Chuyện kể đêm giao thừa
Tác giả: Nguyễn Quốc Văn
C uối năm Tân Sửu 1961.
Sau những ngày vất vả, vừa mới xuôi bè trên sông Mã đầy ghềnh thác, lại đã ngược sông Đà hung bạo để đi vào chốn sơn lâm kiếm sống như một người thợ rừng thực thụ, bố tôi trở về quê trước Tết Nhâm Dần 1962 ba ngày.
Trước lúc về nhà, người còn kịp rẽ vào phiên chợ Chùa cuối năm, mua mười bó lá dong xanh, ba ống giang bánh tẻ. Dĩ nhiên, bố không quên mua cho anh em tôi một gói kẹo gừng cay.
Mặc cho bố u tôi mừng mừng tủi tủi trong lúc gặp lại nhau, tôi và anh Trung chạy tót ra ngõ, ngồi tựa lưng vào cây rơm trâu tránh gíó bấc, nhai kẹo rau ráu. Rồi toe toét cười, bấm đốt ngón tay, nhẩm tính với nhau, năm nay bố gói không dưới ba chục cái bánh chưng. Vị chi là ba mươi bơ gạo nếp cái hoa vàng, sáu bơ đậu xanh, và ít nhất cũng tốn sáu cân thịt lợn. Tết to quá ! Không khéo, tiền mừng tuổi cuả đám trẻ con lên tới một đồng chăng?
Hôm sau. Bố ngồi chẻ lạt. Thi thoảng, mắt người lại hướng lên mái nhà gianh. U đong đủ gạo nếp, xay đậu; rồi, cắp rá ra ngồi trên chiếc cầu ao ghép bằng bảy cây tre, vo gạo, đãi đậu.
Hai anh em tôi rủ nhau đem lá dong ra sông rửa sạch từng chiếc một. Ôm lá về nhà, hai đứa vừa lấy khăn lau cho lá khô, vừa nháy nháy mắt nhìn về phía chuồng lợn. Chú lợn ỉ u tôi cám bã mấy tháng liền nay đã tròn căng, tết này chắc chắn sẽ được hóa kiếp để được nằm giữa nếp cái hoa vàng và đậu xanh đầu vụ đây !
Tôi mơ màng, tưởng tượng ra mọi thứ đồ dâng cúng bố sẽ xếp trên ban thờ. Hai bên ban thờ, sau đôi song bình gia bảo, một cắm thanh gươm bằng gỗ, một cắm cây bút lông cách điệu quen thuộc sẽ là hai đệp bánh chưng xếp cao. Rồi thì cái thủ lợn đặt trên mâm xôi gấc đỏ xẫm. Lại nữa, bát hương chi chít những thân nhang, tàn uốn cong báo vận may, nghi ngút toả khói thiêng, thơm hương trầm rừng Mường Lát, làm mờ mờ ảo ảo cả cuốn bài vị đã bị nhuộm vàng bởi màu cuả thời gian...
Sáng ba mươi. Ngay từ lúc còn tờ mờ đất, tôi đã nghe thấy tiếng chú Thả oang oang từ ngoài ngõ, hỏi u tôi đã nấu xong nồi bảy nước sôi chưa. Tôi và anh Trung vùng khỏi chăn, co ro chạy xuống bếp, xem chú xắn quần móng heo, lội vào chuồng lợn. Chú Thả xua xua tay, miệng xuỳ xuỳ mấy tiếng. Con lợn hoảng hồn, chạy quẩn, lao về phía chú. Chỉ chờ có thế, nhanh như cắt, chú Thả nắm ngoéo lấy hai chân sau cuả con vật, hất nó nằm chỏng trơ trên ổ rạ, trói nghiến lại. Xong việc, chú cười hề hề, bảo võ đả hổ gia truyền dùng bắt lợn để mổ, hơi phí, nhưng được việc !
Bố tôi là trưởng tộc. Vì thế, bữa cúng tất niên nhà tôi làm vào buổi trưa. Mâm cúng độc một cỗ lòng. Cô, dì, chú, bác, cháu, chắt đông đủ cả, tịnh không thiếu một ai...
