Chương 18
Tác giả: Nhị Hồ
Sáu giờ sáng, Lê Nguyên Vũ vừa tắm rửa xong sau buổi tập thể dục thường lệ, Huỳnh Văn Trọng đã tới rủ đi ăn điểm tâm tại quán cháo cá nổi tiếng Sài Gòn, ở Chợ Cũ. Cùng ngồi xe của anh Trọng Vũ vừa nghe anh kể chuyện:
- Mấy ngày nay nhóm học trò của tôi bàn tán với nhau khá nhiều chuyện. Sau vụ đảo chính, đại sứ Durbrow và anh em ông Diệm Nhu căng thẳng với nhau. Ông Diệm nói thẳng với Durbrow, đã có nhiều hiện tượng từ các cơ quan điều tra trình báo với ông, vụ binh biến vừa rồi do chính những người Mỹ ở đây chỉ đạo. Còn ông Nhu cả mấy tháng nay không muốn nhìn mặt Durbrow và đại tá Colby. Cuối tuần qua, Durbrow đưa con bồ nhí ra nhà nghỉ Vũng Tàu hú hí, đại tá Lê Quang Tung cho đàn em giả bọn ma cô, chúng dàn cảnh như đánh ghen, vào hẳn phòng nghỉ hù dọa Durbrow, viên đại sứ quá sợ còn ở truồng phải phóng qua cửa sổ chạy trốn. Cô bé ca sĩ nổi tiếng bị đòn khá nặng, phải điều trì ở bệnh viện. Durbrow không dám la lối, vì họ đã chụp hình, vả lại chẳng có chứng cớ bọn hành hung là ai, đành im lặng. Sự kiện tin về tòa Bạch Ốc rất nhanh, tân Tổng thống Kennedy vốn đã có ý thay đổi đại sứ ở Sài Gòn, nhân chuyện xảy ra ký ngay quyết định rút Durbrow về nước. Chiều hôm qua tân đại sứ Mỹ đã đến Sài Gòn nhận bàn giao. Cùng đến với tân đại sứ có đại tá Porter nhân viên cao cấp CIA đóng vai vụ tá. Đại sứ Mỹ này tên là Nolting, một tiến sĩ luật, dân quý tộc, công giáo, nhà ngoại giao hào hoa có tiếng là uyển chuyển đã từng quen biết ông Diệm từ khi còn ở ẩn trong Tu hội Maryknoll chờ Mỹ đưa về chấp chánh. Ông Diệm quá mừng có được Nolting qua Sài Gòn thay thế Durbrow. Tân tổng thống Kennedy viết thư tay giao cho Nolting chuyển cho tổng thống Diệm. Trong thư, Kennedy khẳng định tiếp tục ủng hộ Diệm, hứa tăng viện trợ, đưa qua Sài Gòn thêm mười ngàn cố vấn quân sự, đồng thời sẽ nghiên cứu đề nghị của ông Diệm qua Hồng Y Spellman chuyển đến Kenedy. Theo nội dung bản đề nghị này, ông Diệm xin Mỹ chấp thuận cho một sư đoàn quân đội Đài Loan đưa qua Sài Gòn, chi viện cho chính phủ ông Diệm, với nhiệm vụ bình định địa bàn Tây Nam biên giới Lào-Việt. Ông Diệm nhận định rằng, sự hiện diện của sư đoàn Đài Loan sẽ ngăn chặn được sự xâm nhập của Cộng sản miền Bắc vào Nam. Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã chấp thuận lời yêu cầu của chính phủ Ngô Đình Diệm đúng theo tinh thần nghị định thư hai nước đã ký kết, việc gởi chí nguyện quân Đài Loan qua Nam Việt Nam là để phối hợp chống Cộng sản Trung Quốc và Hà Nội.
Thấy Vũ im lặng nghe, không chút phản ứng, anh Trọng liếc xéo Vũ:
- Chú nghe tôi đấy chứ?
- Vâng, tôi đang dỏng tai nghe anh đây. Tiếp đi anh.
- Ngoài ra, Kennedy tỏ rõ ý định nâng cao uy tín ông Diệm cốt để xóa đi cái vết biến cố vừa rồi, thông báo công khai cho chính phủ Sài Gòn là Phó Tổng thống Mỹ sẽ sang thăm Nam Việt Nam vào tháng tới. Nhưng bọn Mỹ ở đây, như Richardson, tướng Wallz, Colby, nhóm CIA lại không bằng lòng, họ lo ngại Kennedy quá tin để đặt hy vọng ở ông Diệm là một tai hại đối với Mỹ. Không thấy họ phản ứng công khai, chỉ thì thầm lắc đầu nhìn nhau thôi. Ngược lại bọn tòa Đại sứ ủng hộ sách lược của tân tổng thống Mỹ. Họ tin Kennedy biết rõ anh em ông Diệm bất tài, chuyên quyền, gây bất bình trong nội bộ, nhưng lúc này cái thế buộc Kennedy phải giữ Diệm lại một thời gian cốt ổn định miền Nam Việt Nam để rảnh tay tập trung đối phó với Liên Xô đang tiến sâu vào sườn Mỹ từ phía Cuba. Cộng sản Liên Xô đã bố trí ở "bệ phóng" này hàng trăm hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân, cùng lúc với phong trào cộng sản ở châu Mỹ La Tinh đang có hiện tượng phát triển mạnh đến báo động. Bọn Mỹ ở tòa Đại sứ cho rằng, anh em ông Diệm gặp may, nếu không có vụ rắc rối ở vùng vịnh Cuba thì chắc chắn Kennedy sẽ không để Diệm-Nhu tồn tại, huống chi là vuốt ve hứa hẹn.
Cho xe ngừng cạnh quán cháo cá, Trọng chờ Vũ xuống xe, cùng đi vào quán. Cả hai vào bàn, ngồi chờ, Trọng tiếp tục câu chuyện:
- Qua những lời bàn tán của bọn Mỹ, nhóm học trò tôi, tôi mới rõ Mỹ đen Mỹ trắng đều là Mỹ, họ không còn tin tưởng vào anh em Nhu Diệm, trước sau gì họ cũng đuổi đi thôi. Bây giờ tôi càng tin sự phân tích trước kia của chú, đúng như tiên tri vậy, Ngô Đình Diệm dần dần sẽ lộ mặt là tên cõng rắn cắn gà nhà. Như vụ ông ta cầu cứu họ Tưởng từ lúc nào, xin đưa quân Đài Loan qua để giết dân mình. Này chú, ông Diệm phải trả lương, nuôi quân Đài Loan chứ?
