watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tình Cho Không-Chương 13 - tác giả Mỹ Hạnh Mỹ Hạnh

Mỹ Hạnh

Chương 13

Tác giả: Mỹ Hạnh

Hai tháng sau ngày Hoàng đi, tai biến đến với Ngàn Phương dồn dập.
Trước hết, cả hai tháng cô không nhận được thư Hoàng. Việc thứ 2, cô nhận điện mẹ gởi về, thì ra cha cô đánh bài thua sạch, ông về nhà lén lấy tất cả của cải, tư trang của mẹ dành dụm bỏ đi mất. Quá đau khổ, bà Thuận tự tử. May bà Thêm phát giác kịp, đưa vào bệnh viện cứu được. Về đến nơi, Ngàn Phương chỉ biết ứa nước mắt khóc cho mẹ. Cô đưa hết cho mê số tiền mình có, đồng thời điện ra gọi Châu gởi về thêm một ít. Cô cùng bà Thêm lo lắng việc nhà, an ủi và nhờ Thạch Thảo, Thạch Tú thay cô dạy dỗ các em. Khi thấy mẹ đã bình tĩnh lại, Ngàn Phương định đi, thì một tin đau xót nữa lại đến : “Dì Cúc bị bắt”. Cả hai mẹ con cắn răng nuốt nước mắt vào lòng, không dám hở môi. Ba cô bỏ nhà đi, chuyện đi thăm dì Cúc thật khó khăn, vì chưa thành án. Ngàn Phương đành dặn mẹ, có tin gì báo cho cô biết, cô phải ra Huế.
Từ đó, tâm hồn Ngàn Phương luôn có nhiểu xao động. Cô vốn lặng lẽ càng lặng lẽ hơn, lúc nào cũng như mong ngóng một điều gì. Cô làm việc vẫn hết sức, hết lòng, chỉ ngày một buồn thêm. Chiều hôm ấy, cô ngồi làm sổ thuốc trong phòng thì một người lính mang phù hiệu tiểu đoàn I quân y chạy vào :
- Ai là chị Đỗ Nguyễn Ngàn Phương ?
Một cảm giác nhói đau bất chợt làm Ngàn Phương run rẩy. Bất hạnh nào đến với cô nữa đây ? Hay là Dũng ? Cô xám xanh nét mặt, điên cuồng nắm chặt cổ áo người lính hét lên :
- Chuyện gì ? Ai ? Phải Dũng không ?
Người lính quá bất ngờ trước phản ứng thô bạo của cô gái. Anh không nói rõ, chỉ ú ớ rồi đưa tay về phía ngoài.
- Ở khu lựa thương à ? - Ngàn Phương hỏi giật giọng.
Người lính gật đầu, chưa kịp nói thêm, Ngàn Phương đã xô anh ta ngã nhào, chạy như bay ra khỏi phòng trước bao cặp mắt sửng sốt của mọi người. Bác sĩ Trình hỏi người lính :
- Chuyện gì thế ?
Người lính ấp úng không biết nói sao để ông bác sĩ hiểu được. Anh bực mình và hất mạnh chiếc mũ xuống đất, rồi chạy theo Ngàn Phương. Bác sĩ Vận nhíu mày, theo thói quen, ông vắn tắt :
- Cô Vân lên khu lựa thương xem thế nào ?
Lúc đó, Ngàn Phương đã đến nơi. Chiếc xe Hồng thập tự quen thuộc đập vào mắt làm cô gái thần trí rã rời. Cô đi vào khu lựa thương, một người lính tải thương đã biết cô, chạy lại. cô hỏi :
- Đâu rồi ?
Anh ta chỉ vào cáng băng ca sát phòng, Ngàn Phương lảo đảo đi lại. Màu trắng tấm drap phủ lên tấm thân phía dưới mọi lúc là bình thường, bây giờ ập vào mắt cô, đem lại ấn tượng kinh hoàng. Hình ảnh Ngàn ngày nào chết trên chiếc băng ca trở về trong tâm trí cô. Ngàn Phương đột nhiên hét lên :
- Trời ơi ! Trời ơi !
Cô ôm lấy đầu, rồi gục xuống bất tỉnh. Tất cả các bác sĩ, y tá ở đó đều sửng sốt, chẳng hiểu tại sao. Họ đưa ngay cô vào phòng riêng, cứu tỉnh lại. Vân lật đật điện ngay lên hậu phẫu cho Châu. Chị xuống ngay. Khi gặp người tài xế, chị hỏi :
- Dũng ra răng rồi ?
- Dạ, ảnh mất tích, còn người đang ở phòng mổ là anh Toàn.
Châu ngạc nhiên :
- Ủa, vì răng con Phương lại bất tỉnh ?
Người lính lúc nãy lên gọi Ngàn Phương bây giờ mới đến, kể cho chị nghe thái độ của cô khi anh vừa đến. Anh nói :
- Chị ấy như điên, em chưa kịp nói gì, chỉ đã nắm cổ em day mạnh, hỏi Dũng hả ? Em gật đầu, chưa kịp nói thêm, chị ấy đã xô em té nhào chạy mất.
Châu mang máng hiểu nhưng chị không rõ lắm. Biết vết thương Toàn không nặng, chị không hỏi thêm, đi vào gặp Ngàn Phương. Cô nằm trên giường, đôi mắt lạc thần. Vân và bác sĩ Trình đứng bên. Trình khám cho cô xong, vẻ suy nghĩ :
- Châu bước tới nắm tay Ngàn Phương nói :
- Ngàn Phương ! Em bình tĩnh lại. người nằm trên băng ca là Toàn, chớ không phải Dũng đâu. Em chưa hỏi cặn kẽ, lại khiếp đảm đến vậy. Toàn nó cũng bị nhẹ thôi.
