HỌ VẪN ĂN VÀO CÁI XÁC CHẾT
Tác giả: Ngô Tất Tố
Ông lý Bá làng tôi đáo để thật! Tôi xin thuật ra đây một cái "đáo để" mà ông ta đã dùng để kiếm tiền.
Một hôm trời gần tối, người tuần phu đến lượt quét chợ, hấp tấp chạy vào trình rằng ngoài chợ có bà lão ăn mày chết. Ông ta hỏi:
- Nó nằm ở gian hàng nào? - Bẩm ông, nằm ở gian hàng bà năm Ngẩn.
- Có phải gian hàng bán quà bánh phải không?
- Bẩm vâng!
- Được rồi, thế thì mày đi gọi con mẹ năm Ngẩn lại đây, bảo đã.
Anh tuần chạy đi một lát thì thấy mụ năm Ngẩn lật đật chạy theo đến. Ông lý ra vẻ ôn tồn nói:
- Chỗ bà con tôi bảo thật, ngày mai có phiên chợ, gian hàng bán quà bánh của bà lại có cái xác mụ ăn mày nằm chết tại đấy, thì ngày mai bà hãy nghỉ hàng, vì tôi còn phải trình quan khám biên đã rồi mới đem nó đi chôn được, và sau này bà có phải lên tỉnh xuống huyện khai báo về cái xác chết ấy thế nào, bà cứ liệu mà nói. Nhưng khéo ra bà cũng phí tổn ít nhiều, vì nó chết ở gian hàng của bà, nếu không khéo thì cũng rầy rà kia đấy.
Mụ Ngẩn nghe nói rụng rời, những nghe nói hàng mình có xác chết đã sợ, lại thấy nói phải lên quan thì kinh hãi biết dường nào, hàng bán đồ ăn thức uống, thuế nộp rồi, nếu cả chợ họ biết người chết ở gian hàng mình thì còn ai mua bán gì nữa. Mụ bèn năn nỉ nói:
- Chết chửa, thế thì làm thế nào? Thưa ông, nhờ ông nghĩ giùm cháu, nhờ ông châm chước đi cho.
- Châm chước thế nào? Xác chết ở hàng nhà bà, chẳng lẽ bây giờ bà bảo tôi đem về nhà tôi chăng?
- Thôi, trăm sự nhờ ông, ông nghĩ cách nào cho cháu nhờ thì cháu không dám quên ơn ông.
- Cứ về lo lấy chục quí (10p) đem lại đây thì tôi liệu cho. - Chết! Nhà cháu còn có gì nữa, vốn liếng được bao nhiêu, ông dạy thế thì cháu lo liệu làm sao cho được, lạy ông giơ cao đánh sẽ, xin ông làm phúc giúp cháu.
- Thôi thế thì chục gián (6p) là nhẹ lắm rồi, chẳng qua là cái hạn của bà, bán đường dài mua đường ngắn chỗ bà con tôi cũng đành cáng lấy cái chết cho bà vậy, nếu bà còn nói lôi thôi nữa thì tôi mặc, sau này bà phí tổn vài ba chục thì bà đừng trách tôi khoảnh độc.
Mụ Ngẩn tụt bao lưng, giốc ra một cái túi vải nâu, đổ ra đếm cả xu lẫn hào và tiền trinh được 1p30 và ba cái giấy một đồng, vừa khóc vừa nói:
- Thưa ông, cả cửa nhà cháu chỉ có thế này, xin ông làm ơn nhận giúp cho, nếu còn nữa, cháu không dám tiếc, nếu bây giờ đi vay mượn đâu, sợ lộ chuyện có đứa nó cáo giác ra thì cháu chết, thôi xin ông dón tay làm phúc.
Ông lý ngần ngại một hồi mới chịu nhận và dặn phải kín đáo. Anh tuần phu chạy theo đánh chó cho mụ Ngẩn đi ra rồi lại quanh vào đứng dựa cột chờ lệnh ông lý. Ông lý ngước mắt nhìn bác tuần phu ra vẻ đắc chí.
- Con mẹ này xưa nay vẫn có tính keo bẩn, bây giờ bóp cổ mới chịu lè lưỡi. Thầy trò ta có chén rồi đây! Bây giờ mày chịu khó một tí nhé, mày ra kéo cái xác con mẹ ăn mày đến gian bán thịt của thằng Khướu, rồi mày lại gọi nó đến đây cho tao, ông cho thằng này một vố nữa đã!
