Chương XIX
Tác giả: Nam Cung Bác
Lúc Ngô vương truyền ban Thuộc Lâu bửu kiếm cho Ngũ Tử Tư, gia thần của lão đề nghị lão bỏ trốn. Trong lịch sử, Ngũ Tử Tư còn có tên là “Kẻ vong mạng”, vì lúc nhỏ đã từng chạy trốn lưới bao của Sở. Nhưng lúc nhận kiếm, Ngũ Tử Tư lại nói:
- Vong thần an thích?
Ý của Ngũ Tử Tư là kẻ vong thần thoát được lần thứ nhất chứ không còn đường trốn lần thứ hai. Riêng Phạm Lãi thì đi được luôn, lần này rồi lần khác, lần khác nữa, mỗi lần ra đi một thêm huy hoàng. Đất Sở đã sinh được một Ngũ Tử Tư vĩ đại thì đất Sở cũng sinh được một Phạm Thiếu Bá còn vĩ đại hơn.
***
Bấy giờ, bước chân lịch sử đã bước vào thời đại Chiến quốc.
Thời đại Xuân Thu ấy, Tấn thay Tề xưng bá ở Trung Nguyên rồi bị các quan quân địa phương dấy lên, chia thành ba nước độc lập: Ngụy, Triệu, Hàn. Tuy họ còn mang hiệu Tấn song thực tế thì họ tự chủ từ đời Châu Trinh Định vương năm thứ mười sáu.
Bấy giờ, ngoài vua nhà Châu, trong thiên hạ gồm có Sở, Việt, Triệu, Tề, Tấn, Ngụy, Hàn, tám nước lớn. Sống lẫn lộn chen giữa các nước lớn ấy gồm có Tống, Lỗ, Trịnh, Vệ, Lữ, Trâu, Kỷ, Thái, Đàm, Nhiệm, Thắng, Tiết. Tự nhiên, hãy còn một số các nước bán độc lập, ví như Đào ấp, trước vốn thuộc Tống, sau vì cuộc chiến của Tống, Tề mà tách ra thành một khu vực trung lập bán độc lập. Đào ấp nằm trái độn để làm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước lớn.
Bấy giờ, ở Trung Nguyên ngoài một khu vực như nói trên, hãy còn nhiều thứ bộ lạc và quốc gia nhỏ bé như Hung Nô, Đông Hồ, Lâu Phiên, Lâm Hồ, ấp, Thục, Trung Sơn, Đại Hiệp v.v...
Thiên hạ cứ phân chia, cứ loạn lạc, song trong sự loạn lạc ấy bỗng có một hiện tượng hết sức đặc biệt xuất hiện. Cứ dùng son viết hai chữ “Đào Châu” trên xe thì muốn đi qua nước nào cũng lọt.
Đào Châu là gì? ở đâu? Có phải là một địa danh không? Điều ấy rất ít người biết và họ cũng chẳng mấy quan tâm. Họ chỉ để ý đến các xe ngựa có mang hai chữ “Đào Châu”, bởi vì các xe ấy mang lại từng địa phương những vật mà địa phương ấy cần có.
Từng đoàn xe chở t lụa từ Giang Nam xa xôi đến tận Hàm Dương của nước Tần trên mặt Tây Bắc để đổi lấy vải cây, vải xấp. Rồi lại trải đường ngàn dặm vận sang Yến Kinh bên Đông Bắc. Đoạn từ Yến Kinh chở về thuốc men, tiền đồng...
Muối ở bờ biển nước Tề được cho vào bao chở vượt quan sơn, cũng đến Hàm Dương. Dân chúng nước Tần cần muối nhất. Hàng quí tộc cho muối là bửu vật, mới có muối biển mà ăn trong khi người bình dân cả đời chưa hề có dịp biết được mùi vị muối.
Trên kinh rạch, sông ngòi hay biển cả cũng có thuyền đi lại mang cờ hiệu “Đào Châu”.
Tại Hàm Dương, nhà Tần bỗng đón tiếp một vị khách ngoài ý. Vị khách ấy là nhà buôn đi du lịch, là chủ nhân hàng hàng lớp lớp xe thuyền mang hai chữ “Đào Châu”. Vị khách ấy là Đào Châu Công được vua Tần triệu kiến.
Đào Châu Công ung dung xuất hiện tại triều nhà Tần với vợ là một chuyện bất bình thường. Bởi từ xưa tới nay không có một người đàn bà nào được theo chồng vào triều kiến bao giờ. Nhưng việc này là do có lời yêu cầu đặc biệt của Đào Châu Công. Ngài tỏ rõ ý nếu không cho vợ cùng vào thì Ngài sẽ không đến gặp vua Tần.
Kết cuộc vua Tần phải chấp thuận lời yêu cầu oái oăm ấy. Gần như ai ai trong hàng quí tộc đất Hàm Dương cũng đều hết sức quí trọng Đào Châu Công. Bởi vì Đào Châu Công đã đưa đến những gì họ cần dùng. Họ sợ lỡ khi sơ xuất đắc tội, Đào Châu Công sẽ ngưng hàng tiếp tế cho họ. Họ sợ Đào Châu Công hơn bất cứ vị vua nào của ngoại quốc. Thất lễ với vua nước ngoài thì có thể đưa đến chiến tranh, song họ không sợ chiến tranh mà lại sợ không có đồ dùng!
Vợ chồng Đào Châu Công ngồi yên nơi ghế, chờ được mời vào chầu. Họ có thì thầm với nhau nhưng không một ai nghe được.
Chẳng bao lâu, có một vị ngự sử đại phu bước ra cung kính nói:
- Đào Châu Công! Quân vương mời vào gặp.
Đào Châu Công từ từ đứng lên bảo nhỏ:
- Tây Thi, chúng ta vào thôi!
- Thiếp vào chẳng ý nghĩa gì, để thiếp ở đây chờ chàng.
Tây Thi không đứng lên. Sắc diện của nàng tuy già song giọng nói và tính tình không già. ở bên chồng, thỉnh thoảng nàng lại như một thiếu phụ đầy nhu tình, tươi mát.
Đào Châu Công nói giọng khẩn khoản:
- Ta đã nói rồi, mình cùng vào. Tây Thi, đứng dậy đi thôi!
Liếc qua vị ngự sử nước Tần, Tây Thi rồi cũng đứng lên.
Điện đường báo danh Đào Châu Công. Vua Tần dùng quốc lễ tiếp vị nhà buôn ấy. Quan viên trong triều đưa mắt hiếu kỳ nhìn khách. Họ từng gặp qua vương hậu, đại tướng, song vẫn cảm thấy hết sức mới mẻ và lạ lùng khi nhìn thấy vợ chồng Đào Châu Công.
Vua Tần khách sáo hỏi đôi câu, nhưng chẳng bao lâu sau, nhà vua nhận ra kỹ thuật nói chuyện xuất chúng và sự hiểu biết uyên bác của nhà buôn. Vì vậy, nhà vua cho bày yến tiệc đãi Đào Châu Công.
