watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tây Thi - Nữ Hoàng Ngô Quốc-Chương IV - tác giả Nam Cung Bác Nam Cung Bác

Nam Cung Bác

Chương IV

Tác giả: Nam Cung Bác

Văn Chủng nhìn bạn mặt đỏ như gấc, nói giọng trách cứ:
- Thiếu Bá! Thiếu Bá! Anh không thể bình tĩnh hơn một chút sao?
Phạm Lãi gườm gườm:
- Lẽ tự nhiên là anh rất bình tĩnh, nhưng anh cũng không thể đưa vợ vào cung Ngô.
- Thiếu Bá, ngồi xuống, mình nói chuyện. Anh làm gì mà như muốn đánh lộn với tôi.
- Đừng nhạo báng, tôi như một dã thú đây!
Phạm Lãi nắm chặt hai tay, nói tiếp:
- Nàng là vợ tôi, tuy chúng tôi chưa làm lễ thành hôn. Nhưng chúng tôi đã giao ước, chính thức giao ước. Nàng bằng lòng, tôi cũng bằng lòng, thế mà anh...
Văn Chủng xua tay ngăn Phạm Lãi nói. Đoạn cương quyết đáp:
- Quốc gia cần nàng!
Phạm Lãi càng giận càng cao giọng:
- Anh đừng lấy mũ quốc gia chụp lên đầu tôi.
- Quốc gia không phải là cái mũ. Mọi việc chúng ta làm đều vì quốc gia, kể cả mạng sống của chúng ta.
- Quốc gia... sứ mạng của quốc gia nào phải chỉ có một mình Tây Thi mới làm được. Anh cứ bày trò tuyển lựa thì thiếu gì mỹ nhân.
- Phải, mỹ nhân thiếu chi...
- Vậy thì xin cho tôi tách Tây Thi ra, đổi người khác có ăn nhằm gì đâu! Thêm một Tây Thi, các người chẳng thêm được gì. Nhưng tôi mất một Tây Thi thì lại khác. Mất nàng là mất tất cả, nàng là vợ tôi.
Văn Chủng vẫn giữ bình tĩnh, nói giọng hòa hoãn:
- Thiếu Bá! Anh nhìn vấn đề quá đơn giản rồi. Thử hỏi anh, trong số mỹ nhân, có ai bằng Tây Thi không? Mục đích của chúng ta không phải đưa gái đẹp cho Phù Sai hưởng thụ. Chúng ta có kế hoạch, đưa các cô đi để thực hiện kế hoạch. Ngoài Tây Thi, tôi không nghĩ là có ai thực hiện được sứ mạng này. Trịnh Đán đẹp không kém Tây Thi bao nhiêu, song thiếu sự hấp dẫn tuyệt vời. Tôi còn nhận ra tính bồng bột của Trịnh Đán, e không chịu nổi cuộc khảo nghiệm của nhà Ngô...
Phạm Lãi chận lời:
- Nhưng tâm địa của Tây Thi quá hiền lương, nàng không thể a tòng trong một âm mưu gián điệp! Tử Hội, anh trực tiếp lo về vụ này, tôi yêu cầu anh giải thoát cho nàng!
- Một gián điệp vĩ đại phải có tấm lòng hiền lương như vậy.
Phạm Lãi nói như thét:
- Tử Hội, anh không nên cố chấp. Anh không sợ tôi phát điên lên ư?
Văn Chủng đứng lên, trang nghiêm nhìn bạn:
- Thiếu Bá, tôi vốn không biết sự hứa hẹn giữa anh và Tây Thi. Nhưng giá biết, tôi vẫn đặt trách nhiệm trọng đại cho nàng. Anh là cột trụ chống trời của nước Việt. Mọi việc của chúng ta đều nhằm cống hiến quốc gia. Chúng ta không thể vì tình riêng với đàn bà mà quên chuyện quốc gia đại sự. Nước Việt mất, vợ con anh và tôi đều là tù nhân của Ngô quốc. Bằng mục đích kế hoạch của chúng ta thành công thì bao nhiêu con gái ngọc ngà của Ngô quốc không phải lại thuộc về chúng ta sao?
- Tử Hội! Phạm Lãi cúi gầm. Lý lẽ trên chàng biết cả rồi. Nhưng lý lẽ là một việc mà tình yêu là một việc khác. Tình yêu, thiêng liêng và thiết thân quá.
