Dấu cà kheo
Tác giả: Nguyễn Quốc Văn
K hoai dẫn trâu qua cổng làng một quãng đã thấy Bưởi nách cắp rổ dong riềng đi ngược vào xóm Vượt. Xóm mới có vài hộ, nằm trơ trọi giữa những thửa ruộng chằm. Cho tới lúc giáp mặt nhau, cô mới nói khẽ:
- Đứng lại em hỏi chuyện này đã!
Khoai níu sợi thừng. Con trâu dừng lại, gõ guốc lộp cộp, che khuất người con gái đang đứng nép bên một bụi trúc.
- Em lo lắm! Chẳng lẽ anh không nghĩ đựơc cách gì ư ?
Bưởi ngập ngừng, chớp chớp đôi mắt đen láy. Khoai nhìn cô chăm chắm, cố lấy giọng bình tĩnh :
- Em xem - Anh nói và dộng bó tre đang vác trên vai xuống đường .
- Thôi thì cũng là tại số giời cả!
Bưởi rơm rớm nước mắt, trách:
- Anh không thể cố hơn nữa đựơc sao?
Khoai gắt:
- Ai bảo anh không cố ? Dưng mà còn ý của bố em thì ta biết làm sao đây?
- Mà thôi, em mặc kệ anh đấy! Anh muốn làm thế nào thì làm! Đừng để em phải khổ tâm nữa. Em không chịu đựơc mãi đâu!
Khoai hứa:
- Nhất định rồi! Anh sẽ có cách của anh chứ! Mà sao em cứ lo cuống cà kê lên như thế để làm gì? Bưởi nhét một củ dong tím nhạt vào miệng con trâu, than :
- Em khổ tâm quá! Hay kiếp trước sao chúng mình là đôi trâu tu chưa hết nhẽ, hả anh?
Khoai cười khẽ :
- Em buồn cười thật! Số với kiếp cái gì! Chẳng qua là do cái anh chàng Chiến không biết điều, cố đấm ăn xôi thôi!
Biết Khoai và Bưởi tình ý với nhau từ lâu, nhưng Chiến vẫn cố vờ đi, nài bố đến thưa chuyện cũ với ông Cam. Mỗi khi nghe nhắc đến cái chuyện cũ ấy, Khoai và Bưởi lại nép vào nhau, cười rúc rích.
- Bố em ưng thì cứ để anh ta lấy ông lão - Bưởi nói - Còn em, em chẳng ưa anh ta!
Cô dụi dụi đầu vào ngực chàng lực điền, bảo:
- Giá chúng mình đã là vợ chồng rồi thì làm gì có chuyện rắc rối nhỉ?
Khoai âu yếm vuốt tóc người yêu, hỏi:
- Thế hôm trước ông Chinh nói chuyện gì với bố em?
- Em chỉ nghe loáng thoáng, câu được câu mất. Đại thể là...
Bưởi cười khẽ, che miệng nhại giọng bố và giọng ông Chinh :
- Ông Cam, ông còn nhớ cái hôm ông cho trâu lội qua sông ngày xưa không?
- Tôi quên làm sao đựơc cơ chứ ! Hồi ấy, tôi không biết bơi. Nếu hôm ấy ông không vô tình đánh trâu qua khúc sông ấy, chắc tôi đã chết đuối từ tám hoánh rồi ông nhỉ?
- Ưừ, hôm ấy, ông có hứa với tôi: sau này nếu có con trai con gái thì ta sẽ làm thông gia với nhau, có phải không ?
- Phải, phải...Tôi vẫn còn nhớ! Nhưng tôi e rằng... con Bưởi nó không bằng lòng.
- Ông là bố nó cơ mà! Tại gia tòng phụ! Chẳng lẽ ông không còn muốn giữ nếp xưa của tổ tiên?
