Chương 6
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Hai đứa chúng tôi nghĩ nát óc ra, tìm kế diệt trừ bọn khỉ khố đỏ. Tôi liền bắt chước người ta bẫy bằng hũ sành có mồi để bắt sống khỉ. Lại nghe kể rằng bắt được một con khỉ đàn, cạo trọc đầu, bôi vôi vào, rồi thả ra, đàn khỉ sẽ kéo đi biệt tích, càng thúc giục chúng tôi hành động.
Tôi bèn lấy cái hũ sành đựng vừng giống của mẹ, đổ hết vừng ra, rồi nướng một bắp ngô có tẩm mỡ hẳn hoi thơm lừng, cho vào hũ, mang ra chân núi đá, bảo thằng Khôi leo lên cây dâu da, đặt cái hũ lên chạc cây.
Rồi hai đứa ngồi rình từ xa. Bọn khỉ vốn tham ăn. Thường khi nhặt được vật gì có thể ăn được, là nắm chặt lấy, không chịu buông. Người ta có cách bẫy khỉ bằng hũ là vì thế.
Khỉ thấy trong hũ có thức ăn, thò tay vào nhặt lấy, rồi nắm chặt. Miệng hũ thì bé, và thế là khỉ không rút tay ra được nữa. Nhảy đi thì vướng, cựa quậy thì sợ hũ rơi, đành ngồi yên ôm lấy hũ, chờ thợ săn đến bắt sống.
Chúng tôi ngồi im trong bụi rậm tưởng hóa đá, đến mức muỗi đốt cũng không dám đạp.
Mọi hôm bọn khố đỏ kéo đến ngồi lấp ló trên các cành cây gần bờ ruộng lúa từ sớm. Thế mà hôm nay mặt trời đã lên cao, chẳng thấy bóng dáng một con.
Bỗng có tiếng khịt khịt, tiếng cành cây chuyển ào ào. Bọn khố đỏ đã đến. Kìa, con khỉ đầu đàn Cai Khố Đỏ đến ngay cây dâu da chúng tôi để cái bẫy hũ, bên trong đã để sẵn bắp ngô nướng tẩm mỡ thơm lừng.
Cai Khố Đỏ nghiêng ngó nhìn cái hũ ra chiều vừa ngạc nhiên vừa tò mò. Nghiêng ngó một lúc, không thấy có gì đáng sợ. Cai Khố Đỏ dịch đến gần cái hũ.
Ngồi sát vào hũ một lúc, hết rụt rè sờ mó bên ngoài, rồi đánh bạo, Cai Khố Đỏ thò hẳn tay vào trong hũ. Chắc là hắn đã nắm được bắp ngô. Chúng tôi mừng rơn. Riêng tôi mừng tưởng đến tắt thở. Tôi giật tay thằng Khôi. Hai đứa cùng vùng dậy, chạy tới để bắt Cai Khố Đỏ.
Nhưng cả hai, tôi và thằng Khôi cùng đứng sững lại, chết điếng như trời trồng. Một tiếng choang vang lên. Cái hũ rơi xuống, va vào đá vỡ tan. Còn Cai Khố Đỏ thì cầm luôn bắp ngô nướng, quăng mình mất hút vào cây rậm.
Lần này quả thực tôi không phải chỉ có dốt như khỉ mà còn dốt hơn nữa. Bởi vì tôi quên rằng muốn cho khỉ mắc tay trong hũ không rút ra được, thì miệng hũ phải thật bé.
Đằng này cái hũ đựng vừng giống của mẹ tôi miệng lại rộng, rộng đến mức bàn tay tôi đã to mà nắm cả bắp ngô thò vào, lôi ra dễ như bỡn.
Lại nữa, người ta thường làm mồi bằng bánh nếp rất dẻo. Khi khỉ đã nắm chặt lại, muốn xòe bàn tay ra cũng không xòe được. Còn tôi thì lại làm mồi bằng ngô nướng. Thật là quá dốt.
Nhưng đấy chưa phải là dốt nhất. Dốt nhất là làm cái hũ vỡ. Một hôm tôi tỷ tê hỏi bố:
- Cha ạ, răng người ta bẫy khỉ bằng hũ, bắt được khỉ mà hũ không ri vỡ hả cha?
Bố tôi xoa đầu tôi, bảo:
- Ngốc ạ! Đúng là khỉ có thói quen khi nắm chặt mồi trong hũ, sợ hũ rơi, còn một tay vẫn ôm chặt lấy hũ. Nhưng để ngừa trước, người ta còn buộc hờ miệng hũ vào cành cây, nên dù khỉ có tuột tay, hũ vẫn không rơi được.
