Chương 17
Tác giả: Nguyễn Ý Thuần
Bố Nhu chờ ở cầu thang. Nét mặt ông không đổi khi Tường đến gần. Không buồn cũng không vui. Chẳng lãnh đạm cũng chẳng vồn vã. Một khuôn mặt không cảm xúc với đôi mắt sáng và bộ râu mét đốm bạc. Tường nhìn ông chăm chú, cố tìm một điểm nào đó trên khuôn mặt này có liên quan đến khuôn mặt người mình yêu nhưng đành chịu. Giữa hai khuôn mặt, của ông và Nhu, hoàn toàn xa lạ với nhau. Như hai khuôn mặt chưa hề quen trong đời.
– Bác ạ!
– Cậu vẫn khỏe chứ?
– Vâng, cháu vẫn đi làm đều.
– Vẫn làm báo? và viết?
– Vâng, vẫn làm báo và viết.
Tường bình thản trả lời khi cùng ông bước xuống nấc thang đầu tiên. Tiếng giầy của bố Nhu vang lên giữa không khí im vắng của bịnh viện nghe chát chúa và khó chịu. Tự nhiên Tường bước thật nhẹ. Đôi giầy ba ta dưới chân anh như không chạm vào nền xi măng của cầu thang. Bốn bàn chân đã chia làm hai cách thế khác nhau trong nhịp đi. Bố Nhu nện gót mạnh mẽ và gắn chặt nhịp đi như đang sống khít khao với cuộc đời. Tường rời rã và chạm khẽ vào mặt xi măng như đang lơ lửng, chân không chạm đất khi sống. Hệt như cuộc sống thực của họ. Tường thích thú mỉm cười một mình khi tìm được điều so sánh này. Bố Nhu quay sang Tường khi vừa đi hết nấc thang cuối cùng.
– Cậu có gì vui?
Tường nói ý nghĩ vừa có. Bố Nhu mỉm cười.
– Đúng đấy.
– Cám ơn bác.
– Những người trẻ thường can đảm quá lố, họ không sợ tương lai và đôi khi xa rời thực tế.
– Cháu vẫn sống.
– Phải! Tôi đâu bảo cậu không sống bao giờ? Nhưng cách sống của cậu tách rời khỏi cuộc sống chung. Lơ lửng và bất định. Nói cách khác là ngay cả lúc đang sống cậu cũng không hiểu được mình đang sống thế nào và sẽ sống ra sao.
Tường thấy ông cụ nói đúng phần nào.
– Nhưng không thế thì không phải là cậu.
– Cảm ơn bác.
– Chỉ khổ cho những người yêu thương cậu.
Tường thấy ông cụ nói không đúng lắm. Những người già thường không hiểu được tình yêu của những người trẻ khác thế hệ của mình và luôn luôn quên hẳn thời còn trẻ, thời còn yêu đã sống cách đó chừng vài chục năm. Con tim của người già chỉ còn làm đúng nhiệm vụ của một phần trong bộ máy tuần hoàn.
– Mình đi vòng sân cho mát nhé.
– Vâng.
Họ bắt đầu con đường nhỏ bọc quanh bệnh viện bằng những bước chân đều nhau. Cả hai đều như cố điều chỉnh cho bước chân vừa đủ để giữ cùng nhịp với người bên cạnh. Trò chơi đầy cố gắng của hai con người khác thế hệ để được gần gũi nhau hơn.
– Cậu nghĩ sao về cái Nhu?
Tường ngập ngừng.
– Thì... thì... như bác biết bọn cháu thương nhau.
– Ai chả biết cậu và nó thương nhau. Nhưng tôi hỏi cậu nghĩ sao về nó mà?
Trên môi ông cụ có nụ cười giễu cợt. Đột nhiên Tường thấy ông cụ trẻ lại và có vẻ gần gũi, thân mật hơn. Khác hẳn với lối cư xử lãnh đạm thường ngày.
– Nhu hiền lành... lễ phép... dễ thương và có lòng nhân.
Bố Nhu vẫn nụ cười giễu cợt trên môi.
– Những điều đó cậu phải nói với nó chứ. Tôi hỏi khác mà.
