái lẵng. Màu tía của con vật, màu chàm của bộ quần áo, màu vàng bóng của đôi lẵng in lên màu trắng bóng của dòng nước cuồn cuộn chảy: một bức tranh tàu nét vẽ già giặn, hình sắc nhịp nhàng.
Tôi vội lại gần giương máy chụp ảnh. Và tôi kịp nhận ra rằng đó chính là người Mèo thổi khèn trong đêm mưa năm trước mà tôi đã gặp nhiều ngày phiên chợ ở sòng sóc đĩa, ngồi xổm trên phản, thét lớn nhắc lại, mỗi khi mở bát, câu bán chẵn bán lẻ của nhà cái:
- Xoòng lưởng khoái!(2)
- Tán pê khoái!(3)
Tôi mỉm cười gật chào và hỏi:
- Anh đi đâu đấy?
Người Mèo buồn rầu đáp:
- Tôi đi viếng đám ma.
- Có gần đây không?
Người kia gật.
- Tôi đi với nhé? Có được không?
Người ấy lại gật.
*
* *
Tôi theo người Mèo rẽ vào một xóm nhỏ. Thưa thớt độ mươi nóc nhà sau rặng mai cao.
Qua con đường lầy lội, đầy bùn đen, chạy theo ven đồi, chúng tôi tới một nếp nhà dài và thấp. Đầu hồi nhà, mấy cây đào chi chít quả vàng, và buộc vào gốc đào hai con ngựa thồ gầy và lấm.
--------------------------------------------------------
1. Vũ lâm ha
2. Chẵn thừa hai đông
3. Lẻ thừa ba đồng
--------------------------------------------------------
Thấy người Mèo dừng lại, tôi hỏi:
- Đây?
Người ấy gật. Hắn thò tay vào một bên lẵng kéo ra một chai rượu, rút nút lá ngô, uống luôn mấy tợp. Rồi nghiễm nhiên đưa chai rượu cho tôi.
- Uống nhá?
Tôi lắc đầu xua tay từ chối.
Người Mèo vác hai cái lẵng vào hiên nhà. Một người Mèo bước ra tiếp. Người ấy tóc điểm bạc, mắt dữ tợn, thân thể vạm vỡ.
Một ông già quắc thước, tráng kiện.
Chủ và khách nói với nhau dõng dạc như trên sân khấu tuồng Tầu, rồi cùng cất tiếng khóc. Liền lúc ấy, ở trong nhà có tiếng khóc đáp lại.
Khóc xong, họ lại nói với nhau những câu mạnh mẽ và ngắn chỉ độ bốn, năm tiếng. Đoạn, khách lấy trong bọc ra một cái chén lớn, rót đầy rượu đưa mời chủ. Ông già đỡ chén chắp tay vái dài một cái. Khách cũng vái lại. Sau ba lần đôi bên kính cẩn chào nhau như thế, chủ mới nâng chén rượu đặt hờ lên môi, không uống. Đoạn thong thả chiết vào cái sừng trâu đeo lủng lẳng bên cạnh sườn như cái vỏ dao.
Khách lại rót chén rượu thứ hai và cuộc thù tiếp cũng phiền phức, kiểu cách như lần trước. Mời xong chén rượu thứ ba, khách mới chịu theo chủ bước vào trong nhà làm lễ viếng. Tôi xin phép chủ nhân theo vào.
Ba gian nhà rộng. ở gian giữa, trên một cái giá gỗ cao và dài kê sát vách, người chết - một thiếu phụ - nằm ngửa, hai tay buông xuôi, mặt che miếng vải xanh. Khách trịnh trọng lại gần, cầm cái phất trần lông gà phe phẩy; Tức thì đàn ruồi đen bay tản ra. Tôi ghê sợ lùi lại một bước đầu chạm vào một vật nhũn. Ngửng lên, thì đó là một miếng thịt lợn sống máu còn nhỏ giọt, mà họ treo vào cây sắt gác ngang từ cửa tới chỗ cái thây ma.
Cặp mắt mờ lệ của người Mèo trẻ tuổi đưa nhìn từ đầu đến chân thiếu phụ. Rồi từ từ, run run, tay nhấc hẳn miếng vải che mặt người chết ra. Một lần nữa đàn ruồi bay lên tua tủa, khiến tôi kinh hoảng đi ra phía cửa.