Vũ trả lời người anh nuôi:
- Anh đừng lo, mọi sự chi tiêu ở đây đã có ông chủ Mỹ trả hết, như đã trả cho ông Diệm và quân đội Việt Nam cộng hòa của ông ta. Chúng ta phải hiểu rằng, mọi việc diễn tiến ở miền Nam Việt Nam này đều do Mỹ quyết định, không phải hai tổng thống Ngô Đình Diệm và Tưởng Giới Thạch muốn mà được. Mặt khác, chúng ta thử bàn sâu vào vấn đề này để thấy sau vụ biến cố vừa qua ông Diệm đã thấy rõ các tướng lãnh và quân lực Việt Nam Cộng hòa không hoàn toàn trung thành với gia đình họ Ngô. Phía Mỹ cũng không tin tưởng nhiều lắm về khả năng của quân lực Việt Nam cộng hòa đủ sức giữ vững miền Nam Việt Nam trước sự lớn mạnh của cộng sản. Sau trận đánh Tua Hai (Tây Ninh) và cuộc đụng độ với sư đoàn 21, Mỹ đã tính đến, hoặc chính quân đội Mỹ phải trực tiếp vào hoặc đưa cả quân đồng minh như Đài Loan, Thái Lan, Đại Hàn... mới hy vọng chiến thắng được Việt Cộng. Cuộc đảo chính vừa qua cho chúng ta thấy Mỹ đang chuyển thế, trực tiếp nắm các tướng lãnh thay vì chỉ nắm một mình ông Diệm. Quân đội sẽ nắm quyền và nhất thiết sẽ là chiến tranh, chiến tranh kiểu gì đó tùy theo qui mô và sức mạnh của hai bên. Chế độ thực dân mới sẽ cáo chung, một chế độ quân phiệt bù nhìn tay sai thay thế là điều phải đến.
- Chế độ Thực dân mới và chế độ quân phiệt bù nhìn tay sai khác gì nhỉ? Kiểu nào cũng là bù nhìn.
- Khác chứ anh, thực dân mới phiên toái hơn, buộc Mỹ phải để cho nhóm chính trị quốc gia cầm quyền làm theo định hướng của Mỹ vạch ra, còn chế độ quân phiệt bù nhìn tay sai thì không cần cái vỏ độc lập dân chủ tự do lừa bịp, mà nhất cử nhất động phải vâng lời, làm theo lời Mỹ phán. Cái thì mập mờ đánh lận con đen, cái thì trắng trợn thẳng thừng là xâm lược không cần giấu diếm. Chúng sẽ dùng bọn quân phiệt, cai trị bằng sức mạnh, bạo lực, và tất nhiên tàn bạo đúng mức.
Cả hai cùng ăn cháo, vừa nói chuyện bâng quơ về thời tiết, về các món ngon Sài Gòn. Cuối bữa, Trọng tiếp tục câu chuyện:
- Chú có lý. Phong cách làm việc của đại sứ Mỹ lâu nay hoàn toàn không giữ nguyên tắc ngoại giao giữa hai chính phủ.. Nolting hoặc Porter đến gặp ông Diệm bất cứ giờ giấc nào ông Diệm cũng phải tiếp đón. Không phải để bàn luận, mà để nghe họ truyền lệnh. Quả không có gì đáng ngạc nhiên nữa khi Kennedy cử Nolting qua, ngồi cạnh ông Diệm để cầm tay chỉ việc, kiểu đại diện của Hoa Thịnh Đốn, chuyển chỉ thị từ Mỹ qua Sài Gòn.
Có lẽ cũng vì vị trí và nhiệm vụ của Nolting là ở hậu trường nhiều hơn, nên chỉ thời gian rất ngắn ông ta đã liên hệ thân mật với bà Nhu, gắn bó với đệ nhất phu nhân hơn là với chính phủ Cộng Hòa Việt Nam, khiến bà Nhu tưng tưng khoe với các phu nhân trong Phụ nữ liên đới rằng tay Đại sứ Mỹ mới này "dễ thương" hết cớ.
Vũ thích thú được nghe anh Trọng cung cấp cho nguồn tin đáng giá, anh gật gù mỉm cười khi vừa ăn cháo xong:
- Thật là ngon, phải không anh?
- Chú khen cái gì ngon?
- Cháo cá và... cả câu chuyện anh vừa cho tôi nghe. Tuyệt thật?
Anh Trọng chủ động đứng lên trước, thanh toán tiền cho nhà hàng, cùng Vũ trở lại chỗ xe:
- Tôi đưa chú về nhà để kịp giờ đi làm.
Trọng lái xe nhanh hơn lúc đi. Đường phố đã đông người. Đến đại lộ Thống Nhất, anh giảm tốc độ. Câu chuyện tiếp tục với vẻ bình thản:
- Cha Cao Văn Luận vừa công du Hoa Thịnh Đốn trở về. Ông Diệm giao cho cha nhiệm vụ báo cáo tình hình biến cố vừa qua với Hồng Y Spellman, chắc chắn là không mấy đúng với sự thật, và cũng để thăm dò thái độ của Nhà Trắng. Ngài tỏ vẻ lạc quan, nói nhỏ với tôi rằng Mỹ vẫn hết lòng ủng hộ, tin cậy vào tổng thống Diệm "của chúng ta", và cho biết phó tổng thống Johnson sẽ qua thăm Việt Nam để khích lệ ông Diệm vững tin, trực tiếp duyệt xét quốc sách ấp chiến lược bình định nông thôn của cố vấn Ngô Đình Nhu.
Nghe nói kế hoạch này đã được hoàn thành do các chuyên gia ngoại quốc soạn thảo, đã đệ trình với chính phủ Mỹ trước ngày xảy ra biến cố. Kế hoạch này là kết quả của cả quá trình thực hiện khu trù mật, khu dinh điền, rút kinh nghiệm cải tiến, triển khai. Ông Nhu tự hào về kế hoạch này, Quốc hội Mỹ đã thông qua ngân sách hàng trăm triệu đô la. Cha Luận cho đây là một công trình vĩ đại, rất vĩ đại, rất tốn kém, chỉ có đô-la của Hoa Kỳ mới đủ sức làm được. Lập ấp, gom dân, cô lập cộng sản bên ngoài để tiêu diệt, thanh lọc cộng sản bên trong không còn đất sống, hàng vạn khu chiến đấu hình thành những "Ilots de résistance" nhân dân tự vũ trang diệt cộng.
Ngừng giây lát, anh Trọng quay qua nhìn Vũ:
- Tôi nghe cha Luận nói sơ sơ cũng cảm thấy chương trình quá lớn, quá ghê gớm phải không chú?
Vũ gật đầu:
- Vâng! Tôi đã được họ phổ biến, và Bộ quốc phòng cũng được phân công thực hiện một phần kế hoạch trong quốc sách ấp chiến lược: Có điều tôi suy nghĩ câu nói của tiền nhân: thành bại quyết định ở lòng dân, việc gì cũng vậy phải được lòng dân mới đạt. Quốc sách sẽ được tiến hành nay mai thôi, chúng ta phải chờ xem, bàn sớm khi công việc chưa làm chỉ là suy luận, không có gì chính xác, phải không anh?
- Đúng vậy. Wait and see!
Anh Trọng dừng xe trước cổng để Vũ xuống, anh căn dặn thêm:
- Cha Luận mời cha Bửu Dưỡng về Sài Gòn dự lễ Giáng Sinh. Hai ông cũng có chương trình mở Trường Đại học tư thục tại đây, ngành y dược, cha nhắn chú lại gặp đấy. Cha còn ở đây sau Giáng Sinh mới trở ra Huế.
2.
Tối hôm qua, Phù Ninh Đa gọi điện hẹn sáng đến ăn điểm tâm với Vũ. Nàng sẽ mang qua bánh bao, xíu mại... và quà đặc biệt. Hỏi quà gì không nói. Vũ như quên hẳn quá khứ của cô em nuôi. Tâm hồn nàng trong sáng hẳn đối với Vũ tình cảm gắn bó cũng trong sáng như anh em. Trong hoàn cảnh độc thân, nghĩ tới Ninh Đa, lòng Vũ ấm lại. Mỗi năm, mỗi lần Tết đến, anh chạnh lòng, nhớ nhà da diết, nhớ mẹ! Người mẹ đã hy sinh nhiều, rất nhiều cho con. Có Ninh Đa quan tâm, anh được an ủi thực sự. Ninh Đa tự lái xe đến khá sớm, khệ nệ những gói đồ, nàng đòi Vũ ra giúp một tay, mang vào những gói, hộp có nhãn hiệu chữ Tàu, một cành đào đầy nụ. Nàng giao cho Vũ lo pha cà phê, còn nàng bày ra bàn những món điểm tâm còn nóng hổi. Nàng gắt gỏng, giục anh vào bàn, ăn ngay kẻo nguội, Vũ nôn nóng khi nàng nhắc lại, anh muốn biết ngay là quà gì.
