watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Gót sen ba tấc-Hồi thứ mười hai - tác giả Phùng Ký Tài Phùng Ký Tài

Phùng Ký Tài

Hồi thứ mười hai

Tác giả: Phùng Ký Tài

Đồng Nhẫn An nằm thượt trên giường như một vắt đất nhão, đầu cũng không ngóc lên được, lưng dán chặt xuống mặt giường, thức không ra thức, ngủ chẳng ra ngủ, mắt như nằm mộng. Nói lúc thì tỉnh, lúc lú lẫn. Khi tỉnh, không thấy Thiệu Hoa, lão cứ hỏi mãi, mọi người phải bịa ra bao lí do để dỗ lão; lúc lẫn, lão kể thôi là kể tên đủ loại chân bó. Các bậc danh y trong thành từ danh y Tô kim Tản, thần y Vương Thập Nhị, cao thủ họ Hạ, thiết trượng họ Lí, Trại Hoa Đà, thần tiên họ Lưu ở phía bắc thành, cụ Hai Hồ không cần hỏi bệnh và bắt mạch, cụ Chín Hoàng không có bệnh cũng tìm ra được bệnh... đều lần lượt được mời đến nhưng ai cũng nói bọn tiểu quỷ dưới âm ti đã túm chặt một cẳng của cụ Đồng rồi, thuốc đến mấy cũng không giành lại được.
Hôm đó, Đào Nhi dẫn con gái Hương Liên là Liên Tâm đến thăm ông. Liên Tâm vào đến phòng là leo lên giường ông chơi. Bỗng con bé kêu thét, khóc thét lên. Đào Nhi tưởng Liên Tâm hết hồn vì bộ dạng chết dở của ông nội, ngờ đâu vì ông nội nắm lấy chân con bé. Không biết sức lực Đồng Nhẫn An ở đâu ra mà lão nắm cứng lấy không buông. Khuôn mặt như chết lại có khí sắc, mắt sáng long lanh, cơ thịt cứng ngắc ở miệng đã rung rung động đậy, hai lỗ mũi lúc nhỏ lúc to thở phì phò. Đào Nhi không biết cụ chủ muốn chết đi hay muốn sống lại, sợ đến nỗi kêu toáng lên. Hương Liên nghe tiếng vội đến, thấy tình cảnh đó, mặt bợt ra như tờ giấy trắng, vội túm lấy Liên Tâm kéo xuống rồi mắng Đào Nhi.
- Ở đâu chơi chẳng được mà phải vào đây? Mau đưa ra!
Đào Nhi vội vàng bế Liên Tâm ra ngoài. Mắt Đồng Nhẫn An vẫn lóe sáng, người như tỉnh ra, đến chiều đã nói được, tuy chưa thành câu song nghe rõ ràng từng chữ một. Lão bảo Hương Liên:
- Đến-lúc-bó-chân-cho-các-cháu-rồi! '
Hương Liên lặng giây lát, mặt không tỏ vẻ gì, chỉ gật đầu khẽ đáp:
- Con hiểu!
Trước ngày ốm nặng, ngày nào Đồng Nhẫn An cũng không quên việc này. Bên ngoài có kẻ nói phải cởi chân bó ra, có kẻ nói cấm bó chân rồi, làm lão nao núng không yên. Lứa cháu trong nhà lại đều là con gái, Liên Tâm bốn tuổi, hai con gái Bạch Kim Bảo, đứa lên năm, đứa lên sáu. Con gái Đổng Thu Dung cũng sáu tuổi, đều đến lúc bó chân cả rồi. Chỉ vì Hương Liên bảo Liên Tâm còn nhỏ quá, nên trùng trình để đấy. Đồng Nhẫn An bề ngoài không tiện thúc Hương Liên, song vẫn canh cánh bên lòng. Lúc này lão không thể đợi được nữa, tâm sự sắp trở thành hậu sự rồi. Lão kêu lên:
- Gọi -u -Phan, gọi -u -Phan!
Việc bó chân, không có u Phan không xong.
