Đêm
Tác giả: Lê Thị Nhị
Huyền đưa tay bấm nút. Tiếng rên rỉ của cô ca sĩ trong một bản nhạc tình thời tiền chiến phát ra từ máy cassette ngưng bặt. Huyền nghe rõ từng hơi thở, từng nhịp tim đập của chính mình. Chuông đồng hồ thong thả buông hai tiếng rời rạc. Đã hai giờ khuya!
Huyền đưa tay vén tấm màn che cửa sổ. Ngọn đèn vàng hắt ra những tia sáng yếu ớt, rọi xuống sân cỏ trước nhà và lối đậu xe trống vắng. Một con mèo chạy vụt qua, rồi mất hút sau căn nhà đối diện.
Huyền ngồi vào bàn viết, định sắp xếp tình tiết cho một truyện dài do tòa soạn báo Gia Đình yêu cầu. Mọi đêm, sự vắng lặng giúp Huyền trong việc sáng tác. Nhưng đêm nay thì không. Huyền nguệch ngoạc chưa được hai trang giấy đã lại đứng lên, đi về phía máy truyền hình và bấm nút. Một chương trình chọc cười vô duyên không làm cho Huyền bớt nỗi bồn chồn, lo lắng trong lúc này. Huyền lại bấm nút, tắt máy.
Nếu là cuối tuần thì Huyền không thắc mắc. Nhưng hôm nay là ngày thường, có nghĩa là chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa các con nàng phải vào lớp học, hỏi sao nàng không lỏ Có họa chăng nàng là gỗ đá, cỏ cây.
Khi Hiến và Hạnh lên đại học, Huyền đã phải khó khăn lắm mới thuyết phục được các con học ở gần nhà. Đổi lại, Huyền phải hứa sẽ tôn trọng hoàn toàn tự do và đời sống riêng tư của chúng. Thành ra, những trường hợp như đêm nay, Huyền chỉ được quyền lo lắng mà không được quyền hỏi han và khuyên bảo.
Phương, chồng nàng, vắng nhà luôn, có khi cả hai tháng mới về. Phương làm cho một hãng điện toán có chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới nên chàng đi đây, đi đó như người ta đi chợ. Khi ở nhà thì chàng hội họp liên miên, vì chàng có máu chính trị trong người. Lúc nào Phương cũng tất tả, quan trọng như chàng sắp sửa xoay chuyển cả tình hình đất nước Việt Nam ở phía bên kia quả địa cầu. Lại còn cô nhân tình mắt xanh của Phương khi nàng và các con còn ở Việt Nam nữa, không biết chàng còn mặn nồng không? Phần thì bận lo cơm áo, phần thì không có lòng ghen tuông nên nàng cũng chẳng để ý tới.
Điều mà Huyền buồn không phải vì mình mà vì các con. Nếu Phương ráng nhín chút thời giờ dạy dỗ con cái thì đỡ biết mấy. Huyền thương các con thiếu sự dìu dắt của một người chạ Mối liên hệ của Phương với vợ con chỉ qua những tấm chi phiếu mà chàng đem về hàng tháng. Như thế, Huyền nghĩ, Phương cũng đã là một người chồng, người cha tốt rồi. Có thiếu gì anh chàng vượt biển, rồi bỏ luôn vợ con không thèm bảo lãnh và giúp đỡ.
Huyền đã quen với sự đi sớm về trễ không báo trước của chồng, nay đến lượt các con. “Mẹ cứ coi như chúng con ở trong trường. Đừng kiểm soát và giảng luân lý cho chúng con nữa, chúng con lớn rồi.”
Ôi! Đối với những bà mẹ, những đứa con của mình chẳng bao giờ lớn cả. Điều này, làm sao các con của nàng hiểu được?
Để có thể im lặng cho vừa lòng các con, Huyền đã tập một nếp sống mới: nếp sống bấm nút. Muốn nghe, nàng bấm nút cassettẹ Muốn nhìn, nàng bấm nút T.V., V.C R. Muốn nói, nàng bấm điện thoại.
Nếu nói thời đại này là thời đại bấm nút thì quả là không sai. Bấm nút một con búp bê, nó cũng biết nói “I Love You”. Những băng nhạc ru bé ngủ, những số điện thoại đọc truyện cho thiếu nhi... đã cướp đi vai trò của người mẹ, bà nội, bà ngoại. Đôi khi con cháu tưởng những người thân này không còn ở trên trần thế! Cũng may, phong tục của người Mỹ còn có ngày sinh nhật, ngày của cha, ngày của mẹ, ngày Valentine để con cháu chạy ra tiệm Hallmark, mua những tấm thiệp thật lộng lẫy, với những lời hay, ý đẹp để tặng ông bà, cha mẹ. Điều đó, được coi như một lô xổ số trúng an ủi cho các bậc sinh thành.
