Lăng miếu Hà Tiên
Tác giả: nhiều tác giả
Hà Tiên, vùng đất tận cùng Tổ quốc là nơi có nhiều danh thắng văn hóa lâu đời. Du khách đến đây không thể không ghé thăm nhiều đền, chùa, miếu cổ... đã ra đời cách đây gần 300 năm.
Hà Tiên gắn liền với thi ca, nổi tiếng với Tao đàn Chiêu anh các, ra đời cách đây 300 năm, sau Tao đàn Nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông (năm 1495). Chiêu anh các do Mạc Thiên Tích, lúc bấy giờ là đô đốc trấn Hà Tiên, sáng lập vào thế kỷ 18 (năm 1736), có 32 thi sĩ. Tao đàn tồn tại trên 40 năm, xuất bản được 6 thi tập, trong đó nổi tiếng có Hà Tiên thập cảnh toàn tập tả 10 cảnh đẹp của đất Hà Tiên.
Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẫm nên xinh
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy
Nam Phố, Lưu Khê một mạch xanh
Tiên Tự, Giang Thành chuông trống ỏi
Châu Nam, Kim Dự cá chim quanh
Bình San, Thạch Động là rừng cột
Sừng sững muôn năm vẫn để dành
Con đường dẫn vào khu vực núi Bình San có hai hồ chứa nước ngọt có cách đây trên 200 năm.Từ xưa cho đến nay, hồ là nguồn nước dự trữ cho sinh hoạt của người dân Hà Tiên trong mùa khô hạn.
Cạnh chân núi là đền thờ Mạc Lệnh Công (di tích lịch sử được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng). Năm 1818, đời vua Gia Long thứ 17, trấn thủ Mạc Công Du, cháu 4 đời của Mạc Cửu, thừa lệnh vua thiết lập đền thờ Trung Nghĩa Từ, lúc ban sơ đền được xây bằng gỗ lợp lá. Năm 1846 (Thiệu Trị thứ 6) quan tỉnh sở tại xin vua chuyển đền thờ ra phía tây chân núi và đổi tên là Tam Mạc Công Từ. Đến năm Thành Thái thứ 9 (1897), hội Lạc Thiên vận động nhân dân đóng góp tiền công trùng tu lại đền và khánh thành vào ngày 22-1-1902 rồi giữ nguyên đến nay.
Chốn tôn nghiêm này phụng từ ba vị công thần, với phần giữa chính điện là Khai trấn Thượng trụ Quốc đại tướng quân, Vũ Nghị Công Trung Đăng thần Mạc Cửu (giỗ ngày 27-5 âm lịch hằng năm), bên tả là Đạt nghĩa Tống binh Đại Đô đốc Quốc lão, Quận công Mạc Thiên Tích (giỗ ngày 5-10 âm lịch). Bên hữu là Tham tướng coi cơ đạt Tân trụ, Quốc cẩm y vệ Đô đốc trưởng cơ Lý chính hầu Mạc Tử Sanh. Tại khu vực này còn có tấm bia ghi danh những bậc tiền bối sáng lập nên đất Hà Tiên, và bia ghi danh những người có công xây dựng đền thờ, lăng tẩm các vị công thần. Sân trước chính điện còn có một tấm bản đồ chỉ các vị trí các ngôi mộ trên núi Bình San. Ngoài những tường rào bằng đá rêu phong dày được xây dựng cách đây gần 250 năm, còn có một con đường lên xuống lăng Mạc Cửu với hơn 500 bậc thang. Trước lăng Mạc Cửu là sân rộng với những tượng kỳ lân, voi được tạc bằng đá cổ rất công phu, trấn giữ quanh mộ. Nơi đây từng là nơi Mạc Thiên Tích cùng các thi sĩ ngắm trăng làm thơ. Còn du khách có thể ngắm cảnh đẹp Hà Tiên bốn phía. Xa xa là Thạch Động, thôn Vân, biển Đông Hồ, núi Cô Tô.
Hà Tiên còn nổi tiếng với chùa Phù Dung, còn gọi là "Tiêu Tự", được xem là ngôi chùa cổ nhất Hà Tiên. Trong quá trình tìm hiểu nền nhà Chiêu anh các của Mạc Thiện Tích, người ta phát hiện có hai ngôi chùa Phù Dung: ngôi chùa cổ ngày nay chỉ còn lại nền chùa, và cái tháp nằm ở hướng Tây Nam núi Phù Dung. Còn ngôi chùa mới ở đầu bắc núi Bình San (gọi là Tiêu Tự) chùa có trước năm 1820 - 1833. Những tường thành được xây bằng vật liệu phức hợp (vôi cát trộn với ô đước và đường ngào), xây cất vào thế kỷ 18 (tường cao 5m, dày 1 m, nét cổ kính rêu phong. Còn tháp cổ hình bát giác, có bia đá còn nguyên vẹn khắc dòng chữ Hán: "Lâm tế tam thập lục Thế ấn đàm Lão hòa thượng chi tháp". Kế đó là di chỉ chùa, nền chùa xưa còn nguyên những phiến đá làm chân tán cột gỗ nền dài 12m, rộng 9m. Năm 1969, nhiều vật dụng được đào lên từ lớp đất đá sâu: những lư đồng, lọ sành sứ, chum đựng gạo, đôn ngồi bằng đá... tất cả còn được cất giữ tại chùa Phù Dung. Chùa ngày nay được xây trên nền nhà Chiêu anh các cũ, ở phía trước và bên hông đều có 7 bậc thang. Đến chùa Phù Dung, du khách như bước vào một bảo tàng cổ, những gì còn lại của dòng họ Mạc, đã khai sáng Hà Tiên.
Đi tiếp về hướng biên giới Tây Nam, sẽ gặp Thạch Động nằm bên thôn Vân, cũng là thắng cảnh xưa nay hấp dẫn du khách. Con đường nhựa chạy thẳng lên Thạch Động cách thị xã khoảng ba cây số. Bước lên 10 bậc thang đá vào trong động, du khách gặp một ngôi chùa nằm trong lòng núi, bên trong có nhiều tượng Phật lớn nhỏ. Lần theo các bậc đá lên trên lại gặp một bàn thờ Phật lớn, trong hang lồng lộng gió mát lạnh. Luồn ra phía sau động, du khách sẽ choáng ngợp với cảnh vách đá cheo leo và toàn cảnh thôn Vân, cửa khẩu Xà Xía, xa xa là mũi Nai. Trong hang Thạch Động, nay còn những thạch nhũ hình thù lạ mắt.