Bến nước
Tác giả: Nguyễn Quốc Văn
D òng họ Vũ của u tôi cây một cành, cành một cội. Đến đời ông ngoại tôi, ông bà chỉ sinh được một người con gái. Bố tôi vốn là dân ngụ cư trôi dạt từ Thái Bình tới, làm người ăn kẻ ở trong nhà ông ngoại. Vốn cần cù, chiụ thương chịu khó, bố tôi được ông bà thương, gả con gái cho. Trong kháng chiến, bố tôi làm liên lạc cho Ủy ban khu. Hòa bình, do biết ít chữ nghĩa, các bác cán bộ trên huyện xếp cho một chân ở Phòng thông tin. Ông ở trên huyện cả tuần, chỉ về thăm u con tôi vào các buổi chủ nhật. U tôi hay than rằng cả đời ông không có lấy một chốn quê ...
Ba u con tôi ở trong căn nhà mà ông bà ngoại tôi để lại. Ban ngày, ngoài những việc đồng áng, u tôi khi thì ở nhà làm hàng xáo, khi thì đi chợ kiếm thêm vài đồng lo quần áo, sách bút cho tôi và thằng Tản ăn học. U tôi còn nhận nuôi một con trâu cho hợp tác xã. Dĩ nhiên, việc chăn con trâu ấy, u tôi đã cắt đặt sẵn cho tôi .
Hàng ngày, tôi thường đưa trâu ra tắm ở bến sông. Cũng là để chờ cái Dậu, đứa bạn gái ở cách nhà tôi có một cái ao bèo. Hai đứa kì cọ cho đến lúc da hai con trâu đen loáng lên, rồi mới từ tốn dong chúng ra đồng gặm cỏ .
Tôi còn nhớ, sáng hôm ấy, Dậu cho trâu tắm sớm lắm. Nó ngồi trên bến đá, thõng chân xuống nước. Thi thoảng, Dậu lại nhấc đôi bàn chân khỏi mặt nước, chăm chắm nhìn. Gót chân, gan bàn chân, và cả mu bàn chân nữa đều ửng một màu hồng phơn phớt .
Nghe tiếng guốc trâu lộp cộp gõ ở phía sau, Dậu quay lại. Nhận ra tôi, nó đứng dậy, thả ống quần xuống, mừng rỡ :
- Em cho trâu tắm chờ anh mãi! Hôm nay anh ngủ quên à?
- Không phải anh ngủ quên! Chỉ tại cái thằng Tản! Em biết không, nó tè ướt sũng cả quần anh. Đã thế nó còn già mồm, cứ khăng khăng đổ vạ cho anh đổ nước vào quần nó. Tức quá! Tôi phân bua.
Dậu đưa nhanh mắt nhìn tôi, che miệng cười khúc khích .
- Em cười anh hả?
- Không, em cười đứa "dấm đài"...
- Em mà cũng nghĩ anh xấu đến thế cơ đấy - Tôi tự ái .
Dậu lặng lẽ dắt trâu lên bờ, vắt sợi thừng qua sừng con vật, rồi bảo :
- Đi đi, Rơi .
Con trâu hiểu ý chủ nó, cúi gằm mặt, lầm lũi bước. Nó không thèm ngoái lại để nhìn bạn của mình . Chỉ đến khi con trâu đực nhà tôi lồng lên phía trước như có ý chặn nó lại, con trâu nhà Dậu mới nghểnh đầu lên "nghé ọ, nghé ọ..." rồi khẽ cọ cọ vào mông bạn .
- Chúng nó làm lành rồi kìa- Tôi đến bên Dậu, vừa nói vừa nắm lấy tay cô bé.
Dậu khẽ gỡ tay tôi, dỗi :
- Đến là dễ ghét!
- Thì em cứ việc đi mà ghét anh! Chỉ sợ không được nửa ngày thôi!
Dậu cười.
- Còn cười! Cười hở mười cái răng!
Tôi nói không sai, tới cồn Quán, con trâu nhà Dậu bỗng lồng lên, đuổi theo con trâu nhà tôi. - Họ chúng lại! Con Rơi đang có chửa... Rồi thì khổ thân nó! Dậu níu lấy áo tôi, giật giật, giọng van vỉ .
