Hồi thứ tư
Tác giả: Phùng Ký Tài
Đến rằm tháng Tám, Qua Hương Liên lần đầu tiên mới gọi là ra mắt với đời. Đời không chỉ có một mặt. Nếu không làm dâu nhà họ Đồng, cô không thể ngờ đời còn có một mặt ấy nữa.
Tối hôm ấy Đồng Nhẫn An mời khách đến thưởng nguyệt. Ngay từ sớm, đàn ông đàn bà giúp việc đã vảy nước khắ́p sân, cầm chổi tre quét tước sạch sẽ. Tấm kính hoa làm vách ngăn sảnh giữa với hai bên sân mở toang. Đệm bông trên ghế lớn, ghế tựa quanh bàn, ghế dài khảm xà cừ đều được bọc lụa bóng lộn, các thứ hoa cỏ cũng đem bày lên. Hương Liên về nhà họ Đồng hơn một tháng, hầu như đã gặp hết những việc quái lạ trong đời, chỉ thiếu có gặp ma. Chỉ riêng chim, hoa, trùng, cá nhà họ Đồng nuôi, trước đó dù chỉ nghe thôi, cô cũng chưa từng nghe, nói gì đến thấy? Riêng thứ lan treo, thân cây rủ xuống, ở thân cây này nẩy ra cây khác, rồi ở cây vừa nảy lại đâm ra một cây nữa.Nghe nói mỗi cây là một đời, phải trồng sao cây này tiếp cây kia luôn một lèo rủ xuống đủ năm tầng, đời cha, đời con, đời cháu, đời chắt, đời chút, ngũ đại đồng đường mới gọi là trồng đến nơi đến chốn. Hoa cúc trông càng tuyệt, có loại gọi là "hoàng kim ấn", vàng rực chói mắt mà hoa lại hình vuông, in hệt con dấu bằng vàng thế có lạ lùng không? Giữa sân bày một bể cá vàng cao hơn đầu người, muốn xem cá phải trèo lên hòn non bộ ghép bằng đá san hô. Bên trong toàn một loại cá vàng mắt lồi, dài đến một thước, mắt như quả trứng gà bơi qua lội lại. Song vì mắt chúng quá to, đầu cứ phải nổi sát mặt nước, thân thẳng đứng, chúng như đang sống lại như sắp chết, nhìn rất khó chịu. Thứ cá đặc biệt đó. nói ra chẳng ai chiu tin.
Sau bữa cơm trưa, bỗng a hoàn đến báo tin, cụ ông bảo đàn bà con gái trong nhà, không phân biệt chủ tớ, phải sửa sang đầu tóc chân cẳng, ở trong phòng chờ lệnh, không ai được ra khỏi phòng, không được sang phòng nhau, không được thậm thụt nhìn ngó. Hương Liên thầm đoán, không biết loại khách nào khuấy động cả nhà phải chải chuốt trang điểm, phải cũng kính ngồi chờ trong phòng, phải đặt ra quy định khó hiểu này?
Thế là cả nhà đổi sang thế trận mới.
Người nhà này ở tất cả trong ba dãy nhà. Đồng Nhẫn An ở ba gian nhà trên, cửa tuy mở nhưng thường không thấy bóng người. Dãy thứ hai hướng Đông - Tây, mỗi dãy có ba phòng. Hương Liên ở hai phòng đầu dãy đằng Đông, phông thứ ba để không. Cậu ba Đồng Thiệu Phú đem theo vợ là Nhĩ Nhã Quyên buôn bán ở Dương Châu, căn phòng thứ ba này dành cho họ mỗi khi họ về thăm ở tạm, ngày thường đóng kín. Dãy phía Tây đối diện, hai phòng đầu cũng thuộc gia đình cậu hai Đồng Thiệu Hoa cùng vợ là Bạch Kim Bảo và hai con gái Nguyệt Lan, Nguyệt Quế. Buồng còn lại của nàng dâu út ở góa là Đổng Thu Dung với mỗi một đứa con gái lên hai, tên là Mĩ Tử.
