Chương 7
Tác giả: Lê Duy Phương Thảo
- Nhưng...
- Yêu Miên, có nghĩa là sẽ trói chặt cuộc đời mình với tất cả những gì của Miên. Anh không biết mình có làm được như thế không.
- Em hiểu rồi. Anh vẫn chưa yêu Miên đủ nhiều để có thể sẵn sàng vì nàng mà hy sinh tất cả.
- Nhưng mỗi ngày anh đang phải đối diện với Miên, với tình cảm của cha mẹ nàng. Anh cảm thấy mỗi lúc càng bị thắt chặt hơn, trong một sợi dây vô hình nhưng chắc chắn vô cùng.
- Thế là anh định trốn chạy?
- Anh... chưa quyết định được.
- Dù sao anh cũng phải suy nghĩ thật kỹ.
Họ mải mê nói chuyện, đến nơi lúc nào không hay Hôm nay dường như Kha không đi săn, anh đến chỉ để chờ Thuyên. Hai người đàn ông nhìn nhau một lúc rồi Kha nói:
- Anh chắc là bác sĩ Duy?
Thuyên giới thiệu:
- Còn đây là anh Kha.
Duy nhìn rất lâu vào mắt Kha, như muốn tìm kiếm điều mà có lần Hàn Thuyên đã nói: "một đôi mắt có hồn". Chào hỏi xã giao xong, Duy nói:
- Thôi nhé, hai người cứ đi chơi. Anh Kha này! Tôi giao Hàn Thuyên cho anh đấy. Đừng để em tôi đi lạc nhé.
Thuyên phát khẽ lên vai Duy:
- Cái anh này, làm người ta là con nít không bằng. Nhưng... anh định đi đâu?
- Để xem, anh cũng chưa biết nữa.
Duy chào Kha rồi thong thả đi về hướng thác Hơ Lam. Chợt Duy dừng lại, nhìn Kha, hỏi:
- Nhánh lan ngọc điểm trong phòng em tôi có phải anh đã hái tặng không?
Kha không nói, chỉ khẽ gật rồi đứng im nhìn dáng Duy khuất dần. Hàn Thuyên gọi:
- Anh Kha nhìn gì ghê thế?
- Anh nghe đến bác sĩ Duy và Thụy Miên...
Kha lấp lửng không nói hết, Hàn Thuyên cắc cớ hỏi:
- Thế anh có nghe người ta ghép Thuyên với ai không?
- À có. Đông Đông phải không?
- Đông Đông? Đông nào cơ?
- Con khỉ của Thụy Miên đó.
- Cái anh này...
Biết bị chọc quê, Thuyên tức mình đuổi Kha đòi đánh. Kha nhảy qua mấy ghềnh đá rồi chạy ra trước, giọng anh vang vọng trong cái tĩnh lặng của buổi sớm mai:
- Thuyên ơi! Thuyên mà bắt được anh, anh sẽ theo hầu hạ Thuyên suốt đời.
- Thuyên sẽ bắt anh làm Đông Đông rồi mỗi ngày đánh một trận cho bõ ghét.
- Thế thì chạy theo bắt anh đi.
Duy khoanh tay đứng nhìn thác Hơ-Lam cuồn cuộn đổ, sủi bọt trắng xóa. Trong tiếng thác reo ầm ĩ dường như có lẫn cả giọng của Thụy Miên buồn man mác...
"Bác sĩ về thành phố chắc không còn nhớ ở đây đâu".
Rồi Duy như thấy hình ảnh Thụy Miên ngồi phơi tóc bên bờ suối, đôi tay màu bánh mật mịn màng đan vào những lọn tóc quăn quăn rũ xuống hai bên đôi mắt đen.
"Miên này! Tóc Miên thơm mùi gì thế?"
"Mùi hoa nhài đó. Anh có biết hoa nhài không?".
Bây giờ Duy đã biết hoa nhài. Dường như hoa nhài là của riêng nàng, hương thơm của nó càng đặc biệt hơn trên tóc nàng. Duy thở dài, chợt nghĩ đến Hàn Linh và câu nói cuối cùng của nàng trong đêm chia tay:
"Một năm! Anh cứ nói một năm thôi, nhưng mà ai biết được trong một năm đó sẽ có biết bao nhiêu chuyện không thể ngờ đến. Em thì không hình dung được sẽ sống thế nào trong một năm này".
