watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Gọi Người Tôi Thương - tác giả Lê Thị Nhị Lê Thị Nhị

Gọi Người Tôi Thương

Tác giả: Lê Thị Nhị

Tôi hốt hoảng gọi tên người tôi thương và bừng tỉnh dậy. Trong bóng tối của căn hầm trú ẩn, tay mẹ nắm chặt tay tôi. Tôi khóc nức nở:
- Con vừa mơ thấy Nguyễn bắn vào thái dương tự sát khi Việt Cộng tràn vào Quân Đoàn.
Tất cả mọi người trong gia đình tôi đều im lặng. Mẹ xiết mạnh tay tôi hơn. Tôi có thể nghe rõ hơi thở của mẹ vì tiếng súng không còn rền vang như lúc chúng tôi mới chạy ùa vào đây, chỉ còn những tiếng súng nhỏ từ xa vọng lại.
Tôi băn khoăn hỏi:
- Tại sao không mở máy phát thanh để nghe tin tức hả mẹ?
- Vẫn mở đấy chứ con. Nhưng tự nhiên không nghe gì cả.
Tôi lại hỏi:
- Có tin gì của Bố không, mẹ?
- Bố có gọi về. Bố nói, Bố đang ở trong Quân Đoàn, bên cạnh Nguyễn.
Trái tim tôi như muốn vỡ tung ra thành muôn ngàn mảnh khi nghĩ tới hai người thân yêu nhất của đời tôi đang chiến đấu trong tuyệt vọng với kẻ thù tàn bạo.
Đầu óc tôi đặc quánh lại khi cái máy phát thanh đang im lìm bỗng phát ra khúc nhạc dạo lạ tai rồi tiếp theo là lời kêu gọi của Tổng thống Dương Văn Minh:
“ Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng vì chúng tôi ở đây chờ gặp chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận và để bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào”.
Tai tôi ù đi. Người tôi run lên và nước mắt tôi trào ra.
Rồi cũng từ cái máy phát thanh đáng ghét ấy, vang lên một giọng nói khác: “ Thưa quý vị tư lệnh Quân Đoàn, quân binh chủng, địa phương quân, nghĩa quân, nhân dân tự vệ, tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng tham mưu trưởng, thay mặt Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng vắng mặt, yêu cầu tất cả quý vị tướnhg lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa về ngưng bắn, các cấp chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chính phủ Lâm Thời Miền Nam, để thực hiện cuộc ngưng bắn một cách không đổ máu”.
Tôi không còn nghe gì nữa cả. Tôi rút nhanh tay khỏi tay mẹ, chui vội ra khỏi hầm trú ấn, tôi nói với lại;
- Con phải đi tìm Bố và Nguyễn.
- Tôi cắm đầu chạy như bay ra đường phố. Tiếng khóc, tiếng gọi của mẹ không làm tôi chùn bước. “Nguyễn ơi! em phải đi tìm anh. Cho em cùng chết, đừng bỏ em một mình.” Từ trong đáy thẳm của lòng, câu nói đó vang lên, vang lên. Cùng với tiếng súng đì đùng, tôi gọi tên người tôi thương: “Nguyễn ơi, Nguyễn ơi, hãy chờ em.”