Nhưng từ ngày thi chân lần thứ hai, u Phan thấy Hương Liên đi đôi giầy đỏ năm xưa của vợ Đồng Nhẫn An thì đi thẳng về phòng, rất ít khi ló mặt. Ngoài mấy cô hầu tìm mụ nhờ vẽ kiểu giầy, khâu má giầy, lắp đế giầy, dán mặt giầy, rồi nữa là mở cửa cho mèo ra ngoài, đóng cửa sau khi đón mèo vào, không ai biết mụ làm những gì trong buồng. Bất chợt mụ có gặp Hương Liên giữa sân thì chẳng ai ngó ngàng đến ai. Bây giờ ờ nhà họ Đồng, Hương Liên là chúa, duy có nể u Phan vài phần. Có đồ ăn thức uống gì ngon lành mà không dễ kiếm, cô đều sai cô hầu mang đến biếu mụ. Riêng cô không vào phòng mụ, mà cũng có thể nói, cô chưa hề bước chân vào phòng mụ bao giờ.
Lúc này, bất kể Đồng Nhẫn An nói đi nói lại cho gọi u Phan, Hương Liên cũng không nhúc nhích, vẫn cứ ngồi bên cạnh canh chừng. Khuya lắm, chừng nửa đêm, Đồng Nhẫn An không giục nữa, mắt mở to chớp liền liền, như lắng nghe, rồi chuyển dịch bàn tay từng chút một về phía vách gỗ sát liền giường. Lão cố sức cào vách ván gỗ, không biết định làm gì. Bỗng phía đầu tủ cạch cạch liền mấy tiếng. Có người? Hương Liên sợ quá đứng bật dậy, mắt nhìn thấy vách gỗ đằng ấy chuyển động, từ từ mở ra như một cánh cửa rồi một bóng đàn bà đen kịt bước vào. Hương Liên suýt kêu thành tiếng, người đàn bà kia cũng giật mình, rõ ràng không ngờ cô cũng có mặt trong phòng này. Người đàn bà đen kịt ấy chính là u Phan. Mụ ta vào bằng cách nào? Chẳng lẽ đi xuyên tường mà vào? Hương Liên chợt tỉnh ngộ! Thì ra bức vách ấy là một cánh cửa ngầm, phòng mụ ta ở ngay sau bức vách ấy. Ngay tức khắc, Hương Liên nhìn thấu đến đáy mọi việc ở nhà họ Đổng. Cả phần dưới cái đáy ấy cô cũng thấy rõ mồn một.
Bất kể việc gì, một khi thấy rõ thì lập tức lòng bình tĩnh lại. Mấy năm qua, Hương Liên chưa nhìn thẳng u Phan lần nào, lần này vừa liếc mắt, cô thấy mụ thay đổi dữ quá. Tóc mụ một màu trắng xóa không thấy màu đen, thịt trên mặt đi đâu hết chỉ còn da bọc xương. Da chùng xuống nếp nhăn càng nhiều, mặt càng nhăn nheo, chỉ có đôi con ngươi phát ra ánh sáng lạnh lẽo từ hai hốc mắt đen ngòm. U Phan và Hương Liên đứng đối mặt nhau, ngó sững nhau, ngơ ngẩn nhìn nhau, trừng mắt nhìn nhau một lúc lâu. Rốt cuộc Hương Liên vẫn có bản lĩnh hơn. Cô chỉ vào Đồng Nhẫn An, lên tiếng trước với u Phan:
- Ông cụ có chuyện muốn nói với bà.
U Phan bước tới trước giường, đứng đợi. Đồng Nhẫn An nói:
- Chuẩn-bị-sẵn-ngày-mai-bó-bó tất!
Hai chữ cuối cùng lão nói liền được một hơi. U Phan gật đầu sau đó ngước mắt lên nhìn Hương Liên một cái. Cái nhìn này như nhát dao đâm trúng tim Hương Liên. Cô hiểu ánh mắt ấy là tất cả những gì mụ ta để bụng mấy năm nay muốn nói mà chưa có dịp nói với cô. Sau đó mụ quay người đi luôn, nhưng không đi theo lối cửa bí mật mà mở cửa chính bước ra. Thân hình mặc toàn đồ đen lập tức tan biến trong đêm tối.
Sáng sớm hôm sau, Hương Liên cho gọi mọi người ra sân báo tin:
- Cụ ông ra lệnh, chiều hôm nay, trẻ con các phòng nhất loạt bó chân, ai nấy chuẩn bị sẵn đi!