Hương Liên khẽ hé mở cửa sổ ra một khe nhỏ, thấy phòng của Bạch Kim Bảo và Đổng Thu Dung đều đóng kín. Các a hoàn ngày thường đi tới đi lui trên hành lang, nay chẳng thấy một ai, cả đến chuồn chuồn, bươm bướm, côn trùng thường bay qua bay lại trước sân cũng không thấy nốt, xem ra buổi họp mặt tối nay chẳng phải tầm thường. Cô bỗng nhớ ra, mợ hai Bạch Kim Bảo ngày thường rất ít bắt chuyện, chỉ khách sáo tươi nét mặt với cô, sáng nay lại hỏi cô hai lần xem hôm nay nên chải đầu kiểu gì, đi giầy kiểu gì, như là thăm dò cô vậy. Thăm dò cái gì nhỉ? Nghĩ kĩ giây lát, một tia sáng cũng lóe ra trong đầu óc ít hiểu biết của cô.
Từ ngày làm dâu đến giờ, người khác đều không hay, song riêng cô biết rõ, ấy là chính nhờ có đôi chân nhỏ mà cô lọt được vào nhả họ Đồng. Người nhà này có tật quái lạ là hai con mắt không rời được chân người khác. Nhìn ngó một hồi rồi ánh mắt thế nào cũng dừng lại trên bàn chân người ta. Hương Liên đâu có ngốc! Qua ánh mắt Bạch Kim Bảo, Đổng Thu Dung, cô nhìn thấy lòng ghen ghét dừ dội. Nếu lòng ghen ghét ấy lên cao tới mức nghiến răng lại thì thế nào cũng có lưỡi dao xỉa ra. Song từ nhỏ Hương Liên đã có lòng tự tôn rất mạnh, cô thầm quyết tâm tối nay trước mặt mọi người phải làm cho họ giật mình vì đôi chân nhỏ của cô. Thừa lúc mấy cậu ấm dở hơi kéo nhau đi chơi chợ bán chim, cô gấp rút trang điểm chải chuốt, sửa soạn cho đôi chân. Cô vấn tóc theo kiểu "búi liên hoàn", rủ một riềm tóc bằng chằn chặn che lưng chừng vầng trán, rồi soi gương trang điểm cho khuôn mặt thật đẹp. Cô tháo tung vải bó chân ra, theo cách của bà ngoại bó lại thật ngay ngắn phẳng phiu. Cô mở tay nải mang từ nhà chọn lấy một đôi giầy đế mềm đẹp nhất bằng lụa đỏ tươi, viền bằng đoạn bóng màu xanh biếc, mũi giầy dán mảnh vải in hình bướm và hoa mẫu đơn - hoa mẫu đơn ngũ sắc ở hai bên má giầy, đằng mũi là một con bướm sặc sỡ mười màu, cánh giang ra, hai sợi râu dài từ giữa mũi giầy vắt cong sang hai bên. Cô đi vào, thử bước mấy bước, mỗi bước đi cánh bướm ve vẩy như bướm thật, khiến cô cũng rất thích, rất cưng đôi chân xinh xinh của mình. Cô còn vén cạp quần cao lên một chút để người ta thấy được đôi bướm.
Đang vui thích thì cửa mở, Đào Nhi ghé qua báo:
- Mợ cả phải sửa soạn kĩ đấy nhé, tối nay thi chân!
Hương Liên chưa nghe ra, Đào Nhi đã vội xua tay bảo cô đừng lên tiếng, mấy sợi chỉ ngũ sắc trước ngực phất một cái rồi biến mất.
Thi chân là thế nào? Hương Liên chưa thấy và cũng chưa nghe nói bao giờ.