Trời nắng tháng Tư như đổ lửa. Thỉnh thoảng tiếng đạn bay vèo vèo và những vệt sáng lóe lên rồi lại tắt ngúm. Tiếng xe tăng di chuyển ầm ầm. trên khắp các ngả đường, những toán bộ đội ôm súng chạy huỳnh huỵch. Những vũng máu đỏ tươi, loang loáng bên những xác chết nằm sóng soài, ruột gan lòi ra, óc văng tung tóe. Những ngôi nhà đổ nát, những bức tường lỗ chỗ vết đạn bom. hàng cây kinh sợ, đứng im phăng phắc. Gió hãi hùng, trốn tận đâu đâu. Không khí ngột ngạt, tanh tưởi.
Chạy mệt gần đứt hơi tôi mới đến được trước cửa Quân đoàn. Hai chiếc xe tăng chắn ngang lối vào. Bên trong cánh cổng sắt và hàng rào kẽm gai, nhiều toán bộ đội chạy qua, chạy lại, tay lăm lăm cầm súng như sẵn sàng nhả đạn. Tuyệt nhiên tôi không thấy một người lính Quốc Gia nào. Tôi nghĩ, có lẽ họ đã rút cả vào bên trong tòa nhà, nơi có phòng làm việc của Nguyễn.
Tôi chạy băng qua hai chiếc xe tăng, lách mình vào cái cửa nhỏ phía bên trái. Trong căn phòng có lính gác mọi ngày, tôi thấy hai tên bộ đội mặt non choẹt nhưng có vẻ dữ dằn. Thấy tôi, chúng chạy ra, cản tôi lại. Một tên có cái giọng Bắc khàn khàn la lên:
- Cái nhà chị này muốn chết à mà vào đây? Chạy đi chỗ khác đi.
Một giọng khác, ngọng nghịu và tàn nhẫn hơn:
- Để tớ cho nó về chầu Diêm Vương. Chắc nó “nà” gián điệp Mỹ Ngụy đấy.
Tôi khóc lóc van xin tên bộ đội:
- Tôi biết các anh sẽ giết hết chúng tôi, nhưng xin các anh làm ơn cho tôi vào trong kia để cùng chết với những người ở trong đó.
Tên bộ đội có giọng khàn khàn nói:
- Cách mạng rất khoan hồng, chỉ giết những đứa có tội với nhân dân thôi.
Tên kia, vẫn giọng tàn nhẫn:
- Đồng chí này “nôi thôi” quá! Nó quan hệ với những đứa ở trong kia thì nó cũng có tội, cho nó một phát đạn cho rồi.
Tên kia hất hàm bảo bạn:
- Cho nó vào đi, đồng chí đỡ mang tội giết thêm một mạng người.
Tên bộ đội dữ dằn cười ha hả, chĩa súng vào tôi:
- Tội của tớ cao bằng núi rồi, giết thêm một mạng ăn thua mẹ gì.
Tôi nhắm mắt lại. Hình ảnh Nguyễn bắn vào thái dương tự sát trong giấc mơ vụt hiện về trong trí khiến tôi bình tĩnh chờ chết.
Nhưng tôi bỗng nghe tiếng cười sặc sụa:
- Dọa mày một tí thôi. Hôm nay Cách Mạng thành công, ông cho mày vào trong đó chết cho có bạn.
Đám bộ đội trong sân làm ngơ để tôi lọt vào căn phòng phía sau tòa nhà, ăn thông với văn phòng của Nguyễn bằng một cánh cửa khép hờ. Căn phòng mà Nguyễn thường dùng để nghỉ ngơi những lúc chàng phải làm việc nhiều, không thể về nhà.
Tôi đẩy nhẹ cánh cửa. Những người thân cận của Nguyễn đều có mặt trong phòng, chỉ trừ Bố tôi.
Nguyễn của tôi ngồi thừ người trong chiếc ghế bành màu xanh lá cây đậm. Trông chàng bơ phờ, hốc hác. Đôi mắt sâu hoắm, đỏ ngầu. Nét mặt chàng đanh lại. Thấy tôi, chàng đứng lên bảo mọi người:
- Các anh em ra ngoài và hãy nhớ lời tôi dặn.
Khi người cuối cùng vừa bước ra khỏi phòng, tôi chạy ào tới, ôm chặt lấy Nguyễn. Tôi nghe tiếng tim chàng đập mạnh. Chàng ghì chặt lấy tôi, nghẹn ngào:
- Bố đang bàn giao ở phòng bên cạnh.
