Đất
Tác giả: Nguyễn Quốc Văn
M ẩu rao vặt lạ chọc vào mắt: "Nhà bán. Đất ngang 10, sâu 20 mét. Đủ tiện nghi tân kỳ. Người giới thiệu 13 lượng 999, giá thực bán 120. Liên hệ 9404103, nhắn Bần chủ đất". Tôi bỏ tờ báo xuống, cười khẽ. Số điện thoại này là số của nhà tôi ! Hắn lại sắp giở trò gì đây? Khó hiểu thật!
Năm ngoái, Bần làm tân gia. Hắn mời đủ loại thực khách. Cán bộ quận. Cán bộ phường. Cán bộ lãnh đạo cơ quan vợ. Lạc lõng làm sao, trong đám khách mời có cả ông Hai A, ông Tư Ngão và vợ chồng tôi.
Thực ra, vợ chồng Bần mời chúng tôi tới để cảm ơn cũng là chuyện thường tình. Vì vợ hắn làm kỹ thuật cắt may ở công ti Mimimex, trong tổ do vợ tôi phụ trách. Còn tôi, tôi chính là người dẫn dắt ban đầu, khiến hắn có được ngày hôm nay.
Tôi còn nhớ, sau bữa tiệc tốn hàng chục triệu, Bần ngà ngà say, chẳng biết thật hay giả, bảo tôi:"Em ngán cái xứ khỉ ho cò gáy này đến cổ rồi ! Sớm muộn gì thì em cũng phải chuồn ra phố thôi bác ạ ! Nhiều tiền lắm bạc thì được cái thá gì, nếu sống mà không biết hưởng thụ nhỉ? Thôi thì, tiện đây, em nhờ bác một việc. Nó là thế này... ". Là hắn lại muốn giúp lại tôi. Chứ điện thoại nhà hắn sờ sờ ra đấy, nhấc máy lên là "a lô" liền với khách. Là... Hắn nheo nheo mắt, cười khùng khục: "Bác nhớ đấy! Nhờ cái vía bác lành, em làm cái gì cũng đầu xuôi đuôi lọt. Ăắt lần này cũng vậy thôi !".
Vía vái gì tôi không tin. Nhưng là một thầy giáo, bám trụ ngay từ những ngày ở huyện chỉ có một trường cấp ba độc nhất vô nhị đến nay, tôi rất có uy tín ở vùng đất mới được qui hoạch thành quận và đang trên con đường đô thị hoá như vũ bão này. Số học sinh tôi dạy có tới vài trăm, nhiều em bây giờ đã ra trường, về công tác ở quận, ở phường. Và, không ít gia đình trong vùng, đã coi tôi như người thân trong nhà họ. Ví như nhà ông Hai A chẳng hạn.
Cái số ông Hai khổ! Lắm ruộng, nhiều vườn mà vẫn khổ! Khổ vì con, vì cháu. Người ta gà trống nuôi con. Ông Hai gà trống nuôi cháu! Đứa cháu ấy là giọt máu duy nhất của dòng họ ông còn sót lại. Ông Hai chặc lưỡi, âu cũng là cái số trời đày! Vậy thì ông phải ráng mà cho nó ăn học bằng chúng bạn chứ ! May mà con Bé ngoan. Ngoài giờ đi học, nó lủi thủi cùng ông gieo trồng sáu công lúa. Năm Bé học lớp 12, tôi thấy sức học của nó đuối lắm. Biết chuyện Bé phải lo làm đồng tối ngày đỡ ông, liền tìm đến nhà, gỡ thế kẹt cho nó bằng cách gợi ý ông Hai chia bớt ruộng cho người ta cấy rẽ.
Năm 1988, vợ chồng Bần mới chuyển vào thành phố. Qua câu chuyện vợ tôi vui miệng kể cho chị em cùng tổ nghe, vợ Bần đưa hắn đến nhà tôi chơi. Vòng vo một hồi, hắn kêu ca đang thất nghiệp, rồi biếu tôi một chai rượi nếp, nhờ thưa dùm với người có ruộng cho hắn cấy rẽ. Tôi không nhận chai rượu nhưng vẫn đưa hắn tới gặp ông Hai.
Họ thoả thuận với nhau, trúng vụ thì chia theo lối cấy chị hai, chủ ruộng và người cấy mỗi bên lấy một phần; thất vụ thì chia theo lối cấy chị ba, chủ ruộng lấy mọọt phần, người cấy lấy hai phần. Để tạêo điều kiện cho Bần trong việc trông coi lúa, ông Hai sang rẻ cho hắn một miếng đất nhỏ với giá một trăm ngàn đồng, vừa đủ để cất cái chòi con.