Thì ra là thế. Tôi kể chuyện người ta bẫy khỉ bằng hũ miệng bé như bố tôi đã bảo cho thằng Khôi nghe, rồi tự xỉ vả mình:
- Đúng là tao dốt hơn cả Cai Khố Đỏ, làm vỡ cái hũ suýt nữa no đòn. Nhờ trời mạ tao mát tính, nên chỉ mắng sơ sơ thôi.
Thằng Khôi nói:
- Cả tao cũng dốt hơn khỉ. Biết thế tao chén bắp ngô nướng luôn cho xong. Thú thật tao thèm ngô nướng quá, khi thấy Cai Khố Đỏ tha đi, tao tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Tôi bảo thằng Khôi:
- Tức chết đi được! Chẳng lẽ tao với mi mà chịu bọn hắn à?
Thằng Khôi gãi đầu gãi tai nói:
- Bọn hắn khôn lắm, đến thợ săn cũng chịu cơ mà. Chỉ có cách đuổi chúng đi xa may ra còn được.
Tôi mừng quá, bảo:
- Bọn mình cũng chỉ cần có thế, chứ thích thú chi chuyện giết chúng. Cả nhà tao chúa sợ thịt khỉ, mà nhà mi cũng rứa, thì giết chúng làm chi? Nhưng xua chúng đi xa, mi tưởng dễ h?
Thằng Khôi thủng thẳng bảo:
- Cũng nỏ (*) khó lắm! Chỉ cần có một thứ.
Tôi hỏi:
- Thứ chi?
Thằng Khôi chần chừ, nói:
- Ruốc (**) ấy mà!
- Thật không? Rồi làm răng?
- Mi quên chuyện Khỉ đỏ đít rồi à?
- A! Tao nhớ ra rồi! Hay quá! Mi thông minh quá! Phen ni để coi, bọn khố đỏ không phải chạy bỏ xứ nữa thì chớ kể. Tưởng thứ chi, chứ thứ nớ (*** ) thì ở nhà tao có.
* * *
Tôi nhớ ra rồi. Chuyện Khỉ đỏ đít mà thằng Khôi vừa nhắc tới, tôi đã đọc. Chuyện kể rằng có một cô gái mồ côi tốt bụng, mặt mũi xấu xí, đi ở cho một lão hào phú keo kiệt.
Nhà lão hào phú đông người nên cô gái làm lụng quần quật suốt ngày, ăn uống không ra bữa nên người gầy gò và xấu xí.
Hôm ấy nhà lão có đám, cô gái luôn vai gánh nước. Quá trưa rồi mà cô vẫn chưa được ăn.
Một lần gánh đôi vò ra giếng, cô cắp theo một mắn cảm để ăn cho đỡ đói. Nhưng cô chưa kịp ăn thì gặp một bà già ăn mày đang ngồi gục bên đường, thở thoi thóp chờ chết.
Động lòng thưng xót, cô bé rừng chân hỏi han. Bà cụ kể rằng bà không có con cái để cậy nhờ. Đã mấy ngày nay bà không có gì ăn.
Nghe thế cô gái liền lấy nắm cơm để trong vò ra mời bà. Bà cụ cầm nắm cơm ăn ngấu nghiến. Chỉ chớp mắt nắm cơm đã hết sạch.
Bà tươi tỉnh hẳn. Ăn xong bà cụ lại kêu khát nước. Cô gái bảo bà chờ, rồi vội vàng gánh đôi vò không ra giếng múc nước về mời bà uống.
Ăn uống no nê rồi, bà cụ nhìn cô gái, nói:
- Con tốt bụng lắm. Ta là bụt biến thành bà già ăn mày để thử con đó thôi. Bây giờ con muốn gì hãy nói đi. Ta sẽ giúp con.
Cô gái ôm mặt khóc, nói:
- Bà ơi, con xấu xí thế này thì còn ao ước gì. Con chỉ mong sao giúp đỡ được mọi người là hả lòng rồi!
Bụt cảm động nói:
- Được rồi, con chớ lo. Con hãy trở lại giếng, nhảy xuống nước hụp đủ ba lần, rồi lên ngay thì con sẽ toại nguyện. Nhớ hụp đủ ba lần, không hơn mà cũng không kém đó.
Nói xong bụt biến mất. Cô gái đổ gánh nước đi, rồi gánh đôi vò không trở lại giếng. Y lời bụt dặn, cô nhảy xuống giếng hụp đúng ba hụp, rồi lên bờ.
Nhìn lại tay chân mình, cô gái sửng sốt. Chân tay cô bỗng trắng ngần như trứng gà bóc. Cô soi mình xuống giếng xem thử. Cô càng sửng sốt hơn, dưới giếng là một nàng tiên đang nhìn cô. Cô gái vui mừng gánh nước về nhà.