Tôi bàng hoàng xúx động. Tôi run run hỏi:
- Tình hình không còn cứu vãn được nữa hả anh?
Chàng mím môi, lắc đầu:
- Hôm qua, anh và toàn ban tham mưu còn thảo kế hoạch chiến đấu tới cùng để giữ vùng này. Nhưng bây giờ thì muộn qua rồi em ạ.
- Hồi nãy em không thấy Đại tá Lâm?
- Ông ta ôm cả lệnh hành quân, chạy rồi!
- Em nghe nhiều tướng tá cũng đã di tản. Quân lính như rắn mất đầu, quăng súng, hàng địch. Có người tự sát.
Nguyễn thở dài, yên lặng. Chành dìu tôi ngồi xuống chiếc ghế nệm dài. Nguyễn nhìn tôi, nét mặt và lời nói thật bình thản:
- Tới nước này rồi thì hãy quên chuyện đời đi một tí. Nói chuyện mình đi em.
Tôi nhìn chàng, nhìn thấu cả tâm can chàng. Nước mắt tôi tuôn trào nhưb suối chảy. tôi áp mặt vào áo chàng để thấm nước mắt.
Nguyễn hỏi:
- Em còn nhớ lần đầu mình gặp nhau không?
- Hôm ấy, em đang ở trong câu lạc bộ chờ bố thì anh lầm lì đi vào. Anh đòi uống nước chanh, chú Minh nhà bếp đang bận nên nhờ em pha giùm và mang ra cho anh.
Chàng ngắt lời:
- Anh nhận lấy và ngó lơ em luôn.
- Em ấm ức mãi, vì anh không coi em ra kí lô nào cả.
Chàng mỉm cười:
- Ly nước chanh em pha cho anh hôm ấy giống như chè vậy đó.
Tôi dụi đầu vào ngực chàng:
- Em mải nhìn khuôn mặt khó chịu của anh nên tay cứ tiếp tục bỏ đường vào ly mà không biết.
Chàng ghé vào tai tôi, thì thầm:
- Bây giờ, anh đang thèm một ly nước chanh, em và trong, pha cho anh nhé.
Mặt tôi rời khỏi vùng ngực ấm áp của chàng. Nguyễn nâng cầm tôi lên. Chúng tôi hôn nhau thật lâu. Nụ hôn đam mê, dịu dàng quấn quít. Nụ hôn mằn mặn bờ môi, cay cay khóe mắt.
Tôi vào phòng trong, pha một ly nước với thật nhiều đường, thật nhiều chanh và mấy viên nước đá lấy từ cái khay nhôm trên ngăn đá trong cái tủ lạnh nhỏ hiệu Sanyo.
Tôi vừa quay trở ra thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ phòng bên. Ly nước trên tay tôi rơi xuống, vỡ ta tành. Muôn nghìn mảnh thủy tinh lớn bé nằm phơi mình trên nền gạch hoa đỏ thẫm.
Tôi chạy ào ra. Đầu Nguyễn ngoẹo vào thành ghế, mặt chàng bê bết máu và đôi mắt mở trừng trừng.
Tôi vuốt mắt chàng, hôn lên mắt, lên má, lên mũi, lên môi chàng. Tôi nhặt vội khẩu súng lục nằm lăn lóc dưới sàn, đưa lên thái dương, bóp cò.
Thì ra chàng đã không để lại cho tôi một viên đạn nào. Tôi hối hận vì chưa kịp nói với chàng là tôi muốn cùng chết với chàng như ý định của tôi khi tìm đến đây.
Khi đám người bên ngoài ùa vào phòng thì người tôi mềm rũ ra như một giải lụa. Trước khi tôi ngất lịm đi bên cái xác đầy máu me của người tôi thương, tôi còn thấy lá Quân Kỳ cùng hàng chữ Tổ Quốc, Danh Dự treo trên tường, phía sau bàn làm việc của chàng.
Tôi tỉnh dậy, đưa mắt nhìn quanh. Tôi biết tôi đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra.
