Nhân Vật Tiểu Thuyết
Tác giả: Lê Thị Nhị
Nga đang nằm dài trên giường xem phim Tàu thì Hưng về. Nàng nói với chồng cho có lệ, mắt vẫn không rời T.V.
- Anh về rồi cơ à? Chết chửa, em chưa nấu nướng gì hết!
Hưng đến bên, hôn nhẹ lên trán vợ, cười hiền hòa:
- Anh đã mua sẵn Pizza đây rồi, em ngừng xem phim một chút, mình ăn cho nóng, kẻo nguội hết ngon.
Nga vòng tay, ghì chặt lấy Hưng:
- Chồng ai mà dễ thương thế này? Chắc em tu mười kiếp nay mới được gặp anh.
Hưng nheo mũi nhìn vợ:
- Anh tu hai mươi kiếp mới lấy được em, một người đàn bà tuyệt vời... trong phòng ngủ.
Nga nhéo cánh tay chồng:
- Anh ngạo em đấy phải không?
- Ái, đau quá, anh nói thật mà!
Hưng vào bếp, sửa soạn bữa ăn tối "dã chiến" cho hai vợ chồng. Chàng xắn tay áo, tráng vội đống chén đĩa cho vào máy rửa chén. Chàng cũng không quên cất vào hộc tủ chai nước mắm, lọ tiêu, hộp muối nằm rải rác trên bàn ăn. Miếng chanh đã vắt hết nước và mấy miếng napkin vo tròn gần đó cũng được Hưng quăng vào thùng rác. Hưng vừa làm những công việc này vừa huýt sáo một cách vui vẻ. Hưng đã quen thuộc với sự bề bộn của gia đình chàng từ ba mươi năm nay, “Từ ngày có em về”. Chàng vẫn thường nói đùa với vợ “There is no place like homẹ”
Mấy năm gần đây, sự bừa bộn đỡ hơn một chút vì các con đã có vợ, có chồng và ra ở riêng cả nên căn nhà chỉ còn có hai vợ chồng già. Nói là già vì chàng đã có dâu, có rể chứ thật ra với số tuổi năm mươi, ở cái xứ Mỹ này hãy còn được coi là trẻ. Hưng lại thích bơi lội, thể thao và ưa vui đùa ca hát nên cả về tâm hồn lẫn thể chất chàng vẫn còn phong độ lắm. Duy chỉ có Nga là hơi đẫy đà một chút vì nàng ít vận động, lại hay ăn vặt. Nga thường chế nhạo những bà, những cô lo lắng chăm sóc sắc đẹp của mình đến mất ăn, mất ngủ. Bóp mồm, bóp miệng không dám ăn vì sợ mập. Có người lại tốn tiền đi banh da, xẻ thịt để "trùng tu nhan sắc". Mỗi khi đi với chàng, Nga chỉ trang điểm qua loa và ăn mặc rất xuề xòa, mà thường thì Nga thích ở nhà hơn. Mỗi lần Hưng rủ đi đâu, Nga đều hỏi:
- Em có "phải" đi không anh?
Lâu dần, thành lệ, Nga và Hưng chỉ đi chung trong những dịp cưới xin, giỗ chạp hoặc đi thăm các con. Điểm đáng yêu nhất của Nga là nàng đã cho Hưng một không gian thênh thang để thở, để sống. Không gian đó thênh thang đến nỗi đôi khi chàng có cảm tưởng chàng còn độc thân. Cũng có lúc Hưng thèm được Nga kiểm soát giờ giấc đi về của chàng, hỏi han mối quan hệ của chàng với người này, người kia... Nhưng không, Nga vẫn sống rất hồn nhiên. Nga đi làm, đưa hết tiền lương cho chồng để Hưng lo mọi việc mắm muối tương chao trong gia đình. Về tới nhà, Nga đọc sách báo, xem phim Tàu và T.V.
