Phạm Cao Tùng
- KẾT -
Tác giả: Phạm Cao Tùng
Thi sĩ P. Scarron phân biệt ba hạng độc giả: Những “BÔNG ĐÁ”, những “BÌNH LỌC NƯỚC” và những “CHIẾC ĐỒ HỒ”. Sau đó nữ văn sĩ Để Maintenon kể thêm một hạng nữa, hạng “CÁI SÀNG”.
Bạn đã biết, bỏ bông đá vào nước bất luận nước bẩn hay nước sạch nó cũng hút lấy và thầm nhuần nước ấy. Nó không thể phân biệt nước trong, nước đục. Đó là hạng người đọc sách báo với tinh thần thụ động. Đọc tất cả và thâu thập tất cả, không chọn lọc, không phán đoán.
Những “CHIẾC ĐỒNG HỒ” là những người đọc sách báo để giết thì giờ. Họ không cần thâu thập gì cả, chỉ cần giải trí. Đó là độc giả những tiểu thuyết trinh thám, những truyền tình cảm nhảm nhí. Giải trí theo lối này kể ra cũng không phải luôn luôn có hại, nếu người đọc có một ít thì giờ dư để giải trí và thỉnh thoảng thấy cần làm khuây động trí não. Nhiều chính khách như Truman, Churchill lúc đi nghỉ hè vẫn mang theo mình những cuốn tiểu thuyết trinh thám thuộc “loại sách đen”. Người ta kể truyện: Nguyên thủ tướng Đức Bismarck sau hai buổi nhóm hội đồng bộ trưởng vẫn bàn đến “vụ án mạng Lerouge”, một tiểu thuyết trinh thám của Gagoriau đã làm say mê nhiều người lúc bấy giờ. Song đối với những bạn trẻ chưa có thì giờ để học hỏi, đối với những thương gia chưa tìm ra thời giờ để suy nghĩ đến công việc làm ăn, đối với những đàn bà không có thì giờ đọc một quyển sách dạy nuôi con, hoặc tổ chức công việc nhà mỗi ngày mà lại đeo đuổi theo “nàng Lệ Thủy để xem nàng có kết tóc xe tơ với chàng Hiệp Liệt” chăng, thì thật là một tai hại.
Những “BÌNH LỌC NƯỚC” bao giờ cũng chỉ giữ lại cặn bã. Trong tờ báo có 10 bài bổ ích: nghiên cứu, bình luận và một vài tin vặt như “giết chồng” họ chỉ chăm chú vào bài “giết chồng” ấy. Chính những chiếc “BÌNH LỌC NƯỚC” này khuyến khích các nhà báo “tô máu lên trang nhất”, đốc suất các nhà báo nổ lực trong việc săn tin giật gân, “ma hiện hồn về”, “quái thai”. Để thỏa mãn hạng “BÌNH LỌC NƯỚC” này bên Mỹ đã có người phát sanh ra chiến thuật làm báo mang danh là “Tabloid” chuyên môn làm kích động độc giả bằng mọi phương tiện.
Người chủ trương làm báo này thú nhận một cách trắng trợng rằng họ không dùng những tay chủ bút có học thức mà chỉ nhờ anh gác thang máy xem bài vở. Bài nào anh gang thang máy thích thú là họ đăng lên. Về phương diện thương mãi họ có lý, vì họ nhắm đến thị hiếu tầm thường của số đông của hạng độc giả “BÌNH LỌC NƯỚC”.
Hạng “CÁI SÀNG”, trái lại vừa đọc vừa suy nghĩ để tẩy bớt trấu, bớt sạn, bớt đất, bớt những hạt gạo lép, chỉ giữ lại những hạt gạo nặng, đầy chất bổ. Họ đọc sách báo một cách sáng suốt, biết phán đoán, biết nhặt lấy những cái gì hữu ích cho trí não hoặc tinh thần của họ và vứt bỏ những cái gì nhảm nhí. Họ lại biết giúp ý kiến, biết khuyến khích cũng như họ biết thẳng thắn chỉ trích, vì họ cảm thông với tờ báo, với những người viết. Bởi họ biết rõ họ cũng có ảnh hưởng và trách nhiệm rất to trong việc xây đắp nền văn hóa. Ở nước nào cũng thế, tùy theo số độc giả hạng “CÁI SÀNG” này có nhiều hay ít mà trình độ sách báo sẽ cao hay thấp.
Thưa bạn, bạn đã đọc nốt quyển sách này tôi đã biết chắc bạn thuộc hạng độc giả nào. Viết bài này tôi chỉ muốn bạn “tự giác nhi giác tha” là đừng bỏ qua dịp làm cho những người xung quanh mình, bạn bè, em út trong nhà đều trở thành những độc giả hạng “CÁI SÀNG”, tức là những người lính tiên phong trong việc “chống ngu dân” đề cao văn hóa vậy.
== HẾT ==