- Em sẽ đưa quà đặc biệt cho anh.
Vũ cười gợi ý:
- Thì đào này, các gói trái cây này, cái này chắc là bánh mứt, đủ quá rồi để có một cái Tết giàu có nhất.
Lắc đầu thật dễ thương, Ninh Đa nghiêng mặt liếc Vũ:
- Đã có gì là đặc biệt? Em muốn nói là quà đặc biệt cơ.
Và không để Vũ phải đợi lâu, Ninh Đa mở ví xách lấy ra một chiếc hộp nhỏ, một phong bì thơ dày cộm:
- Chị Linh Phương gửi quà Tết cho anh đây, một chiếc đòng hồ tay và một phong thơ còn niêm đấy nhé. Đặc biệt chưa?
Vũ gật đầu. Ninh Đa nheo mắt cười:
- Anh ăn đi, em đọc thư chị Linh Phương nghe chung được không?
- Tất nhiên là được rồi, giữa chúng ta chẳng có gì là riêng tư cả.
Ninh Đa cười rõ tươi, nàng trịnh trọng lấy dao ăn rọc bì thư, và cất giọng đọc lớn:
"Hồng Kông, ngày 16/1/1961.
Anh Vũ kính mến, Em đang nhớ kinh khủng đây! Nhớ anh, nhớ Ninh Đa, nhớ cả Sài Gòn. Còn ngày nữa là Tết Nguyên Đán. Tết ở Hồng Kông chậm lại một ngày, với Sài Gòn sẽ qua mùng 2 đấy. Cho đến bây giờ em mới hiểu, tết tàu và tết ta có năm không trùng nhau do múi giờ, và tuần trăng, chênh lệch. Vậy mà từ xưa bên ta cứ vẫn dùng lịch tàu, thật là sai khi coi ngày, coi giờ, bói toán, phải không anh? Ở Hồng Kông, người ta chuẩn bị tết, và ăn tết phải tính từ rằm tháng chạp. Họ mừng tết, tiệc tùng tất niên, lớn kinh khiếp, ngay từ lúc Trời Đất vào Xuân, có nghĩa là hoa đào, hoa cúc nở rực khắp nơi, và gió lạnh đông bắc chuyển về. Em đi qua phố phường đầy màu đỏ, tất cả là màu đỏ, câu đối pháo bông, hương thơm, đèn cầy... Màu đỏ là màu sung mãn, hạnh phúc đối với dân Tàu.
Em đã cố hòa nhập sống trong gia đình, một gia đình lớn của chồng em ở đây, hơn một năm rồi, em vẫn thấy đơn côi xa lạ. Em nhận ra rằng, em vẫn là người Việt Nam. Nghe còi tàu rời cảng, nhìn sương mù như khói bạc trên biển, nhớ quê, nhớ Ninh Đa. Ninh Đa thật hạnh phúc hơn em, đã có anh bên cạnh. Mấy hôm nay em đòi về, chồng em năn nỉ ở lại thay ảnh tiếp khách công ty. Em thông cảm hoàn cảnh của ảnh, đành chịu ở lại. Chồng em phải về chúc Tết cha mẹ, báo cáo tình hình làm ăn với ông Cẩn, toàn những công việc em không thể thay thế ảnh dược, phải không anh?
Anh Vũ ơi, tháng trước Lâm Phú Anh đã trốn sang đây mang theo vài chục triệu đô la nhập ngân hàng cho ông Cẩn. Anh ta nói bị đại tá Đỗ Mậu rượt bắt, suýt chết, đành phải rời Chợ Lớn chạy sang Hương Cảng. Chắc anh biết vụ Lâm Phú Anh nhà thầu cung cấp đồ hộp cho quân đội Việt Nam, đồ hộp không tốt làm cho mấy trung đoàn ở Tây Nguyên nhiễm bệnh suýt chết. Anh biết không, Lâm Phú Anh chỉ là người đứng tên làm cho ông Cẩn, tài sản vốn liếng là của ông Cẩn, chính anh ta đã nhiều lần báo đông việc dây chuyền, thiết bị quá cũ không đủ tiêu chuẩn vệ sinh khiến vi trùng nhiễm vào cá, thịt ngay trong khi đóng hộp. Anh ta hoàn toàn vô tội, mà chính ông Cẩn quá tham lam vẫn ra lệnh cho anh ta tiếp tục sản xuất, tội là ở ông Cẩn. Anh ta cầu khẩn với chồng em báo trình xin đại tá Đỗ Mậu điều tra lại, giải tội cho anh ta. Anh ta bỏ vợ con tài sản ở Việt Nam qua đây là thất bại. Em thấy quá tội nghiệp, anh giúp anh ta nhé! Anh ta sợ đến phờ phạc mất ăn mất ngủ, sợ đại tá Mậu bỏ tù, sợ cả cậu Cẩn từng dọa thủ tiêu bịt miệng, nên đành phải trốn chạy. Ở bên này em mới rõ, ông Cẩn đang làm chủ thị trường yến sào, quế Trà Mi, Trà Bồng, thú hiếm đặc sản, trăn, rắn, rùa, cua đinh... thu hàng trăm triệu một năm, vậy mà còn vơ vét những lợi tức nhỏ nhoi ở xưởng thầu đồ hộp, chỉ dăm ba triệu đáng gì, vây mà để khổ cho gia đình Lâm Phú Anh. Em nghĩ, đại tá Mậu có ghét bỏ gì Lâm Phú Anh, chỉ cốt bắt anh ta để làm rõ nguyên nhân thôi phải không anh Vũ, nhưng tìm ra thủ phạm chính để làm gì được, cũng như vụ buôn lậu gạo của bà Cả Lễ, Ung Bảo Toàn phải chịu tội vậy thôi. Xin anh nói với đại tá Mậu lờ vụ này di, cho Lâm Phú Anh trở về với vợ con, anh nhé! Còn trăm thứ chuyện muốn kể anh nghe nhưng chồng em phải ra sân bay ngay lúc này, em phải giúp ảnh chuyển theo hàng mấy tạ quà Tết về cho cụ Cẩn, dành thư sau vậy.
Thương anh, thêm một Tết xa quê nhà, dù sao anh cũng đã có được "cô em nuôi " bên cạnh. Anh hôn Ninh Đa giúp em để mừng năm mới nhé! .
Thương nhớ nhiều
Em: Linh Phương
Tiếng Ninh Đa nhỏ dần khi đọc dòng cuối cùng bức thư, rồi im lặng. Tình cảm của Linh Phương như có hồn, lắng xuống trong lòng hai kẻ xa nhà. Giây lát, Ninh Đa đứng lên từng bước đi lại cạnh Vũ. Nàng ghé mặt vào tai anh, mùi hương thoang thoảng của da thịt làm Vũ không tránh khỏi xao xuyến. Tuy nhiên Vũ cố gắng kềm lại phút yếu lòng, anh lấy tay đỡ nhẹ khuôn mặt tươi đẹp của cô em nuôi, cười và lắc đầu:
- Đã Tết đâu, Linh Phương nhờ anh chúc Tết, phải chờ sáng mùng Một Tết thay chị ấy mừng tuổi em, anh làm tròn bổn phận, chắc thôi.