Nói xong cô trở về phòng mình. Các phòng, phòng thì im lặng, phòng thì có tiếng khóc, phòng thì nói chuyện, nhưng đều hạ giọng nói khe khẽ thôi. Đến giữa trưa, Đào Nhi bỗng cất cao giọng ngay giữa sân gọi Liên Tâm. Hương Liên chạy ra cửa hỏi, thì ra Liên Tâm không thấy đâu nữa. Cả mấy cô hầu và người làm trong nhà sục tìm nhà trước phòng sau, cả ngách hòn non bộ, nhà bếp, thống nuôi cá, nhà xí, nóc nhà, ống khói đều tìm cả nhưng đều không thấy. Hương Liên mặt biến sắc, hai tay giang ra, vả cho Đào Nhi mười tám cái vào hai bên má đến nỗi vả gấy một cái răng nanh bên trái, máu chảy cả ra mép. Đào Nhi không kêu, không van xin, chỉ rớt nước mắt nghe Hương Liên quát the thé:
- Cổng đóng sao lại mất con bé? Mày ăn nó rồi ăn thịt nó rồi, mày nhả nó ra cho tao!
Rồi khóc, rồi ầm ĩ, rồi kêu gào, rồi bới lộn cả lên, chẳng còn ai ra người nữa.
Liên Tâm mất tích, hôm ấy việc bó chân không thành. Đồng Nhẫn An sau khi biết tin, bảo:
- Đợi-đợi-bó-một-thể!
Thế là đằng thì đợi, đằng thì đi tìm. Trong nhà tìm không thấy thì ra ngoài tìm. Hàng xóm láng giềng, nhà trước cửa sau, đầu ngõ cuối ngõ, trong thành ngoài thành, sông đàng đông ngòi đàng tây, cả chợ buôn người ở mé ngoài thành phía tây cũng đến, nhưng nào thấy tăm hơi? Lần chạy đi tìm này mới thấy thành Thiên Tân quả là rộng vô bờ, người đông không đếm xuể, khiến hai bàn chân Đào Nhi sưng lên mà vẫn phải chạy khắp nơi. Người bảo bị đại tiên chộp mất, kẻ bảo bị mẹ mìn bỏ bùa mê đem bán cho cha cố nhà thờ moi tim gan, khoét mắt, cắt lưỡi, lộn mề, căng tai làm thuốc tây rồi. Từ khi người nước ngoài xây nhà thờ ở Thiên Tân, dân chúng ngày đêm lo lắng chỉ sợ con trẻ bị bắt cóc để chế biến thuốc tây.
Đào Nhi quỳ thưa với Hương Liên trước mặt mọi người, hai mắt khóc đỏ mọng như hai quả nhót:
- Liên Tâm e mất tích thật rồi, cháu cũng chẳng thiết sống nữa, mợ muốn bắt chết như thế nào cũng xin vâng.
Hương Liên không nói nên lời. Nước mắt lúc ướt lúc khô trên má. Ở chỗ u Phan đã chuẩn bị xong. Mấy chục cuộn vải bó chân, nhuộm đủ màu phơi trẽn cành mai giữa sân như đón tết. Mấy cô hầu thấy thế đều khóc thầm:
- Thương cho Liên Tâm quá...
Hương Liên thấy thế bèn lên nhà nói với Đồng Nhẫn An: .
- Cháu Liên Tâm chưa tìm được, thôi đừng chờ nữa, cha cho bó đi thôi!
Khuôn mặt đã chết một nửa của Đồng Nhẫn An giật một cái, lão giận giữ thốt lên:
- Đợi!
Bảy ngày trôi quá. Đồng Nhẫn An không vượt qua, không chống chọi được, chỉ còn chút hơi thoi thóp ở cổ. Lúc nói, miệng như ngậm đậu phụ nóng, lúng ba lúng búng chẳng ai nghe ra: Sau chỉ thấy mồm mấp máy không thành tiếng nữa. Buổi sáng cả nhà ăn cơm ở sảnh trước, cơm xong Đổng Thu Dung ở lại bàn với Hương Liên:
- Chị Cả ạ, xem chừng ông cụ qua được mồng một chứ khó qua nổi hôm rằm. Mấy ngày hôm nay, nói dại nói dột, cháu Liên Tâm mất tích, ruột em cũng như đứt thành hai khúc. Nhưng bây giờ chị làm chủ nhà này, chị phải gượng lấy lại tinh thần lọ liệu hậu sự cho ông cụ. Lại nhân lúc ông cụ không còn tỉnh táo mà làm cho xong cái việc bó chân đi.
