watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tây Thi - Nữ Hoàng Ngô Quốc-Chương X - tác giả Nam Cung Bác Nam Cung Bác

Nam Cung Bác

Chương X

Tác giả: Nam Cung Bác

Kim Tịch Hà Tịch hề, Tái Châu Trung Lưu.
Kim Nhật hà nhật hề, đắc dữ Quân vương đồng chu
Mộng nữu bị ho hề, bất tí cấu sỉ
Tâm kỷ phiền nhi bất tuyệt hề, đắc tri vương tử.
Sơn hữu mộc hề, mộc hữu chi
Tâm duyệt quân hề, quân bất tri.
Trên Cô Tô đài, gái Việt ca bản tình ca của nước Việt.
Ngô vương Phù Sai ngồi uống rượu, nhìn Tây Thi, nghe gái Việt ca, trông gái Việt múa, đó là những ngày an nhàn hưởng lạc. Những ngày yên tĩnh và êm đềm.
Tây Thi bệnh đi một dạo, dường như ốm hơn một chút, cũng dường như càng đẹp hơn lên. Hay ít ra, dưới mắt Ngô vương, nàng càng mảnh mai lại càng nhu hòa, kiều mỵ.
Vì thế, nhà vua bầu bạn bên nàng vui chơi, mong cho nàng cởi mở, khuây khỏa để tăng sức khỏe. Đó là nguyên nhân Ngô vương gác cuộc chinh Bắc. Vì cuộc chinh Bắc, Ngô vương đã giết hại đại thần Ngũ Tử Tư. Nhưng Tây Thi bệnh lại dễ dàng ngăn trở Ngô vương mở rộng biên cương lên mặt Bắc.
Điều ấy làm cho Tây Thi khổ sở hết sức tuy trên đài Cô Tô rất bình yên, phẳng lặng. Duy có dưới đài Cô Tô thì từ thành thị đến thôn quê nước Ngô, toàn dân bi thuơng, ta thán, thở dài... Đã ba tháng rồi, người dân nước Ngô mặt ủ mày châu vì họ đã mất đi vị tướng phụ tài ba Ngũ Tử Tư.
Bên núi bên sông, tại những nơi cây to bóng cả, ở những nơi có thầy đồng bóng, người Ngô thường hát nhỏ bài ca từ Sở loan truyền:
- Thành ký dũng hề, hữu dĩ vô,
Chung cưỡng cường hề, bất khả lăng.
Thân ký tử hề, thần dĩ linh,
Hồn phách nghị hề, vi quỷ hùng.
Bài ca ấy vốn của người nước Sở khóc cho vận nước Sở, nay người Ngô dùng để truy điệu vị tướng phụ nước Ngô.
Biết bao cuộc tế lễ cử hành bên ven sông. Bởi vì thi thể Ngũ Tử Tư đã bị Ngô vương vứt xuống sông.
Nguyên cái chết của Ngũ Tử Tư làm cho Ngô vương hối hận. Nhưng lời trối của Ngũ Tử Tư lại làm cho nhà vua nổi giận. Trước khi chết, Ngũ Tử Tư dặn lại kẻ gia thần hãy móc mắt mình đặt ở cửa Đông thành Ngô để sẽ nhìn rõ quân Việt tràn vào. Câu nói ấy làm cho Ngô vương sinh hận, truyền đem thây Ngũ Tử Tư vứt xuống sông.
Với nước Ngô, Ngũ Tử Tư trở thành bất tử. Chuyện về Người lúc chết đã phổ biến khắp nước. Truyền rằng lúc thị vệ mang Thuộc Lâu bửu kiếm đến tướng phủ, cũng vừa lúc đại phu Vương Tôn Hùng đến. Đại phu cố ngăn Ngũ Tử Tư tự sát đồng thời cho biết sẽ thâu hết can đảm đến gặp Ngô vương xin lượng tình. Ngũ Tử Tư lắc đầu, biết chắc Ngô vương sẽ không vì Vương Tôn Hùng mà thay đổi quyết định.