Nghe vậy, Ngàn Phương có nét tinh anh trở lại, cô hỏi nhỏ :
- Vậy Dũng đâu ? Em nghe người lính nói là Dũng kia mà ?
Châu quyết trong chớp mắt :
- Em kỳ cục. Dũng đang ở Quảng Trị. Hắn nhắn về nhờ em săn sóc Toàn thôi.
Cô gái có vẻ tin lời, thuốc an thần đã có tác dụng, cô riu ríu mắt nhưng vẫn ráng nói :
- Em tưởng Dũng, Dũng nằm giống hệt anh Ngàn lúc chết.
Cô thiếp ngủ ngay. Mọi người ngó nhau. Châu chậm rãi nói :
- Xin bác sĩ cho Ngàn Phương về trại, chuyện này tôi sẽ nói sau. Ngàn Phương không được bình thường, hình như có liên quan đến nhiều việc. Nhưng ảnh hưởng nhất là lúc mô hắn cũng bị ám ảnh bởi cái chết của người anh.
Về đến trại Châu đắn đo rồi cũng kể hết với bác sĩ Trình nghe những gì cô biết. Nghe xong, anh trầm ngâm khá lâu, rồi nói :
- Cô ấy đang có triệu chứng tâm thần, nếu không chăm sóc kỹ về tinh thần, sẽ có nguy cơ phát bệnh, chuyện Dũng nào đó tạm thời giấu đi.
Bác sĩ Trình ra một loạt các chỉ thị cho những y tá, trợ y trong trại để theo dõi và giúp đỡ Ngàn Phương. Châu yên lòng, bấy giờ cô mới nhớ đến Toàn. Cô xin phép bác sĩ Trình ra về. Cô cần gặp Toàn để hỏi Dũng. Toàn đang ở phòng mổ chưa ra.
Sau giấc ngủ dài, Ngàn Phương dậy, cô trở lại bình thường, không còn xúc động thái quá. Cô nói chuyện với Vân :
- Chị Châu nói không phải Dũng bị thương hả Vân ?
- Ừ. Dũng chưa về, Toàn bị thương nhẹ thôi. Nhưng có nhiều vết phỏng cần điều trị.
- Ngàn Phương hết hồn. Dũng tội lắm Vân, có gì chắc mẹ Dũng khổ lắm. Toàn là bạn Dũng, mình phải đi thăm.
Vân khéo léo nói với bạn :
- Công việc thật nhiều, hay Phương làm giùm với Vân rồi mình cùng đi.
- Ừ, nhưng chắc Toàn không sao chớ ?
- không sao, xe bị cháy. Toàn bị thương chân, nhảy không kịp nên bị phỏng ngoài da. Hôm ấy đắp drap trắng, vì sợ vết phỏng nhiễm trùng. Vả lại, đội cứu thương tiểu đoàn đã cắt bỏ hết quần áo Toàn còn mô.
Ngàn Phương phì cười làm Vân nhẹ nhõm. Rứa là hắn không có bệnh mô. Chắc chỉ vì buồn quá nhiều chuyện mà thôi. Răng trên đời có nhiều cảnh khổ rứa hè ?
Nghe lời dặn của Châu, Toàn được Ngàn Phương lên thăm ngày 1, vẫn giấu chuyện Dũng mất tích. Anh ngạc nhiên khi thấy Ngàn Phương cũng bình thường mà Châu lại nói có hội chứng tâm thần. một tối, Châu ghé qua cùng anh trò chuyện, chị hỏi :
- Tiểu đoàn đã tìm được Dũng chưa ? Có tin chi không ?
Toàn buồn bã :
- Chắc không còn hy vọng ! Hôm qua đơn vị đã báo cáo mất tích.
Châu thở dài :
- Hắn người tài hoa, phúc hậu, răng lại bạc phước như rứa. Chị nghĩ, có lẽ bên kia bắt hắn làm tù binh. Nếu chết có ly mô không tìm ra xác được ? Chừ chỉ lo cho Ngàn Phương nghe Dũng mất tích, hắn trở bệnh thì nguy.
- Có đúng là Ngàn Phương có hội chứng tâm thần không chị ? Em thấy cổ vẫn thường.
- Bác sĩ Trình chuẩn đoán không lầm mô. Ổng nói bấy lâu ni hắn có nhiều thay đổi, một ấn tượng nhỏ cũng làm Ngàn Phương mất tự chủ, dễ nổi nóng. Buồn vui bất chợt lại hay khóc một cách dễ dàng những chuyện không đâu. Toàn có thấy sắc mặt Ngàn Phương không ? Cứ là lạ ! Lại than với chị thường mệt mỏi, mà lại ngủ không được. Tình trạng ni đã có từ hồi hè, lúc chị điện lên nhắn Dũng về. Có đêm hắn dùng an thần liều cao mới ngủ được.
- Chừ biết mần răng hè ?
- Biết mần răng ? Giấu hắn được khi mô thì giấu, bác sĩ Trình nói độ hai tuần nữa thì hay, hắn có hy vọng khỏi.
- Ngàn Phương tinh ý lắm, cứ hỏi em hoài, răng Dũng không về thăm.
- Em nói răng ?
- Em nói Dũng đang ở đồi Bạch Mã, không về tiểu đoàn quân y, làm răng có phép về thăm em được.