Văn Chủng dịu giọng nói thêm:
- Thú thật với anh, tôi rất ái ngại, song rồi, chúng ta không thể không làm như vậy.
Phạm Lãi càng cúi sâu, đứng lặng như hình cây, không một phản ứng nào.
- Thiếu Bá! Anh hãy nhớ lại tình cảnh năm nào. Sau khi thất trận ở Hội Kê, Quân vương định tự sát. Sau đó, tôi phải đến quân Ngô xin đầu hàng, anh làm bồi thần theo Quân vương bị đưa sang Cô Tô. Bấy giờ, vua của chúng ta, Quân phu nhân của chúng ta đều là tù nhân của Ngô quốc. Có phải Quân vương và Quân phu nhân sợ chết không? Họ vì nước Việt, vì tương lai nước Việt! (Văn Chủng trở giọng, thư thả nói thêm) Thiếu Bá! Anh biết rõ hơn ai, tôi đâu có lòng dạ nào đưa vợ bạn vào tay kẻ địch. Nhưng tôi nghĩ rằng, chỉ có Tây Thi mới có thể hủy diệt Ngũ Tử Tư để cho chúng ta làm lại tất cả.
Phạm Lãi run bắn, không sao ngăn được nước mắt vã ra.
Văn Chủng đặt một tay lên vai bạn:
- Thiếu Bá!
- Tử Hội! (Phạm Lãi ngậm nước mắt, thở dài) Tôi biết, lẽ ra tôi không nên vì mình mà tranh đoạt. Chúng ta phải vì nước Việt, Tử Hội, nhưng tôi phải làm sao đây?
- Chỉ cần hai lòng ghi khắc thì có sợ gì phân ly? Nói cách khác, anh và Tây Thi đều cùng một mục đích thì một ngày nào đó, lo gì không tái ngộ.
- Tái ngộ? Ôi, diệu vợi!...
Phạm Lãi ràu ràu:
- Trong nguy hiểm chập chùng, nếu nàng không chết, có gặp lại nhau thì nhân sự cũng đổi rồi!
Văn Chủng thở nhẹ, chặp sau mới kéo bạn:
- Anh theo tôi!
Phạm Lãi không hiểu chi, đưa mắt nhìn bạn có ý hỏi, Văn Chủng liền đưa bạn vào ngồi trong nội thất.
Phạm Lãi bước vào, lòng tái tê:
- Quân vương!...
Câu Tiễn từ từ ngẩng lên, mắt long lanh ngấn lệ bàng hoàng nói:
- Trẫm biết việc này... Thiếu Bá, chúng ta đã đồng cam cộng khổ ở trong chuồng ngựa nước Ngô đến ba năm. Bây giờ, trẫm lại đưa người khanh yêu sang Cô Tô thì trời ơi!... Mối nhục này lớn biết dường nào! Trẫm đâu còn mặt mũi nào!... (Nhà vua xúc động, nắm chặt đầu tay) Thiếu Bá, trẫm thẹn mình là một đấng quân vương, đã không biết dùng cách đường hoàng minh chính nào để rửa nhục. Lại phải dùng đến... mỹ nhân kế!
- Đại vương! (Phạm Lãi rớt nước mắt) Muốn trả mối thù sâu như bể này thì không ngại gì thủ đoạn.
Văn Chủng kiên nghị nói chen:
- Phải. Để hoàn thành mục đích trả thù, chúng ta phải làm tất cả.
- Không lựa gì thủ đoạn để hoàn thành...
Giọng nhà vua càng lúc càng nhỏ, càng lúc càng nghẹn ngào, kéo dài ở những tiếng sau. Dường như buồn, dường như cũng lại ái ngại, nhà vua tỏ ra lòng đang nặng trĩu.
Bỗng nhiên nhà vua trở mình, sụp quỳ trước mặt Phạm Lãi, nói giọng gấp rút:
- Thiếu Bá! Trẫm đã yêu cầu khanh quá nhiều rồi!
- Quân vương!
Phạm Lãi xúc động mãnh liệt, sụp quỳ theo, bàng hoàng e thẹn, bối rối, tay chân không biết để đâu.
Văn Chủng cũng có cảm giác đó, gọi to:
- Quân vương!
Phạm Lãi cố ngăn nước mắt:
- Quân vương! Đây là việc riêng của hạ thần. Vì quốc gia vì thù hận... Lẽ ra hạ thần không nên có chút lòng riêng.
