Chương 25
Tác giả: Nhị Hồ
Phan Phụng Tiên giờ đây là thiếu tá từ khi từ Nam Vang trở về. Mỗi lần lại thăm đại tá Đỗ Mậu, anh ta vẫn ghé chào Lê Nguyên Vũ để tỏ lòng nhớ ơn. Vũ đã giúp vợ anh ta thoát khỏi bàn tay của hung thần Dương Văn Hiếu. Ngoài Nguyễn Cao Kỳ, Phan Phụng Tiên ra, hiện giờ đại tá Mậu đã thu phục thêm được trung tá Huỳnh Hữu Hiền, tư lệnh lực lượng không quân khiến uy tín và lực lượng của ông càng tăng mạnh. Người ta đánh giá đại tá Mậu như hổ được chắp cánh. So sánh, cán cân lực lượng nghiêng về phía lực lượng thống Diệm.
Thiếu tá Tiên cùng trạc tuổi với Vũ, anh lúc nào cũng tỏ ra trân trọng hết mực không chỉ vì Vũ là phụ tá Tổng giám đốc An ninh quân đội mà còn là ân nhân. Ngược lại Vũ luôn tỏ ra thân mật, nhã nhặn:
- Thiếu tá rảnh rỗi qua thăm, hay có chuyện chi cần gặp đại tá?
- Hôm qua tôi được giao nhiệm vụ đưa một phái đoàn khoa học của Mỹ sang Nam Vang. Tôi được gặp đại tá Nguyễn Chánh Thi, ông ta nhờ chuyển về đại tá Tổng giám đốc một thư riêng, tôi phải đưa qua ngay, và ghé chào ông phụ tá.
- Ông Thi sắp này làm gì? Ông ấy khỏe chứ thiếu tá?
- Dạ, đại tá Thi và trung úy Phạm Phú Quốc được cơ quan RAND Corporation của Mỹ bảo lãnh, nhận cho làm việc tại chi nhánh của công ty tại Nam Vang đã nửa năm rồi. Cả hai bây giờ khá lắm, tự do, lãnh lương như nhân viên Mỹ, vài tháng qua chơi Bangkok một lần. Còn mỗi cuối tuần đi hải cảng Sihanoukville tắm biển, rất khỏe. Ông Thi hy vọng tình hình này rồi tất cả sẽ trở về Sài Gòn sớm thôi. Đúng vậy không ông phụ tá?
Vũ không kịp trả lời, Tiên đã nói tiếp:
- Đại tá Thi nói với tôi, tổng thống Mỹ đã cử viên cố vấn Trueheart qua Sài Gòn xử lý thường vụ tòa đại sứ thay đại sứ Nolting mới được gọi về nhận chỉ thị. Nghe tin đồn vụ ông Nolting quan hệ thân mật với bà Nhu, bị bà ta tác động vào công việc, Tổng thống Kennedy dự tính đưa một nhân vật tầm cỡ hơn qua thay. Trueheart sang trước chuẩn bị đấy. Trueheart có nhiệm vụ nghiên cứu xem phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ có thể thay thế ông Diệm được không? Đại tá Thi nhận định, Mỹ đã có quyết định bỏ ông Diệm rồi.
- Có chắc vậy không?
- Thưa, chính đại tá Mậu cũng xác nhận tin này. Vừa rồi đại tá nói là trung tá Conein cũng mới nói cho đại tá biết Mỹ dự tính đưa ông Thơ lên thay. Họ còn thăm dò ý kiến một số người coi tính sao đã. Nhưng với anh em lưu vong bên đó, họ rất mong đại tá Mậu tiến hành sớm, ai làm tổng thống cũng được, miễn là diệt xong anh em ông Diệm. Cả số Hòa Hảo, Cao Đài lưu vong ở Nam Vang cũng còn căm thù ông Diệm, luôn cái đảng Cần Lao Công giáo ghê gớm của ông ta.
Chuyện vãn đến đây thiếu tá Tiên có vẻ vội vã bắt tay Vũ ra về.. Tình hình lúc này từ các tỉnh miền Trung đến Sài Gòn rất khẩn trương. Hơi người, hơi cay lựu đạn như quẩn quanh trong không gian liên tục mấy tháng không tan. Từ sau vụ nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu, tổng thống Diệm phải công bố chấp thuận giải quyết năm yêu sách của phía Phật giáo. Một ủy ban liên bộ do phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ chỉ đạo thực hiện năm yêu sách trước mặt đó, nhưng chỉ trong phòng họp, trên giấy tờ. Còn trên thực tế các cơ quan chức năng không chấp hành lệnh của ông Thơ, mà theo lệnh của cố vấn Ngô Đình Nhu quyết liệt đối phó. Thiết quân luật được ban hành, lệnh giới nghiêm tăng về đêm, tất cả các chùa đều bị bao vây bằng hai vòng đai nghiêm ngặt, mật vụ kiểm soát vòng trong, cảnh sát dã chiến vũ trang vòng ngoài, ngăn chặn Phật tử đi chùa, cô lập họ với sư sãi trong chùa. Phong trào đấu tranh phải chuyển qua trường học. Ở các đại học Huế, Sài Gòn, một số trường trung học, sinh viên học sinh bãi khóa tập hợp tại trường tạo thành sức mạnh hỗ trợ, tràn xuống đường tiến tới mở toang vòng đai, xô xát với an ninh, nối lại chùa và trường học, khai thông cho lực lượng Phật tử như nước tràn bờ. Ông Nhu được sự đồng tình của ông Diệm, ra lệnh cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải trấn áp không còn dè dặt, chính quyền báo động Việt cộng đang tràn vào Thủ đô.
Cách đây cũng vài tháng đại tướng Lê Văn Tỵ bị bệnh nặng phải đưa qua Pháp chữa trị, tạm thời trung tướng Trần Văn Đôn được cử lên quyền Tổng tham mưu trưởng, thay ông Tỵ. Lúc đó có dư luận chính bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã vận động ông chồng bà chấp thuận tướng Đôn. Thực tế thì có sự gợi ý của tướng Harkins nên ông Diệm phải đồng ý. Tướng Đôn đã ký hai quyết định, được coi là có sự sắp đặt trước, quyết định chuyển tướng Lê Văn Nghiêm ra nắm tư lệnh quân đoàn I ở Huế dưới quyền tướng vùng I Đỗ Cao Trí, và quyết định cử đại tá Đỗ Mậu lên làm cố vấn an ninh cho tướng Tôn Thất Đính, tư lệnh quân đoàn III kiêm tư lệnh biệt khu thủ đô. Người ta đều biết tướng Trí, tướng Đính đang là trụ cột của chế độ nhà Ngô, cả hai được anh em ông Diệm tin cậy cao. Tướng Trần Văn Đôn đã tạo cái thế phân quyền của hai vùng chiến lược quan trọng.
Vì vậy khi có lệnh của cố vấn Ngô Đình Nhu kêu gọi lực lượng quân sự can thiệp, cả tướng Nghiêm và đại tá Mậu đã tuyên bố, quân đội chỉ làm nhiệm vụ chống cộng sản xâm lược miền Nam, giữ gìn lãnh thổ, phải bảo vệ tình quân dân, không trấn áp nhân dân. Các đơn vị biệt động quân, thủy quân lục chiến đã hành quân trong thành phố, nhưng nhận lệnh của tướng Đôn không can thiệp các cuộc biểu tình của quần chúng sinh viên học sinh. Ngược lại tại vài địa điểm quân lính đã can thiệp không cho cảnh sát dã chiến đánh đập Phật tử lấy cớ đó chính là cha mẹ, con cái của binh sĩ đơn vị hành quân.