- Ừ, em cứ nói rứa, đứa mô về thăm thì dặn đừng có …
Châu không nói tiếp vì thấy mặt Toàn đột nhiên sửng sốt. Chị quay lại nhìn. Ngàn Phương đứng ngay cửa sổ nhìn vào mặt đầm đìa nước mắt.
oOo
Dù rất tế nhị với cô y tá mình thương mến, bác sĩ Trình vẫn phải nói với cô :
- Cô Phương nên nghỉ một thời gian nhé, dùng thuốc nghỉ ngơi.
Cô ngơ ngác rồi giận dỗi :
- Ngàn Phương có làm sao ? Bác sĩ muốn đuổi Phương đi khỏi đây à ?
- không phải. Cô cần được điều trị như một bệnh nhân.
Cô dằn dỗi phản đối :
- Ngàn Phương không thích nằm. Bác sĩ bắt Phương uống thuốc hoài, với phương đã là một cực hình.
Bác sĩ Trình tác động tâm lý :
- Cô cần khỏe mạnh hoàn hoàn, vì mẹ cô và các em cô rất cần đến cô, Ngàn Phương ạ.
Nghe nhắc đến mẹ và em, cô gái không nói nữa. Ngàn Phương vẫn tiếp tục công việc, không chịu nghỉ ngơi. Trình lắc đầu cam chịu. Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh phải bâng khuâng lo nghĩ cho một người con gái là y tá dưới quyền, chỉ vì cô gái ấy làm anh xúc động nhiều. Trái tim to lớn của cô đối với mọi người là bản trường ca về tình người cao đẹp, không vụ lợi. Cô lại hay gặp nhiều đau khổ trong đời. Với tính đa cảm liệu cô có qua được thời gian điều trị này ?
Điều Trình bâng khuâng lo nghĩ là anh không hiểu tất cả những gì làm Ngàn Phương đi đến tình trạng này. một chuyện của Dũng cũng đủ gây chấn động tâm lý ghê gớm đến như vậy. Cô còn những điều gì giấu kín trong lòng không san sẽ cùng ai, vậy đó là điều gì ? Làm sao có thể hiểu hết ?
Nhưng người bác sĩ trẻ chưa kịp biết thì điều không ai ngờ lại xảy ra. Đó là một buổi chiều, Ngàn Phương về nhà, cô tiếp một người khách, dù chỉ gặp mặt một lần, cô vẫn nhớ, đó là mẹ Hoàng. Đáp lại câu chào hỏi ân cần của cô là tiếng cười khẩy lạnh lùng của người đàn bà sống trong nhung lụa.
- Sao ? Đã ba tháng rồi, cô tìm được gã đàn ông nào thay thế con tôi chưa ?
Ngàn Phương cố trấn tĩnh mà sao vẫn run bắn, đầu cứ đau nhói.
- Xin lỗi, bác nói gì cháu không hiểu ?
Người đàn bà lên giọng đanh đá chanh chua, tay xỉa xói vào mặt cô :
- Nè ! Tôi nói cho cô biết, cáo già đừng giả bộ nai tơ. Cô lừa được thằng Hoàng chớ không lừa được tôi đâu. Khôn hồn thì buông tha ra ngay, đừng để tôi đến lôi con mê già có con không biết dạy ra chửi mà xấu hổ !
Cô gái đứng bật dậy, dù đầu đau nhức từng cơn, cô vẫn bình tĩnh nói :
- Tôi yêu cầu bà nói năng lịch sự, đây là nhà tôi, bà không có quyền sỉ mạ và làm nhục đến mẹ tôi.
- Ghê chưa ! Cô làm gì được tôi chớ ? Đồ điếm cũng biết nói đạo nghĩa ! (sorry mí sis, khúc này tác giả viết hơi ghê một chút, én để nguyên văn)
- Câm ngay ! Nếu bà còn lỗ mãng, tôi không nể đâu dù bà là mẹ Hoàng.
Cô gái la lớn mà tay chân run lên, cô ôm lấy đầu.
Người đàn bà không thua kém nghĩ thầm : “Con đĩ kia, tao phải làm nhục mày một trận đã đời”. Nghĩ vậy, mụ ta càng cao giọng :
- Con kia, tao nói cho mày biết, mẹ thằng Hoàng không thể có thứ dâu con xó chợ đầu đường, thứ làm điếm khắp thiên hạ như mày, hạng gái đó chưa xứng đáng xách dép cho đầy tớ nhà tao nữa là, đừng có mà ảo mộng.
Bàn tay Ngàn Phương vung lên, người đàn bà nanh nọc lãnh trọn hai cái tát vào mặt. Mụ tru tréo lên, cả khu nhà tập thể chạy đến, họ thấy mắt Ngàn Phương ngầu đỏ những tia máu, cô gào lên :
- Tôi cấm bà, cấm bà sỉ nhục tôi !
Người đàn bà cũng gào lên :
- Con đĩ trá hình kia ! Mày dám đánh tao à ? Mày ló đuôi chồn ra rồi à ? Tao nói cho mày biết, con tao đã sáng mắt ra rồi nên mới đi Pháp cùng vị hôn thê của nó. Chúng nó xứng lứa vừa đôi, không phải như mày, đồ cóc ghẻ đòi trèo thang. Đủ bốn năm nó về, tao đã có cháu nội bồng. Đã mấy tháng nó không thèm gởi thư cho mày, mà chưa biết thân, còn mơ tưởng. không bao giờ nó tìm gặp mày nữa đâu, đừng hòng! Thư từ mày, hình bóng mày, nó đốt hết. Nó nói ra đi để quên, để bỏ mày, mày biết thân phận mày chưa ?