Vợ chồng chàng chẳng mấy khi trò truyện. Mỗi người một thế giới riêng. Tuy vậy, mỗi khi gặp nhau, cả hai đều nói với nhau những lời ngọt ngào, tình tứ bởi vì tình yêu giữa vợ chồng chàng vẫn còn đó. Những đứa con ngoan đã đem lại niềm vui chan hòa, nên từ ngày lấy nhau, Hưng và Nga chưa hề có những chuyện xào xáo hay một bóng hình nào chen vào phá vỡ sự bình yên của họ.
Đôi khi, chàng cũng lo sợ cho cái sự bình yên ấy, lo sợ cho sự xa cách về tâm hồn giữa hai vợ chồng. Nhiều lần, chàng đã gợi chuyện nói với Ngạ Nói về một đề tài nào đó, một cuốn sách nào đó mà nàng đang đọc, nhưng câu chuyện cũng không kéo dài được lâu, vì hình như Nga chỉ đọc qua loa những tình tiết éo le, còn nội dung thì nàng chẳng để ý tới. Những nhân vật trong phim bộ thì Nga rành lắm! Nàng nhớ từng mẩu đối thoại, từng câu pha trò, từng lời triết lý, mà những điều này thì Hưng nghe như vịt nghe sấm, bởi vì chàng chưa bao giờ đủ kiên nhẫn ngồi xem một băng chứ nói gì đến xem hết một bộ phim. Càng ngày Hưng càng thấy khoảng cách giữa chàng và vợ xa dần, xa dần. Mỗi ngày, sau khi đi làm về, chàng ăn qua loa bữa cơm tối với Nga rồi ra thư viện cho tới lúc thư viện đóng cửa mới về nhà.
Chàng bị bệnh mất ngủ kinh niên, nên sau khi Nga xem phim mệt lả, lăn kềnh ra ngủ thì chàng đi pha trà, uống một mình, rồi bắt đầu ngồi vào bàn viết. Thời còn trẻ, Hưng bận lo cơm áo nên chẳng viết được nhiều. Bây giờ là lúc Hưng sáng tác mạnh nhất. Bao nhiêu kinh nghiệm của cuộc sống, bao nhiêu điều học hỏi từ trong sách vở, tích lũy trong Hưng từ mấy chục năm nay, bây giờ Hưng mới có dịp giãi bày trên những trang giấy trắng.
Những tác phẩm của Hưng được xuất bản đều đều và được đón nhận rất nồng nhiệt của độc giả Việt Nam trên khắp thế giới. Duy chỉ có một nơi, tác phẩm của Hưng không được hoan nghênh, đó là căn nhà của chàng. Các con thì không biết đọc tiếng Việt, mà vợ chàng thì chàng biết chắc là nàng không thích đọc văn của chàng vì nó khô khan, không có những tình tiết lâm li bi đát để cho nàng có thể khóc sụt sùi. Tuy thế, vợ chàng vẫn lịch sự khen ngợi:
- Văn của anh hay lắm! Lôi cuốn lắm! Em đọc một mạch không ngừng nghỉ.
Hưng thường ân hận vì đã không dạy các con tiếng Việt. Giá hồi chúng còn bé, mỗi ngày chàng chịu khó dạy chúng nửa tiếng đồng hồ thì bây giờ cũng đỡ lắm. Nhưng rồi chàng lại tự bào chữa: "Cũng tại lúc đầu sang đây, mình phải vật lộn với cuộc sống nên chẳng có giờ rảnh".
Đôi khi, cách sống và cách suy nghĩ của vợ và các con không làm chàng hài lòng, nhưng chàng cũng chẳng bận tâm lâu. Chàng vốn tính dễ dãi, chấp nhận và bằng lòng với cái mà mình có.
Tiếng Nga vọng ra từ phòng ngủ:
- Anh làm gì mà lâu vậy? Pizza nguội hết còn gì!
- Xong rồi, em ra ăn đi!
- Thôi, anh mang vào đây cho em. Em đang xem dở đoạn này hay lắm.
