Chương 11
Tác giả: Mỹ Hạnh
Đêm qua ông Tài thức suốt đêm, khóc thật lặng lẽ, âm thầm. Tuổi ngoài sáu mươi của ông, một cựu võ sĩ, khóc là điều không thể có, vậy mà ông khóc, khóc cho con gái vì ông giờ sống chết chẳng biết ra sao.
Đức đã chở ông về Hội An, tấm thân già nua ốm yếu cứ run lên, chân không bước nổi. Thấy con nằm mê man, máu đọng lốm đốm trên ngực áo, ông chết cả lòng theo con. Ông đã quỳ thụp dưới chân cô bác sĩ nhỏ tuổi thua cả Hoài, van xin cô hãy cứu dùm con ông. Mọi người đã đỡ ông dậy, ông không chịu cứ khăng khăng quỳ khiến cô bác sĩ mới ra trường chưa được bao nhiêu năm chảy nước mắt quỳ xuống theo, hứa với ông rằng Hoài không thể chết, cô sẽ không để Hoài chết đâu.
Rồi Hoài tỉnh lại, yếu ớt gọi cha bảo về, ông chảy nước mắt, tay run rẩy nắm tay con gái, nói:
- Ba không về, ba về con sẽ bỏ ba đi luôn.
Trên giường, mặt xám xanh nở nụ cười thê thảm, Hoài cố nuốt nước mắt, gượng câu hứa:
- Con... không ... chết... con.. hứa .. với .. ba...
Trời ơi ! Lúc ấy ông muốn gào lên, thét lên cho vơi nỗi ray rứt trong lòng. Giá ngày ấy...
Ông nhớ cũng câu nói này mười bảy năm trước, ông đã nói với một người. Không , một cậu bé và nó cũng chỉ là đứa bé, khi bị con dao cắm sâu vào ngực phải. Trên môi nó cũng ráng nở nụ cười như bây giờ và Nam Hoa không khóc như ông bây giờ, nó gào thét, lăn lộn, lay gọi, van xin Dế Mèn đừng chết để ở bên nó suốt đời.
Ông đã làm vật cản không cho hai đứa bên nhau suốt đời, để giờ đây...
Người cha lại khóc, nước mắt tràn cả tay gầy đứa con gái. Cô bác sĩ trẻ, rồi nhiều bác sĩ nữa đến ra lệnh tất cả mọi người ra ngoài. Đức dìu ông đi, tay ông và tay Hoài còn níu kéo, rồi cũng rời xa. Đức dứt khóat chở ông về.
- Bác để Hoài cho con lo, cô ấy sẽ lành lại, bác có bề gì Hoài trách con.
Đêm qua là đêm thứ hai, từ ngày nhận nó là con, ông một mình không có nó bên cạnh. Đêm qua là đêm thứ hai trong đời ông, ông thắp hương quỳ giữa trời cầu xin mọi đấng linh thiêng ban uy quyền tối thượng để con ông được sống.
Đêm qua, ông cũng nhớ lại gương mặt thằng con trai mười ba tuổi, lồng lộn ở kho hàng số 1, nắm tay Dế Mèn gào lên với cha mẹ nó.
- Con không đi ! Con không đi đâu hết, nếu Dế Mèn không đi với con.
Dế Mèn với gương mặt ửng chút huyết sắc lại tái mét đi, bệu bạo nói với anh Nam Hoa của nó.
- Đi đâu vậy? Anh Nam Hoa đừng có bỏ em nghe, em đã hứa không bỏ anh rồi mà.
Mặt thằng bé tái lại, nó vốn là đứa mà nét hào hoa và bướng bỉnh có từ trong máu, nó ôm đầu Dế Mèn áp vào ngực mình, vỗ về, mắt tóe lửa nhìn mẹ nó với Dế Mèn.
- Em yên chí đi, anh nhất định không bỏ em, anh ở bên em suốt đời.
Ông bà Bạch Chấn Hưng ngó nhau, rồi trao ông cái nhìn thầm lặng khẩn cầu. Đêm ấy thằng bé ở lại kho hàng, nắm tay Dế Mèn cho đến khi con bé ngủ say và nó cũng gục xuống thiếp đi.
