watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Gót sen ba tấc-Hồi thứ mười bốn - tác giả Phùng Ký Tài Phùng Ký Tài

Phùng Ký Tài

Hồi thứ mười bốn

Tác giả: Phùng Ký Tài

Chỉ trong nửa năm, Hương Liên như già đi mười tuổi. Thường ngày chải đầu, hàng túm tóc rụng theo lược. Trán như rộng ra, mép cong xệ xuống, mặt cũng chảy dài, mi mắt thêm mấy tầng nếp gấp, luôn cảm thấy mệt mỏi. Đấy đều do hội Thiên Túc gây nên cả.
Mùa đông năm trước, đảng cách mạng mưu binh biến không thành, các đảng, các hội giải tán hàng loạt, chỉ riêng hội Thiên Túc là không giải tán. Nhưng chẳng ai biết trụ sở hội ấy đặt đâu. Có người bảo đặt ở tô giới nước ý tại rừng Trúc Tía, người lại bảo ở tòa nhà Gordon tại Trung Nhai. Mặc dù tô giới chỉ cách thành Thiên Tân không quá bốn năm dặm, song Hương Liên chưa tới đó bao giờ. Bà tưởng tượng trụ sở Thiên Túc hội cũng là một tòa nhà mái nhọn như giáo đường, trong đó một lũ đàn bà con gái mất nết chân to để trần, quấy đảo, diễn thuyết, tán chuyện dông dài, chửi rủa chân bó, trồng cây chuối nhào lộn, ngủ với Tây, cho Tây mân mó đôi chân to, rồi túm tụm lại với nhau nghĩ ra đủ cách độc hại đối phó với bà. Bên ngoài cổng nhà bà luôn luôn dán đồ biểu ngữ bằng giấy đỏ, giấy vàng hoặc trắng, trên đỏ viết nào là "Bố mẹ nào bắt con gái bó chân, người ấy ác như rắn độc, dã thú", "Phụ nữ nào không chịu cởi chân là cam tâm làm đồ chơi cho nam giới", nào là "Đàn ông lấy vợ bó chân là kẻ phản bội thời đại!", "Quẳng giẻ bó chân đi, vươn mình đứng dậy!". Tên ghi phần nhiều là Thiên Túc hội, cũng có tờ đề là Phóng Túc hội. Nào ai biết Thiên Túc hội với Phóng Túc hội là một hay là hai? Nguyệt Quế rốt cuộc tham gia hội nào? Bạch Kim Bảo nhớ con quá chừng, bèn lẻn ra ngoài cổng, ngơ ngẩn nhìn mãi ba chữ Thiên Túc hội đề trên giấy dán, mỗi lần như thế đến hàng nửa ngày. Sự việc đó cũng đã được báo đến tai Hương Liên, bà làm như không biết gì, chỉ ghi nhớ trong lòng.
Lúc ấy bốn cửa thành đông, tây, nam, bắc, lầu treo trống, đường cái ven biển, kho bạc nhà nước ở Cũng Nam, Cũng Bắc, các chùa miếu, giáo đường lớn nhỏ, trường con trai, trường con gái như Bắc phương sư phạm học đường, Công nghệ học đường, Cao đẳng nữ học đường, Nữ tử tiểu học đường, Trường trung học quốc lập Am Như ý v.v.., ở trước cửa, ven đường, đầu phố, cuối ngõ, dưới chân cột cờ, cột đèn đều đặt một cái giỏ to tướng, trên dán giấy vàng viết sáu chữ "Cởi chân ra được tự do". Đã có người quẳng giầy nhỏ và vải buộc chân vào đó. Nhưng đặt chưa được mấy ngày đã có kẻ lén đem chặt, đem đốt, đem quẳng xuống sông hoặc lấy đi.
Giỏ đặt trước giáo đường và học đường không ai dám động đến, được đến nửa giỏ giấy nhỏ, đủ kiểu loại, vải, lụa, gai, sa, tơ, đoạn, trơn, thêu hoa, nhọn, mập, mới, cũ, rách... Như vậy rồi lại đến lượt bọn con gái cởi chân đi ngay giữa phố. Người chửi, người cười, người xem trò lạ, lại có người phục lăn, lẳng lặng nới vải bó chân thử xem sao. Người cởi chân khi thoạt cởi, chân như cây đứt rễ, khi bước đi không vồ trước cũng ngả sau, nghiêng đằng tây, chúi đằng đông, dựa bên trái, níu bên phải. Bọn trẻ mất nết gọi ầm bên:
- Ra xem này, hội cà kheo đến rồi!
Một hôm, có một bà già cũng cởi chân, đi xiêu vẹo từ cửa bắc vào thành.
Có người mắng:
- Già mà chẳng chết cho? Bọn con gái mới không hiểu biết gì, chứ mụ sống sắp thành tinh rồi mà cũng ngu ngốc thế à?
