Chương IX
Tác giả: Nam Cung Bác
Ngũ Tử Tư như mặt trời của nước Ngô. Chỉ
cần có Ngũ Tử Tư thì nước Ngô có ánh sáng, có sức nóng, huy hoàng, sáng lạn.
Quân đội dưới sự huấn luyện của Ngũ Tử Tư có thể đánh trên bờ, đánh dưới nước. Tuy thủy quân của Ngô đã có lần bị đánh bại trên mặt biển nước Tề, nhưng lực lượng chủ yếu vẫn không tổn thất. Còn về lục quân thì gần như độc bá Trung Nguyên rồi.
Năm xưa, người nước Trịnh chuyên dùng trận “Ngư Lệ” bây giờ quân Ngô cũng áp dụng cách đánh ấy tuyệt vời. Năm xưa, nước Sở khoe khoang chiến pháp “Qua kích liên xa”, bây giờ, chiến pháp ấy đã trở thành sở trường của quân Ngô.
Tất cẢ đều do Ngũ Tử Tư huấn luyện.
Nhưng trước sau như một, Ngũ Tử Tư vẫn phản đối Ngô vương có ý muốn độc bá Trung Nguyên. Lý luận của Ngũ Tử Tư là: Ngô quốc thuộc dân tộc phương Nam, lúc phương Nam còn chưa thống nhất thì không nên đặt chân lên mạn Bắc. Trái lại, Ngô vương thèm khát ngôi vị bá chủ Trung Nguyên với nhiều nguyên nhân phức tạp về mặt tâm lý: Các dân tộc phương Nam từ trước đến giờ bị người phương Bắc kỳ thị, khinh rẻ. Vào thời Phù Sai, nước Ngô đã hưng thịnh, nhưng người phương Bắc vẫn coi các nước phương Nam thuộc hàng man ri mọi rợ. Các quốc gia thuộc lưu vực Hoàng Hà, Trung Nguyên vẫn có sự kiêu hãnh tự tôn về lịch sử lập quốc dài lâu và đã có nền văn minh cao độ. Nói chung, các quốc gia phương Nam đều có sự tự ti mà khát vọng độc bá Trung Nguyên của Ngô vương phát xuất từ nguồn tự ti ấy. Ngô vương muốn dùng vũ lực để chứng minh người phương Nam không lạc hậu.
Nhan sắc mỹ lệ của Tây Thi cũng khuyến khích Ngô vương nuôi mộng bá vương theo quan niệm: Mỹ nhân sánh với anh hùng! Về mối quan hệ Ngô - Việt, Tây Thi chưa bao giờ bày tỏ ý kiến, nhưng đối với Trung Nguyên thì nàng nói nhiều, tạo nên một thứ anh hùng chủ nghĩa.
Có sự khuyến khích của nàng, Ngô vương phát khởi hùng tâm.
Vì vậy, nhà vua phái một số lớn dân công đến bờ phía Bắc Trường Giang, lập thành xây lũy bên sông Hàn. Đồng thời đào lạch ăn thông từ Trường Giang đến sông Hoài cho tiện vận lương. Dân công còn đào kinh thông thuơng, phía Bắc giáp với sông Nghi, phía Tây giáp với sông Tế, đưa biên cương nước Ngô giáp với nước Lỗ, nước Tống.
Ngô vương còn cho di cư một phần dân Giang Nam đến Giang Bắc, khai phá khu hoang vu Hoành Hằng giữa nước Ngô và Trung Nguyên.
Tiếp theo các công tác quân sự và chương trình thật qui mô về đắp đường, đào kinh, nền kinh tế nước Ngô bị ảnh hưởng không ít. Vì vậy, Ngũ Tử Tư càng lúc càng phản đối gay gắt chính sách Bắc tiến.
Có lần, trên đài Cô Tô, tôi chúa nhà Ngô đã tranh luận sôi nổi chưa từng có. Vị tướng phụ già nua đã thẳng thắn chỉ trích Ngô vương không biết tiếc công sức của nhân dân.
Phù Sai cũng cao giọng biện luận:
- Người phương Nam chúng ta dựng uy ở Trung Nguyên là bắt đầu từ thời đại của nước ta! Hôm nay, các nước Tề, Tấn, Lỗ, Tống, không một nước nào sợ chúng ta, Tướng phụ có biết không? Sau khi chương trình đào kinh đắp đường của chúng ta xong, hai nước Tề, Lỗ sẽ trở thành chư hầu phụ thuộc của ta!