- Khổ quá ông Chinh a ê! Con bé nó lại phải lòng cái thằng Khoai rồi. Tôi biết thằng Chiến nhà ông cũng chẳng kém cạnh gì thằng kia. Có điều, bây giờ đời sống mới, ép dầu ép mỡ , ai nỡ ép duyên, hả ông ...
- Thì tôi có nói là ép đâu. Cứ để cho thằng Chiến tìm hiểu con Bưởi. Còn chuyện giữa hai thằng ấy, thì ông cứ chiều theo ý tôi một lần, làm thế này...thế này...Giả tỉ thành công thì tốt. Mà không đựơc như ý ngừơi, thì đó là ý của trời. Lúc đó, con Bưởi dù có thành dâu con nhà ai, tôi cũng chả dám trách ông thất hứa!
Câu chuyện chỉ có thế. Không ngờ hai hôm sau, ông Cam sai Bưởi gọi Khoai tới nhà, thủng thẳng bảo:
- Bố chưa hiểu đầu cua tai nheo chuyện của các con. Nhà này đã có người mang nơm đến, vẫn còn người muốn tới để cất vó...
Bưởi ngạc nhiên:
- Bố nói bóng gió xa xôi thế, con chả hiểu ra làm sao cả.
Ông Cam với điếu, vê một mồi thuốc cho vào nõ, châm đóm, rít tong tóc. Rồi ông bụm miệng, phả khói lên trần nhà , mắt lơ mơ, tiếp:
- Chả là ngày xưa bố có hứa với ông Chinh, bố của cậu Chiến rằng...
Kể xong câu chuyện cũ, ông bảo Khoai và Bưởi ngồi xuống phản, phân bua với hai người về sự khó xử của mình. Ông bảo, cho đến bây giờ, có nhiều người thuộc thế hệ ông vẫn chưa quên và còn muốn niú kéo các tục lệ cổ hủ cũ. Do đó, chuyện ông buộc phải làm, không có mục đích làm khó dễ cho Khoai . Ông nói Chiến đã nhận lời rồi. Còn Khoai, nhận hay không là tùy ở anh, ông không bắt buộc. Có điều, anh nên nhận lời thì hơn. Vì ông tin Khoai vốn sáng dạ, anh nhất định sẽị tìm đựơc cách vượt qua thử thách.
Nghe ông Cam nói, Khoai đưa mắt nhìn Bưởi. Cô nháy mắt ra ý cho anh đừng nhận lời, cứ để cô liệu . Bưởi yêu anh, nếu cô cứ khăng khăng một mực từ chối Chiến, thì dù hai ông lão có giở cả phép giời ra đi nữa, cũng khó mà chia cắt đựơc họ ...
Vậy mà, không hiểu sao Khoai lại đi chấp nhận lời thách oái oăm đó. Vì lòng tự trọng? Vì muốn ông Cam giữ được lời hứa? Hay vì muốn chứng tỏ mình không thua kém gì Chiến? Những cái sĩ diện ấy đã đẩy anh và Bưởi vào một tình thế chông chênh, bất lợi quá. Bưởi giận anh nông nổi, chưa tính kĩ
đường hơn lẽ thiệt đã nhắm mắt làm liều. Cô doạ: nếu anh thua cuộc, cô sẽ xuống tóc đi tu cho mà xem! Khổ chưa...
Con trâu thấy chủ lặng đi, vươn cổ : "Nghé ọ...", kéo căng sợi dây thừng. Khoai giật mình nhìn theo bóng Bưởi đang lủi thủi rẽ vào cái ngõ nhỏ nằm giữa hai thửa ruộng chằm nhà cô. Anh bất giác thở dài khi nhìn thấy rõ mồn một dấu hai hàng cà kheo của ai đó đều tăm tắp trên thửa ruộng bên cạnh đường cái. Anh tái mặt, chợt nghĩ : " Chiến! Đúng là dấu kheo của anh ta rồi!" .
