Chương 2
Tác giả: QUỲNH DAO
Đêm vẫn còn khuya, bốn bề chỉ có màn đêm và yên lặng. Bến xe đã bắt đầu náo nhiệt ngoại lệ và sáng rở ngoại lệ. Bao nhiêu ánh đèn xe rọi sáng. Đêm dần về sáng mà ánh đèn vẫn đều rọi đầy hình thái của các lữ khách. Người từ chỗ khác đến, người từ chỗ nầy, ai ai cũng tay xách tay mang, ai ai cũng rộn ràng. Thời gian đối với nơi nầy thật là quan trọng, mỗi phut đi có một giá trị đặc biệt.
Bạch Phù rất ít khi đến bến xe. Mỗi lần đến đều cho nàng cảm giác quá ư bận rộn. Hơn nữa, còn cho nàng ý thức, trên thế gian nầy có không biết bao nhiêu người léng phéng, tầm thường, mỗi người đều quần quật chạy theo cuộc sống mà dời dạt đó đây. Đời người là bận rộn như vậy sao ? Bận rộn như thế để làm gì ?
Trình dành xách hết va-li cho Bạch Phù. Nàng không thể không nghĩ đến đêm qua nàng đưa Vũ đi. Chỉ vì buổi tiển đưa ấy là hôm qua mà trong hồi ức hôm nay, hình ảnh tiển đưa trở thành một thứ mộng mơ buồn, đã trở thành một thứ gì như xa xôi lắm. Cả năm thì phải.
Từ hôm qua đến nay trong khoảng thời gian hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nàng bận làm và bận nghĩ luôn, không có một chút thong dong. Trải qua một ngày như vậy sánh với ngày thơ cũng bằng trải qua một năm. Một năm không nếm trải được gì để bây giờ trong một ngày, nếm trải quá ư đầy đủ ! Trước đây, không bao giờ nàng đi xa một mình. Bây giờ thì nàng phải lên xe, bắt đầu một khúc quanh mới trong cuộc đời.
Nàng trầm tư mặc tưởng, Trình đứng kề bên nói rót vào tai nàng hết câu nầy đến câu khác, nhưng dường như nàng có nghe mà không nghe. Nàng chỉ có gật đầu mà lòng thì bời rời rối rắm.
Gió thổi lồng, Bạch Phù dùng khăn bụm miệng, ém một tiếng ho khiến Trình lo lắng :
- Coi bộ em bị cảm lạnh rồi đó, tới Hương Cảng phải trị liền mới được.
Nàng không đáp. Điều Trình lo lắng luôn cả những việc vụn vặt khiến nàng cảm thấy hơi thừa... Bây giờ nàng chỉ muốn một mình cô độc ngồi yên một mình chờ đợi, ngồi yên để xe đưa đi, nàng không thiết có sự tiển biệt hay đưa đón gì cả.
Nàng nói thẳng với Trình :
- Anh về đi !
Nàng chợt cảm thấy giọng điệu của mình chẳng khác gì giọng điệu của Quang Vũ đêm qua. Nàng không biết Quang Vũ có coi nàng như một người thừa chăng ?
Vân Trình chỉ cái rương để tạm dưới đất :
- Để anh đưa cái nầy lên xe xong đã. Một mình em làm sao đưa lên nỗi ?
- Cám ơn anh ! Đợi em lên xe anh về nghen.
- Anh không về thì còn ở đây làm gì ? Trình cười, nụ cười tự nhiên trong sáng.
Bạch Phù lấy làm lạ về thái độ của Trình rồi cũng tự trách mình nói năng không khéo. Nhưng bây giờ đâu còn thì giờ để mà xem xét mình sai ở điểm nào. Có tiếng còi rồi xe vào trạm.
Xe vào trạm như một con thú lớn đáng sợ, mắt sáng rỡ tròn xoe, tiếng rống khủng khiếp, làm rung động cả chỗ đứng chờ.
Xe vừa dừng lại thì Trình đã nhảy lên. Bạch Phù cũng bước theo. Hành khách rất đông, chỗ trống không còn là mấy. Một phần lớn họ Ở trong trạng thái ngủ gà ngủ gật. Các cánh cửa sổ đều đóng kín mít tạo không khí trong xe thành nực nội, chật và buồn. Thoạt bước vào Bạch Phù rất khó chịu. Nàng nghe đầu hoa và buồn nôn...
Trình cao hứng thế nào, nắm tay kéo nàng :
- Đằng kia có chỗ trống.
Bạch Phù mỉm cười và cố gắng bước theo. Hai chỗ ấy là của hai người vừa bước ra ngoài. Ở đó, dường như có thêm không khí mới trộn lẩn hơi ạc-mô-nhắc. Trẻ con hay tiểu bừa bải trên xe.