Câu Tiễn từ từ đứng lên, thân thiết đỡ Phạm Lãi đứng lên, quay nói với Văn Chủng:
- Tử Hội, tuy trẫm là vua nước Việt nhưng tổ tiên đã chết hết rồi. Bây giờ, kể từ bây giờ, nước Việt không còn là của riêng ta nữa, mà là của chung trẫm và hai khanh. Hai khanh không phải là người Việt, nhưng tổ tiên của trẫm cũng không phải là người Việt.
Ngừng lại một lúc, Câu Tiễn nói tiếp:
- Quăng một hạt giống xuống đất, giống sẽ mọc rễ, đâm chồi, nẩy lộc. Tổ tiên của trẫm từ phương Bắc tới, mọc gốc mọc rễ ở đây. Bây giờ, chư khanh cũng đã mọc gốc mọc rễ ở đây, mong rằng ba ta cộng đồng chung hưởng nước Việt.
Từng chữ từng lời của nhà vua đều phát xuất từ đáy lòng. Văn Chủng và Phạm Lãi đều cảm nhận được đãi ngộ trong tình tri ngộ. Không hẹn mà nên, cả hai đều tuyên hứa trung thành.
Sau đó, cả ba trầm mặc lúc lâu, Câu Tiễn mới buồn buồn đánh tiếng:
- Thiếu Bá! Có lẽ Tây Thi đang ở bên ái khanh của trẫm, Thiếu Bá nên đến nói chuyện với nàng.
Phạm Lãi trang trọng gật đầu:
- Trong nội thất của Quân phu nhân Tây Thi nói chuyện với bà đã một giờ rồi. Đau thương trong tuyệt vọng, nàng buộc phải gánh lấy trọng trách. Nàng không thể từ chối trách nhiệm đối với quốc gia. Bởi vì nàng là con dân nước Việt.
Tình yêu của nàng đã bị khám phá từ đêm qua, lúc Phạm Lãi từ khu Đông Sơn trở lại Hội Kê.
Ngày chàng rời Hội Kê so ra còn đẹp hơn lúc trở lại nhiều. Tại Đương Dương, chàng đã an ủi, vỗ về số người thiểu số nổi loạn.
Sau đó, chàng phụng mạng sang Song Khê, cũng lại gii quyết vấn đề người thiểu số. Đoạn cùng danh gia kiếm thuật Nam Lăng Xử Tử từ Hội Kê đến Kim Hoa tổ chức một lớp huấn luyện kiếm thuật. Sau đó, chàng đi đường Gia Lãm về Hội Kê.
Đến nơi, chạm phải vấn đề Tây Thi, bấy giờ Phạm Lãi vẫn còn lạc quan bảo với nàng:
- Chuyện ấy nhỏ thôi. Một khi biết ra nàng là người yêu của ta, Văn đại phu sẽ không đưa nàng sang Ngô thực hành mỹ nhân kế.
Phạm Lãi khẳng định, tin tưởng, làm cho Tây Thi tin liền, vứt bỏ ngay bao nhiêu âu lo, dằn vặt.
Đêm qua, nàng tiễn chân chàng ra đến cửa vọng nguyệt, vẫy tay với chàng, không một chút ngần ngại chúc nhau ngủ ngon giấc. Nàng muốn cho người yêu đã dạn dầy cát bụi phong sương được ngủ sớm hơn.
Sau khi từ giã người yêu, Phạm Lãi đến ngay nhà Văn Chủng, đến lúc Văn Chủng ngủ rồi. Không muốn làm phiền bạn, chàng viết mấy chữ trên miếng đồng vuông, nói rõ chàng yêu Tây Thi và yêu cầu bạn bỏ tên nàng trong danh sách cống Ngô.
Sáng hôm sau, chàng sắp đặt chương trình thế này: Đích thân đến gặp Việt vương, sau đó sẽ gặp Văn Chủng và Tây Thi. Nhưng, Văn Chủng dậy từ sáng sớm, bắt gặp chữ viết của chàng để lại liền lật đật vào tâu với Quân vương và Quân phu nhân. Vì vậy, lúc Phạm Lãi và Văn Chủng bàn cãi vấn đề thì Quân phu nhân đã cho vời Tây Thi vào nội thất, yêu cầu nàng vì nước hy sinh.
Bấy giờ, lúc Quân vương và Phạm Lãi bước vào, Tây Thi mặt mày xám ngắt.