Tình hình vừa sôi sục lại vừa phức tạp. Và chỉ trong nửa tháng đã có thêm ba nhà sư, một ni cô tự thiêu: Đại đức Thích Nguyên Hương ở Phan Thiết, Thích Thanh Tuệ tại Huế, ni cô Diệu Quang tại Ninh Hòa Nha Trang, và Thượng tọa Thích Tiêu Diêu ở chùa Từ Đàm. Hàng ngàn Phật tử sinh viên, học sinh bi bắt giữ. Cảnh sát công an phải trưng dụng một số cơ quan hành chính làm nơi giam giữ vì số người bị bắt ngày càng nhiều. Gây xúc động nhất là tại chùa Xá Lợi, một nữ sinh tự chặt ngón tay cúng dường tam bảo, dùng máu viết thư gửi Tổng thống Mỹ và ông Diệm, đòi chấm dứt kỳ thị tôn giáo. Lòng căm phẫn của quần chúng Việt Nam, không chỉ riêng Phật tử, đã dâng cao. Qua báo chí Mỹ, phương Tây, dư luận các giời đồng loạt lên án hành động đàn áp dã man của anh em ông Diệm.
Một buổi chiều, Vũ nhận được thư của bác sĩ Trần Kim Tuyến từ Hương Cảng gửi về. Trong thư, Tuyến tóm lược một số nét chính về cuộc họp của Ban an ninh quốc gia, bộ phận tham mưu đầu não của tòa Bạch Ốc, dưới sự chủ trì của chính tổng thống Kennedy. Tuyến kể một số tên của các cố vấn như Averell Harriman, Rogers Hilsman, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, George Bundy, Michael Forrestal v.v... cho thấy giá trị của nội dung cuộc họp. Tổng thống Kennedy sau khi nghe báo cáo tổng hợp từ Sài Gòn gửi về, nhận định rằng chính quyền ông Diệm cố ý không nghe lời khuyên của các cố vấn Mỹ, dù đã có áp lực rất mạnh từ phía Mỹ, Diệm vẫn quyết liệt đối phó không chỉ với phong trào đấu tranh Phật giáo, mà cả với Mỹ. Tình hình xấu đi nhiều, phe không Cộng sản chống Diệm có ý định sẽ làm đảo chính trong vòng ba tháng tới. Tuy nhiên phe này sẽ thành công hay không thì chưa có lời cam kết chính thức. Riêng đại sứ Nolting vẫn bảo thủ, nêu ra hai tình huống sẽ xây ra nếu bỏ Diệm lúc này: Thứ nhất Việt Cộng sẽ lợi dụng thời cơ tấn công mạnh hơn, thứ hai nội chiến vì tranh giành quyền lực sẽ không tránh khỏi. Nhiều ý kiến chống Nolting. Và chính trong cuộc họp tại tòa Bạch ốc cũng có đa số ý kiến bác bỏ nhận định của Nolting. Vì vậy Tổng thống Kennedy đã gọi Nolting về nước, tạm giao cho Trueheart xử lý thường vụ và sẽ ra quyết định bổ nhiệm Henry Cabot Lodge qua thay Nolting vào tháng tới. Lodge là một trong số lãnh tụ đảng Cộng hòa, nổi tiếng "vua đảo chính", năm 1960 đã từng đứng cùng liên danh Nixon ứng cử tổng thống. Lodge qua Sài Gòn thì việc loại bỏ Diệm coi như đã được khẳng định. Cho đến nay, tổng thống Kennedy tỏ ra yên tâm vì cuộc đấu tranh của Phật giáo tuy đã diễn ra ba tháng, nhưng chưa có hiện tượng Việt cộng dựa vào lợi dụng khai thác. Có điều, sau khi Kennedy chấp thuận cho làm đảo chính bỏ Diệm, Kennedy tỏ ra lo ngại chính quyền thay thế buổi đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, nên đã đòi phải có kế hoạch đối phó với mọi tình huống có khả năng diễn ra. Nhiều ý kiến nhất trí, phải can thiệp tích cực hơn, chi viện mạnh lên, lãnh đạo hợp lý, quyết giành cho được hiệu quả hơn khi còn Diệm.
Đại tá Mậu đọc đi đọc lại bức thư của bác sĩ Tuyến, tỏ vẻ phấn chấn. Ông ta thông báo cho Vũ những nét cơ bản cuộc họp tại Bộ Tổng tham mưu hôm qua:
- Danh nghĩa là Tổng tham mưu Trưởng mời họp bất thường, với số thành phần chỉ định tham dự, hạn chế có tính toán. Vì đó là cuộc họp đặc biệt đầu tiên của lực lượng cách mạng mà tướng Đôn triệu tập.
Không để Vũ ngạc nhiên thêm, đại tá Mậu tiếp:
- Hai trung tướng Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh cùng 19 tướng tá đại diện toàn thể lực lượng cách mạng để quyết định thành lập "Hội đồng quân nhân Cách mạng", phế bỏ chính quyền Ngô Đình Diệm, tạm thời nắm quyền lãnh đạo quốc gia, chặn đứng ý đồ của Diệm Nhu liên kết với Cộng sản Hà Nội. Chính cái cớ trung lập miền Nam Việt Nam mà Nhu chủ trương là động cơ thu hút tập hợp được nhanh chóng các đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tất cả nhất trí tiến hành đảo chính lật đổ tổng thống Diệm. Cuộc họp đã cử tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch "Hội đồng quân nhân cách mạng", Trần Văn Đôn - Phó chủ tịch kiêm tổng tư lệnh, tôi - Phó chủ tịch phụ trách tham mưu. Tôi đã cố gắng từ chối, nhưng không được, và các tướng đã đồng ý tôn phong tôi lên thiếu tướng, sẽ có quyết định chính thức, ngay trong ngày đầu chính quyền thuộc về Hội đồng quân nhân Cách mạng.
Vũ biểu lộ vui mừng đứng lên bắt tay chúc mừng. Đại tá Mậu không che giấu niềm hân hoan:
- Cám ơn ông Vũ - ông Mậu tiếp - Không khí trong cuộc họp mỗi lúc một sôi nổi, tướng Xuân, tướng Lê Văn Kim - đương là Tổng tham mưu phó, và một số sĩ quan cấp tá tư lệnh thủy quân lục chiến, biệt động quân, đề nghị tiến hành đảo chính ngay. Tất cả tin rằng Sài Gòn đã ở trong tầm tay rồi. Một vài ý kiến quá nôn nóng như đề nghị hội đồng ra lệnh, họ sẽ vào giết Diệm Nhu ngay tại dính Gia Long, không có gì khó khăn. Tướng Đôn phải tỉnh táo lắm mới giữ được mọi người bình ổn trở lại. Ông Đôn giải thích những nhân vật Mỹ tại Sài Gòn và đặc phái viên của McNamara đã trao đổi với Đôn rằng tổng thống Kennedy không ngăn cản một vụ đảo chính do chính tướng lĩnh quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện, "vì quyền lợi bảo vệ Tổ quốc của họ" nhưng phải tránh gây tổn thất cho lực lượng quân đội không làm mất ổn định tình hình tạo thời cơ cho phía Cộng sản khai thác, và một vài thế lực trung lập lợi dụng. Với những điều kiện hợp tình hợp lý đó, ông Đôn nhấn mạnh, chúng ta phải chuẩn bị thật sự chu đáo, khởi động là phải thành công, không thể có thất bại. Hiện nay, thực lực của anh em ông Diệm còn mạnh, trước mắt là cả bốn tư lệnh của bốn vùng chiến thuật rất mực trung thành với Diệm: Tướng Huỳnh Văn Cao vùng IV, tướng Tôn Thất Đính vùng III kiêm biệt khu thủ đô, tướng Nguyễn Khánh vùng II, tướng Đỗ Cao Trí vùng I. Tuy những đơn vị nhỏ thuộc quyền của cả bốn vùng đã có số quay về với chúng ta, đặc biệt là các lực lượng cơ động và không quân của Bộ tổng tham mưu, nhưng với Tôn Thất Đính nắm biệt khu thủ đô, liên kết với lực lượng cảnh sát dã chiến, lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung, lữ đoàn phòng vệ Tổng thống phủ, chúng quyết sống chết bảo vệ gia đình họ Ngô. Do vậy chúng ta phải quan tâm tính toán làm sao giành thắng lợi mà ít đổ máu. Người Mỹ khuyên chúng ta tranh thủ, bằng chân tình, bằng phải trái, khi cần Mỹ sẽ hỗ trợ tiền bạc thay cho chết chóc. Vì vậy Hội đồng quân nhân quyết định hủy bỏ kế hoạch hành động vào cuối tháng tám này, do một số các tướng đề nghị. Nhất trí là hành động, nhưng cần chuẩn bị thật chín muồi, chậm lại vài ba tháng không phải bằng vũ lực... Cuối cùng tướng Minh và Đôn đặt hy vọng nhiều ở việc tôi lãnh nhiệm vụ tranh thủ, lôi kéo thuyết phục Trí và Đính.
