Hồi thứ hai
Tác giả: Phùng Ký Tài
Trong đời này, những việc đi từng cặp với nhau như xấu tốt, thành bại, thật giả, vinh nhục, ân oán, cong thẳng, thuận nghịch, yêu ghét v.v..., xem ra đối đầu quyết liệt với nhau, như không tốt tức là xấu, không thật tức là giả, không được tức là mất, không thành tức là bại. Có biết đâu giữa những cái xấu tốt, thẳng cong, ân oán, thật giả ấy còn tiềm ẩn biết bao quanh co, biết bao kiểu cách, biết bao tri thức, nếu không, làm sao lại có lắm việc rối rắm quện chặt cứng lại thành cục không phân giải ra được đến thế? Làm sao lại có lắm người bị lừa, trúng kế, vào tròng, xong việc rồi lại vẫn có lắm người bị lừa, trúng kế, vào tròng lần nữa đến thế?
Chỉ đơn cử hai chữ thật giả, trong đó đã có biết bao điểu sâu sắc, kì bí mà nếu có mời thánh nhân nói mỏi mồm, chưa chắc đã nói được rành. Có thật tất có giả, có giả ắt có thật; thật càng nhiều, giả càng ít, mà giả càng nhiều, thật càng ít. Ngay ở sự thật thật giả giả này, từ xưa tới nay đã có biết bao nhiêu trò vè, đã diễn biết bao nhiêu màn kịch lớn nhỏ? Kịch tiếp theo kịch, kịch lồng trong kịch, chưa bao giờ thôi. Thay thật bằng giả là thủ đoạn cao của con người; dùng giả nhiễu thật là tài năng của con người; tưởng giả là thật, ấy là đầu óc anh mù mờ, mắt anh kém cỏi. Xin bạn đừng giận, đừng sốt ruột, biết bao người cả đời tưởng giả là thật, đến lúc chết vẫn chưa nhận ra sự thật, thế chẳng phải giả chính là thật hay sao? Giữa hai chữ thật giả này, người thật thà chỉ biết đó là hai cực, người tinh ranh biết lộn sòng ở quãng giữa, còn có người nhờ vào chúng mà kiếm cơm nữa kia.
Ông họ Đồng, chủ hiệu đồ cổ Dưỡng cổ trai trên phố lớn Bắc Cũng là một người như thế. Con người này ngón nghề như thế nào khoan hãy bàn. Ông còn là một quái nhân. Thế nào gọi là quái? Người viết truyện không thể nói trắng ra được, chỉ có thể kể sự việc để các bạn nghe lời lẽ ông ta, xem hành động ông ta, đo nỗi lòng ông ta, dần dần suy ra mà thôi.
Một sáng nọ, Đồng Nhẫn An từ nhà đi ra, vào đến cửa hiệu liền cho tất cả người làm công lớn nhỏ ra ngoài, cài chặt cửa, chỉ để cậu chủ Đồng Thiệu Hoa và thằng bé coi kho tên là Hoạt Thụ ở lại. Không đợi hai người có thì giờ nghỉ ngơi, ông chủ vội bảo:
- Mau đem mấy bức tranh ấy treo lên coi!