Câu Tiễn trầm giọng phán:
- Tây Thi, cô nương nói chuyện với Thiếu Bá đi! Trẫm rất lấy làm ái ngại chia rẽ cả hai...
Câu ấy như lời tuyên án tử hình. Tây Thi chuyển mắt sang Quân vương, hoang mang bối rối và buồn thương gọi:
- Quân vương!
Mắt Phạm Lãi ươn ướt. Chàng muốn khóc, muốn la, muốn điên cuồng. Trong giây phút ấy, chàng có cảm tưởng như đang ở trong cho nước sôi, toàn thân nóng bỏng!
Quân phu nhân liếc chồng rồi cũng bảo:
- Cả hai nói chuyện đi!
Bà bỏ ra theo cửa bên hông. Nhà vua cũng bước theo. Không hẹn mà Tây Thi và Phạm Lãi đều đưa mắt nhìn theo phía sau cả hai, nhìn thấy cả hai xa dần, mất hút trong vườn hoa.
Tây Thi gọi nhỏ:
- Đại ca!
Tiếng gọi như cách búng ngón tay trên dây đàn, lòng Phạm Lãi như dây tơ bị nhấn, nước mắt lăn chảy...
Tây Thi nghẹn ngào:
- Đại ca, mọi người yêu cầu chúng ta phân rẽ... Theo tiểu muội nghĩ, họ không sai...
- Tây Thi! (Chàng vụt ôm choàng nàng, kêu lên) Làm sao chúng ta có thể phân rẽ được? Tây Thi! Tây Thi!
Nàng run sợ, hai tay bá cổ chàng, khóc sướt mướt như trẻ thơ.
Ở chỗ tận cùng của hoa viên, Quân vương và Quân phu nhân đứng tựa ngọn giả sơn. Cả hai tránh đi thật xa để cho đôi nhân tình sắp phải chia tay tình tự. Đồng thời, cả hai cũng có việc cần bàn với nhau.
Câu Tiễn nói:
- Việc ngày hôm nay làm cho trẫm nặng lòng lo. Trong lòng Tây Thi đã có hình ảnh một người, e khi bước vào cung Ngô, nàng không còn đủ điềm tĩnh bình thường để thi hành kế hoạch.
- Chia cách cả hai thật là tội nghiệp!
- Trẫm biết. Nhưng Tây Thi quá đẹp! Văn Chủng cũng nói không sai chút nào, ngoài Tây Thi, sẽ không còn ai đủ sức làm cho Phù Sai động lòng.
Nhà vua buồn bã, lắc đầu:
- Nếu vì Phạm Lãi mà Tây Thi hoảng hốt, hơn nữa, võ vàng, thật không biết làm sao! Kế hoạch của chúng ta sẽ hỏng mất.
- Quân vương nên vời Văn đại phu đến thương nghị.
Chẳng bao lâu, Văn Chủng được triệu đến.
Văn Chủng đúng là một tướng giỏi, trầm tĩnh, suy nghĩ sâu xa, lúc xử lý công việc không để chen một chút cảm tình nào. Văn Chủng nói:
- Chuyện này không cần phải lo. Chỉ cần Tây Thi chấp nhận sang Ngô thì lẽ đương nhiên nàng sẽ cố gắng thi hành kế hoạch của chúng ta.
- Trẫm ngại nàng không tập trung toàn tâm toàn ý được. Một người con gái khi đã có người yêu mà phải kề cận bên mình một người đàn ông khác thì e rằng...
Văn Chủng ngắt lời, khẳng định:
- Quân vương không phải lo, có thể nhờ Thiếu Bá trong vấn đề này được. Thiếu Bá sẽ làm cho Tây Thi toàn tâm toàn ý.
Quân phu nhân rầu rầu:
- Thế thì tội quá!
Nhà vua cắn rít răng:
- Không còn cách nào khác khi chúng ta muốn phục thù.
Văn Chủng nói thêm:
- Phạm Lãi sẽ giúp cho Tây Thi tận lực thi hành nhiệm vụ.
Tại phòng làm việc của Quân phu nhân, đôi nhân tình chỉ có ôm ghì chứ không có tiếng nói. Những người yêu nhau, lúc biết không còn c hội gặp nhau thì ngôn ngữ bằng thừa!
Lâu lắm, lâu lắm, Tây Thi mới gác nghiêng đầu trên vai Phạm Lãi thì thầm:
- Đại ca! Kể từ đây, chúng ta không hòng gặp mặt nhau nữa.
