Chương 4
Tác giả: Nhị Hồ
1.
Cô Tư Bình Xuyên lại nhà Trần Đình sắp xếp công việc cho chuyến hàng đưa qua Hồng Kông xong, liền mời Vũ lại thăm tòa báo Đời Mới, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Bình dân Nam Việt, dân Sài Gòn gọi là "báo Bảy Viễn", nơi tập trung những tên cố vấn chính trị của hắn. Chủ ý của Linh Phương, có thể sau khi cô ta đã hội ý với Viễn, định đưa Vũ gia nhập đoàn cố vấn này, tăng cường vây cánh để thực hiện cao vọng chính trị của hắn từ sau ngày nghiễm nhiên hắn là thành viên nội các chính phủ liên hiệp của Ngô Đình Diệm. Chưa phải làm gì cụ thể, ngoài việc viết một vài bài báo đề cao Viễn mỗi cố vấn đã nhận được mười ngàn bạc lương, trong khi người phu khuân vác, trên danh nghĩa là đoàn viên của Mặt trận Bình dân Nam Việt, làm việc tại bến cảng Sài Gòn mười hai tiếng suốt hai ca một ngày, lãnh chưa đến năm trăm một tháng.
Vũ đang thời kỳ tìm hiểu nội tình Sài Gòn, càng được giao du rộng, quen biết nhiều càng tốt nên anh vui vẻ nhận lời Linh Phương. Trên đường đi, Linh Phương vừa chăm chú lái xe, vừa giới thiệu với Vũ về từng cố vấn trong Mặt trận Bình dân của Viễn, với giọng châm biếm và xem thường:
- Mét Hồ Hữu Tường năm hai mươi mốt tuổi đã có hai bằng tiến sĩ văn chương và luật, có tiếng với giới du học tại Pháp và cả ở Sài Gòn, nhưng đến nay gần sáu mươi vẫn không danh vọng, vẫn nghèo. Lúc đầu em cũng tưởng Mét phải là người tài cao đức trọng, nhưng từ ngày ông về phục vụ dưới trướng của anh Bảy, em mới rõ ông ta cũng tồi tệ như ai vậy thôi.
- Tồi tệ? Đã bất tài lại tồi tệ, sao ông Bảy còn mời ông ta cộng tác chứ?
Linh Phương bỗng cười rinh rích:
- Anh Bảy em chỉ cộng tác với cái tiếng trí thức tiến sĩ kép của Mét mà thôi. Ảnh biết rất rõ Mét không có thực tài. Năm ngoái ông ta bò từ Pháp về, đói rách, phải cam tâm đi làm chồng bé cho con mẹ Helène, tuy mang tên Tây nhưng là người Việt một trăm phần trăm nghe anh, có chồng là ông Tây già công chức về hưu, Hèlene rất mê đồng bóng, tự lập một am thờ trong nhà, thường tụ tập các "me tây" cúng lễ, nhảy nhót. Không rõ trong hoàn cảnh nào, mét Tường làm quen với mụ ta, liền nghĩ cách lợi dụng, khai thác mụ. Ông ta xui Hèlene làm đơn xin phép nhà đương cục Pháp lúc bấy giờ, thành lập một đảng lấy tên là "Hồng Y Tiên Tử", thu hút hàng trăm các bà, cô gia nhập. Từ đó mặc sức làm tiền, hàng tuần tổ chức các buổi cầu cúng, lên đồng, ăn uống, và cả làm tình. Mét Tường được bầu làm hội trưởng danh dự, cũng là phương tiện để các mụ me Tây giải muộn. Bản thân ông ta cũng lên đồng, cũng bận đồ như phường hát nhảy múa như điên, thật trơ trẽn và khả ố hết cớ!
- Sao cô Tư biết rõ vậy?
- Thì chính mét Tường mời em gia nhập đảng. Có một lần do tò mò em bằng lòng đi theo mét tới đó. Em đã cười vui khi thấy những cảnh lộn xộn trong nhóm người lên đồng cô bóng cậu. Mét Tường tưởng em thích liền lên đồng đóng vai hoàng tử Ba, phán em hãy yêu hoàng tử... Em lắc đầu cười rũ ra. Mét biết em châm biếm, liền thôi cái trò xấu xa đó đối với em.
Vũ không thể nhịn cười vì câu chuyện của Linh Phương. Anh nhận thấy cô ta vẫn còn giữ nét bộc bạch thông thường của phụ nữ, tuy cô đã từng thản nhiên đến lạnh lùng sống giữa những khung cảnh tàn bạo, những thủ đoạn lừa lọc và sa đọa. Vú gợi hỏi để cô ta tiếp tục câu chuyện:
- Mét Tường là chủ nhiệm báo Đời Mới mà lại vô liêm sỉ đến mức đó à?
Linh Phương lắc đầu:
- Không, tập san đó hoàn toàn do ông Trần Văn Ân chủ trương. Ông ta làm chủ nhiệm, mét Tường chỉ viết bài thôi. Ông Ân trước kia là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, đã được mời ra làm Bộ trưởng thời Nguyễn Văn Xuân. Ông Ân tuy kém mét Tường về bằng cấp, nhưng tỏ ra có khả năng, nhậm lẹ hơn hẳn mét Tường. Chính ông ta đã lập ra mặt trận Bình dân Nam Việt quy tụ năm sáu ngàn phu khuân vác bến cảng thành hội viên, tạo thành thực lực. Anh Bảy em rất bằng lòng ông ta kể từ thành quả này.
Linh Phương lại cất tiếng cười ngả nghiêng khiến Vũ ngạc nhiên:
- Chắc cô Tư lại có chuyện vui nữa rồi?
- Phải, em nghĩ mét Tường đã vớ vẩn, chuyện ông Ân còn ngộ hơn. Hồi ông ta làm Bộ trưởng chính phủ Nguyễn Văn Xuân, nhờ có địa vị và chức quyền ông ta dụ dỗ được mụ Thành Ký, đại diện cho một công ty xuất nhập khẩu lớn của Tân Gia Ba, đặt văn phòng giao dịch ở Sài Gòn. Mụ này có chồng con ở bên, bất ngờ lại có mang với ông Ân, đành phải nằm lại đẻ cho ông ta một đứa con, xong mới trở về gấp với chồng, lại đẻ bên Tân Gia Ba cho chồng một đứa con khác, mới trở qua làm đại diện tiếp
- Sang Sài Gòn lại sinh thêm cho chồng bé một đứa con nữa chứ?
