Chương 47
Tác giả: Quỷ Cổ Nữ
Kể từ ngày Thi Di bị hại, Quan Kiện thấy thế giới xung quanh anh đã sụp đổ. Khi đẩy cửa chính bước vào giáo đường, Quan Kiện nhìn thấy bà xơ họ Sái nằm trên vũng máu, cảm giác này lại xâm chiếm lòng anh dữ dội. Tấm áo lễ màu trắng bất lực buông thõng dưới cái bàn sắt vẫn đặt hòm công đức mọi ngày.
Mình có thể nhìn thấy cái chết mà không thể ngăn chặn bi kịch xảy ra
Chính điều này đã là 1 bi kịch quá lớn! Nhắm mắt lại nhìn thấy 1 cái xác, cái xác tương lai, đang nằm vật trên chiếc giường sắt. Anh đã không thể phân biệt nổi đó là “bọn chúng” lại xuất hiện hay đó là hình ảnh in sâu trong vỏ đại não của mình.
Điều này cũng chẳng quan trọng, điều quan trọng là các cuộc tàn sát đẫm máu, những sinh mệnh phải ra đi dưới lưỡi dao mổ… sẽ còn xảy ra với những người quen và người lạ. Và cả mình nữa, mình đã trở thành cái gì? Nhân vật mục kích hàng loạt cái chết? Gánh chịu vô số đau đớn? Mình đâu phải là Jesus!?
Tâm trí và cơ thể cùng quằn quại, Quan Kiện không thể nằm yên, anh ngồi bất động ở đầu giường, nhắm mắt. Anh không thể không nghĩ đến Thi Di, Văn Quang, những người đã chết và sẽ chết. Nếu nói lúc này anh đang “suy sụp” thì chưa đủ và cũng không đúng. Anh thậm chí đã nghĩ có lẽ mình chết đi thì mới giải quyết được cốt lõi của mọi vấn đề. Tại sao cứ phải vào lúc này thì mình mới thể nghiệm được ý nghĩa đáng buồn của cái tên mình?
Sao mình phải bi quan thế này? Chỉ trong vòng 2 tháng đã chứng kiến bốn vụ thảm sát cực dã man đối với những người ít nhiều có liên quan đến mình. Chỉ có kẻ vô tâm, vô cảm hoặc mắc bệnh thần kinh thì mới không bi quan ngao ngán. Anh đã bước ra đến cửa từ lúc nào chẳng biết.
- Kiện à! Sao không nằm nghỉ nữa? Con lại định đi đâu thế? Bà Vạn Đình Phương đang lúi húi trong bếp đã kịp thời gọi anh.
- Con không ngủ được, muốn ra ngoài đi dạo 1 lát.
- Mẹ sẽ đi với con! Bà Phương vội lau tay vào tạp dề.
- Mẹ hãy tha cho con đi, được không? Con chỉ muốn đi dạo 1 mình cho yên tĩnh, ngồi nhà buồn quá. Quan Kiện nói để mẹ yên tâm và hứa sẽ sớm trở về ăn bữa tối.
Quan Kiện đạp xe lao nhanh men theo bờ sông Ngân Kỳ đang lấp lánh ánh bạc, như muốn để cho gió rít bên tai, xua đi bao nỗi phiền muộn.
Đôi chân anh đã bắt đầu tê cứng, tâm trạng anh hình như cũng càng nặng trĩu.
Anh dừng lại, nhận ra mình đã đi đến cầu Trúc Lam. Cầu Trúc Lam là 1 trong “mười nơi có ma ở Giang Kinh”
Nghe đồn rằng khi gặp ma, nếu dùng cái giỏ tre buộc sẵn thừng ở dưới cầu mà múc thì giỏ vẫn giữ được nước. Ngày trước mỗi lần nghe ai nói thế, Quan Kiện vẫn cười đau cả bụng.