Hương Liên lúc này mới gật đầu, bảo ban người nhà dọn sạch bàn, ghế, tủ, giá ở sảnh trước đi, quét dọn sạch sẽ để bày linh sàng. Các thứ dùng cho đám táng, thuê mượn về đầy đủ, lại sai người đến cũng Thiên Hậu, điện thần tài và đền Lã Tổ mời sẵn hòa thượng, đạo sĩ, ni cô, thày chùa đọc kinh cho bốn rạp, sau đó mời nhà đám chuyên dựng rạp, rồi xe lừa, xe ngựa, xe bò, xe đẩy chở tre nứa, gỗ lạt, chiếu lau. ván sàn, vải vàng, vải trắng, vải xanh, giây thừng to nhỏ... đến. Nhưng đến lúc ấy người đi tìm Liên Tâm vẫn chưa thấy bóng dáng cô bé đâu, Đổng Nhẫn An lại cố gắng gượng ba ngày nữa, da đã xạm đen, bảo chết thì cũng là chết rồi. Khi khiêng đặt lên linh sàng, lão như không thở nữa nhưng vẫn mở to mắt, con ngươi long lanh như hai hạt thủy tinh. Hạnh Nhi nói:
- Các mợ nhìn mắt cụ ông kìa, không chừng sắp hoàn dương cũng nên!
Hương Liên vội đến nhìn. Mắt Đồng Nhẫn An sáng đến phát sợ. Cô hiểu ý, ghé sát xuống nói khẽ với lão:
- Cháu Liên Tâm tìm thấy rồi, ngay bây giờ bó chân cho các cháu!
Cô nói xong, mắt Đồng Nhẫn An lập tức không còn ánh sáng phát sợ ấy nữa nhưng vẫn mở.
Hương Liên ghé vào tai Đào Nhi nới thầm mấy câu, bảo Đào Nhi làm ngay lập tức lại gọi Hạnh Nhi mời u Phan chuẩn bị gấp mấy thứ đồ bó chân, sai Hoa Nhi, Thảo Nhi chia nhau đến phòng Bạch Kim Bảo và Đổng Thu Dung đưa mấy đứa nhỏ ra sân để bó chân.
Lát sau, nơi bó chân đã bày biện xong. Hai con gái Bạch Kim Bảo là Nguyệt Lan, Nguyệt Quế, con gái Đổng Thu Dung là Mĩ Tử đều được dẫn ra sân, sắp một hàng ngang. Ba cô hầu gái Hạnh Nhi, Hoa Nhi, Thảo Nhi chia nhau coi ba đứa trẻ, mọi việc có u Phan sai phái. Các cô hầu vừa mới bầy các thử chậu, bình, kéo, vải, chai thuốc, hũ thuốc lên, mấy đứa trẻ đã sợ phát khóc, cừ y như có người vừa chết vậy.
Cảnh này bày ra ngay trước mặt sảnh trên mà cửa sảnh lại mở toang, thành thử cũng là bày ngay trước mặt Đồng Nhẫn An đang mở mắt nằm ngay đơ trên linh sàng đặt trong sảnh. Hương Liên ngồi trên đôn sứ đặt bên cạnh, Đào Nhi đứng hầu đằng sau.
U Phan vẫn mặc toàn đồ đen nhưng lần này từ đầu đến chân không hề có màu sắc nào khác. Mụ ta đến trước mặt từng đứa trẻ, lột giầy ra vất đi, cầm lấy ban chân ngắm nghía trước sau, phải trái, trên dưới, trong ngoài rồi bỏ vào chậu nước ấm ngâm, cứ như sắp sửa mổ thịt. Một mặt mụ dặn Hạnh Nhi, Hoa Nhi, Thảo Nhi các cách bó khác nhau, một mặt mụ phân phát mấy dôi giầy nhọn, thon, ngắn, hẹp khác nhau. Xong, mụ bước ra giữa sân, chân vừa đứng, mắt liền trừng, tay liền vẫy, giọng khàn khàn ra lệnh.
- Bó!