Đào Châu Công vẫn yêu cầu cho mang vợ theo lại là chuyện chưa từng có trong đại yến ở Hàm Dương. Để tiếp đãi vợ người nhà buôn, vua Tần lại phải đặc biệt mời thêm một ít nữ khách.
Biết có tiệc này, Đào Châu Công chuẩn bị khá nhiều lễ vật, mỗi người dự tiệc đều được tặng quà, toàn là những thứ trong thành Hàm Dương không có.
Trong tiệc, Tây Thi không thể ngồi kế bên chồng. Nàng được Tần quốc phu nhân tiếp đãi, cả hai bàn qua tình hình các nước. Sau khi làm thuơng mãi, Tây Thi theo chồng đi qua rất nhiều nước, biết hơn phân nửa các thành thị lớn toàn Trung Quốc. Nàng khéo léo nói về phương thức đi đứng của gái Hàm Đan, kỹ thuật múa của gái Lâm Truy, các ca khúc của Trịnh, Vệ và lễ nhạc của các triều đình. Nói chung, nàng hiểu biết rất phong phú, cách nói chuyện rất tao nhã làm cho Tần quốc phu nhân rất đỗi ngạc nhiên. Bởi một người đàn bà thường thì không thể có mức hiểu biết rộng rãi và sâu xa như vậy.
Ở tiệc bên trái, Đào Châu Công đa tài, bác học, cũng làm cho toàn tiệc chú ý. Đào Châu Công đầy tự tin trả lời hoặc bàn luận vấn đề của các nước. Thiên văn, địa lý, binh học, nội chính, không một mặt nào là ngài không biết. Ngài chỉ tránh bàn về nhân sự và nội chính của các nước.
Vua Tần mê quá, mời Đào Châu Công giữ chức Thiếu phủ khanh. (Thiếu phủ khanh là nắm hết núi non, rừng biển, sông ngòi, có thể nói như bộ trưởng Kinh tế ngày nay, quan trọng hơn hết trong chín chức khanh).
Đào Châu công hòa hoãn nói:
- Quân vương! Thảo dân không thể nhận chức, nhận ra e sẽ làm không xong việc. Mấy năm trước, thảo dân đã gặp một vị thần tiên ở bờ biển nước Tề. Tiên bảo rằng thảo dân chỉ có thể đi buôn chứ không thể làm quan. Lúc ấy, thảo dân định ra làm quan ở nước Tề, song nghe bảo thế nên nhất quyết đi buôn.
- Thần tiên? (Vua Tần cả mừng hỏi thêm) Trẫm nghe nói ở bờ biển và ao đầm thường có thần tiên, chuyện ấy thật sao?
- Bẩm phải, thảo dân đã gặp qua ở bờ biển nước Tề.
Hoang đường quá, Đào Châu Công có gặp thần tiên bao giờ đâu! Song người có biết lời đồn đại về chuyện thần tiên ở bờ biển nước Tề. Đồn rằng thần tiên bất tử! Đồn rằng thần tiên có thể giúp cho con người hạnh phúc!
Thuở Đào Châu Công còn thiếu thời, thuyết nói về thần tiên chưa có. Lúc ấy, con người chỉ biết trên trời có Thượng đế, con người chết rồi thành quỷ. Nhưng khoảng ba bốn mươi năm nay, bỗng có truyền thuyết về thần tiên loan đi các nước, ai cũng mong được biến thành tiên hoặc được gặp tiên... Vì thế, lời nói gặp tiên của Đào Châu Công rất dễ làm cho vua Tần tin. Song không vì vậy mà làm cho nhà vua đánh mất quyết tâm mời Đào Châu Công làm quan nước Tần. Nhà vua muốn lưu Đào Châu Công ở lại nước Tần để nhờ mối liên hệ ấy mà nhà vua có thể gặp tiên. Làm vua một nước tuy có quyền lực tối cao, nhưng so với sự trường sinh bất diệt của thần tiên thì hãy còn cách xa nhau lắm!
Nếu được lên tiên, nhà vua nào cũng sẽ sẵn sàng bỏ rơi nghiệp đế.
Không khí yến tiệc thay đổi. Mọi người đang tập trung bàn qua vấn đề của các nước vì lẽ Đào Châu Công đã chu du nhiều nước, giờ lại tập trung nói về chuyện thần tiên. Bên bàn đàn bà cũng ngưng mọi chuyện để lắng nghe Đào Châu Công nói đến thần tiên!
Đào Châu Công nói thao thao về chuyện thần tiên có đến nửa giờ. Nếu không vì việc tan tiệc thì Người hãy còn nói nữa. Vua Tần rất lấy làm tiếc, mọi người ăn uống nhanh quá nên tiệc phải tan sớm.
Cuối cùng, Đào Châu Công cất giọng nghiêm trang nói với vua Tần:
- Thần tiên có thể gặp nhưng không thể cầu. Thảo dân lữ hành đến đại quốc, nhận được sự tiếp đãi nồng hậu của quân vương, không biết lấy chi báo đáp ngoài việc chí thành mong cho Tần quốc phú cường, làm bá thiên hạ.
Tiệc tan, Đào Châu Công có hơi ngà say loạng choạng bước lên xe. Tây Thi nhăn mặt, cố hết sức ngăn cười. Đợi xe đi được khá xa, nàng mới cất tiếng cười lớn, cười ngã tựa vào chồng. Đào Châu Công đỡ nhẹ nàng hỏi:
- Có việc gì đáng để nàng cười to?
- Thiếu Bá! Chàng... (Tây Thi ôm bụng, thở dồn dập) Thiệt hết nói cho chàng, chàng tệ quá, báo hại thiếp...
Biết vợ muốn nói gì, Đào Châu Công khoát tay ngăn lại. Bởi vì nói chuyện trên xe có thể bị xa phu nghe lén. Hơn nữa, cười lớn trên xe cũng không thích hợp.
Tây Thi tựa sát vào chồng hơn, nói thêm:
- Ôi, thiếp chịu đựng khổ quá! Thiếu Bá, chàng xoa giùm bụng thiếp!
Vợ chồng Tây Thi có sự thân mật gần như lạ thường. Về đến tân quán, Tây Thi kéo chồng vào phòng, lại cười lớn:
- Thiếu Bá! Lẽ ra chàng không nên nói chuyện hoang đường trước mặt nhà vua. Chàng gặp thần tiên bao giờ?
- Phải, ta chưa gặp thần tiên nhưng thần tiên đã gặp ta là chuyện thật một trăm phần trăm. Có lần...
- Thôi đi! (Tây Thi vã tay chồng vừa đưa lên) Lại bịa chuyện nữa, thiếp không nghe đâu, thiếp không có ngày giờ rảnh đâu mà nghe.
Đào Châu Công có vẻ hãnh diện:
- Chuyện ta kể có rất nhiều người muốn nghe đấy!