Bạch Phù ngồi xuống đẩy tay mở cửa, hít mấy hơi dài không khí bên ngoài ùa vào mới nghe khỏe khoắn một chút. Nhưng gió đêm lạnh làm nàng ho khẽ.
Trình lật đật kéo kiếng pha lê :
- Gió lạnh quá, đừng mở cửa.
- Bên trong khó chịu quá.
- Đợi một chút xe chạy thì dễ chịu ngay.
- Anh ngồi xuống đi.
Trình nắm lấy cơ hội ngồi xuống bên nàng.
- Còn sớm chán.
- Anh không sợ xe chở anh đi luôn sao ?
- Có gì đáng sợ. Tôi có thể từ Hương Cảng sáng sớm mai trở về đây càng tốt.
Tự nhiên Bạch Phù nổi bực.
- Thôi mà ! Đừng có tính điên như vậy.
- Có gì mà điên. Anh phải lo cho em chớ, lỡ đi đường xạ..
Bạch Phù nói mau :
- Em lo một mình em được.
- Lo thế nào ? Thân gái một mình. Phải chi em...
- Phải cái gì. Anh lại muốn nói gì nữa đó. Em không thích đâu ? Anh lại vượt quá cái chỗ...
Bạch Phù muốn nói nhiều nữa, nhưng nói không được. Vân Trình ngắt :
- Anh có nói như vậy cũng hoàn toàn dựa vào chân tình bằng hữu, tuyệt đối không mảy may thiếu kính trọng ; bây giờ, em cảm thấy nói chuyện ấy là quá sớm, nhưng ngày tháng lần trôi, cái xuân có hạn, ai rồi cũng phải níu lấy thời gian. Hiện tại, em chưa biết sầu, bởi có chị để nương tựa, nhưng em đâu có thể theo chị sống đến trọn đời ?
Nàng lớn tiếng :
- Yêu cầu anh đừng nói nữa.
Thái độ của Phù, khiến Trình giựt mình. Trình muốn nhìn rõ mặt, nàng đã quay lưng.
- Em...
Trình lắp bắp :
- Trời ơi, em giận anh sao ?
- Không.
Nàng đáp nhỏ, cảm thấy mình đối với Trình hơi quá đáng.
Trình không dám mở miệng, cũng không biết nói gì cho phải. Trình chỉ nhìn vào mái tóc đen của nàng, muốn tìm lấy một cơ hội để chữa lại khuyết điểm vừa rồi, nhưng sợ nàng lại giận thêm. Lời nói của Trình như một con dao bén lại cứa sâu vào vết thương lòng của nàng. Gia đình nàng đâu ? Chị nàng đâu mà nương nhờ ỷ lại ?
Bạch Phù chua xót quá, nàng nhắm nghiền đôi mắt lại.
Tiếng bánh xe lăn đều trên đường nhựa. Xe đi nhanh, thân nàng theo đà đó, lắc lư điên đảo chẳng khác một chiếc lá rơi, một thuyền nan dồi dập giữa ba đào. Nàng không biết cách lái thuyền, cách thả lái. Nhưng nàng nhứt định cố gắng tránh thoát khỏi những cơn nguy.
Nàng nghe mệt mỏi, kiệt lực đến cổ khô, mắt bét, toàn thân không sao khỏi ngủ. Nàng nghĩ là mình đã chịu đựng quá nhiều và thay đổi tư thế. Nàng muốn tựa đầu vào thành cửa xe, nàng muốn được nghỉ ngơi.
Trình ngồi kề bên áy náy :
- Chật lắm phải không em ? Em có cần anh tránh ra không ? Em nên nằm một chút mới tốt.
- Không. Anh cứ ngồi chỗ anh. Em dựa vào đây được rồi. Nàng miễn cưỡng đáp và cười nhẹ.
Trình nhìn thấy Bạch Phù co ro tựa người vào thành ghế liền cởi áo ngoài đắp cho nàng.
- Ai làm gi `thế ?
Nàng giựt mình mở to đôi mắt. Chừng hiểu ra, nàng đưa áo trả lại Trình.
- Anh cầm đi, em không lạnh đâu.
- Em cần phải đắp cái gì. Bằng không ngủ quên sẽ lạnh.
- Còn anh ?
- Anh thì không sao ? Anh mạnh lắm, lại nữa bên trong đã mặc sẵn thêm áo.
Nàng biết mình khó thể từ chối. Người ta đã vì mình mà lo xa. Có thêm áo choàng, nàng cảm thấy ấm lại rất nhiều. Hơn nữa, áo choàng có hơi hướm con trai, nhè nhẹ đi vào khứu giác của nàng. Nàng vừa thấy bị kích thích vừa có chút phiêu phưởng hôn mê. Lần đầu tiên nàng cảm thấy Trình có sẵn thứ hấp lực của con trai đối với con gái.