Lúc ấy, ông quả có ái ngại trong lòng, nhưng quyết định của ông không thay đổi. Chẳng phải vì tâm hồn một người võ sĩ chai cứng theo những cú đấm đá trên võ đài, mà chính vì sĩ diện dân tộc, ông quyết không đi, ông chỉ có cái ích kỷ là không cho Dế Mèn theo Bạch gia. Nó là con ông, là duy nhất của riêng mỗi mình ông, ông có ngờ đâu...
Hôm sau nữa, không phải ở kho hàng mà ngay tại nhà ông Chấn Hưng, sau bao lời thuyết phục, ông vẫn không. Rốt cuộc lúc trở về, ông nói, sẽ bảo Nam Hoa về nhà và Bạch gia muốn đưa cậu rời Việt Nam chỉ cần dùng thuốc ngủ. Trong lúc ấy ở kho hàng, hai đứa trẻ vẫn chơi trốn tìm, không biết ông đã vạch xong kế hoạc chia rẽ chúng mãi mãi.
Thức trắng đêm lo cho con và nhớ về dĩ vãng để mặc dòng nước mắt già nua âm thầm rơi theo nỗi ray rứt trong lòng, ông Tài giờ đây mắt sâu hoắm trông càng ốm yếu, gầy còm.
Đức từ Hội An về, anh chạy nhanh vào nhà, ông Tài đứng lên, nhưng lại té nhủi xuống giường. Đức hết hồn đỡ ông lên.
- Bác có sao không?
Ông Tài khoát tay:
- Không sao. Con chờ bác chút.
Một chút ấy không thể đếm được, bởi ông chẳng thể đứng lên nổi, khắp người ông đau đớn, đầu váng mắt hoa, ông thấy Đức thành ba, thành bốn rồi đổ gục xuống.
May thay, mấy người hàng xóm chạy qua. Họ giúp Đức làm ông tỉnh lại. Đức nhìn ông lo ngại, lòng lại bồn chồn:
- Bác phải nằm nghỉ thôi, không thể về bệnh viện Hội An được, con mời bác sĩ đến thăm bệnh cho bác.
Ông Tài cũng biết mình không thể đi được, ông càng đau khổ trong lòng, ông nói:
- Con đi đi, vào với nó, đừng bỏ nó một mình.
Tay ông run rẩy lần mấy tờ bạc trong gối đưa ra cho Đức, dòng nước mắt người cha lại rơi theo lời nói:
- Tiền này, con giữ, mua gì cho nó dùm.
Những người hàng xóm đều muốn khóc theo nỗi cảm cảnh của hai cha con, Đức nghẹn ngào:
- Bác cất đi, tụi con sẽ lo cho Hoài tất cả.
Anh quay lại nhờ những người hàng xóm trông nom dùm ông Tài thay anh, họ vui vẻ nhận lời. Họ biết, cô con gái ốm yếu của ông ho ra máu, họ gọi là ho lao, họ biết bệnh dó dễ lây nhưng tấm lòng những người nghèo bao giờ cũng rộng lượng. Họ cho rằng sống, chết, bệnh tật do trời, chỉ cần tu nhân tích đức để lại cho cháu con. Vậy là kẻ bắt tay vào dọn dẹp, người đi mua cháo, người xoa dầu, nắn bóp cho ông Tài, họ hối với Đức:
- Đi lẹ lên rồi vô coi cổ ra làm sao.
Đức mời bác sĩ đến khám cho ông Tài ngay. Nghe bác sĩ nói không sao, anh mừng. Đi mua thuốc xong, dặn dò hàng xóm mọi thứ, nào chuyện thuốc men, chuyện ăn uống anh mới yên tâm phóng xe vào Hội An trở lại, anh đi với tốc độ xe đua, anh tự quàng vào mình trách nhiệm nặng nề, chăm sóc Hoài ở Hội An và lo cho cha cô ở Đà Nẵng.