- Nhưng chúng ta cứ khuếch trương mãi thì dân nghèo, tài tận! Bấy giờ, thần sợ Việt vương Câu Tiễn sẽ kéo quân man ri công phá Cô Tô thành.
Ngô vương bỗng bật cười cách khinh miệt:
- Tướng phụ ơi! Tướng phụ đã nói câu ấy trên mười năm rồi nhưng Câu Tiễn lại không thấy tới, ha ha!... Tướng phụ già rồi, liệu việc không còn sáng suốt nữa!
Tử Tư cảm thấy bị lăng nhục, toàn mặt bừng đỏ.
- Tướng phụ hãy nhìn xem trẫm độc bá Trung Nguyên! (Ngô vương vẫn tiếp giọng cao ngạo trùm đời). Với tình hình Trung Nguyên, trẫm cho là tướng phụ hiểu biết không nhiều. Đêm qua, Tây Thi nói rất đúng! Nói rằng “Các tướng Trung Nguyên đều già cỗi không tự giữ được”! Ha ha...
Ngô vương bỗng liên tưởng từ sự suy nhược của con người đến sự suy nhược của một quốc gia và ngược lại. Nhà vua bỗng ngưng cười, nhìn mái tóc bạc phơ của Ngũ Tử Tư:
- Tướng phụ cũng già rồi!
- Thần tuy già nhưng chưa đến mức không dùng được.
Tử Tư nặng mặt, hít một hơi dài, gằn giọng:
- Phù Sai, nếu ngài cứ nghe lời Tây Thi và ngày đêm nghĩ đến chuyện xưng bá ở Trung Nguyên, e rằng sẽ hối không kịp đâu!
- Tướng phụ! Muốn xưng bá ở Trung Nguyên là do trẫm chứ không phải ý của Tây Thi! Nói cách khác, trẫm mong tướng phụ không nên khắt khe và dèm xiểm đàn bà! Phải chăng, xúc xiểm đàn bà mới là anh hùng hảo hán?
- Phù Sai quên Tây Thi là mỹ nhân của nước Việt tiến cống?
- Nhớ lắm chứ! (Ngô vưng bỗng nói như thét). Trẫm có thể thâu dụng người nước Sở mà không thể thâu dụng người Việt sao?
- Phù Sai!
- Trẫm không muốn có người làm thuơng tổn Tây Thi!
Ngô vương không một chút lưu tình nói tiếp:
- Nàng là phu nhân của trẫm, trẫm không muốn có ai can thiệp vào cuộc sống vợ chồng của trẫm. Cũng như trẫm chưa bao giờ nói về gia sự của tướng phụ. Nhưng, tướng phụ, không phải là trẫm không biết nhân lần đi sứ sang Tề, tướng phụ đã đem con theo và mãi đến bây giờ vẫn còn để lại bên Tề!
- Phù Sai! Thần mang con sang Tề du học.
Ngô vương cười nhạt.
- Cho nên tướng phụ ngăn trẫm phạt Tề!
- Phù Sai!...
Sự tôn nghiêm của Ngũ Tử Tư đã bị thuơng tổn nặng nề. Tử Tư là người sáng lập ra nước Ngô, nói cho đúng là đã biến nước Ngô từ tồi tệ thành cường thịnh. Mãi đến ngày nay, Tử Tư cũng vẫn là người cúc cung tận tụy với nước Ngô. Nhưng giờ, tấc lòng trung trinh đã bị nghi ngờ đến không sao chịu đựng. Tử Tư vỗ bàn, quát:
- Phù Sai, ngài bảo ta tư thông với ngoại quốc chăng?
- Trẫm nghĩ là không. Nhưng tướng phụ đưa con ra ngoại quốc du học sao không cho trẫm biết? Với trẫm điều ấy thật không vui chút nào!
- Lúc đi, con ta đã làm đúng thủ tục quốc gia. (Tử Tư hầm hầm nói tiếp). ở nước Tề, con ta sống chung với con của tướng quân Vương Tôn Hùng! Đó là việc ta có thể quyết định trong phạm vi quyền hạn. Người xuất ngoại du học chưa bao giờ bị bắt buộc phi báo cáo với vua.