- Thiếu Bá, tại sao chàng lại bịa chuyện thế này chứ?
- Có một số việc nàng không biết được. Vua Tần muốn giữ ta ở lại làm quan ở Hàm Dương, ta từ chối, mượn chuyện thần tiên để từ chối. Ta khổ tâm bịa chuyện là vì nàng, ta không muốn ra làm quan.
- Nói thế thì tự chàng đã có ý muốn ra làm quan rồi?
Tây Thi uốn mình, tư thế như một thiếu phụ, so với tuổi tác của nàng thì không phải cách. Nhưng Đào Châu Công quen nhìn, lấy làm thích, vì thế mà cười.
Gặp Đào Châu Công một lần, vua Tần lại cho người đến mời nữa. Nhà vua tình nguyện đem chức “đại lương tạo” ban cho Đào Châu Công.
Đại lương tạo là chức tước riêng của triều đình nhà Tần, ngang với chức tướng quốc ở các nơi khác. Từ Phạm Lãi đến Si Di Tử Bì rồi Đào Châu Công, Phạm Lãi luôn luôn thành công đủ mọi mặt song chưa chính thức nhận được ngôi vị tướng quốc. Lời mời của vua Tần khiến Đào Châu Công động lòng, song người không dám nói cho Tây Thi biết.
Sự động lòng chỉ ở thời gian ngắn. Cuối cùng, Đào Châu Công vẫn từ tạ hảo ý của nhà vua, lên xe rời khỏi Hàm Dương. Nhưng trước khi đi, Đào Châu Công vẫn hiển lộ tài hoa về mặt chính trị, quân sự. Người bày cho nhà Tần một chiến lược tác chiến mới, dùng kỵ binh hỗn hợp với bộ binh để thay thế truyền thống đánh bằng xe. Ngoài ra, Đào Châu Công còn hiến mô hình một kiểu xe dùng đến sáu ngựa kéo.
Hai điều ấy là yếu tố quan trọng giúp cho Tần xưng bá Trung Nguyên sau này.
Hai điều ấy, Đào Châu Công không nói cho vợ biết. Từ bao giờ, người không che giấu việc mình làm với vợ, cho rằng không có điều gì không thể nói được với Tây Thi. Nhưng riêng chuyện này, người lại giữ bí mật, chôn sâu vào tâm khảm. Đối với các vấn đề quân sự, chính trị, Đào Châu Công quyết định kế hoạch một mình, cứ rảnh ra là dùng than đá nguệch ngoạc... Có lúc người vẽ trận đồ, có lúc người viết thành chữ đề ra phương lược trị quốc.
Thuộc làu những điều mình viết, vẽ, Đào Châu Công lại đem vi đốt đi. Bề ngoài thấy đó là sự tiêu khiển của Đào Châu Công, nhưng trong lòng người ẩn chứa một nguyện vọng. Nếu có một hôm nào đó ta xuất hiện thì sẽ không ngỡ ngàng với bất cứ phương diện nào. Ta phải không ngừng tiến bộ, không ngừng phát minh.
Đào Châu Công già rồi, rất già! Nhưng tinh lực của người vẫn còn tráng kiện. Có việc nhiều đám đông thanh niên không làm được mà người vẫn làm được. Người có thể cử động, có thể đi xa, có thể vịn thành xe nhảy lên chiến xa, có thể lên ngựa không cần ai cầm giúp cương cả. Hơn nữa, trước mặt Tây Thi, người như một tình nhân trẻ trung.
Tình chồng vợ của Đào Châu Công khá đặc biệt. Họ thân mật làm sao, dường như lửa yêu đương giữa họ cháy mãi không hết. Lắm lúc họ thân mật tự nhiên trước quảng đại quần chúng khiến những người nhìn thấy thầm nghĩ: Kỳ cục làm sao! Già vậy mà y như bọn trẻ!
Nhưng vì Đào Châu Công danh trùm thiên hạ nên nghĩ là nghĩ vậy chớ chẳng một ai dám nói thẳng ra.
Trên xe từ Hàm Dương đi Quan Đông, vợ chồng Đào Châu Công ngã tựa vào nhau như đôi tình nhân chạy trốn. Đôi khi Tây Thi còn hát một bản xưa thật xưa cho chồng nghe. Năm tháng tuy có làm cho da nàng mất phần tươi mát mịn màng, vầng trán và góc mắt nàng đầy rẫy đường nhăn nhưng giọng điệu của nàng thì vẫn cứ như ngày nào, thanh tao, lảnh lót. Đào Châu công lắng nghe, cảm thấy êm đềm như quá khứ.
Lúc cả hai đến Hàn Đang, vừa được vua Triệu từ nước Tấn tách ra lập quốc tiếp đãi thì được tin cấp báo từ Đào ấp khiến cả hai phải tức tốc về nhà.
Nguyên con thứ của Phạm Lãi gây chuyện ở nước Sở, trong lần tranh chấp ấy lỡ tay giết chết một vị công hầu Sở quốc. Nếu giết một thường dân thì bằng vào tài sản và thế lực của dòng họ Đào Châu ở ngoại quốc sẽ rất dễ giải quyết. Nhưng vì là giết một công hầu nên mạng phải thường mạng mới sinh phiền. Quản gia của Đào Châu Công định ém nhẹm chuyện ấy đi, nhưng Phạm Bình lại cho người đi báo với cha, yêu cầu nghĩ cách giải quyết.
Vì con, vợ chồng Đào Châu Công kết thúc chuyến lữ hành, trở về Đào ấp. Vợ của Phạm An quỳ trước mặt Đào Châu Công thỉnh cầu cha chồng nghĩ cách cứu chồng.
Đào Châu Công rất cảm thuơng, song thần sắc vẫn hết sức tiêu dao, bảo con dâu:
- Giết người phải thường mạng, không có cách nào hết. Ta về đây không phải để cứu Phạm An mà là để lo hậu sự cho nó. Tang sự của con ta phải ra vẻ...
- Đại nhân! Cổ nhân nói: “Con của nhà giàu không chết ở chợ”. Người của nhà ta bị xử hình giữa chợ là một điều sỉ nhục!
- Con của nhà giàu không dự vào các cuộc tư đấu, cố nhân cũng có lời dạy rõ ràng như vậy. An nó phạm tội thì không có cách nào có thể cứu được. Bình và An đều là con do ta sinh ra, dưỡng nuôi cho đến lớn, lòng ta đối với con hơn hẳn các ngươi tưởng tượng. Nhưng chuyện này không sao lo liệu được.
Ở trong nhà, Đào Châu công có thói quen thành tính, không bao giờ cự tuyệt lời yêu cầu của con cái. Điều Người cự tuyệt thì vĩnh viễn không yêu cầu được.
Phạm Bình tuyệt vọng. Vợ con Phạm An vẫn quỳ không đứng lên.