Có mấy học sinh trung học đang cười giòn tan, thả những cái giỏ tre xuống sông Ngân Kỳ (Hàng ngày đều có hàng trăm người dân thành phố hoặc du khách đến chơi cái trò vui này, địa phương cấm mãi chẳng được, thế là thành phong tục). Họ múc lên 1 số cọng cỏ, nước thì chảy hết sạch. Đám học trò đi rồi, Kiện bước lên, rồi cũng múc chơi.
Nếu không phải là “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” thì anh chẳng còn cách khác để giải thích hành động của mình.
Và càng không thể giải thích nổi tại sao anh lại múc được đầy nước!
Soi vào giỏ nước, anh thấy khuôn mặt mình đang sóng sánh.
Mặt anh dần biến thành nhiều chiếc giường sắt, người nằm trên giường mặc áo trắng tinh. Một trong số đó chính là anh. Những con cừu non đang chờ làm thịt!
Anh buông ra, cái giỏ rơi xuống và vẫn treo lửng lơ dưới cầu. Nhưng nước thì đã chảy mất tự bao giờ rồi.
Ôi, Gặp ma!
Kiện đã tin lời của Âu Dương San. Mình đã gặp ma thật!
Không những gặp ma, mà còn gọi được ma đến, vì mình, nên những người quen đều biến thành ma rồi. Mình đúng là cốt lõi của mọi việc, liệu có phải nếu mình không tồn tại nữa, thì tất cả những chuyện tà ma và hãi hùng sẽ tan biến?
Mình sẽ còn phải nhìn thấy bao nhiêu xác chết bị mổ phanh?
Có lẽ, mình đâm đầu xuống sông Ngân Kỳ thì mọi đau buồn sẽ chấm dứt, mọi bi kịch sẽ có hồi kết? Kiện co chân gác lên lan can cầu.
Trên cầu, xe cộ và người qua lại đông đúc hối hả, không một ai chú ý đến anh đang ở tư thế nguy hiểm. Bỗng có một đôi tay ôm chặt lấy lưng Kiện. Bị bất ngờ, anh bị lôi mạnh ngã đến huỵch 1 cái.
- Anh định làm gì? Âu Dương San kêu lên. Định nhảy xuống sông hả?
- Kìa, em… toàn thân anh bỗng đầm đìa mồ hôi.
- Nếu em không bám theo anh, thì hôm nay anh đã mắc sai lầm quá lớn!
- Em đã quên à, anh là vận động viên bơi lội kia mà!
Kiện cố nói để xuê xoa sự kiện “mất hồn”vừa rồi, kẻo San về bẩm báo với cha mẹ anh, thì chắc anh sẽ bị “giam lỏng”.
- Đừng giả vờ cứ như không nữa đi! Vừa rồi anh làm sao vậy?
- Không… không sao cả. Anh chỉ muốn được yên tĩnh…
- Lẽ nào anh không biết nếu tắm ở sông này thì người ta sẽ xúm lại xem à?
Kiện đành “đầu hàng” vậy. “Anh đang rất tuyệt vọng… Anh đâu có thể cứ đứng mà nhìn suông từng người vô tội phải ra đi…”
- Ôi, thế là em đã nhìn nhầm về anh…! San giận dỗi nói - Từ sau khi Thi Di và Văn Quang ra đi, anh vẫn rất kiên nghị. Em rất khâm phục anh vẫn quyết tâm truy tìm sự thật, em biết vì thế mà anh phải chịu bao đau khổ về thể xác và về tâm lý. Em càng thấy rõ anh Quan Kiện mà em biết từ nhỏ thật sự là 1 trang nam nhi đầy bản lĩnh. Nhưng rồi anh đã rũ bỏ tất cả, đúng không? Anh có nghĩ rằng, hung thủ càng điên cuồng thì càng chứng tỏ anh đang bước đến gần sự thật? Những việc anh đã làm và phát hiện được đã khiến hung thủ trong bóng tối phải giật mình. Cho nên chúng mới giết người liên tiếp như thế. Em đã không nhìn nhầm.
- Thực ra anh rất yếu đuối, anh bất lực không thể ngăn chặn thảm kịch xảy ra.