Nhưng Bạch Phù đã trưởng thành. Nàng nghĩ tới những điều Trình nói. Chàng nói phải : Lớn lên có chồng, có vợ là định luật. Làm người không ai tránh khỏi điều đó. Nàng cũng vậy, phải có một ngày nàng lập gia đình.
Nghĩ đến việc kết hôn. Mặt nàng ửng hồng, toàn thân nàng như phát nóng ran lên. Chọn một người con trai để sống chung một đời, thật là một điều thần bí và cũng khó mà luận bàn.
Đến bây giờ Bạch Phù vẫn chưa biết mình chọn ai ? Hơn nữa, điều đó không phải mình chọn lấy mà được.
Mấy năm gần đây, thật ra nàng không hề nghĩ tới. Và có lẽ trong vài năm nữa nàng chưa dám nghĩ, trừ phi khi làm xong bổn phận đối với Vũ, nghĩa là phải chờ Vũ hết bịnh.
Bạch Phù nhớ hôm nào nàng có xem trên báo một cái tin : Hai anh em một người đi tắm sông. Người em không biết lội, bị nước cuốn. Người anh vì tận lực cứu em nên cùng chết cả đôi.
Điều bất hạnh kể trên đã gây thành ấn tượng sâu xa trong đầu óc nàng. Chị nàng bỏ đi, giao hết trách nhiệm lại cho nàng. Hàng ngày, nàng bận rộn vì trách nhiệm đó. Liệu nàng và Vũ có cùng chết cả đôi như những người tắm sông kia không ?
Bạch Phù rất thích đọc báo, đọc ở nhà, đọc ở sở làm những lúc rỗi rảnh. Nàng đọc đủ các thứ tin. Thói quen nầy tự nhiên là do Quang Vũ truyền nhiễm cho nàng. Ban đầu nàng cho là báo chí khô khan. Nhưng khi thấy Vũ đọc say mê, có thể mất nửa ngày để đọc báo thì nàng lấy làm lạ, cũng bắt chước đọc.
Do đó, nàng mới phát hiện trong thế giới bao la có không biết bao nhiêu chuyện, bao sự tình đầy hứng thú.
Hồng Liên, chị của nàng thì không dễ gì bị Vũ gây ảnh hưởng. Hồng Liên không hề đọc báo một cách say mê. Thỉnh thoảng, có xem thì cũng xem qua loa tin tức về điện ảnh quảng cáo của giới thương nghiệp.
Hồng Liên chỉ thích nghiên cứu cẩn thận các hóa phẩm sửa sắc đẹp. Nàng tính phải chính thuốc gì, ăn thứ gì để cho da dẻ mịn màng, thân hình uyển chuyển, vừa phải. Tất cả các thứ thuốc Mỹ viện quản cáo, Hồng Liên đều dùng thử.
Trông Hồng Liên còn trẻ chớ không già, Hồng Liên cũng biết con người ta không trẻ mãi được. Hễ dùng nhiều hóa phẩm mà đến lúc da mặt nhăn, nám rồi thì trông già hẳn đi. Cho nên Hồng Liên rất sợ già.
Nói Hồng Liên chỉ biết nghĩ đến dung nhan của mình thì cũng có hơi bất công. Thật ra, Hồng Liên cũng có nghĩ đến sức khỏe của Vũ. Nàng cũng cố tìm đọc trên báo các thứ thuốc trị bịnh phổi, mong sao cho Vũ sớm bình phục.
Bạch Phù nghĩ đến đấy chợt thở dài. Hồng Liên phát giá cviệc Kiến Dân lập tiệm thuốc ở Áo Môn cũng là nhờ đọc quảng cáo. Định mạng là thế chăng ?
Bạch Phù nhớ rõ cái hôm Hồng Liên xách báo chạy đôn chạy đáo về gọi nàng :
- Em, nè em.
Ánh mắt Hồng Liên thật sáng rỡ. Nhưng để che mắt Vũ, thái độ của nàng hết sức quỷ quyệt.
Bạch Phù vừa hiếu kỳ vừa hoang mang hỏi
- Cái gì đâu ?
- Em xem ai đây ?
Phù dán mắt vào chỗ Hồng Liên chỉ. Nhìn thoáng qua nàng đã thấy quảng cáo hiệu thuốc. Đến lần thứ hai thì nàng thấy tấm hình nhỏ, trông không thật rõ ràng, vẫn có thể nhận ra gương mặt người trong hình. Người ở trong hình là một người mới hoàn toàn, mặt phì nộm khác hẳn hồi còn trẻ.
Hồng Liên vỗ nhẹ nhẹ vai em :
- Người ấy là ai, em không nhìn ra sao ? Anh Kiến Dân đó ! Em không nhớ Kiến Dân đã làm trong Bác Nhơn y viện à ?
- Ạ. đây là anh Kiến Dân sao ?