Bấy giờ, Tây Thi bước vào, sau khi hỏi qua chi tiết mọi việc xảy ra, nàng liền chỉ ngay Tử Hòa bảo:
- Con đi ra! (Tây Thi quay bảo Phạm Bình) Con cũng đi ra!
Đợi hai con đi rồi, Tây Thi mới bảo lũ cháu đang quỳ lui ra, chỉ chừa con dâu cùng nàng đối diện với Đào Châu công. Nàng nghiêm giọng nói:
- Thiếu Bá! Nếu thiếp là vợ thằng An thì khi nhận tin bất hạnh của chồng ắt không sống được. Hơn nữa, thiếp đã hỏi kỹ, biết rằng lần đụng chạm ấy, An nó chỉ có nửa phần lỗi, vì đối phương rút kiếm trước.
- Ồ!
Đào Châu Công nghiêm nghị nhìn vợ, đoạn thở dài. Chưa bao giờ người từ chối yêu cầu nào của Tây Thi, song bây giờ Đào Châu Công do dự. Nhưng từ ánh mắt khẩn khoản của Tây Thi, Đào Châu Công gật đầu bảo:
- Triệu tập mọi người đến đây!
Toàn gia Đào Châu Công tập trung ở sảnh đường. Con của Phạm Bình và Phạm An cộng chung được ba trai, hai gái. Vợ của Tử Hòa (Tử Hòa là con chung giữa Phạm Lãi và Tây Thi) mới sinh được một trai chưa đầy một tuổi. Mọi người nín thở chờ nghe một tuyên bố quan trọng:
- Ta muốn Tử Hòa vào Sở cứu An. Việc này không nắm chắc kết quả mười phần mà chỉ là cách tận nhân lực. Từ rày về sau, ta cấm hết con cháu không được tư đấu (giao đấu cá nhân). Chúng ta là người buôn bán, ta không cho phép các con cháu được cầm gươm. Trừ phải lúc ở nhà, không một ai được sờ vào võ khí.
Lệnh cho gia tộc được khắc lên bảng cây, treo trước nhà.
Nhưng lệnh sai Tử Hòa vào Sở cứu anh khiến cho trưởng tử Phạm Bình phẫn nộ, cương quyết phản đối. Phạm Bình nói với Tây Thi:
- Con là con lớn, trong nhà có chuyện quan trọng thế này thì không thể không do con đảm nhiệm. Đây là một điều sỉ nhục, làm mất truyền thống trưởng tử trong gia đình, làm mất cả địa vị trưởng tử.
Phạm Bình yêu cầu Tây Thi nói giúp lời cho mình. Nếu không được cha cho phép sang Sở, Phạm Bình thà chết.
Việc ấy làm cho Đào Châu Công vô cùng khó xử. Sau khi nghe Tây Thi trình bày, Đào Châu Công trầm ngâm lúc lâu không nói gì.
Tây Thi thôi thúc:
- Tại sao chàng không cho Phạm Bình đi? Chuyện này không có gì phải nghĩ ngợi, Phạm Bình tự nguyện xin đi thì chẳng còn gì tốt hơn. Lẽ đương nhiên chàng biết Phạm Bình là người cố chấp, nếu không được đi cũng dám chết lắm! Việc chết sống của Phạm An chưa sao đoán chắc, có thêm Phạm Bình đi với Tử Hòa thì đâu đến nỗi gì.
- Nàng không biết đâu! (Đào Châu Công thở dài nặng nề, nói thêm) Đành là chẳng biết làm sao hơn, thôi để cho Bình nó đi vậy!
Đào Châu Công dặn Bình vào Sở tìm một người tên Trang tiên sinh để dâng một ngàn lượng vàng ròng làm lễ. Đoạn ở kinh đô nước Sở chờ An ra khỏi ngục là lập tức ra thành, trở về Đào ấp liền. Đào Châu Công dặn đi dặn lại, bảo phải y theo kế hoạch mà làm, một chút sơ thất sẽ làm hỏng việc.
Phạm Bình đội sao, đi suốt đêm sang Sở cứu em. Sau khi đưa con đi rồi, Đào Châu Công quay bảo với mọi người:
- Hy vọng cứu được An rất ít. Các ngươi chuẩn bị hậu sự cho An đi!
Quay vào phòng riêng, Tây Thi nóng nảy hỏi chồng:
- Thiếu Bá! Tại sao chàng lại đi tuyên bố như vậy?
Đào Châu Công khổ sở đáp:
- Phạm An phải chết. Ta muốn sai Tử Hòa sang Sở là vì nguyên nhân ấy.
- Thiếp còn chưa hiểu được...
- Vì Bình nó sinh trưởng trong hoàn cảnh khốn cùng nên coi rất trọng tiền bạc. Tử Hòa lại lớn lên trong hoàn cảnh giàu sang phú quí nên xem tiền bạc như cỏ rác. Với Bình, việc không đáng tốn một ngàn lượng vàng ròng, không phải không đáng tốn trước khi việc thành mà là không đáng tốn sau khi thành việc. Bởi theo dự liệu của ta thì Trang tiên sinh sẽ nghĩ cách nói cho vua Sở đại xá, nhân thể thả con chúng ta mà không để lộ liễu gì. Nhưng rồi, Phạm Bình sẽ nghĩ rằng đại xá tù nhân là chủ ý của Sở vương, Trang tiên sinh không có công lao nên Bình sẽ đến đòi vàng lại. Thế nên, người khác nhờ cuộc đại xá mà sống, riêng Phạm An sẽ vì đại xá mà chết!
Đào Châu Công nhếch mép cười đau khổ nói thêm:
- Mong là dự đoán của ta không đúng vậy.
- Thế sao chàng không nói cho Bình nó biết trước?
- Tây Thi! Mạng sống của một người không thể vì đôi câu dặn dò mà thay đổi được. Hơn nữa, đây chỉ là dự đoán của ta thôi. Tình hình thật sự thế nào ta không dám chắc vì chồng nàng không phải là thần tiên.
- Thiếu Bá, hay là chính chàng sang Sở...
- Không ích lợi gì hết. Người ta hiểu ta giàu có, cho rằng ta ỷ thế khinh người, dùng tiền lo lót, nhất định là không được.
Tây Thi thở dài:
- Ôi, chàng liệu việc như thần, nhưng mong sao lần này chàng đoán sai để cho Bình và An được bình yên trở về.
Khổ nỗi, Đào Châu Công liệu việc như thần, không mảy may sai lệch. Chẳng bao lâu, Phạm Bình đưa thây em về Đào ấp đúng như những gì Đào Châu Công đã nói với Tây Thi.
Chết một đứa con, mặt ngoài không thấy ở Đào Châu Công có sự bi thuơng. Nhưng nỗi thuơng xót ấy đã đập mạnh vào lòng già, Đào Châu Công đóng cửa biệt thự suốt nửa năm đằng đẵng.