- Đó không phải là lỗi của anh, anh không hề yếu đuối và anh cũng đâu phải siêu nhân!
- Có lẽ nếu anh không tồn tại nữa thì sẽ không có nhiều người phải chết… Quan Kiện cúi đầu.
- Hung thủ là kẻ tàn độc như thế, anh cho rằng nếu anh biến mất thì chúng sẽ ngừng giết chóc hay sao?
Kiện ngẩng phắt đầu lên, nắm chặt đôi vai San: “Em nói xem, nếu hung thủ là anh thì sao? Liệu hung thủ có phải là anh không?”
- Chỉ nói bừa! nếu anh không tin ở mình, thì còn mong gì ai tin anh nữa! Cô lắc lắc người Kiện thật mạnh như muốn gọi anh mau tỉnh khỏi cơn mê. Em không tin anh có thể làm chuyện tàn ác, anh không làm nổi! Chúng ta quen nhau từ bé, em còn không hiểu anh hay sao? Anh dù không tin mình thì cũng phải tin ở em chứ!
Kiện thấy lòng như ấm lại, anh chợt nhận ra rằng, tuy mình đau đớn vì mất Thi Di nhưng cũng nhận được một tình cảm chân thành bù đắp. Có lẽ mình đã quá hấp tấp oán trách số phận. Anh im lặng hồi lâu.
- Cảm ơn em! Lâu nay nếu không được em quan tâm, chắc anh đã suy sụp từ lâu rồi. Anh cảm động nhìn San. Có những lúc anh rất buồn chán, bực bội, đã có thái độ không hay đối với em. Em không trách anh chứ?
San nói: “Em vẫn mong mãi câu nói này của anh. Em cứ nghĩ rằng, những lời anh dỗ dành em từ hồi đi nhà trẻ, anh đã nói hết rồi… Em đâu có thể trách gì anh? Bất cứ ai khác gặp những chuyện như đã xảy ra đối với anh, đâu có dễ mà chịu đựng? Em rất khâm phục anh dám chịu đau đớn để tham gia thí nghiệm nhằm tìm ra hung thủ đã hại Thi Di, nhưng em vẫn không hiểu tại sao anh lại không muốn em giúp đỡ?”
- Này, em còn nhớ anh từng than thở với em không: Tại sao Thi Di điều tra về cái chết của cha mình, mà không hề nói với anh một câu?
San vốn thông minh, cô nghĩ ngợi một lát rồi nói: “Sau khi xảy ra ngần ấy vụ án mạng, giờ đây em hơi hiểu ra điều này: Thi Di đã sớm ngờ rằng bất cứ ai dính vào cuộc điều tra này đều có thể gặp bất hạnh, cho nên cô ấy không cho anh biết… vì lo cho anh! Em thậm chí nghĩ là, nếu hồi trước Thi Di cho anh biết chuyện, thì e ngày nay anh đã không…”
- Đúng thế, chưa biết chừng anh đã bị hại rồi! Giờ đây chắc em đã hiểu tại sao anh không nói với em và cả cha mẹ anh nữa.
- Thế thì tại sao anh…?
- Em nói về Yasuzaki Satikô chứ gì? Cha cô ấy cũng bị giết ở Giang Kinh, cô ấy luôn luôn cho rằng những cái chết rải rác trong mười năm của cha mình, của ông Yamaa Tsuneteru và cha Thi Di, cái chết của Thi Di và Văn Quang đều liên quan đến nhau!
- Nhưng mà, chính anh cũng muốn Thi Di cho anh biết việc làm của mình, thì em cũng thế… San có ý thuyết phục Kiện.
Kiện vội lắc đầu: “Anh nói không lại được với em. Nhưng chuyện này em vẫn không thể nhúng vào”
San nhìn vào mắt Kiện: “Thôi được, em không nói nữa. Bây giờ Bác sĩ Âu Dương San chẩn đoán: mắt Quan Kiện đỏ ngầu thế kia, mắc bệnh thiếu ngủ! Anh phải về nhà mà ngủ đi thôi! Em sẽ ngồi bên cạnh đọc tiểu thuyết được chưa?”