Vương Tôn Hùng lại khuyên Ngũ Tử Tư trốn đi, nhưng người vẫn lắc đầu nói:
- Làm kẻ vong thần thì ở đâu cho yên? Vương Tôn Hùng nhắc nhở:
- Trước kia, tướng phụ cũng từng chạy khỏi Sở.
- Trước kia à?
Ngũ Tử Tư sờ đầu tóc bạc, bỗng nhiên cả cười. Lặp lại mấy tiếng “Vong thần ở đâu cho yên”, Ngũ Tử Tư nhận kiếm, ngửa mặt than dài:
- Ta giúp cho phụ thân Phù Sai xưng bá. Ta lại giúp cho Phù Sai làm vua. Bấy giờ, Phù Sai muốn chia cho ta nửa nước Ngô để ta xưng vương nhưng ta không cần... Ngày nay Phù Sai lại đem Thuộc Lâu bửu kiếm cho ta... ha ha.
Vương Tôn Hùng run rẩy:
- Tướng phụ!
- Đừng lo cho ta, Vương Tôn Hùng, hãy lo cho quốc gia! Hãy đề phòng người Việt, sẽ có một hôm quân Việt kéo đến... Ôi...!
Nói xong, Ngũ Tử Tư quay lại dặn gia thần: Sau khi ta chết, người khoét mắt ta treo ở cửa Đông thủ phủ nước Ngô để ta nhìn thấy quân Việt tràn vào...
Sau đó, Ngũ Tử Tư dùng Thuộc Lâu bửu kiếm tự vẫn.
Tại Hội Kê, Việt vương Câu Tiễn mở tiệc khao lớn, mừng mặt trời nước Ngô đã rụng.
Mọi người đều dâng rượu cho Câu Tiễn khiến nhà vua say mèm, rút kiếm múa theo nhịp phách. Đến trước Phạm Lãi, Câu Tiễn bỗng dừng lại hỏi:
- Thiếu Bá có cảm tưởng gì trước cái chết của Ngũ Tử Tư?
- Trời giúp nước Việt ta!
Việt vương cả cười, vứt kiếm, nâng ly để trước mặt Phạm Lãi uống một hơi hết sạch. Kế đến, nhà vua lại vỗ vai Phạm Lãi nói:
- Sẽ có một hôm, chúng ta cùng đến Cô Tô, song không phải đến để giữ ngựa cho Phù Sai. Ha ha... Tại Cô Tô, Thiếu Bá còn một Tây Thi!
Phạm Lãi đáp cách vô tâm:
- Bẩm phải.
- Ha ha... nào, cạn ly!
Câu Tiễn lại loạng choạng bước đến trước mặt Văn Chủng.
Phạm Lãi không thấy vui gì. Cái chết của Ngũ Tử Tư đã làm cho chàng thứ cảm giác nặng nề. Huống chi còn có Tây Thi... Thời gian không làm phôi phai tình cũ. Cuộc sống có nhiều biến cải vẫn không làm sao ngăn chàng hồi nhớ chuyện ngày xưa. Tây Thi dường như vĩnh viễn sống trong lòng chàng. Hình ảnh lúc kề cận bên Tây Thi đã trở thành ảo ảnh xuất hiện trước mắt chàng. Đến cả vợ chàng nằm bên giường, chàng cũng thấy là Tây Thi nữa!
Phạm Lãi thầm trách mỹ nhân kế của Văn Chủng. Vì mỹ nhân kế mà chàng phải chia tay với người đẹp Tây Thi. Hơn nữa, chàng còn trách kế hoạch “Mười năm sinh sản, mười năm huấn luyện”. Kế hoạch ấy đã bắt chàng cưới vợ sinh con... trong khi Tây Thi vì chuyện quốc gia mà chấp nhận ly cách.