- Dưới mắt tướng phụ, trẫm là vị vua ngồi cho có vị.
Căm tức chuyện Ngũ Tử Tư nói động đến Tây Thi, Ngô vương cố ý buộc gắt lại:
- Cho nên tướng phụ không muốn cho trẫm làm bá chủ Trung Nguyên.
Ngũ Tử Tư đã hết mức chịu đựng:
- Phù Sai, ta từ chức là xong!
Nói xong, Tử Tư quay phắt, đi xuống lầu.
Tây Thi đang ngủ say, không hay có việc tranh cãi ghê gớm giữa vua tôi nhà Ngô.
Ngô vương thống khổ vì mối mâu thuẫn khó giải quyết. Ngũ Tử Tư chuyên quyền càng lúc càng làm cho nhà vua chịu không nổi. Nhưng Ngũ Tử Tư và nước Ngô, kể cả với chính bản thân Ngô vương có liên quan sâu xa như máu với thịt. Cho dầu thế nào, Ngô vương cũng không thể để cho Ngũ Tử Tư rời chức tướng phụ. Nhưng giữ Ngũ Tử Tư thì lại làm mất thể diện nhà vua. Thế nên Ngũ Tử Tư đi rồi mà Ngô vương vẫn còn thịnh nộ, ngồi im rất lâu.
Di Quang lén vào đánh thức Tây Thi, thuật cho nàng nghe cuộc tranh cãi vừa rồi, đồng thời nói thêm:
- Tây Thi, đây là cơ hội trừ Ngũ Tử Tư tốt nhất!
Tây Thi chớp chớp mắt, nhìn khắp bốn bên hỏi nhỏ:
- Đại vương đâu?
- Ngài còn ngồi lặng bên ngoài có đến nửa giờ rồi.
- à... thế thì theo mình nghĩ, Ngô vương sẽ không chịu để cho Ngũ Tử Tư từ chức.
- Nếu chị chịu khó nói vô một chút thì cụộc diện sẽ đổi khác. Trong cuộc tranh cãi vừa rồi có ghép chị vô. Ngũ Tử Tư nhắc đến chị, đại vương mới phát giận. Hơn nữa, còn sinh nghi ngờ lòng trung thành của Ngũ Tử Tư. Tây Thi, chị còn nhớ không? Có hôm Thái tể đến mật báo với đại vương chuyện Ngũ Tử Tư đưa con sang Tề. Lúc ấy đại vương không xem chuyện vào đâu, nhưng hôm nay thì hoàn toàn khác hẳn. Đại vương lấy điểm ấy ra công kích. Và, Ngũ Tử Tư cũng vì điểm ấy mà từ chức.
Di Quang phấn khởi nói thêm:
- Tây Thi, đây là cơ hội tốt, chị không nên bỏ qua!
Tây Thi vươn vai miễn cưỡng gật đầu:
- Di Quang ra mời đại vương đi, bảo là Tây Thi đã thức.
Bước vào phòng ngủ, câu đầu tiên Ngô vương nói ra là:
- Ngũ Tử khinh người quá lắm!
Tây Thi không nói gì, nắm tay Ngô vương kéo ngồi xuống. Sau đó nàng ngồi tựa vào đầu gối nhà vua, nói giọng dịu dàng:
- Quân vương quên hết những chuyện không vui ấy đi! (Nàng cười buồn). Thiếp không hiểu sao, tướng phụ cứ luôn ghét thiếp. Mười năm rồi, không, mười mấy năm rồi...
Ngô vương không muốn nói thẳng nguyên nhân làm cho Ngũ Tử Tư bất mãn để giữ sự tôn kính của một quân vương. Nhà vua chỉ thở dài, đáp cách lửng l:
- Có lẽ là do đố kỵ. Mười mấy năm rồi, khanh càng lúc càng đẹp!
- Nữa!... - Tây Thi cắn đùi nhà vua một cái.
- Ui da!...
Ngô vương nhảy nhổm, đồng thời choàng ôm nàng. Nhân đó, hai tay Tây Thi choàng vòng cổ nhà vua, nàng kề sát tai ngài nói nhỏ:
- Quân vương! Hãy đến nhà Ngũ Tử Tư một chuyến, an ủi người, tạ tội với người.