Bọn trẻ con bám đuôi kêu ầm lên có con rết bám đũng quần, bà già hoảng quá bỏ chạy, nhưng được vài bước đã ngã chổng kềnh.
Nếu như trước kia, con gái chân to ra phố đều phải nghe chửi, lúc đi đều phải giấu chân sau vạt váy, ống quần. Bây giờ chẳng ai sợ nữa, dám xắn cạp quần, hoặc túm gấu quần, khoe chân to, phô sức sống, bước đi tanh tách, thoăn thoắt như bay. Các cô bó chân chỉ có thể giương mắt nhìn suông. Cảnh tượng đó khiến một số cô bó chân nghĩ cách khâu một đôi giầy to lồng ra ngoài đôi giầy nhỏ, đằng trước đằng sau, bên trái bên phải độn chèn bông và giẻ rách, giả cách chân to. Một số cô học trường Tây tìm đến hiệu giầy thửa riêng giầy cao gót bằng da kiểu ngoại, dài đến năm tấc, mũi nhọn, gót cao. Làm bằng da nên cứng, lồng vào ôm khít lấy bàn chân, không khác bó chân là bao mà đi dường không bị xiêu vẹo. Tuy chân các cô vẫn là chân nhỏ nhưng lại không hẳn là bó, được tiếng khen là phụ nữ mô-đéc. Thời bấy giờ, cách này được xem là tuyệt nhất, khéo nhất, đỡ mất công nhất, hiệu quả nhất và được tiếng khen nhất.
Nhưng cô gái chân nhỏ chính hiệu hễ gặp các cô này ở ngoài đường, thể nào cũng chửi nhau như quân thù quân hằn. Chân nhỏ mắng chân to là "ngói tây , "xương rồng", “mặt lùa", "dưa bở"; chân to chửi chân nhỏ là "góc bánh thiu”, "móng giò thối", "chó chê tiền". Chửi nhau đến lúc hăng lên thì nhổ nước bọt vào nhau, khiến cho người qua đường, kẻ rỗi việc được một mẻ trò vui.
Những tin đó ngày ngày cứ rót vào tai Hương Liên, song bà chẳng có cách gì khác, đành hết lòng hết sức tìm kiểu mới, thu hút hứng thú của mọi người vào đôi chân nhỏ. Dần dần bà cảm thấy đầu óc rỗng không, chẳng còn cách gì giữ người ta lại nữa. Nhưng trước mắt, bản thân bà cũng như đôi chân bó, nếu buông lơi ra thì công phu mấy chục năm cũng là công cốc; đối với bên ngoài cũng như trong nhà, thế là hết. Chỉ có một con đường: gắng gượng tinh thần mà chống lại.
Bỗng một hôm, một cô gái cắt tóc theo mốt mới xiêu vẹo cởi vào cổng nhà họ Đồng. Đào Nhi và mấy người nữa bước ra coi, thảy đều kêu thất thanh: "Cô Hai về rồi này!". Nhưng nhìn kĩ, thần sắc Nguyệt Quế không bình thường họ vội vàng đỡ vào trong phòng. Người trong nhà nghe tiếng gọi ùa ra coi Nguyệt Quế, thấy cô đang gục vào lòng mẹ khóc nức nở. Bạch Kim Bảo chùi nước mắt, Nguyệt Lan đứng cạnh cũng chùi nước mắt khiến ai nấy hết hồn, đoán già đoán non cô bị người nước ngoài rủ rê, mân mó chân rồi phá cả trinh tiết. Lúc đã bình tĩnh, Hương Liên hỏi ra mới biết chẳng có chuyện gì, Nguyệt Quế cũng không gia nhập Thiên Túc hội, Phóng Túc hội. Cô chỉ theo cô bạn họ Tạ ở phố sau lên xin học ở một trường con gái. Các cô học trò đều cởi chân. Hương Liên ngó thấy đôi giầy đế bằng dưới chân cô, lạnh lùng bảo:
- Cởi chân ra chẳng chạy được rồi hay sao? Việc gì phải trở về? Còn khóc nỗi gì nữa?
Nguyệt Quế nức nở, ấm ức nói:
- Bác nhìn xem đây này...
Nói rồi cởi giầy ra, cởi cả đôi tất ngoại mầu trắng, bàn chân để trần không bó vải vảy mà không duỗi thẳng ra được, cứ oặt ẹo sưng sưng như con vịt bỏ trong nước lã mà luộc. Đầu ngón chân đều cong quặp cả vào, nắn cũng không ra, trên dưới, bên phải bên trái đều cọ sát phổng rộp lên, mu bàn chân sưng tấy, trông thật đáng thương. Hương Liên nói:
- Tự mình chuốc lấy khổ thì ráng mà chịu!