- Đúng vậy, bây giờ mụ đã có hai đứa bên này rồi. À mà sao anh biết?
Vũ cười thích thú:
- Đoán mò mà trúng chứ tôi đâu có biết ông Ân. Thôi hãy để ông ta đó, cô Tư giới thiệu tiếp những môn khách của Mạnh Thường Quân đi? Truyện cổ của Tàu đọc có những điều rất thú vi, như các môn khách có vị chỉ làm giả tiếng chó sủa, gà kêu mà thành sự, cô Tư ạ?
- Đến ông chủ biên của tờ báo, nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh... Nghe nói ông này có nhiều nơi mời ra cộng tác, ổng đều chê ráo trọi. Đúng là "anh hùng vận khứ" nên ông viết báo ký bút hiệu là Hà Việt Phương, ý nói cái đất Việt này, không có phương nào là chỗ dụng võ của ông ta. Mấy tháng trước đây mới chạy trốn từ Bắc vào, ống đi lang thang lạc vào vườn thú của anh Bảy, bị lính coi vườn bắt giữ, hỏi ra mới biết ông là nhà văn, anh Bảy liền mời ông ta đến chỗ ông ân, tham gia viết báo.
Cứ giọng đó Linh Phương đã giới thiệu với Vũ gần cả chục tên cộng tác với Bảy Viễn, với hàng chục bằng cấp, danh nghĩa kèm theo, và những cá tính đặc biệt. Qua lời của Linh Phương, Vũ nhận thấy Bảy Viễn đã hiểu rõ nhược điểm của từng tên dưới tay của hắn, dù những tên đó đã có những người tôn sùng như bậc thầy!
Đến tòa báo Đời mới, Vũ được tiếp xúc gần hết số cố vấn chính trị của Bảy Viễn. Họ tỏ ra niềm nở với anh, có lẽ vì thấy đích thân cô em ông Bảy mời lại, thêm vào là sự thân mật và kính trọng của Linh Phương dành cho anh. Tuy chỉ trong buổi đầu xã giao, cuộc gặp gỡ này đã tạo cho Vũ những thuận lợi trong các lần tiếp xúc sau này. Lúc anh từ giã ra về, mét Tường đưa chân Vũ ra tận xe. Vũ nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn con cáo nói trên lưng cọp đi thăm các thú dữ trong rừng, cáo thú sợ cọp đều cúi đầu làm cáo ta lên râu, tưởng mình là chúa sơn lâm!
Linh Phương tỏ ra rất vui vẻ, sau đó còn sốt sắng đưa Vũ đi tham quan hai sòng bạc lớn, khu giải trí "Bình Khang" và vài tiệm hút thuộc quyền của Bảy Viễn. Vào thăm một tiệm hút thuốc phiện sang trọng ở Chợ Lớn ra, Vũ hỏi Linh Phương:
- Ba người hút mãi mà không hết một hộp thuốc nhỏ như vậy, thế mà hàng năm nghe nói nhập vào hàng chục tấn làm gì cho hết?
Thiếu phụ cười cái ngây thơ của Vũ:
- Linh Phương bán ra ba mươi tấn hàng năm mà còn chưa đủ đó. Loại thuốc thô này chỉ dành cho số người hút bằng bàn đèn, còn chưa kể đến hàng tấn heroin và morphine để chích và hít bằng mũi hoặc vấn vào thuốc lá mà hút..
Vũ lắc đầu ngán ngẩm:
- Cứ lấy mấy chục tấn mà chia cho từng trăm gam một đầu dân ghiền, thì miền Nam này ít ra cũng trên dưới một triệu người là khách hàng tiêu thụ. Cô Tư vẫn tiếp tục bán ra loại hàng "quý" này chứ?
- Trước đây thôi, bây giờ thì em đã không còn liên can đến nó nữa, có thể sẽ là vĩnh viễn.
- Sao vậy? Hôm vừa rồi chính cô Tư nói là ông thiếu tá Mỹ vẫn tiếp tục dành ba chục tấn để cô Tư cung cấp tại đây?
Linh Phương bĩu môi:
- Thằng chả đúng là tên CIA xảo quyệt. Hắn hứa nhượng lại số lượng thuốc đó cho em, mặt khắc hắn lại tung trước thuốc của hắn ra thị trường bán giá rẻ. Hắn thừa biết với thủ đoạn đó buộc em không dám mua lại của hắn nữa...
- Thâm hiểm thật, nhưng cô Tư có nghĩ rằng giá thị trường sẽ trở lại bình thường, có thể cao hơn, sau khi cô Tư từ chối không lấy hàng của hắn?
- Tất nhiên, nhưng khi hắn đã cướp được thị trường, nắm độc quyền nguồn hàng, thì với giá nào "khách tiêu thụ bất buộc" cũng phải nhắm mắt mua hết!
- Nhưng công an ở trong tay ông Bảy, không lẽ ngồi yên để cho không lộng hành sao?
Lại còn trung tá Trinquier nữa?
Linh Phương lắc đầu cười buồn:
- Anh Vũ không thấy tối hôm trưng tâ Trinquier phải đưa em lại năn nỉ với Conein nhượng thuốc lại cho em đó sao?
- Thấy chứ. Nhưng tôi nghĩ, vụ này cô Tư nên báo lại cho trung tá Trinquier biết, coi ông ta tính sao. Tôi là người đứng ngoài, tôi cũng thấy tưng tức làm sao ấy.
Linh Phương liếc nhìn nét mặt cau có của Vũ tỏ ra bằng lòng trước sự đồng tình của anh:
- Đấy, đến anh mà còn giận nữa là anh Bảy và em. Nhưng Trinquier đã theo tướng Salan kéo một sư đoàn lính Pháp qua Bắc Phi rồi. Anh nói bên đó lộn xộn không kém gì ở Việt Nam trước đây. Trước khi đi, anh ấy dặn em, vụ thuốc phiện là giữa chính phủ Pháp với cơ quan CIA đã dàn xếp rồi, chớ nên đụng đến nữa mà mang họa. Trinquier cũng đã báo cho anh Bảy em biết và khuyên đừng đối đầu với Mỹ. Anh Bảy tỏ ra ớn bọn CIA ở đây lắm.