- Cái con khỉ. Em nhớ không rõ đâu. Lúc bấy giờ, em còn nhỏ, chớ chị thì biết rõ Kiến Dân lắm. Đôi mắt nầy, cái mũi nầy không là Kiến Dân thì ai ? Có đem đốt Dân ra tro chị cũng nhận được nữa. Bây giờ thì Dân giàu lắm.
Bạch Phù lật đật đỡ tờ quảng cáo, đồng thời nghĩ tới ngày nào Kiến Dân chỉ là một viên chức quèn trong y viện.
- Sao lại không có thể ? Kiến Dân học về thuốc mà !
- Nhưng anh tạ..
- Dân nghèo lắm, phải không ?
Hồng Liên nhảy mũi, cười lạt tiếp :
- Em cho hễ nghèo rồi thì không thể giàu được ? Đời người ta mà, thay đổi mấy hồi. Em hiểu không ? Em biết không ?
Bị chị hỏi dồn. Bạch Phù gật đầu lia lịa. Nàng nhìn nhận thời gian quả có đem lại cho con người nhiều biến thiên. Không cần nói đến ai, nội việc Quang Vũ không cũng đủ biết, trước đây chàng cao quí, phong lưu bao nhiêu. Còn hiện tại...
- Chị biết là Dân có cách xây dựng tương lai. Chị đã sớm nhìn ra tương lai rạng rỡ của anh ta.
Hồng Liên dành lại tờ báo trong tay em, nhìn vào hình với ánh mắt sáng ngời đắc ý.
- "Đã sớm nhìn thấy vậy sao ngày xưa không ưng Dân ?" Bạch Phù nhìn chị lòng thầm hỏi như vậy là không tin chị mình đã nghĩ đúng.
Hồng Liên nhắm mắt lại lẩm bẩm :
- Lập tiệm tại Áo Môn ! Phải nghĩ cách nào đi hỏi dò xem. Nhưng theo chỗ chị thấy thì chắc đúng là Dân rồi.
Bạch Phù cố ý nói :
- Có lẽ anh ta cũng đã kết hôn.
Câu ấy như một nhát búa đập vào đầu Hồng Liên khiến nàng giựt mình. Nàng mở mắt trừng trừng nhìn em :
- Kết hôn rồi thì ăn chung gì ? Thật ấm ớ... Ai mà để ý đến chuyện anh ta có vợ hay chưa ? Nhưng nếu có dịp đi Áo Môn mà gặp được bạn cũ thì thích biết mấy.
Bạch Phù không dám nói nữa. Từ đó về sau, Hồng Liên cũng không dám nhắc đến chuyện ấy. Mà Bạch Phù thì không dám hỏi thêm. Nàng sợ chị. Đó là tâm lý đã thành nếp ngay hồi còn bé. Cho đến sau nầy, nàng lớn lên tự lập vẫn không sửa được.
Cái tên Dân xuất hiện làm cho Bạch Phù dự cảm rồi sẽ xảy ra một thảm kịch. Dân như một ác ma, Liên có hư hỏng là tự mình nhiều hơn. Hồng Liên không nhận như thế là hèn. Nàng cho mình tìm bạn cũ để nối lại khúc đàn xưa là đúng. Huống chi lúc ấy, nàng đang bị dồn vào cảnh nghèo khó, nếu không nhờ sự cứu trợ bên ngoài thì sẽ mãi mãi không ngóc đầu lên được.
Nhưng rồi Hồng Liên cùng Dân nối lại mối giao tình bằng cách nào, Bạch Phù thật không biết rõ lắm !
Nàng chỉ biết một phần lớn là bằng vào sự tưởng tượng suy đoán, chắc trước tiên Hồng Liên viết thơ cho Dân. Dân trả lời rồi gặp gỡ riêng. Đến một ngày Hồng Liên bỏ ra đi.
Kế hoạch ra đi của Hồng Liên không một ai biết được.
Nàng bỏ nhà ra đi mỗi ngày. Khác chăng là lần ấy, một đi nàng không trở lại. Hồng Liên có lưu lại cho Vũ một phong bì. Trong đó có một tờ ly hôn, một chi phiếu hai chục ngàn và một lá thơ ngắn viết như vầy :
Anh Quang Vũ,
Em phải đi đây. Sớm muộn gì em cũng phải đi, chắc anh cũng biết vậy. Em đi không phải vì anh ngộ bịnh. Nếu anh không bịnh có lẽ em đi sớm hơn. Em không thể không xa anh vì cuộc sống của chúng ta không còn lạc thú nữa. Em đi không phải chỉ riêng mình giải thoát mà còn giải thoát cả cho anh.
Xin đừng hỏi em đi đâu ? Em có thể an bài cho mình một cuộc sống yên ổn. Hãy coi như em đã chết rồi. Hoặc coi như một tội phạm đã vượt ngục.