Mọi người rất lấy làm lạ ! Bởi thấy bố tôi, sau khi lầm rầm cầu khấn những lời thành kính trước bàn thờ tiên tổ, bỗng đưa tay cởi tất cả các cúc aó, phanh ra bộ ngực còn đỏ hỏn những vết sâu và sắc như bị dao chém ! Kinh hoàng hơn, ai nấy đều lắc đầu, không hiểu vì sao bố tôi lại dám tự tay treo một bức tranh hổ lên bức tường phía tây nhà, xéo với bàn thờ tổ ? Song, vốn biết tính bố làm việc gì cũng tính toán trước đến nát cả óc, ắt không thể làm điều gì thất lễ, mọi người quay sang hỏi nhỏ chú Thả. Năm rồi, chú theo bố tôi lên rừng, đi bè có dễ tới mấy đợt; chú có thể ít nhiều hiểu được điều uẩn khúc bố tôi muốn nói trước tổ tiên chăng? Nghe mọi người hỏi, chú Thả nhìn nhanh về phía bố tôi, khẽ lắc đầu, không dám ho he một tiếng nhỏ...
Buổi tối. Cũng như những đêm trừ tịch thiêng liêng trước đó, trong lúc cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói xanh, anh em tôi lại chăm chú chờ nghe một câu chuyện vốn đã thuộc nằm lòng mà bố tôi thường kể bằng một giọng xúc động lạ thường. Chuyện "Thần làng mùa lũ" ! Chuyện người trong những tháng năm trời làm lũ lụt, bụng thì đói, nhưng lòng thành trước trời đất, tổ tiên thì rộng lớn vô cùng !
Chờ cho than đã đượm, nồi bánh chưng bắt đầu lục ục, reo lên những tiếng trầm đục, bố tôi bảo :
- Bố tin là chuyện những năm trước, các con hẳn chưa quên, không phải nhắc lại nữa ! Riêng năm nay, bố muốn kể cho các con nghe một câu chuyện mới. Chuyện bố gặp hổ...
- Bố bị hổ vồ phải không? Anh Trung tôi không nén được tò mò, hỏi.
- Không phải ! - Bố tôi cười- Thực ra thì bố đã cứu được ba mẹ con hổ !
- Thật vậy ư bố? Tôi hỏi.
Bố tôi lại cười, nửa kín nửa hở:
- Nhưng chính cha cuả hai con hổ con kia cũng đã trả ơn bố ! Lạ không?
Cậy bé nhất nhà, tôi làm nũng, sà vào lòng bố, luồn tay qua áo, mân mê những vết sẹo nhẵn thín hằn sâu trên ngực người.
Chất thêm củi vào bếp, bố tôi bắt đầu kể.
"Một câu chuyện khó tin !", tôi đã nghĩ như vậy khi bố bảo mèo, báo, hổ vốn là anh em ruột trong một nhà. Ban đầu, chúng là bạn tốt, sống thân thiện với người. Đi săn về, chúng thường chia thịt các con mồi kiếm được cho người dùng làm thức ăn. Mèo là em út nhưng tinh ranh, suốt ngày nằm cạnh bếp chờ hai anh. Hắn ít vận động nên thân thể cứ teo dần. Chỉ có tính nịnh người thì ngày càng lớn. Chính cụ tằng tổ một trăm lẻ tám đời nhà tôi, vì tin lời mèo bé mà lần lượt đuổi hai con mèo lớn vào rừng. Trở về rừng xanh, sống cuộc đời cuả kẻ tự do đích thực, hai con mèo kia đã trở thành hổ và báo, chúa tể chốn sơn lâm. Tuy nhiên, chúng không quên nổi những gì đã học được ở con người. Vì vậy, vợ chồng hổ báo cũng biết yêu thương nhau thắm thiết; hổ báo con cũng được sống trong sự chở che, nuôi dạy chu đáo, tận tình cuả cha mẹ chúng...Có lẽ vì thế chăng mà cả nhà tôi đã thoát chết?