Kiện gật đầu. Hai người sánh vai, dắt xe đạp đi về, máy di động của anh bỗng đổ chuông.
Kiện nghe máy, ngớ ra: “Satikô? Em đấy ư? Em đang ở đâu?”
Đôi mắt to tròn của San chớp chớp, cô ra hiểu mình sẽ tránh ra xa, nhưng Kiện kéo cô đứng lại, tỏ ý không cần phải làm thế. San cố ý dùng ngón trỏ “nút” tai mình lại, nhìn vẻ mặt lúng túng của Kiện, cô bật cười tinh quái.
- Em đang ở Nhật Bản, vừa nhận được email của anh Toyokawa Takeshi, đã biết tin nữ tu sĩ Sái bị giết hại. Đang ở xa mà em rùng mình, sởn tóc gáy, mẹ em cũng buồn rầu khóc mãi. Bao năm qua mẹ em và bà Sái là bạn thân… Em nghĩ ngay đến anh, liệu anh có thể chịu đựng nổi cú sốc này không?
- Cảm ơn em đã quan tâm, anh… vẫn khỏe! May mắn vẫn được người nhà, bạn bè quan tâm… được em quan tâm… Tiến sĩ Yamaa Yuuzi và tiến sĩ Chiba Ichinose cũng đã gọi điện chia buồn. Khi Kiện nói mấy câu này, sắc mặt của San thay đổi đến mấy lần.
- Em và mẹ em còn phải ở lại đây vài hôm nữa, em đã phát hiện được ở Nara 1 vài chi tiết, giả thiết của em và mẹ em cũng có được 1 số căn cứ…
- Ở Nara? Thì ra đó là mục tiêu chuyến đi của em? Anh nhớ rằng, em đã nói Nara là quê của cha em?
- Cũng là quê của ông nội em, ông em có 1 khu nhà ở đó, em và mẹ vẫn về đó nghỉ hè và nghỉ đông. Khi cha em còn sống thì rất hay về đó.
- Nếu em không ngại… thì cho anh biết về phát hiện mới được không?
- Không! Em cứ gửi vào di động cho anh!
Vài giây sau, một bức ảnh đã xuất hiện trên màn hình của Quan Kiện. Ảnh đen trắng, ảnh cũ chụp chung 3 quân nhân trẻ Nhật Bản.
Yasuzaki Satikô giải thích: “Mấy hôm nay em và mẹ em dành thời gian lục lại mọi thứ cất trên gác của ngôi nhà cũ này. Kiểm tra lại các thứ mà cha em và cả ông nội em ngày trước để lại, trong đó có bức ảnh này. Em đã nhận ra… và chắc anh cũng có thể nhận ra người cao nhất trong đó chính là ông Yamaa Tsuneteru, người đeo kính là ông em, người thứ 3 thấp nhất, mẹ em nói đó là “đại ca” Kuroki Katsu rất thân với ông Yamaa Tsuneteru”
- Nói thế tức là ông em, ông Yamaa Tsuneteru và ông Kuroki Katsu đều là bạn cả?
- Là đồng hương và là bạn học, về sau có thể là chiến hữu gì đó… chiến hữu xâm lược Trung Quốc
- Liệu vấn đề này có giúp ích gì cho việc điều tra của chúng ta hiện nay không?