Nói rồi xoay người đi luôn. Người xung quanh cũng không ở lại lâu, khẽ khàng khuyên Nguyệt Quế, Kim Bảo mấy câu rồi bảo nhau tản đi cả.
Nhiều năm qua Hương Liên chỉ thích ngồi một mình. Buổi sáng ở sảnh trên, buổi chiều ở trong phòng, có ai ở bên cạnh cũng chịu không nổi, đuổi ra ngoài hết. Nhưng từ khi Nguyệt Quế trở về, Hương Liên lại như không ngồi được một minh, thường gọi Đào Nhi đến bên bầu bạn, có đêm cũng gọi Đào Nhi vào buồng. Hai người ngồi bên nhau, rất ít khi nói chuyện đến dăm ba câu. Đào Nhi ngồi ghé vào đèn thêu thùa, Hương Liên ngồi trên mép giường ngơ ngẩn nhìn đăm đăm góc buồng mờ tối trống không. Một người ngồi chỗ sáng, một người ngồi chỗ tối, Đào Nhi có gợi chuyện Hương Liên cũng không nói, không bảo Đào Nhi đi ra. Đào Nhi khe khẽ hé mắt nhìn chủ, song cô không nhìn ra điều gì trên khuôn mặt trắng trẻo, thuần khiết, hư không ấy. Điều đó khiến Đào Nhi phải tốn công suy nghĩ. Hai hôm nay trong bữa cơm, Hương Liên lại khích bác Bạch Kim Bảo. Từ ngày Nguyệt Quế bỏ đi hơn nửa năm trời, bà đối xử với Kim Bảo hòa dịu hơn rất nhiều, nhưng Nguyệt Quế vừa trở về nhà, Hương Liên lại gắt gỏng, tức tối với Kim Bảo như cũ. Nếu chỉ vì Nguyệt Quế thì sao bà lại không trách mắng cô ta?
Cũng hai sáng nay, Đào Nhi dọn phòng cho chủ, bỗng thấy bên trong lá màn che giường treo một chùm đa giác tết bằng chỉ tơ ngũ sắc. Đây là vật Đào Nhi tết cho Liên Tâm đeo trên cổ để trừ tà nhân ngày tết Đoan ngọ mười mấy năm trước đây. Đào Nhi là người tế nhị. Từ khi Liên Tâm mất tích, Đào Nhi lén nhặt nhạnh tất cả quần áo, đồ dùng, đồ chơi chẳng những thứ linh tinh khác của Liên Tâm đem đi chỗ khác để chủ không thấy bóng dáng của Liên Tâm đâu nữa. Hương Liên biết cả nhưng không hỏi. Hai người hiểu lòng nhau nhưng đều chẳng nói ra. Vậy thì Hương Liên lại tìm ở đâu ra chùm đa giác này, chẳng lẽ bà đeo bên mình từng ấy năm trời? Vật ấy còn nguyên vẹn, không sứt sẹo chỗ nào, rõ ràng treo trên màn che mới gần đây thôi. Trong trái tim Đào Nhi như chợt có tấm gương soi thấu nỗi lòng của chủ, cô quỳ xuống bên giường đua tay tháo chùm đa giác ấy xuống.
Buổi chiều Hương Liên ở trong phòng bỗng làm ầm ĩ lên. Đào Nhi lúc ấy đang ở ngoài giếng vò vải bó chân, khi trở vào thấy Hạnh Nhi không biết có việc gì cũng ở trong phòng. Hương Liên mặt mũi đỏ bừng, màn che giường bị rách một mảng lớn, gối, vải phủ gối, chổi quét giường, vải trải giường vút đầy đất. Trên mặt đất còn có một que sào, giấy ngủ, bô đi tiểu, hộp giấy, cúc áo, tiền cổ dính đầy bụi đất được khều ra từ dưới gầm giường, bên trên có những con bọ đất đang bò và mạng nhẹn. Đào Nhi hiểu ngay lập tức. Hương Liên nhướn lông mày lên đang định hỏi thẳng Đào Nhi, thấy có Hạnh Nhi, bà thôi không hỏi nữa, quay qua hỏi Hạnh Nhi:
- Mấy hôm nay cái con bé đáng chết Nguyệt Quế ấy tuồn những nọc độc gì ra với mày thế?
Hạnh Nhi đáp:
- Thưa không ạ, mợ Hai có cho cô ấy nói chuyện với chúng cháu đâu!
Hương Liên lặng một lát, dặn:
- Ta mà nghe thấy mày nói lại những chuyện tà ma quỷ quái gì đó thì ta gang miệng mày ra đó.