Khi nào cửa hiệu mua được món hàng tốt, mời ông chủ xem qua đều làm như thế. Đồ cổ thật hay giả là điều tuyệt mật, không được để lọt tăm hơi ra ngoài. Đồng Thiệu Hoa là con trai, tất nhiên không cần giấu. Còn thằng Hoạt Thụ coi kho không phải là đứa tin được mà chỉ vì nó là thằng nửa ngây dại nửa tàn phế. Gần hai chục tuổi đầu mà bộ dạng chỉ bằng dứa trẻ mười ba, mười bốn, người không sao lớn lên được, lại còn vẹo ngực lệch vai, chẳng khác gì cái hộp giấy bẹp dúm dó. Nói thì cứ như miệng ngậm hột thị, không biết là lưỡi đầy hay lưỡi ngắn, hai con mắt từ nhỏ không mở to được con ngươi bé tí thụt trong kẽ mắt như là không có con ngươi vậy. Hắn lại có bệnh suyễn, một năm ba trăm sáu lăm ngày, hơi thở cứ mắc trong cổ họng kêu khò khè, ngồi không mà thở cũng đứt hơi, từ lúc đẻ ra đã có cái đức đó rồi, thuở nhỏ gọi là Hoạt Thụ lúc lớn vẫn gọi Hoạt Thụ, cha mẹ liệu chừng hắn không sống được lâu, đặt tên hẳn hoi cho là rách việc. Đồng Nhẫn An lại ưng ý cái bộ dạng không mắt, không mồm, hụt hơi, ngây dại của hắn, thuê hắn coi kho, đem người chết dùng như người sống mà cũng là đem người sống dùng như người đã chết.
Hoạt Thụ mở kho, ôm bó tranh mua hôm qua ra, cầm cây gậy khều từng bức một treo lên. Đồng Nhẫn An hé mắt liếc qua mặt tranh, rồi nói:
- Thiệu Hoa, con hãy nói chất lượng mấy bức tranh này cho cha nghe! - Nói xong, lão chủ ngồi xuống uống trà.
Đồng Thiệu Hoa cố nén khoe tài trước mặt cha từ nãy, bây giờ cha vừa khép miệng hắn liền mở mồm:
- Theo mắt con, bức tranh sơn thủy có trục cuốn của Đại Địch Tử này cũ thì cũ thật đấy nhưng nhìn kĩ thì không phải, chữ đề nét yếu ớt, con ngờ chỉ là món đồ chơi hù dọa người đúng không ạ? Bức Mây phủ trăng treo này tất nhiên không phải giả, nhưng trong số tranh của Kim Giới Chu, nhiều nhất cũng chỉ vào loại trung bình. Còn bốn bức vẽ cảnh sĩ nữ của Tiêu Bỉnh Trinh và bức Vượn trắng hái đào của Lang Thế Ninh này lại là của hiếm. Cha nhìn kìa, lụa bồi tranh toàn thứ lụa hoàng lăng. Người bán nói đây là bức lấy được từ một nhà giàu có hồi kinh thành bị đánh phá năm xưa. Câu ấy đúrg thôi, nhà tầm thường quyết không thể có đồ vật cỡ đó được...
- Người bán có phải con cháu nhà Trương Lâm ở Vấn Tân viên không?
- Cha có cách gì nhận ra được thế? Trên tranh có đề lạc khoản đâu? - Đồng Thiệu Hoa giật mình.
Đồng Nhan An có ánh mắt hút hồn người, lần nào duyệt tranh cũng làm Thiệu Hoa giật mình kinh ngạc như thế. Đồng Nhẫn An không trả lời, giơ tay chỉ một bức tranh lụa khổ rộng treo trên bức tường phía Đông, bảo:
- Lại nói về bức kia xem...
Trước kia, khi duyệt tranh, Thiệu Hoa hễ mở miệng là cha hắn đã lắc đầu. Hôm nay cha hắn không lắc cũng không gật, hắn chắc mẩm đoán đúng đến tám phần, bèn đắc ý cười:
- Cha còn định thử con à? Ai mà chẳng thấy đó là tranh Tô Châu chính cống, loại hàng chợ? Bút pháp thì đúng bút pháp người đời Tống, tiếc rằng già dặn một chút nên để lộ ra là giả. Việc làm giả này thua kém bản lĩnh ông Năm Ngưu, tức ông Ngưu Phượng Chương ấy. Cha xem, họ cố ý không để lạc khoản, là vì sợ lộ chân tướng, hoặc giả muốn làm mê hồn trận... Sao thế? Cha nhìn thấy gì đó?