Bố tôi kể, năm Canh Dần 1950, nhà tôi tản cư vào Thanh Hoá. Bố u tôi bỏ tôi và anh Trung vào hai cái thúng, quảy bộ tắt qua rừng Nho Quan. Lúc ngồi nghỉ, u tôi vạch vú cho tôi bú. Bố tôi ẵm anh Trung, dỗ anh ăn vài miếng cơm muối vừng cho đỡ đói. Bỗng một mùi hôi đến lợm giọng theo gió thoảng tới. Muì hôi mỗi lúc một nồng nặc cùng những tiếng sột soạt trong rừng cỏ gianh ở ngay phía trước. Bố tôi líu cả lưỡi vì bất chợt thấy một cặp hổ vằn ló đầu ra, liếm liếm những cái lưỡi đỏ ngòm. Nhưng lạ lùng làm sao, hai con hổ, sau khi chăm chắm nhìn u tôi cho con bú, đều khẽ lắc đầu, gầm gừ như nói với nhau một điều gì đấy, rồi quay đầu từ từ lẫn vào cỏ dại. Bố tôi bảo chúng không nỡ ăn thịt những người đang nuôi con thơ ! Rồi, trên đường đi, lúc lương đã cạn, bố u tôi đã mừng rỡ đến chảy cả nước mắt khi thấy trên một tảng đá ai đó đã bày sẵn cho một đùi thịt nai dang dở, còn tươi nguyên. Nhìn kỹ, bố giật mình, nhận ra những dấu chân hổ hút vào rừng rậm. Người bán tín bán nghi, nghĩ thầm, phải chăng chính những con hổ này là hậu duệ cuả những con mèo mà ông cụ tằng tổ nhà tôi đã từng nuôi vào một thời xa lắc?
Sau kháng chiến chống Pháp, phần vì đã quá sợ bom đạn, phần bị con người săn lùng ráo riết để kiếm lợi to, loài hổ báo sống trong các dải rừng ở miền Bắc nước ta có nguy cơ tuyệt chủng. Nghe nói, để thoát được hiểm hoạ, chúng buộc phải chạy vào những miền rừng hoang vu nhất, dọc theo biên giới giữa hai nước Việt -Lào. Bố tôi kể, trong một vài lần xuôi bè trên sông Đà, ở đoạn sông chảy qua địa phận tỉnh Hoà Bình, người còn thấy vài cặp vợ chồng hổ ra sông uống nứơc. Nhưng cứ thoáng thấy bóng người là chúng đã bỏ chạy...
- Sao bố chưa kể chuyện bị hổ vồ, hả bố?
Nghe tôi hỏi, bố tôi chậm rãi, tiếp:
- Chẳng có hổ nào vồ bố con ạ ! Chỉ có những kẻ ác định giết bố mà thôi !
Hôm ấy, nghe tiếng súng săn nổ, bố bảo chú Thả và cánh lái neo bè gỗ vào bờ, may ra thì mua được một ít thịt rừng cải thiện. Vì cả chục hôm rong ruổi qua bao thác ghềnh mà chỉ ăn độc một món rau bí, thèm chất tươi quá !
Một lát sau, có ba người súng ống lăm lăm chạy qua, nói là bắn trọng thương một con hổ cái lớn lắm. Họ hỏi bố có thấy con thú bị thương vừa chạy qua đây không...
Chiều, bố tắt rừng, băng về phía những ngọn khói lam, hy vọng có thể mua hoặc đổi ở đấy một vài con gà.
Đang lách người trong một lối đi hẹp, cỏ gianh cao quá đầu người, bố bỗng giật mình, đứng sững lại. Vừa kinh sợ, vừa ngạc nhiên ! Trước mặt người là hai con hổ con đang ngậm vú cuả con hổ mẹ bị thương nặng, mắt đã nhắm nghiền lại. Nằm trên vũng máu cuả mẹ, hai con hổ nhỏ hầu như chưa ý thức được cái chết đang chờ mẹ con chúng.
Thấy cảnh ấy, chợt nhớ tới đùi thịt nai ngày tản cư năm nào, bố quên hết cả sợ hãi, vội ngồi xuống, lấy mấy cái lá dấu tẩm thuốc quý luôn đem theo bên mình để phòng thân, dịt vào vết thương trên bụng hổ mẹ. Máu từ vết thương dần dần ngừng chảy...