Trong lúc khách vừa khóc vừa kể lể từng đoạn rất lâu, giọng lên xuống như lời ca than vãn, thì chủ cho cử nhạc: Một người lom khom nhảy ở trước linh sàng, và một người nữa cầm dùi gỗ nện vào cái mặt trống căng chùng để gõ nhịp.
Bài điếu ca dài tới hai mươi phút thỉnh thoảng lại lấp trong tiếng khóc của họ hàng người chết cất lên từng hồi. Bỗng khách đứng im suy nghĩ, rồi vừa nói với chủ nhân, hắn vừa tháo cái khèn mang theo để hòa với phường nhạc của tang gia. Tôi cố nhịn mới giữ được khỏi bật cười vì tôi thấy anh Mèo của tôi dáng điệu ngây thơ và ngộ nghĩnh quá.
*
* *
Mải đứng ngắm, tôi không biết rằng đã bắt đầu đổ mưa. Quay ra thấy trời tối đen tôi kinh hoảng nghĩ đến đường về. Xuống dốc, tôi đi mất hơn hai giờ, vậy lên dốc hẳn ít ra cũng gấp rưỡi thế, nghĩa là nếu bắt đầu đi ngay thì may ra tám giờ tối, tôi mới về tới nhà, vì lúc đó đã gần năm giờ. Nhưng mưa to quá, mà tôi lại không mang theo áo tơi.
Trái với lòng mong mỏi của tôi, mưa mỗi lúc một dầy hơn. Đồi, ruộng, cây chìm biến vào trong một lớp màu trắng đục. Tôi lo lắng, chốc chốc lại nhìn đồng hồ đeo tay xem giờ, và không để ý tới tiếng khèn, tiếng trống, tiếng khóc nữa.
Một người Mèo từ biệt tang gia đi về.
Tôi hỏi:
- Nhà ở tận đâu?
Hắn trả lời vắn tắt:
- Gần đây thôi.
- Cho tôi về nhà với nhé?
Hắn nhìn đăm đăm tôi đến mấy giây rồi mới khẽ gật và đáp:
- Về thì về.
Tôi vui vẻ theo hắn, mừng thầm được thoát một nơi u ám đầy hơi chết.
Cách đó chỉ độ dăm chục thước, nhà hắn náu hình nằm dựa vào một khóm mai. Tôi theo hắn bước qua cái ngưỡng cửa đắp bằng đất, đến ngồi cạnh bếp lửa ở gian giữa để sưởi cho khô quần áo. Hai gian bên là hai cái ổ rơm rộng. Phía tay mặt, một ông già, khăn rối, quần cao, ngồi tẽ ngô xuống một cái nong lớn. Phía kia một người đàn bà, bắp chân to như hai cái cong, đương chăm chú se sợi gai để quấn vào cái trục gỗ.
Thấy chúng tôi vào, cả hai cùng ngửng lên, yên lặng nhìn, vẻ mặt bình thản. Nghe xong câu giảng giải của người mới tới, ông lão lại cúi xuống tẽ ngô, và người đàn bà lại thong thả se sợi. Anh Mèo bảo tôi:
- Ông già với người vợ không biết nói tiếng kinh đâu.
- Thế còn lũ bé con?
- Hai bé con ở bên nhà người chết cơ mà! Đợi tạnh mưa mới về chứ!
Nhưng mưa hầu như không bao giờ tạnh, thác nước đều đều giội xuống, không một phút nào ngớt.
*
* *
Lúc tạnh, tôi xem đồng hồ, đã bảy giờ. Khó lòng mà về nổi. Tôi hỏi người Mèo:
- Bây giờ đi Sapa được không?
Người ấy vừa tẽ ngô vừa lơ đãng trả lời:
- Sao không được?
- Đưa tôi về nhé?
Giọng hắn thản nhiên:
- Sao được! Còn phải làm giúp nhà đám cơ mà. Ngày mai ăn cỗ.
Tôi thở dài. Hắn không quay lại, rời rạc hỏi:
- Về à? ở lại, mai sang nhà đám ăn cỗ nhá!
Tôi rùng mình nghĩ đến mấy miếng thịt lợn sống treo ở cái sào, bên cạnh thây ma. Và tôi cúi xuống buồn rầu nhìn lửa cháy lập lòe trong bếp.
Bên nhà tang, tiếng khèn, tiếng trống vẫn gióng một kéo dài: "tsè tsè... phình! tsè tsè tsè tsè phình!" như không bao giờ sẽ dứt.