Ngô vương tròn xoe mắt, lắc đầu. Tây Thi lại nói giọng thật êm:
- Một vị bá vương, quan trọng hơn hết là phải có đảm lượng dung người. Năm xưa, Quản Trọng bắn Tề Hằng công một mũi tên, Tề Hằng công vẫn dùng Quản Trọng làm tướng. Câu chuyện xưa ấy hàm chứa rất nhiều đạo lý. Quân vương, thái độ của Ngũ Tử Tư tuy không tốt nhưng xuất phát điểm lại tốt. Đối với nước Ngô, Ngũ Tử Tư rất mực trung thành.
Ngô vương trầm ngâm, không trả lời liền.
Giọng của Tây Thi càng êm như ru:
- Quân vương ơi, nghe thiếp một lần đi, có được không?
Sự dịu dàng của Tây Thi làm cho nhà vua mềm nhũn. Ngài gật đầu:
- Khanh muốn trẫm đi thì trẫm đi thôi!
Tây Thi xoa má Ngô vương:
- Nói miễn cưỡng quá!
- Thôi thì trẫm đi liền.
Ngô vương đặt nhẹ Tây Thi xuống.
Ngũ Tử Tư được an ủi giữ lại chức vụ. Thêm một lần Tây Thi phản bội sứ mạng nhưng nàng không mảy may áy náy.
Riêng nội bộ nhà Ngô không vì việc Ngô vương hạ mình đến nhà Ngũ Tử Tư mà vầng mây u ám giữa chúa tôi được quét sạch.
Đại phu nước Việt là Phùng Đồng đã trở thành gia thần trong phủ của thái tể Bá Hi cố hết sức tạo mầm ly gián. Đầu tiên là tạo sự hiềm khích giữa Ngũ Tử Tư và Bá Hi. Phùng Đồng chủ mưu vì Bá Hi mà đoạt chức tướng phụ của Ngũ Tử Tư.
Chính sách của nhà Ngô càng lúc càng phân hóa. Ngũ Tử Tư luôn luôn chủ trương bình Nam thay vì phạt Bắc, trở thành mục tiêu cười ngạo của triều thần. Bá Hi lại chủ trương phạt Bắc, khi dậy hùng tâm của Ngô vương.
Ngô vương lại phát binh nữa, nhằm vào hai nước nhỏ dưới sự ảo vệ của nước Tề.
Với binh lực hùng mạnh của nhà Ngô mà tiến đánh hai nước nhỏ thì tất nhiên chiến thắng dễ dàng. Từ đó, Ngô vương hạ lệnh tuyển năm trăm chiến xa, ba ngàn bộ kỵ binh, chuẩn bị tiến lên mặt Bắc.
Các nước Trung Nguyên lần lượt bị quấy nhiễu. Hai nước lớn Tề, Tấn binh lực không còn được như xưa. Đến như nước Sở, ngày xưa uy vũ hiển hách biết bao nhiêu nhưng sau khi bị Ngũ Tử Tư công phá thủ phủ cũng trở thành chiều tà ngã bóng, không ánh sáng. Các nước ấy tự lo bảo vệ còn không xuể, dám đâu chia lòng chiếu cố các nước nhỏ. Vì vậy, Ngô vương cho rằng chỉ cần năm trăm chiến xa là đã đủ khuynh đảo Trung Nguyên.
Nhưng lúc Ngô vương tuyên bố quyết định giữa đại điện thì Ngũ Tử Tư lại ra mặt phản đối.
Tướng quốc nhà Ngô chỉ trích: xuất sư chẳng được danh gì. Đồng thời Ngũ Tử Tư còn trình bày những tin tình báo góp nhặt được, theo đó thì gián điệp nước Việt đang hoạt động mạnh trên nước Ngô.
Bá Hi nắm lấy cơ hội, đứng lên:
- Tướng phụ sợ đại vương đánh Tề, diệt Tề!