Phạm Lãi vốn muốn giữ thân phận trong sạch của một người con trai để chờ đợi ngày hội ngộ. Nhưng kế hoạch “tăng gia sinh sản” làm cho chàng không sao giữ được. Bao lần chàng nghĩ: “Tây Thi biết ta thành hôn ắt đau đớn lắm! Có thể nàng trách ta là kẻ phụ tình!”
Lệch lạc vấn đề, lệch lạc cảm tình làm cho lòng Phạm Lãi như biển chứa ưu sầu, từ bao lâu nay chàng cố gắng làm việc, dùng sự mệt mỏi để dẹp bỏ suy nghĩ. Chàng sợ rảnh rang, vì mỗi phút rảnh rang là một trào lòng tưởng nhớ.
Bây giờ, chàng nhìn ly rượu trống không mà nghĩ ngợi.
Văn Chủng lướt tới nói riêng với chàng:
- Thiếu Bá! Chúng ta vào trong bàn bạc, chứ quân vương say rồi. Chúng ta cần phải quyết định một số việc. Như sáng mai, phải đưa người sang Cô Tô.
Vào phòng trong, Văn Chủng cười hỉ hả mời Phạm Lãi ngồi. Đoạn mở cửa hông cho Phùng Đồng bước ra chào Phạm Lãi.
Sự có mặt của Phùng Đồng làm cho Phạm Lãi giật nẩy, buột miệng hỏi:
- Phùng huynh sao lại chạy về đây?
Văn Chủng đáp thay:
- Tác dụng của Ngũ Tử Tư là ở chỗ đó. Lúc Ngũ Tử Tư còn sống, Phùng Đồng không dám ra khỏi Cô Tô thành.
- à à!... (Phạm Lãi vòng tay hướng về Phùng Đồng) Phùng huynh thật có bản lĩnh, ở phủ Bá Hi mấy năm mà chẳng ai nghi!
Phùng Đồng mỉm cười:
- Làm gia thần của Bá Hi là an toàn nhất. Vừa rồi, tôi bàn với Bá Hi chuyện sai sứ đi tuần tra biên cảnh, nhân đó vượt Tiền Đường về đây.
- Thế còn...?
Phạm Lãi muốn hỏi liền tình trạng của Tây Thi nhưng kịp bẻ lửng, trở đề:
- ... Còn nước Ngô có gì đặc biệt sau khi Ngũ Tử Tư chết?
- Tạm thời chưa có gì đặc biệt. Chỉ thấy các ni, các bộ môn đều có hiện tượng chán chường, mệt mỏi. Bá Hi nắm quyền chính trị làm hỏng bét!
Phạm Lãi trầm ngâm. Văn Chủng liếc qua bạn hỏi:
- Thiếu Bá! Sao anh không hỏi chuyện Tây Thi?
Phạm Lãi ngẩng nhìn Phùng Đồng, Phùng Đồng cũng nhìn lại chàng chăm chú, dường như muốn tìm trên mặt chàng đường nét của tình yêu.
Phạm Lãi hỏi giọng âu lo:
- Tây Thi có biết Phùng huynh trốn về Việt không?
- Không. Tôi không nói cho nàng biết tuy tôi vẫn thường liên lạc với nàng. Tây Thi rất mạnh, dường như rất nhớ Thiếu Bá.
Phùng Đồng cố giấu chuyện Tây Thi yêu Phù Sai.
Phạm Lãi lập lại cách kéo dài: “Nàng rất mạnh...” với ngập tràn chua xót.
- Tây Thi đã sống thích ứng với hoàn cảnh nên từ bao giờ cho đến bây giờ, Ngô vương chẳng để tâm nghi ngờ nàng. Xem thế đủ biết nàng thành công ở Cô Tô đài.
Phạm Lãi khổ sở hỏi:
- Nghe đâu nàng bị bệnh mấy lần...
- Bệnh lúc trước, nhưng bây giờ nàng rất khỏe.