Tôi vùng đứng dậy. Người Mèo hỏi:
- Về à?
- Phải, tôi về.
- Nhưng mưa đấy mà!
Quả thực, mưa đã lại bắt đầu xào xạc trong lá mai cứng. Tôi chán nản thở dài. Người Mèo bỏ bắp ngô vào nong, uể oải đi về phía người vợ vẫn ngồi im lặng se sợi từ lúc tôi mới đến, không nói một câu, không cười một tiếng. Hắn mang lại hơ lên lửa một miếng da ngựa bẩn và hỏi:
- Để hong, nằm cho ấm nhá?
Tôi mỉm cười nhìn đôi mắt xếch của hắn:
- Cám ơn anh có lòng tốt.
*
* *
Giữa đêm, tôi thức giấc. Mỏi mệt, tôi đã ngủ thiếp đi sau khi ăn mấy bắp ngô nướng.
Tôi mơ màng vẫn tưởng nằm ngủ ở nhà. Cái hộp máy ảnh cũng gối đầu và mùi hôi hám của miếng da ngựa nhắc tôi nhớ tới câu chuyện đã xảy ra.
Tôi liền rón rén ngồi dậy. Ba gian nhà tối om. Bếp đã tắt lửa. Một cái chớp nhoáng qua khe hai bức phên, thoáng chiếu vào ông già nằm bên tôi trên ổ rơm...
Nhưng tôi không kịp nhận xét kỹ nữa. Tiếng khèn đã chiếm lấy cả tôi, tiếng khèn buồn thảm như tiếng rền rĩ của kẻ bị thương. Tôi đánh diêm hút thuốc lá và nhân tiện xem đồng hồ: hơn hai giờ sáng.
Bỗng tôi kinh hoảng toan kêu rú lên. ở chân tôi có vật gì thúc mạnh. Tôi đạp liều một cái. Tiếng eng éc đáp lại liền khiến tôi mỉm cười nghĩ thầm: "Con lợn! đó chỉ là một con lợn!" Tôi nằm xuống cố ngủ lại cho qua hết cái đêm kinh khủng. Nhưng không sao ngủ được. Tiếng khèn làm cho tôi tỉnh vì rùng rợn. Bây giờ tiếng trống không cầm dịp nữa. Thay vào tiếng trống, có một thứ âm nhạc rất lạ lùng, xa xăm, rời rạc, mọi rợ.
- Ưn... Ưn ưứt!... Ưn... ưn ưứt!...
Mưa đã tạnh nhưng chớp vẫn đầy trời. Qua chỗ hổng, trên một bức phên, hình cái nóc nhà người chết với khóm mai cao thoáng vẽ ra rõ ràng, vụt sáng, lại vụt tối ngay.
Bỗng tiếng khèn ngừng bặt.
Nhưng tiếng âm nhạc lạ lùng vẫn còn, một mình, từng đoạn đều đều kéo dài trong đêm vắng:
- Ưn, !. ưn ưứt! Ưn,... ưn ưứt!
Tôi cảm thấy sự buồn nản, ghê sợ từ từ thấm giọt vào tâm hồn tôi, như nước mưa thấm qua núi đá mà tí tách rơi vào trong hang...
Sống với tâm trạng ấy bao lâu, tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ lúc nghe thấy tiếng gọi và tiếng trả lời của cha con ông lão Mèo, tôi thở ra một hơi rất dài như trút hết nỗi lo lắng băn khoăn. Và tôi vui mừng hỏi:
- Anh đã dậy đấy à?
Sau một cái vươn vai và một tiếng ngáp kêu, người Mèo đáp vắn tắt:
- Phải.
- Sáng rồi?
Tiếng reo của tôi như có nghĩa "thoát nạn!" Người Mèo chậm rãi nhắc lại:
- Sáng rồi.
Rồi hắn ra mở cửa phên. Bên ngoài trời lờ mờ. Tôi phủi những sợi rơm và những râu ngô bám vào quần áo:
- Về!
Anh Mèo ngạc nhiên nhìn tôi, hỏi lại:
- Về đâu?
- Về Sapa.
Hắn trỏ sang nhà tang:
- ở lại ăn cỗ đã chứ!
Ngay lúc ấy như để chào mời tôi, tiếng khèn lại cất lên. Tôi vội vàng đưa đãi người Mèo năm hào rồi hấp tấp ra đi như chạy trốn.