Trong cổng ngoài cổng, đèn treo tường kiểu Tây vừa mắc lên, khách khứa lục tục kẻ trước người sau, cao có thấp có, béo có gầy có, mỗi người một vẻ mặt, kéo đến. Hai nhà buôn đồ cổ từ Tô Châu đến vừa ngồi xuống thì Đồng Thiệu Hoa cũng đưa ông Năm Ngưu tức Ngưu Phượng Chương - người chuyên làm tranh giả vào. Thiệu Hoa nói ông Năm có mang theo mấy món đồ tốt, tiện tay đem đến cho Đồng Nhẫn An, hỏi xem cửa hiệu có dùng hay không. Ông Năm thường đi các nơi tìm mua đồ cổ, tự mình không phân biệt được thật với giả, chỉ thấy rẻ là mua, bán trao tay cho Đồng Nhẫn An và hầu như lần nào Đồng Nhẫn An cũng mua. Giá ông Năm bán cao hơn nhiều so với giá bán của người khác. Ông ta tưởng đã hời, nhưng Đồng Nhẫn An vẫn thu lời nhiều hơn số chi ra. Chuyện nhiều nhiều ít ít ở đây, một người thì mù mờ, một người biết rất rõ. Lần này ông Năm lại móc ra hai cái. Hộp nhỏ bằng gấm, một hộp đựng mấy đồng tiền cổ, một hộp có ông phật bụng phệ. Đồng Nhẫn An không để mắt đến, thuận tay gạt sang một bên, hai mắt cử nhằm vào cửa buồng Bạch Kim Bảo, những nếp nhăn trên mặt lão giãn dần. Đồng Thiệu Hoa ở mãi ngoài quầy chỉ lăm le mượn dịp, về đến nhà là vội vàng lui về phòng vui đùa với vợ. Ngưu Phượng Chương không tinh ý, không biết Đồng Nhẫn An đang bực mình, cứ ra sức bày hai cái hộp trước mắt Đồng Nhẫn An. Lão này tức quá chỉ muốn quẳng chúng xuống đất.
Ngoài cửa rộn lên tiếng nói tiếng cười, lại có ba người khách nữa đến. Một người mi thanh mục tú, phóng khoáng ra trò, hễ bước đi là tay áo, vạt áo, thắt lưng cũng phấp phới theo người. Một người nữa như mắc bệnh dịch, mặt nhợt nhạt, cằm nhọn hoắt chìa ra, mắt chẳng nhìn ai, cũng không biết nhìn cái gì. Hai vị này đều là anh tài nổi tiếng ở bản địa, một người làm thơ, một người vẽ tranh. Người đi vào trước tiên tên là Kiều Lục Kiều, thường được gọi là ông Sáu Kiều, làm thơ dễ như "nhổ nước bót". Người vẽ tranh tên Hoa Lâm, danh tiếng áp đảo cả thành Thiên Tân, trong gia tộc đứng thứ bảy nên thường được gọi là ông Bảy Hoa. Đi giữa ông Sáu và ông Bảy là một ông già cao, gầy. Có lẽ vì hai vị kia nổi tiếng quá, ông già thấy cao hơn họ một chút ắt không được ai để ý, bèn cao hơn hẳn nửa cái đầu. Người này mặc áo bào hoa to thêu kim tuyến, màu tương vừng, áo ngắn mặc ngoài bằng đoạn xanh, một hàng khuy mã não đỏ viền đồng đính trước ngực. Mắt ông già này con ngươi thật đen, lòng trắng thật trắng, chẳng khác gì lớp trẻ. Người ta khi tuổi cao, con ngươi thường mờ đục song ông này không thế, ánh mắt cứ như cái móc sắc để moi chuyện thị phi.
Chân sau còn chưa bước hẳn vào phòng, Kiều Lục Kiều đã nói với Đồng Nhẫn An đang bước ra đón:
- Thưa cụ, vị này là Lã Hiển Khanh, danh sĩ đất Sơn Tây, tự đặt hiệu là " ái Liên cư sĩ". Nghe nói hôm nay cụ cho thi chân tại đây nên không thể bỏ qua. Hôm qua ông nói chuyện với tôi suốt đêm về chân bó, nói đến mức tôi quay cuồng cả đầu óc, hứng bốc lên, hôm nay cũng xin cụ cho được tận hứng.
Đồng Nhẫn An nghe nói, ánh mắt đang dõi nhìn cửa phòng của nàng dâu thứ hai lập tức chuyển qua khuôn mặt ông già cao gầy. Chủ khách chào nhau xong, vừa ngồi xuống Lã Hiển Khanh đã nói:
- Phủ Đại Đồng đất Sơn Tây chúng tôi, mồng tám tháng Tư hàng năm thế nào cũng mở hội thi chân, người đẹp đổ ra, cực kì nhộn nhịp. Chẳng ngờ nơi gần kinh thành như đây cũng có chuyện thi chân. Cho nên không thể không đến để con mắt được hưởng phúc, xin cụ miễn trách.
