Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Tác giả: Khuyết Danh
Khi Lục Lang thả Mạnh Lương đi rồi, Nhạc Thắng nói:
- Mạnh Lượng là đứa kỳ khôi, nay bắt được nó sao thượng quan lại thả nó đi. Nay nó trở về thế nào cũng đến đánh nữa, vậy thượng quan phải dùng kế bắt nó .
Lục Lang nói:
- Mạnh Lương tuy có dõng lực, nhưng ít mưu. Cách đây chừng năm dặm, đá dựng chập chùng, không có đường đi, ngươi hãy dẫn binh ra đó mai phục, chờ ta dụ nó đến thì chận lại mà đánh ta sẽ có kế.
Nhạc Thắng vâng lệnh dẫn quân đi.
Lục Lang chọn năm tên quân mạnh mẽ bảo giả là tiều phu, đứng nơi góc núi, hễ thấy Mạnh Lương chạy đến hỏi thăm đường, thì phải làm y theo kế.
Quân sĩ vâng lệnh ra đi.
Lục Lang sắp đặt xong thì nghe quân báo Mạnh Lương đã dẫn quân đến trước trại khiêu chiến.
Lục Lang liền lên ngựa, dẫn quân ra khỏi trại kêu Mạnh Lương nói lớn:
- Hôm nay ngươi có đánh thì phải cẩn thận, nếu để ta bắt một lần nữa thì ta không tha.
Mạnh Lương nói :
- Hôm nay ta đến đây là quyết báo cừu bữa trước.
Mạnh Lương vừa nói dứt lời, liền vung búa giục ngựa xông tới chém Lục Lang. Lục Lang cũng vung thương rước đánh. Đánh được vài chục hiệp, Lục Lang bèn quay ngựa nhắm đường núi chạy. Mạnh Lương giận nói:
- Còn dám dùng tên mà bắn ta nữa chăng?
Rồi giục ngựa đuổi theo. Lục Lang vừa đỡ vừa chạy, dụ Mạnh Lương lên tới dốc núi, lại làm bộ sợ hãi loay hoay rớt mão xuống đất rồi trèo lên núi mà chạy. Mạnh Lương tánh nóng như lửa, cũng xuống ngựa vung búa rượt theo, vừa qua khỏi góc núi thì chẳng thấy Lục Lang đâu.
Mạnh Lương thất kinh nói:
- Ta lại trúng kế nữa rồi!
Mạnh Lương vừa muốn quay lại, bỗng nghe phía sau còi trống vang dậy. Binh phục của Nhạc Thắng ó dậy, vây chặt ở góc núi, Mạnh Lương thấy có binh phục liền bỏ chạy trở qua núi Tây Nhân, lẫn theo đường chẹt mà đi. Bỗng thấy trên núi có bốn năm ông tiều phu, Mạnh Lương bèn kêu hỏi:
- Trên ấy có đường chỗ đi đâu chăng?
- Trên đỉnh này có một cái đường nhỏ, đi ra Hồ Lâm giản đặng.
Mạnh Lương nói:
- Bọn ngươi mà cứu đặng thì ta sẽ đem châu báu mà đền ơn ấy.
Mấy tiều phu nói:
- Tôi vẫn muốn cứu lắm, song e tướng quân không chịu.
Mạnh Lương nói:
- Miễn là cho thoát khỏi thì thôi, có sao mà không chịu?
Ông tiều phu liền thòng dây xuống mà nói:
- Tướng quân hãy lấy mối dây này buộc ngang lưng, rồi bọn tôi ráng sức kéo lên, thì tướng quân mới thoát nạn.
Mạnh Lương lúc ấy bèn nghĩ rằng:
- Việc gấp như vầy ta phải tùng quyền mà nghe theo cũng chẳng hề chi.
Nghĩ rồi liền với lấy mối dây, buộc chặt vào lưng.
Ở trên, mấy ông tiều phu hiệp lực kéo lên, kéo đến nửa chừng rồi treo tòn ten để đó. Mạnh Lương bèn kêu lớn mà hỏi:
- Sao các ngươi không kéo tuốt lên, lại để tòn ten nửa chừng làm chi vậy?
Mấy người tiều phu nói:
- Tướng quân hãy đợi một chút, để tôi kêu người ta tựu lại cho đông rồi sẽ kéo lên.
Mạnh Lương nghe nói nửa nghi nửa sợ trong giây phút Lục Lang và Nhạc Thắng đều đến, đứng trên đỉnh núi kêu Mạnh Lương mà nói:
- Phen này ta bắt ngươi tại trên trời, ngươi đã phục ta chưa.
Mạnh Lương đáp:
- Ngươi dùng kế quỉ mà bắt ta, chớ chẳng phải là ta thua ngươi nếu muốn giết thì giết chớ ta chẳng phục đâu. Mấy người dụng kế như vậy cũng chưa giỏi, duy có đánh nhau một trận, như ngươi có giỏi mà bắt đặng ta tại chiến trường, thì ta mới phục và qui hàng.