Em để lại tấm chi phiếu nầy vì cuộc sống của anh không thể một sớm một chiều túng thiếu được. Hay anh có thể coi như số tiền ấy là giá mua tự do của em. Anh có thể dùng tiền để tìm lại sức khỏe.
Có giận hờn, anh cứ chửi mắng em đi. Có như thế anh sẽ chóng quên em. Con gái trên đời rất nhiều. Trong tương lai anh có thể tìm tìm vợ mới.
Vĩnh biệt ! Chúc anh nhiều hạnh phúc.
HỒNG LIÊN
Ngoài bức thơ để lại cho Quang Vũ, Hồng Liên còn giấu thơ trong gối để lại cho Bạch Phù, Bạch Phù đã run lên khi đọc những giòng nầy :
Em,
Ở đời việc gì cũng có ghi trong sổ định mạng. Người bị chỉ bỏ rơi ngày xưa, bây giờ lại mang chị đi. Chị đã theo Dân trước mắt đây. Khó biết được là phước hay là họa. Nhưng cho dầu thế nào trước khi chôn vùi cái thanh xuân không bao giờ trở lại, chị được sống qua vài năm đẹp đẽ. Hơn nữa, con đường chính chị tự chọn đến chết vẫn không hối hận.
Nếu trước đây vài năm, chị sẽ không làm như vậy. Có con để săn sóc, có em chưa trưởng thành thì chị đâu có bỏ đi.
Không như bây giờ, con chị đã xa cách chị, biết bao giờ gặp lại. Phần em thì đã lớn khôn có thể tự lập, không cần đến sự nhọc tâm lo lắng của chị nữa. Làm người ai cũng có mưu lợi cho mình. Chị vì mình mà mưu tính.
Sau khi chị đi rồi, em nên cố gắng an ủi Vũ, giúp anh ấy khắc phục bịnh tình. Em cũng có thể nghĩ đến cá nhân mình mà em tìm một người con trai thích hợp để kết hôn. Chị biết tánh em không giống tánh chị, tánh em hiền lương, dễ tìm an ủi trong cuộc sống.
Do đó, em có thể gây dựng dễ dàng một gia đình êm ấm.
- Đây là chi phiếu ba mươi ngàn đồng chị đễ lại cho em. Tiền tuy không nhiều, nhưng rồi chị sẽ gởi thêm cho em. Em cũng nên biết tiết kiệm phòng những khi cần thiết. Sẽ gặp nhau.
Chị của em,
HỒNG LIÊN
Trong khi Bạch Phù đọc bức thơ của chị, thì ở phòng ngoài Vũ như mất hết bình tĩnh. Chàng vò nát hết bức thơ, xé cả tờ ly hôn và chi phiếu của người vợ bội bạc đã để lại cho chàng. Vũ vừa đau khổ vừa tuyệt vọng. Chàng rất hận vì mình không thể xé nát thân thể bịnh hoạn của mình, như những tờ giấy kia. Chàng gục xuống rên rĩ :
- Trời ơi là trời !
Cơn ho lại nổi lên, máu trào ra.
Quang Vũ gục đầu xuống gối. Bạch Phù chạy ra thấy anh trong tình cảnh đó thì sợ vô cùng. Nàng chạy đến bên anh, đỡ lấy vai anh và cũng không biết làm sao đối phó trước hoàn cảnh của anh.
Nàng nghẹn ngào cất tiếng :
- Anh Hai ! Chị ấy đã đi rồi. Bây giờ chỉ còn có anh với em ở lại trong thành phố nầy. Dù gì, anh phải cố gắng đừng để có mệnh hệ nào thì em bơ vơ một mình. Em đâu biết phải làm sao ?
Quang Vũ cảm động cũng khóc mướt như con nít. Lần thứ nhứt thấy Vũ thương tâm như vậy. Bạch Phù càng thương chàng. Ngay lúc đó, nàng đã thề sẽ ở mãi mãi bên chàng.
Bạch Phù không đem việc Hồng Liên để tiền lại cho mình nói với Vũ, cố nhiên là nàng không thích số tiền ấy. Nhứt định đó là tiền của Kiến Dân, dù vậy, nàng không thể không lãnh ra. Tất cả trách nhiệm đều trút lên đầu nàng. Bạch Phù muốn làm tròn trách nhiệm gia đình cũng không phải dễ.
Quang Vũ cũng cảm thấy những nỗi khó khăn trong cuộc sống. Bao phen chàng bày tỏ với Bạch Phù.
- Bạch Phù. Anh thật không phải với em. Theo lẽ, anh không nên xé tấm ngân phiếu kia. Tiền, tuy là cạm bẫy và tội ác, nhưng không có tiền thì làm sao sống được.