Trong nhà lão hào phú tiệc tùng vẫn chưa tan. Chủ khách đang nói cười huyên náo thì thấy một cô gái đẹp như tiên, gánh nước đi vào sân. Mọi người bỗng lặng đi.
Lúc lâu trấn tĩnh lại, lão hào phú tra hỏi cô gái. Cô gái vốn thật thà, kể lại mọi chuyện. Nghe thủng câu chuyện, lão hào phú mừng rơn.
Thế rồi vợ chồng, con cái lão hào phú cùng khách khứa kéo nhau ra giếng. Bắt chước cô gái, chúng nhảy ào xuống nước tranh nhau hụp. Chúng tưởng là càng hụp nhiều càng đẹp hơn.
Nào ai ngờ, vừa hụp đến hụp thứ tư, thì ai nấy đều rùng mình, thấy tay chân, mình mẩy mọc đầy lông, mặt mũi co dúm lại. Sợ quá, chúng đua nhau nhảy lên bờ.
Bọn chúng kinh ngạc hỏi nhau, thì tiếng không còn là tiếng nói của người nữa, mà khẹc khẹc như tiếng khỉ ngày nay. Chúng càng kinh hoàng, hoảng hốt kéo nhau chạy về nhà.
Trong nhà lão hào phú giờ chỉ còn toàn là kẻ ăn, người ở. Họ thấy đàn thú lạ kéo vào sân thì lấy làm kinh ngạc, đua nhau hò hét xua đuổi.
Cùng lúc ấy, hàng xóm nghe tiếng ồn ào kéo nhau đổ đến. Thấy đàn thú lạ, ai nấy kẻ sào, người gậy, người xua cả chó săn ra, hò hét đánh đuổi. Đàn thú lạ vừa sợ hãi, vừa xấu hổ, vội kéo nhau vào rừng.
Biết bọn người nhà lão hào phú đã biến thành thú rừng hết. Chúng lại đã kéo nhau vào ở hẳn trong rừng. Cô gái đem hết của cải của lão chia cho dân làng.
Từ hôm ấy thỉnh thoảng tiếc của, bọn thú kia lại kéo nhau về nhà cũ. Chúng lân la ngồi trên thềm nhà, trên bậu cửa kêu rên chán, rồi kéo ra vườn phá phách cây cối.
Cô gái bây giờ trở thành chủ ngôi nhà của lão hào phú. Cô bối rối chưa biết làm gì với lũ khỉ, thì bụt hiện lên mách kế. Theo lời bụt, cô nhờ người nung đỏ lưỡi cày đặt khắp hiên nhà, bậu cửa. Cô lại mua mắm tôm bôi khắp hàng rào, cành cây, những nơi bọn khỉ hay lân la.
Thế rồi, hôm ấy quen thói, lũ thú lạ lại kéo nhau về. Chúng ngồi lên những chiếc lưỡi cày nung đỏ. Bị bỏng, chúng ôm mông mà chạy. Chúng nhảy lên hàng rào, cành cây, thì bị dính mắm tôm khắp mình mẩy, hôi rình.
Bọn thú lạ hết sức kinh hãi, kéo nhau vào ở hẳn trong rừng, không dám về làng nữa. Từ đó đít của chúng thành sẹo đỏ lòm, và mình khỉ thì hôi hám. Người ta bèn gọi chúng là khỉ đỏ đít. Cho đến nay hễ ngửi thấy mắm tôm là bọn chúng đi biệt xứ.
Tôi nói với thằng Khôi:
- Tưởng gì, chứ ruốc thì thiếu ma chi?
Thằng Khôi nói:
- Nhưng bây chừ nhà tao không có!
Tôi bo:
- Nhà tao còn một lọ đầy, mạ tao mới mua.
Thằng Khôi đắn đo:
- Nhưng mà, mi vừa làm bể một cái lọ. Chẳng lẽ bây chừ còn để mi chịu mất cả lọ ruốc hả?
Tôi an ủi nó:
- Thì cho cả ruộng lúa nhà tao, chứ có phải chỉ cho nhà mi mô mà lo. Nhưng mà lần trước là bể (****) hũ, còn lần ni thì khác, chỉ mất một ít ruốc thôi?
Thằng Khôi lại nói:
- Nhưng mà... lỡ ra bể cả lọ nữa thì răng?
Tôi gạt đi:
- Ai đặt lọ lên trên cây mà bể?
------------------------------
(*) Nỏ: Chẳng, không;
(**) Ruốc: Mắm tôn;
(***) Nớ: Kia, ấy.
(****) Bể: Vỡ.