Ngũ Tử Tư giận, thét:
- Bá Hi! Ta không cho phép Thái tể nói loạn! Tề quốc và ta không có chút liên quan nào hết. Nhưng sau khi bị đánh bại, Tề có thể liên hiệp với Tấn, với Sở. Chúng ta tấn công các thuộc quốc của Tề, nếu Tề liên hiệp với Tấn, Sở, có phải đặt chúng ta vào hoàn cảnh khó xử không? Hãy còn một điều này, lần trước chúng ta phạt Tề cứu Lỗ nhưng bây giờ, mối quan hệ giữa Tề - Lỗ thật hết sức vi diệu. Theo ta thấy, người Lỗ không phải là bạn đồng minh trung thành của chúng ta.
Ngừng lại một thoáng, Ngũ Tử Tư nói tiếp:
- Nhưng tất cả đều không quan trọng bằng nước Việt...
Ngô vương chận liền:
- Tướng phụ lại nhắc đến Việt rồi!
- Đại vương! (Ngũ Tử Tư cất cao giọng). Thần nhận được tin suốt tám tháng qua, Việt vương đã phái sứ giả nhập Sở, Tề, Tấn. Hơn nữa, còn đưa người vào Tần, dã tâm của Câu Tiễn không nhỏ đâu! Đồng thời, tướng nước Việt là Gia Kê Dĩnh đã mượn danh tuần tra từ hai tháng trước để đóng binh ở Đương Dương, Dư Hàng, mãi đến nay chưa rút về.
Bá Hi nói:
- Đương Dương, Dư Hàng thuộc lãnh thổ của nước Việt đấy!
- Chưa bao giờ có việc đóng quân nơi khu vực ấy! (Ngũ Tử Tư trịnh trọng nói tiếp). Lại nữa, vào hai tháng trước, đã thấy có quân tuần tra của Việt xuất hiện ở Thái Hồ, mà Thái Hồ thuộc địa phận của chúng ta, Tại Ngô Hưng, quân phòng của ta bắt được tám tân quân Việt. Thần hạ lệnh áp giải tám tên ấy trả về Việt đồng thời nghiêm trách chuyện vượt biển. Chính Câu Tiễn tự viết chiếu xin lỗi, đổ tội cho binh sĩ đi lạc đường. Thử hỏi, quân tuần tra sao lại có thể đi lạc đường hàng trăm dặm vậy?
Ngô vương dàn giải cách ôn hòa:
- Cũng không có gì quan trọng lắm! Trẫm để Thái tử Hữu ở lại giữ nước, có tướng phụ hiệp trợ thì Việt dám vọng động sao?
Nhà vua ngừng lại, nghĩ ngợi rồi bỗng cười:
- Tướng phụ thử nói xem tình hình Trung Nguyên sẽ cậy vào đâu?
- Bằng vào thực lực thì nước Tề không dám xuất binh cứu những thuộc quốc. Nhưng chúng ta chiếm được vài thành thì có ích lợi gì? Nếu người Tề sợ chúng ta được một tấc sẽ nhích ra một thước, khuynh đảo quốc gia họ thì họ sẽ liên hiệp với người Tấn chống lại chúng ta. Cuộc chiến bấy giờ sẽ rất khó khăn. Hn nữa, không phải chỉ dùng năm trăm chiến xa là có thể giải quyết được.
Ngô vương vẫn mỉm cười:
- Thế thì năm trăm chiến xa không đủ dọa Tề à? Người Tề phải biết, ngoài năm trăm xe, chúng ta hãy còn một số lớn binh sĩ khác.
Ngũ Tử Tư chưa kịp trả lời, Bá Hi đã chận nói trước:
- Đại vương, chúng ta nên trưng dụng số lính mới ở Bình Vọng chuyển lên mặt Bắc. Nếu người Tề dám đối địch, chúng ta sẽ công phá Lâm Truy.
- Lính mới ở Bình Vọng... (Ngô vương đắc ý cười). Đúng rồi. Tướng phụ nên cho ba ngàn lính mới ở Bình Vọng theo trẫm Bắc tiến.
Ngũ Tử Tư đỏ mặt. Bộ phận lính mới ở Bình Vọng do Ngũ Tử Tư lập ra trong sáu năm. Đó là số quân thiện chiến dưới nước lẫn trên bộ. Họ không cần có chiến xa yểm trợ, tính chất di động của họ cũng rất cao.