Thường lệ, Bạch Phù an ủi cho tâm hồn Vũ đỡ ray rức. Nàng khuyên Vũ không nên suy nghĩ hay phiền muộn vu vơ ! Về phần nàng thì mỗi ngày bị đồng tiền dằn thúc. Tiền tuy không đổi được hạnh phúc, nhưng không tiền trị bịnh thì bịnh không thể tự nhiên lành.
Trong sự hồi tưởng mơ hồ, nàng bỗng nghe tiếng rích thắng rồi xe dừng lại. Nàng biết xe đã đến bến nào đó, mở mắt mới hay đêm đã gần sáng. Dầu vậy, vẫn có ít người bán nhơn lúc xe ngừng, đi dài bên hông xe.
- Đến Chương Mộc rồi !
Trình vươn vai nhìn hướng ra cửa :
- Em ăn gì không ? Họ có bán thức ăn sáng.
- Không.
Bạch Phù nói tiếp :
- Anh muốn ăn cứ mua đi.
Trình sợ nàng khát nên mua một ly trà nóng.
Chàng ân cần mời thiếu điều muốn đẩy ly đụng miệng nàng.
Nàng ngã người ra sau tránh rồi đưa tay nhận ly nước. Nàng mệt mỏi lắm, nhưng có lý nào nàng để cho Trình cầm cho mình uống.
Ly trà vừa nóng vừa nặng.
Vừa nhận ly, mắt nàng hoa, tay run rẩy, mấy đầu ngón tay co rúm. "Rốp" tiếng ly trà vỡ, nước nóng văng tứ tung.
- Ấy chết !
Nàng thất thanh nói luôn :
- Bể rồi !
Trình gấp rút đưa tay lau đại nước trên áo nàng.
- Em... Em có bị phỏng không ?
Rồi Trình lại trách mình :
- Tại anh... anh bậy quá, không đợi em cầm cho chắc rồi hãy buông.
- Nhưng... làm cách nào đây ?
Nàng khó xử đến muốn khóc. Làm bể ly là chuyện nhỏ. Nhưng nàng không hiểu sao lại có linh cảm chẳng lành ! Có phải điềm bể ly là báo trước những việc chẳng lành xảy ra trong tương lai không ?
Nàng nhìn những mảnh miểng ly bể với ánh mắt mất thần, bồi hồi, nặng trĩu.
Trình nhẹ nhàn nói :
- Em có sao không ? Để anh nhờ lơ xe quét miểng. Cái ly bể thì mình thường tiền cho người ta.
Trình không muốn cho nàng vì làm bể ly mà mắc cở, xốn xang nên tiếp :
- Còn một ly đây, em uống đi chớ anh không khát.
Trình cầm ly của mình cẩn thận đưa cho nàng. Lần nầy, lúc nàng nắm chặt rồi, Trình vẫn chưa buông tay. Tay Trình chạm vào tay nàng, chàng lấy làm lạ hỏi :
- Ủa, sao tay em nóng thế nầy ?
Qúa lo lắng cho nàng, Trình như quên tất cả, đặt tay lên trán nàng :
- Ồ ! Trán em cũng nóng quá, có sao không em ?
- Dạ không !
Nàng uống vài hớp trà, nghe lời chàng hỏi mới nhận ra nguyên nhân mình nóng. Nhưng nàng không đê? Trình biết.
- Nhứt định em bị cảm rồi.
Chàng lại vỗ nhè nhẹ tay lên trán nàng. Lần nầy nàng cự tuyệt. Chàng thành thật nói :
- Bỉ cảm thiệt mà. Nếu không bịnh thì sao em lại nóng thế nầy ? Trời thiệt độc. Sáng sớm thì lạnh quá, trưa thì lại nóng quá. Đêm trước, anh thấy em đã nhuốm bịnh rồi, em có ho. Anh phải đi tìm mua thuốc cho em.
Nghe Trình nói, nàng không cãi. Nàng cũng nghĩ, có lẽ mình bị cảm thật. Mấy hôm liên tiếp, nàng nghe trong người hơi khó chịu. Cứ cho là nàng làm việc mệt và mất ngủ. Bây giờ, nghĩ lại nàng mới thấy không phải nguyên do đó. Nàng nhuốm bịnh thật, nhưng vì cố gắng làm việc nên không nhận ra đó thôi.
Nàng tưởng tượng đến một ngày mình bị bịnh nặng. Nhưng nàng không thể bịnh được trên đường đi. Càng không thể bịnh được lúc mới bước vào một hoàn cảnh mới. Nói chung, nàng không thể để cho bịnh được. Lúc nầy, nàng không có quyền bịnh.
Trình lăng xăng léo xéo lo cho nàng. Thấy vậy, nàng cười gượng.
- Nóng sơ sơ thì có gì đáng lo đâu anh ? Nhắm mắt dưỡng thần một lúc đến Hương Cảng thì khỏi ngay.