Mấy cô hầu gái ra tay cùng một lúc. Họ kéo chân bọn trẻ ra khỏi chậu để bó. Bọn trẻ khóc ầm lên. Nguyệt Quế túm ngay lấy tay áo Bạch Kim Bảo:
- Mẹ ơi, con không nghịch hộp son của mẹ nữa đâu, mẹ tha cho con!
Bạch Kim Bảo tát cho cô bé một cái, nói:
- Phúc nhà mày đấy con chết dẫm ạ. Người ta muốn bó còn không được bó, để chân to cho tuyệt nòi nhà mày đi!
Người ở ngoài sân ai cũng biết câu đó cốt nói cho Hương Liên nghe. Hương Liên ung dung ngồi, không lộ vẻ tức hay giận, nét mặt cứ điềm nhiên như không, dáng dấp lúc nào cũng như bà chúa trong cũng Thiên Hậu. Chỉ thấy trẻ con khóc, người lớn la và mấy dải vải bó chân trong tay mấy cô hâu kêu sột soạt, ngoài ra là giọng khàn khàn của u Phan ra sức hô: "Chặt, chặt, chặt vào!". Đổng Thu Dung khóc thảm thiết hơn con gái nhưng không thành tiếng, người cứ nấc giật lên, nước mắt thấm ướt cả vạt áo trước như áo bị hắt nửa chậu nước. Bạch Kim Bảo thì không cú lấy một giọt nước mắt, khuôn mặt xinh như hoa tươi cười, thỉnh thoảng lại giật lấy dải vải bó chân trong tay Hạnh Nhi, Hoa Nhi ra sức néo chặt, chừng như muốn để thế hệ sau trả mối thù kiếp này cho mình vậy.
U Phan quát Thảo Nhi:
- Làm gì mà để con bé khác gào lên thế?
Thảo Nhi đáp:
- Ngón chân cứng quá, gập được ngón này, ngón khác lại bật lên.
U Phan mắng:
- Đồ chết toi! Mày gập ngón thứ hai với ngón út, ngón giữa với ngón thứ tư không cần gập cũng cong xuống đấy!
Thảo Nhi đổi cách bó, Mĩ Tử cũng thôi không gào nữa.
Hương Liên thầm nghĩ, u Phan thật là nhà nghề chính cống. Hồi ấy nếu bà ta không cứu mình thì sao mình có ngày nay? Cho dù sau này thành thù oán thì vẫn phải ghi nhớ ơn đức trước kia của người ta mới phải. Cô bèn bảo Đào Nhi bê cái đôn sứ ra ngoài sân.
Đào Nhi mang cái đôn sứ đặt cạnh u Phan, nói:
- Mợ Cả nói với bà ngồi xuống đây nghỉ chốc lát!
Ngờ đâu u Phan không thèm để ý, chỉ ngó sững đôi chân từng đứa trẻ một. Khi đã bó xong, mụ bước tới kiểm tra từng bàn chân. Chỗ vuốt cho ngay, chỗ nắn lại cho khỏi vẹo, tay ấn ấn vào gan bàn chân, bàn chân nào cũng phải trọn vẹn từ mé trong cho tới ngón mới được. Cuối cùng mụ rút chiếc lược bí giắt trên đầu, một nửa là răng lược để chải tóc, một nửa là thước đo vừa ba tấc Mụ đo từng bàn chân một, đo dọc đo ngang, đo xiên, đo thẳng, đo cả bàn, đo trung đoạn. Đo xong, mụ lạnh lùng bảo:
- Được rồi!
Rồi không để mắt tới Hương Liên, mụ quay đầu trở về phòng mình.
Hương Liên bảo khẽ Đào Nhi một câu gì đó, Đào Nhi vào phòng Hương Liên dắt ra một bé gái. Ai nấy giật mình tưởng đã tìm được Liên Tâm, đã bó xong chân, đi đôi giầy nhỏ cho em. Khi lại gần, nhìn mặt không phải Liên Tâm, chỉ cách ăn mặc là giống. Thì ra Hương Liên tìm một bé gái thay cho Liên Tâm, lám Bạch Kim Bảo giật mình một lát.
Hương Liên dẫn hai người đàn ông giúp việc vào linh đường. Ba người, một đứng bên phải, một đứng bên trái, một đứng phía trên, đỡ cho đầu Đồng Nhẫn An ngẩng lên. Hương Liên nói:
- Cha nhìn kìa, đứng giữa là cháu Liên Tâm, bên trái là Nguyệt Quế, Nguyệt Lan, bên phải là Mĩ Tử, các cháu đều bó chân cả rồi.