Tôi cười, bảo :
- Vợ chồng nó giỡn với nhau, chả lẽ cũng cấm ư?
Miệng nói vậy nhưng chân tôi lại chạy như bay về phiá hai con vật. Thấy tôi, đôi trâu như khựng lại. Tôi ngồi bệt xuống cỏ, thở dốc. Cũng lúc ấy, Dậu đã ở bên cạnh, cười:
- Đúng là vợ chồng trâu! Không biết người ta có như vậy không anh nhỉ?
- Anh không biết! Ờ, mà con Rơi sắp đẻ rồi đấy nhỉ ? Có thêm con nghé thì thích phải biết!
Tôi bảo Dậu bứt cỏ gà chơi trò chọi trâu. Thấy lần chọi nào tôi cũng thắng, Dậu bảo :
- Anh ăn gian ơi là ăn gian! Ai lại cứ cầm sát đầu trâu thế kia?
- Thì em cứ thử cầm như anh xem - Tôi nói.
Rồi nhanh như chớp, tôi đảo tay thay một cọng cỏ khác. Chưa kịp chọi tiếp thì Dậu đã buông cọng cỏ xuống đất, kêu lạc cả giọng :
- Ơ kìa, con Rơi làm sao rồi anh ơi...
Đứng vụt dậy, chân như bị níu lại, hai đứa líu ríu chạy lại chỗ con trâu cái đang nằm nghiêng sang một bên, bốn vó giãy giãy, hổn hển thở dốc.
- Nó trúng gió rồi! Khổ thân mày Rơi ơi... Làm sao bây giờ hả anh?
Thấy mặt Dâụ không còn một hạt máu, tôi cũng run bắn lên. Con Rơi bỗng "hự , hự", quằn quại trên nền cỏ, rồi như cố hết sức, nó gượng đứng dậy ... - Một chú nghé! Trời ơi, con Rơi đã thành mẹ trâu rồi! Dậu nghẹn ngào kêu lên.
Tôi phụ họa theo :
- Vậy là con trâu nhà anh cũng đã thành bố cu cơ đấy. Hay thật!
Dậu bảo :
- Ta dựng cho vợ chồng, con cái nhà trâu cái lều để chúng che mưa nắng anh nhé!
Tôi đồng ý, chạy đến các bờ ruộng bẻ một vác cây điền thanh. Tước vỏ cây làm lạt, tôi lấy một cây làm nóc, cắm chéo các cây còn lại thành một cái lều không có cột. Rồi tôi sai Dậu vơ cỏ trên cồn, lợp nốt cái mái. Mát đáo để! Chỉ tội thấp qúa, bé qúa; người ra vào còn khó huống hồ là trâu...Dậu chui vào lều, cười khanh khách. Bị mái lều thấp cản ngã, chúng tôi nằm dúi lên nhau. Cùng lồm cồm bò dậy, trong lúc Dậu đỏ chín mặt, tôi lại nói :
- Ước gì chúng mình thành đôi trâu nhỉ!
Dậu nhìn tôi, xua xua tay :
- Đừng, đừng ... Số em bạc lắm!
Mấy năm sau, bố tôi được chuyển từ Phòng thông tin huyện lên Ty văn hóa tỉnh. U tôi được bố xin cho làm một chân nấu cơm ở nhà ăn tập thể. Vậy là cả nhà tôi phải dọn lên thành phố. U tôi mừng lắm! Bao nhiêu năm chân lấm tay bùn, giờ được ở nhà lầu , tắm nước máy, có phải là chuyện nằm mơ mới thấy được không. U bàn với bố làm một bữa cơm mời hàng xóm láng giềng và hai bên nội ngoại đến chia vui .
Bữa liên hoan rất vui vẻ. Chỉ có tôi là cảm thấy buồn thiu. Vì tôi đã mời mà Dậu không đến. Tôi đã lén cất một nắm xôi gấc đỏ sẫm trong cặp sách. Mãi đến tối, tìm được Dậu, lúc tôi đưa nắm xôi, cô ngoảnh mặt đi, khăng khăng không chịu nhận, bảo :
- Đi rồi quên hết người ta! Em chả ăn để mà nhớ !
