watch sexy videos at nza-vids!
Truyện MẤY NẺO ĐƯỜNG YÊU-Chương 4 - tác giả Mỹ Hạnh Mỹ Hạnh

Mỹ Hạnh

Chương 4

Tác giả: Mỹ Hạnh

"Cô đi khám và chụp phim phổi coi sao... Cô có bệnh". Câu nói ấy ám ảnh Hoài suốt đường đi chợ, đến lúc về. Cô lo âu. Cô biết mình mấy hôm nay thường sốt nhẹ về chiều. Hôm qua sốt cao, cô vẫn đi làm, mong công việc lao động nhọc nhằn sẽ giúp cái thân thể bé nhỏ cô gượng được, và bệnh lui đi như mọi lần.
Bây giờ, ông bác sĩ làm cô giật mình, ông ta muốn cô chụp phim nghĩa là đã có vấn đề.
Hoài suy nghĩ đến bần thần, nấu cơm, làm thức ăn hoàn toàn theo quán tính, điều ấy không qua được mắt ông Tài. Ngồi vào ăn cơm, ông hỏi:
- Con mệt lắm hả Hoài? Còn sốt không?
Hoài chối bay biến:
- Dạ hết sốt rồi, con có mệt gì đâu.
- Ba thấy con như người mất hồn, nếu đau thì đừng gắng, làm đơn xin nghỉ vài bữa. À! Lúc nãy dì Lành, thằng Đức có tới đưa sổ khám bệnh và một ký cam.
Nói tới Đức, Hoài thấy khó chịu với cha, bởi ông rất thương chàng trai ngoài ba mươi mà rụt rè như con gái này (đó là lời ông thường nói, chớ ông chẳng hề biết có lúc Đức dữ tợn như thế nào).
- Dì Lành có nói gì không ba?
- Bả rầy ba, sao để con đi ra ngoài, thằng Đức thì nói con đi khám bệnh rồi nghỉ vài ba bữa.
Hoài tránh cái nhìn của cha.
- Dạ, hai giờ con đi.
Hai cha con ăn cơm trong yên lặng. Ông Tài ăn xong đi nghỉ. Hoài cũng trở lên giường nằm. Cô thấy mệt, cái mệt của cơn sốt chiều sắp tới, sốt nhẹ nhưng âm ỉ kéo dài.
Hoài có hai giờ để nghỉ ngơi. Cô không ngủ được. Cô nhớ tới đôi mắt người đàn ông sang trọng ấy. Họ nhìn sững nhau trong vài ba giây. Cô đã rùng mình, (chẳng hiểu tại sao), phải chăng đôi mắt ấy có gì quen thuộc, gợi nhớ. Không! Ta, Dế Mèn cũng là Hồ Thị Bạch Hoài. Với con người ấy, cách xa nhau một trời một vực.
Nhưng tại sao mình run khi anh ta nhìn mình nhỉ ? Và giọng nói có cái gì thân thiết làm ấm cả cõi lòng mình? Hoài không tự trả lời được, điều cô hài lòng nhất, là khi anh ta hỏi tên, cô sung sướng để trả lời. Bởi cô bây giờ có được một cái tên, giữa xã hội cô thấy mình đựơc bình đẳng với bao người.
Lồng ngực cô lại nhói đau, cô nhớ đến ngày xưa có chú bé mắt sâu, đuôi mắt dài như con gái, chú hơn cô một tuổi, mà làm như người lớn. Chú ngang nhiên nắm tay con bé nhem nhuốc dắt đi rửa mặt. Khi chải mái tóc rối, rậm rịt của nó, đã hỏi:
- Mi tên gì?
Con bé không biết mình tên gì, nó nhớ hồi nó còn bé quả là có một cái tên, nhưng rồi cái tên biến mất theo cuộc sống bị đọa đày của nó. Người ta gọi nó là "con ăn mày", cả người đàn bà lượm nó ở đâu đó đem về bắt nó kêu là mẹ cũng gọi như vậy. Nó chấp nhận không chút phản đối. Còn bây giờ, chẳng hiểu sao nó không muốn cho người bạn mới quen này biết ba chữ đó, nó càng không muốn nghĩ đến thời gian đã qua. Nó là đứa bé lăn lộn ngoài đời từ thuở biết đói no, nên nhanh chóng nghĩ tới một cái tên lúc hôm qua đám bạn ở cô nhi viện gọi nó. Chẳng là khi nó vào đến đó, thân không có gì ngoài tay khư khư ôm một lon dế mới bắt được đêm rồi.