Trong nửa năm ấy, tình trạng sức khỏe của Đào Châu Công có sự thay đổi lớn. Không còn mạnh khỏe như trước, Đào Châu Công bắt đầu uể oải, bắt đầu cảm thuơng quá khứ tuy Người vẫn một mực thuơng mến Tây Thi, muốn ở bên nàng hằng giờ, không một chút vắng nàng.
Giao mùa từ Hạ sang Thu năm ấy, Đào Châu Công bị cảm mạo một lần hết sức nặng, mãi đến qua đông mới lành. Lần cảm ấy làm cho khí quản của Đào Châu Công bị thuơng vĩnh viễn, không lành. Cứ có sự thay đổi khí hậu thì Đào Châu Công thở rất khó khăn, khò khè, bị nghẹt.
- Ta thật sự già rồi!
Đào Châu Công nói với Tây Thi câu ấy. Thỉnh thoảng người có nói mình già, song lần này thêm hai chữ “thật sự”, ý rằng không phải nói đùa nữa.
Để tiêu khiển cho một lão già, Tây Thi bày cuộc lữ hành. Lần này vợ chồng Đào Châu Công chọn đường Trường Giang thả thuyền vào Ba Thục. Đường ấy ít người Trung Nguyên đi lại, đường xa diệu viễn. Về phương diện chính trị, một phần Ba Thục thuộc Tần, một phần thuộc Sở. Nhưng cả Tần lẫn Sở đều không màng đến khu vực hoang vu ấy.
Năm năm trước, thuyền hàng của Đào Châu Công có đến Ba Thục, Đào Châu công có ghi trong sổ sách nên Ba Thục không phải là vùng đất lạ. Hơn nữa, người tỏ ra thích địa phương này nên nói:
- Ta muốn chôn cuộc đời già ở đây.
Tây Thi phản kháng:
- Không cho phép chàng tính vậy. Chàng cứ hay lén tính toán vậy hoài!
- Không đâu! Không có việc làm nào ta giấu nàng cả.
- Hôm trước, chàng vẽ họa đồ chi? Khi chàng vứt đi, thiếp lượm xem lén, đoán chừng chàng muốn kiến lập thành quách ở Ba Thục để dọn về đó ở.
Đào Châu Công bỗng cười lớn:
- Ha ha... Việc ấy chứng minh không những ta già, chính nàng cũng già rồi.
- Việc ấy có liên quan gì đến cái già?
- Tây Thi! Họa đồ ấy vẽ hình thế của thành Hội Kê đó! Xưa kia, thủ đô của nước Việt dời từ Gia Lãm đến Hội Kê, kiến trúc theo họa đồ ấy. Họa đồ thành Hội Kê mà nàng cũng đoán không ra nữa là...
- Ô, Hội Kê sao?
- Hiện giờ cháu thứ của Câu Tiễn xưng vương ở nước Việt. Tên nó là Châu Cú, lúc ta rời Việt, nó mới sinh, Tây Thi, chúng ta rời Việt có gần bốn mươi năm rồi.
***
Vào tháng hai mùa xuân sau Châu Khảo vương năm thứ tám, nhằm năm bốn trăm ba mươi ba trước dương lịch, có một đoàn người đi trên bốn xe do mười sáu ngựa kéo xuất hiện ngoài thành Cô Tô. Họ không mua bán, dừng lại ở mút ngoại ô thành.
Chủ nhân đoàn xe là Đào Châu Công và Tây Thi. Họ rời Cô Tô đã bốn mươi năm. Họ đi như thế không một ai có thể nhận ra họ.
Phạm Lãi và Tây Thi có cùng một nguyện vọng: Trước khi chấm dứt đời mình, cả hai muốn đi du lịch Ngô Việt một lần cuối.
Nhưng Cô Tô thành khiến họ không còn nhận ra nữa. Đại thành phồn thịnh biết bao nhiêu vào bốn mươi năm trước, giờ là cỏ mọc hoang tàn, không khói bốc lên. Vào mùa xuân mà ở đây nhuốm vẻ hoang lương, tiêu điều quá!
Trương cờ hiệu Đào Châu ở phía Bắc thành chẳng bao lâu, dân buôn bán quanh vùng lần lượt kéo đến thăm hỏi. Họ nhận được tin từ dịch trạm, đại thuơng gia Đào Châu Công danh trùm thiên hạ đã đến đây.
Quản gia A Mang đầu bạc trắng xóa không ngừng giải thích với người đến thăm: Chuyến đi này, Đào Châu Công không có mang theo món hàng hóa nào. Nhưng các tay thuơng buôn không chịu tản ra, họ không tin lời Mang nói.
Bên trong màn, Đào Châu Công nhẫn nại ngồi chờ bà vợ già trang điểm. Già cả như thế, lẽ ra không nên sửa soạn làm gì. Nhưng suốt bốn mươi năm ở bên Phạm Lãi, ngày nào Tây Thi cũng mất một giờ trang điểm thành thói quen. Quen đến nỗi có già xuống lỗ cũng trang điểm.
A Mang thở hào hển bước đến nói:
- Bẩm chủ, gia nô không giải quyết được rồi. Bọn họ cứ cho rằng chúng ta có hàng bán nên không chịu giải tán cho.
Phạm Lãi thân mật mỉm cười:
- Chuyện nhỏ như vậy mà người không giải quyết được sao?
- Bẩm chủ nhân, gia nô thà lãnh chuyện lớn...
- Chuyện lớn đã có ta... Bây giờ, ngươi mau đi bảo với họ, sau trưa mai ta phân phối hàng. Ngươi đi phát thẻ mua bán cho họ không phải là giải quyết sao?
- Dạ nhưng, chúng ta không có mang hàng theo.
- Ngươi đi dọ lại xem, đoán chừng có một số hàng của chúng ta đang chở đi, trưa mai có thể đến Cô Tô. Vả lại, ở đây tiêu thụ không nhiều, chuyện dễ giải quyết lắm!
- Dạ nhưng lỡ hàng của chúng ta không đến kịp thì sao?
- Ngươi tệ thì thôi! Nói cho ngươi biết, ta vẫn có cách giải quyết. Giờ, ngươi thay ta chuẩn bị một cỗ xe nhỏ, vợ chồng ta muốn vào thành nếu... phu nhân ta trang điểm xong trước lúc hoàng hôn.
- Thiếu Bá!
Tây Thi vứt lược cài. Phạm Lãi vội ngăn lại khiến nàng phụng phịu như con gái:
- Chàng lại thúc hối thiếp! Thiếp xong rồi nè, không cần chàng phải đợi đến hoàng hôn.
Thời gian không còn sớm. Lúc Phạm Lãi lên xe nhỏ vào thành, mặt trời đã ngả về Tây. Vợ chồng Phạm Lãi rất vui, truyền vén rèm xe lên để nhìn cảnh sắc Cô Tô đài vào chiều. Nhìn đường vào thành, Tây Thi chắc lưỡi trách trước:
- Trước kia, đường vào Cô Tô thành bằng phẳng có đâu tồi tệ như bây giờ.