Tôi an ủi :
- Dậu cứ cầm lấy. Anh không quên em đâu. Lúc nào anh cũng nhớ!
- Nhớ lời năm kia không? Dậu hỏi .
- Nhớ - Tôi nói -Anh nhớ hôm con Rơi đẻ , anh có ước rằng ...
Dậu mở to đôi mắt, cô như đang nhìn vào một chốn xa xăm nào đó :
- Thôi, em bỏ lời hứa đó cho anh. Chuyện trẻ con ấy mà! Anh đừng bận tâm nữa. Em chỉ mong, dù đi đâu, ở đâu, anh cũng đừng quên bến nước đồng quê ...
Nói đến đấy, Dậu vụt bỏ chạy. Tôi ngơ ngác, không biết nắm xôi trên tay rơi xuống cỏ tự lúc nào.
Lên tỉnh, tôi lao vào học. Tôi học không đến nỗi tồi. Có lẽ vì thế mà tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán của tỉnh. Nhờ được giải khuyến khích trong kì thi toàn quốc, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi đuợc nhà nước cho đi học ở Đức .
Cơn khát học vị khiến tôi quên cả năm tháng , quên cả những người thân. Rồi tôi có người yêu. Điều này làm cho hình ảnh Dậu cứ nhạt nhòa dần rồi tắt hẳn trong tôi .
Học xong, trước khi vào thành phố Hồ Chí Minh nhận công tác, tôi có cùng u tôi về quê cũ thắp hương cho ông bà ngoại. Tôi lần lượt đến thăm hết mọi người trong xóm. Riêng có Dậu, lúc gặp nhau, thấy tôi tỏ ra vui mừng khi cô nói mình đã có người yêu, Dậu lại vụt bỏ chạy.
Từ bấy đến nay, lần này tôi mới thu xếp được một ít thời gian để về thăm quê cũ. Xe bon bon trên con đường mới rải đá rồi dừng lại ở ngay bến nước đầu làng .
Trên bến, một thanh niên cao lớn đang múc từng sô nước hắt lên rửa cái máy cày đầy bùn đất đậu ở bên kia lề đường. Tôi nhận ra ông lão Phúc vừa rửa chân xong, thong thả vác cuốc đi ngược lên đường cái. Bao nhiêu năm đã qua mà trông dáng ông lão vẫn gân guốc như xưa .
- Cháu chào bác! Tôi lễ phép bỏ mũ .
Ông lão nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi ném cái cuốc xuống cỏ, kêu lên :
- Trời ơi, thằng Nhĩ con bà cả Tâm!
Ông hỏi tôi đủ mọi thứ chuyện. Bỗng dưng, nhìn xuống bến, ông vẫy vẫy :
- Ngọ, Ngọ ơi...
Người thanh niên nghe ông lão gọi, vội vã chạy đến chỗ chúng tôi. Nghe ông lão nói qua về tôi, Ngọ tự giới thiệu :
- Cháu là con của u Dậu. U cháu hay kể về bác lắm! U cháu bảo nhất định một ngày nào đó bác sẽ còn về với cái bến nước này...
Tôi nhìn nhanh xuống bến. Một cô gái đi làm đồng về đang khoả vội chân trong làn nước phù sa mát lạnh .
- Em cháu đấy - Ngọ nói - Nhưng nó khác hẳn với u cháu! Những lúc u cháu kể chuyện cũ cho anh em cháu nghe, nó cứ bảo đó là chuyện cổ tích! Nó còn khuyên u cháu đừng có thừa hơi mà đi thương cá bể chim trời cho khổ một đời! Nghe nó nói, u cháu chỉ khóc thôi bác ạ!
- Này Ngọ, thế bố cháu làm gì? Tôi hỏi .
Ngọ bần thần :
- Chúng cháu chỉ có u Dậu! U đã đón anh em cháu từ trại mồ côi về nuôi từ hai mươi năm nay...
Tôi lặng đi, không nói thêm được một lời nào.
Lúc ấy, trên bến sông, mưa bụi giăng giăng như vỗ nước vào nền trời xuân xám nhạt.
Bến nước ảo mờ dần, từ từ ánh lên màu tím biếc muộn mằn...