Satikô tạm dừng lại, nghe thấy cô nói gì đó với mẹ bằng tiếng Nhật, rồi nói với Kiện “Cha em tính tình hơi khép kín, ngày trước tuy rất yêu mẹ em nhưng hình như ông vẫn giữ 1 điều bí mật không cho ai biết. Cho đến khi ông bất ngờ bị hại, mẹ em mới biết rằng chưa biết chừng nỗi bất hạnh này liên quan đến cái bí mật kia…”
Về sau mẹ em sang Giang Kinh, trong mấy năm trời mẹ em đã đến tất cả những nơi ở Trung Quốc mà cha em đã từng đi qua, đã hỏi thăm rất nhiều người. Ngoài việc xác định được rằng cha em rất chuyên tâm cho công tác khảo cổ các di tích kiến trúc ra thì không biết được bất cứ thông tin nào gọi là manh mối. Cũng không thể biết có liên quan gì đến cái chết của ông Yamaa Tsuneteru hay không. Cho đến hôm nọ ở nhà hàng Hoa Lãng, nghe 2 nhà báo nói rằng ông Yamaa Tsuneteru từng làm quân y, em về nói lại với mẹ, mẹ em mới nhớ ra rằng ông em là Yasuzaki Munemitsu cũng là bác sỹ quân y trong đội quân xâm lược Trung Quốc, tử trận ở Trung Quốc, nhưng chính phủ không hề cho biết 1 tin tức cụ thể nào về thời gian, địa điểm tử trận… và tất nhiên không có hài cốt hoặc lọ tro. Hồi cha em còn nhỏ, thậm chí đã nghe có kẻ phao tin đồn nhảm rằng ông em bị bắt rồi ở lại Trung Quốc, khiến cha em rất khổ sở. Anh cũng biết đấy, quân nhân Nhật Bản coi sự đầu hàng là điều sỉ nhục, ông em “tử trận” rất không rõ ràng, nên bị ngờ là đã đầu hàng, thì cũng không hẳn là quá đáng. Cho nên, mẹ em mới nghĩ đến 1 giả thiết táo tợn rằng liệu có phải điều bí mật mà cha em vẫn giữ kín chính là vấn đề đã khiến cha em bị bức xúc suốt thời niên thiếu và vì thế ông phải tìm kiếm nguyên nhân và địa điểm ông nội em bị chết?
Về đến Nhật Bản mẹ em tìm đến cục lưu trữ hồ sơ và thư viện liên quan để tra cứu tài liệu, quả nhiên có thấy ghi rằng ông Yasuzaki Munemitsu nhập ngũ năm 1939, là trung úy quân y trong đội quân Quan Đông, “hy sinh vì nước” năm 1945 nhưng không nói cụ thể gì khác. Đáng ngờ nhất là hồ sơ đã ghi mới đầu đóng quân tại Cáp Nhĩ Tân thuộc Đông Bắc Trung Quốc, năm 1941 được thăng chức trung tá rồi bị điều động đi nơi khác, nhưng không ghi rõ điều động đi đâu.
- Giang Kinh! Kiện bỗng buột miệng nói.
- Tại sao anh lại đoán như thế? Satikô không tỏ ra ngạc nhiên, rõ ràng là cô cũng đã nghĩ như vậy.
- Nếu giả thiết của mẹ em là đúng, cha em hồi còn sống đã đi tìm tung tích ông cụ ngày xưa nhập ngũ rồi sang Trung Quốc, anh cho rằng giả thiết này rất có lý, nhất là cha em lại chọn ngành nghề như thế, lại có hứng thú với văn hóa, khảo cổ và lịch sử, thì có thể nói rằng, khi cha em nán lại Giang Kinh cũng là khi ông ấy đã tìm ra chứng cứ. Ông nội em ngày xưa bị điều động đến Giang Kinh đang bị bao vây, và ông cũng đã “hy sinh vì nước” cũng ở Giang Kinh!
- Đúng là mẹ em và em cũng nghĩ như thế. Có lẽ cha em đã “tìm ra” Giang Kinh và cả địa điểm cụ thể nữa. Nếu thế thì nó ở đâu? Tiếc rằng bà nội em đã mất, còn các vị họ hàng cao tuổi thì không biết ông em ngày xưa phục vụ ở đâu. Hiện nay chỉ biết cha em bị hại ở nhà thờ Đức Mẹ, ông Yamaa Tsuneteru cũng có liên quan đến nhà thờ này, vừa rồi bà xơ họ Sái bị giết cũng ở nhà thờ, tại sao vậy? Mẹ em từng nghe bà Sái nói rằng nhà thờ ấy đã có 100 năm lịch sử, trong những năm 40 Giang Kinh bị tạm chiếm, vẫn hoạt động bình thường. Xét về lý thì nó chẳng dính dáng gì đến quân đội Nhật cả. Em nghĩ rằng nếu tìm ra vị trí doanh trại Nhật Bản hồi đó thì mới có cơ may tìm ra thêm các manh mối.