Trước kia và bây giờ nào chỉ khác nhau có bấy nhiêu. Tây Thi nhìn đăm đăm phân nửa số nhà san sát trước đây bốn mươi năm giờ đã nghiêng đổ.
Xe đi lần về hướng Quán Oa cung nổi danh ngày xưa.
Quán Oa cung do Ngô vương kiến tạo cho Tây Thi vào năm mươi năm trước, giờ tiêu điều trong cảnh ngói bể gạch vụn hoang tàn khiến Tây Thi dàu dàu:
- Thiếu Bá, chúng ta xuống xe xem!
Phạm Lãi khó nhọc bò lần xuống xe trước rồi phụ đỡ Tây Thi xuống theo. Cả hai đã già đến mức không sao cử động dễ dàng, nhưng lên xe hay xuống xe, Phạm Lãi vẫn cố gắng, không để cho gia nô đỡ dìu. Phạm Lãi dùng ý chí và năng lực chống lại sự suy nhược.
Nơi Quán Oa cung hoang phế, có hai lão già ăn mặc lam lũ đang bươi móc, lục lạo. Lúc thấy vợ chồng Phạm Lãi đến gần, một trong hai lão ngưng làm việc, đưa mắt lạ lùng nhìn hai vị khách ăn mặc thật rỡ ràng.
- Các người tìm kiếm gì đó? - Phạm Lãi dùng tiếng Ngô đơ đớ hỏi. Thời gian xa cách quá lâu, Phạm Lãi quá già, nói tiếng Ngô cứng ngắc khiến người nghe nhận ra liền là người nước ngoài.
Một trong hai lão già kia đáp:
- Chúng tôi lục lạo ở đây có thể tìm được đồ quý.
Tây Thi ngạc nhiên hỏi.
- Ở đây có chôn đồ quý sao?
- Tại sao không? Ngày xưa, chỗ này là Quán Oa cung! Nhị vị từ nước ngoài đến, tự nhiên không biết đó thôi. Trước kia, đại vương nước tôi kiến lập cung này cho Tây Thi ở, nghe nói có để trong cung rất nhiều đồ quý.
Phạm Lãi và Tây Thi đưa mắt cho nhau. Tây Thi lại hỏi:
- Tây Thi à? Người có đẹp không? Các người có thấy nàng lần nào chưa?
- Năm hai mươi tuổi, tôi nhìn được một lần. Tây Thi đẹp lắm, chưa bao giờ có người con gái nào đẹp đến mức đó! Đáng tiếc...
- Tiếc gì?
- Nghe nói bà vua nước Việt đã giết Tây Thi rồi.
Vợ chồng Phạm Lãi lại đưa mắt nhìn nhau. Bốn mươi năm qua, họ còn nghe được tin sau cùng thật mới mẻ này. Phạm Lãi không sao ngăn được mỉm cười bảo:
- Không có đâu. Bà vua nước Việt không có lý do giết chết Tây Thi.
- Gì mà không lý do? Tôi biết chuyện ấy rất rõ mà! Bà vua nước Việt cho Tây Thi là họa thủy làm mất nước nên mới đem giết. (Lão già kia nghiêm giọng thở dài, đoạn tiếp) Sau khi chinh phục Ngô vương, Việt vương vẫn như Ngô vương chúng tôi, kéo lên Trung Nguyên ở mặt bắc đại hội chư hầu. Xong việc, Việt vương trở về Hội Kê, hai năm sau lại đến Cô Tô, bắt dân thành Cô Tô đi đánh giặc cho Việt. Hồi ấy, tôi bị trưng dụng. Nhưng... (Lão già bỗng cười lớn) Chúng tôi đã làm cho vua Việt thua trận. Ha ha... Việt vương không hiểu chúng tôi không muốn đánh giặc mà lại đi trách một vong thần tên là Phạm Lãi gì đó...
Phạm Lãi đưa mắt cho Tây Thi khiến nàng không sao ngăn được tò mò hỏi:
- Người nói Phạm Lãi gì gì đó làm sao?
- Cái ông ấy giỏi ghê gớm lắm, đã giúp Việt vương đánh gục Cô Tô rồi chuồn êm. Việt vương tình nguyện chia nửa nước nhưng Phạm Lãi không nhận. Bởi thế, Việt vương bại trận thì cho là tại thiếu Phạm Lãi.
Phạm Lãi đắc ý mỉm cười, chỉ tay vào đống gạch ngói:
- Lão huynh đệ, người trông, ở đây có gì quý giá chăng?
Câu ấy hấp dẫn hai lão già, họ không nói chuyện khào với khách lạ nữa.
Phạm Lãi dìu Tây Thi đi sang một góc hoang tàn khác. Đối với những nghị luận lưu truyền, Tây Thi có phần ảo não nói nhỏ:
- Trong mắt mọi người thiếp là họa thủy, chàng là anh hùng!
- Anh hùng! (Phạm Lãi vuốt râu) Họ nói Tây Thi là mỹ nhân, nàng quên rồi sao?
Lẽ tự nhiên Tây Thi không quên, nhưng giờ phút này nàng vẫn buồn, nghĩ sâu về lẽ huyền bí của cuộc đời:
-Mỹ nhân đã chết từ lâu... Người ta nói thiếp bị giết là đúng. Mỹ nhân sao có thể để cho người đời nhìn ra là một bà già được? Anh hùng mới bất tử chứ mỹ nhân chỉ là họa thủy!
- Tây Thi! Nàng lại lôi thôi nữa! (Phạm Lãi cười cởi mở) Hay là cuộc đời chúng ta còn thiếu gì?
- Thiếp không có ý đó.
Tây Thi cúi xuống lượm một miếng ngói bể, một đầu miếng ngói hãy còn in dấu màu xanh. Tây Thi nhìn kỹ rồi dùng lai áo trắng tinh khiết chà làn bụi bám ngói hoang đoạn trao cho Phạm Lãi:
- Chàng cất giùm thiếp để làm kỷ niệm... Ngói này của Quán Oa cung, ngày xưa “người ta” tạo cho thiếp ở.
Phạm Lãi nhận ngói, làm ra vẻ thuơng cảm:
- Ta đã kiến tạo cho nàng chỉ một căn nhà!
- Chàng không thỏa mãn à? Thiếp đã dâng hiến cho chàng trọn vẹn bốn mươi năm rồi. (Tây Thi liếc chàng, nhắc lại) Thiếp đã hiến dâng tất cả...
Phạm Lãi cười:
- Nhưng nàng vẫn còn muốn giữ vật kỷ niệm của quá khứ.
- Thiếu Bá! Chàng không có lý do nói thế. Thiếp lượm một miếng ngói bể, mà chàng cũng ghen sao?
Tây Thi đẩy Phạm Lãi khiến Người cười hì hì kêu lớn:
- Ơ, ta già cả rồi, đẩy mạnh quá, rủi khi ta ngã thì bò dậy không được đó.