Phạm Lãi trịnh trọng nói vào tai nàng:
- Lúc nước Ngô bị diệt, chúng ta sẽ gặp lại nhau. Bấy giờ, chúng ta sẽ chung đôi, vĩnh viễn chung đôi, không bao giờ phân rẽ.
- Nước Ngô bị diệt?...
Nàng lạnh lùng bỏ lửng. Theo nàng, Ngô quốc hùng mạnh như vậy có thể bị diệt được sao?
Nhưng chàng cả quyết nhấn mạnh:
- Phi, nước Ngô sẽ có ngày bị diệt! Bị diệt trong tay chúng ta. Chúng ta nhất định sẽ thành công.
- Ngày ấy... (Nàng ưỡn người, đứng thẳng lóe chút hy vọng) Ngày ấy là của chúng ta?
- Phải. Của ta và của nàng!
Chàng hôn má nàng với nụ cười.
***
Hai mươi ngày sau, toàn thành Hội Kê của nước Việt cử hành liên tiếp ba ngày “Mỹ nữ hội”. Văn Chủng đưa ra qui tắc: Phàm ai có nạp một đấu thóc đều có quyền đứng hai bên Thiên Kiều xem gái đẹp.
Xuất hiện trong “Mỹ nữ hội” Tây Thi có phần ốm hơn trước. Nhưng một thiếu nữ gầy gầy lại có nét xuất phàm, tuyệt tục.
Người ta nói:
- Mỗi lần xuất hiện, Tây Thi đều đẹp hơn lần trước.
Người ta phẩm bình:
- Tây Thi là vưu vật trời sinh, một cô gái siêu quần trong lịch sử nhân loại.
Nhưng trên Thiên Kiều, Tây Thi lòng tan dạ nát. Trùng phùng, hội ngộ, ôi, diệu vợi làm sao! Chuyện trước mắt đây là, không lâu đâu, nàng phải đi xa, xa nơi chôn nhau cắt rốn, xa vùng cư trú mấy đời của tổ tông. Xa cả người yêu đầu tiên của mình.
Người, phải hiến dâng đời mình cho quốc gia song người cũng không thể không có tình yêu. Hai người yêu nhau rốt cuộc phải phân ly thì trong cuộc sống còn gì có ý nghĩa? Nàng bàng hoàng, nàng ảo não.
Tây Thi khác hẳn đồng bạn. Các bạn nàng hứng khởi nhân được giao phó sứ mạng vì quốc gia. Vì vậy, họ vui trong cuộc vui vô tiền khoáng hậu, nhận lời rời xa quê cha đất tổ.
Nước Ngô phái đến Hội Kê một vị Giám quốc sứ có trách nhiệm hộ tống các mỹ nữ. Phu nhân nước Việt thay mặt nhà vua, nhận nhiệm vụ đi cống sang Ngô.
Các mỹ nữ chia nhau ngồi xe ra đi, hai cô ngồi một xe. Tây Thi và Di Quang ngồi một xe. Trịnh Đán và Triền Ba ngồi xe sau chót, Trịnh Đán mỹ lệ và đoan trang sẽ lén vẫy tay chào các người thân.
Tây Thi ngậm nước mắt nhìn mọi người hân hoan đưa tiễn nàng, nàng luôn luôn giữ trầm mặc.
Đoàn xe đến bến Tiền Đường.
Các cô được hướng dẫn đến nghỉ ngơi trong lầu cất tạm bên ven sông.
Trên sông, trên lâu thuyền sắc đỏ, nhạc trỗi tưng bừng. Dọc ven sông, trống lớn cũng gióng tiếng thùng thình inh ỏi.
Đại phu Văn Chủng xem xét tất cả các nơi, dặn dò mỹ nhân lần cuối. Đoạn đến bên Tây Thi, bảo nhỏ:
- Theo ta!
Tây Thi rối loạn, bàng hoàng bước theo vào một lều có rèm trúc.
- Tây Thi! (Văn Chủng quay lại, thân thiết nắm tay nàng, nói thêm) Quốc gia chúng ta trông cậy ở nàng, mong nàng kiên cường một chút!
Nàng gật đầu, không biểu lộ thêm bằng cách nào khác.
- Tây Thi! Hãy còn một người sẽ đến gặp nàng, tiễn đưa nàng!
