Đêm Cuối Cùng
Tác giả: Lê Thị Nhị
Chiếc đồng hồ trên tường thong thả buông mười hai tiếng. Đã mười hai giờ khuya! Loan âu yếm nhìn ba đứa con xinh đẹp đang ngủ ngon lành trên một cái giường thật lớn. Cái giường vừa đủ cho bốn mẹ con nàng. Mặc dù nhà khá rộng và có nguyên cả một phòng phía trong bỏ trống nhưng các con không chịu ngủ riêng nên Loan phải dùng cái giường này để mỗi tối truyện trò và kể chuyện cho các con trước giờ ngủ. Lúc các con yên giấc, Loan mới rón rén trở dậy làm tiếp những việc lặt vặt, hoặc viết nhật ký. Đó là những giây phút của riêng Loan, những giây phút mà nàng có thể trầm mặc với những suy tư và nở những nụ cười hạnh phúc của một người mẹ. Một ngày, đối với Loan, thật đầy ý nghĩa, từ buổi sáng sớm, lúc thức dậy, cho tới nửa đêm, lúc nằm duỗi dài chân tay đi tìm giấc ngủ.
Thường thường, bé Gào được nằm cạnh mẹ vì là út cưng. Còn phía bên kia, Tin Tin và bé Nhè thay phiên nhau. Nhưng hôm nay bé Nhè không chịu để chị nằm cạnh mẹ. Bé lý luận:
- Bé Gào được nằm cạnh mẹ hoài. Con cũng bé hơn chị mà không được chị nhường.
Loan dỗ dành:
-Tại vì con là con trai. Đáng lẽ con phải nhường chị luôn cơ đấy!
- Con trai cũng muốn nằm cạnh mẹ chứ bộ!
Phân xử mãi không có kết quả, cuối cùng Loan phải ghé vào tai Tin Tin nói nhỏ, Tin Tin mới chịu nhường em. Nhưng bé Nhè lại nhè nữa, mếu máo nói:
- Con không chịu mẹ nói thầm với chị đâu! Tại sao mẹ không nói thầm với con?
Bé Gào cũng xông vào trận chiến:
- Mẹ, quay qua đây nói thầm với con.
Loan phải vất vả lắm mới ổn định được tình thế. Rồi Loan kể chuyện cổ tích cho tới lúc các con ngủ thiếp đi mới thôi. Loan đặt nhẹ lên trán mỗi con một nụ hôn. Thời gian qua thật mau, Tin Tin đã mười tuổi, bé Nhè chín tuổi và bé Gào năm tuổi. Nhìn lại quãng ngày qua và những ngày sắp tới, lòng Loan dấy lên một nỗi buồn nhè nhẹ. Loan xót thương các con, vì chúng cũng như nàng, thiếu hẳn tình thương và sự dìu dắt của một người cha.
Loan bước ra khỏi màn. Nhìn sang cái giường nhỏ kê ở góc phòng, thấy con Hòa chưa ngủ, Loan dặn:
- Con để ý trông các em giùm cô nhé. Cô lên sân thượng hóng gió một chút.
- Dạ. Nhưng khuya lắm rồi, cô cũng đi ngủ kẻo cô lại bệnh nữa.
- Không sao đâu. Cô chỉ muốn lên lầu một chút cho thoáng thôi. Ở dưới này hầm quá! Vả lại, quạt máy làm cho cô hơi mệt.
- Dạ!
Con Hòa lại dạ. Hình như trời sinh ra nó để nó nói dạ. Nó an phận đến tội nghiệp.
Bỗng nó rụt r è hỏi:
- Thưa cô, cô và các em bao giờ đi ạ?
Loan dịu dàng đáp:
- Nay mai thôi con ạ.
Loan thoáng ân hận vì không cho con Hòa biết là ngày mai nàng và các con sẽ lên đường. Không phải nàng không tin nó, nhưng Loan muốn tránh cho nó sự xúc động, và nhất là không muốn bố mẹ chồng nghi ngờ. Từ ngày có phong trào vượt biên, bà Nam, mẹ chồng nàng , đã luôn nhắc nhở:
- Con đừng vượt biên nghe con. Con bệnh hoạn, lại yếu đuối, đừng mang con đi bỏ chợ, tội nghiệp chúng nó.