Tường hết biết trả lời thế nào. Thật tình những ý nghĩ về Nhu chẳng bao giờ được anh đặt đến. Chỉ thoáng qua vài điểm nổi bật của nàng mỗi khi bắt gặp và ghi nhận. Thế thôi! Đâu ai đem người mình yêu lên bàn cân đong đo kỹ lưỡng như một món hàng trước khi trả giá cho tình yêu đâu?
– Cháu...
– Trả lời không được hả? Cũng chẳng sao. Câu trả lời này thường chẳng ai làm được... ngay cả những người đã nói, đã viết thật nhiều điều cho người khác đọc, cho người khác nghe. Cậu là một.
– Bác nói đúng.
Họ đi vòng qua dãy phòng cấp cứu. Một chiếc xe cứu thương đang đưa bệnh nhân xuống. Những người mặc áo trắng lăng xăng trong các động tác cần thiết, bao quanh một con người được phủ mền đến ngực, nằm yên trên băng cạ Trên đầu xe cứu thương, hai chiếc đèn xanh đỏ nhấp nháy với tia sáng được xoay tròn. Tường hình dung đến cảnh Nhu cũng nằm yên trên băng ca vào sáng nay.
– Bác sĩ có bảo Nhu bị gì không bác?
Ông cụ nhìn Tường không trả lời. Ánh mắt ông cụ dịu đi khi hỏi ngược lại Tường.
– Cậu... Cháu nghĩ sao về tương lai?
Sự thay đổi lối xưng hô của bố Nhu thật bất ngờ. Tường ngạc nhiên nhìn ông cụ chăm chăm. Ánh nắng chiều trong sân bịnh viện như dịu đi. Bước chân của họ chậm lại khi bắt đầu vào lối đi nhỏ dẫn đến khuôn viên phía sau bịnh viện. Một vài bịnh nhân cùng người nhà cũng đi bách bộ trong khuôn viên. Khung cảnh an bình với các khóm hoa vươn lên giữa thảm cỏ xanh ngát.
– Cháu xin lỗi bác vì bọn cháu không thưa với hai bác trước.
– Nói đi cháu.
Bây giờ cái cười của ông cụ không còn nét giễu cợt nữa. Chỉ có sự thân tình và cởi mở. Hôm nay là lần đầu Tường nhận được điều này từ ngày biết bố Nhu đến giờ.
– Bọn cháu định chờ Nhu học xong rồi sẽ tính.
– Định chờ cái Nhu học xong rồi sẽ tính?
Ông cụ nhắc lại câu nói với chữ “định” và chữ “sẽ” được nhấn mạnh. Như một con đường bằng phẳng chợt thụt xuống hai lỗ hổng. Tường cảm thấy vui vui vì lối nói chuyện đầy tính trẻ của bố Nhụ Ông cụ tiếp.
– Sao mà lâu thế cháu?
Tường mỉm cười đùa theo ông cụ.
– Tương lai mà bác.
– Tương lai của những người trẻ tuổi thường dài hơn thời gian khi nghĩ đến. Ngày xưa bác cũng đo tương lai như cháu và cái Nhu bây giờ. Nhưng tất cả chỉ nằm trong ý nghĩ.
Giọng bố Nhu trầm xuống. Nhịp chân đã chậm lại càng chậm hơn. Ngang qua ghế đá có một cặp tình nhân người ngoại quốc đang tình tự, ông cụ nheo mắt với Tường. Anh thấy ông cụ chịu chơi hơn mình nghĩ.
– Hạnh phúc nhỉ?
– Vâng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào tình yêu cũng đem đến một ý nghĩ hạnh phúc cho người trong cuộc.
– Ngay cả lúc xa nhau?
– Vâng... ngay cả lúc xa nhau. Cháu nghĩ thế. Trong đau khổ luôn luôn có pha vào hạnh phúc... Ranh giới của khổ đau và hạnh phúc mong manh tưởng chừng không có. Ông Lưu Trọng Lư rất có lý và đầy kinh nghiệm khi gọi đó là thú đau thương.
– Cháu có vẻ lãng mạn.
– Rất lãng mạn bác ạ.