Anh tuần phu dạ một tiếng dài, một tiếng dạ có hơi kim khí! Lanh lẹ ra đi một lát đã thấy bác Khướu, rượu say bí tỉ, miệng bỏm bẻm nhai trầu tiến vào, tưởng là cụ Bá có lợn muốn bán. Sau tiếng chào của bác Khướu, cụ Bá hất hàm hỏi:
- Mai anh mổ mấy lợn?
- Bẩm cụ, mai vừa tết Đoan ngọ lại chính phiên chợ, cháu mổ cả thảy ba lợn, lại lấy thêm thịt bò về bán kèm nữa, trong cụ có lấy gì xơi không?
Cụ Bá cau mày:
- Thế thì lỡ việc của anh rồi, tuần nó vừa vào trình tôi rằng tại gian hàng của anh có người ăn mày chết về bệnh tả, anh thử ra xem có thực thế không, nhưng đừng làm huyên náo mà mất cả buôn lẫn bán đấy.
Câu nói của cụ Bá chẳng khác gì tiếng sét đánh vào tai bác Khướu, mắt tròn lên, miệng há hốc ra, hơi men như ngừng bốc, những giọt mồ hôi trên trán toát ra. Giữa tình trạng ấy, cụ Bá cứ làm thinh lơ đãng như không để ý.
- Chết! Lợn, cháu đã lấy về lò sát sinh rồi, thịt bò, cháu đã đặt tiền rồi, làm thế nào hở cụ?
- Làm thế nào, anh hãy nghỉ hàng, mai tôi còn trình quan khất khám, còn tẩy uế đã, rồi trước mặt quan, cửa hàng của anh có xác chết, anh muốn khai thế nào thì khai, tôi biết đâu.
Anh tuần đứng ngoài hớt vào:
- Thôi, bác nói với cụ, nhờ cụ che chở châm chước đi cho, buôn bán còn lâu dài, nếu để đến ngày mai, cả chợ họ biết gian hàng của bác có người chết dịch tả thì bác bán thịt cho ma nó ăn.
- Vâng, bác ấy nói chính phải, cháu cũng nghĩ thế, thôi xin cụ làm ơn giúp nhà cháu, hay là cụ để cho cháu ra vác nó đi chôn quách một chỗ là xong, ai biết đâu.
- Anh nói đã dễ chưa, mạng người có họa là cái bánh hỏi, lỡ gặp phải anh nào nó biết thì anh mất nghiệp. Ừ, anh muốn thế, tôi thây kệ anh, anh có giỏi thì thử ra vác đi tôi xem nào.
Bác lái lợn xem ra đã chợn, đứng đực mặt, chẳng biết nói sao. Cụ lý ôn tồn bảo:
- Này tôi bảo, muốn xuôi việc thì cứ "con công", "con công" tớ giúp cho yên ổn, ngày mai lại buôn bán như thường, nếu không thì tùy ý, muốn làm thế nào thì làm.
Bác lái được lời cụ lý truyền cho, nhẹ mình như cất gánh nặng, đành nhắm mắt, nặn hầu bao lấy đủ năm đồng, đặt vào cái đĩa, rồi gãi đầu xin cụ thu xếp đỡ cho.
- Thôi được, cứ về, nhưng phải câm nhé, nếu có đứa nào nó biết thì tôi không thể nào che chở được mà anh thì tiền mất tật mang đấy, thôi anh tuần đánh chó cho anh ấy về.
Bác Khướu về khỏi, cụ Bá tính gộp lại hai món được 9,30. Anh tuần còn nhắc:
- Bẩm cụ, con lại lôi sang gian hàng khác, cụ nhé!
Cụ Bá tủm tỉm lườm anh ta một cái rồi chửi yêu: - Lôi mẹ mày đi đâu mà lắm thế! Ăn lắm không sợ hóc à? Này đây ông cho bữa chén.
Miệng nói tay vứt cho anh tuần 1p30 và dặn: - Bây giờ một mình mày làm thế nào tha con mẹ ấy ra quán Trúc mà để, đấy là địa phận làng Yên Xá rồi.
Sáng hôm sau, nghe ngóng mới biết lý dịch Yên Xá đã kéo xác mụ ăn mày xuống bờ Trầm mây, địa phận làng Lôi! Đấy, một cái xác chết của kẻ khốn cùng, họ nỡ nhẫn tâm như thế. Nếu hỏi họ tại sao làm điều vô đạo ấy thì họ thản nhiên mà đáp: Pháp luật bây giờ lắm khi vì làm phúc mà phải tội là thường.