Chiếc giường sắt nhỏ, lò so trũng xuống khiến thân hình tôi mỏng dính dưới lớp chăn rằn ri màu xanh lá cây mềm mại. Cái gối bông êm êm, mặt gối có hai con chim sẻ mà tôi thêu tặng Nguyễn, còn ướt đẫm nước mắt của tôi. Tôi cắn chặt môi. Bất giác, tôi nhớ lại nụ hôn vĩnh biệt chàng, nụ hôn mằn mặn bờ môi, cay cay khóe mắt.
Tôi nghe tiếng nói lao xao rồi Bố tôi đẩy cửa bước vào hỏi:
- Con ra làm lễ tẩm liệm cho Nguyễn được không?
Tôi tung chăn, nhảy vội xuống đất, rồi cùng Bố sang phòng bên.
Xác Nguyễn được đặt nằm ngay ngắn trên cái ghế dài. Máu me trên mặt, trên người chàng không còn nữa. Đầu chàng đã được băng lại từ thái dương trở lên. Nét mặt và đôi môi chàng tím tái. Chàng nằm bất động, bình yên trong bộ quân phục có gắn nhiều huy chương trên ngực áo. Cái bàn làm việc của chàng được biến thành bàn thờ với hai ngọn nến cháy lung linh. Khói hương tỏa ra mờ mờ trước bức ảnh chàng mặc quân phục đứng bên cạnh chiếc xe jeep, chụp nơi cổng trại gia binh.
Tôi nghẹn ngào nói nhỏ với Bố:
- Con vào trong, pha cho Nguyễn ly nước chanh, con sẽ ra ngay.
Bố nhìn tôi thương xót:
- Cũng may cụ Bá cho cái áo quan và mâm trái cây đẩ bày bà thờ.
Tôi thắc mắc:
- Tại sao cụ Bá lại có sẵn áo quan hả Bố?
Bố tôi giảng giải:
- Người già ở đây thường mua sẵn áo quan, có khi họ còn xây sẵn cả mộ phần nữa.
Tôi lại hỏi:
- Bọn họ cho mình chôn cất Nguyễn tử tế hả Bố?
- Ừ, vì cụ bá có con tập kết ra Bắc, làm lớn lắm nên cụ can thiệp giùm.
Bố tôi không nói gì thêm. Tôi lẳng lặng vào trong pha cho Nguyễn một ly nước chanh rồi trở ra đặt trên bàn thờ.
Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, một vị sư bắt đầu tụng kinh. Giọng thầy nho nhỏ, đều đều, xa vắng. Tiếng chuông, tiếng mõ đưa tôi vào một thế giới xa xăm, an lạc. Một thế giới không có hận thù. Không có bom đạn của Mỹ, của Liên Xô, Trung Quốc. Một thế giới không có sự tranh chấp giữa chủ nghĩa này với chủ nghĩa kia. Một thế giới mà con người được quyền sống theo sự tuần hoàn của vũ trụ, không bị chính con người hủy diệt.
Thầy tụng kinh xong thì hai người lính cúi xuống, ôm xác Nguyễn lên, đặt vào quan tài. Bố tôi đưa cho một ít quần áo và những thứ lặt vặt mà Nguyễn dùng hàng ngày:
- Con xếp vào quan tài cho Nguyễn.
Nước mắt tôi rơi lã chã. Từng món, từng món đồ dùng của Nguyễn được tôi xếp xung quang chàng. Tất nhiên, có cả chiếc lược và chiếc gối có thêu hai con chim sẻ nâu mà tôi đã tặng chàng. Cuối cùng, tôi đắp lên người chàng lá Quân kỳ, rồi lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ.