- Chính đại tá thực hiện việc này sao?
Đại tá Mậu gật đầu, vẻ cương quyết:
- Đúng vậy. Với Đỗ Cao Trí chúng ta đã có tướng Lê Văn Nghiêm lo việc thuyết phục Trí. Còn với Tôn Thất Đính thì ông ta còn nợ tôi một cái ơn chưa trả nổi. Hồi Pháp thuộc, Đính làm công cho một công ty người Pháp ở Đà Lạt. Khi Pháp rút về nước, Đính thất nghiệp về Huế đi lang thang tìm tôi. Tôi đã cho Đính hết số tiền trong túi để tạm trang trải, sau đó tôi xin cho y vào lực lượng bảo an với cấp hạ sĩ làm ở văn phòng Nha bảo an Trung phần, và cũng chính tôi vận động cho Đính đi học khóa sĩ quan, rồi đưa qua Mỹ. Chức tư lệnh quân đoàn 3, tư lệnh vùng III, kiêm biệt khu thủ đô hiện nay, lại cũng do tôi đề nghị với ông Diệm. Tôi nghĩ rằng với những gì tôi đã làm cho Đính không lẽ tôi không thể nói chuyện với Đính lúc này.. Gần đây, tướng Đôn, Kim có gợi ý với Đính, Đính cự tuyệt, còn đe "Các anh làm gì thì làm, đụng đến anh em ông Diệm tôi sẽ không để các anh yên đâu." Đôn sợ. Còn tôi tôi lại hy vọng, và nếu tranh thủ được Đính ở Sài Gòn, Trí ở Huế thì cách mạng dễ dàng thành công thôi.
Ngừng lại mời Vũ cùng hút thuốc, đại tá Mậu kết luận:
- Tôi vừa có tin, vợ chồng ông Nhu vẫn cay cú ép ông Diệm phải dẹp phong trào Phật giáo bằng sức mạnh cho nhanh, không thể để cho họ "vòi vĩnh, được voi đòi tiên". Nếu thật vậy, thì lực lượng quân đội trấn giữ cả hai vùng Huế, Sài Gòn sẽ rời bỏ anh em ông Diệm là cái chắc. Dù cho Đỗ Cao Trí, Tôn Thất Đính có muốn bảo vệ ông Diệm, quân linh dưới quyền cũng sẽ không nghe. Ông Vũ biết sao không? Lý do là quân đội địa phương họ đều có bà con, cha mẹ, anh em, con cái trong lực lượng quần chúng Phật giáo đấu tranh, họ sẽ không ngồi yên để cho vợ chồng Nhu muốn đánh thì đánh, muốn bắt thì bắt đâu? Ta phải mở một chiến dịch phát động ngay trong quân đội. Vấn đề này tôi phải nhờ ông đây, ông Vũ ạ.
Đại tá Mậu đứng dậy, lại bàn giấy ôm đến một tập hồ sơ khá dày trao cho Vũ:
- Đây, có đến vài trăm tờ đơn của sĩ quan, binh sĩ của các đơn vị gởi cho các sở an ninh quân đội, và cả cho cá nhân tôi, tại tổng nha nữa. Họ khiếu nại việc cha mẹ, anh em, con cái của họ đã bị cảnh sát công an bắt oan, giam giữ tại đâu không biết, trong khi họ đang ở trong đơn vị trực tiếp chiến đấu chống cộng sản, bảo vệ chế độ. Họ đòi chứ không phải cầu xin, Bộ quốc phòng phải can thiệp giải quyết trả tự do ngay cho họ. Với tập hồ sơ này ông đến trực tiếp báo cáo cho bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, không phải để can thiệp thả người, mà yêu cầu Bộ quốc phòng ra một bản quyết định rằng các sĩ quan, quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa phải giữ kỷ cương phép nước, có bổn phận giáo dục thân nhân của mình không nghe theo lời xúi giục của Việt cộng mà tham gia các cuộc biểu tình gây rối an ninh trật tự. Nếu người nào không chấp hành, để cho người thân làm điều phạm pháp buộc Bộ sẽ phải thi hành quân luật nặng hơn. Tôi tin Thuần sẽ làm ngay thôi, có lý quá chứ? Khi có văn bản đó, chúng ta sẽ mở chiến dịch, và chính cái chiến dịch đó sẽ kéo Trí, Đính về hợp tác với ta, phải không?
Vũ nhận lời thực hiện, trong lòng rất phục đại tá Mậu, con người được bạn bè coi là có mưu lược. Trọn ngày chủ nhật, Thành Minh hẹn làm việc với Lê Nguyên Vũ tại một địa điểm bí mật ở xứ đạo Hố Nai, Biên Hòa. Cả hai bàn chương trình hành động, mà Thành Minh cho đây là giai đoạn quan trọng có tính quyết định nhiệm vụ của Vũ.
- Cần phải bén nhạy kịp thời, tranh thủ tác động, như cầu thủ đá bóng có banh phải sút mạnh, sút đúng hướng, lọt lưới đối phương. Thời cơ hoặc không có hoặc ít có đến hai lần nên không dành cho cầu thủ thiếu tự tin, chần chừ không quyết.
Vũ hiểu. Thành Minh nhận định. Phong trào Phật giáo đấu tranh nếu không có người Mỹ đạo diễn, can dự không thể phát triển được dưới chế độ độc tài của anh em ông Diệm. Mạnh như Phật giáo Hòa Hảo, như Cao Đài, lúc đó Diệm còn yếu đấy, vậy mà cũng bị đập tan, huống chi lúc này Diệm đầy đủ sức mạnh. Thế nhưng dựa vào chính sách độc tôn của Diệm lại là cái người Mỹ muốn sử dụng để gậy ông đập lưng ông che giấu bàn tay "thay ngựa giữa dòng", song họ không quan tâm đến sự chuyển hướng của tình hình, từ lãnh vực tôn giáo vượt qua lãnh vực chính trị chỉ trong gang tấc, để vuột ra tầm tay họ. Tàn dư của các đảng phái chính trị quốc gia, bọn cơ hội đối lập, bị anh em Diệm kềm chế chỉ chờ cơ hội này để vùng dậy phục thù. Anh em Diệm đã phóng lao rồi phải theo lao, đã dùng bạo lực rồi thì phải tiếp tục phát huy bạo lực, đó là vấn đề sống còn của họ mà.