Huyền ngồi bên cửa sổ. Tay nàng lơ đãng lật từng trang cuốn Album gia đình. Trong ảnh, trông gia đình nàng thật hạnh phúc. Trong ảnh, không thấy những bữa cơm vội vã, lặng lẽ; chỉ thấy bàn ăn có vẻ thịnh soạn và mọi người đều cười thật tươi. Trong ảnh , không thấy những buổi đi chơi ngoài trời nhạt nhẽo, gượng ép; chỉ thấy trời xanh, mây trắng, thảm cỏ xanh mượt, cả gia đình ngồi ăn trên một tấm khăn trải thật lớn có hoa sặc sỡ. Những tấm ảnh chụp ở tiệm, sự xa cách nhau nhường chỗ cho sự gần gũi, âu yếm, vai kề vai, má kề má.
Huyền gấp cuốn Album lại, đưa mắt nhìn ra ngoài, chờ đợi. Có ánh đèn từ xa chiếu lại. Rồi một cái xe đậu trước nhà.
Phương lạch cạch mở khóa, bước vào:
- Chưa đứa nào về hả em?
- Hai đứa ở lại thư viện học, ngày mai thi cuối khóa.
- Em để ý dậy dỗ hai đứa, coi chừng tụi nó hư đấy!
- Dạ!
- Trễ rồi, sao em chưa đi ngủ?
- Em đã ngủ được một giấc, mới dậy uống nước đó thôi.
- Vậy hả. Anh cũng phải đi ngủ ngay, mai còn phải đi làm sớm.
Phương, Huyền vào phòng riêng của mỗi người, đóng cửa lại.
Một lúc sau, biết Phương đã ngủ say, Huyền rón rén ra phòng ngoài để đợi các con. Huyền cố đọc sách để quên đi thời gian đang trôi thật chậm chạp.
Khi Hạnh về, đồng hồ chỉ ba giờ sáng. Hạnh hỏi mẹ:
- Trễ rồi, sao mẹ chưa đi ngủ?
- Mẹ đã ngủ được một giấc, mới dậy uống nước đó thôi.
- Thế ạ!
- À này, con, hồi nãy mẹ tưởng con không về nên mẹ nói với bố là con ở lại thư viện học vì mai phải thi cuối khóa.
Hạnh nhăn mặt hỏi mẹ:
- Mẹ muốn con nói như vậy với bố? Cũng được, nhưng lần sau mẹ đừng nói vậy. Con không cần phải nói dối.
Hạnh chào mẹ, rồi vào phòng đóng cửa lại. Huyền yên tâm vì Hạnh đã về, nàng không cần đợi Hiến nữa. Con trai mà, lo gì! Huyền vào bếp. Lần này thì nàng uống nước thật. Ly nước mát lạnh làm tan đi những âu lo trong lòng nàng. Huyền vào phòng, ngủ thiếp đi...
Chuông điện thoại reo vang. Huyền với tay nhấc ống nghe. Một giọng Mỹ đặc sệt ở bên kia đầu dây:
- Hello! Làm ơn cho tôi nói chuyện với bà Nguyễn
- Vâng, tôi nghe đây!
- Thưa bà, đây là nhà thương Fairfax. Chúng tôi báo để bà biết là con trai bà tên là Hiến bị tai nạn xe hơi và đang ở phòng cấp cứu.
- Vâng, tôi sẽ lại ngay.
Huyền vội vã thay quần áo rồi lái xe như bay vào bệnh viện. Vừa đến phòng cấp cứu, Huyền đã thấy hai người lao công mặc áo màu xanh, đẩy một cái băng ca ra. Huyền nhìn thấy mặt Hiến đầy máu mẹ Một người nói với nàng:
- Chúng tôi rất tiếc, cậu ấy đi rồi!
Huyền hãi hùng ôm lấy thân thể của con, khóc thét lên! Và nàng tỉnh dậy.
Thì ra Huyền ngủ mơ! Nàng đẩy cái gối ôm sang một bên, mồ hôi nàng còn lấm tấm trên trán. Tim nàng còn đập thình thịch. Huyền tung chăn, ngồi dậy, chạy ra phòng ngoài. Huyền đưa tay vén tấm màn che cửa sổ: ba cái xe nằm ngoan ngoãn trước nhà, một điểm sáng thật nhỏ, thật xa trên bầu trời tối đen như mực.
Hết