Qua cái lều cối giã gạo, tôi đứng lại mỉm cười. Tiếng "ưn ưứt" lạ lùng chính ở đó đưa ra, và chỉ là tiếng cái cần mà sức nặng của nước làm rơi xuống, và tiếng cái chầy giã bằng gỗ trong không.
Tới nơi đồi cao, tôi đứng lại trông xuống: thung lũng ý Lìn hồ xinh xắn nhẵn nhụi hiện ra rực rỡ trong ánh trời buổi sáng.
Nhưng tiếng khèn, theo nhịp trống vẫn bay lên, đuổi theo tôi.
*
* *
Từ đó, tôi thường tự hỏi:
- Anh Mèo thổi khèn trong mưa, và trước cái thây ma thiếu phụ phải chăng là một kẻ si tình?
Tôi tưởng tượng ra một thiên tiểu thuyết trong đó một chàng trẻ tuổi yêu một thiếu nữ. Rồi xảy ra biệt ly: bị ép gả cho một ông lão giàu có, người con gái khô héo dần rồi chết.
Và từ đó, tiếng khèn trong chiều tà, tôi nghe ai oán, như tiếng than khóc của một tâm hồn trơ trọi.
Rút từ tập truyện ngắn Đợi chờ
Nxb Đời nay, Hà Nội, 1940.
Nhiều lần tôi nghe tiếng khèn. Và tôi chắc ai lên Sapa cũng đã được thưởng món âm nhạc Mèo ấy một cách dễ dàng như tôi. Ngày phiên chợ, chỉ việc tặng chú tài tử Mèo dăm xu là chú ta cúi khom ngay lưng xuống mà vừa thổi vừa nhảy lò cò chung quanh một cái vòng tròn tưởng tượng.
Nhưng trong hai đêm tiếng khèn đã gieo vào lòng tôi sự buồn thảm nặng nề và sự rùng rợn ghê gớm.
*
* *
Đêm hôm ấy, gió mưa hắt lạnh đánh thức tôi dậy. Tôi vội vàng đóng cửa kính. Bỗng tiếng khèn ở dưới đường đưa lên rầu rĩ, trầm dài một điệu.
Tôi ra hiên nhìn xuống: Một người Mèo thong thả đi trong mưa, lên dốc khách sạn Trung ương và tiến về phía nhà bưu chính.
Tiếng khèn xa dần, nhỏ dần. Và một lát, tôi tưởng tôi mơ mộng, vì tiếng tsè tsè vẫn còn như vương vấn, ngân nga tựa tiếng ve từ nơi thung lũng xa xăm nào bay tới.
Nhưng chỉ nửa giờ sau tôi đã nhận thấy rằng tôi không mơ mộng. Tiếng khèn quả thực chưa ngừng... Một lúc một rõ, một gần. Rồi từ phía chợ đi lên, nhà tài tử Mèo vẫn lom khom, thong thả đi trong mưa với cái ống tiêu Mèo dính liền miệng.
Lúc đó, từ trong bóng tối, dưới mái quán chợ, một người lính cảnh sát ném ra mấy câu tiếng Mèo. Nhà âm nhạc đứng thẳng lên lắng tai nghe, cái khèn vẫn không rời môi. Rồi chẳng đáp lại nửa lời, hắn nghiễm nhiên thổi tiếp, vừa thổi vừa đi về phía sở Bưu chính.
Lần thứ ba, đợi người Mèo đi qua nhà, tôi gọi to:
- Ê! này!
Hắn ngửng lên nhìn, ngơ ngác. Tôi đọc luôn một câu tiếng Mèo mà tôi đã học thuộc:
- Một sảng hát thư?(1)
Hắn cười phô hàm răng trắng và trả lời đùa:
- Sảng ká.(2)
Tôi hỏi lại:
- Sảng ká?
Không tìm được tiếng Mèo nào nữa, tôi nói tiếng An Nam:
- Thổi kèn hay lắm, nhưng sao đêm khuya không đi ngủ?
- Khuya gì mà khuya!.
Sự thực, lúc bấy giờ đã hơn ba giờ sáng. Người Mèo nói tiếp:
- Đi ăn cỗ cưới, uống rượu nhiều, bây giờ buồn, đi thổi khèn chơi.
Rồi hắn lại đi thẳng, tiếng khèn dần dần lẩn trong tiếng mưa.
--------------------------------------------------------
1. Đi chơi đâu đấy.
2. Đi chợ.
--------------------------------------------------------
Cuộc dạ du lạ lùng ấy khiến tôi nghĩ ngợi mãi: đi chơi đêm dưới trời mưa? Hắn say rượu? Nhưng sao hắn lại bảo hắn buồn vì vừa ăn cỗ cưới về? Đi ăn cỗ cưới sao lại buồn?
Biết bao câu hỏi làm tôi băn khoăn.
*
* *
Năm sau, cũng một đêm mưa, tiếng khèn một dịp buồn ấy tôi lại được nghe ở một trường hợp khác hẳn trong một túp nhà Mèo, dưới thung lũng ý Lìn hồ.(1)
Thung lũng ý Lìn hồ, chiều chiều ngồi chơi trên hòn Núi Đen hay dạo mát trên những con đường cao, tôi thường đứng lại ngắm. Nó ở sâu hoắm, sát ven sườn Fan si pan. Hai bên dòng nước trắng long lanh, khuất hiện trong khóm mai, rải rác những túp nhà tranh nhỏ xíu, trông như những đồ chơi bằng sành mà người ta gắn vào cái non bộ nhẵn nhụi, xinh xẻo. Có khi trong một vòng u ám dưới sương, mây bao phủ, thung lũng ý Lìn hồ tựa một cảnh thần tiên hiện ra, rực rỡ ánh nắng vàng, hiện ra mấy phút rồi lại lẩn vào trong sương mờ, mây trắng từ ngọn núi chìm dần xuống.
Trưa hôm ấy, ăn cơm xong, tôi mang máy ảnh đi về phía Cầu Mây, để tìm lối xuống thung lũng ý Lìn hồ. Tới đỉnh một quả đồi cỏ tranh mọc cao và xanh tốt, tôi ngồi lại nghỉ. Ngay dưới chân, sau chừng ba, bốn trăm thước, những ruộng thành bực bao quanh suối lượn vòng, trông như những ngấn nước lan rộng trên mặt hồ có gió.
Tôi thấy những thửa ruộng xanh ấy gần quá và tưởng có thể chạy tuột từ đỉnh đồi xuống được. Và tôi đi liền.
Nhưng mãi hơn hai giờ sau tôi mới tới nơi. Không ngờ đường xá xa đến thế! Dẫu sao tôi cũng không tiếc công, vì cảnh ý Lìn hồ hùng vĩ và xinh đẹp. Cái lạch nước êm lặng mà tôi thấy khi ngồi ngắm từ trên cao, kỳ thực là một con sông, nước réo ầm ầm, dữ dội như tiếng thủy triều đương dâng. Đứng trên cầu mây tôi chóng mặt, rợn người nhìn bọt sóng sùng sục sôi quanh những tảng đá lớn, đen và xám.
Sang bờ bên kia, tôi loay hoay chụp ảnh. Bỗng một cảnh tượng làm tôi lưu ý. Một người Mèo đầu đội nón sơn, vai đeo cái khèn, dắt một con ngựa thồ mang hai bên sườn hai cái lẵng. Màu tía của con vật, màu chàm của bộ quần áo, màu vàng bóng của đôi lẵng in lên màu trắng bóng của dòng nước cuồn cuộn chảy: một bức tranh tàu nét vẽ già giặn, hình sắc nhịp nhàng.
Tôi vội lại gần giương máy chụp ảnh. Và tôi kịp nhận ra rằng đó chính là người Mèo thổi khèn trong đêm mưa năm trước mà tôi đã gặp nhiều ngày phiên chợ ở sòng sóc đĩa, ngồi xổm trên phản, thét lớn nhắc lại, mỗi khi mở bát, câu bán chẵn bán lẻ của nhà cái:
- Xoòng lưởng khoái!(2)
- Tán pê khoái!(3)
Tôi mỉm cười gật chào và hỏi:
- Anh đi đâu đấy?
Người Mèo buồn rầu đáp:
- Tôi đi viếng đám ma.
- Có gần đây không?
Người kia gật.
- Tôi đi với nhé? Có được không?
Người ấy lại gật.
*
* *
Tôi theo người Mèo rẽ vào một xóm nhỏ. Thưa thớt độ mươi nóc nhà sau rặng mai cao.
Qua con đường lầy lội, đầy bùn đen, chạy theo ven đồi, chúng tôi tới một nếp nhà dài và thấp. Đầu hồi nhà, mấy cây đào chi chít quả vàng, và buộc vào gốc đào hai con ngựa thồ gầy và lấm.
--------------------------------------------------------
1. Vũ lâm ha
2. Chẵn thừa hai đông
3. Lẻ thừa ba đồng
--------------------------------------------------------
Thấy người Mèo dừng lại, tôi hỏi:
- Đây?
Người ấy gật. Hắn thò tay vào một bên lẵng kéo ra một chai rượu, rút nút lá ngô, uống luôn mấy tợp. Rồi nghiễm nhiên đưa chai rượu cho tôi.
- Uống nhá?
Tôi lắc đầu xua tay từ chối.
Người Mèo vác hai cái lẵng vào hiên nhà. Một người Mèo bước ra tiếp. Người ấy tóc điểm bạc, mắt dữ tợn, thân thể vạm vỡ.
Một ông già quắc thước, tráng kiện.
Chủ và khách nói với nhau dõng dạc như trên sân khấu tuồng Tầu, rồi cùng cất tiếng khóc. Liền lúc ấy, ở trong nhà có tiếng khóc đáp lại.
Khóc xong, họ lại nói với nhau những câu mạnh mẽ và ngắn chỉ độ bốn, năm tiếng. Đoạn, khách lấy trong bọc ra một cái chén lớn, rót đầy rượu đưa mời chủ. Ông già đỡ chén chắp tay vái dài một cái. Khách cũng vái lại. Sau ba lần đôi bên kính cẩn chào nhau như thế, chủ mới nâng chén rượu đặt hờ lên môi, không uống. Đoạn thong thả chiết vào cái sừng trâu đeo lủng lẳng bên cạnh sườn như cái vỏ dao.
Khách lại rót chén rượu thứ hai và cuộc thù tiếp cũng phiền phức, kiểu cách như lần trước. Mời xong chén rượu thứ ba, khách mới chịu theo chủ bước vào trong nhà làm lễ viếng. Tôi xin phép chủ nhân theo vào.
Ba gian nhà rộng. ở gian giữa, trên một cái giá gỗ cao và dài kê sát vách, người chết - một thiếu phụ - nằm ngửa, hai tay buông xuôi, mặt che miếng vải xanh. Khách trịnh trọng lại gần, cầm cái phất trần lông gà phe phẩy; Tức thì đàn ruồi đen bay tản ra. Tôi ghê sợ lùi lại một bước đầu chạm vào một vật nhũn. Ngửng lên, thì đó là một miếng thịt lợn sống máu còn nhỏ giọt, mà họ treo vào cây sắt gác ngang từ cửa tới chỗ cái thây ma.
Cặp mắt mờ lệ của người Mèo trẻ tuổi đưa nhìn từ đầu đến chân thiếu phụ. Rồi từ từ, run run, tay nhấc hẳn miếng vải che mặt người chết ra. Một lần nữa đàn ruồi bay lên tua tủa, khiến tôi kinh hoảng đi ra phía cửa.
Trong lúc khách vừa khóc vừa kể lể từng đoạn rất lâu, giọng lên xuống như lời ca than vãn, thì chủ cho cử nhạc: Một người lom khom nhảy ở trước linh sàng, và một người nữa cầm dùi gỗ nện vào cái mặt trống căng chùng để gõ nhịp.
Bài điếu ca dài tới hai mươi phút thỉnh thoảng lại lấp trong tiếng khóc của họ hàng người chết cất lên từng hồi. Bỗng khách đứng im suy nghĩ, rồi vừa nói với chủ nhân, hắn vừa tháo cái khèn mang theo để hòa với phường nhạc của tang gia. Tôi cố nhịn mới giữ được khỏi bật cười vì tôi thấy anh Mèo của tôi dáng điệu ngây thơ và ngộ nghĩnh quá.
*
* *
Mải đứng ngắm, tôi không biết rằng đã bắt đầu đổ mưa. Quay ra thấy trời tối đen tôi kinh hoảng nghĩ đến đường về. Xuống dốc, tôi đi mất hơn hai giờ, vậy lên dốc hẳn ít ra cũng gấp rưỡi thế, nghĩa là nếu bắt đầu đi ngay thì may ra tám giờ tối, tôi mới về tới nhà, vì lúc đó đã gần năm giờ. Nhưng mưa to quá, mà tôi lại không mang theo áo tơi.