Ngũ Tử Tư đã tuyển toàn những lính tráng kiện ở các nơi để huấn luyện và thành lập bộ phận này nhằm đối phó với nước Việt. Đoán chắc thế nào cũng có một hôm nước Việt nổi dậy, Ngũ Tử Tư xem bộ phận ở bình Vọng là chủ lực đối đầu. Nay Ngô vương muốn đoạt lực lượng sau cùng này nên Ngũ Tử Tư nhất định phản kháng:
- Lính mới ở Bình Vọng không thể trưng dụng được.
Bá Hi nhanh nhẩu nói liền:
- Nhưng đại vương cần trưng dụng!
- Cũng không được! Không được!
Ngũ Tử Tư thét lớn, sự từ chối ngay tình như vậy làm cho Ngô vương vô cùng khó xử. Nhà vua cho rằng Ngũ Tử Tư đã khiêu chiến với vương quyền. Vì vậy, Ngô vương cố dằn lòng, nhấn mạnh:
- Để bảo đảm thắng lợi cho cuộc Bắc tiến, trẫm cần cánh quân ấy. Tướng phụ, chúng ta luyện binh là để đánh giặc. Giữ lại không dùng thì luyện binh để làm gì?
- Đại vương! (Tử Tư sốt ruột). Thần luyện binh ở Bình Vọng là để đề phòng nước Việt. Quân số được bốn ngàn, thần chia ra làm bốn nhóm, mỗi nhóm phục dịch ba tháng. Số còn lại thì trong chín tháng lo việc bắt cá, đi săn. Bây giờ đại vương lấy đi ba ngàn là hủy diệt bộ phận phòng thủ phương Nam. Một khi quân Việt tấn công thì có thể đánh rốc một mạch đến Cô Tô đó. Bấy giờ đợi khi đại vương về kịp, e rằng Cô Tô đài đã bị diệt rồi!
Không muốn nghe cách nói trút giận kiểu đó, Ngô vương quát:
- Tướng phụ! Trẫm quyết định dùng quân Bình Vọng. Trẫm không cần để quân hậu bị.
Ngăn cản lần chót, Ngũ Tử Tư vận dụng đến tướng quyền:
- Đại vương! Lão thần cự tuyệt phát binh!
Quần thần trong điện đều giật nảy. Mặt Ngô vương trở xanh, hai tay run thấy sợ.
Đại phu Vương Tôn Hùng bước ra nói với Ngũ Tử Tư:
- Tướng phụ, đại vương đã quyết định chinh Bắc...
- Đó là cuộc chinh phạt vô danh. Chúng ta có thể thắng nhưng thắng lợi ấy không ích lợi gì.
Vương Tôn Hùng hạ giọng:
- Tướng phụ! Bắc tiến là quyết sách của đại vương.
Ngũ Tử Tư hùng dũng quay sang quần thần, cất cao giọng:
- Làm tướng một nước không thể không để ý đến sự an nguy của quốc gia. Ta không thể để cho đại vương đem vận mạng quốc gia mà vứt vào sọt rác, trừ phi ta rời chức tướng phụ.
Vương quyền của nhà vua bị tổn thuơng trầm trọng. Hết chịu đựng được nữa, Ngô vương đứng lên, rít răng truyền lệnh:
- Bãi triều!
Lúc quần thần còn ngạc nhiên, ngơ ngác, Ngô vương hầm hầm bỏ đi.
Kể từ lên ngôi, chưa bao giờ Ngô vương bị nhục thế này. Huống chi bây giờ là lúc Ngô vương định làm bá chủ thiên hạ, làm sao có thể để cho kẻ bề tôi thao túng, khống chế? Càng nghĩ Ngô vương càng cảm thấy Ngũ Tử Tư lấn lướt mình. Mâu thuẫn chính trong việc Nam chinh Bắc phạt đã làm cho Ngô vương chịu đựng hết nổi, huống chi còn cả vấn đề của Tây Thi nữa.
Mười mấy năm qua, Tây Thi không một lần công kích Ngũ Tử Tư, nhưng Ngũ Tử Tư thì luôn luôn đố kỵ nàng. Bấy nhiêu đủ thấy tâm địa Ngũ Tử Tư quá đỗi hẹp hòi! Huống chi công kích Tây Thi tức là khinh miệt chính Ngô vương vậy.
Nhà vua vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Ta báo đáp ơn tướng phụ như thế đủ rồi.
Thái tể Bá Hi và đồng đảng là đại phu Khuyết Hùng bước theo bẩm báo:
- Muôn tâu đại vương, tướng phụ đã phát lệnh cho toàn quân không được phép di động.
