Chương 2
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Đàn vượn mình đen đuôi dài đang sinh sống yên ổn trong vương quốc của mình - vùng Dốc Cây Sung - thuộc chân Lèn Một.
Một ngày kia có một đàn khỉ từ bên rừng bắc bơi qua vực, đổ bộ lên Lèn Một, chiếm cứ vùng Dốc Cây Sung. Đây là loài khỉ mà dân địa phương gọi là khỉ cha quăng, khỉ chú lính, khỉ khố đỏ, hay còn gọi là mọm.
Chính ra bọn xâm lăng này tên phổ thông gọi là vẹc hay voọc. Voọc cũng thuộc Bộ linh trưởng, Bộ phụ Khỉ - Vượn, họ Khỉ.
Thể trạng của voọc cũng giống khỉ, vượn. Voọc lớn gấp đôi khỉ vàng. Con đực trưởng thành, có con đạt tới mười lăm, hai mươi cân. Đuôi của voọc ngắn, chỉ bằng nửa thân. Chi trước ngắn hơn chi vượn. Voọc sống ở rừng Việt Nam có ba giống chính, tập trung nhiều nhất là ở rừng miền Trung: voọc xám, voọc mũi hếch và voọc vá.
Không cần xem phân loại động vật, chỉ nhìn bên ngoài người ta cũng dễ dàng phân biệt vượn và voọc ở rừng Việt Nam: Vượn màu lông đen tuyền (không có màu vàng, màu tro...), còn voọc và khỉ thì không có màu đen. Hai chi trước của vượn dài và to khỏe hơn hai chi sau, còn voọc và khỉ thì hai chi trước bằng hai chi sau. Đuôi vượn rất dài, còn các giống voọc và khỉ rừng Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đều đuôi cộc.
Voọc sống chủ yếu trên tán rừng. Nhưng khi kiếm ăn cũng thường kéo c đàn xuống đất. Thức ăn của Voọc hoàn toàn giống thức ăn của khỉ, vượn. Voọc sống thành đàn lớn, có đàn đông tới vài chục con. Voọc đàn cũng có con đầu đàn cai quản. Vai trò con đầu đàn của voọc cũng giống vai trò khỉ đầu đàn.
Voọc xám con đực nền lông vàng xám đậm ở lưng, nhạt dần hơi ngả sang trắng bẩn về phía bụng; con cái xám nhạt hơn. Voọc xám trưởng thành, con đực nặng trung bình hai mươi ki-lô-gam, con cái nặng trung bình mười lăm ki-lô-gam.
Voọc mũi hếch màu lông hung hung, mũi hếch ngược lên, người ta còn gọi là voọc bông lau, vì đuôi có túm lông trắng hệt như bông lau. Voọc mũi hếch khi gặp mưa to thường cúi gầm mặt xuống để nước mưa khỏi chảy vào mũi. Vì thế nên báo hay lần theo chúng khi trời mưa to dễ vồ bất thình lình.
Voọc vá có hai màu lông. Từ đầu trở xuống cho tới quá bụng dưới và hai phần bắp đùi sau xuống tới bàn chân, lông có màu nâu xám. Còn từ bụng dưới xuống một phần ba đùi sau có màu hung hung đỏ hay màu trắng bẩn rất rõ, như người mặc quần đùi.
Thời Pháp thuộc, có một (*)loại lính người Việt bên cạnh lính người Âu, vận quần và xà cạp đỏ gọi là lính khố đỏ.Vì thế dân địa phương gọi luôn loài voọc vá này là khỉ khố đỏ hay khỉ chú lính.
Loài voọc vá sống chủ yếu trên tán cây rừng. Mỗi lần di chuyển đi xa, nhất là những khi bị săn đuổi, chúng không nhy chuyền, mà quăng mình từ cây này sang cây khác, xa tới vài chục mét. Dân địa phương còn gọi chúng là khỉ cha quăng.
Loài voọc nói chung, sống chủ yếu trên tán cây, đêm ngủ trên các chạc cây. Chúng có tính hay giật mình. Mỗi lần voọc đang ngủ say trên chạc cây, mà nghe tiếng hổ gầm bất thình lình ngay dưới gốc, thì có con giật mình rơi bịch xuống đất và bị hổ ăn thịt.