Đồng Nhẫn An vốn như đã tắt thở, lúc này lại sống lại! Hai con ngươi đưa đẩy liếc một cái, nhìn khắp lượt những đôi chân bó thành góc bánh, thành ngạnh ấu, thành búp măng của mấy đứa cháu gái đứng thành hàng ngang bên dưới, lập tức ánh mắt càng trở nên rạng rỡ, chẳng khác nào hai viên ngọc trân châu thật to. Hương Liên biết đó là "hồi quang phản chiếu", nhưng chưa kịp dặn hai anh người làm ở hai bên cẩn thận thì Đồng Nhẫn An đã thở hắt ra, hơi thở thối dựng cả râu hàm trên, mắt trợn ngược, ngực dô lên, chân duỗi ra, thế là ngoẻo. Chớ nói Hương Liên, cả hai anh người làm cũng sợ, tay đỡ không vững, đầu Đồng Nhẫn An rơi bịch xuống giường như trái dưa rơi xuống đất. Chẳng cần người vuốt, mắt đã nhắm tịt lại rồi. Da mặt không xạm đen đáng sợ như trước mà trắng dần ra, tĩnh lặng như mặt hồ ngày xuân.
Hương Liên khóc to:
- Ới ông ơi, ông đừng bỏ chúng con một lũ mẹ góa con côi mà đi ông ơi!
Cô dậm chân, tay đập vào vách giường. Khắp nhà, người lớn trẻ con vừa gọi, vừa kêu khóc, ầm ĩ cả lên. Trẻ con khóc càng dữ, chẳng biết khóc ông chết hay khóc chân đau.
Hương Liên vừa khóc vừa gào:
- Ông nhẫn tâm thế, ông nhẫn tâm quá ông ơi?... Con biết làm sao bây giờ ông ơi!...
Tiếng gào khóc chói tai người khác chứ nào có lọt tai người chết!
Chỉ riêng phía phòng u Phan không thấy động tĩnh gì. Con mèo đen to bự vẫn nằm trên đầu tường, cằm gác lên chân, đưa mắt lười biếng nhìn về phía bên này.
Theo phép tắc của tổ tông truyền lại, người chết được đặt tại linh đường, bày đạo tràng, mời hòa thượng và đạo sĩ đọc kinh, siêu độ vong hổn, gọi là lễ cúng chay "lũy thất". Cúng chay bao nhiêu ngày tùy mình định, tuần đầu là bảy ngày, tuần hai là mười bốn ngày, tuần ba là hai mốt ngày, cử bảy ngày một mà tăng lên. Người lắm tiền thì cố tăng lên mãi. Tục này nghe nói bắt đầu từ năm thứ năm niên hiệu Đạo Quang (1825), ông già nhà họ Lưu ở Thổ Thành chết, kinh đọc đến ngày thứ ba thì đến lượt một đám ni cô đọc kinh tì khưu ni? Nhè nhẹ tiếng chiêng tiếng mõ. ông già bỗng trở mình ngồi dậy, làm người coi linh sàng hết hồn bỏ chạy, đám sư nữ nhảy ào từ trên rạp xuống, sái cả chân, tưởng xác ông già biết trỗi dậy. Ông già giơ hai tay ra nháp, rồi dụi mắt, gắt lên với mọi người:
- Chúng mày làm gì thế? Diễn tuồng à? Tao đói quá!
Người táo gan bước đến coi, thì ra ông già sống lại thật. Cái năm ấy, người giả chết cũng có nhiều. Từ hôm đó, nhà có của ở Thiên Tân cúng chay đến bốn chín ngày, để người nằm đó bốc mùi lên mới khâm liệm, hạ huyệt an táng.