Nói xong, Hương Liên đi ra ngoài tiền sảnh. Cả một buổi chiều bà ngồi yên không động đậy như chết. Cho tới khi trời tối, Đào Nhi vào phòng trải giường, thắp nến, chuẩn bị xong chậu rửa chân, vải bó chân, ấm nước nóng mới đi mời Hương Liên vào nghỉ. Hương Liên về phòng, vừa trông thấy chùm đa giác treo chỗ cũ liền như người sống lại, gọi Đào Nhi tới, mặt không có nét cười cũng không nói năng, chỉ đưa cho Đào Nhi một đôi hoa tai hình trái tim bằng ngọc mỡ dê.
Hạnh Nhi không hiểu sao mình bị mắng, bị mắng rồi lại càng rối trí. Từ sau khi Nguyệt Quế về nhà, Hương Liên ngầm sai Hạnh ghi coi chừng cô ta, lắng nghe xem Nguyệt Quế nói những gì với người trong nhà. Bạch Kim Bảo khôn ngoan như thế nên không cho Nguyệt Quế ra khỏi phòng, cơm cháo đưa vào, phân tro đưa ra, ai đến thăm đều kiếm cớ chặn lại ngoài bậc cửa. Chỉ đến đêm khuya canh vắng, ba mẹ con mới tụm lại chuyện trò với nhau trong bóng tối. Nguyệt Quế giảu môi thì thào kể hết những việc lạ lùng ở bên ngoài hơn nửa năm qua.
- Em ơi, ở trường em học những gì? - Nguyệt Lan hỏi.
- Ngoài quốc văn, toán học còn học sinh lý học, hóa học...
- Cái gì? Sinh lý là cái gì?
- Là môn học cho mình biết thân thể người ta có những gì. Không những chỉ học cái trông thấy như mắt, mũi, mồm, răng, lưỡi mà còn học về những thứ ở bên trong không trông thấy như tim, phổi, dạ dày, ruột, óc, chúng ở chỗ nào, hình dạng ra sao, công dụng những gì.
- Óc chẳng phải là tim hay sao?
- Óc không phải tim, óc để ghi nhớ và suy nghĩ.
- Có ai nói óc suy nghĩ bao giờ, đều nói ghi nhớ trong tim, suy nghĩ trong tim cả là gì?
- Tim không suy nghĩ được - Dưới ánh trăng soi, khuôn mặt nhỏ nhắn của Nguyệt Quế tươi cười dịu ngọt. Cô lấy ngón tay gí vào đầu Nguyệt Lan bảo.- Óc ở chỗ này này. - Lại chọc chọc vào Nguyệt Lan. - Tim ở đây này. Chị thử nghĩ coi, chị suy nghĩ bằng cái gì nào!
Nguyệt Lan ngẫm nghĩ một lát nói:
- Em nói đúng. Thế tim dùng làm gì?
- Tim là nơi chứa máu. Máu trong người từ đấy chảy ra, quanh một vòng lại trở về đấy
- Ôi máu cũng chảy à? Sợ quá nhỉ! Hay là dọa người ta đấy?
- Chị chả hiểu gì cả, đấy gọi là khoa học. Chị không tin, em chẳng thèm kể nữa đâu. - Nguyệt Quế nói.
- Ai không tin? Em nói đi, em vừa nói cái gì ấy nhỉ? Cái gì nhỉ? Em nói cái từ gì ấy mà! Nói lại xem nào!...
Bạch Kim Bảo nói:
- Nguyệt Lan, con đừng ngắt lời em, để em nó nói cho mà nghe... Nguyệt Quế này, nghe nói ở trường tân thời, con trai con gái ở lẫn với nhau, lại còn lăn lộn với nhau trên đất nữa. Có người chính mắt trông thấy đấy!
- Nói bậy hết! Đấy là người ta tập bài thể dục, buồn cười tắm, chỉ tiếc có kể ra mẹ với chị cũng không hiểu được... Nếu chân không bị sây sát phồng rộp thì con cũng chẳng về.
- Chớ có ăn nói dứt khoát một bể như thế. Bác con nghe thấy lại chả khâu mồm lại...
Bạch Kim Bảo dọa con nhưng mặt vẫn lộ vẻ thương yêu, thậm chí tôn sùng, coi con gái như thánh:
- Mẹ hỏi nhé, có phải trong trường nuôi một bầy chó dữ chuyên để ngoạm chân bó?
- Làm gì có chuyện ấy! Cũng chẳng có ai ép mình phải cởi chân. Chỉ vì ai cũng cởi chân, mình không cởi, tự mình thấy kì cục vậy thôi. Nhưng cởi chân đã bó chằng dễ chịu tí nào. Để buông chẳng có gì ngăn, chẳng có gì chặn mà chân vẫn đau, đau đến nỗi không chịu nổi mới phải về nhà. Con hạn đôi chân này lắm...