- Đâu dám! Trong đời được gặp tri kỉ là dịp may hiếm có. Từ lâu đã nghe tiếng cự sĩ am hiểu về gót sen. Nhà chúng tôi thi chân đều là đàn bà con gái trong nhà, tự so cao thấp với nhau, cùng là giúp nhau mài giũa kĩ xảo về gót sen. Khách được mời đều là dân "nghiền gót sen" chính cống, bởi vậy mong cư sĩ và các vị chỉ giáo nhiều cho. Vừa nãy nghe cư sĩ nhắc tới hội thi chân của quý phủ. Chúng tôi ngưỡng mộ đã lâu mà chưa được thấy, phải chăng đó chính là "hội phô chân Đại Đồng"?
- Chính phải. Hội thi chân cũng gọi là hội phô chân đó!
Đồng Nhẫn An vui vẻ phướn mày, hỏi:
- Cách thức thế nào, ngài nói cho nghe.
Lão chỉ muốn nghe ngay, đến nỗi quên béng gọi người mang trà ra mời khách. Lã Hiển Khanh cũng không để ý, dường như cờ vừa đến tay là phất tức thì nên phản khởi nói:
- Quê hương Đại Đồng chúng tôi ngày trước có tên là Vân Trung. Xưa có câu rằng: "Sông Hồn [1] nuôi khí tốt, người đẹp luân phiên sinh". Con gái quê chúng tôi chẳng những da trắng nõn nà mà càng coi trọng chân nhỏ. Mỗi năm cứ đến ngày tám tháng Tư, con gái khắp thành đều giơ chân lên ngồi trước cửa nhà mình để người qua đường thưởng ngoạn. Thông thường con gái nhà nghèo mà đôi chân nhỏ được nhiều người ưng ý thì giá trị cô ta vụt cao gấp trăm lần...
- Con gái khắp thành kia à? Phách lối gớm nhỉ? - Đồng Nhẫn An nói.
- Đúng vậy, đúng vậy. ít ra cũng có đến chín mười vạn đôi chân nhỏ, kiểu cách đủ vẻ khỏi cần nói. Kiểu lạ nhất, diệu kì nhất, đẹp nhất, xấu nhất, quái lạ nhất đều có đủ. Thế mới gọi là "thiên hạ rộng bao la, không điều lạ nào không có.
- Trên đời lại có chuyện hay như vậy sao? Tiếc rằng mấy thằng con tôi đây đều không nên hồn. Tôi bằng này tuổi đầu, ngày ngày lại bị cửa hàng trói buộc. Có việc hay như hội phô chân mà cũng không được thấy tận mắt, coi như cuộc đời này sống phí sống hoài.
Đồng Nhẫn An cảm khái một hổi rồi hào hứng hỏi:
- Tôi nghe nói trong hội thi chân ở Đại Đồng, cửa nhà nào cũng có một hòn đá, nếu được người ta chấm, cô gái nhà đó sẽ đặt chân lên hòn đá, người xem có thể tha hồ nắn chơi, phải không?
Kiều Lục Kiều đỡ lời:
- Cụ Đồng xưa nay hiểu nhiều biết rộng, song lần này lầm rồi. Chuyện ấy đêm hôm qua tôi đã hỏi cư sĩ, ngài nói hội phô chân quy củ dữ lắm, chỉ được phép nhìn, không được sờ mó. Ai mó máy ắt bị bao tải chụp vào đầu cho mọi người đánh, đánh chết cũng thôi.
Mọi người cười ha hả. Sáu Kiều là con người phong lưu, lại bạo mồm, chẳng chiếu cố gì đến sĩ diện của Đồng Nhẫn An. Lã Hiển Khanh lộ vẻ đắc ý. Còn Đồng Nhẫn An? Lão vờ̀ như không hay biết, rồi lập tức đổi giọng, không còn là xin chỉ giáo mà như tra hỏi:
- Cư sĩ kiểu đẹp nhất như ngài vừa nói là thế nào, thử nói coi!
- Kiểu ấy gồm bảy chữ: linh (hoạt), gày, cong, nhỏ, mềm, ngay, thơm. - Lã Hiển Khanh mở miệng nói luôn, như muốn bảo: cả đến mấy điều vặt ấy mà chủ nhà cũng không biết.
- Chỉ mấy thứ ấy thôi hay sao?
