Phạm Cao Tùng
- 44 -
Tác giả: Phạm Cao Tùng
Đọc lại tiểu sử những người đắc thắng trên đường đời, chúng ta nhận thấy một điều này khác nhau giữa những người đã thành công và những người sống thất thểu là: Những người thành công luôn luôn đã khởi việc với những gì họ sẵn có trong tay và ngay ở hoàn cảnh họ đang sống.
Những người sau trái lại thường hay mất thời gian, tốn nước bọt để ngồi than:
- Tôi đợi đủ 50 vạn để mở một hiệu buôn.
- Tôi phải sang Pháp, sang Mỹ mới có thể hoạt động, ở đất Sài Gòn này có làm “cóc” gì đặng.
- Phải tôi biết chắc có người ủng hộ, tôi sẽ đứng ra lập công cuộc này.
Và hàng năm sau khi mãn một khóa học, đã có biết bao nhiêu bạn trẻ rời bỏ ghế nhà trường để lăn mình vào cuộc đời, định đi xa nhưng rồi họ không đi đến đâu cả bởi một lẽ rất giản dị là chưa bao giờ họ chịu bước đi những bước đầu. Họ chưa chịu bước những bước đầu vì luôn luôn họ thấy còn thiếu điều kiện, chưa gặp hoàn cảnh kia.
Năm năm về trước một người bạn tôi quen định soạn một bộ sách khảo cứu về triết học. Vừa rồi tôi gặp lại anh hỏi thăm về bộ sách ấy, anh đáp: “Tôi phải tạm gác dự định ấy lại, thư viện ở Sài Gòn không đủ sách để tra cứu, đợi có dịp sang Paris vào thư viện quốc gia mới có thể đủ tài liệu để dùng”.
Cách đây 20 năm ông Đào Duy Anh đã soạn ra hai ba bộ từ điển, viết năm ba quyển sách khảo cứu rất có giá trị. Chắc chắn lúc khởi việc ông không mất thời giờ đợi có dịp sang tận Paris để tìm tài liệu. Vì nếu ông đợi có lẽ đến ngày nay chúng ta cũng chưa có dịp xem những sách giá trị của ông.
Cách đây mười năm, một bạn khác cho tôi biết anh có một dự định rất hay là lập một nhà xuất bản to cỡ như Hachette bên Pháp. Nhưng anh bạn ấy lại tự đặt cho mình điều kiện là: “Bao giờ tôi có đủ 50 vạn (lúc bấy giờ là một số tiền to), tôi sẽ bắt tay vào việc”. Khỏi phải nói, đến ngày nay dự định của anh ấy vẫn còn trong vòng dự định vì trừ phi trúng số độc đắc hay lãnh một gia tài bất ngờ, có ai lại có thể nhận đặng một lúc số vốn 50 vạn.
Nhà đại thương gia Pháp: ông A. Boucicaut lúc xuất thân cũng có một mộng to là mở một hiệu buôn đồ sộ tại kinh thành Paris. Nhưng ông không tự buộc mình vào cái điều kiện là phải có bao nhiêu vốn rồi mới khởi việc. Ông và bà vợ vẫn đi làm công cho một hiệu buôn, trong khi đi làm hai ông bà dành dụm, chắt mót một số vốn nhỏ đủ mở một cửa hiệu bán vải ở một con đường nhỏ. Đó là bước đầu tiên của hai ông bà để đi đến một sự nghiệp to tác sau này là cửa hiệu buôn “Au Bon Marché” mà khắp thế giới đều biết tiếng.
Anh có thể tin chắc rằng: không có hoàn cảnh nào hoàn toàn thuận lợi đâu, phải đến gần mới thấy những cỏ úa, những sâu bọ. Ngồi trên máy bay mà trông xuống kinh thành Paris ban đêm thì ai cũng nhận rằng quả thật đó là “đô thành ánh sáng”, khi đặt chân xuống, đi rảo các hang cùng ngõ hẻm ta sẽ nhận thấy Paris vẫn có những gian nhà lụp sụp, những con đường bẩn thỉu như bất luận một thành phố nào trên thế giới.
Người “đắc lực” là người có thể khởi sự làm một công việc họ định làm, với những gì họ sẵn có trong tay, bất cứ ở đâu và ở hoàn cảnh nào.
Nếu một người không đủ can đảm để vượt qua những khó khăn ở bước đầu thì chắc chắn người ấy cũng không có đủ nhẫn nại để lướt qua những nỗi khó khăn (không sao tránh khỏi) trên đường tiến thủ sau này.
Nếu một người có một ngàn đồng trong tay mà không biết làm nghề gì để sinh lợi thì chắc chắn khi họ có một vạn đồng họ cũng không làm nên.
Nếu anh định đi xa, hãy bước những bước đầu. Với những người chỉ biết ngồi ỳ một chỗ mà than thì đừng nói đến việc tiến bộ.