- Tui tên Dế Mèn.
Thằng Nam Hoa há miệng đến suýt buông rơi cái lược, nó hỏi gặng:
- Tên Dế Mèn à?
- Ừ. Tên Dế Mèn. Tui thích chơi dế lắm.
Thằng Nam Hoa mười một tuổi, học lớp nhất, đến hè là học sinh trung học làm gì chẳng hiểu tại sao con bé có tên Dế Mèn. Nó thương xót hỏi:
- Mi thích tên Dế Mèn à?
- Tên mình sao không thích? Anh có thích tên tui không?
Con bé bất chợt gọi Nam Hoa bằng anh, khiến chú nhóc sướng ran cả người, vội gật đầu lia lịa:
- Thích lắm! Từ nay tao gọi mi là Dế Mèn, mị gọi tao là... - Thằng nhóc thấy ngượng không nói.
- Anh Nam Hoa!
Nam Hoa đã cột thun vào lọn tóc bướng bỉnh của Dế Mèn, cái công việc này với nó thật quá sức nên nó thở khì thả lược xuống, nằm dài ra cái giường, hỏi:
- Răng mi biết tao tên Nam Hoa?
- Lúc nãy tui nghe gọi.
Thằng bé chợt moi từ túi ra mấy viên kẹo đưa cho Dế Mèn, con nhỏ sáng mắt ngồi ăn ngon lành, Nam Hoa nằm trên giường nhìn Dế Mèn ăn mà thấy vui vui trong lòng. Hà! Bây giờ mình có một đứa em tên thiệt ngộ: Dế Mèn. Nó mơ màng nói:
- Tên Dế Mèn hay đó chớ, có ai có tên đó đâu, ngoài con dế mèn của ông Tô Hoài.
Thằng bé chẳng hề ngờ, cái thái độ của mình đã làm con bé nung nấu một quyết định. Nếu anh Nam Hoa thích, thì vĩnh viễn mình sẽ là Dế Mèn.
Và... Ông Tài cha nuôi nó đã hỏi.. đã muốn đặt cho nó một cái tên.. nó lắc đầu cương quyết:
- Không. Con thích tên Dế Mèn.
Ông Tài không phải là mẫu người biết thuyết phục, ông gọi nó cái tên ông đặt, nó chẳng buồn thưa, cứ lầm lỳ, ông gọi Dế Mèn, nó cười tươi, tung tăng chạy đi làm mọi việc. Vậy là ông mặc nhiên chấp nhận tên Dế Mèn của nó.
Hết mùa hè năm ấy, ông muốn nó đi học, lại phải làm khai sinh, nó hỏi ông:
- Tên Hồ Thị Dế Mèn được không?
- Tên Dế Mèn chỉ gọi ở nhà thôi, không ai khai vào giấy tờ được đâu con.
- Vậy thì thôi. Con chỉ thích Dế Mèn, anh Nam Hoa nói sẽ tới dạy con học, khỏi cần học trường tốn tiền nghe ba.
Nó rất thông minh học đâu nhớ đấy. "Ông thầy Nam Hoa" hãnh diện lắm khi nghe nó khoe tính tiền dùm ba và cô thủ quỹ không sai đồng nào
- Nam Hoa!
Hoài gọi anh từ tiềm thức mỗi khi nhớ về dĩ vãng. Gương mặt cô ôm ấp trong tim từ mười sáu năm vẫn là gương mặt một chú bé con, nhưng lạ thay, đôi mắt của người thương lại là đôi mắt của người đàn ông ở Pacific Hotel. Nó nhìn cô đăm đăm.
Hoài hốt hoảng vùng dậy. Mình sao thế này? Phải đi khám bệnh thôi, cơn sốt nhẹ kéo dài này làm mình suy kiệt đến mê sảng mất.
Cô thay bộ đồ tươm tất nhất, một chiếc quần đen và áo bà ba màu vàng nắng nhạt, đội chiếc nón lá, cô nhìn cha ngủ, rón rén khép cửa đi ra. Cô khựng lại. Đức đứng với chiếc Honda 50 rõ ràng đang đợi cô. Đức nói nhỏ:
- Anh đưa em đi khám!
Hoài cúi mặt, cô không muốn, thật tình không muốn Đức có hy vọng nào từ ba năm nay theo đuổi.