Hưng lắc đầu rồi mang đĩa Pizza, ly nước và mấy miếng khăn giấy vào cho vợ.
Nga đón lấy đĩa Pizza:
- Cảm ơn anh. À, hôm nay anh có ghé chợ Việt Nam lấy báo không?
- Có nhưng anh còn để ở ngoài xe.
- Anh ra lấy cho em đi!
- Em cần xem gì mà gấp thế?
- Xem tử vi và xem tiếp truyện dài của Quỳnh Dao.
Hưng ra xe lấy báo mang vào cho vợ, rồi chàng trở vào bếp ăn qua loa miếng Pizza nhỏ. Một vài miếng nấm chẳng đủ làm cho miếng Pizza bớt khô khan. Hưng bỗng thấy thèm được ăn cơm với canh chua, cá kho tộ.
Ăn xong, như thường lệ, Hưng vào phòng, hôn nhẹ lên trán vợ:
- Anh đi thư viện nhé!
- Dạ, anh về sớm nghe! Tối nay có tuyết đấy.
Hưng đẩy nhẹ cánh cửa, bước vào thư viện. Doris, người quản thủ thư viện, mỉm cười khi thấy chàng đến gần. Bà ta nói thật khẽ:
- Hôm nay ông tới trễ hơn mọi hôm.
Rồi không đợi Hưng hỏi, Doris đưa cho Hưng hai quyển sách mà sáng nay Hưng đã gọi điện thoại yêu cầu giữ lại giùm. Hưng nói cảm ơn, cầm sách đi về phía cái bàn quen thuộc mà chàng vẫn ngồi mỗi ngày. Đây là thư viện lớn nhất của quận chàng ở, và cũng gần nhà nên Hưng đã tới đây gần mười năm. Tất cả những gì trong thư viện này, đối với chàng như có một liên hệ mật thiết. Đặc biệt là Doris với nụ cười ấm áp và đôi mắt nâu màu hạt dẻ mơ màng.
Cái bàn nho nhỏ ở góc phòng, bên ô cửa kính đã như là của chàng tự bao giờ. Từ cái bàn đó, qua khung cửa kính, Hưng đã biết bao nhiêu lần ngắm rừng cây thay lá.
Mùa Xuân, những lộc non nhú ra từ những cành khô rồi xòe tung, xanh mướt, rung rinh theo gió nhẹ. Mùa hè, tàn lá xanh rì che khuất những ngôi nhà có tường bằng gạch đỏ trên ngọn đồi cao.
Mùa thu, màu lá vàng đỏ đậm nhạt đã tạo cho khu rừng một vẻ đẹp mơ màng mỗi khi chiều tà.
Mùa đông đến, tuyết phủ trắng xóa mênh mông khiến chàng nghĩ, cảnh tiên cũng chỉ đẹp đến thế là cùng.
Đã bao lần Hưng đếm bước trên những lối đi hẹp giữa những kệ sách cao sát trần nhà để rồi ngừng lại tại một khu nào đó, chọn một quyển sách mà chàng mốn. Chàng thuộc lòng từng khu, từng góc của thư viện. Từ chỗ chàng ngồi, chàng phải đi bao nhiêu bước thì tới khu sách về lịch sử, bao nhiêu bước thì tới khu sách văn chương, bao nhiêu bước thì tới khu sách Việt Nam?... Ba cái máy chụp bản sao ở góc phòng, cái nào in rõ, cái nào in mờ, chàng cũng nhớ. Nhân viên thư viện và những người thường xuyên đến thư viện này chàng thấy họ quen thuộc như những người thân trong gia đình.
Có khi chàng thích ngồi hàng giờ ở khu sách dành cho trẻ em. Chàng say xưa đọc những quyển sách đầy tranh ảnh, màu sắc rực rỡ hoặc ngắm những em bé, mắt tròn xoe, xanh biếc như những hòn bi ve và mái tóc hung hung, vàng vàng với những bộ quần áo xinh xắn...