Nhà họ Đồng cúng chay đã đến tuần thứ bảy. Những thứ dùng cho ngày đưa ma như xe loan, lọng vàng, kiệu đưa hồn, phướn, minh tinh, đình để lư, để hương, để ảnh, để hoa, người giấy, ngựa giấy, móng vàng, cối ngọc, ghế triều thiên, thanh la mở đường, cờ dẹp đường, trống kèn, huyết lễ cán đỏ, tuyết liễu cán trắng v.v.. đứng kín hai hàng từ cổng ra tới ngoài đường, chẳng khác nào cảnh mở cửa hàng của cả một dẫy phố. Thần ngăn đường, quỷ mở lối đặt dựa vào tường phía ngoài, cao đến ba trượng, nhô lên khỏi đầu tường đến nửa người, đầu đột mũ, tóc buông xõa, thè cái lưỡi đỏ dài tám thước, khiến cho lũ bé gái vừa mới bó chân còn ở trên giường sợ hết hồn, không dám bám vào cửa sổ ngó ra ngoài. Ba mợ chủ Qua Hương Liên, Bạch Kim Bảo, Đổng Thu Dung mặc áo sô ngày đêm thay nhau túc trực trước linh cừu. Có điều lạ là Đồng Thiệu Hoa vẫn chưa thấy mặt mũi đâu, có phần chắc đi xa không biết tin tức, nếu không lúc này đúng là dịp tốt để hắn trở về độc quyền cai quản nhà họ Đồng. Bạch Kim Bảo mong hắn trở về, Qua Hương Liên lại mong Đồng Nhẫn An sống lại. Dù ai được như nguyện thì tình thế nhà họ Đồng cũng biến đổi hẳn. Nhưng hơn bốn mươi ngày đã trôi qua vẫn chẳng thấy tăm hơi Thiệu Hoa đâu, mặt Đồng Nhẫn An đã teo tóp, dù có sống lại cũng là quỷ sống.
Người được cử đem tin báo cho Đồng Thiệu Phú, Nhĩ Nhã Quyên mới đi được nửa đường, trở về nói nước sông Hoàng Hà, Hoài Hà đều to, không vượt qua được; nếu từ Bạch Hà ra biển rồi quành trở lại thì cũng muộn mất rồi, bởi vậy chỉ có mấy nàng dâu trực quan tài. Việc đó khiến cho rất nhiều người chẳng phải bạn bè, thân thích, thậm chí bắn súng cũng không tới, chẳng có thiếp báo tang cũng kéo đến, mượn cớ điếu phúng người chết mà xem chân ba mợ nàng dâu, nhất là mợ Qua Hương Liên danh nổi như cồn. Ngược lại, bạn bè ngày thường vẫn đến, lại chẳng thấy ló mặt. Thật đúng như tục ngữ nói "bạn trên ngựa hết tình khi xuống ngựa, bạn sinh thời lúc chết cũng thôi luôn". Lòng dạ Hương Liên thật u ám, buồn thảm.
Nhưng nói gì thì nói, cô cũng không thể nói đến chữ chết. Trước ngày đưa ma một hôm, chiếc chuông nhỏ ở cổng vừa reo, chiêng trống của nhà sư vang lên, thì có một người đàn ông vừa vào đến cửa đã thụp xuống trước linh cữu, rập đầu liền năm cái. "Người sống ba, người chết bốn", lệ xưa nay rập đầu lễ người chết chỉ có bốn cái, sao người này lại rập đầu thừa ra một cái? Tim Hương Liên như nẩy bật lên cổ, tưởng đâu Đồng Thiệu Hoa hổ thẹn về chịu tang. Đợi người kia ngẩng cái mặt bị thịt lên, thì ra là Ngưu Phượng Chương. Bộ mặt đưa ma ấy nhếch mồm kể lể:
- Cụ Đồng ơi, cụ suốt đời đối xử hậu với tơi, vậy mà tôi có hai việc làm không phải với cụ. Việc thứ nhất khiến cụ bỏ mạng, việc thứ hai nếu cụ biết, cụ ắt không tha thứ cho tôi. Tôi thật chẳng ra gì! Còn cụ...
Nói đến đây, lão thấy mắt Hương Liên bắn ra một tia sáng nhọn hơn đầu mũi tên khiến lão sợ hãi nuốt câu định nói đó đi. Ngừng một lát, lão lại khấn:
- Cụ có thành quỷ cũng đừng về tóm tôi đấy nhé! Cự hẳn thấy tôi hơn hai chục năm trời nay, việc gì cũng làm theo lời cụ. Tôi còn có đấy nhà vợ con, kẻ trên người dưới nhờ cậy tôi nuôi sống mà cụ ơi! - Nói xong lão hu hu khóc ầm lên.