Lục Lang nói:
- Thôi để ta tha ngươi một phen nữa, rồi ta sẽ xuống đất mà bắt ngươi, ngươi chớ còn ăn năn chi.
Nói rồi liền khiến quân nới dây xuống mà thả Mạnh Lương đi rồi dắt Nhạc Thắng về trại thương nghị rằng:
- Mạnh Lương bị ta bắt luôn hai phen, nay nó chẳng dám đánh ban ngày nữa, ắt chờ đêm tăm tối, dẫn binh đến lén cướp trại mà thôi. Vậy phen này bắt đặng nó rồi, coi nó còn nói chi.
Nhạc Thắng thưa:
- Thượng quan mưu hay chước lạ , ít ai bì kịp, song tôi e Mạnh Lương chẳng dám đến nữa.
Lục Lang nói:
- Ta liệu chắc đêm nay, sao Mạnh Lương cũng đến.
Nói rồi liền khiến quân sĩ đào hầm nơi trước cửa trướng, sâu năm sáu thước, trên lót ván mỏng rồi trải chiếu cho khuất miệng hầm, lại khiến quân sĩ mai phục hai bên xa xa, để chừng tám chín người núp nơi trước trướng, chờ Mạnh Lương trúng kế sẽ ra mà bắt. Quân sĩ vâng lệnh y thứ mà làm, đâu đó đều dự bị sẵn sàng.
Đêm ấy, Lục Lang ngồi nơi trướng một mình chong đèn mà xem sách, gần hết canh hai, quả có Mạnh Lương dẫn binh la hét đi đến Giải San trại, cho người đi thám về báo rằng:
- Trong trại tướng sĩ không phòng bị, đều ngủ hết rồi.
Mạnh Lương đặng tin ấy cả mừng mà nói rằng:
- Phen này chắc báo đặng cừu ?
Nói rồi hẹn giục ngựa đến gần bên trại để binh ở ngoài, một mình xông thẳng vào trướng, thấy Lục Lang dựa ghế mà nằm, hai bên chẳng có ai hết. Mạnh Lương vung búa nhảy tới hét lớn:
- Lục Lang chớ chạy!
Nói chưa dứt lời, người và ngựa đều sụp tuốt xuống hầm.
Mấy tên quân mạnh xông ra thòng câu móc kép lên trói lại, còn hai ngàn binh của Mạnh Lương, cũng thẩy đều bị binh phục chặn bắt chẳng sót một người.
Lục Lang bèn nói với Mạnh Lương:
- Ta liệu việc kiến thức của ngươi chẳng qua đặng cơ mưu của ta. Thôi để ta tha ngươi về mà chiêu tập binh mã rồi sẽ đến mà đánh nữa.
Liền khiến quân mở trói mà thả Mạnh Lương.
Mạnh Lương than rằng:
- Tôi tuy là trộm cướp. Song cũng biết lễ nghĩa ít nhiều, bởi lánh dữ chưa trừ, nên quên phứt điều liêm sỉ, tướng quân thiệt là thần nhân, tôi lẽ nào chẳng phục? Nay tôi tình nguyện hết lòng mà phụng sự thượng quan, chớ chẳng còn trông chi khác nữa.
Lục Lang cả mừng bèn nói:
- Nếu ngươi khùng lòng qui thuận ta, thì ngày sau ắt cũng đặng hưởng danh ư hậu thế.
Qua bữa sau, Mạnh Lương bèn bẩm với Lục Lang xin trở về động, đặng chiêu tập bọn Lưu Siêu, Trương Cái, Quản Bá, Quang Huân, Vương Kỳ, Kỳ Trân, Kỳ Khiêm, Trần Hùng, Tạ Dõng, Mạnh Đắc, Lâm Thiết Thường, Tống Thiết Bỗng, Diều Thiết Kỳ, Đồng Thiết Cố, Lang Thiên và Lang Vạn, hết thảy là mười sáu viên đầu mục. Lục Lang nhận lời.
Chẳng bao lâu, Mạnh Lương dẫn bọn ấy đến vào khấu Lục Lang. Lục Lang bèn truyền lệnh dọn yến khao thưởng bá quan.
Lúc đang ăn uống, Mạnh Lương bèn nói:
- Cách đây chừng sáu mươi dặm có một hòn núi là Ba Tiêu sơn địa thế nguy hiểm, trong ấy có một đám cường nhân, tụ nhau cướp giật đất nhà cửa, phá xóm phá làng, quan cũng không làm chi đặng, người đầu đảng là người ở Nha Châu Tam Nguyên huyện, họ Tiêu tên Táng, hay ăn thịt người, mặt như đất đỏ, mắt to đồng linh, cả người gân cổ có vồng, thịt đùn có khúc, hay dùng cây thiết phi chùy, sức mạnh đánh muôn người. Nếu đặng người ấy đầu thì lại càng hơn bọn tôi nữa.