Ninh Đa làm ra vẻ giận hờn, nhưng rồi cười thành tiếng:
- Anh keo kiệt còn ngay biện, thôi được chờ vài hôm anh lì xì em nghen.
Trong bộ đồng phục của cửa hàng, áo sơ mi trắng váy ngắn đen, Ninh Đa nhanh gọn sắp xếp đồ tặng gởi của Linh Phương vào tủ lạnh, vào tủ đồ ăn bằng bàn tay thành thạo của người nội trợ, rồi bất ngờ hôn lướt lên má Vũ:
- Em phải về lo công việc đây.
Ninh Đa đã về, Vũ ngồi im lặng trên ghế, tay mân mê lá thư của Linh Phương, nhưng anh không nghĩ về Linh Phương, mà nghĩ về tên chủ thầu họ Lâm, thêm một nạn nhân của cố vấn Ngô Đình Cẩn.
3.
Phái đoàn đảng viên cao cấp Cần Lao Nhân Vị ly khai đội lốt Hội Khổng học, sau khi đi thăm Đài Loan về đã lấy lại được sự bình ổn tinh thần. Lúc đầu mới trở về họ đã bị hẫng vì âm mưu đảo chính nhằm mục đích gạt hai anh em Nhu-Cẩn ra khỏi chính quyền Ngô Đình Diệm đã hoàn toàn thất bại. Một số thành viên trong nhóm tâm huyết bị bắt, bị phân tán, và một số ít vì quá sợ Ngô Đình Nhu trả thù đã đổi nơi cư trú, trùm chăn chờ cơ hội.
Cụ Võ Văn Trưng luôn kể đi kể lại với Vũ về kết quả cuộc đi dự Hội Khổng học Quốc tế, nói là Quốc tế vì ngoài số Hội Đông Nam Á còn có mặt Hội Khổng học Thụy Sĩ. Chủ tịch Hội Khổng học Việt Nam làm trưởng đoàn, là cụ Hường Nguyễn Trác. Từ ngày vô nam tị nạn cộng sản, trên danh thiếp của Nguyễn Trác đã ghi lại dòng chữ Hán tước vị được phong của triều Nguyễn thời vua Bảo Đại "Hường Lô Tự Thiếu Khanh" nên bạn bè đòng lứa tuổi gọi là "Cụ Hường", không mấy khi nêu tên tục. Họ tránh nhắc đến chức vị tổng đốc Thanh Hóa của cụ Trác, tức Tỉnh trưởng ngày nay, vào thời kỳ Nhật cướp quyền cai trị của Pháp lập chính phủ Trần Trọng Kim, còn mang tiếng xấu. Người ta cố ý quên đi. Cụ Võ Văn Trưng viết đăng trên tờ tuần báo Minh Tân của Hội kể lại thành công Đại hội Khổng học quốc tế ở Đài Loan, cụ bỏ qua những việc không nên công khai nhưng lại không giữ bí mật những điều đó với Vũ:
- Phái đoàn Việt Nam được sự ưu ái cách riêng của tổng thống Tưởng Giới Thạch, cho tiếp kiến, mời chiêu đãi. Nhưng nhà lãnh đạo Cộng hòa Trung Hoa Dân quốc đã thấp giọng nói riêng với chúng tôi rằng: "Tổng thống Ngô Đình Diệm là "đồng chí" của ông, là chiến sĩ chống cộng sản chung một chiến hào". Ông tiếc rằng tổng thống Diệm đã để cho những người anh em ruột lộng quyền, lấy tiền viện trợ bỏ túi làm lợi riêng tức là tự tròng vào cổ chiếc vòng lệ thuộc Mỹ lâu dài. Nhận viện trợ của Mỹ, phải biết sử dụng viện trợ để phát triển đất nước để tiến tới tự cung tự cấp, nhanh chóng tự chủ được mình. Tổng thống Diệm cần hiểu điều đó, và Tưởng Giới Thạch cũng phê phán cộng sản Trung Quốc đã vi phạm một sai lầm cơ bản nhất, tức là phá vỡ nền tảng đạo lý Khổng giáo đã có hàng ngàn năm ở lục địa này, đó là nền tảng gia đình, "tiên tề gia, hậu trị quốc", để kiến tạo một xã hội mới trên chân không... Chính nhờ sai lầm của họ Mao, Đài Loan có thời gian kiên trì phục hưng Khổng Giáo, đứng vững được. Ông còn khuyên chúng tôi hãy khuyến cáo tổng thống Diệm phải nhanh chóng cho phục hưng truyền thống văn hóa dân tộc lâu đời, kinh nghiệm mà Đài Loan đã thực hiện. Cuối cùng Tưởng Giới Thạch đề nghị Hội Khổng học Việt Nam, cả hai nước siết chặt bên nhau, củng cố nền tảng Khổng giáo vốn có của hai dân tộc.
Cụ Trưng lấy làm tâm đắc vè ý kiến đóng góp chân tình của Tưởng Giới Thạch và ông ta còn chính thức thông báo, Đài Loan sẵn sàng gởi chí nguyện quân qua Sài Gòn theo lời yêu cầu của tổng thống Diệm lần gặp gỡ mới đây, nếu chính phủ Mỹ chấp thuận. Theo Tưởng Giới Thạch, ông Diệm cho rằng Cộng sản đã hoạt động khắp miền Nam, quân lực cộng hòa Việt Nam không đủ sức ngăn chặn, có một sư đoàn Đài Loan án ngữ vùng biên giới phía tây Hạ Lào hy vọng chặn được chi viện của miền Bắc vào miền Nam.... Cả ba nhân vật quan trọng của nhóm Cần lao ly khai, cụ Nguyễn Trác, Hà Huy Liêm, Võ Văn Trưng được tổng bí thư Cần Lao Trần Chánh Thành đương kim Bộ Trưởng thông tin hướng dẫn vào báo cáo chuyển đi dự hội Khổng học ở Đài Loan với tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Diệm tỏ ra niềm nở, tin cậy lắng nghe mọi chuyện. Ông Diệm tâm sự, tổng thống Tưởng Giới Thạch đã gây ấn tượng mạnh, khuyến khích và thiện chí ủng hộ, khiến ông cảm thấy lòng chân tình của một người bạn tri kỷ. Ngay đó, ông Diệm đã căn dặn Trần Chánh Thành làm thủ tục mời Phái đoàn Khổng học Đài Loan sang Việt Nam. Phái đoàn sẽ do một người cháu 72 đời của Khổng Phu Tử cầm đầu, còn có một đoàn hát tuồng cổ tùy tòng. Theo gợi ý của Hội Khổng học Đài Loan, đoàn hát có khả năng giúp cho Hội Khổng học Việt Nam số tiền không nhỏ nhờ tiền vé ủng hộ của giới Hoa Kiều Chợ Lớn nửa triệu người. Bộ thông tin chịu chi phí các khoản chiêu đãi đối ngoại, các cụ không phải lo bỏ vốn. Phần ông Diệm rất hài lòng chỉ thị cho Bộ trưởng Trần Chánh Thành đặc biệt giúp đỡ để các cụ lãnh đạo Hội Khổng học Việt Nam đón tiếp Hội Khổng học Đài Loan thật chu đáo.