Song vừa ngẩng lên, bố run lên bần bật, kinh hãi nhận ra một con hổ đực đang nhìn từng cử chỉ cuả người. Nó đã kịp tha về một tảng thịt heo rừng cho vợ con. Bố chắp hai tay lại để lấy can đảm, đi giật lùi. Con hổ đực nheo nheo mắt, khẽ vẫy đuôi về bên trái, đầu hơi nghiêng về bên phải, tư thế báo hiệu nó sẽ không tấn công người.
Quay trở lại bè, bố bảo mọi người chuẩn bị nhổ neo. Đúng khi ấy, ba tên thợ săn xuất hiện, chĩa súng về phía bố, bắt phải lên bờ ngay. Không có cách nào khác, bố đành phải làm y theo lời chúng. Bọn thợ săn khăng khăng nói bố đã lấy được con hổ! Chúng bảo, lần theo vết máu, chúng cũng tới được chỗ con hổ mẹ bị thương. Chỉ lạ là con vật đã bị kẻ nào đó đem đi mất. Xem kỹ dấu chân người còn in trên máu khô, chúng thấy bàn chân rất nhỏ, ngón chân hơi chụm. Không phải dấu bàn chân người bản xứ ! Bàn chân người đi rừng nhiều thường to và thô, ngón chân hơi choãi như rễ cây bám vào đá. Vậy thì, chỉ còn cánh lái bè ! Không thể khác được ! Một tên thợ săn lăm lăm súng trên tay canh chừng mọi người. Hai tên kia nhào xuống bè, lục soát tất cả mọi thứ đồ đạc. Không thấy gì, chúng lên bờ, xúm vào đánh bố. Những quả đấm, những cú đá hiểm hóc tới tấp giáng xuống, khiến người rũ rượi như một tàu lá héo. Một trong hai tên thợ săn độc ác ôm lấy bố, dựng đứng lên cho tên kia đấm đá tiếp. Hự, hự...Bố tôi ngã vật xuống, kéo cả kẻ ôm mình ngã nhào theo. Chính vào lúc không ai ngờ đó, bỗng một bóng xám vụt qua. Y như một tia chớp! Sau tiếng gầm man rợ như vọng về từ thời tiền sử, tên thợ săn ngã gục xuống, mặt bị cào nát thành nhiều mảnh. Rồi con hổ nhào lên, hai chân trước quắp chặt lấy tên đang đè lên người bố tôi. Miệng nó ngoạm lấy tay kẻ ác. Hai chân sau cuả nó co lại, đẩy bố tôi ra. Song có lẽ, do cú đẩy quá mạnh, trên ngực bố hằn rõ cả những vết vuốt sắc. Tên cầm súng hết hồn, leo tót lên cây, run rẩy nổ được một phát lên trời...Sự việc diễn ra chỉ trong chớp mắt. Bởi thế, khi trả lời các nhà chức trách, bố tôi chỉ dám dè dặt cho rằng, con hổ đã hạ cùng một lúc hai người thợ săn kia, hình như là con hổ đực mà người đã từng gặp khi xuống tay cứu con hổ cái bị thương. Người còn mô tả thêm, nó rất giống một con mèo...
Trong suốt năm Nhâm Dần 1962, câu chuyện người được hổ cứu không ít lần đã làm con tim non nớt cuả tôi xúc động. Xúc động vì mình may mắn chưa phải thành trẻ mồ côi ! Xúc động vì một điều mơ hồ nào đó, kể cả khi vô tình nhìn thấy con mèo mướp vụt ra vồ một con chuột nhắt... Về sau, lúc đã đi học, được thầy giáo Vượng, thầy giáoTrường kể cho nghe những câu chuyện cổ tích ly kỳ và hấp dẫn, tôi lại hay bâng khuâng tự hỏi: " Chuyện bố kể ngày nào, phải chăng là để tránh phải nói ra một sự thật đau lòng nào đó về những vết thương trên ngực với lũ trẻ?". Nhưng, mỗi lần, ví như vào dịp ông Táo về trời hàng năm chẳng hạn, lòng nao nao nhìn những vết sẹo vuốt hổ nâu tím trên ngực bố khi người xoay trần lội xuống ao đánh cá dâng cúng, tôi lại tin như đinh đóng cột rằng, câu chuyện bố kể trong đêm giao thừa mấy chục năm về trước là một câu chuyện thiêng liêng; và, hoàn toàn là sự thật...