Ngàn Phương lảo đảo. Đầu cô muốn vỡ tung ra trước lời nói tàn nhẫn của người đàn bà ấy. Cô vịn tay lên thành ghế, cố đứng vững. Cơn đau đầu làm nước mắt cô ràn rụa chảy. Kim, Châu, mấy cô gái khóc, nhào tới ôm lấy Ngàn Phương. Kim rút guốc nhọn cầm tay, xông về phía mụ già :
- Mẹ già tê ! Ngậm cái mỏ thúi mụ lại ! Bạn tao có gì, chân trời góc bể tao cũng tìm tới xé xác mụ ra, đốt nhà mụ thành tro bụi.
Mụ đàn bà núng thế thụt lùi ra cửa, miệng gào to. Người tài xế phía ngoài nhảy xuống xe, chạy lại. anh ta liền bị vây kín bởi các cô gái đang lửa giận bừng bừng. Ngàn Phương khoát tay, đến bên mụ già, nói bằng sức lực cuối cùng :
- Bà nghe đây ! Với những người như bà, tôi chẳng có gì để nói. Nhưng bà cứ yên tâm ra về, Ngàn Phương này thề có đất trời, dù đem thân làm điếm khắp muôn người, dù có ăn mày khắp cả thế gian này, cũng không bao giờ về làm dâu của một kẻ đê hèn, đốn mạt như bà đâu.
Cô vụt cười to. Tiếng cười ảo não thê lương xoáy mạnh vào trái tim mọi người. Tất cả đều khóc, ôm lấy cô, bỏ mặc mụ già đứng đó. Người tài xế khều tay mụ, rón rén đi ra phía ngoài, cả hai trèo lên xe phóng nhanh ra cổng. Trong kia, Ngàn Phương đã hôn mê bất tỉnh, không còn biết gì.
Bác sĩ trình ngồi chống tay lên trán nhìn chăm chăm vào nơi Ngàn Phương nằm. Cô gái tay chân bị ghì chặt trên giường, đầu còn ướt nước, quần áo đã được thay vì bác sĩ Trình đã quyết định cắt cơn Hội chứng loạn thần kinh trong trạng thái xúc cảm, chấn động tinh thần quá mạnh bằng cách dội nước lạnh vào cô. Sau cơn vật vã, gào thét, khóc nức nở, lảm nhảm nói to từng câu nói tối nghĩa cả giờ đồng hồ, bị dội nứoc lạnh và chích thuốc an thần liều cao, Ngàn Phương vẫn nằm bất động. Dù dịu bớt, cô vẫn nói lảm nhảm trong mê vì thuốc :
- Mẹ đừng khóc ! Hắn … không là người … Con không gọi … hắn là cha. Dì ơi ! Dì ơi ! Phương không … xứng đáng. Lũ quỷ ! Hãy đi đi ! đừng … đừng giết … dì … Hoàng … Hoàng ! đừng đi… xa lắm… dài lắm… Dũng… ôi máu ! Đừng trách hờn… đừng hận Ngàn Phương … không tìm thấy… xác… Ngàn ơi ! Anh bỏ em … Dũng … bỏ em… Ôi ! Đừng giết nhau nữa. chết hết ! không… tôi không … làm điếm… Anh đi … với vợ…. Chưa cưới… Anh lừa dối… Tôi hận… Bà… tôi không lấy con… bà đi đi… đi đi… Ngàn ơi ! Dũng … theo… anh…
Trại bảy đêm nay không khí thật nặng nề. Nhìn cô gái lảm nhảm, lăn lộn khóc trong mơ, Trình không giấu được lòng lo âu. Bên ngoài, bệnh binh bu kín cả cửa. Họ rất thương và yêu mến cô y tá của họ. Chỉ sau nửa giờ Ngàn Phương nhập viện, cả bệnh viện đều biết cô y tá nhỏ nhất viện đang lên cơn thần kinh. Họ bàn tán lung tung. Lời hay tiếng tốt, cả lòng thương xót đều dành cho cô gái ấy. Bên ngoài, trời đã vào đêm. Phía trong gạt tàn bác sĩ Trình đầy ắp mẩu tàn thuốc. Anh vẫn ngồi đó, dù biết cô khó tỉnh lại trước khi trời sáng. Thuốc đã tác dụng, cô gái qua khỏi cơn kích động, hết nói nhảm. Cô ngủ say…
oOo
Điều lo lắng của bác sĩ Trình đã thành sự thật. Khi tỉnh dậy, cô gái dường như quên hết quá khứ, không còn nhớ mình là ai. Bao nhiêu biến động xảy ra trong đời cô, nỗi đau khổ và uất ức không nơi phát tiết đã làm thần kinh cô rối loạn. Cô bây giờ thật sự là một bệnh nhân tâm thần. Cô gái loạn thần kinh ở tuổi 19 nhưng rất hiền hòa, không phá phách. Cô hay ngồi lặng giờ nọ qua giờ kia bên khung cửa nhỏ, nhìn từ trong quá khứ. Đêm về, hầu như cô không ngủ. Trong bệnh án điều trị, đứng đầu là các loại thuốc ngủ. Cô lại rất ít ăn uống nên bác sĩ Trình phải cho truyền dịch để bảo đảm sức khỏe. một tuần, kể từ ngày nhập viện không đạt kết quả khả quan trong điều trị. Ngàn Phương lại có những cơn kích động tái phát bất ngờ. Văn phòng chỉ huy phó ký lệnh cho Châu về Đà Nẵng. Ngày hôm sau, Châu trở lại với một người đàn bà, mọi người biết ngay đó là mẹ của Ngàn Phương. Khi nhìn thấy con gái trong bộ đồ ngắn, ánh mắt vô hồn, ngu ngơ ngồi bó gối trên giường ngó mình, nụ cười lạc lõng trên môi, không hề biết người trước mặt là mẹ mình, bà Thuận òa khóc. Dòng nước mắt cay đắng của bà mẹ thương con, tủi phận mình bạc phước đã làm không ít người rơi lệ khóc theo bà. Châu gạt nước mắt, nói với bà Thuận :
- Dì qua đây, bác sĩ muốn nói chuyện với dì. Cứ để Ngàn Phương đó, tụi con đã cắt người chăm nom.