Vũ trầm ngâm:
- Không chi riêng CIA chiếm đoạt mối lợi thuốc phiện, mà nhiều việc khác nữa, tôi cảm thấy người Pháp ở đây bị Mỹ lấn hết quyền hành. Ông Bảy chắc cũng tin là Pháp đã giao quyền cho Mỹ ở đáy và sẽ rút hết quân về nước chứ?
- Anh vẫn chưa tin đâu. Ảnh nói nếu Pháp rút đi thì Việt Minh sẽ nuốt sống bọn lính quốc gia này tức khắc, Mỹ lấy quân đâu mà chống đỡ?
Linh Phương cười xẻn lẻn:
- Anh Bảy còn nói là Trinquier nó hù dọa để rủ em qua Pháp với hắn?
Vũ cười:
- Có thể là vậy chăng?
- Xi! Trinquier mắc mớ gì tới em mà hù dọa?
Đúng thế, đây không phải là vấn đề hù dọa, mà Trinquier đã tiết lộ cho thiếu phụ này nguồn tin quả là cần thiết đối với mình - Vũ nghĩ vậy. Mặt khác chính mắt anh cũng thấy quân đội viễn chinh Pháp đã quy tụ về quanh Sài Gòn, đường phố mỗi ngày càng đông đặc lính Pháp. Nhưng tại nhiều căn cứ của Pháp ở trung tâm thành phố, cờ Pháp đã hạ xuống, thay vào đó những lá cờ ba sọc kéo lên. Những đơn vị lính Nùng án ngữ theo thế cài răng lược cạnh những căn cứ của lính Bình Xuyên. Các đơn vị nhỏ lính bảo an Bắc Việt mới chuyển vào xuất hiện ở các cơ quan đầu não, tăng cường canh gác. Vũ đã nhận ra cái thế lấn dân của Diệm, tức là của Mỹ, tuy trong thành phố còn đang xáo trộn. Số dân di cư từ Bắc chạy vào lúc nhúc ở các khu ngoại thành, nhưng con đường mới đây còn trống vắng, từng xóm nhà tôn gỗ thi nhau mọc lên rất nhanh, chỉ qua một đêm nhìn ra đã thấy xa lạ, đường dài thêm với hai dãy nhà thấp lè tè, tiếp nối. Sài Gòn đang chuyển mình, đổi chủ. Trước đây báo chí phương Tây gắn cho Bảy Viễn là "chủ nhân ban đêm của thành phố" này với mười ngàn lính được vũ trang hùng hậu để giữ gìn an ninh, trật tự, hay bảo vệ mối lợi khổng lồ cho Pháp bằng các tổ chức "tứ đổ tường". Nay thì Bảy Viễn đã mất mối lợi quan trọng về độc quyền thuốc phiện. Viễn mạnh là nhờ ở quân Pháp làm chỗ tựa sau lưng, giờ đây không còn mạnh khi bên nách là những trung đoàn Nùng trung thành của Diệm. Rõ ràng cái thế của Viễn đang bi co dần trước sự lớn lên của Diệm. Phải chăng Diệm, Viễn là tượng trưng cho hai thế lực Mỹ, Pháp ở đây? Nguồn tin của bọn Pháp ở hấng tàu biển Denis Frères nói với Trần Đình, bây giờ là của tên trưởng Phòng nhì quân đội viễn hành Pháp, đã đủ để xác đinh Mỹ đang hất Pháp ra khỏi miền Nam này chưa? Vũ tự hỏi mình.
Xe dừng lại trước nhà hàng Hoa kiều "Loon Choong", Linh Phương tắt máy quay lại nhìn Vũ:
- Trưa rồi, em mời anh Vũ ăn cơm ở đây, sau đó chúng mình chia tay.
Thiếu phụ rất tự nhiên khi thốt ra hai tiếng "Chúng mình" thân mật, nhưng Vũ làm ra vẻ không chú ý:
- Biết làm sao hơn, xin tuân lệnh vậy.
2.
Sài Gòn trời về tối trớ lạnh. Người ta cho là dân di cư đã mang theo giá rét ngoài Bắc vào Nam. Nhà hàng Continental chỉ dành cho khách nước ngoài, khách ngoại giao, khách du lịch hay báo chí, luôn luôn đông đúc. Buổi chiều ai đi ngang qua cũng thấy người chen vai nhau ngồi ăn đông nghẹt căn phòng có yểm kính bao quanh. Khoảng trống trước cửa nhà hát thành phố dành chỗ đậu cho đủ các kiểu xe chờ khách. Phía bên kia đường, góc Catinat và Bonard là quán giải khoát Givral, thường được gọi là quán săn tin của giới ký giả Sài Gòn, khách ở đây đa số lại là người Việt. Vào lúc đó, bên chiếc bàn sát vách kính cạnh cửa ra vào, có hai thanh niên ngồi uống cà phê, nhưng hai cặp mắt thì chăm chú nhìn sang cửa lớn nhà hàng Continental. Cả hai thì thầm trao đổi vài câu ngắn gọn..
- Chắc chắn hắn đến chứ?
- Chắc.
- Đi xe gì?
- Peugeot trắng.
- Số xe?
- Tao biết mặt hắn, hỏi số xe làm gì? Hắn tới sẽ đậu xe phía bên - Tay thanh niên vừa nói vừa hất đầu ra chỗ trống còn lại trước Nhà hát Lớn - khóa xe xong, hắn phải đi vòng sang. Từ đây ra khoảng 'ba chục thước, mày phải đón đầu ngay. Tao ngồi trên xe mô-tô đầu đường Bonard chờ mày.
- Được " Phải chắc nghe?
- Hai viên bảo đảm.
- Kìa hắn tới.
Vừa lúc đó một chiếc Peugeot sơn màu trắng sữa lướt qua. Hết khúc đường Catinat, xe liền quẹo vào khoảng trống Nhà hát Lớn và dừng lại trong hàng xe đậu. Hai thanh niên đứng lên bước ra hè phố, hướng mắt bám sát một bóng người Âu bận đồ xám nhạt đang lúi húi khóa cửa xe.