Lục Lang nghe nói càng hớn hở đứng dậy nói:
- Vậy thì để ta đến đó dụ Tiêu Táng về làm tướng.
Mạnh Lương thưa:
- Người ấy tánh khí dọc ngang, thượng quan chớ nên khinh mà đi một mình, phải dẫn binh theo mới đặng.
Lục Lang nói:
- Ta lấy sự thiền tín mà đãi người, lựa phải đem binh theo làm chi cho rộn ?
Đêm ấy ăn uống rồi thì đã canh ba, bèn phân nhau đi nghỉ.
Hôm sau, Lục Lang khiến bọn Nhạc Thắng và Mạnh Lương thủ trại rồi dẫn vài chục quân kỳ tuốt lên Ba Tiêu sơn. Vừa đến chân núi, thấy có một người đang ngồi tại đó, hình dung cổ quái, ăn mặc giống dạng tiều phu. Lục Lang bèn hỏi:
- Chỗ này có phải là núi Ba Tiêu chăng?
Người ấy đứng dậy đáp:
- Phải! Còn người là người chi, một người một ngựa đến đây có việc gì?
Lục Lang nói:
- Tôi họ Dương tên Diên Chiêu, con thứ sáu của Dương Nghiệp, mới lãnh chức Tuần Kiểm Giải San trại, nay nghe chỗ này có một người tên là Tiêu Táng, động lực vô song, nên đến mà dụ về làm tướng .
Người ấy nói:
- Tiêu Táng có quen với tôi, như ông muốn tìm thì hãy theo tôi, tôi sẽ chỉ cho.
Diên Chiêu rất mừng, liền theo người ấy mà lên núi.
Đi dọc đường, Diên Chiêu thấy hai bên đá dựng chập chồng, cỏ cây rậm rạp. Gần tới động, người ấy bèn nói rằng:
- Ông hãy đứng đây mà đợi, để tôi vào thông báo trước đã rồi sẽ vô sau.
Diên Chiêu tưởng thiệt, bèn đứng lại đó. Người ấy vào động, trong giây phút có hơn mấy trăm lâu la chạy ra bắt Diên Chiêu trói lại dẫn vào. Diên Chiêu đến nơi, thấy có một người ngồi trên, xem kỹ là người dắt mình khi nãy.
Người ấy cười và nói:
- Ta là Tiêu Táng đây? Ta chưa có quen biết chi với ngươi sao ngươi lại đến đây mà nạp mạng?
Diên Chiêu thần sắc chẳng đổi, nói lớn:
- Đại trượng phu coi chết như không, ngươi muốn làm chi thì làm đi .
Tiêu Táng nói:
- Ta ăn gan những người hảo hớn chẳng biết bao nhiêu, chớ phải có một mình ngươi mà thôi đâu.
Tiêu Táng nói rồi liền khiến kẻ thủ hạ treo Diên Chiêu lên.
Lâu la vâng lệnh vừa muốn vung dao mổ ruột, bỗng thấy trên đầu Diên Chiêu có một đạo hắc khí bốc lên, có con bạch hổ chạy ra, bào hao nhảy nhót. Tiêu Táng thất kinh nói:
- Nếu vậy, người này quả là thần tướng?
Liền hối quân thủ hạ nới dây, rồi bổn thân bước tới mở trói cho Diên Chiêu, lại cúi đầu vừa lạy vừa nói:
- Tôi chẳng biết người hiền, nay tình nguyện qui hàng, xin thượng quan thứ tội.
Diên Chiêu nói:
- Như người khứng đầu ta thì đặng làm quan chức, chẳng hay hơn là ăn cướp hay sao?
Tiêu Táng cả mừng, liền khiến thủ hạ tựu đến lạy ra mắt, rồi truyền dọn tiệc thết đãi.
Đang ăn uống, bỗng nghe dưới núi la hét rền trời, trống chiêng dậy đất. Diên Chiêu bước ra xem thì là Mạnh Lương và Nhạc Thắng. Hai người ấy thấy Diên Chiêu liền xuống ngựa nói:
- Hai anh em tôi nghe kẻ tùng nhân về báo rằng: Thượng quan đã bị ăn cướp bắt rồi, nên phải dẫn binh đến đây cứu viện.
Diên Chiêu bèn thuật hết đầu đuôi các việc lại, rồi dắt hai người vào động. Ra mắt xong, Tiêu Táng bèn mời hai người ngồi tiệc ăn uống chuyện trò đến canh khuya.