Hai người đã đi hết con đường xuyên ngang khuôn viên phía sau bịnh viện. Nắng từ phía sau hắt đến, bóng của họ dài ngoẵng và chạm vào nhau tại một vài khoảng, chan hòa thành những đoạn nối đồng màu từ hai chiếc bóng riêng biệt. Tường liên tưởng đến những điều vừa nói. Có những điểm tương đồng, có những điểm dị biệt. Sự khác biệt của những người không cùng thế hệ không hẳn là hoàn toàn như anh nghĩ, mà ngược lại vẫn còn những điểm thông cảm nhau được. Đó là cái chung của ý sống loài người. Và ông cụ hôm nay chợt gần gũi Tường hơn bao giờ hết. Như một người anh nói chuyện với em. Gần hơn nữa là người bạn lớn tuổi.
– Bác... hình như bác không thích nghề cháu đang làm?
– Cháu nghĩ thế?
– Cháu cảm thấy thế. Trong mắt những người lớn tuổi, rõ hơn nữa là trong mắt đa số những người đang sống tại đây thì việc làm của cháu là... là...
– Vậy sao cháu lại làm?
Ông cụ cắt ngang khi Tường đang tìm một từ ngữ để diễn tả việc mình làm trong mắt mọi người. Một từ ngữ không to quá cũng không bé quá. Vừa đủ để giữ mình và cũng vừa đủ để mọi người dùng.
– Cháu thấy cần phải làm vậy.
– Làm báo hay viết văn?
– Cả hai bác ạ! Điều này cháu nghĩ rất kỹ. Cái còn lại sau một lần vỡ nát chung là một nỗi thất vọng trộn với hoài bão. Mỗi người trong nỗi buồn riêng tư phải tìm cho mình một hướng sống... Cháu không muốn nói đến số đông tách ra khỏi quá khứ, cố quên quá khứ.
– Bác hiểu.
– Vâng, cảm ơn bác. Cháu chọn việc này với ý tưởng thật giản dị, ít nhất mình cũng làm được một việc nhỏ đúng với khả năng của mình.
– Trên mặt báo chí?
Tường hơi ngượng vì hiểu ý của ông cụ. Quả tình là chả có gì đáng hãnh diện khi nói đến hai chữ “báo chí” một cách bình thường. Tình trạng “hỗn mang” của làng báo Việt ngữ tại hải ngoại Tường đã thấy. Những từ ngữ đẹp gắn liền với chữ “báo chí” đã bị từ bỏ rất nhiều. Chỉ còn lại những cái nhìn lệch lạc cho tình trạng chung. Lỗi tại ai? Đã có lần Tường nghĩ đến nhưng không kết luận được. Dù sao mọi người cũng phải sống chứ. Và đa số coi đó là một cách kiếm sống. Bất kể những điều căn bản cần có của một tờ báo. Sao cũng được, miễn là kiếm tiền được. Dễ dãi và giản dị như một thứ nghề chẳng cần trường lớp nào cả, ai làm cũng được và làm sao cũng được luôn. Chỉ cần khả năng... lấy quảng cáo. Riết hồi biến thành một tập quảng cáo... Nhưng làm sao mà nói được. Mỗi người có một quan niệm sống riêng thì cách – thế – hành – nghề đâu thể giống nhau? Có kẻ này, người kia chứ. Tường cảm thấy đắng trong miệng khi nghĩ đến những tờ báo đứng đắn – con số này thật ít ỏi – của một số người có lòng, họ chăm chút, hy sinh để thực hiện hoài bão và biến thành mối phiền cho gia đình họ, hoặc là mối phiền cho chính họ. Ít nhất về mặt vật chất. Thiểu số này lạc lõng như ngôn ngữ Việt Nam lạc lõng trên đất Mỹ.
– Cũng có người này, người kia chứ bác.
Tường ráng chống chế. Ông cụ gật đầu thông cảm.
– Bác biết chứ. Cháu nói tiếp đi.
– Dù sao trong lúc này, mình cũng có thể nói được những điều cần nói với mọi người, với kẻ thù và với chính mình nếu thật tình mình dám nói.
– Nói thật không cháu.