Ông già này rất tinh, biết Đồng Nhẫn An đã thay đổi thái độ, bèn nói:
- Từng ấy mà còn chua đủ à? Đủ tiêu chuẩn một chữ không dễ đâu! Nhọn mà không như dùi, gày mà không xác, cong như mặt trăng, nhỏ mà linh hoạt, mềm như khói, ngay thì vững, thơm cho say, thử hỏi cái nào dễ? - Lã Hiển Khanh tươi cười nhìn Đồng Nhẫn An, nhả chữ như bắp nổ, cả phòng nghe đều sững sờ.
Đồng Nhẫn An đương nhiên biết đối phương giở kiến thức ra đọ với mình, bèn thản nhiên buông câu chí tử:
- Hình đạt thì dễ, thần đạt mới khó!
Lã Hiển Khanh chớp mắt liền hai cái, nghe chưa thủng câu nói của Đồng Nhẫn An, lại tưởng lão kiến thức có hạn, đối đáp không nổi, làm ra vẻ sâu sắc vậy thôi. Cư sĩ chỉ muốn xổ ngay ít trò vặt để áp đảo mấy lão ở Thiên Tân, bèn khua môi múa mép nói:
- Nghe nói nàng dâu trưởng của cụ có bàn chân nhỏ hơn đứt thiên hạ, phải chăng tên là Hương Liên? Tên chính thức hay tên hồi nhỏ ạ? Khéo quá, khéo quá? Xưa nay gọi chân nhỏ là Kim Liên, nay chữ "hương" thay cho chữ "kim", nghe ra càng lọt tai, lại dễ mến. Nói đến kim liên, không biết cụ đã khảo cứu hay chưa? Ai cũng bảo Hậu chủ đời Nam Đường có cũng tần Yểu Nương, người đẹp múa hay, Hậu chủ ra lệnh xây đài vàng theo hình hoa sen, xung quanh treo đầy châu báu, cho Yểu Nương bó chân bằng lụa, múa trên đài sen. Từ đấy, đàn bà trong cũng hay ngoài thiên hạ đều dùng lụa bó chân cho đẹp, cho sang, cho xinh, cho nhã; dần dần thành phong tục, gọi chân bó cho nhỏ là kim liên. Song còn một thuyết nữa nói Đông Hôn Hấu nước Tề sai cũng nhân lấy vàng lá cắt thành những bông sen đính trên nền nhà cho nàng phi họ Phan bước lên trên, mỗi bước một vẻ, yểu điệu say người, gọi là "mỗi bước nở sen vàng". Sau phụ nữ cũng gọi chân nhỏ là kim liên. Cụ tin thuyết nào hơn ạ? Tôi tin thuyết đầu, vì ai cũng nói Yểu Nương bó chân bằng lụa chứ chưa nghe ai nói Phan phi bó chân cả. Không bó chân thì sao gọi được là chân nhỏ?
Lã Hiển Khanh nói một thôi khiến cả phòng lặng ngắt như không người. Mấy người ấy chỉ biết thích chân nhỏ, không ngờ bị kiến thức về đôi chân nhỏ đè dí xuống đất. Đồng Nhẫn An vừa nghe vừa nhắc ấm trà nhỏ tuyền một màu dùng riêng cho mình ngậm vào vòi tu ừng ực. Ai cũng tường lão tán thưởng ý kiến Lã Hiển Khanh, nào ngờ đợi cho vị ái liên cư sĩ đó ngậm miệng, lão mới lên tiếng:
- Nhắc đến lịch sử, đều là chuyện quá khứ, chẳng ai được thấy. Ai tìm được chứng cứ thì người ấy có lí. Thường người ta vẫn nói chân bó có từ Yểu Nương, song ai dám nói chắc con gái đời Đường tuyệt đối không bó chân? Y Thế Trân trong sách Lang hoàn ký có nói khi Dương Quý Phi bị Đường Minh Hoàng ban cho cái chết ở gò Mã Ngôi, có người con gái tên Ngọc Phi nhặt được đôi giầy đầu chim sẻ của nàng, đế bằng gỗ đan mỏng, chiều dài chỉ có ba tấc rưỡi. Song đấy chưa phải chứng cớ duy nhất. Trong bài Vịnh bức tranh Dương Quý Phi múa khéo, Từ Dụng Lí cũng có mấy câu: "Khúc án nghê thường túy vũ bàn, Mãn thân hương hãn khiếp y đan, Lăng ba bộ tiểu cũng tam thốn, Khuynh quốc mạo kiều hoa nhất đoàn." [2] Chân mà ba tấc chẳng phải chân to rồi! Đủ thấy Quý Phi bó chân trước cả Yểu Nương kia. Lại nói người đời Đường bó chân đầu tiên, thì Đỗ Mục cũng có hai câu: "Điền xích tài lường giảm tứ phần, Tiêm tiêm ngọc quẩn lỏa khinh vân." [3] Một thước giảm đi bốn phần, hỏi còn lại bao nhiêu?