Xốc bó tre cật lên vai, Khoai khẽ giật sợi dây thừng. Trong gió thoảng, anh như còn nghe rõ cả những tiếng trống hội mùa xuân vọng về từ năm ngoái. Trống thúc liên hồi trên sới vật. Khoai đầu đội khăn đỏ, thân đóng khố đỏ, ngừơi còn nhễ nhại mồ hôi sau keo vật chung cuộc hạng gà, đứng giữa hai đô vật kém anh một hạng, tay cầm chiếc tù và sừng trâu danh dự giơ cao lên trời huơ qua huơ lại. Mọi ngừơi hồi hộp chờ tiếng tù và ấy vang lên. Tiếng tù và do ngừơi trai khỏe nhất sới vật thổi, luôn được dân làng coi là những lời cầu khấn thần linh xuống tay đem đến cho họ sức khỏe, may mắn và sự no đủ... Bởi thế, mọi cuộc vui sẽ chỉ đựơc bắt đầu sau những thanh âm thiêng liêng kia vang lên. Hội múa lân ào đến cùng với đủ mọi thứ âm thanh. Đội văn nghệ xã xúng xính trong những bộ áo xanh, áo vàng, tay nâng những cây kèn đồng sáng loáng, ngừơi nào người nấy phùng má, cố thổi theo đúng điệu một bài hát chèo. Lũ trẻ chăn trâu lao xao ở phiá sau, đứa thì thòm gõ trống ếch, đứa phất phất trên tay những cây cờ phướn ngũ sắc. Lúc ấy, Chiến lênh khênh trên đôi cà kheo ba mét, vững chãi như đi bằng chính đôi chân của anh vậy. Đội lân trên đầu, anh
nghiêng qua nghiêng lại, vờn dọc vờn ngang. Tay anh ta khi thì vỗ vỗ vào cái trống cơm đeo trứơc ngực " tung tung...", khi thì nhằm chỗ đám đông có Bưởi vẫy vẫy...Thì ra thâm ý của ông Chinhứ muốn con trai ông ta thắng cuộc đã rõ! Ai chẳng biết Chiến sẽ lội qua thửa ruộng chằm, chân không chạm đất nhưng vẫn để lại được dấu đi trên mặt ruộng là dễ dàng hơn? Còn anh, anh cay đắng nhận ra rằng mình thua kém Chiến rất xa về khỏan tài nghệ này.
Từ khi nhận lời gỡ rối cho ông Cam, ngày nào Khoai cũng dắt trâu ra đồng. Bỏ mặc cho con vật nhởn nhơ gặm cỏ trên cồn, anh lấy đôi kheo thấp nhất ra tập đi. Nhiều lần, mất thăng bằng, hai cây kheo đổ nhào về phía trứơc, anh bị ngã sấp mặt xuống đất, miệng cạp đầy cỏ đắng. Mà nào có khá được bao nhiêu! Ngày ông Cam hẹn ông Chinh vào đêm lập xuân cũng đã sắp tới rồi, mà Khoai mới chỉ tập tễnh đi đựơc trên đất cồn. Nói gì đến chuyện lội qua ruộng chằm kia? Việc này, ngay cả đối với Chiến, để vượt qua được mặt ruộng chằm nhà Bưởi, cũng không phải là dễ dàng gì. Vì chính mắt Khoai có lần đã trông thấy anh ta bị sa lầy trên một bãi bồi, đôi kheo bị bùn hút xuống, càng cố lắc để rút kheo lên, thân tre càng lún sâu hơn .
Mải ngẫm nghĩ, chân Khoai vấp vào một mô đất. Anh ngã nằm sóng sòai. Bó tre cật xổ tung, lăn lóc trên đường. Lồm cồm bò dậy, Khoai cột các cây kheo lại, phủi quần áo, giục trâu đi. Những vết chân trâu di lại từ ngày này qua ngày khác đã biến con đường thành một cái thang hút về phía trứơc. Thi thoảng lại có những đoạn đường mà các lườn sống trâu bị sạt lở hết, gọi là đường vỡ, mặt đường chỉ thấp ngang mặt ruộng, bùn đất nhão nhoét như ở ruộng chằm. Muốn qua đựơc những quãng đường ấy, người và trâu phải lội ì ọp, bùn nước bắn lên tung tóe.