Sáng sớm hôm sau, Bạch Kim Bảo bôi thuốc cho Nguyệt Quế rồi lấy vải quấn chặt lại. Bàn chân để buông lâu ngày, xỏ vào đôi giấy cũ không lọt nữa, phải bảo Nguyệt Lan sang phòng thím Đổng Thu Dung mượn đôi hơi to hơn để đi. Nguyệt Quế thoạt đi thấy lạ, gắng đi một chập mới quen. Cô dạo quanh sân, quả thấy đôi chân dễ chịu, biết nghe lời nên ung dung đi lại tuỳ ý. Nguyệt Lan hỏi:
- Bó chân vẫn hay hơn phải không?
Nguyệt Quế toan lắc đầu, nhưng thấy chân dễ chịu nên không lắc mà cũng chẳng gật.
Hương Liên đứng sau cửa sổ thấy Nguyệt Quế dạo qua dạo lại trong sân thì mỉm cười, khuôn mặt nhỏ nhắn để lộ hàm răng trắng xóa. Bà chợt nhanh trí nghĩ ra một kế, sai Tiểu Ô đi mời Kiều Lục Kiều đến. Hai người bàn nhau đến nửa buổi. Kiều Lục Kiều ra về bận túi bụi; chưa đầy nửa tháng thấy trên Báo Bạch thoại đăng một bài thật ghê gớm, đề bài là Gửi những chị em có chí bó chân lại. Ngay lập tức bài báo được chú ý. Phần trên có đoạn viết:
"Người xưa yêu gót sen, người đời nay thích để chân tự nhiên, hai ý thích đó không hề phân chia lạc hậu hay tiến hóa. Phụ nữ xưa đều bó chân, con gái ngày nay phần nhiều để chân buông cũng không hề khác nhau giữa man dại với văn minh. Chẳng qua là "phong tục tuỳ nơi đổi thay, cái đẹp theo thời biến cải" mà thôi.
Nếu bảo rằng đàn bà bó chân là đồ chơi, vậy thì bà cụ cố nằm trong mộ mọi nhà, có mấy người không phải là đồ chơi? Người văn minh ngày nay có mấy ai không từ bụng mấy đồ chơi ấy chui ra? Dùng con mắt người xưa để nghị luận điều phải điều trái của người ngày nay cố nhiên là ngoan cố, không tiến bộ; lấy kiến giải của người bây giờ bình xét sở đoản, sở trường của người xưa lại càng bậy bạ lắm lắm. Nào có khác gì người hàn đới mắng người nhiệt đới rằng không nên để trần cánh tay, người nhiệt đòi chửi người hàn đới rằng áo da mũ lông tổ mệt.
Nếu bảo rằng đàn bà bó chân đánh mất vẻ đẹp tự nhiên, thướt tha giả tạo, vậy con gái tân thời uốn tóc quăn, đeo nịt ngực, đi giầy da cao gót thì thế nào? Há chẳng ngược với tự nhiên sao? Chẳng qua những trò tân thời ấy đều từ Tây dương đưa vào. Nước ngoài cường thịnh cho nên Trung Quốc coi việc học phong tục xấu của nước ngoài là tân thời, nhưng nếu Trung Quốc là cường quốc bậc nhất trên thế giới, phỏng có thấy con gái nước ngoài bó chân?
Nếu bảo rằng bó chân hôi thối, điều ấy có lí, song phải biết rằng trên đời này không có bàn chân nào không thối. Hai tay ấp vào nhau còn tỏa mùi hôi; hai chân gò trong giầy suốt ngày đi lại, hơi thối không tiêu tán đi được, chân thối hơn tay là lẽ đương nhiên. Lẽ nào chân của người để chân buông thơm hơn tay họ? Đã có người văn minh nào thử ngửi chưa? Nếu bảo rằng đàn bà bó chân yếu đuối nên nước không mạnh, thế thì tại sao đàn bà bản địa châu Phi, châu Úc khỏe mạnh lực lưỡng hơn cả Âu, Mĩ, Nhật Bản mà quốc gia không thể tự cường, đến nỗi mất nước làm nô lệ? Chị em nếu nghe những lời tầm bậy cởi chân ra, thì vải bó một khi đã nới lỏng, nhất định chị em cũng không đi được nữa. Xương đã gãy, thịt đã teo, khôi phục sao được? Ngược lại, khiến cho bọn để chân tự nhiên coi thường mà chị em bó chân cũng rẻ rúng, bà ngoại không thương, cậu ruột chẳng mến; người khác khoe khoang nói bừa là giả, còn mình chịu tội chịu nợ lại là thật. Chi bằng chị em hãy sớm quay đầu, bó lại đôi chân, nếu không, một mai buông thả, hối hận đã muộn! Bó lại dù hơi đau song đỡ hơn nỗi khổ bó lần đầu đến trăm lần, càng nhẹ hơn nỗi khó cởi chân ra đến trăm bận. Phải biết rằng thân thể tuy một phần không thoải mái song tinh thần thì mãi mãi an vui. Đàn bà con gái xưa nay, trời phú cho tính yêu cái đẹp. Người nào đẹp nhất đều phải ở trong sự gò bó trùng trùng. Không có quy có củ sao thành vuông tròn, không có gò có bó sao nên tuyệt đẹp? Nếu chị em nào muốn bước vào khu rừng đại nhã, hãy chăm lo hoàn thành của báu nơi bàn chân. Chị em đã bó xin đừng cởi ra, chị em cởi ra có chí thì lại bó. Chị em đã có chí bó lại cần bài trừ những thuyết tà gian, vận dũng khí khắp người để đoạt giải đẹp nhất trong thiên hạ.