Thiệu Hoa thấy cha đứng lên, mắt sáng quắc nhìn đăm đăm vào bức tranh lớn đang treo. Hắn biết mỗi khi cha nhận ra vật báu, mắt cứ tóe lửa ra như thế. Lẽ nào đó là hàng thật sao? Đồng Nhẫn An kêu lên:
- Anh lại đấy xem xem trên cành cây khô ở góc dưới kia có viết gì không? - Bàn tay chỉ bức họa của Nhẫn An run bắn.
Đồng Thiệu Hoa bước tới, thoạt nhìn hắn đã kêu "oái" lên một tiếng như con vịt bị ai dẫm phải, đoạn nói:
- Trên đó viết "Bề tôi là Phạm Khoan làm", thì ra tranh đời Tống. Cha thánh thật đấy? Hôm mua con đã xem đi xem lại đến ba ngày cũng không nhìn ra trên chỗ này có chữ! Cha, cha... - Hắn không hiểu vì sao Đồng Nhẫn An đứng cách tranh đến một trượng mà nhận ra có chữ trên tranh.
Chẳng ai biết Đồng Nhẫn An mắt viễn thị, chỉ có một mình lão biết. Lão tránh câu trả lời, chỉ nói:
- Làm rộn cái gì? Kêu ầm cái gì? Ta đã dạy từ lâu rằng người đời Tống không thịnh đề chữ trên tranh. Lạc khoản không viết trên đá thì cũng để xen vào đám cây. Như thế gọi là "tàng khoản". Mấy điều đó ta đều nói cả rồi, anh chẳng để ý nghe lại còn kinh ngạc hỏi lại...
- Thế thì nhà ta vớ được bức tranh quý rồi. Cha biết không, tổng cộng mình chỉ mất có mấy đồng...
- Tranh quý cái gì? Ta còn chưa xem kĩ, ai dám chắc đúng là tranh đời Tống? - Đồng Nhẫn An chặn ngang, mặt sầm xuống, ngoảnh đầu liếc xéo Hoạt Thụ đứng đằng sau, bảo hắn: - Đem bức tranh khổ lớn, tranh sơn thủy có trục cuốn và bức Mây phủ trăng treo của Kim Giới Chu cuộn lại nhập kho!
- Coòng... lai... mí... bứ... treng... a! - Hoạt Thụ rụt rè hỏi.
- Lắp ba lắp bắp cái gì, đi! - Lão chủ sốt ruột nói.
Hoạt Thụ rướn đầu lưỡi, cố nói rành rọt câu vừa rồi:
- Còn - lại - mấy - bức - tranh - này - thì - sao - ạ? - Hắn chỉ vào mấy bức của Tiêu Bỉnh Trinh và Lang Thế Ninh.
- Giữ lại quầy đề giá bán! - Đồng Nhẫn An ngoảnh lại bảo Thiệu Hoa. - Người nước ngoài hỏi thì đòi giá cao vào!
- Chà, chẳng lẽ mấy bức tranh này không phải là...
Đồng Nhẫn An lộ rõ vẻ khinh thường. Lão thở một hơi rõ dài, hơi thở lạnh giá, bất giác lẩm nhẩm bốn câu vè lưu truyền ở vệ Thiên Tân:
Nước biển về Đông chảy,
Đất này khó bền lâu.
Giầu sang ba đời hiếm,
Thanh liêm chẳng đến đầu.
Rồi lão lại lẩm bẩm nói một mình:
- Người làm nên thì làm nên, kẻ sa sút thì sa sút. Hoa nở rồi lại tàn, nước đầy rồi tự cạn, chẳng ai thoát ra khỏi cái vòng này. Ôi chao...
Lão trầm ngâm một lát, tính nén cơn giận trong lòng song không được. Lão toan lên tiếng, chợt liếc thấy Hoạt Thụ đang nghiêng vai lệch cổ như đợi nghe lão nói tiếp, bèn giục hắn ôm đống tranh xuống kho. Hoạt Thụ vừa bước khỏi, lão đã xông tới trước mặt con trai gắt lên:
- Hừ, hỏi này hỏi nọ mãi! Thật giả mày nhìn ngược hết cả, lại còn muốn tao chỉnh cho mày một trận trước mặt kẻ dưới hay sao? Vả lại, có mặt người ngoài, nói chuyện thật giả được không? Tao hỏi mày, ta kiếm cơm bằng cái gì?