Tới đừơng vỡ rẽ vào cồn Rùa, con trâu nghiêng qua nghiêng lại như bơi. Cái bụng to kềnh càng của nó trông giống như một cái phao. Có lẽ nhờ cái phao đó mà con trâu không bị chìm xuống lớp bùn, trên bề mặt thì nhão nhoét như cháo loãng mà ở ngầm phía dưới thì lại kết dính một thứ keo dẻo quánh. Con vật tỏ ra rất thận trọng. Chân trứơc đặt đâu, chân sau đặt đó, nó phì phò để lại phía sau hai vệt chân trên mặt bùn đều chằn chặn. Khoai đã cố đi sát vào bên mép ruộng lúa để tránh thụt mà chân anh vẫn như bị ai đó nắm lấy kéo ghì xuống. Nhìn con trâu, trong lòng anh bỗng dậy lên một mối cảm thương là lạ. Tự dưng anh nghĩ đến thân phận mình. Con đường anh đến với Bưởi hình như còn khó hơn cả việc con vật lội qua khúc đường vỡ...
Con trâu bỗng dừng lại, chun mũi để lộ ra cái lợi sún như cười..
- Mệt lắm rồi phải không chú mày? Khoai an ủi nói - Sắp tới cồn rồí! Cố lên nào!
Con vật lắc lắc sừng, tai vẫy vẫy, đuôi ngoe nguẩy. Rồi như muốn nói với chủ điều bí mật, nó rướn cổ, ngửa mặt lên trời, kêu : " Ngò....ò...".
- A, thằng láu cá! Khoai bật kêu lên - Tao biết rồi! Biết rồi! Trời ơi, chỉ cần trèo lên lưng chú mày là...
Anh chợt nhớ tới lời dặn dò của ông Cam. Anh biết mình đã lầm. Thì ra là như vậy! Bây giơ,ứ ai dám bảo là ông lão vì cả nể mà không biết thương con? "Mình cạn nghĩ qúa! Thôi được, mình vẫn còn nhiều dịp để xin ông lão xá tội cho cơ mà!", Khoai thầm thì một mình .
Dắt đựơc con vật trung thành lên cồn, mặc cho nó còn hổn hển thở, Khoai đã ôm chầm lấy đầu trâu. Bàn tay người nóng ấm xoa khắp các khoáy tam tinh của con vật. Anh thủ thỉ, khen:
- Giỏi qúa! Giỏi qúa!
Con trâu lim dim đôi mắt, thè cái lữơi ráp như lá lúa liếm liếm những giọt nước mắt vừa lăn dài xuống má chủ .
Rồi cái đêm lập xuân ấy cũng đến. Dĩ nhiên là chỉ có mấy người trong cuộc biết chuyện. Còn dân làng, ngay cả những ngừơi tò mò nhất, cũng chỉ nghe phong thanh rằng ông Cam có cách kén rể lạ lắm mà thôi...
Mãi đến lúc vợ chồng Khoai đã có hai mặt con, trong lễ hội mừng xuân, thấy Khoai và Chiến, người đội đầu lân, người đội đuôi lân, cùng nhảy múa trên những đôi cà kheo lênh khênh, người ta kháo nhau là ở lần thi tài năm xưa, Khoai đã thắng. Có người còn đánh bạo hỏi Khoai chuyện cũ. Anh không trả lời, miệng chỉ tủm tỉm cười, đưa tay chỉ ra con đừơng đồng. Con đừơng bây giờ đã trải đá. Mặc dầu vậy, dấu chân trâu hai hàng đều tăm tắp vẫn còn hằn rõ trên những lớp bụi mờ...