Võ Văn Trưng tâm sự với Lê Nguyên Vũ sau cuộc gặp gở tổng thống Diệm:
- Tôi vào gặp Diệm với lòng lo lắng không yên. Vụ đảo chính thất bại, Ngô Đình Nhu hết tin vào ai, quyết liệt vận dụng quyền lực để trả thù. Bạn bè chúng ta lần lượt bị sa lưới của Dương Văn Hiếu, Lê Quang Tung. Tôi không còn tin vào sự an toàn của đại tá Mậu, của cả Trần Kim Tuyến, nhân mối của Nhóm tâm huyết Cần Lao chúng ta. Nhưng thấy ông Diệm vẫn trân trọng Hội Khổng học của ta, tôi mừng lắm. Có thể nhờ chuyến đi Đài Loan, hội ta được chính phủ Đài Loan, đặc biệt là tổng thống Tưởng Giới Thạch, người mà ông Diệm kính trọng hết mức, nhà lãnh đạo họ Tưởng lại đứng ra làm chủ cho hai Hội Khổng học việt Nam, Đài Loan giao kết huynh đệ. Chúng ta còn có được cái hầm trú ẩn an toàn này, tôi thấy vẫn còn thời cơ, thua keo này, bày keo khác.
Vũ nhận chân được tính quyết liệt của Võ Văn Trưng, người đứng đầu trong giới dân sự chính trị, còn đại tá Đỗ Mậu cầm đầu giới quân sự, cả hai đều là công thần dựng nên sự nghiệp cho Ngô Đình Diệm, rồi vì Diệm mà chủ xướng chống Nhu-Cẩn. Mọi thành viên đều tin cậy ở lòng trung thực của hai ông này để tham gia, dù rằng mục đích của mỗi thành viên chưa hẳn vì Diệm, vì sự nghiệp của Diệm, mà còn có tham vọng quyền lực, quyền lợi, cá nhân, Vũ tìm thấy từ bản chất của họ khá rõ.
Qua những điều tâm sự của Trưng, Vũ đã phát hiện, Trưng không còn thần tượng hóa Ngô Đình Diệm khi số nhân vật có công vốn trung thành với Diệm đã bị Nhu lần lượt bắt giam. Cũng giống như Đỗ Mậu chứng kiến Nhu giết Tạ Chí Diệp, Diệm phải biết nhưng không hề can thiệp, cũng không mảy may ân hận. Vậy thì, mục đích "đấu tranh" của cả Trưng-Mậu, keo này, rõ ràng không còn vì sự nghiệp của Diệm. Mục tiêu tranh đấu của họ đã chuyển hướng? Vũ tự hỏi, để yên tâm tiến tới.
Vũ nhớ lại một hiện tượng khác đã diễn ra hôm chủ nhật vừa rồi. Trung tá Nguyễn Cao Kỳ đem tiền nợ lại trả cho bà đại tá Đỗ Mậu, "chị em" họ thường vay trả với nhau như thế. Kỳ khoe với Mậu:
- Đại tá coi, con gà của tôi không chết trong một trận đá tháng trước, tôi cho vỗ lại và quyết đấu trận sau, nhờ kinh nghiệm đã có, nó quật ngã đối thủ dễ dàng. Tôi nghĩ, đối thủ không diệt mình, là một thiếu sót phải không thưa đại tá?
Cả hai đưa mắt nhìn nhau liên cảm. Nghe chuyện này Vũ đã suy nghĩ về việc Ngô Đình Nhu không diệt trừ được Kỳ, tư lệnh phó không quân, có nhiều bạn bè em út trong không lực Việt Nam cộng hòa, một mối nguy hiểm sau này của ông ta. Vũ cũng biết Kỳ rất mê chơi đá gà, như Kỳ đã thú nhận, còn hơn cả nỗi đam mê người tình sau là chiêu đãi viên hàng không Tuyết Mai, đến nỗi phải ly hôn với người vợ Pháp đã có bốn con với anh ta, quyết chiếm quyền sở hữu người đẹp mới.
Vũ rất vui mừng khi thấy lực lượng của nhóm ly khai Cần Lao của đại tá Đỗ Mậu ngày một có uy tín trong tập đoàn tướng tá của quân đội. Anh nhận ra sự phát triển của hai giới nhân sĩ, tri thức và quân nhân lại do chính anh em Nhu Diệm tạo thành. Việc Nhu quyết liệt "trừng trị những thằng bợ Mỹ", Diệm im lặng coi như đồng tình, đã đẩy số tay chân, loại cơ hội, cầu an vào chân tường, không còn đường thoát, buộc họ tìm sinh lộ.
Đại úy Trần Văn Thăng giám đốc An ninh quân đội Quân khu Thủ đô, là đồ đệ ruột của tướng Mai Hữu Xuân, bây giờ trở thành tay chân trung thành của đại tá Mậu. Vừa rồi, Đỗ Mậu đã nói riêng với trung tá Đinh Sơn Thung, giám đốc Nha nhân viên Bộ Quốc Phòng nhanh chóng trung cấp thiếu tá cho Thăng. Để đền đáp lòng ưu ái của Mậu, Thăng vận động tướng Mai Hữu Xuân, hiện nay chỉ còn là Thanh tra quân đội, vô quyền không lực đến thăm chào Đỗ Mậu. Trước cử chỉ xuống nước của Xuân, cả hai trở thành bạn, và kẻ thù của kẻ thù mình trở nên đồng minh. Xuân thù Nhu, Mậu cũng chẳng ưa Nhu, họ hiểu ngầm với nhau, hội ý dù chẳng hội lời, nhất là qua đàn em Trần Văn Thăng, Xuân gián tiếp cho thấy ông ta ủng hộ Mậu, và sẵn sàng làm mọi việc vì Mậu. Có lần Xuân nói thẳng thắn: "Pháp đào tạo, Pháp dưỡng dục tôi nên người, tôi chống cộng sản, sẵn sàng chết cho chế độ quốc gia, nhưng không chống Pháp". Mậu cho Xuân là người "chân chính", sòng phẳng, hơn hẳn những tên chuyên lựa lời mà lòng chứa gươm đao. Đỗ Mậu đã khen Xuân trước mặt Vũ:
- Mai Hữu Xuân tỏ rõ sự khẳng khái, bộc lộ quan điểm của mình, con người này chơi được, không phản bạn.
Vũ biểu lộ sự đồng tình, tất nhiên không phải vì tình bạn của Xuân-Mậu, mà vì nhiệm vụ, anh cần tác động cho lực lượng chống Nhu Diệm phát triển, như nhiệm vụ trước kia tác động lực lượng tay sai của Pháp chống âm mưu Mỹ. Điều Vũ phấn khích hơn nữa, nhóm Cần Lao tâm huyết sau khi bàn đi tính lại khá sôi nổi, đặc biệt là Võ Văn Trưng và Đỗ Mậu gay gắt hơn bao giờ, đã quyết định tẩy chay không tham dự cộng đoàn "quân, dân, chính, đảng", theo lệ hàng năm, ra Huế chúc Tết mừng thọ cố bà Ngô Đình Khả, thân mẫu của năm nhà lãnh đạo nền cộng hòa Việt Nam, người tự nhận kẻ tôn xưng tung hứng.