Phải thừa nhận Bần, một kỹ sư lâm nghiệp bỏ ngang việc theo vợ, có tài nông gia. Số lúa hắn chia cho gia chủ vụ nào cũng gấp đôi những năm ông Hai cấy. Hắn được ông Hai qúy ra mặt, chẳng chầu nhậu nào mà ông không có hắn bên cạnh. Nâng lên đặt xuống, ba ba con con, tình cảm tưởng như ruột thịt chưa dễ bằng. Tôi lấy làm mừng. Phần vì Bần có bát ăn bát để. Phần vì con bé đã học tới được đại học.
Bỗng một hôm ông Hai A kiếm tôi, buồn buồn bảo: "Ruộng nhà tôi sắp mất hết rồi !". Tôi gặng hỏi, ông ngẹn giọng trả lời rằng, nghe phong thanh, người ta đồn ầm lên là nhà nước sắp mở một cái lộ to lắm. Mặt lộ chiếm trọn phần ruộng nhà. Mà nghe nói thì giá đền bù đất ruộng chỉ vẻn vẹn năm ngàn đồng một mét. Ruộng còn sinh ra lúa gạo nuôi người. Chứ tiền vào tay nhà nông, như gió vào đất trống, hết, lấy gì mà ăn !
Ông Hai kể lại, chính anh trắc địa trắc đồ gì đó đi đo đất, mách nước cho ông nên bán chạy trước đi, may còn vớt vát chút đỉnh chăng? Ông đã chạy đi tìm Bần làm"cò" đất. Bần cười khà khà nhận lời. Chừng nửa tháng sau, hắn trả lời chẳng có ma nào dám mua đất sắp trở thành đường chung cho thiên hạ cả. Hắn bảo, hay là hắn liều ? Hứa vậy nhưng hắn vẫn cố ý thờ ơ, cố lánh mặt ông. Nhóm nhậu, kêu mãi hắn mới sang. Rồi ông nói khó. Ông nài nỉ. Hắn ậm ừ chê đất xa bờ kinh. Giá như cho không, mỗi công bảy chỉ vàng. Hắn kêu chỉ mượn được của người quen chừng ấy !
Vậy mà, chỉ mấy hôm sau, Bần lại mượn được tiền mua luôn hai công công đất sát mé lộ dọc theo bờ kinh của nhà ông Tư Ngão. Nghe kể, hôm giao tiền cho ông Tư, hắn nói rồi vợ chồng hắn sẽ là tỉ phú, hoặc sẽ đi ăn mày. Hắn mà đi ăn mày, cô bác nhớ thương tình cho...
Dạo ấy, do lòng kinh bị phù sa bồi, thuyền bè chỉ qua lại được khi nước lớn, thành phố phải cho tàu cuốc nạo vét thông luồng. Ôống hút bùn ồng ộc chảy vào ruộng lúa. Ai nhìn cũng xót, kêu đến tận chính quyền.
Vô tình thế nào đấy, vào đúng dịp này, Bần làm đơn xin chuyển cơ cấu cây trồng. Một mô hình mới đây. Và quan trọng hơn, có chỗ cho tàu cuốc nhả bùn. Mấy anh trong uỷ ban nghĩ vậy và phê ngay vào đơn. Vậy là, dù không chủ định trước, tám công lúa của hắn thành gò thành đống. Chẳng tốn kém một cắc lẻ nào gọi là có ! Vẫn theo lời Bần kể, nể tình người chịu thiệt thòi vì lợi ích chung, người ta còn đồng ý nâng cấp hai trăm mét vuông từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư cho hắn. Số đất thổ cư này Bần xin ở vị trí chính giữa khu đất gò. Hắn còn hài hước nói rằng, đó chính là cái bánh chưng mà vợ chồng người cấy rẽ hôm nào dành dụm từng hạt gạo và gói được...
Cuộc đới lắm cái bất ngờ! Người ta lại thấy anh trắc địa đi đo đất. Chẳng hiểu đo làm gì mà đo lắm thế cơ chứ ? Đo đến hai tuần lễ! Người hiếu kỳ ngó được mấy tờ giấy họ ghi chép về khoe những người tò mò rằng, khu ruộng gần bờ kinh sẽ thành khu dân cư, dành cho những hộ bị giải toả trong thành phố đến ở nay mai. Riêng Bần, hắn cứ gân cổ lên cãi, cho đó là tin đồn nhảm...
