nhiều tác giả
Hồ Thác Bà - nơi hấp dẫn khách du lịch
Tác giả: nhiều tác giả
Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình, đó là một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam được hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà - Nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Hồ rộng gần 20 nghìn ha với hơn một nghìn hòn đảo cùng các dãy núi tạo nên phong cảnh hữu tình.
Đi trên hồ Thác Bà chúng ta cảm thấy không khí trong lành giữa mặt nước mênh mông lung linh soi bóng những hòn đảo điệp trùng tưởng như vô tận. Không chỉ là thắng cảnh, hồ còn góp phần rất lớn vào việc bảo vệ và cải tạo môi trường làm cho mùa hè nhiệt độ giảm từ 1 đến 2oC tăng độ ẩm tuyệt đối vào mùa khô lên 20% và lượng mưa từ 1.700 đến 2.000 mm tạo điều kiện cho thảm thực vật xanh tốt. Công trình thủy điện Thác Bà đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn khởi công xây dựng năm 1961 và hoàn thành năm 1971. Đây là công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam trải qua chiến tranh và thiên tai, nhà máy vẫn vững vàng. Trên thị trấn Thác Bà ngày nay còn uy nghi tượng đài lưu danh những người tận tụy ngày đêm xây dựng nhà máy. Các dãy núi đá vôi đã tạo ra một hệ thống hang động rất đẹp trên hồ. Động Thủy Tiên, nằm trong lòng núi đá dài khoảng 100 m với những nhũ đá lấp lánh khi được chiếu sáng tạo ra muôn hình vạn trạng trong đó có hình chín nàng tiên mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ hấp dẫn. Động Xuân Long nằm ẩn trong núi đá. Đi sâu vào trong động du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những tượng đá tự nhiên kỳ lạ. Các nhũ đá rủ xuống cùng với những giọt nước long lanh với bầu không khí mát lạnh lan tỏa khiến mọi người sảng khoái. Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà, có thể đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm cảnh hồ chìm trong sương với vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Huyện Lục Yên là vùng đá quý nổi tiếng với những bức tranh bằng đá quý, khu vực hồ thuộc huyện lại có nhiều di tích lịch sử đền Đại Cại, hang Ma-mút, chùa São, núi Vua Áo Đen... Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những dấu vết của người Việt cổ. Khu vực làng ven hồ vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Nhiều lễ hội đặc sắc thường diễn ra như: Lễ hội mừng cơm mới của người Tày tổ chức vào ngày 9-10 âm lịch khi tiết trời sang thu, mùa thu hoạch lúa nếp đến, mùi thơm lan tỏa khắp bản làng. Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò nhau cùng giã cốm, rồi từng cặp nhảy múa với trang phục rất độc đáo. Du khách sẽ cảm nhận được chất trữ tình trong những điệu dân ca, dân vũ đậm chất núi rừng. Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương... với hình thức mang đậm nét dân gian độc đáo...
Hồ Thác Bà thật sự có tiềm năng du lịch lớn song nhiều năm qua vẫn chưa khai thác được nhiều. Muốn đánh thức tiềm năng ấy phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông. Bí thư Tỉnh ủy Vũ Tiến Chiến cho biết: Tỉnh đang đầu tư cho du lịch và dịch vụ, trước mắt tập trung vào khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà, khu du lịch văn hóa ở Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái.
Hiện nay Sở Thương mại - Du lịch Yên Bái đã làm xong Đề án xây dựng Trung tâm du lịch hồ Thác Bà có diện tích 206 ha gồm: Khu tháp viễn thông và thể thao mạo hiểm; khu đón tiếp, bến bãi đỗ xe và quảng trường; khu khách sạn - thương mại - dịch vụ; khu công viên văn hóa, vui chơi giải trí; khu du lịch sinh thái; khu thể thao sân gôn; khu vườn thú tự nhiên; đường giao thông, đường cáp treo và các phương tiện đi lại trên hồ.
Trong lúc này, một con đường lớn nối với các tuyến giao thông chính đang được mở tới khu Trung tâm du lịch hồ Thác Bà. Tỉnh Yên Bái đã mở cửa mời gọi đầu tư. Hy vọng rằng Khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà sẽ sớm đi vào hoạt động và trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam.