Phạm Cao Tùng
- 20 -
Tác giả: Phạm Cao Tùng
Trong một cuốn sách dạy chơi tơ-nít (tennis), nhà cựu vô địch R. Lacoste có thuật lại một trận đấu giữa danh thủ J.Hunter (nếu chúng tôi nhớ rõ) và ông ở giải vô địch Mỹ quốc về quần vợt. Trong trận đầu này Hunter thắng liền hai ván đầu, ở ván thứ 3 cũng lại dẫn đầu, và đã có trong hay hai ba quả banh dứt trận. Nhưng ông không thất chí, vẫn cầm cự gỡ lần gỡ hồi từng quả banh để thắng lại ván đó và hai ván sau và chiếm giải. Nhà vô địch kết luận: “Trong một trận đấu khi quả banh chót chưa dứt thì trận đấu còn chưa dứt”. Nhà vô địch đã cho chúng ta thấy sự quan trọng của “nước chót” trong trận đấu thể thao.
Và trong trận đời cũng không mấy khác. Không có một công việc nào có thể nói là hoàn thành, không có một công cuộc nào có thể nói là thành tựu nếu ở nước chót chúng ta chưa làm xong cái công việc sau rốt hoặc cái nhiệm vụ cuối cùng.
Người thợ may lãnh may bộ đồ, đã cắt, đã khâu, đã đơm khuy nút nhưng khi chưa đặt bàn là ủi bộ đồ lại lần chót cho thẳng thớm thì có thể nào giao bộ đồ cho khách để lãnh tiền chăng? Không. Nước chót.
Một người bán sách mua lố sách về bán. Khi y bán đặng 7 quyển thì y mới thâu đặng tiền vốn đã xuất ra mua. Khi y bạn đặng 1 quyển nữa y mới đủ tiền trả tiền nhà, tiền thuế vụ, tiền nhân công. Chỉ khi nào y bán nốt hai quyển sau chót thì y mới thấy đồng tiền lời. Nước chót.
Một người từ 20 tuổi đến 30 tuổi lo giữ gìn sức khỏe, tập thể dục, giữ vệ sinh. Nhưng từ 30 đến 50 lại sống cuộc đời trụy lạc bê tha, có khỏe mạnh gì hơn một người chưa biết giữ vệ sinh chăng? Không. Nước chót.
Trên địa hạt trí thức hoặc mỹ thuật cũng thế.
Một học sinh rất chăm học trong nửa niên khóa đầu còn mấy tháng sau lại xao nhãng việc học có mong gì thi đỗ chăng? Không. Nước chót.
Một nhà văn viết đặng một tác phẩm, nhưng khi ông ta chưa sửa những lỗi chính tả, chưa đặt cho đúng chỗ những dấu chấm cuối cùng, chưa làm xong cái mục lục, có thể nào kể tác phẩm ấy đã hoàn thành chăng? Không. Nước chót.
Đáng tiếc là nhiều bạn trẻ hiện giờ lại xem thường cái nước chót ấy. Họ cho rằng những việc chính ở giai đoạn đầu đã làm xong thì công việc kể như xong. Có cần gì phải lưu tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt những công việc vặt vạnh ở nước chót.
Lối sống hấp tấp, vộivã thời bây giờ làm cho họ không đủ nhẫn nại, kiêm tâm để làm công việc ở nước chót, cái mà có người đã cho rằng: đó là một thứ đá thử lửa của những bậc sư.
Tôi còn nhớ, năm xưa, khi đi viếng bảo tàng viện Vatican ở Rô-ma, người dẫn đường dẫn chúng tôi đi xem và giải thích cái hay của kho tàng mỹ thuật thời xưa còn lưu lại. Đến trước một pho tượng đá tạc hình con sư tử, ông ta chỉ cho chúng tôi xem những thớ thịt, những đường gân ở bắp chân con sư tử mà nhà điều khắc đã khéo chạm, không một nét sai về phương diện giải phẫu. Ông nhấn mạnh cho chúng tôi thấy sự ăn nhịp của nét mặt oai hùng con mãnh thú đang nhe răng há miệng gầm thét với mớ lông bờm dựng đứng trên đầu của nó. Sau cùng ông cầm lấy tay chúng tôi, chọc vào mồm con sư tử và bảo: “Ông sờ thử, ông sờ thử những gai thịt ở cái lưỡi!”. Những gai thịt này ở tận trong mồm có ai thấy đâu phải không ông? Nhưng nhà nghệ sĩ yêu nghề, lành nghề này không thể bỏ sót mà không làm nốt “nước chót”.
Thưa anh, nếu anh định làm một công việc gì dù lớn dù nhỏ mà anh muốn làm cho hơn người, anh phải ghi tâm câu châm ngôn này: Làm trọn vẹn cho tới cùng. Biết nhận thấy nước chót cũng không kém phần quan trọng nước đầu, là anh đã nắm lấy bí quyết của thành công vậy.