Bác sĩ điều trị và người mẹ đối diện nhau trong văn phòng. Anh nhìn người đàn bà già trước tuổi ngồi trước mặt mình, lòng tràn niềm thương xót :
- Thưa bà, xin bà chớ quá đau lòng, tôi sẽ làm hết sức mình để trả Ngàn Phương trở về đời sống bình thường.
Ánh mắt người mẹ ngời sáng lên nhưng bà vẫn rụt rè :
- Con tôi có hy vọng gì không bác sĩ ?
- Theo tôi, có rất nhiều hy vọng. Cô ấy không điên loạn mà là suy nhược thần kinh. Cô ấy tự ức chế bao đau khổ của mình không thố lộ, cứ ôm ấp mãi trong lòng đến khi xảy ra chuyện tổn thương, tình cảm quá nặng. Nó tạo nên trạng thái kích động, cơn Hysteria bộc phát. Cô ấy sẽ lành bệnh, thưa bà.
- Nhưng đến bao giờ, thưa bác sĩ ?
- thưa bà ! Bệnh tâm thần khó nói kết quả lâu hay mau. Tôi chưa thể nói trước một điều gì nhưng tôi đoán chắc với bà, không chỉ riêng tôi, rất nhiều người, từ nhân viên đến bệnh nhân đều mong cô ấy bình phục. Và chúng tôi đang cố gắng làm điều đó.
Nước mắt người mẹ mặn môi, tầm tã rơi, bà than thở như trút bớt nỗi niềm :
- Số kiếp gì đâu, nó đầy đau khổ trong tình cảm, bác sĩ ơi ! Vì một người con trai chết, nó bỏ tôi, bỏ gia đình đi vào nơi này. Giờ cũng vì một người con trai khác, nó điên loạn đến nỗi không nhìn ra mẹ mình. Trên đời sao có kẻ tàn nhẫn, bất nhân, đang tâm làm con tôi khổ.
Người bác sĩ phân tích bằng vẻ mỉa mai :
- Rất tiếc, những điều tàn nhẫn, vô lương đó không có pháp luật nào luận tội, chỉ có tòa án lương tâm. Mà những con người đó làm gì có lương tâm.
Bà Thuận gạt nước mắt, nói với bác sĩ Trình bằng giọng cương quyết :
- Thưa bác sĩ, tôi không thể để con tôi ở đây được. Tôi không có điều kiện chăm sóc nó. Bác sĩ cho phép tôi đưa nó về Đà Nẵng.
Bác sĩ Trình nhíu mày, anh hiểu tấm lòng người mẹ. Nhưng có ai chăm sóc, lo lắng bệnh trạng cô tốt hơn nơi này ?
- Bác hãy nghĩ lại. nơi đây có đủ điều kiện thuốc men đến tình cảm mọi người dành cho cô ấy. Cô ấy sẽ chóng bình phục, về Đà Nẵng không có người quen biết, khổ lắm !
- Tôi không đành lòng để nó ở lại đây, xin bác sĩ hiểu cho.
Bác sĩ Trình cắn nát đầu thuốc lá, anh suy nghĩ rất lung, rồi đến quay số điện thoại :
- Cho tôi xin gặp văn phòng bác sĩ chỉ huy trưởng.
- Văn phòng chỉ huy trưởng nghe đây.
- Tôi, bác sĩ Nguyễn Trọng Trình, muốn gặp bác sĩ trung tá chỉ huy trưởng.
Một lát sau có tiếng gọi trong máy :
- Mời bác sĩ lên ngay.
Trình bỏ máy xuống, nói với bà :
- Tôi cùng bà đến gặp người có thẩm quyền quyết định về lời yêu cầu của bà.
Cuối cùng, lời yêu cầu của mẹ Ngàn Phương được chấp thuận. Nơi chiếc trực thăng đặc biệt cất cánh chiều hôm ấy đưa mẹ con Ngàn Phương và cả bác sĩ Trình về Tổng y viện Duy Tân – Đà Nẵng. Chính bác sĩ Trình đã mang theo hồ sơ bệnh án của Phương kèm theo giới thiệu của bác sĩ chỉ huy phó Tổng y viện gởi bác sĩ trưởng khoa thần kinh tổng y viện Duy Tân. Cũng chính nhờ những lời gởi gấm, dặn dò của chính bác sĩ Trình, Ngàn Phương được bác sĩ Tâm trưởng khoa dành cho một chăm sóc đặc biệt.
Châu từ trại Baỷ đi về ngang khu lựa thương, bỗng chị thấy Toàn. Anh đã lành bệnh và đang đưa thương binh về bệnh viên. Toàn lao nhanh ra bậc cấp, nói giọng mừng rỡ :
- Chị Châu !
- Toàn chuyển thương binh về hở?
- Dạ !
Toàn nhìn quanh rồi kéo tay Châu vào một góc, hỏi :
- Ngàn Phương mô?