Được nghe tin này đồng chí Thành Minh lo ngại hành động đó là đơn giản, nóng vội quá sớm để tỏ thái độ đối đầu với anh em Diệm Nhu. Nhưng Vũ nghĩ rằng, họ đã tự lượng sức mình đủ mạnh, họ cố ý để chặn hành động đánh lẻ từng người của Nhu. Đại tá Đỗ Mậu đã lên danh sách từ tướng, tá đến số đàn em cấp úy trung thành đã lên tới con số 118, Mậu không sử dụng danh từ "anh hùng" mà gọi họ là "đồng chí Lương Sơn Bạc". Phần Võ Văn Trưng không kém phấn khởi khi thông báo cả trăm tên nhân sĩ chính tri, trí thức tự nguyện hợp tác, không phải chỉ có một vài "Triều Cái, Ngô Dụng" mà là những nhà mưu lược tâm huyết đủ trình độ, khả năng, tạo dựng một chế độ quốc gia hùng mạnh hơn hẳn tập đoàn Nhu Diệm, khả dĩ đối đầu được với Cộng sản miền Bắc.
Lúc này, vai trò của đại tá Đỗ Mậu quả là quan trọng. Đa số trong nhóm nhận định: trước hành động bạo ngược bất chấp luật pháp kỷ cương của bộ ba: Nguyễn Văn Y, Lê Quang Tung, Dương Văn Hiếu, thiếu tá Trần Văn Thăng đã đề nghị di chuyển gia đình đại tá Mậu từ Chợ Lớn hẻo lánh, đến ở căn biệt thự, nhà khách mật của Tổng Nha An ninh, số 11 đường Gia Long. Đại tá Mậu chấp thuận rời về chỗ ở mới trước tết ba ngày. Tại đây có một tiểu đội lính phòng vệ, không chỉ canh gác tại nhà ở, mà còn nhiệm vụ giữ gìn tích cực trên quãng đường ngắn mỗi ngày Mậu đến làm việc tại Tổng nha cạnh đó. Vùng này cũng nằm trong khu đặc quyền an ninh của Quân khu thủ đô do chính thiếu tá Thăng phụ trách.
Các thành viên cầm đầu nhóm Cần Lao tâm huyết ly khai không đi Huế chúc thọ, mà ở lại tập trung tại nhà đại tá Đỗ Mậu sáng mồng một vừa để chúc Tết "Bí thư quân ủy Trung ương" vừa ăn tân gia. Riêng bác sĩ Trần Kim Tuyến tuy được tổng thống Diệm giao cho trọng trách ở lại trực tại Sài Gòn, nhưng đại tá Mậu yêu cầu Tuyến không nên liên lạc trực tiếp với nhóm, tránh nguy hiểm, nếu Nhu phát hiện. Vì vậy vợ chồng Tuyến đã mời Vũ và Ninh Đa, tối mùng một lại mừng tết tại nhà riêng của anh ta.
4.
Chiều ba mươi tết, cô em nuôi Phù Ninh Đa tự lái xe chở theo một va-li quần áo đến nhà Vũ. Nàng giải thích:
- Ông chủ Sài Kinh Vĩ đã ăn tết với cha mẹ gia đình từ trưa lận, cửa hàng đóng cửa nghỉ buôn bán sáu ngày, nhân viên ăn tất niên xong ai về nhà nấy. Em ở với ai đây?
Không cần Vũ có ý kiến, nàng xách vali và thêm một giỏ đồ chuyển vào phòng ngủ dành cho khách, đối diện phòng ngủ của anh nuôi. Nàng lăng xăng dọn dẹp lại mớ đồ ăn trong tủ lạnh, trong bếp, mặc Vũ ngồi đọc báo Tết ngay tại sa lon.
Căn nhà đang giá lạnh, nhờ những tiếng động và bóng dáng Ninh Đa qua lại, Vũ cảm thấy bớt cô đơn. Anh im lặng tận hưởng không khí ấm cúng của gia đình. Bàn thờ tổ tiên, Ninh Đa đã kê ở góc phòng khách từ hai hôm trước, bày đủ hoa quả bánh mứt, một cặp bánh chưng, một tập vàng mã, cặp nến điện lập lòe hai bên bức tranh tàu màu đỏ kẻ bốn chữ "Tân Xuân Chúc Phúc" chiếc lư hương sứ vừa được lên nhang. Hương vị tết tỏa khắp phòng.
Hình dáng của mẹ, cảnh tượng bàn thờ ông bà, lễ tết; đã thấm sâu vào tâm hồn Vũ. Ninh Đa đã làm sống lại trong anh kỷ niệm thiếu thời, cảnh tượng quen thuộc lập đi lập lại suốt hơn hai mươi năm qua. Lòng Vũ xốn xang, nhớ nhung da diết. Vũ chăm chú nhìn nét mặt thành kính của Ninh Đa đặt tượng thần tài thổ công trên miếng giấy điều ở góc cửa ra vào phòng khách cũng đèn cầy nhang thơm. Nàng chắp hai bàn tay vái năm lần sau khi đã để đĩa bánh in bọc giấy kính màu. Nàng quay lại nhắc ông anh nuôi:
- Rồi, anh lại cúng Tổ tiên mời các ngài về ăn Tết với "gia đình" ta, khấn vái cung thỉnh thuộc về phái nam chủ nhà, anh hiểu không?
Không đợi nhắc lần thứ hai, Vũ đứng lên sửa lại cúc áo trinh trọng đến trước bàn thờ, cung kính, lẩm nhẩm tên ông nội, bà nội, tên cha mình. Và anh đau nhói ở trong tim khi nghĩ về Mẹ. Ninh Đa cúi đầu đứng phía sau Vũ vái lạy liền tay.
Pháo râm ran không ngớt khắp Sài Gòn từ trưa đến giờ này rộ nhiều hơn. Để quên đi vụ biến động, tổng thống Diệm cho phép dân chúng đốt pháo Tết tự do, chứng tỏ chế độ Việt Nam cộng hòa vẫn mạnh. Nhưng quân khu Thủ đô cũng như các quân khu miền Nam có lệnh cắm trại một trăm phần trăm theo lệnh tổng thống: quân đội ăn Tết sau vài ngày, quyết tâm giữ an ninh tối đa.
Xong nhiệm vụ cúng tết, Ninh Đa vào bếp lo buổi cơm tối cho hai người. Vũ được hưởng không khí gia đình, thư giãn, cảm thấy thật hạnh phúc. Đồng chí Thành Minh không có hẹn gặp nhau trong ngày tết, anh chị Huỳnh Văn Trọng đi Đà Lạt, còn vợ chồng Trần Đình đưa vợ con về Cần Giuộc ăn tết với ông bà. Thời gian đã dành riêng cho Vũ gần gũi Ninh Đa. Vũ quyết tâm giữ cho được tình cảm trong sáng, còn Ninh Đa: "Chị Linh Phương giao cho em săn sóc anh trong mấy ngày Tết xa nhà." Theo Vũ, dù không có lời gởi gắm của Linh Phương, Ninh Đa cũng tự nguyện, đó là nàng nại ý. Trong khi ăn tối, Ninh Đa kể chuyện:
- Anh Sài Kinh Vĩ bảo em cùng ra Đà Nẵng ăn Tết với ông bà thân sinh, em từ chối để phải lo cho anh nuôi. Cố lẽ chị Linh Phương đã giải thích cho ảnh, nên không thấy ảnh thắc mắc gì, cũng chẳng dò hỏi về anh. Nhưng trung tá Conein đã đến năn nỉ em đi với hắn ra Nha Trang, em từ chối. Em hỏi hắn, tại sao không tham gia ăn tết Việt Nam ở đây mới vui, Nha Trang có gì hay. Hắn nói, đi Nha Trang với nhiệm vụ tùy tùng đại tá Porter, phó đại sứ của Nolting. Theo hắn, Porter là tay chân tin cậy của Tổng thống Kennedy.