Rồi khi thấy từng đoàn người xe xa lạ từ những đẩu đâu tới, dò hỏi mua đất rộ lên, Bần vẫn một mực chặc lưỡi, tỏ ý không tin. Mặc dầu thế, hắn bảo, cứ từ từ xem hư thực thế nào, biết đâu vận may tới thì sao ! Vậy thì hắn cũng thử với đời, tự tay vạch ba con đường rộng tám mét, chia đôi số đất của mình ra thành nhiều lô ! Thử rao bán xem sao nào !
" Trời ơi !", hắn kêu lên với ông Hai trong một bữa nhậu, "Ngươì ta mua thật !".
Giá lên vùn vụt ! Trong ba tháng liền, Bần viết giấy tay sang đất hết một cuốn tập nhỏ. Hắn trở thành tỉ phú chứ chẳng chơi ! Vẫn còn hai trăm mét vuông trên có cái nhân bánh ! Thì xây chơi ! Và thế là ngôi nhà ba tầng mà hắn rao bán trên báo, đã mọc lên sừng sững như sau một phép lạ huyền bí và mầu nhiệm.
Mẩu rao vặt trên báo hại tôi. Chuông điện thoại liên tục reo trong suốt một tuâđn liền. Tôi lại phải giải thích, chỉ dẫn. Có người dò qua tổng đài 116, biết cả địa chỉ, đến tận nhà nhờ tôi đưa đi xem nhà Bần.
Vía tôi lành. Chưa đầy ba tháng, nhà Bần đã về tay một ông cán bộ quận sở tại. Bên nhận tiền ra đi, bên dọn về nhà mới, chỉ làm giấy tay với nhau. Ông chủ mới tỏ ý hài lòng lắm, thành tâm biếu tôi một thùng rượu tây. Bần còn hả hê hơn. Hắn giữ đúng lời hứa, đem trả công tôi 13 cây vàng. Tôi từ chối. Hắn giận, bỏ về.
Nhưng năm hôm sau, vợ hắn đi một chiếc xe Dreame mới tinh đến nhà chơi với vợ tôi. Rồi lấy cớ đến chung cư Vĩnh Hội thăm một người bạn trên lầu hai, chị ta dắt xe để vào một góc nhà.
Buổi trưa, nhìn qua kính tủ chè, tôi bất chợt trông thấy một tờ giấy lạ, trên đè một cái chìa khóa. Mở ra xem mới biết là hóa đơn mua chiếc xe kia. Hoá đơn ghi rõ tên người mua là tôi. Dĩ nhiên, tôi vẫn không chịu, nhắn Bần tới lấy xe về. Chiếc xe vợ hắn để đâu vẫn còn nguyên đó.
Cách nay nửa tháng, Bần đến thăm tôi. Hắn khoe đã mua được nhà ở quận Nhất. Sắp tân gia nên đến mời vợ chồng tôi. Hắn bảo vẫn cần cái vía may của tôi. Song hắn tỏ ta tiếc. Vì hắn mới hay thành phố qui hoạch khu đất đã bán thành khu nhà ở cao cấp...
Tôi ngớ người hỏi trước đây sao mấy anh trắc địa nói đám ruộng kế bên lộ ven kênh tiêu nước kia chỉ là khu dân cư xoàng thôi mà? Bần cười mửa miệng, bảo hắn chưa học hết chữ ngờ ! Cũng tại hắn non gan, chỉ dám tung tin đến cỡ ấy qua miệng đám trắc địa ma, đám khách mua đất giả, tức là mấy thằng bạn thất cơ lỡ vận ăn tiền của hắn để làm cái việc láu cá này !
Tuy vậy, lúc chia tay tôi, Bần vẫn cười hề hề, thản nhiên bảo những tờ giấy viết tay hôm nào, sẽ không làm hại nổi hắn đâu! Trước thời vận mới vừa mở ra đối với khu ruộng đất, nếu khéo léo và chịu suy nghĩ một chút, hắn có thể biến chúng thành một món tiền to, thậm chí còn lớn hơn cả số vàng bạc mà hắn đã hốt được từ việc sang đất trước kia !
Nghe thì biết vậy thôi ! Chứ thực lòng, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu được cách mà Bần sẽ dùng để giải bài toán về những tờ giấy tay hóc búa ấy như thế nào ?