Chúc chị em thành công, lại chúc giới gót sen vạn tuế!"
Tên kí dưới bài báo không phải Kiều Lục Kiều mà cố ý nêu cái tên "Bảo Liên nữ sư". Lí lẽ trên đây chẳng những đập tan hết thẩy mọi lời chê bai, chỉ trích, nói móc, nhục mạ chân bó một cách mạnh mẽ có lí có tình, có chứng có cớ mà còn chế riễu, nhục mạ lại tất cả lí do khuyên cởi chân đã bó. Bài báo đăng lên, kinh động trời đất. Ngày hôm ấy, khung cửa sắt nơi bán báo của phòng Kinh báo bị chẹn vẹo cả đi, tiếp đó rất nhiều thiếu nữ gửi thư đến phòng Kinh báo kể những nỗi khổ do chân nhỏ bị rẻ rúng từ khi phong trào chân to nổi lên đến nay, nỗi khổ vì cởi chân ra không bước đi được, nỗi khổ vì không nắm được yếu lĩnh và cách thức bó lại. Người ta thực sự không biết dưới gầm trời còn bấy nhiêu con người không khoái, không thích hợp, bất mãn với việc cởi chân bó ra. Nắm được sự bất mãn này thì có thể viết được khối bài.
Còn Bảo Liên nữ sử là ai nhỉ? Biết tìm đâu ra vị cứu tinh sẵn lòng cứu người, cứu đời này? Đi đâu người ta cũng hỏi thăm, chẳng bao lâu có tin đồn Bảo Liên nữ sĩ chính là nàng dâu cả Qua Hương Liên nhà họ Đồng. Tin ấy không phải do Kiều Lục Kiểu tung ra, mà do Đào Nhi chủ tâm rỉ tai một người buôn phấn son bán rong. Người bán hàng rong này nổi tiếng vì mau miệng mau chân, ngay lập tức tin truyền đi khắp thành nhanh hơn gió. Tức thì có hàng trăm hàng ngàn đàn bà con gái cởi chân đến nhà họ Đồng nhờ Bảo Liên nữ sĩ bó lại giùm cho. Sáng nào cũng vậy, khi nhà họ Đồng vừa mở cổng, quanh cổng đã náo nhiệt chẳng khác gì quang cảnh trước cồng Bắc thành một sáng năm Canh tí trước đây. Họ tập tễnh, ngã giúi ngã giụi, xiêu vẹo, lắc lư, tất cả ùa vào trong cổng. Có người còn phải dắt, phải đỡ, phải dìu, phải cõng, phải vác, phải khiêng, phải kéo; chân giơ ra cũng đủ kiểu, có sưng, có rách, có nát, có biến dạng, có biến màu, biến mùi... Trước tình thế đó, Qua Hương Liên bên tự lập ra Hội Triền Túc , tự xưng là Hội trưởng. Hễ người nào có tai không điếc trong thành ngoài thành, mỗi ngày ít nhất cũng nghe nhắc đến ba lượt danh hiệu Bảo Liên nữ sĩ.