Trái với lòng mong mỏi của tôi, mưa mỗi lúc một dầy hơn. Đồi, ruộng, cây chìm biến vào trong một lớp màu trắng đục. Tôi lo lắng, chốc chốc lại nhìn đồng hồ đeo tay xem giờ, và không để ý tới tiếng khèn, tiếng trống, tiếng khóc nữa.
Một người Mèo từ biệt tang gia đi về.
Tôi hỏi:
- Nhà ở tận đâu?
Hắn trả lời vắn tắt:
- Gần đây thôi.
- Cho tôi về nhà với nhé?
Hắn nhìn đăm đăm tôi đến mấy giây rồi mới khẽ gật và đáp:
- Về thì về.
Tôi vui vẻ theo hắn, mừng thầm được thoát một nơi u ám đầy hơi chết.
Cách đó chỉ độ dăm chục thước, nhà hắn náu hình nằm dựa vào một khóm mai. Tôi theo hắn bước qua cái ngưỡng cửa đắp bằng đất, đến ngồi cạnh bếp lửa ở gian giữa để sưởi cho khô quần áo. Hai gian bên là hai cái ổ rơm rộng. Phía tay mặt, một ông già, khăn rối, quần cao, ngồi tẽ ngô xuống một cái nong lớn. Phía kia một người đàn bà, bắp chân to như hai cái cong, đương chăm chú se sợi gai để quấn vào cái trục gỗ.
Thấy chúng tôi vào, cả hai cùng ngửng lên, yên lặng nhìn, vẻ mặt bình thản. Nghe xong câu giảng giải của người mới tới, ông lão lại cúi xuống tẽ ngô, và người đàn bà lại thong thả se sợi. Anh Mèo bảo tôi:
- Ông già với người vợ không biết nói tiếng kinh đâu.
- Thế còn lũ bé con?
- Hai bé con ở bên nhà người chết cơ mà! Đợi tạnh mưa mới về chứ!
Nhưng mưa hầu như không bao giờ tạnh, thác nước đều đều giội xuống, không một phút nào ngớt.
*
* *
Lúc tạnh, tôi xem đồng hồ, đã bảy giờ. Khó lòng mà về nổi. Tôi hỏi người Mèo:
- Bây giờ đi Sapa được không?
Người ấy vừa tẽ ngô vừa lơ đãng trả lời:
- Sao không được?
- Đưa tôi về nhé?
Giọng hắn thản nhiên:
- Sao được! Còn phải làm giúp nhà đám cơ mà. Ngày mai ăn cỗ.
Tôi thở dài. Hắn không quay lại, rời rạc hỏi:
- Về à? ở lại, mai sang nhà đám ăn cỗ nhá!
Tôi rùng mình nghĩ đến mấy miếng thịt lợn sống treo ở cái sào, bên cạnh thây ma. Và tôi cúi xuống buồn rầu nhìn lửa cháy lập lòe trong bếp.
Bên nhà tang, tiếng khèn, tiếng trống vẫn gióng một kéo dài: "tsè tsè... phình! tsè tsè tsè tsè phình!" như không bao giờ sẽ dứt.
Tôi vùng đứng dậy. Người Mèo hỏi:
- Về à?
- Phải, tôi về.
- Nhưng mưa đấy mà!
Quả thực, mưa đã lại bắt đầu xào xạc trong lá mai cứng. Tôi chán nản thở dài. Người Mèo bỏ bắp ngô vào nong, uể oải đi về phía người vợ vẫn ngồi im lặng se sợi từ lúc tôi mới đến, không nói một câu, không cười một tiếng. Hắn mang lại hơ lên lửa một miếng da ngựa bẩn và hỏi:
- Để hong, nằm cho ấm nhá?
Tôi mỉm cười nhìn đôi mắt xếch của hắn:
- Cám ơn anh có lòng tốt.
*
* *
Giữa đêm, tôi thức giấc. Mỏi mệt, tôi đã ngủ thiếp đi sau khi ăn mấy bắp ngô nướng.
Tôi mơ màng vẫn tưởng nằm ngủ ở nhà. Cái hộp máy ảnh cũng gối đầu và mùi hôi hám của miếng da ngựa nhắc tôi nhớ tới câu chuyện đã xảy ra.
Tôi liền rón rén ngồi dậy. Ba gian nhà tối om. Bếp đã tắt lửa. Một cái chớp nhoáng qua khe hai bức phên, thoáng chiếu vào ông già nằm bên tôi trên ổ rơm...