Chàng nhớ tới tuổi thơ của chàng nơi quê cũ trong những ngày tao loạn. Chàng thấy cậu bé Hưng, năm tuổi, ngồi xếp vòng tròn trong một cái thúng, mân mê cái kèn làm bằng lá chuối, để chị Hoa gánh kĩu kịt chạy xuống xuôi tránh giặc Tây, cùng với con heo nhỏ ở thúng bên kia. Chàng nhớ tới cái ngòi bút lá tre và quyển vở Olympic giấy trắng tinh mà chàng được mẹ cho khi về tới Hà Nội.
Hưng đang suy nghĩ miên man thì có tiếng chân đi rất nhẹ và một giọng nói thoảng bên tai:
- Hôm nay ông nên về sớm. Tuyết sắp đổ nhiều đấy ông ạ.
Hưng ngước nhìn Doris nói đùa:
- Tôi xin tuân lệnh!
Doris mỉm cười, để lộ đôi hàm răng đều và trắng muốt:
- Hình như hôm nay ông quên mang khăn quàng cổ? Ở cái hộp “Lost and Found” đằng kia có một cái khăn người nào để quên đã mấy ngày, ông có thể dùng tạm rồi mai mang đến cũng được.
Hưng không ngạc nhiên về sự tỉ mỉ của Doris, nhưng chàng hơi bối rối:
- Cảm ơn bà, trước khi về, tôi sẽ xin mượn chiếc khăn đó.
Hưng bâng khuâng nhìn theo dáng Doris khuất sau những kệ sách. Chiếc váy lót bằng ren màu trắng của Doris ló ra ở phía sau cứ ám ảnh Hưng trong lúc chàng thu dọn sách vở. Hưng băn khoăn không biết có nên nói cho Doris biết hay không? Bình thường bà ta ăn mặc rất cẩn thận và diêm dúa. Không hiểu sao hôm nay lại sơ ý đến thế? Lúc ra về, khi đi ngang bàn của Doris, Hưng bỗng nói với Doris một câu mà chàng không hề định trước:
- Bà cũng nên sửa soạn đi về đi! Để xe ở lại, tôi đưa bà về kẻo đường trơn lắm.
Doris thoáng nhìn Hưng, hơi ngạc nhiên, rồi cúi xuống thu dọn giấy tờ, xếp vào cái khay nhỏ trên bàn, bên góc trái.
- Vâng, xin ông chờ tôi một chút.
Hưng giúp Doris mặc áo choàng. Những ngón tay búp măng thon thon trắng nõn nắm lại để xỏ tay vào áo choàng bằng nỉ màu đen mượt mà. Thấy Doris quấn quanh cổ bằng một cái khăn nỉ màu đỏ đậm có tua ở hai đầu. Hưng cười, nói đùa:
- Trông bà như cô bé quàng khăn đỏ.
Doris nhìn Hưng thẹn thùng. Hưng cố lấy giọng tự nhiên:
- Chó sói sẽ không dám đến gần bà, vì đã có tôi bảo vệ, phải thế không?
Doris đi sát vào Hưng, mỉm cười với ánh mắt tinh nghịch:
- Hay chính ông là con chó sói mà tôi không biết?
Trên đường về nhà Doris, tuyết đổ mỗi lúc một dày thêm, nhưng đường không trơn lắm. Tuy nhiên, Hưng vẫn cho xe chạy rất chậm. Không hiểu vì tính Hưng cẩn thận hay chàng muốn kéo dài thời gian để có đủ thời giờ nghe tâm sự của Doris. Giọng bà ta ấm, thì thào như gió thoảng.
Đôi mắt nâu màu hạt dẻ của Doris bỗng trở nên mơ màng khi nói về cuộc tình buồn với một sĩ quan Việt Nam, hồi Doris phục vụ trong quân đội Mỹ tại Việt Nam. Cuộc tình ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng Doris những kỷ niệm khó quên. Từ ngày người yêu chết trận, Doris vẫn ở một mình để nhớ thương, tiếc nuối chuỗi ngày đắm mình trong hạnh phúc. Cái hạnh phúc mong manh của một mối tình giữa vòm trời lửa đạn. Hình như Doris xúc động mạnh trong lúc kể chuyện, đôi khi giọng xa vắng như lạc hẳn đi.