Bảo Liên nữ sĩ có một lô đồ dùng, dụng cụ, thuốc men, cách thức, phương pháp và rất nhiều bí quyết khác. Chẳng hạn, sáng dậy ngâm nước nóng, chặt lỏng vừa mức, nghĩ thoáng cho quên đau, nằm kê cao gối, cốt cho chắc chớ vội vàng, điều chỉnh bước chân. Bí quyết bó lại gồm hai mươi mấy chữ trước hết phải đọc thuộc và học thuộc. Nếu mọc chai nhọn thì đệm bông dưới gót ắt hết đau; nếu cởi chân quá lâu, thịt trở nên cứng không dễ bó lạt thì dùng bột "kim liên nhu cơ tán" hoặc "nhuyễn ngọc ôn hương phấn" cho mềm da thịt; nếu chân xước sinh nhọt, ứ huyết, làm mủ, thối thịt thì dùng "cao rết trừ thối thịt", hoặc nuốt một viên "sinh cơ hồi xuân hoàn". Ngoài ra còn có các loại đơn thuốc bí truyền và thuốc chế sẩn làm thông huyết, thịt mềm, cơ săn, xương dẻo, dứt đau, dứt nhức, khỏi tê, khỏi ê ẩm, hết ngứa... Tất cả đều tham khảo từ "kinh bó chân" của u Phan, dựa theo tình hình bó lại cụ thể mà cân nhắc chọn cách thức và đều đạt hiệu quả lạ kì. Cả đến một cô gái đã cởi chân hai năm, gót chân sưng tấy bằng quả áp lê cũng chữa được, bó lại thành đôi chân có kiểu cách, có phong thái hẳn hoi. Đàn bà con gái Thiên Tân đều coi Bảo Liên nữ sĩ là đức Phật bà hiện thân, thắp hương tặng biển treo, biếu tiền và quà cáp cho nữ sĩ. Nhưng nữ sĩ cần danh tiếng chứ không vụ lợi, tiền bạc đồ vật nhất loạt không nhận, đồ dùng và thuốc men tự chế ra cũng chỉ thu tiền công, tiền vốn, tránh không cho bọn thối mồm thối ruột huỷ hoại danh dự của nữ sĩ. Duy ai đưa tặng biển treo thì đem treo khắp từ trong đến ngoài, người thắp hương cũng không từ chối. Nhà họ Đồng suốt này hương xông khói tỏa, vây bọc trong mùi nhang chẳng khác gì đền miếu, náo nhiệt một thời đến trời cũng muốn sập.
Bỗng một hôm ngoài cổng dán một bức tranh, bên dưới kí tên "Thiên Túc hội chế", làm cho các cô bó chân lại mất vía chạy tan đến một nửa. Cho rằng lần này hội kia lại định gây chuyện đánh nhau, Hương Liên vội triệu Kiều Lục Kiều đến bàn. Lão Sáu Kiều nói:
- Tốt hơn hết, ta cũng kiếm người vẽ mấy bức tranh, tả bộ dạng khó coi của mấy cô ả để chân to đi giầy cao gót, đăng trên Báo bạch thoại, chọc tức bọn chúng chơi. Chỉ tiếc ông Năm Ngưu đi biệt đâu chẳng thấy tăm hơi, nếu không thế nào ông ấy cũng chịu làm. Ông ta nghiền gót sen, nhất định căm bọn Thiên Túc lắm.
Hương Liên không nói gì. Sau khi Kiều Lục Kiều ra về, Hương Liên sai Đào Nhi, Hạnh Nhi tìm đến Hoa Lâm nhờ ông ta giúp. Đào Nhi, Hạnh Nhi đi ngay lập tức. Đến nhà Hoa Lâm, gọi cổng chẳng ai thưa, đẩy khẽ cổng đã mở, vào sân gõ cửa, nhà chẳng có ai, lại đẩy vào trong. Hoa Lâm đang ở phòng trong, đứng ngây dại trước một tờ giấy trắng trên tường. Lão ngoảnh lại thấy Đào Nhi, Hạnh Nhi cũng không lấy làm lạ, dường như không nhận ra, tay chỉ tờ giấy trắng luôn miệng nói:
- Tranh đẹp quá, đẹp thật!
Nói rồi lại luôn miệng thở dài thườn thượt.
Đào Nhi thấy lão điên đến bảy phần, sợ quá túm lấy tay Hạnh Nhi vội vàng chạy ra ngoài. Gặp một đám thanh niên hình dạng như côn đồ chắn lối đòi xem chân bó, hai cô thấy chuyện chẳng hay cắm đầu bỏ chạy. Nhưng tiếc thay chân nhỏ chạy không nổi, Hạnh Nhi bị giữ lại, Đào Nhi thừa cơ lẻn vào đường rẽ chuồn thẳng. Đám thanh niên này tuột giầy Hạnh Nhi, cởi hết vải bó chân, mỗi tên sờ một cái vào bàn chân trần, đôi giầy nhỏ chúng ném lên mái nhà.
Đào Nhi trốn thoát về nhà, Hương Liên hay tin có chuyện, đang định gọi người đi cứu thì Hạnh Nhi đi chân không trở về, theo sau là một lũ trẻ con vỗ tay reo hò. Hạnh Nhi đẩu tóc rũ rượi, tự bôi đất lên mặt để người đi đường khỏi nhận ra. Khi trông thấy Hương Liên, cô ta rối rít kêu: "Chân đẹp ơi là đẹp, chân xinh ơi là xinh!" rồi ngửa cổ lên cười ha hả, lại bắt Đào Nhi lấy thang trèo lên mái nhà tìm bằng được cho mình đôi giầy nhỏ. Mắt Hạnh Nhi lé về hai phía, tay chân vung loạn xạ. Hương Liên thấy cô ta hoảng sợ phát điên liền bước tới giơ tay ra sức tát mạnh một cái, miệng quát:
- Đồ non gan bé mật. Không biết liều chết với bọn chúng à?