Ngô vương liếc nhìn họ một cách gay gắt, nạt:
- Các ngươi đi đi... Ta biết rồi.
Khuyết Hùng cố nói:
- Đại vương! Không quyết đoán cơ hội này sẽ nguy hiểm cho quốc gia.
Ngô vương dừng bước, nghiến răng. Bá Hi bước đến gần nói tiếp:
- Đại vương! Nếu tình hình này phát triển thì người trong nước chỉ biết có tướng phụ chứ không biết có đại vương! Quyền thế của tướng phụ quá lớn không phải là cái phước của quốc gia. Một mai tướng phụ có lòng riêng thì sẽ nảy sinh những điều không thể tưởng tượng...
Ngô vương đang nổi giận, chừng như suýt nổ tung. Tay chân và môi nhà vua run run...
- Đại vương, tướng phụ yêu cầu truất phế Tây Thi, tiêu diệt nước Việt.
- Ta biết, ta biết rồi, các khanh đi đi!
Ngô vương nói như thét, vừa nói vừa khỏa bước chạy lên Cô Tô đài.
Trên đài Cô Tô, Tây Thi đã nhận được báo cáo. Nàng đứng trên bình đài chờ đợi Ngô vương. Nàng tư lự... Tình cảm giữa quân vương và tướng phụ ngày càng tồi tệ, e sẽ có ngày hết phương cứu vãn.
Cái ngày ấy, toàn dân nước Việt đang chờ đợi. Nhưng Tây Thi, gái nước Việt thì lại thầm lo cái ngày ấy đến.
Cuối cùng, ngày ấy đã đến...
Tây Thi nhìn thấy Ngô vương hầm hầm đi lên, chân bước loạn, toàn thân dường như đang phát run. Tây Thi giật mình, kinh sợ, muốn sấn xuống đón.
Ngô vương đã lên tầng thứ nhất.
Ngô vương lại vượt tầng thứ hai.ở thềm đá tầng ba, Tây Thi nhìn thấy rõ Ngô vương mặt mày đỏ như gấc. Nàng hổn hển kêu lên:
- Đại vương!
Ngô vương gật đầu ngẩng lên. Cơn giận quá độ làm cho nhà vua mất quân bình, Thuộc Lâu bửu kiếm đang nằm lủng lẳng bên lưng nhà vua đập vào thềm đá phát ra tiếng keng rồi rơi xuống đất.
Thị vệ trên thềm toan cúi xuống lượm dâng, nhưng Ngô vương đã lượm kiếm trước, nhìn kiếm đăm đăm. Đi lên ba bậc thềm, Ngô vương bỗng rút kiếm ra.
Khoảng cách với Ngô vương rất gần, Tây Thi nhìn thấy ánh kiếm sáng lạnh khiến nàng phát run.
- Lại đây!
Ngô vương rít răng bảo, nhân thể rút kiếm ra khỏi bao trao cho thị vệ:
- Đem kiếm giao cho tướng phụ!
Tây Thi nghe thế, toàn thân rợn lạnh, Ngô vương tất tả bước lên bình đài. Tây Thi sụp quỳ:
- Đại vương! (Nàng khóc không ra tiếng) Quân vương không thể...
Tên thị vệ nhận kiếm còn đứng nơi bệ đá. Ngô vương thét như rống:
- Đi đi! Ngươi còn chờ gì?
- Đại vương!...
- Ta không cho phép khanh mở miệng!
Ngô vương quay thét với Tây Thi đang quỳ toan nói. Kể từ bước vào cung Ngô, đây là lần thứ nhất nhà vua quát nạt Tây Thi.
Nàng giật mình, ngưng khóc, đưa mắt lấm lét nhìn Ngô vương. Nhưng dường như cơn giận đã làm mờ mắt nhà vua...
Tên thị vệ cầm kiếm tuy bị khiển trách nhưng vẫn chưa bước đi. Đến khi thấy Tây Thi bị nạt thì hắn biết sự việc không mong cứu vãn rồi. Hắn biết, trong lịch sử Cô Tô, Tây Thi được nhà vua tôn kính như thần. Thần còn bị nạt thì không còn việc gì hy vọng nữa. Vì vậy, hắn bước chậm rãi xuống lầu.