Khi nói, đôi môi mỏng của Doris hé ra rất nhỏ nhưng cũng đủ cho Hưng thấy hàm răng ngà ngọc. Hai cây quạt nước vẫn nhanh nhẹn gạt phăng đi những màn tuyết thay phiên nhau bám vào kính xe để Doris có thể ngắm những bông tuyết trắng xóa xoay xoay trong không gian. Hai hàng mi dài và cong của Doris thỉnh thoảng khép lại như muốn che dấu niềm đau xưa cũ đang dâng tràn lên khóe mắt. Suốt đoạn đường dài, Hưng chỉ biết yên lặng, nhưng đầu chàng, tim chàng, tay chàng hình như chúng đang muốn nổi loạn. Hình ảnh Nga vừa lướt qua trong trí thì tiếng Doris kéo Hưng trở về với thực tại:
- Ông đang ngạc nhiên vì đàn bà Mỹ mà cũng si tình và chung thủy phải không? Những gì ông thấy trên báo chí, màn ảnh đều không phản ảnh trung thực đời sống của dân Mỹ đâu ông ạ, một phần nào đó thôi.
- Vâng, tôi cũng nghĩ như thế. Nếu xứ Mỹ mà chỗ nào cũng bắn nhau loạn lên như trên màn ảnh thì chẳng ai dám sống ở Mỹ nữa.
Bỗng Doris nói:
- Chết thật, từ nãy tôi cứ nói về mình mãi. Bây giờ, để cho công bằng, ông hãy cho tôi biết về ông đi.
Hưng quay sang, nhìn Doris rồi nói đùa:
- Tôi tưởng không bao giờ bà cho tôi nói.
Doris cũng cười:
- Sống ở Mỹ, ông phải tập cái tính biết đòi hỏi. Hiền quá, ở cái xứ này sẽ bị bắt nạt ông ạ.
- Ở nhà tôi bị vợ bắt nạt quen rồi. Không những quen mà còn thích nữa.
Nhắc tới vợ, Hưng thở phào nhẹ nhõm. Những kỷ niệm của những ngày yêu nhau, những năm tháng sống êm đềm trong tình chồng vợ như một cuốn phim quay nhanh trong đầu. Rồi Hưng như một cậu bé trả bài cho cô giáo, chàng huyên thuyên kể đủ thứ chuyện về vợ chàng cho Doris nghe. Chàng cũng không quên nhắc tới ngày đầu gặp Nga, ngày đám cưới Nga đẹp như tiên... Khi Hưng ngừng nói thì chàng thấy Doris đăm đăm nhìn về phía trước. Tuyết vẫn rơi mỗi lúc một dày hơn. Bông tuyết mỗi lúc một lớn hơn. Sự yên lặng bao trùm thật lâu. Trong cái xe nhỏ bé, ngoài hơi thở của hai người còn có cả hơi thở của cái máy sưởi đang tỏa ra một sức nóng dịu dàng, ấm áp.
Hưng liếc nhìn đôi mắt buồn của Doris. Bàn tay của chàng đã nắm chặt bàn tay mềm mại của Doris tự lúc nào. Khi xe dừng trước cửa nhà, Doris nói:
- Cảm ơn ông. Ông có thể vào uống ly trà cho ấm rồi hãy về không?
Hưng ngập ngừng một chút rồi đáp:
- Vâng, được chứ. Tôi cũng đang thèm một ly trà nóng.
- Nhưng tiếc là tôi không có loại trà mà ông thường uống.
Hưng thành thật:
- Tôi nghĩ, uống trà mà có bạn thì trà nào cũng có hương vị đậm đà cả. Nhất là vào lúc trời lạnh như thế này.