Vì thế những khu rừng nhiều voọc sinh sống, hổ thay hay lai vãng. Có những con hổ ăn mồi đã quen. Ban đêm chúng thường lần đến chỗ đàn voọc ngủ, hếch mặt nhìn lên các tán cây, rồi bất thình lình cất một tiếng oặp oàm khủng khiếp. Lũ voọc có con giật mình, rơi phịch xuống. Bấy giờ chúa sơn lâm chỉ việc vồ lấy chén thịt.
Trở lại câu chuyện đàn khỉ khố đỏ - từ đây trở xuống, tác giả gọi voọc vá là khỉ, khỉ khố đỏ, khỉ cha quăng hay khỉ chú lính như dân địa phương từng gọi - đổ bộ lên Lèn Một.
Hoàng hôn hôm ấy, khi đường sá và đồng ruộng đã vắng bóng người, có ba chiếc thuyền đánh cá chèo ngược dòng trên sống, đến vực Cây Sung.
Những người trên thuyền cùng lúc thấy một đàn khỉ chú lính đông ngót vài chục con, từ rừng bắc lũ lượt kéo nhau về phía vực. Điều lạ là, mặc dù thấy trên thuyền có người, nhưng đàn khỉ khố đỏ không sợ hãi. Con đầu đàn chỉ hếch mặt nhìn và cứ thế đi tiếp ra vực, không hề chùn chân.
Đến bờ vực, khỉ đầu đàn dừng lại như thể để xem cả đàn đã có mặt đầy đủ chưa. Khi con khỉ cuối đàn đến nơi, thì khỉ đầu đàn lao ào xuống nước. Cả đàn khỉ khố đỏ cùng nhy ào theo con đầu đàn, bơi về phía Lèn Một.
Những người đánh cá trên ba chiếc thuyền này từng bắt gặp và đập chết được nai, hoẵng, lợn rừng... bơi qua sông. Thấy bọn khố đỏ bơi ra vực, họ mừng rơn.
Vậy là vận may lớn đã đến với họ! Ba chủ thuyền đánh cá bàn nhau, rồi quyết định bủa vây để tóm gọn cả đàn khỉ trời cho này. Họ cho thuyền tản ra ba ngả, cố ép đàn khỉ vào giữa. Nhưng thuyền của họ vừa khép vòng vây, lưới cá chưa kịp tung ra, thì khỉ đầu đàn đã hộc lên một tiếng giận dữ, rồi nhảy phắt lên một chiếc thuyền. Như một mệnh lệnh chiến đấu, cả đàn khỉ khố đỏ đồng loạt nhảy phắt lên ba chiếc thuyền.
Tình thế hiểm nghèo diễn ra quá đột ngột. Những người đánh cá không lường trước được. Họ bị khỉ đàn tấn công, con thì cào cấu, con thì cắn xé rách hết áo quần, xây xát da thịt, mặt mày.
Những người hám lợi này bị một phen hú vía. Họ đành để thuyền lại cho bọn khố đỏ, xô nhau nhảy ào xuống vực, không dám ló đầu lên khỏi mặt nước, lặn một hơi vào bờ.
Bọn khỉ khố đỏ tuy bơi lội rất giỏi, nhưng lên trên thuyền thì trở nên vụng về, vì thế rất hốt hoảng. Bọn chúng loay hoay chạy ngang chạy dọc, chạy ngược chạy xuôi trong lòng thuyền, kêu chí chóe. Thuyền mất thăng bằng, lật úp và chìm nghỉm.
Bọn chúng vùng vẫy trên mặt nước chán, rồi nối đuôi nhau bơi lên bờ. Vào bờ rồi, chúng còn đứng rũ lông, quay nhìn ra vực như cố tìm những người đánh cá với vẻ tức giận. Có con còn nhảy nhót, kêu khịt khịt giọng mũi rồi mới kéo nhau vào Lèn Một.
Bọn xâm lăng tập kích Dốc Cây Sung vào buổi tối. Lũ vượn mình đen đuôi dài sống ở chân núi đã đã vào trú đêm trong các hang hốc, các khém đá nên không hề hay biết.
===========================
(*) Thời Pháp thuộc có nhiều loại lính người Việt: lính khố đỏ là lính trận; lính khố vàng là lính bảo vệ, canh gác cung điện, các công sở của triều đình; lính khố xanh là lính địa phương chuyên canh gác công sở và trấn áp dân chúng...