Hài da của thị vệ giẫm trên phiến đá như là giẫm đạp lòng Tây Thi tan nát. Nàng cảm thấy tim phát đau nhói, thân dần gục xuống.
Ngô vương nắm chặt hai đầu tay, đứng run. Cơn thịnh nộ đã qua, bây giờ nhà vua chợt cảm thấy trống không, thứ cảm giác dường có, dường không, như mây như khói, lờ mờ, phảng phất. Trong giây phút ấy, Ngô vương cảm thấy như linh hồn và thân xác tách ra, không biết làm cách nào cho hòa hợp lại.
Ngô vương lê bước nặng nề bước đến lan can.
Sau cơn đau tim, Tây Thi đã thở được, mặt mày trắng xanh nhưng thần trí không mê muội. Nàng ngẩng nhìn, đi bằng đầu gối đến bên lan can, hai tay ôm choàng chân Ngô vương khóc gọi:
- Đại vương!... Đại vương!...
Nhà vua đăm đăm nhìn mây không chớp, trong giây phút này, dường như Ngô vương đã đánh mất đi mọi ý nghĩ.
Giây phút này quan trọng nhất trong lịch sử nước Ngô! Tây Thi sợ sệt và đau khổ nghĩ thầm: Phù Sai làm thế là làm sụp đổ vũ trụ, không nghi ngờ gì nữa! Phù Sai làm thế là tự diệt mình, không nghi ngờ gì nữa!
Tây Thi chợt nhớ lời người dân Việt nói: “Ngày nay không có Ngũ Tử Tư thì ngày mai không có Ngô quốc!”.
Tây Thi lại nghĩ: Không có nước Ngô thì cũng không còn Ngô vương!
Tây Thi lại cảm thấy rợn lạnh đáng sợ. Nàng khóc gọi:
- Đại vương!... Đại vương!... Không thể... Tướng phụ không thể...
Ngô vương đứng lặng. Để bảo vệ vương quyền, để bảo vệ sự tôn kính của nhà vua, Ngô vương cho mình đối xử với Ngũ Tử Tư như thế không sai. Nhưng lật lại lịch sử nước Ngô thì lẽ ra nhà vua không nên xử sự như vậy. Mâu thuẫn ấy không biết làm sao giải quyết cho ổn thỏa.
Bây giờ, chính Ngô vương lại cảm nhận một nỗi đau khổ mới. Bởi vì, trong cơn thịnh nộ, nhà vua đã lỡ nạt nộ Tây Thi.
Lâu lắm, lâu lắm, nhà vua mới phát tiếng thở dài.
Tây Thi lại khóc nói:
- Đại vương! Tướng phụ là trụ cột của Ngô quốc!
Ngô vương vẫn không nói gì.
Tây Thi tuyệt vọng lắc đầu:
- Đại vương! Thiếp cầu xin ngài...
Một tay gác trên lan can, Ngô vương hờ hững đáp:
- Trẫm không chịu đựng được nữa.
- Đại vương! Cố gắng thêm chút nữa. Đại vương không nên giết tướng phụ... Tướng phụ và nước Ngô...
- Tây Thi! - Nhà vua khoát tay ngăn nàng nói.
Nhưng Tây Thi vẫn gác mặt lên chân nhà vua, khóc nói:
- Phù Sai i!... Thiếp vì ngài đó! Tướng phụ là người giúp ngài giữ vững ngôi vua. Tướng phụ là người giúp cho đại vương được liệt quốc kính sợ.
Ngô vương thoắt chấn động. Bên tai Ngô vương dường như có ngàn vạn âm thanh chấn động! Run rẩy, từ từ, nhà vua đưa tay kéo Tây Thi đứng lên.
- Đại vương, xin nhận lời thiếp thỉnh cầu.
Trong giây phút ấy chợt có tiếng hài da của thị vệ bước lên bình đài. Tây Thi nghe tiếng bước chân, vội ngẩng lên. Và nàng nhìn thấy thị vệ nâng Thuộc Lâu bửu kiếm đi tới...
Mặt trời Ngô quốc đã rụng rồi! Khung trời Ngô quốc đảo điên rồi! Nhưng người nữ gián điệp của nước Việt là Tây Thi lại vì đó mà ngất xỉu!