Ông chồng già lại dìu bà vợ già rời Quán Oa cung hoang phế. Dưới ánh sáng tàn chiều, xe nhỏ đi qua hướng Nam thành. Lúc nắng tắt hẳn, vợ chồng Phạm Lãi đến được Cô Tô đài ngày cũ.
Tây Thi đã chuẩn bị tinh thần không để quá xúc động trước Cô Tô đài chỉ còn là một đống gạch ngổn ngang. Nàng nói:
- Chúng ta đến xem Cô Tô đài bị thiêu rụi, thiếp nhớ lại ngày xưa thiếp cho rằng vĩnh viễn mình không thể tới được đây. Nhưng rồi chúng ta vẫn tới. Thiếu Bá, việc đời thật không sao tưởng tượng được. Ngày nào Cô Tô đài hùng vĩ cho mọi người ngưỡng vọng, thế mà giờ đây...
Bây giờ, Cô Tô đài chỉ còn là gạch đá làm tàn tích trên một khoảng đất thật rộng và cỏ mọc tràn lan thật rậm. Tây Thi còn thấy trong cỏ trùm đá lởm chởm có bóng chồn chạy thoáng qua.
Dĩ vãng như khói mây! Tây Thi bỗng nhớ đến thềm đá Cô Tô đài, nơi Ngô vương đã truyền trao Thuộc Lâu bửu kiếm cho Ngũ Tử Tư, điểm then chốt làm nước Ngô nghiêng ngửa. Tây Thi cũng nhớ lại tình cảnh Ngô vương bước xuống Cô Tô đài lần cuối.
Nàng hỏi nhỏ:
- Không hiểu nhóm Di Quang đã ra sao rồi?
- Ai biết? Nhưng chắc tất cả đều về trời! (Phạm Lãi thanh thoát nói thêm) Không phải chúng ta đã sống quá lâu sao?
- Phải, chúng ta đã sống quá lâu... Thoạt đầu thiếp những ngỡ Cô Tô đài sẽ đứng lâu nhất, không ngờ chúng ta còn đây mà nó sập rồi!
Vợ chồng Phạm Lãi bồi hồi với tâm tình hoài cổ, nhớ theo đá gạch ngổn ngang. Mặt trời lặn hẳn về Tây, cảnh vật nhuộm hoàng hôn tím. Chim bay về tổ, vẳng đưa đôi tiếng khóc chiều.
Phu xe từ trên thành nhảy xuống, cung kính thưa:
- Bẩm chủ nhân, trời đã tối rồi! Nghe nói ở đây có dã thú.
Phạm Lãi dường như tỉnh mộng, vỗ nhẹ vai Tây Thi:
- Thôi mình về... Không nên ở đây làm mồi cho dã thú.
Hoàng hôn úp chụp tàn tích của Cô Tô đài hoang phế. Tây Thi khổ sở hết sức rồi cũng đành nói lời âm thầm giã biệt Cô Tô.
Phạm Lãi hỏi:
- Tây Thi, sao nàng không lượm một miếng gạch ở đây đem về?
- Không. Quán Oa cung mới là của thiếp, trong quá khứ, có một dạo đúng y như vậy. Nhưng Cô Tô đài thì không phải. Thiếp đối với người ta đã có sự hối lỗi từ lâu, thì cần gì giữ vật kỷ niệm. (Tây Thi long lanh nước mắt) Thiếu Bá, chúng ta đi thôi! Bây giờ thiếp nghĩ, lẽ ra chúng ta không nên đến Cô Tô đài.
Đôi vợ chồng già chậm chạp lên xe. Phu xe đốt xong đèn lồng treo hai bên thành xe tuy ánh sáng hoàng hôn vẫn còn soi thấy đường đi.
Xe lăn bánh, Phạm Lãi bỗng chỉ tay sang bên, bảo:
- Đánh xe sang bên ấy, cứ việc cho xe đi, bao giờ ta bảo ngừng hãy ngừng.
Tây Thi không hiểu chồng muốn gì. Nhưng thấy xe lăn bánh vào vùng hoang vu, nàng biết chồng muốn tìm lại giáo trường của nhà Ngô vào bốn mươi năm trước. Nơi ấy là nơi huấn luyện quân Ngô uy trấn Trung Nguyên song rồi cũng bị tiêu diệt.
Xe đi một lúc, Phạm Lãi mãi dò tìm nơi muốn tìm nhưng Người thất vọng, thở dài:
- Ta muốn tìm một nơi song không tìm được.
- Chỗ nào? (Tây Thi mỉm cười) Có thể thiếp tìm được cho chàng?
- Chuồng ngựa. Trước kia, có đến sáu mươi năm rồi, ta và vợ chồng Câu Tiễn giữ ngựa cho Phù Sai ở chuồng ngựa ấy.
Tây Thi cố tìm nhưng cũng như chồng, nàng không sao tìm thấy. Bởi vì Cô Tô đài nguy nga đã đổ nát, mà phải có Cô Tô đài làm mục tiêu mới nhận ra phương hướng các vùng.
Tây Thi bỗng đứng lên trong lòng xe, vẫy tay với vùng hoang vu:
- Nhớ lâu quá rồi vẫn không sao nhớ được nữa. Thôi chào, giã biệt, vĩnh biệt!...
Sáng ngày hôm sau, vợ chồng Phạm Lãi cho xe đi một vòng khắp Cô Tô thành, sau đó, đoàn xe đi về hướng Nam.
***
Hội Kê thành bừng bừng hưng vượng năm nào, trải sáu mươi năm qua đã nhuốm vẻ cằn cỗi. Dân số có đông hơn song không có vẻ phồn thịnh, sánh với thủ đô Hàm Dương của nước Tần sinh khí đằng đằng thì thủ phủ của nước Việt có phần uể oải về chiều.
Người ta nói: Sinh lực của một quốc gia và một con người có chỗ tương đồng, có mức độ nhất định. Sinh lực của nước Việt đã tiêu tận hai mươi năm, cũng như là một người sau khi tận dụng hết sinh lực thì rất dễ dàng sinh ra suy nhược. Đời Việt vương Câu Tiễn, vì thù hận mà tập trung quốc lực dùng hết và đã thành công trong việc rửa thù. Nhưng đến đời con và cháu lên nối ngôi cha ông thì nước Việt vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của việc kiệt lực tuy mỗi người dân Việt hãy còn nhớ đến một đoạn vinh quang trong lịch sử.
Thỉnh thoảng người ta nhắc đến chuyện Câu Tiễn phá Ngô, Câu Tiễn nằm gai nếm mật... Về mặt tinh thần, người dân sống trong lịch sử vinh quang nhưng về mặt vật chất, người dân đã bị bần cùng hóa!
Người Hội Kê đi đi lại lại trên các ngả phố phường. Trước cung Việt vương bây giờ có một tượng đồng do từ đời Câu Tiễn đúc nên. Tượng đồng tạc hình công thần của nước Việt là Phạm Lãi.