Tây Thi biết người ấy là ai. Chàng, lúc ở Hội Kê đã nói lời từ biệt với nàng rồi. Tại sao bây giờ lại đến nữa? Con đường sống chết chập chùng, chàng có cần đến không? Để tăng thêm đau khổ chứ ích gì!
Tây Thi mở to mắt, nói giọng ướt buồn.
- Văn đại phu! Theo thiếp nghĩ, không nên gặp chàng thì hơn!... Thiếp lên thuyền trước có được không?
- Người đã đến rồi! Thiếu Bá mong được thấy nàng lần nữa. Thiên đạo tuần hoàn, cuộc ly biệt của cả hai sẽ không lâu lắm đâu.
Tây Thi trang nghiêm đáp:
- Thiếp chấp nhận hiến thân cho nước.
- Tây Thi! Ta vì nàng mà áy náy...
- Vì quốc gia thôi, Văn đại phu, thiếp biết, người không thể rời khỏi cộng đồng quốc gia mà sống một mình.
Im lặng lúc lâu.
Nhạc trên thuyền từng chập lại từng chập vang vang dường như thôi thúc...
Rèm trúc bỗng bị vén lên, Phạm Lãi hối hả bước vào. Nhìn thấy Tây Thi, toàn thân chàng như bị điện giật, đến tê dại.
- Chàng đến rồi... cũng hay, chúng ta gặp nhau thêm một lần!
Tây Thi trầm tĩnh, bước tới đỡ lấy khuỷu tay Phạm Lãi.
- Bé con!... Phạm Lãi không sao ngăn được nước mắt chảy trào ra.
Văn Chủng khép nép đứng sang bên. Người định nhờ Phạm Lãi đến khuyến khích Tây Thi, nào ngờ chính chàng lại yếu mềm hơn nàng nữa.
Nàng lặng lẽ rút khăn lau nước mắt người yêu.
Chàng ngăn được ngọn trào lòng, trang nghiêm nói:
- Bé con, lúc thành Cô Tô bị công phá là lúc chúng ta gặp nhau. Bé con, đợi ta, tin ta... tin nước Việt chúng ta.
- Vâng, thiếp sẽ đợi chàng, Thiếu Bá! Chàng đã gọi thiếp đến ba lần hai tiếng “bé con”!
Tây Thi cố nén bi thương, nhếch miệng cười. Chàng đáp:
- Ơ, sau này, ta sẽ còn gọi nữa vì cách gọi ấy tỏ ra thân mật nhất.
Tiếng nhạc bên ngoài ầm vang như sóng. Nhạc trỗi lên, nhạc trỗi lên, nhạc trên thuyền, nhạc ven bờ như hòa làm một.
Văn Chủng thở phào, nói với đôi nhân tình tống biệt:
- Thuyền sắp nhổ neo rồi!
- Đại ca!... Thanh âm của nàng đầy nước mắt, run run. Nàng cố trấn tĩnh bao nhiêu, đến giờ phút cuối cùng này vẫn không làm sao nén lòng được nữa.
Phần Phạm Lãi, ngay khi nhạc trống đổ dồn, chàng bỗng tràn lòng tin tưởng. Dũng mãnh hơn bao giờ hết, chàng nói như ra lệnh:
- Tây Thi, hãy đợi ta! Ta sẽ là người đầu tiên đặt chân lên Cô Tô đài.
Còi hiệu báo vang, hai tên thị vệ của Việt cung đến vén rèm trúc:
- Văn đại phu, xin mời lên thuyền.
Bên ngoài rèm trúc, ánh sáng chói chang, Tây Thi cảm thấy bị chói mắt. Nàng đưa khăn chắn mắt, lẩm bẩm:
- Giã từ!
Văn Chủng vỗ vai bạn, vừa đưa Tây Thi bước ra ngoài.
- Thiếu Bá, chúng ta cũng từ giã.
Tây Thi bỗng cảm thấy đau nhói, tim đập loạn như chực vọt ra khiến nàng lấy làm lạ. áp để hai tay lên ngực, nàng lảo đảo bước ra khỏi lều.
Phạm Lãi vẫy tay nói theo:
- Tạm biệt! Tạm biệt!...
Nhưng nàng không nghe được tiếng chàng nói, cũng không sao thấy được tay chàng vẫy.
Còi hiệu ngân dài, tiếng trống khua vang, buồm kéo lên. Gió đẩy căng buồm, gió đẩy thuyền đi, đi về phưng Bắc.
Tây Thi - Nữ Hoàng Ngô Quốc
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII.
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII
Chương XIX