Lẽ ra Hương Liên phải đáp lại cái lễ rập đầu đó, xong phải mời người ta vào rạp uống nước ăn bánh trái. Nhưng cô lại nói:
- Đừng để ông Năm Ngưu thương tâm quá!
Rồi sai người nhà đưa ông ta ra khỏi cổng.
Sau khi Ngưu Phượng Chương đi khỏi, trời đã tối, trong ngoài đèn lồng, nến, hương thắp sáng trưng. Ngày mai đưa ma, một đống việc đang chờ Hương Liên lo liệu. Bỗng Đào Nhi chạy xộc vào kêu:
- Hỏng rồi, hỏng rồi...
Hương Liên thấy Đào Nhi mặt đỏ bửng, tay chỉ phía sau lưng cô, miệng không nói nên lời; trong phút chốc Hương Liên ngẩn ngơ hoảng hốt tưởng Đồng Nhẫn An trỗi xác hay đã sống lại. Cô quay đấu lại nhìn, thấy sân trong rần rật ánh sáng đỏ, chiếu loang loáng mọi vật và mọi khuôn mặt ở xung quanh. Là thần, là phật, là tiên hay quỷ quái yêu ma đây? Rồi người này tiếp theo người khác kêu ầm lên:
- Cháy, cháy, cháy rồi!
Hương Liên theo mọi người ùa vào sân trong, thấy lửa từ cửa sổ một gian nhà phía tây bắc phụt ra. Những lưỡi lửa dài bò ra bên ngoài như con rắn vặn mình, khói đen cùng với nhũng đốm lửa cuồn cuộn bốc lên. Hương Liên giật bắn người: đó là phòng u Phan!
May sao lửa chưa bốc lên mái nhà, lửa không mạnh vì không có gió. Thanh la hội cứu hỏa gần dấy chừa nổi lên thì người nhà và cả hòa thượng, đạo sĩ đang đọc kinh đã ba chân bốn cẳng bưng chậu, xách thùng dập tắt được lửa. Hương Liên bị khói xông chảy cả nước mắt nhưng vẫn gọi:
- Cứu người đi! Đưa u Phan ra ngoài!
Mấy người đàn ông đầu trùm chăn thấm nước chui vào trong phòng, lát sau đã chui ra, không thấy đưa u Phan ra, hỏi cũng không đáp, luôn mồm ho vì sặc khói. Con mèo đen to bự đứng trên đầu tường ra sức gào về phía căn phòng cháy, tiếng gào xuyên qua lỗ tai mọi người vào đến tận tim. Hương Liên không cần biết mặt đất là lửa hay là than, là than hay là lửa, cứ bước qua, nhờ ánh đèn lồng nhìn vào trong. U Phan ôm một cuộn vải dầu, đã chết cháy, người co rúm lại. Trên mặt đất khắp phòng là những chiếc giầy xinh thêu hoa cháy bết vào nhau, có đến mấy trăm đôi. Mùi khét dễ khiến người ói mửa. Hương Liên buồn nôn, vội vàng bước ra khỏi phòng.
Hôm sau, Đồng Nhẫn An được sáu mươi tư cây đòn khiêng đi. Suốt dọc đường, người đông đúc rung trời chuyển đất đưa lão đến chôn ở phần mộ Đại Tiểu Viên ngoài cửa Tây. U Phan cũng được thuê bốn người đi cổng sau đưa chôn lặng lẽ âm thầm ở nghĩa địa ngoải cửa Nam. Khu nghĩa địa này do hội đồng hương Chiết Giang bỏ tiền mua, dành chôn những cô hồn không người thân thích. Thật ra, làm rùm beng hay mai táng lặng lẽ, cách nào cũng đều do người sống bày đặt ra cả.
Người chết rốt cuộc đều trở về nằm dưới đất đen.
Gót sen ba tấc
Lời giới thiệu của người dịch
Vài lời dông dài
Hồi thứ nhất
Hồi thứ hai
Hồi thứ ba
Hồi thứ tư
Hồi thứ năm
Hồi thứ sáu
Hồi thứ bảy
Hồi thứ tám
Hồi thứ chín
Hồi thứ mười
Hồi thứ mười một
Hồi thứ mười hai
Hồi thứ mười ba
Hồi thứ mười bốn
Hồi thứ mười lăm
Hồi thứ mười sáu