NGUYỄN KHẮC NƯƠNG VÀ BÀ BÉ TÝ
Tác giả: Ngô Tất Tố
Té ra ông Nguyễn Khắc Nương trong Nam vừa mới làm xong một cuộc du lịch cực kỳ vĩ đại. Không phải là lên cung trăng như nhà thi sĩ Tản Đà, ông ấy cùng một số người gộp tiền đi thẳng một quệt từ Nam đến Bắc. Bây giờ ông Nương ở Bắc về Nam đã lâu và đương viết một lô bài để kỷ thuật cái hành trình rất oanh liệt ấy. Thì ra ông Nương đã đi qua Huế, qua Vinh, qua Thanh, lại ra Sầm Sơn rồi đến tận đất Hà Nội. Các bạn đừng tưởng ông Nương chỉ ngủ vài đêm ở xứ "nghìn năm văn vật" mà thôi. Không thế đâu. Trong khi tới đây, ông ấy có đi thăm viếng nhiều chỗ. Cứ lời ông ấy đã nói, thì sớm mai bữa ấy, các ông trong đoàn du lịch vừa ra khỏi phòng, đã có một lũ xe kéo đậu ở trước phòng chờ đợi. Thế rồi mỗi người trong đoàn lên một chiếc xe. Đi đâu? Đi dạo châu thành Hà Nội. Thoạt tiên tới chùa Một Cột. Tôi vào vườn bách thú, rồi đến chùa ông thánh Đồng đen, cái chùa mà người Hà Nội vẫn gọi là chùa Quan Thánh, hay đền đức thánh Trấn Võ. Các ông lại còn xem cả hồ Tây, hồ Trúc Bạch và cầu Đu me nữa chứ.
Sau cùng thì đến nhà bà Bé Tý. Tại đây hình như ông Nương đã cảm thấy sự long trọng khác thường. Chẳng thế mà với hồ Tây, ông Nương chỉ thấy nó là hồ Tây, với hồ Trúc Bạch, ông Nương chỉ thấy hồ Trúc Bạch, với đền Quan Thánh, ông Nương chỉ thấy pho tượng Đồng đen và tấm áo chầu của vua Minh Mệnh ban cho, nhưng với nhà bà Bé Tý, ông ấy đã thấy nhiều lắm, nhiều hơn những kẻ đã soi bao đèn điện, uống cạn nước máy của đất này?
Tôi nói thật không phải bỡn. Nếu có hỏi các ngài nhà bà Bé Tý vẫn có những gì, chắc là các ngài chỉ đến trả lời bằng những cây sá, cây sung, con gà, con lợn, hay cái biển đề hai chữ "vật hoa" là cùng. Thế thì các ngài còn thua ông Nguyễn Khắc Nương rất xa.
Chẳng những ông ấy chỉ biết trong nhà bà này có nhiều những đồ "cổ tích ngọc ngà châu báu" mà thôi. Theo lời đã nói ở bài tường thuật, thì bà chánh Tý còn bảo cho ông ấy biết trong mình bà ta còn có "mười một vật lạ" tất cả. Cái đó, quyết không sai. Quí nhân phải có quí tướng, xưa nay vẫn thế. Lưu Bang từ ngôi đình trưởng ấp Bái nhảy lên ngôi vua nhà Hán, chỉ nhờ có 72 nốt ruồi mọc ở trong mình. Lưu Bị xuất thân là anh dệt chiếu đóng dép mà làm được vua nước Thục, cũng chỉ nhờ về hai chữ vành tai to, và hai cánh tay dài quá đầu gối. Bà Bé Tý há phải một người bé tý? Các bạn đọc báo Thời vụ hồi tháng Avril năm ngoái, chắc còn nhớ hai câu đối này:
"Cõi tục cốt cách tiên, hiếu hạnh sắc tài Chu Thái hậu. Người trần tâm tính phật, nghi dung đức độ Tống nguyên phi". Ấy là câu ông nhà nho nào đó đã nghĩ cho bà Bé Tý treo ở trong nhà bà ấy. Vậy thì chính bà Bé Tý vẫn tự nhận mình là tiên, là phật, là bà nguyên phi nhà Tống và là cả bà thái hậu nhà Chu nữa vậy. Tuy rằng ngày nay chưa biết bà ấy làm những bậc ấy chưa, nhưng mà người ta đã thấy trong nhà bà ấy có đủ các hạng quí khách: nào Tây, nào Tàu, nào An Nam, nghe nói lại có cả ng Lê nữa đấy. Vì vậy có người đã mượn câu này để vịnh bà ấy:
"Nhà nhỏ như thuyền, chở đã lắm người Hồ lại Việt. Buồng to tầy đấu, chứa bao nhiêu khách Bắc rồi Nam". Đó là câu dịch của sách Tàu, nguyên văn chữ Hán thế này:
"Ốc tiểu như châu, trang tải hứa đa Hồ, Việt khách. Thất đại vu đẩu, bao tàng vô hạn Bắc, Nam nhân". Phải chở đủ khách Hồ khách Việt, chứa cả người Bắc người Nam, bà chúa chuồng chim Hàng Bạc thật là vĩ nhân của nòi giống Rồng tiên. Ông Nương ca tụng là phải! Một đấng vĩ nhân như thế, tất nhiên phải có rất nhiều quí tướng, ông Nương bảo trong mình bà ấy có mười một vật lạ còn là ít đấy, có lẽ hãy còn hơn nữa. Tiếc rằng trong lúc làm trò lạ để tiếp đoàn du lịch, bà ấy không cho ông Nương coi những vật lạ kia! Thôi để lần sau. Lần sau nếu có du lịch ra Bắc, ông Nương nên đòi cho được những vật lạ ấy, coi nó thế nào.