Châu nhíu mày, chị chợt nhớ ra hồi Toàn nằm viện, chị không cho Toàn biết tin gì. Giờ không còn phải dấu, vì cô còn chi đâu.
- Ngàn Phương bệnh, đang nằm Tổng Y Viện Duy Tân.
- Trời ơi! Bệnh nặng hay nhẹ? Răng nằm tuốt trong nớ, nguy rồi.
- Chi mà nguy?
- Dũng hắn về, chừ Ngàn Phương đau, làm răng đây?
Châu trợn mắt :
- Mi giỡn tao hả Toàn?
Toàn nhăn nhó :
- Cho kẹo em cũng không dám giỡn chuyện sống chết ni. Hắn về rồi nhưng đang bị Ban hai điều tra, chưa cho chuyển về bệnh viện. Tụi em cố giúp nó, nhưng chắc không hy vọng gì.
Châu hiểu Toàn nói thật, và câu chuyện có vẻ mang nhiều nguy hiểm.
- Toàn! Mi vắn tắt tao nghe chuyện thằng Dũng vì răng hắn mất tích, rồi chừ lại về?
- Hắn bị mìn hất văng, gãy xương đùi phải, phần dưới, một vết thương ở bụng.
Châu sốt ruột :
- Ai cứu hắn? Tại răng chừ mới về?
- Hồ sơ chuyển trả cho tiểu đoàn Quân y tụi em do chính bác sĩ bệnh viện khu Quảng Trị. Trong đó ghi xe Hồng Thập Tự bệnh viện tiểu khu gặp Dũng nằm mê ở vệ đường, cách Quảng Trị 6km. Vì bệnh nhân trong tình trạng choáng nặng, do mất nhiều máu, và vết thương có thể gây tử vong trên đường đi, nên bệnh viện tiểu khu quyết định giữ lại để điều trị. Nhưng Ban hai đặt nghi vấn, vì khoảng cách xe tụi em vấp mìn quá xa với nơi Dũng có mặt. Tụi nó nói Dũng được tụi VC cứu đem đi, giờ cài trở lại làm tình báo.
- Nói vậy, bác sĩ bệnh viện tiểu khu là VC?
- Không phải, chỉ vì thời gian bị mìn và thời gian Dũng nằm ở bệnh viện tiểu khu không cùng ngày, mà cách nhau hai ngày.
Châu nổi doá, chị chửi thề rồi nói :
- Tụi Ban hai ăn chi ngu rứa? Hai ngày với một thương binh nặng, chưa quả quyết sống chết ra răng, thì từ QG thành CS răng được? Chừ hắn ra răng?
- Vết thương đã lành, chân còn băng bột, nhưng bệnh sốt rét tái phát.
Toàn không nhịn được tiếng chửi thề, rồi nói :
- Rứa mà ba thằng chó chết nói hắn giả đò sốt rét, nóng lạnh để tìm cách đào binh.
Châu bối rối, lo âu :
- Chừ tính răng? Chuyện ni rớ vô không trúng, dễ ở tù cả lũ.
Toàn ngẩn ngơ, rồi kéo Châu ngồi xuống nói nhỏ :
- Có một cách, nhưng hơi mạo hiểm. Tuy nhiên phải liều. Nếu để Dũng bớt sốt, không chừng tụi hắn giở trò tra tấn thì nguy.
- Cách chi?
- Thằng trưởng Ban hai su đoàn, hắn mang ơn ông bác sĩ tiểu đoàn quân y tụi em nặng lắm. Mà thắng Dũng có con em bạn dì đang là lính của ổng, rất được ổng thương. Em định nói mẹ Dũng tác động cô ta, còn tụi em lo phần ông bác sĩ. Vừa vì tình cảm thầy trò, vừa vì mê con bé như điếu đổ, nhất định ông ta sẽ yêu cầu gã Trưởng Ban hai nới tay.
Châu chặc lưỡi, thở ra :
- Hy vọng mong manh quá! Dũng với cô em con dì quan hệ thân không?
- Chắc thân. Em nghe mẹ Dũng nói ngày xưa, từng bảo bọc cô ta nhiều. Nhưng chị đừng lo, nếu không được, đành phải nhờ người anh con bác của Dũng. Anh ta làm sĩ quan trưởng ban tiếp liệu của Bộ Tư Lệnh, tiền phương quân đoàn.
- Trưởng ban tiếp liệu thì thế thần chi mà lo cho Dũng được?
- Chị đừng có lầm ! Thằng trưởng ban tiếp liệu to hơn cả, hắn tiếp liệu cả tiền phương vùng I.
Châu chợt hiểu, chị gật gù :
- Phải rồi, rứa tiến hành thôi.
Chị thở dài nói tiếp :
- Còn Ngàn Phương, hắn chẳng giúp chi được mô.
- Răng rứa chị? Ngàn Phương đau chi?
- Suy nhược và rối loạn thần kinh do chấn động tâm lý. Mẹ Ngàn Phương xin đưa về Tổng Y viện Đà Nẵng, để được gần nhà, tiện bề chăm sóc.
Toàn bàng hoàng khi nghe Châu nói.
- Ngàn Phương bị ngay khi em nằm viện phải không? Có phải vì Dũng mà ra?
- Không! Sau đó kìa. Hắn bị cú sốc lớn. Thôi! Dẹp chuyện đau đầu ni đi. Lo cho thằng Dũng trước đã.
Toàn buồn bã nói :
- Em tải thương về chuyến ni, định nói cho Ngàn Phương mừng, luôn tiện nhờ cô lo cho thằng Dũng nếu hắn về đây nhập viện, để ra hội đồng, nhưng chừ... - Tòan không nhịn được tiếng thở ra, nói tiếp : - Nếu được gặp Dũng, chắc em không nói cho hắn biết mô.