- Bằng thật giả.
- Câu này đúng. Nhưng mà thật giả ở chỗ nào?
- Ở trên tranh.
- Tầm bậy! Sao lại ở tranh? Ở mắt mày ấy! Mày nhìn không ra thì tranh thật hay giả có ích gì? Của quý dưới mắt mày thành tờ giấy lộn, tờ giấy lộn dưới mắt mày trở nên của quý! Mấy bức Lang Thế Ninh, Tiêu Bỉnh Trinh rõ ràng phơi bày "đường cổng sau", vậy mà mày lại cho là của tốt, ngược lại coi tranh thật đời Tống là tranh chợ Tô Châu. Bức tranh đời Tống ấy đủ cho mày xài nửa đời, vậy mà mày có mắt như mù, cầm vàng bạc quý giá vứt ra đường như vứt cứt chó! Còn bức tranh có trục cuốn ấy cũng là giả à? Mày không biết từ năm thứ hai mươi chín đến năm ba mươi mốt niên hiệu Khang Hy, nhà vua đến làm khách ở Thiên Tân, ở ngay nhà họ Trương trong Vấn Tân viên hay sao? Tranh rõ ràng ghi năm Tân Mùi niên hiệu Khang Hy, chính là được vẽ hồi ngài ngự ở nhà họ Trương niên hiệu Khang Hy năm thứ ba mươi. Dựa vào ngón nghề lặt vặt bề ngoài cũng kiếm được cái định kiếm, thế mà mày không nắm vững, lại còn định làm nghề buôn đồ cổ. Tao để cửa hiệu cho mày chẳng bằng cho một mồi lửa còn hơn! Vài ba năm nữa, không chừng mày gán cả xương cốt cái thân già này. Nghe đây, từ ngày mai, mày cuốn chăn đệm dọn đến đây ở, tao chưa bảo, không được phép về nhà. Bảo thằng Hoạt Thụ lục đồ trong kho ra, từng thứ một, xem, xem, xem, xem, xem... - Nói đến đây, miệng Đồng Nhẫn An cứ loanh quanh với tiếng "xem", y hệt âm này ngáng ngang miệng lão.
Đồng Thiệu Hoa thấy cha hắn nhìn ra phía ngoài cửa sổ mà mắt cứ sáng quắc thì tưởng lão lại nhìn thấy cái gì quý báu hiếm có trên đời. Dõi theo ánh mắt của cha qua chấn song cửa hình ô vuông, hắn thấy có mấy người đang làm việc ở sân sau.
Sân sau này, người ngoài không ai biết, là nơi bí mật làm giả đồ cổ của hiệu Dưỡng cổ trai. Thì ra lão Đồng Nhẫn An này không giống người khác: lão làm nghề buôn đồ cổ nhưng không bán của thật, chỉ bán của giả. Tất cả các hàng đổ cổ khác đều bán cả của giả lẫn của thật. Phàm những ai đến cửa hiệu đồ cồ đểu muốn kiếm đồ thật, nhưng cũng có người chuyên kiếm đồ dởm. Đồng Nhẫn An nhận thấy điều đó. Cửa hiệu của lão tuyệt không bày đồ thật, toàn một mã đồ giả, khác nào Gia Cát Lượng bày kế thành bỏ trống, không có lấy một lính, mốt tốt nào. Trong nghề đồ cổ, cách đó gọi là dùng giả làm nhiễu thật; chiêu này thực sự đã vận dụng bí quyết của nghề buôn đồ cổ đến chỗ huyền diệu. Chỉ cần xỉa tiền ra là thế nào cũng vào bẫy, đừng hòng được lợi tẹo nào. Lão Nhẫn An còn có ngón