Nghiên cứu bản tin của Trần Kim Tuyến, đồng chí Thành Minh còn phát hiện số điểm thiếu nhất trí của giới chóp bu Mỹ ở tòa Bạch ốc, của số người Mỹ ở Sài Gòn. Một phía lo ngại cuộc đảo chính không thành công, vì thực sự họ chưa tin vào lực lượng tướng tá Việt Nam liệu có đủ lòng trung thành với Mỹ không? Nếu anh em Diệm lật ngược đưựe thế cờ thì đấy lại là thời cơ dành cho hai thế lực chủ trương trung lập miền Nam Việt Nam can thiệp vào. Một phía khác có ý giữ Ngô Đình Diệm lại để tránh cảnh nội chiến có nhiều khả năng diễn ra, nên chỉ cần diệt vợ chồng Nhu và Cẩn mà thôi. Chính Kennedy cũng ngại đưa một nhân vật mới chưa đủ sức tập hợp thay Diệm, cũng có khả năng tạo cơ hội cho Việt cộng uy hiếp Sài Gòn, dù cho tới lúc này không có dấu hiệu cho thấy họ khai thác tình trạng mâu thuẫn tôn giáo. Thành Minh còn lưu ý Vũ, rằng một số tướng lĩnh dù muốn tham gia làm đảo chính nhưng vẫn còn "ân huệ" với Diệm, như Trần Thiện Khiêm và cả đại tá Đỗ Mậu, sự lưỡng lự của người Mỹ và của tướng lĩnh Việt Nam sẽ là chỗ yếu mà chắc chắn anh em Nhu Diệm sẽ tận dụng. Phải nhắc cho Đỗ Mậu thấy cả bốn Tư lệnh bốn vùng chiến thuật còn trong tay Nhu.
Được Thành Minh phân tích Vũ thấy sáng ra trong khi anh nằm giữa vũng xoáy của nhưng vấn đề dồn dập diễn ra từng ngày đến chóng mặt. Trong lòng phấn khích về hiệu quả nhiệm vụ trung tâm giao cho đang tiến dần tới đích, anh chia tay với đồng chí chỉ đạo trở về cạnh đại tá Mậu.
Cố vấn Ngô Đình Nhu đọc bản điện tín của đại sứ Nolting thông báo ông ta sẽ trở lại Sài Gòn sáng 21-8-1963 cùng với Cabot Lodge. Đã có quyết định của Tổng thống Kennedy, Nolting sẽ bàn giao chức vụ đại sứ cho Lodge. Đúng như báo chí Mỹ đã ví von thật mỉa mai từ vài năm trước, tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn chẳng khác gì "Tòa Bạch ốc Phương Đông". Phía Mỹ chỉ thông báo cho tổng thống Diệm rằng họ thay đại sứ, không có vấn đề qui luật ngoại giao quốc tế. Bề ngoài vẫn có lễ trình ủy nhiệm thư, với cái tên không có lý lịch báo trước, chính phủ ông Diệm phải tiếp nhận, dù có đồng ý hay không đồng ý tân đại sứ vẫn đến. Anh em ông Diệm đã được tay chân ở Tòa đại sứ Việt Nam tại Mỹ báo riêng, Lodge nổi tiếng "trùm đảo chính" từng gây tiếng vang ở Philippine khi Macsaysay chết, ở Đại Hàn thì Tổng thống Lý Thừa Vãn khôn hơn, đã tự ý từ bỏ chức vụ Tổng thống, hạ cánh an toàn.
Tổng thống Diệm, hai vợ chồng cố vấn Ngô Đình Nhu, cố vấn Ngô Đình Cẩn ở Huế và cả tổng giám mục Ngô Đình Thục, chưa lần nào họ có được sự nhất trí cao như lần này, với kế hoạch "tiên hạ thủ vi cường", dẹp cái cớ, là nguyên nhân Mỹ tạo ra để thu hoạch kết quả, không dành cho đại sứ Lodge dễ dàng thi thố sở trường làm đảo chính. Cố vấn Nhu cười gằn, kết luận:
- Phải đẩy. Lodge đến chỗ tự lật cái mặt nạ "Thực dân kiểu mới" của Mỹ, theo kiểu nói của Cộng sản, nếu như hắn muốn làm đảo chính.
Ngay hôm sau, tổng thống Diệm và Nhu bí mật mở cuộc họp khẩn cấp, triệu tập quyền Tổng tham mưa trưởng Trần Văn Đôn, bạn thân thiết tin cậy của bà cố vấn, hai viên tướng mà tổng thống Diệm coi như con đỡ đầu: Trần Thiện Khiêm mới lên thay tướng Khánh, tham mưu liên quân, Tôn Thất Đính Tư lệnh vùng III chiến thuật kiêm biệt khu thủ đô, cùng số bộ hạ thân tín như Nguyễn Văn Y, Dương Văn Hiếu, Lê Quang Tung, Cao Xuân Vĩ, tư lệnh nữ quân nhân Nguyễn Thị Minh, phổ biến kế hoạch hành quân quét sạch lực lượng đấu tranh Phật giáo trong một thời gian kỷ lục chỉ một đêm thôi, ngày 20 rạng 21-8-1963.
Nhu nhấn mạnh, tổng thống đã ban lệnh toàn quyền hành động cho cố vấn Ngô Đình Cẩn tại Huế, tiến hành kế hoạch ở cả liên tỉnh miền Trung. Nhu nhấn mạnh khi kết thúc cuộc họp: "Mười giờ sáng mai, 21-8-1963, toàn miền Nam sẽ ổn định, đây là món quà tặng viên tân đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge đến nhận chức tại Sài Gòn."
Thủ đô Sài Gòn có lệnh giới nghiêm từ 12 giờ đêm, nhưng từ 9 giờ tối một số đơn vị quân đội đã lặng lẽ hành quân rải khắp các khu được phân công. Và chỉ trong khoảng ba tiếng đồng hồ, tất cả các sư sãi ni cô ở mọi chùa chiền đều bị công an chìm nổi, cảnh sát dã chiến, lực lượng đặc biệt vây bắt hết, đánh đập nếu chống cự, còng tay, đẩy lên hàng chục xe bịt bùng đưa đi. Các sư sãi ni cô bị tập trung giam giữ theo phân loại, số quan trọng nhốt ở Tổng nha cảnh sát, trại mật vụ Lê Văn Duyệt. Số khác ở khu an dưỡng đường Phú Lâm, ở trại gia binh Rạch Cát Bình Đông. Danh sách đã được kê khai từ trước, gồm tổng số 1400 người khắp nội ngoại đô, Sài Gòn không sót một ai, chỉ trừ có ba vị sư lọt lưới.
Anh em ông Diệm đã chủ quan, vì ngay sau cuộc họp bí mật đó trở về, tướng Trần Văn Đôn đã thông báo với trung tá Lucien Conein, nhân vật CIA quan trọng đã ở cạnh tướng Đôn từ lâu, và cả đại tá Đỗ Mậu cũng được thông tin sớm nhất. Ông Mậu đã giải thích với Vũ:
- Ông Diệm đã hành động đúng như ý của những người Mỹ ở đây, họ đã có lý do chính đáng để thuyết phục tổng thống Kennedy nhanh chóng phế bỏ chính phủ Ngô Đình Diệm.