Qua bữa sau, Tiêu Táng bèn đốt sạch dinh trại, rồi dẫn hết lâu la về Giải San.
Lúc ấy Dương Diên Chiêu đã thâu đặng ba viên đại tướng, liền sai người về thông báo với triều đình, đặng cầu phong quan chức cho an lòng tướng sĩ. Chơn Tôn tiền triệu quần thần đến thương nghị. Khấu Chuẩn bèn tâu:
- Diên Chiêu đã thâu phục đặng quần khấu, vậy thì Bệ hạ phải y theo lời xin mà phong thưởng.
Chơn Tôn nhận lời, liền sai sứ đệ sắc chỉ ra Giải San, phong cho Dương Diên Chiêu là Nhị Châu Đô chỉ huy chánh sứ, còn Nhạc Thắng, Mạnh Lương, Tiêu Táng và một bọn phó tướng mười tám người đều phong làm Chỉ huy phó sứ, ai nấy đều tạ ơn.
Từ ấy tướng mạnh, binh ròng, oai phong lừng lẫy, trước cửa ải Diên Chiêu dựng cờ hiệu Dương gia, Bắc Phiên tướng sĩ đều nể phục, chẳng còn dám lăm le chi nữa.
Nhằm lúc tiết lạnh, là Trung Thu tháng tám, Diên Chiêu bèn truyền dọn tiệc mà thưởng trăng, thầy tớ vầy đoàn, ăn uống chuyện trò rất vui vẻ. Lúc đang ăn uống, Diên Chiêu bèn nói với các chư tướng:
- Cha con ta tám người, đầu Tống từ đầu về sau, mới gây ra sanh cừu hận với Bắc Phiên, cha ta là Dương Nghiệp, nhân đánh một trận tại Qua Châu, bị táng thân nơi hổ Nguyên Cốc, lúc ấy ta chôn đỡ nơi dưới Lý Lăng bi, ta thường muốn sai người qua đem hài cốt về đặng chôn theo tổ mộ, cho trọn đạo làm con, ngặt vì không có người tâm phúc đi thế cho ta, nên lòng ta hằng ngày băn khoăn, chẳng biết ngày nào cho toại chí bình sanh đặng.
Nhạc Thắng nói:
- Thượng quan thiện ý, thiệt là đại hiếu chi tình, ngặt vì binh Phiên nó ngăn đón, đường sá thì khó đi, vậy thì phải chậm lại vài năm sẽ tấn phương kế.
Dương Diên Chiêu buồn bã, không biết nói sao.
Mạnh Lương về phòng nghĩ thầm:
- Ta mang ơn thượng quan ba phen không giết, hôm nay người lại muốn tìm kẻ tâm phúc để lấy hài cốt. Vậy ta thừa dịp này lén đến Hồ Nguyên Cốc lấy hài cốt đem về để đền ơn thượng quan chút đỉnh.
Mạnh Lương nghĩ rồi, sắp sẵn hành lý, lén ra khỏi trại.
Hôm sau, quân sĩ chẳng thấy Mạnh Lương đâu, vội vã báo cho Dương Diên Chiêu biết.
Dương Diên Chiêu nói:
- Đêm hôm qua Mạnh Lương còn ăn tiệc với ta, có lý nào lại trốn đi.
Bọn Nhạc Thắng nói:
- Mạnh Lương là tên ăn cướp, chắc nó trốn đi xứ khác làm ăm, nên chẳng dám cho thượng quan hay.
Dương Diên Chiêu nói:
- Mạnh Lương lánh tuy lỗ mãng, song tình nghĩa rất sâu đậm. Ta nghĩ chắc không phải trốn đâu.
Các tướng hồ nghi, Dương Diên Chiêu vẫn không buồn chuyện Mạnh Lương bỏ trốn.
Lời bàn.
Nhận xét một nhân tài không phải nhìn vào hành động nhất thời, mà phải nhìn vào sự nghiệp của họ .
Mạnh Lương và Tiêu Táng là hai tên cướp. Tuy nhiên, hành động cướp giật chỉ là việc làm nhất thời, còn chí khí anh hùng là phải xét về thành tích, và lương tâm.
Người xưa, nhiều bậc anh hùng lúc chưa gặp thời thì đi lên núi đốn củi, xuống sông chèo đò, nhưng tư cách anh hùng của họ vẫn không biến đổi. Dương Diên Chiêu thu nạp Mạnh Lương và Tiêu Táng là thu nạp chí khí của một kẻ anh hùng, không phải thu nhận kẻ cướp.
Chính vì vậy mà Mạnh Lương ra khỏi trại không báo cho biết, Dương Diên Chiêu vẫn không nghi ngờ là Mạnh Lương bỏ trốn. Đầu óc của kẻ có tâm trí bao giờ cũng thông cảm với những kẻ có tâm hồn nghĩa nặng tình sâu.