Giọng Doris đượm buồn:
- Tôi uống trà một mình mãi rồi cũng quen ông ạ.
Hưng theo Doris bước vào nhà. Đèn bật sáng, chàng ngỡ ngàng trước cảnh trí của căn phòng khách mang dáng vẻ Đông phương. Những giỏ lan tím, treo lơ lửng phía gần cửa sổ. Bộ bàn ghế mây óng ả kê sát tường trông thật gọn gàng, đẹp mắt. Một bức tranh sơn dầu treo trên tường vẽ cảnh rừng núi và người đàn bà thượng địu con lội suối. Thấy Hưng ngắm bức tranh, Doris giải thích:
- Tôi vẽ theo trí nhớ, cảnh rừng núi Pleiku của nước ông đấy. Ông có nhận ra không?
Hưng gật đầu và xúc động trước tình cảm đằm thắm mà Doris thể hiện nơi bức tranh kia.
Hưng về đến nhà thì vợ chàng đã ngủ saỵ Chàng thay quần áo thật nhanh và chui vào chăn nằm cạnh vợ. Hưng choàng tay ôm vợ. Nga ú ớ:
- Anh về rồi à? Sao khuya thế? Đêm nay, em chờ anh mãi.
Hưng thoáng hối hận:
- Cho anh xin lỗi.
Nga dụi đầu vào ngực chồng:
- Đừng anh! Mai em còn phải đi làm sớm. Ai bảo hồi nãy anh không về.
Hưng vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán vợ rồi chàng nhắm mắt cố đi tìm giấc ngủ. Hình ảnh căn nhà của Doris cứ chập chờn trong tâm trí chàng. Căn phòng khách xinh xắn với bộ ghế mây óng ả, những giò lan tím treo lơ lửng. Căn bếp gọn gàng với bức tranh tĩnh vật và tờ lịch tháng giêng gắn trên tủ lạnh. Lúc đi ngang phòng Doris để vào phòng đọc sách và nghe nhạc, chàng thoáng thấy một chiếc gối ôm nằm lẻ loi trên cái giường đôi bằng gỗ màu nâu đậm. Khăn phủ giường và gối đều có màu xanh lơ dịu dàng. Trong căn phòng thật ấm cúng, chàng đã uống trà và nói chuyện với Doris suốt buổi tối. Hương trà thơm nhè nhẹ và vị ngọt đậm như còn đọng nơi đầu lưỡi chàng. Sự thông minh, dí dỏm của Doris trong câu chuyện đã lôi cuốn chàng vào một thế giới kỳ thú. Chàng quên cả thời gian, quên cả ngoài trời tuyết đang rơi phũ phàng , trắng xóa không gian.
Hưng vòng tay ôm vợ như thể muốn chạy trốn những tư tưởng đang lan man trong đầu. Nga vẫn ngủ ngon lành như một em bé. Trằn trọc một hồi lâu, bỗng Hưng thở dài, bước xuống giường, đi về phía phòng làm việc. Những ý tưởng, tình tiết cho một truyện tình đang tràn ngập trong đầu. Chàng phải viết, viết thật nhanh để có thể hoàn tất trong đêm naỵ Nhân vật nữ chính của truyện nhất định phải là Doris với giọng nói ấm áp, đôi mắt nâu màu hạt dẻ và những ngón tay búp măng thon thon. Nhân vật nam chính sẽ là một sĩ quan Việt Nam đã bỏ mình trong trận đánh ở An Khê năm nào. Nhất định, nhất định, chàng sẽ không cho một nhân vật nam nào lảng vảng trong chuỗi ngày cô đơn của Doris. Hãy để yên cho bà ta sống "Trên ngọn tình sầu!" Hãy để yên cho bà ta sống với "thú đau thương" trọn đời, trọn kiếp.
Chàng phải can đảm, thật can đảm trong việc loại bỏ nhân vật cho tác phẩm này./.
Lê Thị Nhị -Tuyển tập Ngày Về
Hết