nghề kì lạ, ấy là làm đồ giả. Dưới quyền lão có những người chuyên làm tranh giả cho lão. Còn ở sân sau, lão đóng chặt cửa làm đồ cổ giả. Đồ ngọc, đồ đồng, tiền cổ, quạt xưa, lò Tuyên Đức, đồ ngà, nghiên mực, đồ sứ, đồ mạ, thảm, mực Huy Châu v.v..., không thứ nào lão không hiểu, không biết, không thể làm. Làm phỏng theo đồ cổ không khó, làm nhiễu được đồ thật mới khó. Kiểu dáng, chất liệu, hoa văn của đồ cổ, mỗi triều đại một dạng, thậm chí một triều đại có mấy trăm dạng, ngư long biến hóa vô cùng tận, thiếu chút tay nghề thì chớ nói sờ đến cửa nghề, ngay bức tường vây quanh "nơi làm nghề" cũng chưa mó́ đến được. Khó hơn nữa là cái vóc, cái khí, cái vị, cái thần của đồ cổ. Chẳng hạn như cách nói của nghề đồ cổ, có loại cổ "truyền thế" và loại cổ "xuất thổ". Cổ truyền thế là những đồ truyền từ đời này sang đời khác, tay người sờ đi mó lại, lâu dần đồ cổ nhẵn bóng, không thật rõ vận. Cổ xuất thổ là những thứ được chôn dưới đất từ lâu, khi đào lên dính nhiều mạt đất và sét gỉ, có một vẻ cổ riêng. Nói chi tiết hơn, những đồ ngọc xuất thổ như trâm cài tóc, sáo, chụp ngón tay, vòng đeo tay, chuỗi hạt, ống điếu vùi trong đất hàng trăm hàng ngàn năm, để cạnh những đồ đồng tủy tảng, lâu ngày gỉ đồng ngấm vào nên có những chấm xanh, gọi là "tẩm đồng"; máu người chết ngấm vào sinh ra những chấm đỏ, gọi là "tẩm huyết". Làm đồ giả làm thế nào có được "tẩm đồng" và "tẩm huyết"? Lại nói đồ vật để lâu ngày, không va chạm cũng sinh ra những vết rạn, lâu hơn nữa có một tầng vết rạn trùm lên trên hết, tầng này đến tầng khác, tự nhiên như thế, làm lấy được thì rõ ngay là giả, người tinh đời chỉ ra được liền. Riêng Đồng Nhẫn An có phép làm được tất. Phép đó, một nhờ từng trải, hai nhờ mắt tinh, ba nhờ ngón nghề.
Ba thứ đó gọi là cao thủ, cao nhãn, cao chiêu, thiếu một là không xong. Hàng giả cũng có hạ phẩm, trung phẩm, thượng phẩm, tuyệt phẩm. Hàng giả tuyệt đỉnh là thứ phải nhờ "con mọt" trong nghề ngắm đủ một trăm lẻ tám ngày mà trong lòng không do dự thì mới gọi là được. Đông Nhẫn An chỉ làm thứ hàng đó.
Người giúp việc do lão thuê cũng khác với các hàng đồ cổ nói chung. Lão không dạy nghề, chỉ sai việc vặt. Những người được thuê làm đồ giả đểu là người nghèo không biết tí gì về đồ cổ, chẳng khác gì trứng vịt muối, than qua lửa, bảo làm sao thì làm vậy. Khắp sân chất đầy vại chưa nung, gộc củi, hộp bột màu, sọt, than đá, đất sét, sắt đỏ, đồng xanh, người ngoài có nhìn vào cũng không thể biết làm cái gì.