Rõ ràng Vũ cũng nhận thấy CIA không can thiệp để ngăn chặn đợt đàn áp của chính quyền, mà chỉ bí mật, trước vài giờ xảy ra vụ tấn công các chùa, đưa Thượng tọa Thích Trí Quang, đại đức Nhật Thiện, đại đức Bửu Phương đến cơ sở của cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ, và sau đó chuyển vào tòa đại sứ Mỹ, rồi loan tin các vị sư này xin tị nạn chính trị. Đại tá Đỗ Mậu cho biết Thượng tọa Trí Quang phải cạo râu hóa trang thành nhà sư Phái Nam Tông khoác áo vàng. Hai nhà sư trẻ Nhật Thiện, Bửu Phương, đã từng được đào tạo ở nước ngoài cũng theo hệ phái Nam Tông, có nhiệm vụ hộ tống thượng tọa Thích Trí Quang ra khỏi chùa Xá Lợi an toàn.
Dư luận cho rằng Mỹ cố ý không chặn bàn tay tưới dầu vào lửa của anh em ông Diệm. Báo chí ở Mỹ hầu như tất cả đều đưa tin trang nhất vụ ông Diệm bắt bớ tăng ni, tấn công và chiếm giữ chùa chiền. Chỉ vài ngày tạm ổn, sau đó phong trào đấu tranh không chỉ dừng ở chống kỳ thị tôn giáo, chuyển qua khẩu hiệu đòi tự do dân chủ, thay đổi chiến hào lan rộng từ chùa chiền sang trường học. Sinh viên đại học, học sinh trung học tập họp khá nhanh, vùng lên còn mạnh mẽ hơn nhiều.
Cố vấn Ngô Đình Nhu ra lệnh Tòa án quân sự đặc biệt vùng III đưa số nhân vật chính trị quốc gia chống đối ra xét xử, kết án tù, đày ra Côn Đảo tiếp tục răn đe. Nhưng lại vấp thêm vụ nhà văn Nhất Linh, tục danh Nguyễn Tường Tam, một trong các lãnh tụ Quốc dân đảng, không chịu ra tòa, uống độc dược tự tử. Nhất Linh để lại chúc thư, tuyên cáo lấy cái chết chống chế độ độc tài, độc tôn, tàn ác của Diệm. Sài Gòn lại sục sôi hơn, không chỉ trong lực lượng Phật tử, mà cả lực lượng sinh viên học sinh, văn nghệ sĩ rầm rộ biểu tình phản đối. Tình thế buộc Nhu phải tiếp tục đàn áp quyết liệt. Trong một cuộc biểu tình nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết - điểm báo hiệu ngày tàn của chế độ đã cận kề. Sài Gòn sôi động và căng thẳng cao độ.
Ngày 5 tháng 10 nhà sư trẻ Thích Quảng Hương tự thiêu trước cửa chợ Bến Thành, tiếp theo là đại đức Thích Thiện Mỹ cũng tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà, cảnh sát dã chiến đã cố gắng ngăn lại được ba vụ tự thiêu khác. Biến cố diễn biến ngày một xấu hơn đã hỗ trợ cho đại tá Mậu vận động được tướng Tôn Thất Đính ngả theo phe đảo chính. Mậu đã khéo léo nhắc nhở đến ân tình cũ, ngày mà Đính thất nghiệp lang thang ở Huế được ông ta cấp tiền trang trải, đưa vào lính bảo an kiếm sống, giới thiệu cho đi học khóa sĩ quan lấy đà ra nước ngoài du học... Đính không quên sự nghiệp của Đính ngày nay có phần công lao của Mậu. Tướng Đính đã xúc động nhận lời, nhưng băn khoăn về thái độ của Mỹ. Tướng Đôn đã trưng bằng cớ cho Đính thấy, Lucien Conein đã nhờ chuyển cho Đính tờ ngân phiếu 300 ngàn đô-la để tỏ rõ quyết định của chính phủ Mỹ phế bỏ Diệm. Đại tá Mậu xoa hai bàn tay vào nhau theo thói quen mỗi khi niềm hân hoan có được cao nhất, xuýt xoa với Vũ:
- Vị thần hộ mạng của Nhu đã quay mặt đi rồi. Chướng ngại cuối cùng đã được dọn sạch.
Suốt mấy tháng đại tá Mậu lo nghĩ khi nhận trách nhiệm tranh thủ tướng Đính. Ai cũng có thể nhận ra, nếu Đính quyết sống chết bảo vệ cho anh em ông Diệm, cuộc đảo chính chỉ kéo dài thời gian cần thiết cho tướng Huỳnh Văn Cao và Nguyễn Khánh đưa quân về kịp, thì thắng bại quả khó lường. Chính điều này đã làm cho Kennedy chần chừ là vậy. Từ bên Hoa Thịnh Đốn hai bức điện mật được gởi riêng cho đại sứ Lodge và tướng Harkins lần cuối cùng, buộc mỗi người phải thẩm định mức độ thành công của cuộc đảo chính. Vừa lúc có tin tướng Đính đã nhận lời đại tá Mậu, cả hai nhân vật chủ chốt của Mỹ ở Sài Gòn không còn ngần ngại cam kết với tổng thống Kennedy: Thắng lợi đã trong tầm tay.
Mỹ công khai tuyên bố cắt mọi nguồn viện trợ cho chính phủ Ngô Đình Diệm, cũng là công khai bật đèn xanh cho kế hoạch "thay ngựa". Tướng Trần Văn Đôn đã kín đáo khuyên bà cố vấn Trần Lệ Xuân nên đi Mỹ và châu Âu trấn an dư luận đang tạo khó khăn cho Diệm. Bản thân bà ta cũng nhận thấy hiểm họa đã cận kề, bố trí gởi con cái lại nhờ Đôn giúp đỡ, bay sang Pháp. Tòa thánh Vatican cũng đánh điện khẩn cấp gọi tổng giám mục Ngô Đình Thục đi tức khắc sang Roma.
Một buổi tối tổng thống Diệm đích thân đến tìm Cabot Lodge tại Tòa đại sứ, chỉ báo trước có một giờ. Ông Diệm cảm thấy rõ rệt ở viên tân đại sứ không còn chính sách mềm dẻo của Nolting trước đây. Lodge đón tổng thống Diệm ở ngoài hành lang, cả hai bách bộ chuyện trò. Viện đại sứ Mỹ cao quá khổ, ông Diệm ngược lại quá lùn, Lodge cúi nhìn xuống đỉnh đầu vị nguyên thủ quốc gia:
- Xin ngài hiểu cho, không còn cách nào khác, tổng thống của tôi đã ra lệnh cắt mọi khoản viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa của ngài rồi.
Ngập ngừng giây lát giọng Lodge bớt lạnh lùng:
- Trước mắt, cá nhân tôi có thể giúp ngài thuyết phục được Hoa Thịnh Đốn, nếu ngay lúc này, ngài đuổi tức khắc ông Nhu, ông Cẩn xuất ngoại.
Nụ cười ngoại giao lúc đầu buồn buồn của ông Diệm vụt tắt, khi ý thức địa vị tổng thống một nước đã chịu đích thân đến cầu cứu viên đại sứ Mỹ, lại được nghe lệnh hắn truyền cất đứt tình máu mủ anh em. Mặt ông tái xanh vì giận và vì nhục... Ông lặng lẽ quay lưng đi nhanh trở lại, bóng tối hành lang dài hun hút. Lodge bất ngờ, hắn thương hại, nói với theo:
- Tôi sẵn sàng giúp đỡ ngài với khả năng của cá nhân tôi, khi ngài cần gọi điện tới.