- Cụ Đồng ơi, cụ chớ quên đó là thước đời Đường, không dài ngắn như thước dùng ngày nay đâu? - Lã Hiển Khanh vừa nghe vừa tìm chỗ sơ hở, nắm được điểm sơ hở này bèn kêu to lên.
- Hãy khoan, điểm này tôi cũng đã khảo rồi. Người đời Đường sao có thể không dùng thước đời Đường? Thước đời Đường một thước bằng tám tấc Giang Tô, thước Giang Tô lại dài hơn thước Doanh tạo [4] một tấc. Câu thơ nói một thước giảm bốn phần tức là sáu tấc đời Đường, quy ra thước Giang Tô là bốn tấc tám, quy ra thước Doanh tạo ngày nay là bốn tấc ba. Không bó chân mà bốn tấc ba được sao? Cụ nói thế nào?
Lã Hiển Khanh trong chốc lát không đáp được, mắt trợn ngược lên, mồm há hốc. Kiều Lục Kiều vỗ tay kêu to:
- Hay quá, xem ra người tài lại ở vệ Thiên Tân, thôi đừng có để mắt tận đâu đâu nữa!
Mọi người chuyển ánh mắt kinh ngạc từ ông khách Sơn Tây sang Đồng Nhẫn An. Nhưng Lã Hiến Khanh cũng là người giỏi, từng khổ công tu luyện. Người giỏi hay hiếu thắng, mới vài ba hiệp đâu đã chịu thua vãi đái, cho nên nghỉ một chút rồi lời lại tuôn ra. Lã Hiển Khanh nghếch cằm lên nói:
- Lời cụ Đồng nói nghe ra cũng có lí. Nhưng chỉ lấy hai câu thơ làm chỗ dựa e còn mỏng quá. Sách Đường Ngũ lâm có chép, đời Đường, vợ kẻ sĩ nói chung còn mặc áo của chồng, đi hài của chồng, đủ thấy họ không hề bó chân.
- Cụ nói phải, nhưng tôi không nói tất cả đàn bà con gái đời Đường đều bó chân mà chỉ nói có người bó chân. Có hay không là một chuyện, tất cả hay không là một chuyện khác. Theo khảo cứu của cụ thì bó chân khởi đầu từ triều nào, đời nào chứ không phải triều nào, đời nào thì trở thành phong tục, có phải thế không ạ? Chúng ta bàn cái gì, trước hết phải xác định cho rõ, tránh ông nói gà, bà nói vịt, lạc đề mà chẳng rõ được cái gì̀. Lại nói tìm căn cứ trong thơ Đường, quyết chẳng chỉ có vài ba câu ấy đâu. Bạch Lạc Thiên có câu: "Tiểu đầu hài lí trách y thường." [5] Tiêu Trọng Khanh cũng có câu: "Túc nhiếp hồng ti lí tiêm tiêm tác tế đầu." [6] Cả hai đều nói mũi giầy con gái đàn bà đời Đường rất nhỏ. Theo lễ tiết đời Đường, đi không được đi nhanh, đi nhanh là thất lễ. Lấy vải bó gò chân lại, tự nhiên bước chậm ngay. Đó là chuyện có tình có lí. Còn như bó thành kiểu nào, cách nào, bao lớn, xin dành lúc khác.
- Hóa ra hôm nay học được khối điều hay. Cụ Đồng ở vệ Thiên Tân hạn định lịch sử bó chân có tự đời Đường! - Giọng nói Lã Hiển Khanh có ý châm biếm nhưng che giấu không nổi thế cùng quan nhất thời. Lão làm ra vẻ không muốn tranh cãi, so đọ kiến thức nữa.