Nhưng tôi không kịp nhận xét kỹ nữa. Tiếng khèn đã chiếm lấy cả tôi, tiếng khèn buồn thảm như tiếng rền rĩ của kẻ bị thương. Tôi đánh diêm hút thuốc lá và nhân tiện xem đồng hồ: hơn hai giờ sáng.
Bỗng tôi kinh hoảng toan kêu rú lên. ở chân tôi có vật gì thúc mạnh. Tôi đạp liều một cái. Tiếng eng éc đáp lại liền khiến tôi mỉm cười nghĩ thầm: "Con lợn! đó chỉ là một con lợn!" Tôi nằm xuống cố ngủ lại cho qua hết cái đêm kinh khủng. Nhưng không sao ngủ được. Tiếng khèn làm cho tôi tỉnh vì rùng rợn. Bây giờ tiếng trống không cầm dịp nữa. Thay vào tiếng trống, có một thứ âm nhạc rất lạ lùng, xa xăm, rời rạc, mọi rợ.
- Ưn... Ưn ưứt!... Ưn... ưn ưứt!...
Mưa đã tạnh nhưng chớp vẫn đầy trời. Qua chỗ hổng, trên một bức phên, hình cái nóc nhà người chết với khóm mai cao thoáng vẽ ra rõ ràng, vụt sáng, lại vụt tối ngay.
Bỗng tiếng khèn ngừng bặt.
Nhưng tiếng âm nhạc lạ lùng vẫn còn, một mình, từng đoạn đều đều kéo dài trong đêm vắng:
- Ưn, !. ưn ưứt! Ưn,... ưn ưứt!
Tôi cảm thấy sự buồn nản, ghê sợ từ từ thấm giọt vào tâm hồn tôi, như nước mưa thấm qua núi đá mà tí tách rơi vào trong hang...
Sống với tâm trạng ấy bao lâu, tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ lúc nghe thấy tiếng gọi và tiếng trả lời của cha con ông lão Mèo, tôi thở ra một hơi rất dài như trút hết nỗi lo lắng băn khoăn. Và tôi vui mừng hỏi:
- Anh đã dậy đấy à?
Sau một cái vươn vai và một tiếng ngáp kêu, người Mèo đáp vắn tắt:
- Phải.
- Sáng rồi?
Tiếng reo của tôi như có nghĩa "thoát nạn!" Người Mèo chậm rãi nhắc lại:
- Sáng rồi.
Rồi hắn ra mở cửa phên. Bên ngoài trời lờ mờ. Tôi phủi những sợi rơm và những râu ngô bám vào quần áo:
- Về!
Anh Mèo ngạc nhiên nhìn tôi, hỏi lại:
- Về đâu?
- Về Sapa.
Hắn trỏ sang nhà tang:
- ở lại ăn cỗ đã chứ!
Ngay lúc ấy như để chào mời tôi, tiếng khèn lại cất lên. Tôi vội vàng đưa đãi người Mèo năm hào rồi hấp tấp ra đi như chạy trốn.
Qua cái lều cối giã gạo, tôi đứng lại mỉm cười. Tiếng "ưn ưứt" lạ lùng chính ở đó đưa ra, và chỉ là tiếng cái cần mà sức nặng của nước làm rơi xuống, và tiếng cái chầy giã bằng gỗ trong không.
Tới nơi đồi cao, tôi đứng lại trông xuống: thung lũng ý Lìn hồ xinh xắn nhẵn nhụi hiện ra rực rỡ trong ánh trời buổi sáng.
Nhưng tiếng khèn, theo nhịp trống vẫn bay lên, đuổi theo tôi.
*
* *
Từ đó, tôi thường tự hỏi:
- Anh Mèo thổi khèn trong mưa, và trước cái thây ma thiếu phụ phải chăng là một kẻ si tình?
Tôi tưởng tượng ra một thiên tiểu thuyết trong đó một chàng trẻ tuổi yêu một thiếu nữ. Rồi xảy ra biệt ly: bị ép gả cho một ông lão giàu có, người con gái khô héo dần rồi chết.
Và từ đó, tiếng khèn trong chiều tà, tôi nghe ai oán, như tiếng than khóc của một tâm hồn trơ trọi.
Rút từ tập truyện ngắn Đợi chờ
Nxb Đời nay, Hà Nội, 1940.