Ông Nam cũng thường nói:
- Mấy chục triệu người, người ta sống được, mình cũng sống được. Con cứ ở nhà, con có làm sao thì các cháu đã có bố mẹ lo.
Loan thấy sự lo sợ của ông bà Nam không phải là không có lý do. Ngay cả các bạn thân của Loan, khi thấy Loan chuẩn bị vượt biên với ba con nhỏ, ai nấy đều nói:
- Mày liều thật, nghĩ lại đi! Cho dù có thoát đi nữa, sang đó, làm sao mà sống? Mày lại mang chứng bệnh hiểm nghèo đó nữa!
- Còn lâu tao mới chết! Bệnh ung thư nó không làm gì tao đâu. Vì nó biết tao chưa thích chết, tao hãy còn yêu đời lắm!
Rồi xòe bàn tay ra, Loan nói:
- Nè, xem bàn tay tao. Đường may mắn thẳng tắp. Thế nào tao cũng thoát.
Có tiếng con Hòa khóc thút thít. Loan an ủi nó:
- Con đừng buồn! Cô và các em đi rồi, thế nào gia đình chú Hưng cũng về đây ở với ông bà.
Ngừng một lúc, Loan thở dài, tiếp:
- Chẳng biết lần này có thoát không hay là lại quay về như những lần trước.
Hòa nói nhỏ:
- Đêm hôm qua, con ngủ mơ thấy cô và các em đi thoát và đánh điện về.
Hòa mới mười lăm tuổi, quê ở miền Trung, chị nó làm cho Loan năm năm rồi về lấy chồng và nó vào thay thế. Loan đã đưa cho mẹ nó một số tiền lương năm năm để mẹ nó làm vốn buôn bán. Loan thương nó như một người thân trong gia đình. Cứ nghĩ, ở vào cái tuổi của nó mà đã phải xa cha mẹ, anh chị em, để đi làm thuê, làm mướn, cũng đủ cho Loan cảm thấy xót xa và yêu thương nó rồi. Ngược lại, con Hòa cũng thương Loan lắm. Nó không biết xử dụng ngôn ngữ để biểu lộ, nhưng nó thể hiện trong hành động tình thương và lòng biết ơn đối với Loan.
Sau biến cố bẩy mươi lăm, ông bà Nam bàn:
- Hay là cho con Hòa về quê? Để nó ở đây cũng sợ, mai mốt nó ra phường khóm nó tố thì rắc rối lắm!
Loan lưỡng lự:
- Con nghĩ là mình cứ để nó ở lại, nó ngoan lắm, không sao đâu. Không có nó, bà lại bận mà con cũng không có thời giờ lo việc ngoài được.
Mấy năm qua rồi, con Hòa vẫn làm việc chăm chỉ và ngoan ngoãn. Nó cũng rất ghét cái loa nheo nhéo ở đầu ngõ. Nó vẫn mê giọng hát Chế Linh, Thanh Tuyền hơn là những giọng hát the thé của các cô ca sĩ mới từ Hà Nội vào. Nó thích thú sưu tầm những lời ca nhại các bài hát hoặc những câu đố, câu vè của dân Sàigòn để đả kích chế độ mới: “Như có bác Hồ trong nhà thương Chợ Quán. Lời bác nay thành đói rách điêu tàn...” “Cùng nhau đi vượt biên. Hà Tiên hay Rạch Giá. Mười hai cây vàng lá. Ta quyết chí đi thôi...”, “Nam kỳ khởi nghĩa thôi công lý. Đồng Khởi vùng lên mất tự do.”