“Chính hắn!” Thanh niên vừa nói, đã ra phía đầu đường Bonard. Cạnh lề đường, một chiếc mô tô đã đậu sẵn. Hắn thong thả gạt cây chống, ngồi lên yên, nhích nhẹ tay ga, tiếng nổ rất đều, thì ra xe vẫn để máy nổ từ lúc họ vào nhà hàng. Hai. tiếng súng thật đanh vẳng lên. Một thân người cao lảo đảo. Chiếc mô tô chồm lên, yên sau đã đeo thêm một người lao thẳng về phía bùng binh tòa thị sảnh, rồi mất hút.
Nhóm công an mũ xanh gác cạnh Nhà hát Lớn ùa ra, tiếng còi rít lên từng hồi. Chúng làm hàng rào cản xe và người qua lại, và vây quanh một xác người nằm trên vũng máu. Vừa lúc đó một chiếc Pengeot cũng sơn màu trắng trờ tới, đậu sát góc đường Catinat. Vì không có đường vào bãi đậu, chiếc xe phải dừng tạm bên cạnh nhà hàng Continental. Từ trên xe, Edward Lansdale - tên đại tá CIA - bước xuống và đi vội lại nơi vừa xảy ra vụ giết người, theo sát sau lưng hắn là tên tài xế Tý. Đến trước tên đội trưởng công an, Lansdale hỏi:
- Ai bị bắn chết đấy?
Có thể là tên công an đã biết hắn nên đứng nghiêm chào và lễ độ:
- Thưa, ông Robert. Chủ đồn điền cà phê ở trên Ban Mê Thuột.
Nhóm công an tránh đường để Lansdale tiến lại chỗ nạn nhân. Hắn nhìn thấy bộ đồ xám nhạt, chiếc cà-vạt màu nâu sẫm lật ngược che khuất một vành tai, áo sơ-mi trắng loang máu chỗ hai vết đạn trúng tim, sức dội đã vật ngửa nạn nhân ra mặt đường. Lansdale quay lại thong thả bước về phía nhà hàng Continental, nơi hắn có hẹn gặp một nhà báo Mỹ. Tên cận vệ Tý vẫn lẽo đẽo theo sau:
- Đại tá có nhận thấy người bị giết, từ cách ăn mặc đến khổ người, hao hao giống đại tá không?
- Thấy chớ! Cám ơn anh chàng Robert nào đó đã thế mạng cho tôi. Rất có thể bọn sát nhân đã theo dõi tôi từ trưa nay, lúc tôi vào dinh Thủ tướng, nên lầm lẫn qua bộ quần áo đồng màu của nạn nhân.
Hắn dừng lại tránh đường cho hai xe cảnh sát từ phía nhà thờ đức Bà rú còi lao tới. Tên cận vệ tỏ vẻ băn khoăn:
- Có điều, làm sao chúng biết đại tá sẽ tới nhà hàng vào giờ này?
- Khó gì nhỉ? - tên đại tá CIA cười mai mỉa - hồi sáng tôi đã điện thoại cho tên quản lý nhà hàng bảo dành cho một bàn đón khách.
- Đại tá phải cám ơn ông Ngô Đình Nhu. Ông ta đã cố níu đại tá lại nói chuyện mất mươi phút.
Lansdale bước vào cửa hàng, không quên ném lại phía sau một tiếng tán đồng với tên cận vệ trung thành của hắn: "Đúng!"
Cùng vào giờ đó, trong một biệt thự tại dường De Gaule, Salvani, thiếu tá trưởng Phòng Nhì Bộ tư lệnh Pháp đang ngồi ăn tối. Chỉ một mình hắn với con chó Đức phục bên dưới uể oải liếm đĩa súp còn đầy. Hắn ném chiếc nĩa vào đĩa và uống cạn ly rượu vang. Cô gái hầu rất trẻ, "tạp dê" buộc ngang bụng làm nổi bộ ngực căng đầy, nhẹ nhàng bước đến dọn bàn. Tên sĩ quan Pháp đứng lên đi qua phòng khách, con chó to lớn bỏ đĩa súp lẽo đẽo theo sau, móng chân sao động sin sít trên mặt nền. Salvani thả người xuống chiếc ghế đu dành riêng cho hắn sau mỗi bữa ăn, khay đồ tráng miệng và bình cà-phê bốc khói đã được đặt cạnh đó. Phía trong là chiếc tủ dài, có máy điện thoại, máy quay đĩa tự động, ba chồng báo: Paris Match, Le Monde, Journal d'Extrême-Orient... đều được sắp xếp trên mặt tủ gọn gàng, vừa tầm tay khi hắn nằm dài trên ghế.
Hắn nhét vào mõm con chó thỏi chocolate, phần tráng mõm thường bữa của con vật. Nhắp từng ngụm cà-phê, hắn đốt điếu thuốc hiệu "Con mèo" . Có điều gì vui khiến hắn hơi nhếch môi cười với con vật bảo vệ đang nghiêng đầu cố gỡ mảnh kẹo mắc răng. Thực vậy, hắn đã tỏ vẻ thoải mái từ lúc nhận được cú điện thoại báo tin hai tên tay sai tin cậy đã làm xong công việc hắn giao...
Từ sau cuộc thảm bại Điện Biên Phủ đến việc Pháp phải ký hiệp định Genève, hắn xác nhận là nước Pháp đã thua cuộc. Rồi đến cuộc họp do tướng Navavre giải thích là Pháp phải nhân nhượng người Mỹ, nhường miền Nam cho Mỹ, hắn giơ cả hai tay lên trời kêu lên: "Thế là hết". Hắn nhớ lại từ cái ngày còn là tên ăn cắp vặt ở các nhà ga, bến cảng, hắn đã tình nguyện xung vào lực lượng lê dương, qua Bắc Phi. Sáu năm bò từ tên lính trơn đến chức quản. Sang Việt Nam suốt mười bốn năm, nhờ mảnh đất màu mỡ này mà hắn đã thu vén được một nông trại trồng nho, năm bảy tòa nhà nơi quê cha đất tổ. Với nghiệp vụ tình báo Phòng nhì, hắn đã học nói tiếng Việt như người bản xứ. Hắn đã từng đóng khố, uống rượu cần, ăn ba khía nếm mắm tôm, lăn lộn khắp hang cùng ngõ tối, hai bàn tay không ngớt tanh mùi máu dân lành, nạn nhân của hắn. Lòng tham không đáy của hắn đến nay vẫn chưa được thỏa mãn.