Ninh Đa nhận thấy trong tổ chức CIA, Porter có vẻ mạnh hơn Colby thì phải. Porter ra miền Trung, kiểm tra con đường mới từ Ninh Hòa đi Ban Mê Thuộc mà Mỹ vừa hoàn thành, rồi cảng hải quân Cam Ranh, để ít tháng nữa đón phó Tổng thống Johnson qua Việt Nam. Tổng thống Kenedy có dự tính tăng viện trợ, tiếp tay kiến tạo miền Nam Việt Nam mạnh hơn, đưa thêm qua nhiều cố vấn có tầm cỡ, và đặc biệt sẽ thành lập Bộ tư lệnh Mỹ ở đây, thay cho Cơ quan yểm trợ quân sự (MACV) để nhận lệnh chỉ huy trực tiếp. Bộ Tư lệnh Việt Nam cũng nằm trong hệ thống chung, đủ đối đầu với lực lượng vũ trang của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đang lớn lên rất nhanh, vì Conein cho rằng quân đội Việt Nam cộng hòa tỏ ra bất lực. Cuối cùng Conein kết luận, nếu quân đội Mỹ không tích cực giúp chính quyền ông Diệm, thì rất nhanh thôi, cộng sản Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Trung cộng sẽ nuốt chửng đất nước này. Ninh Đa ngừng ăn hỏi Vũ:
- Conein nói có đúng không anh?
Vũ rất quen những câu hỏi của em nuôi, hỏi để hỏi thôi, chằng quan tâm đến nhiều, anh ậm ừ:
- Đúng chứ, theo quan điểm của anh ta.
Ăn xong, Ninh Đa rủ anh cùng đi Lăng Ông Bà Chiều hái lộc. Vũ vào Sài Gòn cũng lâu rồi, nhưng anh chưa hỏi ai về lăng Lê Văn Duyệt ở Bà Chiều linh thiêng mức nào, đã trở thành thánh địa hành hương cúng lễ riêng của đông đảo Hoa kiều Chợ Lớn. Gần như một tục lệ truyền đời, người Hoa thường năm vào dịp lễ giao thừa lũ lượt đến lễ Lăng Ông, xin xăm, hái lộc. Những cây cảnh xung quanh lăng thật khốn khổ, bi người đến lễ bứt trụi cành non đến trơ cành trối gốc. Vũ lấy cớ mệt không đi cùng em nuôi ra lăng hái lộc. Ninh Đa nhất quyết đi một mình, Vũ căn dặn đúng giao thừa anh chờ mờ cửa đón nàng "xông nhà":
- Được tiên cô của anh xông nhà, chắc chắn năm mới sẽ phát tài, thăng quan tiến chức.
Ninh Đa liếc xéo anh nuôi trước khi ra xe, với nụ cười thật hạnh phúc kèm theo:
- Đó là cái chắc... nhưng nhớ lời chị Linh Phương, anh mừng tuổi em nghẹn.
Vũ gật đầu, anh mừng thầm nàng chẳng hề giận, không hề thắc mắc khi anh từ chối không cùng đi lễ hái lộc giao thừa. Theo lệ hằng năm, Vũ phải chờ đúng giờ giao thừa đón nghe chính lời Bác Hồ chúc Tết, với anh đó là giờ phút thiêng liêng không thể quên. Và rồi trong tiếng pháo nổ rộn rã khắp Sài Gòn, mừng giây phút đầu tiên của năm mới, Vũ trịnh trọng lắng nghe bằng ống lắng, máy thu thanh rành rọt phát ra từng lời, nghe rõ tiếng Bác Hồ. Anh lặng người, xúc động.
Vừa bỏ ống nghe, xe Ninh Đa đã về tới. Vũ vui mừng ra cửa đón em nuôi rực rớ trong bộ áo bồng, nàng nhào vào đôi tay của Vũ:.
- Năm mới mừng tuổi anh.
- Thay Linh Phương, anh chúc Tết em.
Không gian lắng xuống sau những tràng pháo, những tiếng còi tàu chào nhau ở cảng chấm dứt. Hai người im lặng nhìn nhau...
Đêm giao thừa qua dần. Trong căn phòng của Vũ như còn phảng phất một mùi hương và hơi ấm mơ hồ, khó tả. Đèn trong phòng Ninh Đa kế bên vẫn để sáng. Vũ xao xuyến từng hồi nhưng lại cố chế ngự lòng mình, cố tập trung suy tư vào công việc phải làm. Trằn trọc mãi, rồi giấc ngủ cuối cùng cũng đến với anh trong trạng thái váng vất, nặng nhọc...
Khi Vũ tỉnh dậy, mặt trời đã sáng rõ. Ninh Đa đón anh với nụ cười vô tư, rực rỡ như ánh nắng sớm. Không còn kịp ăn sáng, Vũ uống vội ly cà phê, ra xe phóng đi cho kịp giờ họp nhóm mừng Tết tại nhà đại tá Mậu.
Tối mùng Một, Vũ lại nhận được lời mời của vợ chồng Trần Kim Tuyến ăn mừng tân niên. Sớm sửa soạn từ chiều, Phù Ninh Đa rất vui, lo thử mấy lần áo Tết, cuối cùng đã nghe lời gợi ý của anh nuôi, bỏ bộ dạ hội kiểu tàu, ướm qua rồi treo lên mắc bộ xoa-rê Tây phương, ngắm nghía rồi chịu chiếc áo dài Việt Nam màu xanh đậm bằng gấm Thượng Hải. Nàng không đội khăn đóng cô dâu, nhưng đi hài thêu chim phượng. "Đẹp tuyệt! " Nghe Vũ khen, Ninh Đa mới chịu rời tấm gương cao hơn đầu.
Cả hai ra xe phóng đi trong lòng rộn rã niềm vui. Phố xá vừa lên đèn. Cái Tết chắc chắn không thể quên đối với hai người. Vợ Tuyến cũng không kém rực rỡ trong chiếc áo dài kim tuyến màu hồng. Cả hai vợ chồng cùng ra đón anh em Vũ với lòng nhiệt tình, mến khách.
Quen rồi, Tuyến bỏ mặc hai người phụ nữ ở đó không khách sáo kéo tay Vũ vào phòng sách riêng phía trong. Rót hai ly rượu đỏ nặng độ, cụng mời, chúc tết, Tuyến tâm sự:
- Đúng như anh dự đoán, Hiếu nó qua mặt tôi, trực tiếp nhận chỉ thị của ông Nhu bố trí hệ thống nghe trộm tại nhà hàng Givral. Anh biết đấy cái "radio Catinat" này là tài sản riêng của CIA được giới nhà báo trong ngoài nước coi như tụ điểm thông tin quốc tế. Tôi cũng đặt một bộ phận săn tin ở đó từ lâu, từ thu tin trở thành thói quen gặp gỡ, ông Nhu nghi nên cho Hiếu gài máy kiểm tra bọn tôi. Khốn nạn không?
- Sao anh biết được?