Lúc ấy, nơi thu hút ánh mắt của Đồng Nhẫn An có hai cô gái đang kéo một tấm thảm để làm thành thảm cổ theo phương pháp của lão. Lão mua thảm sản xuất ở Trương Gia Khẩu, toàn thảm hoa xanh viền đen kiểu đời Minh. Lão quết phẩm vàng, vắt ngang sợi chão lớn, sai hai người kéo đi kéo lại cho thảm mòn tuyết. Xong, lấy bàn chải sắt chải hết tuyết rụng, rồi dùng vải thấm nước chùi sạch lần nữa, thế là thành cũ. Kéo thảm không được kéo nhanh, phải mài từ từ mới thành vẻ xưa cũ. Đồng Nhẫn An cố ý thuê đàn bà để kéo; đàn bà sức yếu tất nhiên kéo chậm. Hai người con gái ấy mỗi người nắm một góc thảm, kéo qua kéo lại, người này rướn lên, người kia thụp xuống.
Cô gái đứng bên này tấm thảm quay lưng lại phía lão, cô đứng phía bên kia khuôn mặt lấp sau tấm thảm, chỉ có thể nhìn thấy đôi chân xinh xinh, xỏ trong đôi giày vải đỏ trơn thông thường, bình dị. Mỗi khi cô đẩy tấm thảm lên, gót giầy kiễng cao, mỗi khi kéo về, gót dận xuống lùi lại, trông sinh động chẳng khác gì đôi cá lội. .
- Thiệu Hoa! - Đồng Nhẫn An gọi to.
- Con đây, có việc gì thế?
- Con bé kia ở đâu đến vậy?
- Đứa nào? Đứa xây lưng lại ấy à?
- Không, con bé đi giày đỏ kia!
- Con không biết. Con nhà Hàn thuê hộ, để con đi hỏi.
- Khỏi, khỏi cần, anh ra dẫn nó vào đây, ta muốn hỏi nó vài câu.
Đồng Thiệu Hoa chạy ra dẫn cô gái vào. Cô gái lần đầu tiên lên nhà trên, lần đầu tiên gặp cụ chủ nên rụt rè xấu hổ, mắt không biết nhìn vào đâu, luống cuống thế nào lại nhìn vào chính lão. Nhưng lão không nhìn mặt cô mà cứ nhìn chăm chăm vào đôi chân nhỏ của cô ánh mắt dấp dính như dán chặt vào chân cô, cô càng hoảng, không biết dấu chân vào chỗ nào. Khi ngước mắt lên, con ngươi lão tựa dát vàng lóe lên những tia sững sờ cứ như gặp ma không bằng. Cô gái sợ sệt, trống ngực đánh liên hồi. Thiệu Hoa đứng cạnh ngầm đoán ra, bèn bảo cô gái:
- Bước thử một bước xem sao.
Cô gái không biết ý tứ ra sao, càng sợ, bước lùi lại nửa bước. Hai chân rụt về phía sau, như đôi chim sẻ đỏ tinh nhanh, sợ hãi, run rẩy chui vào tổ, chỉ còn lại hai mũi giầy thò ra dưới gấu quần như hai cái đầu chim. Đồng Nhẫn An mặt mày hớn hở hỏi cô gái:
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- Thưa mười bảy.
- Họ gì tên gì?
- Dạ họ Qua, tên Hương Liên.
Đồng Nhẫn An hơi giật mình, sau đó kêu lên:
- Tên hay đấy! Ai đặt cho cháu?
Qua Hương Liên xấu hổ không dám nói nữa, thầm lấy làm lạ. Tên Hương Liên có gì là hay? Nghe cụ chủ hỏi, nhìn nét mặt cụ chủ, cô như rơi vào đám sương mù.
Đồng Nhẫn An lập tức bảo Đồng Thiệu Hoa trả công cho cô đủ ba tháng, không giao việc cho cô nữa, bảo cô cứ ở nhà. Hương Liên bối rối. Cô làm việc chăm chỉ, chẳng nói nửa câu gì, sao lại bị thải về? Nhưng xem ra không phải bị thải mà như muốn trọng dụng cô. Không biết cụ chủ toan tính cái gì? Rồi đây là việc tốt hay xấu, cô chưa biết, chỉ biết lúc này là một việc lạ.
Nếu nói đến việc quái lạ, lúc này chẳng qua mới chỉ bắt đầu.