Hắn tiếc nuối bao nhiêu quyền lợi đầy rẫy đó đây trên đất nước này. Độc quyền tiêu thụ thuốc phiện đã mất đi rồi, nhưng hắn vẫn còn hy vọng có thể làm cái gì đó để cứu vãn tình thế. Hắn vẫn còn tin vào năm mươi ngàn lính của Trần Văn Soái, Bảy Viễn, Nguyện Thành Phương, Le Roy. Hắn vẫn còn tin vào lòng trung thành của Hinh, Vỹ... những tên tướng bản xứ sẵn sàng nghe lệnh hắn. Salvani không chịu nuốt hận, không bỏ ý định vùng lên, hắn thầm quyết đánh một vàn bài xả láng. Và hôm nay, hắn đã diệt được tên trùm CIA tại đây, Edward Lansdale đối thủ đáng gờm. Salvani tự hào đã thắng một nước cờ đầu quan trọng. Nhưng chuông điện thoại bỗng réo lên, hắn chồm dậy cầm ống nghe:
- Phải, Salvani đây? Lại Văn Sang hả? ...
- Một vụ ám sát trước khách sạn Continental?...
- Sao? Ai bị giết? Ông Robert? Đúng Robert không? Chính anh đá nhận diện rồi à? '
Salvani không cần nghe thêm gì nữa, tuy đường dây còn chưa cắt. Hắn ném mạnh ống nghe vào máy, ngồi vật xuống ghế, mặt nhợt nhạt, mắt trừng nhìn thẳng vào khoảng không. Đang từ trạng thái thắng lợi, đột ngột chuyển sang trạng thái suy sụp, thất bại, Salvani không ngất xỉu nhưng tim hắn như ngừng đập. Chỉ một thoáng hắn đã mất hết cảm giác, hai bàn tay siết chặt thành ghế, nghẹt thở, tê dại... Hắn đã thảm bại, vì chính hắn đã giết chết một người em họ của hắn.
3.
Huỳnh Văn Trọng quàng tay qua vai Vũ kéo vào phòng:
- Nghe cha Dưỡng nói chú đã vào đây, tôi đi kiếm mãi không ra. Trốn ở đâu mà kín thế?
Chị Trọng từ trong bước ra thấy Vũ, reo lên trách móc:
- Tệ chưa, vào đây lâu rồi mà tránh bọn tôi không thèm lại hả?
Không kịp để Vũ phân trần, chị tiếp:
- Hôm chúng tôi đi, cả hai đứa đến rủ chú, người ta nói chú đã đi nghỉ hè ở Đồ Sơn.
Trọng khoát tay:
- Mình vào tiếp tục lo cơm đi, mời chú Vũ cùng ăn đấy nhé. Để hai anh em chúng tôi hàn huyên trước đã.
Chị Trọng nguýt chồng:
- Giành đấy à? Thôi được, chú Vũ phải ở lại ăn cơm đấy nhé.
Từ ngày quen hai vợ chồng Huỳnh Văn Trọng đến nay, sau khi họ kết nghĩa anh em và dĩ nhiên Trọng trở thành người anh bằng mười lăm năm ra đời trước Vũ, cả hai vợ chồng luôn dành cho anh một cảm tình thân thích. Trọng mở bia rót đầy hai ly lớn:
- Nào uống? Mừng được gặp chú.
- Chúc sức khỏe anh chị và các cháu.
- Cha Dưỡng đưa chú địa chỉ của tôi phải không?
- Vâng, vào đây muốn đến anh chị ngay nhưng có biết anh chị ở đâu. Chiều hôm qua lên Thủ Đức thăm cha Dưỡng cha mới cho biết anh chị ở đây. Nghe cha nói, anh đã cộng tác với Huỳnh Văn Nhiệm, Tổng trưởng Nội vụ.
- Qua một người quen giới thiệu, Nhiệm mời tôi làm phụ tá cho y. Nhiệm là đại diện của giáo phái Hòa Hảo được cử ra tham chính. Hiện giáo phái Hòa Hảo được giữ bốn bộ trong chính phủ liên hiệp do ông Diệm là Thủ tướng, Lương Trọng Tường, Tổng trưởng Bộ Kinh tế, Nguyễn Công Hầu, Bộ Canh nông và trung tướng Trần Văn Soái, Bộ Quốc vụ khanh. Nói chung các giáo phái thiếu người có khả năng, nên họ đang cần lắm. Từ một lực lượng vũ trang nhảy ra làm chính trị, rồi bây giờ bất ngờ tham chính, rất mới mẻ đối với họ.
- Huỳnh Văn Nhiệm là người thế nào?
- Con một của gia đình địa chủ, từ nhỏ được đưa qua Pháp học, chỉ tốt nghiệp tú tài rồi về quản lý tài sản của cha. Nhiệm theo đạo Hòa Hảo từ ngày ông Huỳnh Phú Sổ còn sống, đến nay coi như hạng đại đồ. Được Soái cử ra tham chính nhưng nhiệm vụ vượt quá khả năng, vì vậy họ mời tôi làm phụ tá cho Nhiệm với chức đổng lý văn phòng. Công việc trong Bộ y khoán trắng cho tôi, một mình tôi làm không nổi, tôi đi tìm chú. Nay chú đã vào, tôi sẽ giới thiệu chú với Nhiệm. Được hai anh em mình phụ tá, y tất mừng lắm.
- Tôi vừa mới vào, chưa hiểu được tình hình nhất là trong các giáo phái. Cộng tác với họ, ít ra cũng phải biết. họ thế nào đã chớ?
- Tình hình chung thì nó bày ra đó, có chi mà phải tìm hiểu nữa? Mục đích của tôi, có lẽ với chú cũng phải vậy thôi, là tạo lấy cuộc sống thoải mái, gió chiều nào che chiều đó, băn khoăn gì cho nó mệt xác. Về giáo phái ở đây tôi sẽ nói lại chú nghe những gì tôi biết về họ.