Lại một cái cười trên môi ông cụ và Tường lại hiểu để ngượng ngập thêm một lần nữa vì tình trạng báo chí tại đây. Lẫn trong những tập quảng cáo được gọi là báo là một thứ truyền đơn nổi được gọi cùng tên. Đủ thứ từ ngữ bẩn thỉu được xài để bôi bẩn, chụp mũ lẫn nhau. Lôi đời tư, gia đình của nhau ra để bêu rếu với hành động hiếp dâm chữ “bút chiến”. Bút mực ở Mỹ quá rẻ nên ai cũng có thể “chiến” được “chiến” một cách anh dũng với vài trăm bạc bỏ ra in... Lại nữa, còn những bài báo bốc thơm nhau vung vít. Bất kể người đọc có khó chịu hay không? Độc giả, dưới mắt của những tờ báo này đã không còn kí lô nào cả. Sự liêm sỉ khi cầm bút của các cụ ngày xưa đã thành lỗi thời tại đây. Đúng là trường hỗn mang... Vậy mà Tường đã sống trong đó mấy năm naỵ Anh chợt thấy ngứa ở cổ họng. Một triệu chứng báo hiệu sự mất dạy sắp sửa bung ra. Tường thú thật.
– Cháu thèm chửi thề một tiếng bác ạ.
– Chỉ một tiếng thôi à? Thì chửi đi cháu.
Ông cụ cười dễ dãi. Tường buộc miệng chửi liền. Cả hai cùng bật cười. Một vài bịnh nhân đi dạo quanh sân ngạc nhiên nhìn về phía họ.
– Nói cho cùng, ban đầu cháu mang nhiều hoài bão bước vào nghề này, nhưng càng ngày cháu càng hiểu những khó khăn của mình. Nhưng vẫn cố gắng làm hết sức của mình trong khả năng... Như một phương tiện để theo đuổi con đường của mình chọn lựa. Ít nhất làm báo cũng là nghề gần gũi với mình nhiều nhất lúc viết. Cháu không biết tương lai thế nào, chứ hiện tại cháu rất an tâm về những việc đang làm. Dù sao đó cũng là một cách để mình trả cái nợ vượt biên.
– Có bao giờ cháu nghĩ mình sẽ thôi viết?
– Chưa bao giờ cháu nghĩ thế. Cháu còn ba mươi năm nữa để theo đuổi con đường này. Biết đâu sau này...
– Những người trẻ thường lý tưởng và không biết sợ tương lai.
– Cháu nghĩ tương lai là sự nghiệp và điều để lại. Chữ nghĩa là một thứ sự nghiệp trang trọng.
– Cháu có lý của cháu. Bác hỏi thật nhé: tại sao cháu lại chọn con đường này? Hãy nói rõ thêm.
– Thì như đã nói, cháu thấy cần phải thế.
Bố Nhu lắc đầu.
– Phải có điều gì khác thúc đẩy cháu chứ? Phải có điều gì xảy ra trong đời, cháu mới có sự chọn lựa... khác thường này.
Tường bật cười vì chữ “khác thường” được ông cụ ngập ngừng trước khi nói. Đúng ra phải là “bất bình thường”. Tường hiểu thế. Và bắt đầu câu chuyện của mình bằng lằn ranh giữa cái sống và cái chết. Của lần vượt biển, giữa liêm sỉ và sự đớn hèn của tháng ngày tù tội. Ông cụ nghe chăm chú và họ dừng lại tại điểm khởi đầu của con đường vừa đi. Ông cụ vỗ lên vai Tường, thân tình như người anh nói với em.
– Cuộc sống không hoàn toàn vô nghĩa đâu cháu à.
– Vâng, cháu hiểu thế từ ngày tìm được con đường của mình. Và an tâm theo đuổi dưới cái nhìn đủ loại ném về.
Bố Nhu gật đầu.
– Bác hiểu cháu... Mấy giờ cháu về?
– Cháu lên với Nhu, kịp thì về lúc 5 giờ 30 còn không thì đi chuyến 7 giờ 45 cũng được bác ạ.
– Cháu lên với Nhụ Bác về nhà một tí. Bảo Đoan đưa cháu ra bến xe... Có dịp lên thăm bác.
– Vâng!
– Bảo Nhu đến tối bác chở bác gái vào.
– Vâng.
Bố Nhu đi theo con đường dẫn ra cổng bệnh viện. Dưới nắng, vai ông cụ như chĩu xuống. Tường thấy như hoài bão chưa kịp làm của một thời trai trẻ đang đè lên vai ông. Và giữa hai người, những điều đó vừa buộc nhau lại bằng sợi giây thông cảm. Trong niềm vui, Tường chạy hai bậc một. Gót giầy ba ta chạm vào mặt xi măng những âm vui, trầm theo anh lên hết cầu thang.
Anh quên hẳn mình đang ở trong một bệnh viện.