- Hoài cảm ơn anh, em tự đi một mình được.
- Về Đa Khoa xa lắm, em không có xe lại đang sốt.
- Hoài đi bộ quen rồi.
Đức buồn bã:
- Hoài ! Đừng nghĩ anh lo cho em vì đang muốn được em nhận lời yêu anh. Hãy nghĩ chúng ta cùng chung cơ quan, phải giúp đỡ nhau khi cần.
Cô gái vẫn bước đi. Đức dắt xe lẽo đẽo đi theo, qua những đường kiệt ngoằn ngoèo, đến dãy bổ tre, họ chẳng nói thêm lời gì. Mặt Hoài nhợt xanh, Đức không chịu nổi:
- Hoài ! Không nghĩ tới bản thân phải nghĩ đến cha em, em có bề gì, làm sao cha lo cho em được, rồi ai lo cho cha trong cảnh già?
Hoài cắn môi, đứng lại. Đức cả mừng:
- Lên xe đi em.
- Anh phải hứa một việc.
- Được! Được!
- Nếu có gì, không được mét với ba tôi.
- Có gì là sao?
- Hoài không muốn ba Hoài lo lắng nếu Hoài có bệnh.
Đức quả quyết:
- Anh dấu biệt, nói với ba em có ích gì? mấy người ở sở và anh sẽ lo cho em.
Đến bệnh viện, Hoài vào khám, Đức ngồi chờ lòng bồn chồn lo sợ vẩn vơ. Hoài trở ra, mặt càng tái, Đức hấp tấp hỏi:
- Em đau gì?
Cô gái mím môi, nén lời:
- Bác sĩ cho giấy đi chụp phim phổi.
Đức lật đật:
- Anh biết phòng quang tuyến, anh đưa em đi.
Hoài gượng cười, một năm hai lần, mọi công nhân đều đến bệnh viện. Làm gì không biết phòng ấy ở đâu. Lần rọi phổi đợt trước, bác sĩ khoa quang tuyến đã khuyến cáo cô, phổi rất xấu, cần điều trị một thời gian. Cô dạ, nhưng rồi bỏ qua không lý tới, tiền không có ăn và lo thuốc cho ba, có đâu mua thuốc cho mình. Đến nay gần một năm rồi, điều gì sẽ đến với cô?
Nửa giờ đợi rửa phim với Hoài dài vô hạn. Người nam y tá bước ra gọi:
- Cô Hồ Thị Bạch Hoài ! Vào gặp bác sĩ trưởng khoa.
Ông bác sĩ trưởng khoa dáng người cao to, thô kệch, có giọng nói lơ lớ người miền Bắc vùng cao. Ông nhìn cô, lắc đầu lia lịa:
- Cô phải chuyển về Bài Lao thành phố đi, tôi sẽ phê vào phiếu chụp, có bệnh phải chữa hiểu chưa?
Hoài run rẩy:
- Về Bài Lao thành phố thưa bác sĩ, nghĩa là...
Ông bác sĩ phẩy tay:
- Bệnh viện lao của Đà Nẵng đó. Ô! Bây giờ nó không còn là chứng bất trị, ở Việt Nam người ta gọi là căn bệnh xã hội, cô điều trị từ sáu tháng đến một năm sẽ lành, đừng có mặt mày méo đi như vậy, ra ngoại chẩn đi.
Hoài thấy trời đất quay cuồng, chết cả ruột gan, cô gựơng nói lời cảm ơn ông bác sĩ, lê bước ra ngoài. Thấy Đức, cô chợt nổi điên:
- Anh đừng lại gần tôi, tôi bị lao rồi.
- Em nói gì hả Hoài?
- Tôi bị lao, anh nghe rõ chưa? - Hoài nói lớn.
Mọi người ngồi ở đó đều nhìn hai người. Đức nói với cô gái, giọng ôn tồn:
- Có gì mà em la lớn. Đau thì chữa. Lao vì lao tâm lao lực cũng dễ chữa thôi. Miễn em đừng bi quan.
Hoài rã rời, thái độ ôn tồn của Đức khiến cô thấy mình có tội với anh. Ráng không để rơi nước mắt, Hoài trở ra phòng khám cán bộ công nhân viên, nhìn vào phim chụp và bác sĩ phê ngay vào sổ khám. Chuyển Bài Lao - Ký tên.
MẤY NẺO ĐƯỜNG YÊU
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30 (chương kết)