nhiều tác giả
Làng cổ Phước Tích
Tác giả: nhiều tác giả
Ngôi làng nằm bên sông Ô Lâu thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, độc đáo với những ngôi nhà cổ có gần 200 năm tuổi, với cây thị hơn 1.000 tuổi. Phước Tích cũng nổi tiếng về những khu vườn cổ nhiều loại hoa quý.
Rất ít làng còn giữ được gốc tích rõ ràng như Phước Tích. Căn cứ vào tộc phổ các dòng họ, có thể khẳng định làng được thành lập năm 1470, nổi tiếng với nghề làm gốm từng được các vương triều đặt dân làng làm đồ dùng trong cung.
Theo khảo sát bước đầu của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, làng hiện có 27 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn. Trong đó có 12 nhà thuộc loại có giá trị đặc biệt (loại1), 11 nhà có giá trị (loại 2), 4 nhà ít giá trị (loại 3). Những ngôi nhà ấy nằm theo những chòm xóm mà các nhà chỉ ngăn cách bởi các hàng chè tàu xanh. Chỉ riêng xóm Đình dài khoảng 200 m, đã có đến 10 nhà rường, trong đó nhà ông Lương Thanh Thu “trẻ” nhất cũng đã 100 năm tuổi, còn cái nhà “cổ” nhất 180 năm tuổi, do bà Hồ Thị Thanh Nga đang gìn giữ. Trong các ngôi nhà cổ ấy, các vì kèo, xuyên, trách... đều được chạm trổ cực kỳ tinh tế.
Một trong những đặc điểm của ngôi làng cổ này là sự tham gia của các khu vườn. Ở đây không kém gì những khu vườn của Huế, thậm chí tuổi đời còn vượt xa. Ở Phước Tích, người dân rất tự hào về cây thị có đến 1.000 năm tuổi đang sống cùng dân làng. Nó có chu vi đến bốn, năm sải tay người lớn. Người dân cho biết, từ khi lập làng (cách đây 533 năm), cây thị này đã có và cao lớn lắm rồi. Vì là vườn kiểu Huế nên người ta trồng rất nhiều loại cây khác nhau, cho đủ mùa nào thức ấy. Có điều bên cạnh các loại cây thông thường là các loại cây khá lạ so với các khu vườn Huế như: bồ quân, trần bì, cây bẹ (dùng để ăn trầu)... Những chủ vườn sống nhờ hoa lợi quanh năm, song cây cho thu nhập chính là cây vả. Điều thú vị là các khu nhà vườn ở Phước Tích đều ưa trồng hoa, và có rất nhiều loại hoa quý đã mọc ở đây như hoàng lan, ngọc lan, hàm tiếu... Những loài hoa ấy nở một cách đài trang, quý phái, thanh sạch như chính phong cách, bản lĩnh của người làng.
Làng có gần 300 người nhưng chỉ có 15-20 đứa trẻ, thanh niên cũng rất ít, còn người già thì chiếm đến 80%. Chính vì vậy mà trong làng lúc nào cũng có vẻ cổ kính, thâm trầm.