Hòa cho Tin Tin, bé Nhè, bé Gào học tập cẩn thận những bài hát, những câu vè đó. Trước khi chấm dứt buổi học tập, nó không quên ra lệnh:
-Mấy đứa chỉ được hát nho nhỏ ở trong nhà thôi nghe chưa? Ra đường, mấy đứa mà hát thì công an sẽ bỏ tù mấy đứa. Mấy đứa sẽ không được ngủ với mẹ và không được ăn cơm với bí tết đâu.
Không biết con Hòa đã huấn luyện lũ con của Loan cách nào mà coi bộ chúng có vẻ học tập tốt lắm! Một hôm bé Gào đứng ưỡn ngực trước cửa, nói vọng sang nhà hàng xóm:
- Dì Bích Liên ơi! nhà cháu nghèo lắm, ăn khoa lang sùng và bo bo không à!
Nhìn khuôn mặt láu lỉnh với đôi mắt tròn xoe của bé Gào, bà hàng xóm cười nói:
- Trưa nay, dì sang, bé cho dì ăn khoai lang sùng và bo bo với nhé!
- Không được đâu dì Bích Liên! Cả ngày hôm nay, cả ngày mai, cháu sẽ xuống ăn cơm nhà bà ngoại.
Thì ra, ở chế độ này, đứa bé mới lên năm tuổi đã biết nói dối, đã biết đóng kịch.
Loan nhớ lời của Chương, một người bà con của nàng. Chương là một giáo sư, một nhà văn nổi tiếng:
- Em tưởng anh mê chế độ à? Không bay lên trời, không lặn dưới biển được thì anh phải theo họ để giữ nồi cơm thôi. Văn thơ của anh, toàn làm theo toa đặt hàng cả. Trong lớp học, anh giảng chính trị thao thao bất tuyệt, anh cũng ngượng lắm chứ!
Rồi Chương thành thật khuyên Loan:
- Em lo cho các con vượt biên đi. Không thể sống ở đây được đâu. Anh quen rồi, vả lại anh cũng có chút địa vị. Em có điều kiện, tội gì.
Không cần Chương khuyên, Loan cũng đã và đang lo chuyện vượt biên. Vì thực ra, từ ngày biết rõ về chế độ mới, đa số người dân miền Nam đều mơ một con tàu để vượt đại dương. Nhưng số người vượt thoát được không phải là nhiều, và số người bị chìm sâu trong lòng biển cả không phải là ít. Tuy vậy, phong trào vượt biên vẫn lan rộng như một vết dầu loang. Dân Sàigòn còn nói: “Cái cột đèn nó cũng muốn vượt biên” hoặc “Những người còn ở lại đều là dân ba N (nghèo, nhát, ngu)”
Loan nhớ tới một số “trí ngủ” của Sàigòn, họ ngủ khì ngủ khịt, rồi họ nghe đài B.B.C., V.O.A. Rồi họ hội họp nhau ở những quán cóc để bàn luận chính trị, họ chờ ngày chế độ Công Sản tự nó dãy chết để họ có thể cứu dân, giúp nước.
Loan nhớ tới những người có lòng, muốn ở lại để làm một chút gì cho quê hương, để chia sẻ những khổ đau, khó khăn chất ngất với đồng bào.
Loan không chờ, không đợi một phép lạ nào đến với dân Việt Nam đau khổ. Lòng yêu thương các con thúc đẩy Loan tìm đường vượt biển. Loan mơ ước các con nàng được sống, được thật sự sống ở một khung trời xa xôi nào đó. Các con nàng không thích hợp với cái thiên đường hạ giới này. Loan đã từ chối sự giúp đỡ của một người chú muốn giúp nàng có thể đi nước ngoài chữa bệnh. Loan dại gì mà phung phí những tháng ngày còn lại, dại gì xa các con, dù chỉ một ngày. Bệnh của Loan, cho dù bác sĩ không nói, Loan cũng biết nàng còn rất ít thời gian. Mỗi lần bóc một tờ lịch là Loan biết rằng mình đang đi gần đến cõi chết. Do đó, Loan hối hả lo vượt biên. Đóng tiền chỗ này, họ chưa kịp gọi, Loan đã lo đường khác. Loan húc càn, húc bậy như một con trâu điên, không cần để ý đến người tổ chứa là lạ hay quen. Mất mát khá nhiều, nhưng Loan vẫn không nản chí. Lần này, nàng hơi lo vì số vàng đã cạn gần hết. Loan không dám nghĩ tiếp, Loan nói với chính mình:
- Thế nào mình cũng thoát!