Nói xong nàng đổi cách ngồi, tư thế như một người đang dễ chịu lắm. Trình đôi ba phen nhường chỗ cho, song nàng không nhận.
Chàng chắt lưỡi luôn :
- Khổ quá ! Khổ quá !
Thỉnh thoảng, Trình liếc mắt nhìn nàng. Nàng tựa người vào thành xe, tóc dài đen mướt che nửa mặt dường như ủ ấp cho nàng yên ổn ngủ say. Xe chạy hay xe ngừng, người lên hay người xuống, bao nhiêu âm thanh hỗn độn dường như không làm kinh động đến nàng. Có lúc nàng cũng giựt mình, rồi trở lại bình yên.
Trình nghĩ là nàng ngồi vậy rất khổ sở, muốn ngủ cũng không ngủ được.
Mấy lần Trình tính kêu nàng, nhường chỗ cho nàng nằm thẳng lưng, chàng thà chịu đứng còn hơn để nàng ngồi. Song rốt cuộc, Trình chẳng dám kêu, sợ nàng mất giấc ngủ.
Đêm cứ lần về sáng. Riêng Trình cũng thấy mệt mỏi. Chàng tựa người vào một bên thành ghế, chỗ để tay, nhắm mắt. Thật tình mà nói, mấy đêm rồi Trình bị mất ngủ. Trước kia, Trình là người không có tâm sự gì, cứ trèo lên giường là ngủ, ít khi nằm mộng.
Nhưng chuyến đi của Bạch Phù ảnh hưởng tới Trình rất nhiều. Trình suy nghĩ lung tung, nghĩ đến nhiều người, nghĩ đến nhiều chuyện. Trước kia, Trình rất hài lòng với căn phòng nhỏ bé của mình, nhưng chuyến đi của Bạch Phù làm chàng cảm thấy căn phòng như rộng thênh thang, buồn mênh mông.
Tình cờ nhìn vào kiếng, chàng thấy tóc mình như dài ra, mắt mình như nhăn nheo và ý thức được thời gian thật vô tình. Lúc rời làng quê, Trình chỉ là một cậu bé loắt choắt, nhưng bây giờ tóc đã điểm sương. Tóc bạn sớm có lẽ vì lo nghĩ...
Con trai khác hơn con gái là ít thở than về ngày xuân trôi qua. Bởi chuyện lập thân lập nghiệp trói buộc đời con trai nhiều lắm.
Đối với sự nghiệp, tương lai, Trình không có tham vọng đòi hỏi. Miễn có nghề nghiệp vững chãi, số thu vừa phải là chàng thỏa mãn rồi. Trình sanh trưởng thuộc một huyện thành ở phương Bắc, nhà có điền sản, vừa canh tác vừa cho mướn. Lúc nhỏ, Trình thường giúp người nhà vào ngày mùa để thâu góp, thiên tánh thích nghề cày sâu cuốc bẫm. Lúc nhỏ ở làng quê, chàng có ý định lớn lên sẽ tự một mình trông coi môt. đồn điền, tìm cách phát minh, cải cách nông cụ, khoa học hóa tất cả. Đáng tiếc là nguyện vọng của Trình không sao thực hiện được. Làng quê bị bom rơi, đạn lạc, chàng phải ra đi. Mấy năm lưu lạc đó đây, Trình đã nếm trải khá nhiều cay đắng của đời người lưu lạc.
Có lúc tâm tình bị bao nỗi bi thương dằn vật, Trình nghĩ đến việm cầm viết, viết văn. Bút pháp của Trình chân thật và khô khan như cuộc đời chàng. Mấy chồng bản thảo của chàng không lôi cuốn được người đọc. Chàng thất vọng thêm một lần nữa, nhưng trong tưởng tượng chàng vẫn thiêu dệt ra một viễn ảnh được trở về cố hương, sống giữa làng quê vừa cày cuốc vừa viết văn.
Mấy năm nay, những lúc nghe cô đơn trống trải, Trình cảm thấy mình như một đảo hoang giữa biển không một bước chân người.
Trình khao khát tìm một người bạn chia ngọt xẻ bùi.
Mỗi lúc một mình dưới ngọn đèn hay một mình trăn trở trên giường rộng, chàng nghĩ ngay đến việc hôn nhân. Tánh Trình tỉ mỉ, không hay giao du, nên rất ít có cơ hội làm quen với con gái.
Trình cũng biết nói tới cơ hội là nói tới tự nhiên mà có chớ không thể van cầu mà có được. Quả nhiên, ngay lần dầu gặp gỡ Bạch Phù, Trình cảm thấy nàng phải thuộc về mình, mình phải tranh đoạt cho được nàng.
Nhưng việc đeo đuổi để chiếm đoạt tình yêu, Trình không có kinh nghiệm. Lại nữa, Trình không có gan, trước sau vẫn chưa có kế hoạch rút ngắn khoảng cách giữa chàng và nàng.