Trong tim cũng như ngoài miệng người Hội Kê, Phạm Lãi vĩnh viễn bất tử. Nhưng rất ít người đến xem tượng đồng ấy, có lẽ do người ta đã quá quen thuộc rồi.
Phạm Lãi và Tây Thi đi qua đi lại ngang tượng đồng ấy có đến mười mấy lần. Nhưng không một ai nhận ra cả hai, cũng không ai màng chú ý đến cả hai.
Cả hai đến Hội Kê mười hôm, lần này không đi xe mang cờ hiệu “Đào Châu” nên không làm cho ai chú ý. Duy có Phạm Lãi cố ý tung tin mập mờ cho người Hội Kê đồn đại với nhau: “Đào Châu muốn đến Hội Kê”.
Ở Hội Kê, Tây Thi và Phạm Lãi được sống bình yên. Mỗi ngày cả hai đi dạo đó đây, đôi khi thuê xe bò ra vùng ngoại ô chơi. ở Hội Kê có rất nhiều nơi đáng cho cả hai lưu luyến. Như Hội Kê sơn là nơi tình đầu cả hai nẩy nở...
Qua mười hôm, vợ chồng Phạm Lãi di chuyển đến Gia Lãm, cố đô của nước Việt và cũng là nơi chôn rau cắt rốn của Tây Thi.
Sông nước vẫn như xưa, các thiếu nữ vẫn như sáu mươi năm trước, giặt lụa bên sông. Lúc nhìn thấy thuyền ô bồng, các cô dừng tay giặt lụa, ngắm nhìn.
Lúc thuyền ô bồng đến khúc sông quanh, gần như người người trên thuyền đều nhất tề kêu lên:
- Ở đây rồi, trông kìa, chỗ tảng đá đó!
Phạm Lãi và Tây Thi bước ra khoang thuyền, nhìn vào ven sông. Nơi ấy có mấy thiếu nữ giặt lụa và một phiến đá trắng.
Tây Thi dùng đúng giọng người Gia Lãm hỏi:
- Tảng đá ấy là gì?
Môt cô gái trả lời có vẻ trách móc:
- Coi, đó là tảng đá giặt lụa của Tây Thi ngày trước, bà là người Gia Lãm sao lại không biết chuyện này?
- à!... - Tây Thi ngạc nhiên liếc qua chồng.
Phạm Lãi thư thả bình thêm một câu:
- Vị mỹ nhân này bất tử!
- Mỹ nhân nào bất tử? (Một cô chen nói) Gia Lãm chúng tôi là đất sản sinh mỹ nhân. Phải kể Gia Lãm mới bất tử!
- Vậy thì tất cả đều bất tử phải không?
Phạm Lãi vừa cười vừa hỏi, vừa thúc thúc Tây Thi. Nàng mỉm cười, lòng vui thanh thoát thành nụ cười. Rồi tự nhiên, nàng đưa tay vuốt tóc. Mãi đến khi thuyền vượt qua tảng đá giặt lụa, mãi đến khi đoàn thuyền trở về im lặng, Tây Thi mới nói nhỏ bên tai chồng:
- Thiếp đã nói trước, thiếp sẽ như chàng, cùng bất tử!
- Ờ ờ, ta đành nhận vậy.
Phạm Lãi châm chọc, cách châm chọc rất khả ái:
- Tượng đồng của ta không ai màng ngó tới, nhưng tảng đá nàng đứng giặt lụa ngày xưa lại được tất cả các thuyền ngắm nhìn.
- Chàng ganh với thiếp à? (Tây Thi cười) Thật thì thiếp cũng không nhớ ra chỗ mình đứng giặt lụa nữa. Không biết có phải chỗ tảng đá ấy không?
Ở trên thuyền, Tây Thi vui mừng sung sướng, nhưng lên bờ, nàng lần lần mất vui. Cảh vật nơi quê hương thơ ấu của nàng đã thay đổi hết rồi. Cố hương bây giờ hoàn toàn xa lạ, không một ai nhận ra nàng. Tây Thi chợt cả thấy rằng, một người sống quá lâu thì buồn lắm!
Điều làm cho Tây Thi càng mất vui là: Gái Gia Lãm rất thích cau mày mà nàng không hiểu tại sao. Có lần nàng nhờ Phạm Lãi đi hỏi và được một cô thích cau mày nói:
- Trước kia, Tây Thi như vậy!
Tây Thi hoang mang, hỏi lại chồng và tự hỏi:
- Ngày xưa, ta như vậy thật chăng?
Không chỉ bấy nhiêu, gái Gia Lãm còn có thói quen ấp hai tay trước ngực, gọi là nâng tim. Bởi vì ngày xưa Tây Thi cũng hay làm như vậy.
Tây Thi cười khổ:
- Điểm bất tử của thiếp là nâng tim!
- Còn nhiều điểm khác nữa chứ! (Phạm Lãi cười) Nàng thấy không, người ta còn khắc tên nàng trên bia đá, nào là đường Tây Thi, nhà Tây Thi, có cả suối Tây Thi..
- Thôi đi...!
Tây Thi đưa hai tay lắc lắc:
- Chúng ta không thể ở đây rồi, ở đây thiếp đoản mệnh mất! Cả ngày cứ thấy cau mày, nâng tim... Không biết đẹp cái chỗ nào?
- Cái đẹp của quá khứ, có lẽ con cháu chúng ta mới thấy đẹp. (Phạm Lãi nhìn mây bay, hỏi luôn) Tây Thi! Bây giờ chúng ta đi đâu?
- Chàng còn muốn đi nữa à?
Tây Thi lắc đầu:
- Thiếp muốn về nhà bồng bế cháu chắt.
- Ta nghĩ, chúng ta nên dời nhà vào Ba Thục. Xem đại thế thiên hạ thì Ba Thục là nơi yên ổn.
Tuy cơ thể suy nhược, Phạm Lãi vẫn giữ vẹn hùng tâm. Nhưng Tây Thi có vẻ cương quyết:
- Thiếu Bá! Chưa bao giờ thiếp phản đối chàng, song lần này thiếp nhất định phản đối. Hãy để chuyện ngày sau cho những người sau chúng ta làm. Thiên hạ có biết bao vấn đề, một mình ta không sao làm xuể được.
Vì vậy, vợ chồng Phạm Lãi trở về nhà.
Lúc rời Hội Kê, Phạm Lãi để lại mũ trận, nhờ người đem tặng Việt vương. Trên chóp mũ có khắc tên Phạm Lãi. Kể từ đó, vợ chồng Đào Châu Công không đi lại các nước nữa.
Mũ trận của Phạm Lãi luôn được giữ kỹ ở thái miếu nước Việt.
Mãi đến một ngàn bốn trăm năm sau, vua Ngô Việt là Tiến Lựu khai quật Hội Kê sơn, bắt gặp mũ ấy liền đem dâng cho hoàng đế nhà Đại Tống.
Hết