Duy thường khuyên Hàn Thuyên viết thư cho Diễn, còn anh?... Anh bây giờ phải làm thế nào đây? Liệu có nên cầu cứu Hàn Linh không? Có nên cho nàng biết rằng tinh thần của anh, tình yêu của anh đang bị lung lạc vì một cô thôn nữ có đôi mắt nai hoang dại?
Duy đi dọc theo bờ suối, con suối mà theo Thụy Miên nói nó đổ ra sông rồi chảy về thành phố. Vô tình, Duy cảm thấy ở đây mình gần với quê hương, với Hàn Linh hơn.
Càng đi, Duy cảm thấy núi rừng càng hoang dã hơn. Có những tiếng chim hót rất lạ, những loài hoa dại mà Duy không hề biết tên. Rừng dày hơn, ánh ban mai yếu ớt không đủ sức xuyên qua kẽ lá làm đất rừng lạnh buốt. Một khung cảnh làm Duy có cảm giác gai gai trong người.
Đột nhiên, giữa cái âm u, tĩnh mịch rét buốt của rừng nguyên sinh bỗng hiện ra một khoảng trống chan hòa ánh nắng mai. Duy rảo bước đi về vùng ánh sáng ấy, chợt sững người trước thiên nhiên trải rộng màu tím ngắt của hoa sim, đan lẫn màu trắng phớt hồng của hoa lan.
Có rất nhiều hoa trong khu vườn ấy. Đúng là một khu vườn, bởi vì ở phía xa xa đằng kia, dựa ngay bên bờ một con suối là một ngôi nhà lá đơn sơ, có ánh khói màu lam thoát lên từ nóc nhà lợp lá, và có cả tiếng gà mái tục tục gọi con.
Duy rảo bước đi về phía ngôi nhà, tới giữa hai luống hoa được trồng và chăm sóc tỉ mỉ lắm. Điều đó đã nói lên tình yêu hoa của chủ nhân ngôi nhà đằng kia.
Đang đi, bỗng Duy giật mình vì một dáng người đứng vụt lên giữa những luống hoa. Bé gái chừng mười tuổi, tóc cột đuôi sam, hai má hây hây đỏ, giương đôi mắt có tròng như đen mướt nhìn Duy đầy vẻ lạ lùng.
Duy nở một nụ cười thân thiện:
- Chào cháu. Có phải nhà cháu ở kia không?
Cô bé mím môi, bỗng vứt những nhánh sim rừng tim tím mà em đã hái rồi ù té bỏ chạy. Vừa chạy, em vừa gọi to:
- Mẹ ơi! Có người đến nhà mình. Một người lạ, không phải chú Kha đâu ạ. Mẹ ơi... !
Trong lúc cúi xuống nhặt từng cành sim, Duy tự hỏi sao lại có người vào giữa rừng cất nhà thế này? Duy đứng lên, bây giờ đi giữa những luống rau xanh. Rau lan, rau muống, rau cải... đủ cả, mỗi loại một ít, tất cả đều mang màu xanh tươi tốt.
Em bé đứng trên ngưỡng cửa nhìn Duy, rồi một dáng người từ trong nhà chạy ra, một người thiếu phụ.
Duy chưa bao giờ nhìn thấy một thứ hy vọng nào mãnh liệt như thế trong đôi mắt của một con người. Thấy Duy, nàng dừng lại, cả người nhũn ra như có thể tan thành nước mắt. Đôi mắt mới đó sáng rực thì bây giờ tối lại. Hơi thở dồn dập mới đó bây giờ yếu đuối, hụt hẫng.
Nàng lùi lại, loạng choạng, yếu ớt... gương mặt tràn đầy nỗi thất vọng đến làm cả bầu trời quanh nàng u ám. Đứa con gái đến kéo tay mẹ nó:
- Mẹ ơi! Mẹ có sao không?
Duy tiến tới một chút:
- Chị làm sao vậy? Tôi là bác sĩ đây, để tôi giúp chị nhé.
Nàng lắc đầu, vẻ mệt mỏi rã rời không cần giấu giếm:
- Tôi không sao cả.
Duy chăm chú nhìn người thiếu phụ phảng phất một vẻ buồn u uất. Cả người nàng, từ chiếc áo sẫm màu đến đôi mắt đen sâu thẳm đều thoát lên một cái gì đó gờn gợn đau thương.
Thật bất ngờ, nàng bỗng nắm tay con gái quay vào mà không nói lời nào. Giữa lúc Duy còn ngẩn ngơ không hiểu làm sao thì nàng đột ngột quay lại:
- Mà này, sao anh lại tới đây?
Người đàn bà lạ lùng, với câu hỏi cũng thật lạ. Duy bắt đầu cảm thấy tò mò. Anh nói:
- Tôi đang đi dạo thì nhìn thấy nhà của chị.
Người thiếu phụ quay hẳn người lại, chăm chú nhìn Duy rồi hỏi:
- Anh là người vùng khác tới phải không?
- Vâng ạ. Tôi ở Sài Gòn lên đây.
Đột nhiên, cả người thiếu phụ run lên, nàng lắp bắp những câu khó hiểu:
- Thành phố... Sài gòn ư? Ở Sài Gòn lên thật sao? Nhưng tại sao lại không phải là...
Nàng không nói hết, đôi mắt long lanh chừng như có nước. Bất chợt Duy nghe xót cả lòng khi nhìn thấy đôi vai run rẩy của nàng. Ở nàng bây giờ lại là sự cô đơn, tuyệt vọng đến rã rời.
Duy nén lòng nhỏ nhẹ hỏi:
- Chị đang chờ đợi một người nào đó, phải không ạ?
- Chờ đợi ư? - Nàng lắc đầu, nước mắt đã ứa ra. Có lẽ nỗi đau quá lớn làm nàng không thể kiềm chế được. - Không... không...
Nàng nghẹn ngào, mãi mới nói được:
- Tôi không còn đủ sức để chờ đợi nữa. Tôi... tôi đã mệt mỏi lắm rồi.
Đứa con gái kéo tay mẹ nó:
- Mẹ ơi! Sao mẹ lại khóc? Chú đi đi. Chú không phải là người tốt, chú đã làm cho mẹ cháu khóc.
- Đừng con - Nàng xoa đầu con gái - Đừng nói hỗn thế bé Ni.
Rồi nàng nhìn Duy, vẻ rắn rỏi hơn:
- Xin lỗi anh nhé, tôi thật là không phải. Anh có muốn vào nhà mẹ con tôi một chút không?
- Nhà chỉ có...
- Vâng ạ, chỉ hai mẹ con thôi. Mời anh.
Nàng dắt con gái đi trước. Duy nhìn theo dáng đi mềm mại của nàng, chợt cảm thấy háo hức kỳ lạ với khám phá mới này. Một ngôi nhà lá đơn sơ, một người đàn bà đẹp và một đứa con gái. Tất cả những điều đó dường như rất phi lý ngay giữa núi rừng xa xôi này, nhưng một sự thật hiển nhiên là nó đang hiện hữu trước mắt Duỵ Và dễ còn những gì nữa đằng sau họ, nàng và đứa con gái bé bỏng của nàng.
Trong nhà, mọi thứ được làm bằng tre nứa. Một chiếc bàn con xinh xinh, một giỏ hoa phong lan ngầy ngật thơm, lủng lẳng trên chiếc cửa sổ bé tí, thêm cái võng tre và một cây đàn guitar treo trên vách. Tất cả chỉ có thế, cùng với hai mẹ con tạo thành một thế giới nhỏ, lặng lẽ, âm thầm, đơn sơ và.. cả một chút lãng mạn.
- Mời anh ngồi đây - Nàng chỉ chiếc ghế tre đóng không được khéo lắm rồi bảo con - Bé Ni rót nước mời chú đi con.
Cô bé ngoan ngoãn vâng lời mẹ, có lẽ được giáo dục khéo lắm. Tuy nhiên, ánh mắt của Ni cứ nhìn Duy rụt rè, kể cả khi em đến gần, mang cho Duy cốc nước:
- Mời.. chú ạ. Mời mẹ uống nước.
Duy định xoa đầu bé Ni nhưng nó lui lại thật nhanh, núp sau lưng mẹ. Nàng cười ngượng ngùng:
- Xin lỗi anh, cháu nhát lắm. Từ lúc chào đời, anh là người thứ ba mà cháu được gặp.
Duy thảng thốt kêu lên:
- Chị bảo sao cơ?
Nàng khép mắt như cố che giấu nỗi đau trong lòng, rồi choàng tay ôm con gái:
- Sự thật là thế đấy, anh...