Khi nắp quan tài được đậy lại, nước mắt tôi cạn khô. Tôi đứng chết lặng người nhìn ánh nến lung linh, nhìn khói nhang cuộn vòng, mờ ảo, nhìn đôi mắt nheo nheo của Nguyễn trong ảnh. Tôi thấy tôi đang cùng Nguyễn ngồi trên chiếc xe Jeep màu xám, chạy lọc xọc qua những con đường đất đỏ đầy ổ gà, qua những lũy tre xanh, qua những cánh đồng lúa chín vào những chiều lộng gió, những buổi trưa hè oi ả. Tôi thấy tôi đang ngồi câu cá bên Nguyễn nơi một con lạch nhỏ. Mỗi khi cá cắn câu, chúng tôi giật lên, rồi lại gỡ cá ra khỏi lưỡi câu, thả xuống mặt nước. Nguyễn thường ngắm những con cá bơi lội tung tăng dưới nước sau khi được thả và nói:
- Trông chúng dễ thương thế kia mà người ta cố bắt chúng lên để mà chiên, mà nấu. Con người thật dã man, em nhỉ.
Tôi thấy Nguyễn thật tội nghiệp. Chàng thương mọi loài vật, nâng niu từng cành cây, cọng cỏ, vậy mà chàng phải chỉ huy những trận đánh ác liệt khiến bao người phải bỏ mạng, nhà cửa bị tan hoang, ruộng đồng, rừng xanh bị thiêu hủy. Là cấp chỉ huy, Nguyễn được hưởng nhiều ưu đãi, chàng cũng có thể giầu vì những chuyện mua quan bán chức xảy ra thường xuyên trong xã hội này. Nhưng chàng sống thật đơn giản. Tài sản của chàng, chẳng có gì hơn ngoài cái máy ảnh hiệu Canon, dàn máy hát, một tủ sách và bộ cờ tướng. Một lần chàng hỏi tôi:
- Nếu anh tử trận, gia tài của anh để lại cho em chỉ có thế, em có buồn không?
Tôi lắc đầu, nhìn thật lâu vào mắt chàng và cảm thấy chàng đã cho tôi một điều vô cùng quý giá. Đó là niềm tin, niềm tin trong đêm đen còn điểm sáng. Niềm tin trong cái thế giới hỗn mang này còn có những tấm lòng nhân ái.
Chiếc xe chở quan tài Nguyễn và chiếc xe Jeep chở vài người thân của Nguyễn được hai xe jeep của bộ đội hộ tống, chạy thẳng về hướng nhà cụ Bá. Cụ đã dành cho Nguyễn một khoảnh đất trong khu vườn sau để Nguyễn an giấc ngàn thu.
Lúc hạ huyệt, mọi người có mặt đều yên lặng. Tôi run run ném xuống nắp áo quan một nhánh huệ và nắm đất đầu tiên. Qua màn nước mắt, tôi thấy nhánh huệ nằm dài bên bát cơm với quả trứng luộc đã được bóp bẹp ra, để lộ một chút lòng đỏ trứng vàng vàng. Bốn người lính vội vã dùng xẻng, đẩy xuống đất trên miệng huyệt xuống, lấp kín quan tài, chôn kín hồn tôi.
Mặt trời đã tắt hẳn. Màn đêm buông xuống thật nhanh. Một cơn gió thổi khiến tôi rùng mình. Tôi nắm chặt tay Bố, lê bước trên con đường đất hẹp dưới những tàn cây rậm rạp. Tôi quay đầu lại, cố nhướng mắt lên nhìn nấm mộ Nguyễn lần cuối cùng. Rồi tôi nhắm mắt lại, thầm gọi tên người tôi thương “Nguyễn ơi! Nguyễn ơi! Hãy chờ em./.”
Lê Thị Nhị

Các tác phẩm khác của Lê Thị Nhị

Yêu Dấu Xưa

Vợ Hiền Và Quê Hương

Thằng Sừng

Sóng Thời Gian

Sẽ Nói Với Em

Rể Hiền, Dâu Thảo

Nhân Vật Tiểu Thuyết

Nhà Thơ, Nhà Văn

Người Mẹ

Ngoại Tình

Mùa xuân gặp gỡ

Giấc Mơ Tan

Giấc Mơ

Ghen

Đêm Giao Thừa

Đêm Cuối Cùng

Đêm

Chiếc áo ấm Redskin

Buổi Sáng Hạnh Phúc