Ông Diệm chắc nghe rõ, nhưng im lặng rảo bước lao vào xe đóng sầm cửa.
*
Bộ Tư lệnh hành quân đảo chính ra quyết định 13 giờ ngày 1-11-1963 khởi sự. Tổng thống Kennedy đã điện cho đại sứ Lodge, giao toàn quyền cho Lodge chỉ đạo cuộc đảo chính phế bỏ chính phủ do Diệm cầm đầu. Viên tân đại sứ đưa cho ba tướng cầm đầu Bộ Tư lệnh đảo chính đọc bức điện tối mật, đó là tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Đỗ Mậu. Lodge muốn họ đặt quyết tâm hành động. Chỉ có thành công, không có phần trăm nào thất bại. Lodge còn cử trung tá CIA Lucien Conein công khai có mặt cạnh Trần Văn Đôn, sau khi duyệt và đã chấp thuận bản kế hoạch hành quân của các tướng trình báo. Phần lớn chi tiết quan trọng trong kế hoạch đã có ý kiến chỉ dẫn của Lodge. Viên đại sứ đã nắm việc phân bố thời gian chương trình đón tiếp đô đốc Felt dẫn đầu phái đoàn Tư lệnh hải lục không quân Thái Bình Dương qua thăm Sài Gòn. Sắp đặt thời gian giữ cả hai anh em Diệm buộc phải có mặt trong dinh Gia Long chờ tiếp phái đoàn Felt, từ 10 giờ đến 12 giờ trưa, đó là khoảng an toàn dành cho tướng Đỗ Mậu, cố vấn an minh của tướng Đính tư lệnh vùng III chiến thuật tung các đơn vị đã được phân công triển khai bao vây các điểm trọng yếu toàn đô thành với danh nghĩa bảo vệ an ninh cho phái đoàn đô đốc Felt. Hai tiếng đòng hồ Nhu Diệm bị đoàn khách giữ chân vừa xong. Đoàn khách ra sân bay, tướng Đôn, tổng tham mưu trưởng mời tất cả các tướng, tá có mặt ở dinh Độc Lập chào mừng phái đoàn Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ trở về Bộ Tổng tham mưu ăn cơm trưa, thực chất là để là để bắt đầu cuộc họp quyết định.
Trung tưởng Dương Văn Minh lúc này mới xuất hiện, tự giới thiệu là chủ tịch Hội đồng quân cách mạng, đọc bản tuyên bố chung:
Xét vì Tổ quốc Việt Nam đang trải qua một giai đoạn lích sử cực kỳ nghiêm trọng quyết định sự tồn vong của đất nước. Xét vì nhiệm vụ của chính phủ là lãnh đạo toàn dân trong công cuộc cứu nước bảo vệ tự do an ninh cho nhân dân đem lại hạnh phúc cho giống nòi. Chính quyền của tổng thống Diệm đã bất lực trong nhiệm vụ, đã phản bội quyền lợi thiêng liêng của toàn dân. Các cơ cấu quyền lực do ông Diệm thiết lập đều mục nát, phản dân chủ, cần phải thay đổi từ cội rễ.
Hội đồng quân nhân cách mạng họp tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày 1-11 1963 quyết định: Truất phế ông Ngô Đình Diệm và bãi bỏ chế độ tổng thống, giải tán chính phủ do ông Diệm lãnh đạo, quyền hành pháp từ trước do chính phủ nắm nay tạm thời do Hội đồng quân nhân cách mạng đảm đương. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ngừng lại giây lát, trung tướng Minh nhìn quét một lượt kháp hội trường đang im phăng phắc chỉ nghe tiếng thở, ông nhấn giọng rõ từng tiếng một:
- Yêu cầu các vị hiện diện, ai tán thành quyết định của hội đồng? Xin tự đứng lên xưng danh, cấp bậc để ghi âm, chúng ta công nhận như lời tuyên thệ.
Những viên tướng bận lễ phục lần lượt bật đứng dậy, và hầu hết đều xưng danh, tự biểu quyết chấp thuận. Không khí hội trường căng thẳng khẩn trương tột độ, đã uy hiếp tinh thần những ai có ý nghĩ từ chối không thuần phục. Nhưng trung tướng Trần Văn Đôn vẫn ra lệnh, bằng giọng lạnh lùng chưa từng có:
- Những vị có tên sau đây ra khỏi hàng, lên trình diện Hội đồng quân nhân cách mạng. Các đại tá Lê Quang Tung, Cao Văn Viên, Nguyễn Văn Y. Các trung tá Khôi - lữ đoàn phòng vệ, Trần Văn Tư - giám đốc cảnh sát đô thành, và thiếu tá Lê Nguyên Khang - tư lệnh thủy quân lục chiến.
Sáu sĩ quan đã xếp hàng ngang trước bàn chủ tọa. Tướng Đôn cho lệnh còng tay đưa ra khỏi hội trường. Cũng vừa lúc viên trung tá trực thông báo với trung tướng Minh: bản án tử hình đại tá Hồ Tấn Quyền đã được thi hành xong, tư lệnh hải quân đã có người thay thế, và quân cách mạng đã hoàn toàn làm chủ đài phát thanh Sài Gòn. Dương Văn Minh cho lệnh tấn công dinh Gia Long. Lúc đó đã 13 giờ 30, thời hạn dành cho anh em ông Diệm ra đầu hàng đã hết, đồng lúc tin báo về sư đoàn 5 của đại tá Nguyễn Văn Thiệu, lữ đoàn Thủy quân lục chiến của trung tá Nguyễn Bá Liên vừa thay Lê Nguyên Khang, với sự hỗ trợ của 12 thiết giáp đã chiếm lĩnh xong các điểm trọng yếu.
Hai anh em ông Diệm rút xuống hầm ngầm, Diệm lo lắng nhưng cố vấn Nhu vẫn còn tin ở kế hoạch đảo chính giả được gọi là "Bravo I", đặt hết lòng tin vào tướng Đính, tướng Khiêm trung thành nhất mực. Nhưng khi đạn cối nã rào rào hướng vào trong dinh, rung chuyển cả mặt đất, Nhu điện liên lạc nhiều lần nhưng cả Đính lẫn Khiêm đều vắng mặt, Nhu tỉnh ra và hiểu rằng, tất cả đều thất bại không còn gì cứu vãn nổi. Nghe lời Cao Xuân Vỹ khuyên, hai anh em ông Diệm rời khỏi dinh Gia Long trước khi quân đảo chính tiến vào được khu giới hạn an toàn. Vỹ đã sử dụng chiếc xe chở hàng nhỏ, có mui che bít bùng, lợi dụng lúc còn lộn xộn đưa hai anh em ông Diệm và ba cận vệ rời khỏi dinh không bị chú ý. Ông Diệm bàn nên đến ẩn tại một khu công giáo, chắc chắn sẽ được che chở. Ông Nhu gạt ngay, lệnh cho Vỹ lái xe chạy thẳng vào Chợ Lớn. Nhu cho rằng nhóm đảo chính dư sức đoán ra hướng trốn đi, đã chăng lưới sẵn chờ rồi. Phải tính điều bất ngờ, Nhu hướng Vỹ đưa thẳng đến nhà Mã Tuyên, một thương gia cơ sở kinh tài trung thành của ông.