- Tôi tên Duy.
- Anh Duy! Mà có đúng anh là người từ thành phố lên không? - Rồi nàng nói luôn - Chắc đúng thế rồi. Nhìn dáng dấp anh thật giống với người ấy.
Giọng nàng về cuối nhỏ rí lại như một tiếng thở thầm. Duy mở to mắt nhìn hai mẹ con:
- Người ấy? Có phải là người mà chị đang chờ đợi?
- Anh lên đây làm gì thế?
Duy cố giấu thất vọng khi nàng né tránh:
- Tôi và một người bạn nữa, chúng tôi là bác sĩ.
- Bác sĩ à? Đúng rồi, ở ngoài đó.. người ta cần thầy thuốc lắm. Ở đây nhiều bệnh tật nhưng lại thiếu người chữa trị.
Duy ngọ nguậy trên ghế, không chịu hàng lố câu hỏi của hai mẹ con họ. Về sự bí ẩn gần như huyền hoặc của họ.
- Còn chị? - Duy hỏi - Tôi xin lỗi nhưng chị và cháu làm cho tôi quá ngạc nhiên. Tại sao hai mẹ con lại...
Nàng cắt ngang lời Duy:
- Anh kể cho tôi nghe về thành phố đi.
Duy nhìn sững nàng, không giấu được vẻ thất vọng. Dường như thấy mình không phải, nàng nhìn Duy bằng đôi mắt sâu thẳm, pha lẫn nỗi đau buồn u uất, giọng nàng thật hiền:
- Xin lỗi anh. Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ. Chắc anh thấy mẹ con tôi bí ẩn kỳ lạ lắm? Sao tôi lại ở giữa rừng sâu thế này, sao tôi phải xa lánh cộng đồng? Tất cả những điều đó cũng chẳng phải bí ẩn gì, mọi người ở ngoài ấy đều biết cả. Về ngoài đó, anh cứ hỏi sẽ biết ngay mà thôi.
Duy chịu, đành nén vào lòng tất cả những câu hỏi ấy. Một lần nữa anh nhìn kỹ người thiếu phụ hơn. Với đứa con gái nhỏ trong lòng, với chiếc áo màu tối sẫm, với một đôi mắt buồn man mác, trông chị đằm thắm lạ. Chị giống như một bản nhạc đánh lên từ giữa rừng sâu, âm thanh trong trẻo nhưng cứ ngân nga, quẩn quanh như không bao giờ dứt.
- Anh Duy này - Nàng hướng đôi mắt đẹp u buồn vào Duy - Anh kể cho tôi nghe được không? Về thành phố của anh. Đại lộ Lê Lợi bây giờ thế nào rồi anh? Bến Bạch Đằng giờ có còn tấp nập những con tàu nhấp nháy ánh đèn xanh đỏ không anh? Nhà thờ Đức Bà sáng sáng vẫn còn ngân tiếng chuông thánh đường chứ? Còn nữa, những con đường rợp lá me tây, đỏ rực mà hoa phượng. Tất cả.. có còn như thế không anh?
Duy nhìn thấy nỗi khát khao cháy bỏng trong đôi mắt xa vời vợi của chị. Chàng buột miệng hỏi:
- Chị từng ở Sài Gòn rồi sao ạ?
- Không, tôi chỉ nghe kể thế thôi. Có một bài hát nói về thành phố cũng gần giống như thế. Người ta hứa sẽ đưa tôi về thành phố, cho tôi hít gió sông Bạch Đằng lồng lộng, cùng tôi đi lễ ở đại giáo đường, đi qua những con đường rợp bóng me tây và đỏ rực màu hoa phượng vĩ...
Nói đến đây giọng nàng nghẹn ngào rồi nước mắt lã chã rơi. Duy chết sững cả người nhìn nỗi đau chảy thành dòng trên đôi gò má xanh xao của người thiếu phụ trẻ. Có lẽ lời hứa ấy, vì một lý do nào đó đã không thực hiện được. Bây giờ, Duy phần nào đoán được câu chuyện của nàng.
Bé Ni ôm cổ mẹ nài nỉ:
- Mẹ Ơi! Mẹ đừng khóc nữa mà. Con không muốn nhìn thấy mẹ khóc đâu.