Thế rồi tuần tự, Trọng đã kể lại cho Vũ nghe về lịch sử ra đời của các giáo phái. Cuối cùng anh nhận xét về lực lượng vũ trang của nhóm Trần Văn Soái. Danh xưng quân đội Hòa Hảo, thực chất không phải là thuộc quyền của giáo phái này, mà là của riêng trung tướng Trần Văn Soái, tục danh Năm Lửa và ba thiếu tướng: Hai Ngoan, Ba Cụt, Nguyễn Giác Ngộ. Lực lượng này từ lâu rồi được coi như "lính bổ sung" của quân viễn chinh do chính Pháp trả lương và sử dụng. Số quân của trung tướng Năm Lửa có khoảng mười ngàn. Ba tướng kia, mỗi người có trên dưới năm ngàn, tổng số hai mươi lăm ngàn, vũ trang đầy đủ. Lúc đầu, Pháp cử tướng Năm Lửa là tổng chỉ huy, nhưng gần đây ba tướng dưới quyền phản ứng không chịu lệ thuộc, có vài lúc gây ra đụng độ. Pháp đành phải để cho mạnh ai nấy sống riêng rẽ từng vùng.
Việc tham gia vào chính phủ liên hiệp cũng vậy, trên danh nghĩa là giáo phái Hòa. Hảo, được giữ bốn Bộ, nhưng thực tế cả bốn Tổng trưởng đều là người thân tín của Năm Lửa đưa ra, vấn đề đang gây thắc mắc trong nội bộ các tướng. Từ khi ông Huỳnh Phú Sổ chết, người lên thay thế chính là ông thân sinh ra Đức Thày, ông Huỳnh Công Bộ. Ông Bộ chỉ lo việc đạo, trụ trì đền thờ Đức Thày tại xã Hòa Hảo, thuộc tỉnh Châu Đốc, danh xưng là "thánh địa" với gần một triệu tín đồ rải khắp các tỉnh miền Tây. Chính ông Bộ cũng như đa số tín đồ không bằng lòng về hành động của nhóm tướng lĩnh, vì các lực lượng vũ trang này vẫn không loại trừ các việc hiếp đáp, bóc lột thuế má cả của họ. Nói chung giáo phái Hòa Hảo phân chia ra bên đạo, bên vũ trang khá rõ rệt, mâu thuẫn trầm trọng giữa bốn cánh quân, đó, là chỗ suy yếu nghiêm trọng, tuy bên ngoài nhìn vào vẫn cho là một tổ chức có lực lượng hùng hậu.
- Nhưng bản thân họ, trong nội bộ, họ có nhận thấy chỗ suy yếu nghiêm trọng đến thế không?
- Có thể họ chủ quan - Trọng gật gù suy nghĩ giây lát rồi tiếp - Qua sự giao dịch với nhau trong số cầm đầu, tôi cảm thấy họ thiếu trung thực. Chính họ phải biết điều nghiêm
trọng trên, có điều họ không chịu nhìn thẳng vào. Bề ngoài họ cần phải dựa vào nhau để giữ uy tín chung cho toàn giáo phái.
- Anh đã từng tiếp xúc với các ông tướng đó anh thấy họ là người ra sao?
- Cả bốn đều xuất thân từ các gia đình trung bình ở nông thôn, nhưng không chiu làm ruộng, chẳng chịu học hành, chỉ ăn chơi, luyện võ tự đo phóng túng từ thuở thiếu thời. Họ luyện được ba "miếng nghề", muốn ra làm cha thiên hạ. Ba tướng kia khi có danh phải cố học để biết qua loa. Còn riêng Năm Lửa chỉ biết độc nhất chữ ký tên mình, hoàn toàn vô học. Từ thái độ, cử chi, cách ăn nói, giao dịch, đến lối suy diễn, giống như một phú ông, nhưng là phú ông "hiện đại", nên nham hiểm, tàn bạo, ghê gớm hơn nhiều. Chẳng thế mà dưới tay Năm Lửa có đủ các hạng người thuần phục, từ trí thức như Lương Trọng Tường, Nguyễn Công Hầu, Quan Hữu Kim hoặc người cũng có trình độ học vấn như Phan Hà, Thành Nam, Văn Phú... Đến các loại anh chị lưu manh, dao búa, tất thảy gọi dạ bảo vâng, cúi đầu nghe lệnh. Chú thấy có kỳ cục không?
Vũ cười:
- Có gì kỳ cục đâu anh, khi trung tướng Soái là người thân tín của đại tướng Paul Ely, và chính Pháp đưa tiền cho ông ta trả lương cho lớp dưới quyền, thì những người anh vừa kể tên có thể cúi đầu vì đồng bạc Đông Dương của Pháp.
- Đã đành là thế, ở đây tôi muốn nói những kỹ sư Tường, Hầu và Kim, rồi số có tú tài như Phan Hà, đại tá Cường tiếng Pháp nói không thua tiếng mẹ đẻ. Họ không làm cho được Pháp trọng dụng hay sao mà phải qua trung gian một viên tướng không biết nói một tiếng Pháp nào?
- Đấy là giai đoạn Pháp cần người giỏi bắn giết hơn người giỏi chứ nghĩa!
Cầu chuyện bi ngưng lại vì chị Trọng đã đưa cơm lên. Trong không khí gia đình, Vũ nhận thấy vợ chồng anh Trọng thật tinh tỏ ra niềm vui thân thích. Cơm xong, khi chỉ còn lại một mình Trọng, anh giữ Vũ lại uống cà-phê trong phòng khách, và gạn hỏi:
- Chú nhận cộng tác với Nhiệm chứ? Cả tháng rồi tôi đã giới thiệu trước về chú, y có ý trông đợi, hai ba lần nhắc tôi tìm chú. Trong Bộ hiện còn thiếu một công cán ủy viên, phụ tá về công tác chính trị.
Vũ trầm ngâm giây lát:
- Anh để tôi suy nghĩ lại đã, chậm một vài ngày có gì quan trọng. Tôi nghe nói họ không mấy tin người Bắc mình, nhất là thuộc tôn giáo khác.
Trọng hoa tay đính chính:
- Không đâu. Dân Bắc như kỹ sư Ngọc, Thành Nam, cả hai rất được tin cậy. Tôi chưa hề thấy có hiện tượng kỳ thị.
- Ông Nhiệm và cả trung tướng Soái có biết anh là nhà tu xuất của Thiên Chúa giáo không?