Chiếc xe tải chở đồ nhỏ, xấu xí, đã qua mặt quân đảo chính an toàn, và cả nhóm đến được địa điểm đã định hoàn toàn vô sự. Sau một giờ ổn định chỗ tạm ẩn trong nhà Mã Tuyên, Nhu mới hỏi ý ông Diệm:
- Nghe họ tuyên xưng tên họ trên đài, chỉ còn lại không quá mươi người, hoặc còn trung thành với chúng ta, hoặc đã bị họ sát hại. Em thấy không còn hy vọng vào thực lực của chúng ta nữa, tình trạng của chúng ta đã bị đe dọa thực sự rồi. Em tính, chúng ta phải đi thôi.
Ông Diệm thất thần đến ngơ ngác, hỏi lại:
- Chú tính đi mô đây?
- Đi Hương Cảng bằng tàu buôn của người Hoa. Em cho Mã Tuyên đi lo ngay, đó là con đường duy nhất có khả năng thoát hiểm.
Lặng đi khá lâu, ông Diêm mới mở lời:
- Bằng cách như chú nói, mười lăm năm trước con đường vượt biển này đã đưa tôi đến Dòng Thừa sai Hoa Kỳ Maryknoll, đức cha (Thục) đã đi theo đưa chân tôi tới Hương Cảng mới trở về. Những dằn vặt, lo âu, cả tủi nhục gắn với tôi suốt nhiều năm lưu lạc. Được nuôi ở dòng tu, rồi được đưa đi khắp nơi vận động, không khác gì món hàng chào rao ngã giá. Tôi đã phải hứa và đã quyết phải thành công. Và tôi đã thành công... Tôi quá mệt mỏi rồi, không còn sức, cũng không dám nhìn lại vết xe ngựa nguyên dấu....
Ông Nhu xúc động cúi đầu, lại rít hên tục những hơi thuốc dài, trong khi ông Diệm ngước mắt nhìn khoảng không, đôi mắt nhiều lòng trắng hơn đen, không còn sắc lạnh, dịu đi nhiều như mỗi lần nguyện cầu trước tượng Chúa. Khá lâu, ông lại tiếp lời:
- Tôi hứa với những người Mỹ, cũng để hứa với lòng mình phải thành công thôi, để gia đình không lụn bại, dòng họ còn chi mô? Bây giờ lại mất tất cả, tôi quá tin ở Người Mỹ để "cạn tàu ráo máng" với người Pháp, chẳng còn nơi để dựa. Đi mô đây khi chính người Mỹ đã bỏ ta rồi? Có điều tôi tin họ không thể xuống tay, Mỹ và Vatican sẽ dành cho anh em ta đường sống.
Ông Nhu vẫn im lặng. Ông Diệm đứng lên đi lại phía bàn có đặt máy điện thoại, quay số chầm chậm. Đồng hồ trên tường chỉ 5 giờ 20 chiều. Ông Diệm nói tiếng Anh rành rọt từng tiếng:
- Tòa đại sứ Mỹ?... Cho tôi được nói chuyện với ngài đại sứ Cabot Lodge. Vâng, tổng thống Ngô Đình Diệm.... Chào ngài đại sứ, tôi xin báo để ngài biết, có vài đơn vị quân đội làm loạn, tôi muốn được ngài cho biết thái độ của chính phủ ngài.... Tôi hiểu, nhưng cũng nên cho tôi nghe ý kiến riêng của ngài chứ?... Được, tôi chờ... Tôi đã tạm lánh ở nhà riêng của một bang trưởng Triều Châu khu Hoa kiều Chợ Lớn... Hiện tôi vẫn bình an...
Điện thoại số 37.301. Trong khi chờ đợi, yêu cầu ngài đại sứ không cho bất cứ ai biết tôi đang ở đây. Cám ơn ngài.
Ông Diệm đặt ống nghe xuống, quay lại với ông Nhu:
- Lodge mới biết có bạo động thôi, còn chờ báo cáo của CIA nên chưa hiểu rõ nội vụ. Hắn sẽ báo về Hoa Thịnh Đốn, nhưng rất ít hy vọng được Kennedy giải quyết sớm vì lúc này ở Mỹ là nửa đêm. Đến sáng mới có thể triệu tập hội nghị. Bàn rồi mới có chỉ thị chính thức, vậy là phải từ 6 đến 10 tiếng đòng hồ sau Lodge sẽ thông báo lại cho tôi. Phần cá nhân hắn không dám có ý kiến, vấn đề nội bộ của Việt Nam hắn nói tôi tự giải quyết lấy. Tôi đã cho hắn biết chỗ ẩn của chúng ta và số điện thoại.
Nhu thở dài:
- Anh đem tính mạng ra đánh cá với Lodge?
- Tôi tin hắn có liêm sỉ, biết tự trọng.
Đúng lúc ấy Cao Xuân Vỹ vào thông báo: "Dinh Gia Long đã đầu hàng, quân đảo chính đã biết chúng ta đã rời khỏi dinh từ trước nhiều giờ. Họ ra lệnh bao vây thành phố, chặn các đường ra, và truy lùng khẩn cấp". Ngừng lại giây lát, không thấy anh em ông Diệm phản ứng gì, Vỹ với giọng nói run run:
- Họ đã làm chủ hoàn toàn thủ đô.
Căn biệt thự của Mã Tuyên ở đường Phùng Hưng im ắng chìm trong bóng tối, anh em ông Diệm và mười người tùy tùng ở hai phòng sát nhau phía trong vẫn còn an toàn, quân đảo chính chưa kịp phát hiện. Gia đình bang trưởng Mã Tuyên phục vụ rất chu đáo, bàn ăn đã dọn lên từ chiều, nhưng tất cả không ăn, chỉ uống trà, hút thuốc. Trong căn phòng ngủ dành cho anh em ông Diệm đèn rực sáng, ông Nhu vẫn nằm trên ghế dựa, ông Diệm ngồi xếp bằng hơi ngả lưng dựa thành giường. Cả hai yên lặng khá lâu, mắt nhìn vào khoảng không, vẻ suy tư hằn sâu trên vầng trán. Ông Nhu đã ra lệnh tắt đài thu thanh từ chiều, không ai còn muốn nghe lại tin thắng lợi của quân đảo chính. Bất ngờ ông Nhu lên tiếng:
- Đức cha (Thục) đã có mặt ở Roma, còn nhà em đã đến Mỹ rồi. Cả Vatican và Hoa Thịnh Đốn phải quan tâm đến anh em mình. Anh không nên lo nghĩ nhiều. Dù đã mất hết, nhưng chúng ta vẫn còn mạng sống.
Ông Diệm hơi quay đầu đưa mắt nhìn ông em, hai má rung nhè nhẹ:
- Hy vọng là rứa!
Thời gian trôi chậm chạp, nặng nề, ông Diệm và ông Nhu không hề chợp mắt. Ở phòng ngoài số tùy viên cận vệ dưới sự chỉ huy cua Cao Xuân Vỹ không thể ngả lưng, tất cả ngồi trên ghế, ngồi trên nền, dựa lưng vào tường, im lặng. Thỉnh thoảng vài tiếng xì xào nổi lên, rồi lắng xuống.
