nhiều tác giả
Kỳ lạ Bản Đôn
Tác giả: nhiều tác giả
Khách du lịch đến Buôn Ma Thuột - thủ phủ của Đắc Lắc - một trong những địa chỉ không thể không đi là các khu du lịch sinh thái. Khác hẳn với loại hình du lịch sinh thái ở vùng đồng bằng, những khu rừng hấp dẫn khách du lịch không chỉ ở sự đa dạng sinh thái trong từng bước đi mà còn ở các truyền thuyết nhiều vô kể. Hấp dẫn nhất trong lịch trình này là Bản Đôn - xứ sở của voi rừng và nghệ thuật thuần dưỡng voi rừng của người xưa.
Trước khi tới đây, tôi vẫn lấy làm lạ bởi cái tên Bản Đôn. Theo đúng thuật ngữ Folklore, lẽ ra phải gọi là Buôn Đôn mới đúng. Lý do của cái tên này cũng cực kỳ thú vị, xin được nhắc ở phần sau.
Cách thị xã Buôn Ma Thuột chừng 50 km là khu du lịch Bản Đôn. Sau khi vượt qua hàng loạt cánh rừng thưa bụi mù đất đỏ, những mái nhà sàn hiện ra. Nằm gọn trong một thung lũng, cái bản bé nhỏ này chỉ có chừng vài ba chục nóc nhà. Nếu không có công nghệ của kinh tế xanh ùa vào, có lẽ khó ai biết được những gì đang ẩn chứa ở thung lũng xanh này.
Đừng vội đánh giá những gì mà Bản Đôn đón ta với những nhà sàn phục vụ ăn uống kiêm nhà nghỉ, các quầy hàng Souvenir và mọi cách thức thường có trong một tour du lịch. Đó chỉ là nét bề ngoài của bất kỳ địa chỉ kinh doanh du lịch lữ hành nào.
Hãy theo chân người hướng dẫn viên bước vào một tour nho nhỏ. Xin lưu ý các bạn rằng mọi hướng dẫn viên ở Bản Đôn nói riêng và Buôn Ma Thuột nói chung đều là người Bắc. Phần lớn họ đến đây từ Nam Định, Thái Bình, Hải Dương. Có thể lập nghiệp theo gia đình, có thể giải ngũ rồi ở lại, và cũng có thể sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên ra quyết bám trụ xứ đất đỏ này. Dũng, anh chàng hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi vừa là lính giải ngũ ở lại, vừa là sinh viên đại học mới ra trường. Nếu theo tướng số mà đoán, chắc rằng Dũng sẽ bám trụ tốt thậm chí thành đạt, thành danh ở xứ sở này. Là người Bắc nhưng cứ theo cái cách kể lể chi tiết từng "âm ti củ tỷ" của xứ này có thể nghĩ anh là người Bản Đôn. Trong căn nhà dài của người Ê đê, Dũng kể cho chúng tôi nghe cái lý do hết sức giản dị là tại sao không gọi là Buôn Đôn mà lại là Bản Đôn. Bản đó là tên gọi quen thuộc của người Lào. Những người Lào từ thời xa xưa lắm đuổi theo các đoàn voi đến tận vùng sông lạ này. Họ đã hoà trộn cùng người bản xứ ở đây tạo nên Bản Đôn - quê hương thứ hai của mình. Bản Đôn qua bao thăng trầm của lịch sử đã trở thành một địa danh nổi tiếng của việc săn bắt voi và thuần dưỡng voi rừng. Nổi tiếng đến độ cả vùng sông này đã có thời tấp nập thuyền bè của Lào, Xiêm tìm đến để mua voi con sau khi thuần dưỡng. Nổi tiếng đến độ người đứng đầu Bản Đôn, đứng đầu nghề này đã được phong tặng là Vua voi, được ban bào kiếm của vua Xiêm, tặng áo của vua Lào, châu báu của vua Việt và con cháu nối tiếp nhau làm thủ lĩnh cả vùng, đời này sang đời khác.
Trong căn nhà Dài giữa Bản Đôn vẫn còn lưu giữ những dụng cụ săn bắt voi trải bao đời cùng hình ảnh của những người thợ săn voi tài giỏi và các truyền thuyết vừa xúc động vừa ghê sợ về sự yêu ghét cuả loài voi.
Cách đó không xa bạn có thể ghé vào thăm căn nhà sàn của vua săn bắt voi. Thanh gươm cũ mà vua Xiêm La tặng con người này vấn còn được lưu giữ tại nơi thờ ông. Chính người này chứ không ai khác đã bắt và thuần dưỡng hai Bạch Tượng - một giống voi được coi như thần quyền, vương quyền của Thái Lan và Lào - với đầy truyền thuyết. Sau khi thắp nén hương thơm để tưởng nhớ ông, chớ quên mua vài thang thuốc do chính con cháu ông bán. Thứ thuốc này làm bằng rễ của một loại cây chỉ một mình những người săn voi biết, nghe bảo dùng để chữa trị bệnh đau xương, mỏi khớp rất tốt.
Xưa trộn trong nay, cũ hoà với mới chính là nét hấp dẫn nhất với khách du lịch khi tới Bản Đôn. Ngay giữa những ngày hôm nay người Bản Đôn vẫn sử dụng tiếng Lào trong giao tiếp, đặc biệt là khi giao dịch buôn bán, ngay cả giữa trẻ nhỏ với nhau - đó là nét kỳ thú đòi hỏi phải có sự quan tâm nghiên cứu đúng mức của các nhà dân tộc học.
Tại Bản Đôn, khách du lịch có thể lựa chọn cho mình những tour thích hợp. Bạn có thể cưỡi voi đi thăm mả voi, thăm rừng quốc gia YorĐôn, thăm buôn S'tiêng nổi tiếng về hàng thổ cẩm rồi xuôi dòng SrêPok trở về. Cũng có thể, vì ít thời gian bạn hãy chọn cho mình lộ trình qua cầu treo, vượt suối sang khu nhà sinh thái, ăn xôi nướng và gà nướng, để rồi nằm nghỉ giữa muôn ngàn tiếng chim muông, suối, thác và gió reo.
Một tour nhanh nhất cũng sẽ chiếm của bạn cả ngày trời, và trước khi lên xe trở về thành phố bạn nhớ cho những chú voi ở đây một vài cây mía bởi sự phục vụ hết lòng của chúng. Chiều chạng vạng cũng là lúc bạn ra khỏi rừng, và có thể tiễn bạn sẽ là một trận mưa như thác lũ cuốn phăng mọi rác rưởi trên con đường bạn đi, chỉ để lại một Bản Đôn tươi mới và đẹp đẽ cùng bao điều kỳ lạ...