Lập tức nàng gạt nước mắt, đưa tay vuốt nhẹ mái tóc con. Bây giờ trong mắt nàng chỉ còn tình thương con ngút ngàn.
- Mẹ xin lỗi con, bé Ni của mẹ.
Rồi nàng quay sang Duy:
- Xin lỗi anh, tôi thật là không phải. Chỉ vì...
Nàng không biết nói hết câu. Duy tỏ vẻ cảm thông:
- Không sao đâu chị, có lẽ tôi cũng hiểu chị được phần nào đấy. Chi... có cần tôi giúp đỡ gì không?
Nàng lắc đầu, rồi lại tránh sang chuyện khác:
- Anh uống nước đi.
- Làm sao chị và cháu bé có thể sống ở đây được? Ở chỗ này..
Nàng nhẹ nhàng cắt ngang lời Duy:
- Mẹ con tôi đã quen rồi.
- Nhưng đây không phải là cuộc sống. Con người phải được sống hòa chung với cộng đồng. Còn tương lai của bé Ni, chị có nghĩ đến điều đó không?
- Anh đừng nói nữa - Nàng bỗng nổi giận - Sao anh cứ muốn chen vào chuỵên của tôi? Sao anh cứ muốn chọc vào nỗi đau của người khác?
Duy sững sờ nhìn nàng, đôi mắt sáng rực của nàng cũng nhìn trừng trừng vào Duỵ Cuối cùng, giọng nàng dịu lại nhưng rất cương quyết:
- Anh đi đi, đừng bao giờ quay lại và cũng đừng quan tâm đến chúng tôi nữa. Tôi và bé Ni, hai mẹ con tôi đã quen sống như thế này rồi. Thượng đế muốn mẹ con tôi điều mà người muốn, tôi không thích bị khuấy đảo đời sống tĩnh mịch này.
"Đây không phải là đời sống". Duy muốn nói như thế, nhưng nhìn ánh mắt quyết liệt của nàng, chàng đành chịu. Lúc Duy bước ra khỏi ngôi nhà nhỏ bé của hai mẹ con, ánh nắng chan hòa, vàng rực, trải dài trên những luống rau và những cánh hoa sim tím. Một lần quay lại nhìn, Duy thấy ánh mắt bé Ni đau đáu dõi theo bước chân chàng. Trong đôi mắt của Ni có một nỗi khát khao cháy bỏng của tuổi thơ, có cả nỗi buồn cô đơn, giam hãm của loài chim non.
Và nàng rũ rượi, gục xuống tràn đầy tuyệt vọng. Lúc đó Duy đã thấu hiểu một cách sâu sắc rằng mẹ con nàng là hai linh hồn cần được cứu rỗi.
Thuyên đã trải qua một ngày trong ngôi nhà nhỏ, ấm cúng và tràn đầy tình thương của Khạ Bà nội, một bà lão hiền lành, phúc hậu, cả đời lặng lẽ sống trong nỗi đau mất mát con trai và dâu, đã mở rộng tấm lòng đón tiếp Hàn Thuyên. Bà cứ nắm tay Thuyên dặn đi dặn lại:
- Cháu đừng quên bà nhé, và cả thằng Kha tội nghiệp. Nó sống lặng lẽ lắm, cả đời chỉ quanh quẩn bên nội, cần cù kiếm tiền nuôi nội. Từ ngày quen cháu nó khác hẳn, như có cả bầu trời bao la hạnh phúc trong lòng nó.
Thuyên trịnh trọng hứa với bà. Bà đẩy vai thằng cháu bảo nó đưa bác sĩ Thuyên về. Bây giờ hai người sánh vai nhau thong thả đi ngược con dốc cao, gió chiều mơn man làm gợn lên làn tóc đen của Thuyên. Kha cúi xuống vệ đường ngắt một cành hoa dại màu trắng điểm vài chấm hạt li ti màu tím.
- Cái này tặng cho Thuyên nè.
- Hoa đẹp quá, anh nhỉ.
- Nếu có được cài lên tóc Thuyên thì sẽ càng đẹp hơn.
- Anh cài giúp Thuyên đi.
Dường như tay Kha hơi run. Đôi tay thô và vụng về của anh mãi mới cài được đóa hoa trắng lên tóc Thuyên. Nàng nghiêng đầu nhìn anh và tinh nghịch:
- Có đẹp không anh?
Kha ngẩn ngơ nhìn nàng, rồi nuốt nước bọt mới nói được:
- Đẹp lắm, Thuyên đẹp vô cùng. Trước đây, tôi vẫn tưởng chị ấy là người đẹp nhất, nhưng bây giờ tôi biết không ai có thể đẹp hơn Thuyên nữa.
Nàng phì cười rồi lắc đầu nhìn Kha với vẻ chê trách:
- Anh Kha trông hiền thế mà mồm mép quá.
- Tôi nói thật mà. Thuyên không tin tôi sao?
- Làm sao Thuyên tin được. Còn có khối người đẹp hơn Thuyên gấp vạn lần cơ.
- Nhưng với tôi, Thuyên là người đẹp nhất.
Nói xong, đôi mắt Kha rừng rực nhìn nàng. Quả thật trong mắt anh lúc ấy chỉ sáng rực có mỗi mình nàng. Thuyên bỗng cảm thấy nao núng và sợ hãi, vội tìm cách né tránh.
- Mà anh Kha nói chị ấy là ai thế?
Kha cắn môi, dường như anh cố nén tiếng thở dài. Rồi Kha gắng gượng nói:
- Có bao giờ Thuyên nghe kể về chị Thu Hà chưa?
Nàng ngơ ngác lắc đầu:
- Thuyên chưa nghe ai nói đến cái tên ấy bao giờ.
- Hôm nào, tôi sẽ đưa Thuyên đến gặp chị ấy.
- Nhưng làm sao cơ?
Kha suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Tôi cũng không biết mình làm đúng hay sai, nhưng trong thời gian qua tôi đã âm thầm giúp đỡ chị ấy. Người đàn bà đáng thương ấy đã bị mọi người xua đuổi, chỉ vì... chị đã có mang với một người đàn ông.
Hàn Thuyên dừng phắt lại nhìn Kha:
- Anh bảo sao cơ?
- Có một người đàn ông lạ đã đến đây, để lại một giọt máu rồi âm thầm ra đi. Vì chuyện đó, chị Thu Hà sợ cả làng xua đuổi, chị phải vào rừng sống, một mình sống và một mình nuôi con. Mười năm... trong khoảng thời gian dài đằng đẵng ấy, người đàn bà đáng thương đó đã cam chịu biết bao nỗi nhục nhã và cơ cực, thế nhưng chị vẫn chờ đợi, chờ đợi với một niềm tin mãnh liệt rằng... có một ngày nào đó, cha đứa bé sẽ trở lại như lời đã hứa.
Thuyên ngẩn ngơ nhìn Kha, giọng thảng thốt như vẫn chưa tin những gì mình được nghe là sự thật:
- Trời ơi! Có một câu chuyện đau lòng như thế xảy ra ngay tại đây ư?
- Thuyên có muốn cùng tôi đến thăm chị ấy không?
- Muốn... Thuyên muốn lắm chứ. Nhất định anh phải đưa Thuyên đến đó mới được. Một người phụ nữ như thế... Thuyên muốn được nhìn thấy chị ấy.
- Nhưng Thuyên phải giữ bí mật đấy, không được nói với bất cứ ai, kể cả Thụy Miên.
- Thuyên hứa. Nhưng... sao mà Thuyên vẫn khó tin quá. Thuyên vẫn cảm thấy mọi người ở đây nhân hậu lắm, làm sao họ nỡ lòng xua đuổi người phụ nữ đáng thương ấy ra khỏi cộng đồng. Lại còn đứa trẻ nữa, nó có tội gì cơ chứ?
- Thuyên chưa hiểu hết con người ở đây đâu. Như bà nội đó, bà cũng nhân hậu đấy chứ, nhưng bà lại là người cương quyết phản đối những chuyện... đại loại như thế.
Thuyên thở dài:
- Thật không ngờ thời đại này vẫn còn có những định kiến khắt khe và bất công đến thế.
Nàng bỗng đưa mắt nhìn Kha, chợt thấy ở anh có một cái gì đó thật lạ. Anh vừa đơn giản, nhưng cũng khó hiểu vô cùng. Nàng lại có cảm giác anh đúng thật là con trai của núi rừng.
Thuyên tự cười mình vì ý nghĩ hoang đường ấy. Nhưng dù sao nàng cũng cảm phục Kha, vui mừng vì đã có một người bạn như anh.