Chuông đồng hồ điểm bốn tiếng, anh em ông Diệm mở cửa phòng đi ra, cả hai đã thay đồ lớn màu xanh lợt trang trọng như mỗi lần tiếp khách. Ông Nhu sai Vỹ và Đỗ Thọ đưa anh em ông đến nhà thờ Cha Tam dự lễ misa. Vỹ bảo Đỗ Thọ lấy chiếc xe Land Rover của anh ta, anh em ông Diệm ngồi ghế sau, Thọ lái, Vỹ ngồi ghế trước cạnh Thọ. Xe lăn bánh ra đường, chuông nhà thờ đã gióng lên một thôi dài. Xe chạy bình yên đến nhà thờ vẫn không ai hay biết. Vỹ đưa anh em ông Diệm vào cả hai quì ở hàng ghế đầu sát cung thánh. Giáo dân ở đây hầu hết là Hoa kiều. Lễ misa sáng sớm vào giờ này thường dành cho nhưng người già lớn tuổi, họ không mảy may quan tâm và cũng chẳng ai nhận được mặt anh em ông Diệm có thể đi dự lễ sáng ở ngôi nhà thờ xa, nhỏ bé này. Buổi lễ diễn ra khoảng 30 phút do linh mục chánh xứ người Pháp, tên thường gọi là cha Jean làm chủ lễ. Lễ xong, giáo dân ra về, anh em ông Diệm đi vào phía trong, nơi ở của linh mục, lúc này cha Jean mới nhận ra, đón cả hai vào phòng riêng tiếp đãi.
Ông Diệm sai Đỗ Thọ gọi điện thoại cho tướng Trần Thiện Khiêm, báo cho Khiêm tới gặp tại nhà thờ. Thọ làm theo lệnh. Nhưng không lâu sau không phải Khiêm, mà là hai chiếc thiết giáp M-113 đã rền rĩ nghiến đường lao thẳng đến sát cửa nhà thờ. Đại tá Dương Văn Lắm và hai viên đại úy đi kèm, đại úy Dương Văn Nghĩa, em ruột Lắm, đại úy Nguyễn Văn Nhung sĩ quan cận vệ của trung tướng Dương Văn Minh, nhảy xuống xe, lao vào phòng cha Jean. Lắm đọc to lệnh bắt hai em ống Diệm của Hội đồng quân nhân Cách mạng. Chẳng hề nhẹ nhàng, họ thẳng tay kéo, đẩy hai anh em ông Diệm vào một chiếc thiết giáp, còn chiếc kia chở cả một tiểu đội lính vũ trang đi áp tải.
Xong xuôi, Lắm bước đến báo cáo với tướng Mai Hữu Xuân ngồi sẵn trên xe Jeep đậu ở phía ngoài. Xuân ra lệnh cho hai xe thiết giáp quay về Bộ Tổng tham mưu tức khắc.
Nhưng khi đoàn xe về đến nơi, anh em ông Diệm chỉ còn là hai cái xác đẫm máu, người ta đã hạ sát ở dọc đường bằng súng và cả bằng dao đâm nhiều nhát.
Một số tướng có ý muốn dành mạng sống cho ông Diệm, trong đó có tướng Đỗ Mậu, Trần Thiện Khiêm, đã ngỡ ngàng, hỏi lý do, hỏi lệnh của ai? Không một ai trả lời. Tướng Dương Văn Minh hỏi lại:
- Anh nào thắc mắc về cái chết của hai tên đao phủ? Đi tìm ngay những oan hồn đã bị anh em họ chặt đầu mà chất vấn.
Mọi người im lặng.
*
Tướng Đỗ Mậu, trong bộ quân phục quân hàm cấp tướng rủ Vũ đi ra xe cùng ngồi xe của ông ở băng sau, băng trước là tài xế và sĩ quan cận vệ. Thiếu tá Thăng với ba sĩ quan cấp úy đi xe Jeep tùy tùng. Hai chiếc xe nối đuôi nhau chạy thẳng đến cổng bộ tổng tham mưu. Nhận ra xe của tướng Mậu - nhân vật thứ ba trong Hội đồng quân nhân cách mạng, viên hạ sĩ đứng nghiêm chào, ra lệnh cho lính mở rào cản. Cả hai xe đi vào chạy qua nhiều con đường rẽ trái, rồi phải, sau cùng dừng lại ở một bãi cỏ sát hàng rào, bên kia xa hơn là cư xá gia binh Chí Hòa. Ánh hoàng hôn xuyên qua rặng cây cao phía trái tràn xuống, điểm những vũng sáng vàng long lanh trên đám cỏ có gió lay nhè nhẹ. Vũ theo tướng Mậu rời xe, đến trước một đống đất xám trắng vun cao còn mới. Vừa lúc một đại úy đơn vị hộ vệ lái xe tới, bước xuống, đứng nghiêm chào tướng Mậu, và báo cáo:
- Thưa thiếu tướng, nơi đây chôn thi hài ông Diệm và ông Nhu hồi sáng nay.
- Phía nào đặt thi hài ông Diệm?
- Thưa, chính tôi có nhiệm vụ đưa hai quan tài đến chôn ở đây, lúc đó thi hài đã nhập quan, không làm dấu ghi tên, chúng tôi không biết quan tài nào là của ông Diệm, hoặc của ông Nhu. Người ta đã đào sẵn một huyệt lớn, chúng tôi đặt hai quan tài sát bên nhau và lấp lại.
Thiếu tá Thăng đã đốt xong một bó nhang, đưa tận tay cho tướng Mậu. Một sĩ quan cận vệ đưa từ xe xuống một khay trái cây, một tập giấy vàng mã, đặt sẵn trên mồ. Thiếu tướng Mậu cúi nhìn bó nhang cháy đỏ bốc khói nghi ngút. Vũ cho rằng, ông Mậu chi muốn bái vọng tổng thống Diệm, người đã tình nghĩa gắn bó với ông suốt 40 năm, còn với ông Nhu trong lòng ông Mậu chưa nguôi giận đã đối xử xấu với cá nhân ông, chưa hết thù vì ông Nhu đã phá hoại sự nghiệp của người anh trong đó có công lao phục vụ của tướng Mậu. Ông Mậu im lặng hồi lâu rồi bước lên vài bước cắm bó nhang giữa phía đầu mô đất, ông khấn lớn tiếng:
- Thưa cụ, tôi Đỗ Mậu đau buồn thương tiếc, đứng trước vong hồn cụ để kính bài. Suốt chặng đường theo phò cụ vì nghĩa vụ quốc gia, vì hạnh phúc của muôn dân, tôi đã giữ lòng trung với cụ. Chỉ một khoảng cuối đời cụ đã vấp sai lầm nghiêm trọng không chịu nghe chính ngôn can gián, để sự nghiệp suy đồi, cho nên vì tổ quốc tôi phải chống lại cụ. Cho đến lúc này tôi không hề oán hận cụ, chỉ thương cụ, tôi thề có Trời Phật chứng giám, tôi không tham gia giết cụ. Tôi đã cố sức bảo vệ mạng sống cụ đến cùng, nhưng lực bất tòng tâm. Mong cụ hiểu cho lòng tôi. Tôi xin được lập theo lời cụ sinh tiền thường xuyên cầu nguyện "Xin Chúa cứu rỗi linh hồn cụ". Còn riêng tôi cầu Trời Phật phù hộ vong hồn cụ tiêu diêu cực lạc.
Vĩnh biệt cụ.
Tướng Mậu rất thành kính, chậm rãi vái năm lần thật sâu. Thiếu tá Thăng đốt số vàng mã rải cạnh mộ. Mọi người im lặng đứng nhìn buổi tiễn đưa. Ánh lửa từ nhóm giấy vàng sáng rực hơn, khi hoàng hôn vừa xuống.
Vũ theo tướng Mậu lên xe, anh quay lại nhìn một lần nữa, một nấm mồ, một cụm hương le lói, anh nhớ lại lời Thành Minh hôm nào: "Chúng ta sẽ chứng kiến chính bọn Mỹ ở đây tự đào mồ chôn cái "chế độ thực dân mới" của đế quốc xâm lược ngay tại miền Nam Việt Nam này. Không còn lừa bịp được ai nữa!"
Hết