Trọng cười ha hả:
- Có thể họ biết đấy, nhưng chẳng ai hỏi mà tôi cũng không xưng. Bây giờ họ có thể coi tôi như một tín đồ của họ, có sao đâu? Phần tôi chỉ cộng tác với Nhiệm trên danh nghĩa là nhân viên chính phủ liên hiệp, chủ yếu là Nhiệm và cả tướng Năm Lửa có tin mình hay không, vậy thôi?
- Họ tin anh?
- Tin chứ, qua những công việc giúp Nhiệm, ý kiến đóng góp, tự tôi đã tạo lấy lòng tin ở họ. Còn những vấn đề bí mật trong nội bộ, có thể họ còn giấu mình, phần mình cũng chẳng cần biết làm gì. Tôi chỉ làm để kiếm sống.
Là một nhà tu thuộc dòng Đa Minh Thiên Chúa giáo, Trọng theo học trường luật và tốt nghiệp cử nhân, nên khi bỏ tu anh xin làm công chức ngành tư pháp trong thời Pháp thuộc. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tiếp theo là cuộc kháng chiến chống Pháp, Trọng không chịu nổi cảnh thiếu thốn, bom đạn, bỏ chạy vào vùng địch kiểm soát, chỉ cốt cầu an. Trở lại cuộc đời của người công chức rồi được đặt lên chiếc ghế bộ trưởng trong ngụy quyền bù nhìn của Pháp, Trọng đã thực hiện đúng theo ý nghĩa là gió chiều nào che chiều ấy, cốt để tạo lấy một cuộc sống an nhàn, sung túc.
Trọng cùng người Huế với cha Dượng là bạn đồng tu nhiều năm với cha ở Philippine và Hồng Kông. Làm việc ở Huế nhưng Trọng thường ra Hà Nội và mỗi Giần ra đêu có đến với Dưỡng. Chính qua cha Dưỡng mà Vũ làm quen với Trọng từ sơ đến thân.
Trọng cởi mở, chân tình, nhưng hời hợt, ít quan tâm đến diễn biến tình hình quanh mình, vì ngoài cái địa vị khả dĩ đảm bảo cho mình một cuộc sống như mong muốn, Trọng không có tham vọng chính trị gì, và vốn cũng lười suy nghĩ.
Vũ gợi ý cho Trọng:
- Theo tôi, cuộc sống của bản thân có liên quan rất chặt chẽ với công việc mình làm. Công việc làm có kết quả, có lâu bền mới đưa lại cuộc sống bảo đảm. Mà những thay đổi của tình hình, diễn biến của thời cuộc, luôn luôn ảnh hưởng đến công việc làm của chúng ta. Nghe anh nói khiến tôi cảm thấy anh không mấy quan tâm đến chính cuộc sống thiết thân của anh, là tại sao nhỉ?
Trọng gật gù tỏ ra đăm chiêu:
- Đúng? Tôi có chỗ vô tâm, bàng quan với thời cuộc, và cũng lười suy nghĩ, cứ cho là đến đâu hay đó.
- Vì anh dễ kiếm chỗ đứng, dễ tìm việc làm, kiếm đồng tiền cũng không mấy khó khăn.
Nhưng theo tôi nghĩ, làm gì cũng phải cho chắc, cho vững, được lâu bền mới gọi là thành công, chứ nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác cực thân lắm. Việc anh bàn, cả hai chúng mình cùng vào giúp Nhiệm, một người thân tín của tướng Năm Lửa, tôi cần phải tính lại cho kỹ về phần mình, chứ chưa được ăn đã gặp vạ, dại gì?
Trọng tỏ vẻ ngạc nhiên chồm dậy ngó Vũ:
- Cái gì mà ăn với vạ? Chúng mình là viên chức công khai của chính phủ, lén lút làm loạn đâu mà sợ?
- Một ngày nào đó, có thể là không lâu lắm đâu, người Mỹ và ông Diệm sẽ dẹp tình trạng sứ quân, cát cứ. Bắt cầm tù hoặc cần thì giết các viên tướng lãnh "bổ sung" của Pháp, dẹp hết tập đoàn tay chân của các tướng đó, thì những kẻ đồng lõa như anh và cả tôi nữa sẽ chui vào đâu, ông Diệm sẽ đối xử thế nào?
- Chú nói gì tôi không hiểu. Bất cứ ai cũng thấy rằng sau khi Pháp thất bại, chịu bỏ miền Bắc, buộc Hoa Kỳ phải trực tiếp nhúng tay vào, cùng nhau giữ lấy phần đất miền Nam, một chính phủ liên hiệp hình thành, được đồng minh Pháp - Mỹ bảo trợ, không lẽ họ lại để cho ông Diệm diệt các lực lượng kia, nay đã hợp thức hóa thành quân đội quốc gia?
- Thì đúng như anh nói, nhưng rồi một chính quyền sẽ hình thành trên nền tảng hiến pháp, bầu cử, quốc hội... như ông Diệm tuyên bố, chắc chắn sẽ không thể để tình trạng sứ quân cát cứ tồn tại, anh có nghĩ vậy không? Về phía các lực lượng kia, các tướng lãnh có chịu bỏ tất cả để trở thành những tướng chính qui trong chính phủ cộng hòa của ông Diệm, ngày đi làm tám tiếng đồng hồ ở Bộ Quốc phòng, hay một cơ quan nào khác, cuối tháng lĩnh một số lương theo đúng qui chế, sống bình thường trong vòng pháp luật không? Tướng Trần Văn Soái tướng Bảy Viễn và tất cả các tướng khác có chấp nhận được một chính quyền và một cuộc sống như vậy không?
- Ồ nếu đúng là vậy, họ không bao giờ chịu! - Trọng lắc đầu ngẫm nghĩ rồi tiếp - Vậy mà mới tối hôm kia, trong buổi tiếp tân do tướng Nguyễn Thành Phương tổ chức, tôi đã gặp hầu hết các tướng tá, các Tổng trưởng của ba lực lượng. Họ đều rạng rỡ, đầy tự hào và thỏa mãn, chúc tụng nhau, tỏ ra toại nguyện về những điều đã được ông Diệm nhượng bộ. Họ đứng bên bờ vực thẳm đang chờ họ bước tới, mà họ không biết!