Đồng Nhẫn An tươi cười như câu chuyện mới bắt đầu, liền nói tiếp:
- Nếu nói về hạn định, theo tôi, đời Đường cũng là muộn. Sách Chu Lễ có Lũ nhân, ấy là chức quan trông coi giầy dép cho vua và các cũng phi. Những là guốc đỏ, guốc đen, cạnh đế son, cạnh đế vàng, thanh câu, dép trơn, dép vải đều là giầy dép các kiểu. Coi trọng giầy dép tức là coi trọng bàn chân. Con gái đời Hán thích hài mũi nhọn, cứ xem bức tranh vẽ trên tường ở nhà thờ Vũ Lương thì thấy mẹ ông Lão Lai, vợ ông Tăng Tử đều đi giầy mũi nhọn cả. Hóa thực truyện trong sách Sử ký chép: "Nay con gái nước Triệu, nước Trịnh chải chuốt hình dong, gảy đàn, vung vảy tay áo dài, đi hài sắc." Hài sắc tức là giầy nhọn mũi. Địa lí chí trong sách Hán thư có viết một câu rất quan trọng là "con gái nước Triệu gảy đàn nhón dép"; ông sư Cổ chú thích, dép hối ấy cũng là giầy, là một loại giầy nhỏ không đế, nhón là đứng thật nhẹ nhàng. Do đó thấy rằng con gái đời Hán cho rằng đi giầy nhọn, bước ngắn, đứng nhẹ nhàng là đẹp. Tất nhiên muốn vậy phải bỏ nhiều công phu với đôi chân, ấy là phải làm cho đôi chân nhỏ đi. Sách Cấp tựu chương của Sử Khích có câu: "Tháp đề ngang giốc hạt mạt cân", [7] chỗ chú thích bên dưới không biết cụ có để ý không nhỉ? Chú thích nói rằng tháp là giầy lớn, mũi sâu mà dốc, đế bằng, tục gọi là "tiển", đề là giầy nhỏ bằng da mỏng, cân là bó chân. Câu này còn cần nói rõ nữa không? Cụ muốn nghe thời tôi còn nhiều thí dụ lắm, chỉ e làm mất nhiều thì giờ của các vị khách nên không dám. Cứ cân nhắc kĩ những điều ghi chép vụn vặt trong số sách trên cũng thấy bó chân e chưa thể nói chắc bắt đầu từ đời Đường được. Ai cũng bảo lịch sử là chết cứng, tôi lại thấy lịch sử sống động. Ai cho nó chết cứng, xin cứ đợi người khác đến lật sống lên cho coi!
Lã Hiển Khanh dường như bị đối phương ném xuống nước, dìm dưới nước, không đờ đẫn thì cũng ngẩn ngơ, mặc cho người làm gì thì làm. Kiều Lục Kiều vui mừng hơn cả lúc nãy:
- Thôi rồi, thôi rồi! Hôm nay tôi mới biết không có kiến thức mà thưởng ngoạn chân nhỏ thì cũng chỉ là thưởng ngoạn ấm ớ thôi.
Ngưu Phượng Chương rụt cổ lại:
- Nói hay đến mức tôi cũng muốn bó chân đây!
Trận cười nổ ra như muốn tung cả mái nhà. Ngưu Phượng Chương người không cổ quái nhưng ý nghĩ lại khác thường. Lão luôn cảm thấy mình hèn mọn, thỉnh thoảng lại tự chế nhạo mình một câu để đỡ phải bị người khác nhạo báng. Nhưng hôm nay không giống mọi khi. Đồng Nhẫn An đang hào hứng, một bụng kiến thức đang muốn xổ ra nên bắt lấy lời Ngưu Phượng Chương, cười nói:
- Ông Năm chớ nói vậy. Thời nhà Minh quả có người đàn ông bó chân giả làm nữ, trà trộn trong đám đàn bà để kiếm chác, việc bại lộ phải ở tù đến mấy năm, khi được thả ra ai cũng chửi mắng, không trốn tránh vào đâu được, vì ai cũng nhận ra hắn ngay.
- Sao vậy? - Ngưu Phượng Chương gắng mở to đôi mắt ti hí hỏi.
- Chân đã bó nhỏ rồi, còn to ra được sao? - Đồng Nhẫn An đáp.
Mọi người lại cười âm lên. Ngưu Phượng Chương dậm hai chân kêu to, giả bộ ngớ ngẩn để chọc cười.
- Thế thì tôi chẳng bó đâu! Chẳng bó đâu!