Châu tán đồng ngay:
- Mi nói đúng, đừng cho hắn biết chi hết. Cứ tiến hành công việc, có chi báo ngay cho chị.
- Chị cũng rứa nghe, có tin Ngàn Phương, phải báo cho em.
Hai chị em chia tay, chiếc xe tải thương chở Toàn lao nhanh ra cổng. Châu đứng nhìn theo tràn ngập nỗi buồn.
Không biết rồi sẽ ra sao? Sau hai tuần liên lạc của Toàn, báo tin tình hình thuận lợi. Châu chưa kịp về sư đoàn I thăm Dũng, thì anh về bệnh viện tìm chị. Tay chống nạng, người xanh xao ốm hơn cả lần trước nằm viện. Châu thấy anh thì khóc oà, cứ ôm anh, nói lắp bắp :
- Em về rồi. Thiệt may! Thiệt may!
Dũng cố cầm mà nước mắt vẫn long lanh, Châu nói :
- Xong rồi hả? Em về nhập viện hay răng?
- Dạ, nhưng chưa phải chừ, chị đưa em về nhà đã.
Châu chở Dũng về, cu Trị thấy Dũng mừng reo to :
- Chú Dũng về rồi !
Chú bé đánh đu trên tay Dũng, một lúc Châu nói với con :
- Mẹ không nấu cơm. Trị ăn chi rồi đi học võ một mình nghe.
Trị ngoan ngoãn "dạ". Lát sau, cu cậu đã quần áo chỉnh tề ra chào Dũng và mẹ. Còn lại hai chị em ngồi bên nhau.
Châu nhìn Dũng hỏi :
- Vết thương ở bụng có nặng lắm không?
- Em nghĩ không nặng mấy, lành rồi. Bác sĩ bệnh viện trưởng ở tiểu khu Quãng Trị rất có tài, em quen ông ta khá lâu, nên được tận tình giúp đỡ. Chuyện em coi như xong, đợi khi mô rảnh, em kể chị nghe. Chừ chị nói chuyện Ngàn Phương đi.
- Toàn nói với em rồi à?
- Hắn răng dấu được em. Huống chi Ngàn Phương không phải là người vô tình, nghe em bị nạn mà không lên thăm, cả chị cũng rứa, nhất định có chuyện rồi.
Châu trầm ngâm một lát, rồi kể Dũng nghe mọi chuyện, chị chấm dứt bằng lời than :
- Buồn quá Dũng ạ! Hôm tuần rồi, chị về thăm, hắn có vẻ khá nhiều, nhưng vẫn không nhớ gì. Trên đường về Huế, nghĩ đến nó, chị không cầm được nước mắt. Vì răng người như hắn, lại chịu khổ như rứa? Trời già không có mắt mà.
Dũng cố nước mắt vào lòng :
- Chị Châu nè! Mai nộp hồ sơ nhập viện, chị ráng giúp em xin bác sĩ cho nghỉ 29 ngày tái khám nghe.
- Chi rứa? Mi phải nằm viện để điều trị cho lành hẳn rồi phải bồi dưỡng, chớ ốm như con cò ma ri, mần răng. Rồi phải lo việc Hội đồng giám định.
- Em chẳng còn lòng dạ mô mà nằm. Vết thương em tốt rồi. Chủ yếu vì mất máu và tái sốt rét thôi. Chị ráng lo để em về Duy Tân gặp Ngàn Phương.
- Mạ mi biết chưa?
- Em về gặp mạ em rồi. Chị an tâm, mạ em có thằng Mạnh lo, có cả Toàn lên xuống thăm nom. Em có nói Toàn biết việc em muốn về Duy Tân, hắn cũng đồng ý.
Châu than dài :
- Em gặp chỉ thêm đau lòng, hắn chừ chẳng nhớ chi mô.
- Dù sao em cũng phải về Duy Tân. Em sẽ hối hận suốt đời, nếu như không được kề cận bên cô ấy trong thời gian này chị nợ.
Châu nghe Dũng nói giọng nghẹn ngào mà lòng thấy xót xa. Dũng vẫn như ngày nào, tấm lòng dành cho Ngàn Phương không thay đổi.
- Thôi được, mai chị sẽ nhờ bác sĩ Trình lo dùm cho em. Chị chưa có đủ uy tín để làm điều nầy. Ngàn Phương thì khác. À, Dũng nì, chuyện Ban hai lo xong chưa?
- Dạ rồi, họ gợi ý, nếu Hội đồng Y khoa phân loại hai, thì nên xin giải ngũ.
- Rứa thì may quá còn chi.
- Em cũng không mong chi hơn nữa, mạ em chừ mừng lắm.
Hai chị em ngưng ngang câu chuyện, vì tiếng cười nói của mấy cô gái đã râm ran bên ngoài. Châu cười :
- Tụi con Kim, con Vân về đó. Coi chừng tụi hắn dẫn em ra sương, lạnh thế ni mà đi quậy phá chừ mới về.