Vũ gật đầu:
- Anh nói đúng. Các lực lượng kia mệnh danh là quân đội giáo phái, mà ngay từ lúc đầu đã tự mình tách ra khỏi khối tín đồ vì hành vi tàn bạo, cướp bóc cả đạo hữu của họ. Nhìn vào thực trạng ơự Sài Gòn thì thấy rõ, người nào mà không căm ghét lính Bình Xuyên. Chắc chắn ông Diệm sẽ không bỏ lỡ thời cơ để trừ đứt đi một tai họa dai dẳng quá lâu rồi. Ông ta sẽ có hai điều lợi: nắm trọn quyền cai trị và lấy được lòng dân, tranh thủ cả triệu phiếu khi có bầu cử. Anh thấy đấy, các lực lượng kia đem lại lợi ích gì cho dân, hay chỉ chuyên reo rắc tai họa, làm sao tránh khỏi bị cô lập với dân chúng và cả khối tín đồ của họ. ông Diệm sớm muộn tất phải thẳng tay với họ?
Trọng lắc đầu thở ra:
- Nguy hiểm thật! Họ đang nầm trong cái thế dao kề cổ mà vẫn dương dương tự đắc.
Vú nói chậm rãi như vừa lần theo từng dòng suy nghĩ của mình:
- Vừa rồi anh nói cả Pháp - Mỹ hợp tác, yểm trợ cho một chính phủ liên hiệp đã được Pháp trao trả quyền tự trị. Trong chính phủ đó thế lực thân Pháp, hay của chính Pháp, giữ một nửa số ghế. Đức quốc trưởng Bảo Đại vẫn tại vị. Hình thức thì vậy, nhìn thực chất?
Trước kia Pháp nhận tiền của Mỹ, bây giờ Mỹ giao tiền trực tiếp cho ông Diệm. Trên nguyên tắc ai nắm tiền người đó sẽ là chủ. Ông Diệm chỉ chi tiền cho những ai thuần phục ông ta, và sẽ cắt lương của bất cứ ai không chiu nghe lời. Để rõ vấn đề, chúng ta hãy nhìn ngược lại thời gian, hồi Đức quốc trưởng là vua mà ông Diệm là Thượng thư Bộ lại của triều đình Huế. Hai người không thuận nhau, Bảo Đại cách chức ông Diệm, hiện nay đài phát thanh và báo chí đang tuyên truyền ông Diệm có tinh thần chống Pháp, nên "rũ áo từ quan". Sau khi cách chức ông Diệm, Bảo Đại còn ra lệnh bắt, khiến ông ta phải chạy trốn. Mối thù không đội trời, chung đó, chằng có gì xóa được trong lòng ông Diệm suốt mười năm câm lặng trong một tu viện ở Hoa Kỳ. Vậy mà bỗng nhiên Đức Quốc trưởng phải đuổi hoàng thân Bảo Lộc của mình ra, để mời ông Diệm về chấp chính. Đâu phải là chuyện đơn giản nhỉ? Sự kiện này đã rõ Pháp nhượng bộ. Từ khi ông Diệm về, người ta chỉ tuyên truyền cho chính phủ Ngô Đình Diệm, chẳng một ai nhắc tới Đức Quốc trưởng hữu danh vô thực. Ngài không được về nước, vẫn phải chịu cảnh lưu vong, Anh thấy đấy! Còn ông Diệm thì đang tích cực cho soạn thảo hiến pháp thành lập chế độ cộng hòa, chuẩn bị tổ chức bầu cử. Ông ta cần tranh thủ lòng dân hạ uy tín đối thủ. Theo tôi nghĩ, đây là thời cơ để ông ta chỉ bắn một mũi tên mà được hai con chim: lôi kéo hoặc diệt lực lượng tay chân của Bảo Đại, tức là của Pháp, làm mất chỗ tựa của đối thủ, vừa được lòng dân. Lực lượng của ông Diệm nay đã mạnh hơn nhiều so với các lực lượng khác. Ông ta nắm quyền chính phủ, nắm đô-la, có trăm ngàn lính quốc gia được trả lương đầy đủ, lại biết lợi dụng lòng dân... chỉ còn chờ lúc ra tay!
Trọng chăm chú lắng nghe không sót một lời Khi Vũ vừa nói dứt. Anh tỏ vẻ hốt hoảng:
- Đúng là ông Diệm sẽ ra tay. Đến lúc đó chính tôi cũng khó tránh bị kẹt, đừng nói đến những tướng tá đối lập.
Vũ cười:
- Tránh được à? Hai bên húc nhau, có thể húc nhau cật lực, anh là người cộng tác với tướng Trần Văn Soái sao khỏi bị coi là đồng lõa?
- Hay tôi rút lui đi thì vừa?
Vũ làm mặt nghiêm, khuyến khích:
- Dù sao thì giữa anh với cá nhân ông Nhiệm cũng đã trở nên bằng hữu, không lẽ bỏ bạn trong lúc khó khăn? Theo tôi, nếu như anh thấy những điều tôi nói là có cơ sở anh nên giảng giải cho ông Nhiệm hiểu. Một khi họ ý thức được ý đồ của ông Diệm và cả của Mỹ, chắc họ sẽ đối phó được kịp thời, đâu đến nỗi phải bó tay. Phần anh, đây là dịp anh đáp lại lòng tin mà họ đã dành cho anh lâu nay.
Trọng trở lại bình tĩnh và sôi nổi:
- Nhất định rồi, tôi sẽ gặp ngay Nhiệm và cảnh tỉnh ông ta. Nhưng riêng về tôi, chú giúp tôi ý kiến chứ?
Vú vui vẻ nói giả lả:
ối, anh đã có gan làm giặc thì phải có gan ở tù.
Vũ đứng lên. Trọng nắm chặt tay anh:
- Định về sao? Tối nay ở lại ngủ. Mải mê chuyện quên không hỏi chú, chú vào đây ở đâu? Đến với vợ chồng tôi nhé, nhà rộng đấy, thấy không?
- Trần Đình đã dành cho tôi một phòng riêng, vợ chồng ảnh tốt với tôi, không thể bỏ đi được. Sáng mai tôi có việc, không ngủ lại được. Mai mốt anh em mình sẽ gặp lại nói chuyện nhiều.
- Vậy tôi đưa chú về để biết chỗ ở. Tôi có xe mà.
Trọng tự lái xe đưa Vũ về Quai de Belgique tận nhà Trần Đình.