Hoa Lâm phảy mấy ngón tay thon trắng muốt:
- Chớ, chớ! ông Năm Ngưu mà bó chân thì chẳng ai nhận ra đâu.
Nói xong, lão đợi mọi người gạn hỏi tại sao mới nói nốt phần sau:
- Ông Năm Ngưu làm tranh giả cứ́ như thật, vậy thì bó chân càng giống thật chớ sao! - Hoa Lâm nói mắt không nhìn Ngưu Phượng Chương, cũng không nhìn Đồng Nhẫn An mà như nhìn mái nhà.
Câu châm chọc này ai đó nói còn có thể được, nhưng Ngưu Phượng Chương và Hoa Lâm là đồng nghiệp, đều vẽ tranh cả, đồng nghiệp nói nhau như thế không được. Ngưu Phượng Chương đảo mắt, đốp ngay trở lại:
- Tranh giả của tôi chỉ lừa được ông Bảy Hoa nhà ngài, đâu có qua được rnắt cụ Đồng. Đúng không, đúng không? Hử?
Câu này Ngưu Phượng Chương vừa lấy lòng Đồng Nhẫn An vừa chọc tức Hoa Lâm. Hoa Lâm làm ra vẻ thanh cao, nhưng người thanh cao thường không biết ứng biến, nên càng thua đậm hơn, mặt trắng bệch ra vì tức giận.
Kiều Lục Kiều nói:
- Thôi ông Năm ngậm miệng giỏng tai mà nghe đi đã. ông không thấy cụ Đồng đang đua tài với ngài cư sĩ về học vấn đó sao. Hôm nay Ngô Đạo Tủ, Lí Công Lân có đến cũng xin mời các vị biến cho. Mấy người chúng ta chỉ đến đây vì chân bó mà thôi!
Ngưu Phượng Chương lập tức bưng lấy mồm, nói to như bò rống:
- Vậy xin mời cụ Đồng truyền lại kiến thức cho chư vị đây.
Đồng Nhẫn An đè bẹp được Lã Hiển Khanh, chiếm lợi thế nên vui lắm, nhưng lão không hề tỏ ra đắc ý mà cũng không tỏ khắc bạc, ngược lại càng ra vẻ cao thâm. Lão thầm nghĩ nên lùi một bước, chủ không nên lấn khách, đắc ý rồi nên tha, thứ mới gọi là độ lượng. Bởi vậy lão không nhìn Ngưu Phượng Chương, chỉ đặt ấm xuống, nhã nhặn nói:
- Đâu coi được là kiến thức, chẳng qua mấy câu chuyện phiếm thôi mà. Chuyện đời hầu hết đã mấy ai nói cho rõ, cho rành được đâu! Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, thật ra đều có lí cả. Người ta bảo việc nào cũng chỉ có một cái lí, còn tôi, tôi bảo việc nào cũng có hai cái lí. Mỗi người có cái lí của mình, thế là thiên hạ thái bình. Mọi người tranh nhau một cái lí, thế là thiên hạ bất an. Người xưa thích tìm ra sự thật, truy cứu xem gà đẻ ra trứng hay trửng nở ra gả. Ai đẻ ra ai mặc xác! Có gà chén, có trứng xơi, anh chén gà, tôi xơi trứng, anh chén trứng, tôi xơi gà; hoặc anh chén cả trứng lẫn gà, tôi cũng xơi cả gà lẫn trứng, thế chẳng đều ăn ngon, đều no bụng cả sao? Cư sĩ ơi! Thôi ta gạt chuyện phiếm đó ra một bên, chớ làm lỡ việc chính. Thi chân ngay bây giờ để ngài coi, ngài coi chân nhỏ rồi cho chúng tôi nghe lời bình, ấy mới thật là truyền kiến thức, có được không?
- Phải lắm, phải lắm! - Lã Hiển Khanh vừa nãy còn căm gan, rối ruột, lúc này gan ruột đều nở ra. Lão bị Đồng Nhẫn An dồn đến miệng giếng, tiến không, được mà lùi cũng không xong. Ai ngờ mấy câu vừa rồi của chủ nhà lại bắc sẵn bậc cho lão thư thái bước xuống. Lão thầm nghĩ đất Thiên Tân gây dựng nên từ bến tầu, người bến tầu ghê gớm lắm, thôi thì cứ cưỡi lừa nhẩn nha xem phong cảnh, nắm được dịp lại đấu một keo!