Phùng Đồng lại che giấu thêm một số việc mà sau khi thảo luận với Văn Chủng, cả hai đồng ý không nên nói cho Phạm Lãi nghe.
Phạm Lãi nói nhỏ như nói để chàng nghe.
- Mong cho nàng mạnh giỏi.
Văn Chủng chen nói:
- Bây giờ chúng ta đi vào vấn đề chính yếu. Theo tôi thì chúng ta nên hỏi mượn nước Ngô ba vạn thùng thóc.
- Mượn thóc? (Không hiểu ý Văn Chủng, Phạm Lãi nói luôn) Chúng ta có thiếu lương thực đâu?
- Mượn không vì thiếu mà muốn làm cho người Ngô hiểu rằng chúng ta có tính ỷ lại. Hơn nữa, còn làm cho Ngô vương hiểu rằng chúng ta nghèo, nghèo thì không phát động chiến tranh. (Văn Chủng thư thả nói thêm) Theo lời Phùng Đồng thì sau cái chết của Ngũ Tử Tư, Phù Sai để ý đến nước Việt chúng ta nhiều hơn. Vì trước khi chết, Ngũ Tử Tư tiên đoán chúng ta sẽ đánh Cô Tô.
- Thế à...?
- Mong được như vậy. (Văn Chủng bỗng bật cười) Đến lúc ấy, Thiếu Bá sẽ nhận Tây Thi về!
Phùng Đồng hỏi:
- Phạm đại phu có tin gì cần tôi mang sang Cô Tô?
- Không... có...
Phạm Lãi không muốn đưa tin tuy chàng có muôn lời vạn tiếng cần nói. Vì sự an toàn của Tây Thi, chàng không muốn thố lộ gì. Ngừng lại lúc lâu, Phạm Lãi hỏi:
- Bao giờ Phùng huynh trở lại Cô Tô?
- Vào tờ mờ sáng thì qua sông.
- Để tôi đưa Phùng huynh đến ven sông. (Văn Chủng nói thêm) Có gì, lên xe chúng ta sẽ bàn tiếp. Thiếu Bá, anh có thể đi chung không?
- Không được rồi. Sáng sớm, tôi phi duyệt binh.
Phạm Lãi không muốn nói nhiều với Phùng Đồng vì nói đến Cô Tô thì không thể tách rời Tây Thi. Và nhắc đến nàng thì chàng sốt ruột cơ hồ điên lên được.
Chẳng bao lâu, Phạm Lãi cưỡi ngựa đưa Văn Chủng và Phùng Đồng ra ngoài thành Hội Kê.
Trong đêm khuya, có một chiếc xe lao đi mất hút. Chỉ còn một mình Phạm Lãi đứng lặng, đưa mắt nhìn vào nguyên dã mịt mùng. Từ đó, chàng bỗng thấy ai mường tượng như Tây Thi, nàng độc hành trong đêm đen vô bờ...
***
Tin Ngũ Tử Tư chết đã truyền sang nước Sở.
Sở vương đội mũ cao, đeo trường kiếm, hướng dẫn các đại phu, triều thần đến văn miếu cúng tế tổ tiên. Nhìn các hình tượng của tổ tiên, Sở vương cất giọng oang oang:
- Tên sát sinh ấy chết rồi, từ đây nước Sở chúng ta không phi lo sợ nữa.
Dưới sự hướng dẫn của các thầy cúng rỗi, triều thần vừa ca vừa múa.
Vương tộc nước Sở vĩnh viễn không quên chuyện năm nào Ngũ Tử Tư thống lĩnh binh Ngô sang công phá thủ đô nước Sở. Ngũ Tử Tư đuổi vua Sở chạy, quật thây đời vua Sở trước lên để tự tay cầm roi đánh ba trăm roi. Đó là mối đại sỉ nhục từ thuở sơ khai đến giờ chưa có.
Hàng quý tộc nước Sở cũng vĩnh viễn không quên chuyện Ngũ Tử Tư để quân Ngô chiếm đoạt hết vợ con họ sau khi tràn chiếm thủ phủ.