Hôm sau, Dũng đã được như ý muốn. Châu đưa anh theo chuyến tải thương về Duy Tân. Hành trang Dũng mang theo chỉ một túi du lịch nhỏ và cây đàn. Xuống bệnh viện, anh chống nạng tìm đến khu tâm thần. Anh gặp Ngàn Phương ngồi ở chiếc ghế đá. Ánh mắt ngu ngơ buồn. Cô bận chiếc áo len dài tay, tóc đã khá dài. Anh đứng chết lặng nhìn cô. Ngàn Phương thấy anh đứng trước mặt mà như không thấy. Dũng quá đỗi đau lòng. Giọt nước mắt hiếm hoi của người con trai ngập ngừng rồi lặng lẽ lăn dài trên đôi má. Hình ảnh người thương binh chống nạng, vai mang chiếc đàn, đứng khóc bên Ngàn Phương đập vào mắt bác sĩ Tâm, làm anh chú ý, anh bước đến hỏi :
- Anh là ai?
Dũng nhìn bảng tin và phù hiệu trên ve áo người sĩ quan, anh hiểu mình đang nói chuyện với người nào. Anh lễ phép trả lời :
- Thưa bác sĩ, tôi là bạn của Ngàn Phương, tên Nguyễn Dũng, vừa từ Quân Y viện Nguyễn Tri Phương về.
Ngạc nhiên lộ rõ trên nét mặt người bác sĩ :
- Ủa? Trong phần bệnh án của cô Phương có ghi anh mất tích. Anh là một phần gây ra chứng bệnh của cô ấy hiện giờ!
- Thưa bác sĩ, tôi bị thương, nằm tại tiểu khu Quảng Trị, giờ mới được về. Tôi đang nghỉ tái khám, để chờ ra Hội đồng giám định y khoa.
- Vậy sao? Anh vào đây, chúng ta nói chuyện. Còn cô ấy không nhận ra anh đâu.
Dũng theo bác sĩ Tâm vào phòng làm việc. Họ trao đổi khá lâu về tình trạng của Ngàn Phương. Bác sĩ Tâm châm thuốc hút, ông đẩy gói thuốc qua cho Dũng rồi nói :
- Anh yên tâm. Yêu cầu của anh tôi sẽ thu xếp để anh ở lại một ít lâu. Tôi cũng hy vọng, có anh, cô ấy sẽ bình phục dần. Điều tôi lo là sức khỏe và chân của anh, cần tịnh dưỡng mà khu tâm thần vốn dĩ ồn ào bất thường.
- Tôi không sao đâu. Bác sĩ cứ yên tâm.
Dũng đươc ở căn phòng trống trong khu tâm thần. Ngay ngày đầu tiên, anh đã gặp mẹ Ngàn Phương, Thạch Thảo. Anh giản dị giới thiệu mình, rồi nói :
- Con được nghỉ một tháng, xin phép bác cho con ở lại đây chăm sóc Ngàn Phương.
Bà Thuận cảm động trước tấm chân tình của người con trai, nhưng bà ái ngại :
- Thật phiền đến cậu. Cậu còn mang thương tật thế nầy.
- Bác cứ yên tâm, con không răng mô. Ao ước duy nhất của con là Ngàn Phương được lành bệnh.
Cả ba người đến với cô gái ở ghế đá, bà Thuận cầm tay con hỏi :
- Ngàn Phương ! Con biết ai đây không?
Cô chăm chú nhìn, như nhớ, lại như quên, rồi chợt cười :
- Anh thương binh !
- Nhưng là ai? con biết tên không?
Cô gái đột nhiên nắm lấy cây đàn :
- Dũng hát đi !
Dũng run cả người, anh bỏ nạng xuống ghế, nắm chặt tay Ngàn Phương, anh hỏi giọng bồi hồi, mắt đỏ cả lên :
- Ngàn Phương ! Nhớ Dũng rồi hả? Nói lại đi !
Cô gái vô hồn nhắc lại, mắt vẫn ngó cây đàn :
- Dũng hát đi, biển đêm đẹp... trăng sáng lắm...
Dũng thất vọng, thì ra cô nhớ anh từ trong vô thức, chuyện ngày nào. Nhưng anh vẫn so dây đàn :
- Được! Dũng đàn hát cho Phương nghe. Bài hát ngày nào trên boong tàu.
Dũng đàn và hát. Tếing nghẹn ngào trong lời ca. Cô gái nghiêng đầu lắng nghe, gương mặt đột nhiên nhuốm màu sinh khí, ánh mắt long lanh. Môi cô bật thành lời nói khi bài hát chấm dứt :
- Dũng viết bài nầy tặng con đó mẹ.
Bà Thuận ôm lấy con, Thạch Thảo ràn rụa nước mắt. Dũng ôm chiếc đàn xiết chặt tay Ngàn Phương trong tay mình :
- Ngàn Phương ! Biết rồi phải không? Phương biết bài hát này Dũng viết tặng Phương và chỉ hát cho Phương nghe thôi. Ngàn Phương ! Nhớ lại đi. Dũng đây, Dũng mất tích vì bị mìn, giờ lại trở về với Ngàn Phương đây...
Cô gái nhăn mặt, rồi chợt đưa tay ôm lấy đầu, mắt rưng rưng :
- Dũng chết rồi, chết như anh Ngàn ! Trời ơi ! Mẹ ơi! Ai cũng ghét con, bỏ con...
Cô oà khóc thảm thiết, mọi người đều khóc. Cô y tá và bác sĩ Tâm bước ra :
- Đưa cô ấy vào trong giữ yên tĩnh.
Cô y tá cùng bà Thuận và Thảo dìu Ngàn Phương đi vào. Bác sĩ Tâm nhìn Dũng nói :
- Cái chủ yếu là không nên làm cô ấy bị kích động. Anh rất có ích với cô ấy trong lúc này. Cô ấy biết thưởng thức bài ca và tiếng đàn, điều đó rất tốt. Mong rằng với thời gian không xa, cô ấy sẽ bình phục.
Tình Cho Không
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23