Loan bước nhẹ trên những bậc thang để lên sân thượng. Khi qua tầng lầu hai, phòng của ông bà Nam, Loan nghe tiếng quạt máy chạy xè xè. Ngày nào cũng vậy, ông bà Nam đi ngủ khoảng chín giờ tối và thức dậy lúc bốn giờ sáng để tụng kinh, niệm Phật. Trái hẳn với Loan, ngủ muộn và dậy muộn là thói quen, một cái thú mà không bao giờ Loan thay đổi.
Lên đến tầng lầu ba, Loan bước vào phòng thờ. Các ban thờ luôn luôn có hoa trái tươi và đèn sáng. Loan thắp nhang các ban thờ và lâm râm khấn vái.
Buổi sáng nay, xuống mẹ, thấy Loan thắp nhang bàn thờ bố, chị Trang đã nói đùa:
- Mày lại hối lộ bố, mày lại mưu định gì nữa đây?
Loan bước ra sân thượng, hương nhài thoang thoảng trong đêm cho Loan một cảm giác dễ chịu. Nhìn bầu trời đầy sao, Loan nhớ một bản nhạc của Hoàng Trọng và Vĩnh Phúc “Nhìn sao thề rằng yêu mãi người ơi...” Loan không thề, nhưng Loan biết chắc rằng Loan sẽ yêu mãi mảnh đất quê hương này. Nghĩ tới phải sống xa Việt Nam, Loan đứt từng khúc ruột. Nước mắt Loan dà dụa, cổ họng Loan nghèn nghẹn.
Từ biệt cây ngọc lan với những búp trắng thơm tinh khiết trên con đường Trương Minh Giảng. Từ biệt những đêm hè cùng các con ngắm trăng sao trên sân thượng của ngôi nhà mến yêu. Từ biệt tất cả những người thân trong đời. Từ biệt những người bạn quý...
Đang suy nghĩ miên man, bỗng Loan nghe tiếng dép và tiếng bà Nam:
- Mẹ đã ngủ được một giấc mà con chưa đi ngủ cơ à?
Loan lau nước mắt, cố lấy giọng tự nhiên đáp:
- Nóng quá, con ngủ không được nên lên đây hóng gió một chút.
Bà Nam ân cần:
- Con phải ráng ăn ngủ cho có điều độ, chứ không lại ốm thì khổ.
Loan cảm động trước sự săn sóc của bà Nam, nàng gượng cười, nói đùa:
- -Dạ, nhưng hồi này con khỏe lắm! Con đang định gửi bố mẹ mấy cháu, con vào rừng con ở cho rồi, ở ngoài này chán quá!
Bà Nam cười dòn tan:
- Chà, con nằm giường không có nệm thì ngủ không được mà còn nói chuyện vào rừng.
Loan tủm tỉm cười:
- Mẹ không biết đấy thôi, nằm trên cỏ còn êm hơn nằm trên nệm nhiều. Lại thơm mùi cỏ, mùi đất nữa, thích ắm!
Chuyện trò lan man với bà Nam một lúc, Loan vừa ngáp vừa nói:
- Con buồn ngủ quá rồi, mẹ cũng đi ngủ lại đi, sắp đến giờ bố mẹ niệm Phật rồi đấy.
Sáng hôm sau Loan mang các con đi vượt biên. Chuyến đi thành công vì bàn tay nàng có đường may mắn thẳng tắp!
Dù tất bật với cuộc sống mới nơi xứ lạ, nhưng không bao giờ Loan quên hình ảnh đêm cuối cùng trên sân thượng nơi quê nhà, với bầu trời đầy sao, hương nhài thoang thoảng và tiếng cười dòn tan của bà mẹ chồng hiền hậu./.