Sở vốn là nước đứng đầu các quốc gia phưng Nam, nhưng sau lần càn quét của Ngũ Tử Tư, nước Sở tan hoang. Vua Sở không thể không dời đô cách xa Ngô hơn. Dầu vậy, tôi chúa Sở vẫn nặng lòng lo một ngày nào đó, binh Ngô sẽ đến nữa. Hôm nay, họ khỏi lo rồi bởi vì mặt trời Ngô quốc đã lặn.
Tại thành Lâm Truy, con trai của Ngũ Tử Tư mặc vải gai, thắt dây cỏ, mang tin thân phụ bị bức tử đến báo với vua Tề.
Tề vương cau mày, lập tức bãi triều, triệu tập riêng quần thần thân tín nghị sự. Vì Ngũ Tử Tư là người duy nhất phản đối việc Ngô phạt Tề. Ngũ Tử Tư chết đi, Ngô vương sẽ triệt để thi hành chính sách Bắc tiến. Bấy giờ, nước Tề được coi như tiền đồn phía Bắc, sẽ gặp điều bất hạnh nên Tề vương lo lắng mãi không thôi.
Nhưng họ Bao được giao chăm sóc việc học cho con của Ngũ Tử Tư lại hết sức mừng rỡ tâu:
- Ngũ Tử Tư chết rồi thì binh Ngô không thể hoành hành Trung Nguyên được. Trước kia, Phù Sai ngang dọc là bằng vào binh sĩ do Ngũ Tử Tư huấn luyện. Giờ Ngũ Tử Tư chết, binh Ngô sẽ mất tinh thần!
- Nhưng Phù Sai vẫn có thể tấn công chúng ta.
Họ Bao cả quyết:
- Tạm thời Phù Sai chưa phát binh đâu. Bằng có đến cũng bị đánh bại ngoài thành Lâm Truy!
Tại Khúc Phụ, công khanh nước Lỗ cũng theo luận về cuộc thế diễn biến sau cái chết của Ngũ Tử Tư. Bao năm qua, nước Lỗ thần phục nước Ngô. Nay Ngũ Tử Tư chết khiến chúa tôi nước Lỗ cảm thấy hoang mang, trống rỗng.
Vua Lỗ đau đớn nói:
- Nghiệp bá của nhà Ngô xem chừng phải đổi. Chúng ta lại phải tìm một chủ nhân khác!
Lý Tôn Thị lên tiếng khuyên ngăn:
- Muôn tâu, bây giờ chúng ta không nên vọng động. Bởi Ngũ Tử Tư tuy chết, nhưng binh sĩ do một tay Người huấn luyện hãy còn. Hơn nữa, binh Ngô có kỷ luật sắt, nhất thời chưa tan rã đâu! Theo thần đoán thì trong vòng đôi ba năm, nước Ngô vẫn chưa suy sụp hẳn.
Trong niềm lo sợ ấy, Lỗ vương phái người đi dò động tịnh của bốn nước: Ngô, Sở, Tấn, Tề.
Ngoài Hàn Cốc, cách Cô Tô thành không biết bao xa, nước Tần cũng được tin Ngũ Tử Tư chết. Người Tần trước đây cũng có việc đụng chạm với Ngũ Tử Tư. Nguyên lúc Ngũ Tử Tư công phá thành đô nước Sở, quân Tần giúp Sở mới đuổi được quân Ngô về. Lần ấy, binh Tần thắng nhưng người Tần biết rõ Ngũ Tử Tư là một nhân tài. Họ luôn luôn chú ý đến hành động của Ngũ Tử Tư nên cái chết của người rất được nước Tần xem trọng.
Ngũ Tử Tư là mặt trời của nước Ngô. Giờ đây, mặt trời đã lặn khuất rồi!
Tây Thi - Nữ Hoàng Ngô Quốc
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII.
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII
Chương XIX