Cái tát làm Hạnh Nhi ngã giúi xuống đất, bật khóc được, mặt đất ướt nhèm nước mắt. Bấy giở Hương Liên mới bảo Đào Nhi, Hoa Nhi, Thảo Nhi đưa cô ta về phòng, đổ thuốc rồi cho nằm ngủ. Đào Nhi nói:
- Vụ này đúng là do Thiên Túc hội gây ra.
Hương Liên nhíu mày ngồi một lúc lâu, chợt gọi Nguyệt Quế đến hỏi:
- Cháu biết Hội Thiên Túc phải không?
- Biết ạ, nhưng cháu chưa đến chỗ họ bao giờ, chỉ có thấy hội trưởng của họ.
- Hội trưởng à? Ai thế?
Là một cô gái ăn mặc tân thời, dung nhan rất xinh! - Nguyệt Quế mỉm cười lộ vẻ thán phục.
- Không hỏi hình dung, hỏi người kia?
- Thế thì cháu không biết. Chỉ thấy cô ta để chân tự nhiên, đi giầy cao gót, cô ấy đến chỗ cháu - à không, đến trường tây nói chuyện, học trò đối với cô ấy...
- Không hỏi học trò đối xử với nó thế nào, hỏi nó ở đâu kia.
- Ô, cháu cũng không biết nốt. Nghe nói hội Thiên Túc ở trước cửa sân bóng nhà số 17 thuộc phần tô giới nước Anh, trước cửa có treo bảng...
- Mày đã đến tô giới rồi à?
Nguyệt Quế ấp úng:
- Vâng... nhưng mới đến có mỗi một lần... Thầy giáo dẫn chúng cháu đi xem người nước ngoài đua ngựa. Những người này...
- Không hỏi bọn Tây dương của mày quái đản thế nào. Con bé ấy tên gì?
- Tên Tuấn Anh, họ... Ngưu. Vâng, người ta đều gọi là Ngưu Tuấn Anh nữ sĩ. Cô ta thật hăng hái, cô...
- Thôi đủ rồi! - Hương Liên cắt ngang như lia lưỡi dao, rồi xua tay lạnh nhạt bảo:- Về phòng đi!
Khi xong mọi việc, Hương Liên một mình ngồi trên sảnh, không nhúc nhích cũng không gọi bất kì người nào bầu bạn một bên, ngồi từ lúc trời sáng đến lúc trời tối, ngồi từ lúc lên đèn cho tới lúc trống canh, trọn một đêm. Giữa đêm Đào Nhi mấy lần tỉnh giấc, nhìn qua khe cửa sổ thấy trên sảnh, trước ngọn đèn dầu trơ trọi, Hương Liên ngồi cô đơn một mình một bóng. Trong lúc mơ màng, Đào Nhi còn thấy bà chủ xách đèn lồng đến trước cả buồng Đồng Nhẫn An đứng một lúc lâu lại đến trước cửa buồng u Phan đứng lúc nữa. Từ khi Đồng Nhẫn An và u Phan chết, hai căn phòng ấy vẫn khóa cửa, chỉ có chuột chạy hoặc vài ba con dơi từ lỗ thủng nơi cửa sổ bay ra những hôm trời u ám. Trong đêm ấy, thỉnh thoảng còn vang lên tiếng khóc, tiếng cười, tiếng nói sảng của Hạnh Nhi.
Sáng hôm sau Đào Nhi tỉnh dậy, đầu nặng trịch, không biết cảnh nhìn thấy đêm qua là thực mắt trông thấy hay là mộng. Cô trở dậy toan đánh thức Hương Liên nhưng Hương Liền đã ngồi ngay ngắn trên sảnh. Cũng không biết Hương Liên dậy sớm trước cô hay cả đêm không về phòng. Thần sắc bà chủ trầm tĩnh khác thường, như vừa nuốt quả cân nên lòng dạ trở thành sắt đá. Hương Liên đang cầm một phong thư giao cho Tiểu Ô, dặn hắn chạy đến trụ sở Thiên Túc hội trong tô giới, giao tận tay phong thư này cho con bé theo tây họ Ngưu.
Giữa trưa Tiểu Ô trở về, mang tin Thiên Túc hội vâng theo lời đề nghị của Bảo Liên nữ sĩ, ba ngày sau có mặt tại đại giảng đường văn minh ở Mã Gia Khẩu cùng với Hội Triền Túc so tài cao thấp.
Gót sen ba tấc
Lời giới thiệu của người dịch
Vài lời dông dài
Hồi thứ nhất
Hồi thứ hai
Hồi thứ ba
Hồi thứ tư
Hồi thứ năm
Hồi thứ sáu
Hồi thứ bảy
Hồi thứ tám
Hồi thứ chín
Hồi thứ mười
Hồi thứ mười một
Hồi thứ mười hai
Hồi thứ mười ba
Hồi thứ mười bốn
Hồi thứ mười lăm
Hồi thứ mười sáu