Quan Kiện thấy đầu mình vừa hưng phấn lại vừa rối loạn “Nhưng, dù có tra ra được thì hình như cũng không liên quan gì đến cái chết của Thi Di và 1 lô các vụ án mạng kia…”
- Lúc này thì chưa nhận ra có liên quan gì rõ rệt. Việc chúng ta điều tra về ông Yamaa Tsuneteru hầu như cũng tắc tị. Nay mới biết ông nội em và ông Yamaa Tsuneteru là bạn, thì lại thấy hình như có mối liên quan mơ hồ gì đó, cả nhà thờ Đức Mẹ nữa, cũng có liên quan đến cái chết của cha em, và cái chết của ông Yamaa Tsuneteru. Nếu anh vẫn cho rằng cái chết của Thi Di và của mấy người kia đều liên quan đến vụ án Yamaa Tsuneteru, thì cái chết của cha em cũng là 1 cái mắt xích trong đó cũng nên.
Cũng tựa như cái chết của ông Yamaa Tsuneteru, đâu chỉ đơn giản là 1 vụ án giết người cướp tác phẩm nghệ thuật? Kiện ngây người nhìn mãi bức ảnh đen trắng trên màn hình di động, rồi nói: “Còn Kuroki Katsu thì sao? Em đã tìm hiểu được về ông ta chưa?”
- Ông ta đã mất cách đây hơn 20 năm. Kiện im lặng, đầu anh vẫn rối bời. Satikô nói tiếp “Đã tra ra được ông Kuroki Katsu nhập ngũ, làm quân y trong đội quân Quan Đông, được thăng quân hàm Đại tá. Sau khi Nhật Bản thua trận, ông ta về Nhật mở “Công ty Dược phẩm Kuroki Katsu”, làm ăn rất lớn. Em và mẹ em cũng chỉ vừa rồi mới tra ra. Tiếc rằng, hơn hai chục năm trước, cậu con út yêu quý của ông ta mắc bệnh trầm cảm rồi tự sát, ông ấy đau buồn, sinh bệnh rồi qua đời”
- Hiện giờ anh thấy rất lúng túng, không rõ bước tiếp theo chúng ta nên làm gì?
Satikô nói: “Em cũng thấy rất bí. Có lẽ… đúng như anh nói, chúng ta điều tra có phần lan man, nhưng em lại cảm thấy đường hướng suy nghĩ duy nhất đúng là những cái chết của Thi Di, của Yamaa Tsuneteru và của cha em, cùng với các vụ án mạng phanh thây… đều có liên quan đến nhau!”
- Cha em và bà xơ họ Sái đều bị giết ở nhà thờ, ông Yamaa Tsuneteru lúc sinh thời cũng đã nhiều lần viếng thăm nhà thờ ấy, liệu chúng ta có nên đặt trọng tâm vào khu vực này không?
Mấy năm qua mẹ em vẫn coi khu vực này là trọng điểm. Ngụ ý của Satikô là nếu coi khu vực nhà thờ là trọng điểm thì chưa chắc đã có thu hoạch gì.
- Hay là, anh sẽ tìm hai nhà báo Nhật Bản nói chuyện xem họ có biết tình hình Giang Kinh thời Nhật tạm chiếm không? Nếu họ không biết thì chúng ta sẽ đi hỏi các nhà sử học nghiên cứu về Giang Kinh.
Tắt máy rồi, Quan Kiện mới nhận ra Âu Dương San đã đi ra rất xa, cô quay trở lại bình thản nói: “xem ra em là người bị ra rìa thật rồi. Hai người tuy không nói bằng tiếng Nhật, nhưng em nghe không hiểu nổi một câu!”