- Mấy tay em của Thái Trắng nằm trong bọn Hiếu báo lại. Nhưng tôi dặn Thái Trắng để mặc chúng làm, coi như tôi không biết gì cả. Anh thấy bọn họ ấu trĩ không?
Vũ trầm ngâm giây lát:
- Ông Nhu bắt đầu nghi anh sao? Mà nghi vì lẽ gì vậy?
Tuyến hơi nặng tay đặt ly rượu xuống ớ a:
- Cuối năm vừa rồi, tôi được ông Nhu cử đi Mã Lai tham quan hệ thống ấp chiến lược chống cộng sản, thực hiện theo sách của các chuyên gia tình báo Anh. James Milton, tùy viên quân sự tòa đại sứ Anh tại Mã Lai đã làm quen với tôi, và mời tôi cộng tác với hắn. Tôi mới biết Milton là người của ISA . Lúc đó tôi nghĩ, Anh và Mỹ cũng chỉ là một, họ thực lòng giúp chúng ta chống cộng sản. Như anh biết đấy, tôi đã cộng tác với Lansdale rồi Lucien Conein, nay với James Milton cũng thế thôi. Tôi nhận lời, nên từ đó đến nay tôi vẫn thông tin qua lại với họ, trung thực thôi. Nhưng có một việc mà chính Milton trực tiếp qua đây yêu cầu tôi báo cáo chính xác vụ ông Nhu thủ tiêu một nhân viên người Việt là của ISA. Sự vụ xảy ra từ giữa năm 1960. Ông Nhu cùng với nhóm sĩ quan thân tín, (đều là đàn em của Lực lượng đặc biệt Lê Quang Tung) kéo nhau lên vùng rừng Tây Nguyên săn cọp. Khi đi qua một chân đồi thì từ xóm nhà người Thượng sinh sống gần đó, có súng bắn vào đoàn săn khiến một sĩ quan bị thương. Ông Nhu tức giận ra lệnh tấn công đốt xóm, giết hết dân, già trẻ khoảng 80 người không sót một ai. Ông ta tưởng ở trong rừng sâu, việc làm này hoàn toàn bí mật. Nhưng thật bất ngờ, trong số sĩ quan tùy tòng có tên trung úy Phín đã lén chụp được một số hình ghi rõ tội ác của Nhu. Không lâu sau Phín bi Lê Quang Tung phát hiện, tìm thấy chứng cớ những tấm hình đó, trình lên Nhu. Nhu ra lệnh thủ tiêu Phín rất dã man. Đến lúc đó tôi mới biết nội vụ, thì ra Phín là người của ISA cài vào. Thêm một bất ngờ khác, tại sao Milton lại biết ông Nhu hạ sát tên Phín? Tôi không tiện hỏi Milton, nhưng suy ra, thì cũng có thể có người từ nội bộ của ta nói ra.
Vũ nôn nóng:
- Thì ra anh đã xác minh tin đó cho Milton?
- Anh thấy đó. Milton còn biết kỹ hơn tôi phải không? Hắn ta đã giải thích, khi nhờ tôi xác minh, nếu Phín bị giết vì nhiệm vụ thì gia đình sẽ được hưởng chính sách đặc biệt của ISA, còn nếu Nhu giết vì lý do nào khác, Phín chẳng được quan tâm gì. Tôi nghĩ, chuyện xảy ra lâu rồi, họ đã biết mà chẳng làm gì hại ông Nhu, không lẽ họ cho Việt cộng tin để bêu xấu chế độ ta sao? Phần khác, tôi đã nhận cộng tác với họ, chính tôi phải có trách nhiệm với họ. Và để giúp gia đình người chết oan, để lương tâm mình không day dứt, tôi đã xác minh cái chết của Phín với Milton.
- Đúng là Milton không cho Việt cộng biết, nhưng đã báo cho Nhu biết? Tuyến lắc đầu:
- Làm gì có chuyện đó. ISA luôn giữ nguyên tắc bảo vệ cộng tác viên tuyệt đối, trừ trường hợp phản bội. Vụ này lộ ra, Milton giải thích là do tay chuyên gia Thompson "ấp chiến lược" có lần vô tình nói với ông Nhu rằng "ấp chiến lược giúp ta loại trừ vài ba tên Việt Cộng dễ dàng cần chi phải thảm sát cả một xóm."... Ông Nhu hoảng sợ, cho rằng Thompson biết việc làm tàn ác của mình. Trong suốt thời gian thực hiện kế hoạch ấp chiến lượ, chỉ có tôi là thân cận với Thompson, ông Nhu nghi tôi là điều tất yếu. Ông ta đề quyết tôi làm cho ISA, phản bội.
- Cái gì phản bội? - Vũ tỏ vẻ phẫn nộ - Mỹ và Anh đều là đồng minh của Việt Nam Cộng hòa cùng một chiến tuyến chống cộng sản, anh làm việc cho Mỹ hay cho Anh, chính đáng chứ? Cần phải nói rõ cho ông ta cách nghi, cách làm của anh: cộng tác với CIA, và cả ISA khác gì thêm người cộng tác giúp mình, trừ phi cộng tác với Việt cộng mới gọi là phản bội chứ.
Tuyến cay cú, gượng nhếch môi cười:
- Với ông Nhu đừng mong giải thích. Chỉ ông ta mới có quyền quan hệ với người Mỹ, nói gì người Anh, ông ta đã chẳng vừa "trừng trị" vừa gạt ra một loạt "những thằng bợ đít Mỹ, phản bội ông cụ" đấy sao? Tôi tâm đắc câu nói của anh hôm nọ "Chúng ta đã leo lên lưng cọp rồi, không còn cơ hội tụt xuống đâu", nhớ chớ? Đúng? Tôi nhận ra là chí lý. Sở dĩ ông Nhu chưa đụng đến tới đại tá Mậu vì còn nể mật lá chắn của CIA của Lucien Conein đó thôi.
Cả hai im lặng cụng ly. Tiếng cười của vợ Tuyến và Ninh Đa giòn giã vọng từ ngoài vào, niềm vui trong Vũ bừng lên. Câu nói thẳng thắn của tay "trùm mật vụ" khiến anh liên tưởng đến quyết tâm của nhóm Đỗ Mậu, Võ Văn Trưng, để hình dung ra "trái bom nổ chậm" mà trung tâm chế tạo, định hướng sẽ giao cho anh đặt đúng vị trí đủ sức đánh sập một chế độ, một công trình giá trị bằng nhiều tỉ đô-la của đế quốc Mỹ. Có điều trái bom chưa định được giờ.
Tiếng cười vui như pháo tết của hai người phụ nữ tràn đầy hạnh phúc lại vọng vào. Vũ cũng đang vui, nhìn Tuyến đăm chiêu rít hơi thuốc dài. Vũ nhớ lại câu nói của anh với Huỳnh Văn Trọng. "Ai trả tiền cho chế độ cộng hòa của ông Diệm người đó sẽ làm chủ.." Vừa rồi anh cũng nhắc lại ý đó với Tuyến, nhưng nói xong chợt e ngại, phải giải thích, tuy rằng ngụy biện, "Mỹ hay Anh đều là chủ nhân của Việt Nam cộng hòa, vì đều là đồng minh, cùng chiến tuyến chống cộng sản, của ta. Nhưng cảm thấy Tuyến không có phản ứng gì Vũ rất yên tâm. Hòa niềm vui tết với hai người phụ nữ, từ phòng khách tiếng cười của họ rộn lên cùng tiếng pháo....