Lần nầy, Bạch Phù lại đi Hương Cảng thì vô hình trung cơ hội xây dựng hầu như không còn nữa. Không ai biết chắc tương lai ra sao chớ hiện tại chỉ còn được gần gũi nàng có mỗi cái đêm nay.
Tiếng nhạc bánh xe lăn trên đường, Trình ngoẻo đầu ngủ rất ngon. Mấy lần chàng chợt thức, lần nào chàng cũng nhìn liền sang Bạch Phù, thấy nàng vẫn ngủ yên, Trình mới yên tâm nhắm mắt lại.
Lúc xe đến gần Hương Cảng, Trình bị động mạnh, giựt mình mở tròn mắt mới hay Bạch Phù toan đứng dậy. Tóc nàng rối tung, gương mặt ửng hồng.
Trình đứng dậy trước, hỏi :
- Em định làm gì ?
-....
Nàng cau mày chỉ tay về phía cửa sổ. Nàng không nói mà cầm khăn che mũi miệng. Trình cho là nàng có ý muốn xe ngừng lại nên lúng túng chưa biết liệu sao ? Nhưng nàng đứng dậy, nào pah?i để xin đi xuống.
Không thể kềm lại được, nàng ua một tiếng lớn rồi mửa ra đầy sàn xe. Trình vội la lên :
- Ớ, ớ... Em làm sao vậy ?
Trình đỡ lấy nàng, bàng hoàng không biết làm sao.
Nàng xua tay :
- Anh tránh ra !
Chỉ nói được ba tiếng một cách khó khăn, rồi nàng lại mửa nữa.
Không khí trong xe vốn đã làm phiền khứu giác, mùi chua ua mửa lại làm không khí khó chịu hơn.
Trình cố gắng nín thở đồng thời không tránh ra. Chàng vì nghĩa, vì tình không thể không nhường chỗ ngồi cho nàng.
Đợi nàng mửa xong, Trình lại xin trà nóng trong bình thủy của bà kế cận cho nàng súc miệng. Rồi đem khăn nhún nước nóng lau mặt cho nàng. Sau đó, Trình mới lau giày và áo của mình bị đồ mửa văng trúng. Rồi chàng lại bắt buộc nàng nằm xuống.
Bạch Phù rên khẽ hai tiếng, cảm thấy kiệt lực.
Nàng quay mặt vào thành ghế, do cơn mửa vừa rồi mà má đầy nước mắt.
Nước mắt vã ra, nàng không lau liền để tránh không cho Trình nhìn thấy. Bây giờ, Trình đã tẩy uế xong cả, đang đứng kề bên nàng, nửa muốn tìm lời an ủi, nửa không muốn quấy rầy nàng. Lúc đầu, chàng kề sát tai nàng nói nhỏ :
- Bây giờ em thấy trong người thế nào ?
- Đỡ được một chút.
- Hễ mửa được thì khỏe hà ! Có phải em ăn trúng gì không ?
- Không đâu anh. Hễ em đi xa thì cứ khó chịu như vậy. Ngồi xe xe bị chóng mặt.
- Còn anh thật không nên thân. Vừa rồi anh tưởng em muốn đị.. chớ không nghĩ rằng em sắp mửa. Anh sợ quá !
- Thật không phải đối với anh.
Bạch Phù mỉm cười tiếp :
- Anh đứng như vậy mỏi lắm, ngồi đi chớ !
- Ối, hơi nào lo cho anh. Em nhắm mắt nghỉ đi. Ngủ được một chút cho khỏe rồi hãy nói.
Nàng có vẻ cảm động, gật đầu như một đứa bé biết nghe lời.
- Phải dè vầy anh mua vé có chỗ nằm. Lần nầy Trình thật hối hận nhưng không nói ra.
Xe lao đi trong bóng tối xuôi Nam. Mãi đến khi trời sáng, bóng tối đã bắt đầu lợt lạt để nhường cho ánh sáng. Thôn dã màu vàng, sông nuối màu xanh, núi non đen xám bị sương mù che đi như phớt một lớp nhiều u uất. Lớp sương che ấy mỗi lúc một dầy.
Khắp trời ui ui dường như sắp có một cơn mưa nhỏ. Mây xuống thấp và mây bay nhanh.
Bỗng nhiên gió rắc nhiều giọt nước lên mặt kiếng bên hông xe làm thành những đường chảy ngoằn ngoèo. Hạt mưa càng lúc càng nhanh càng dầy. Màn mưa đan thành một màn lưới làm cho màng trời càng đậm thêm màu xám tro, che mờ hẳn trước mặt.
Mưa sa trong một chuyến đi xa càng khiến cho người đi thêm phiền muộn.
Trình rời ghế đứng dậy. Cả đêm không ngủ làm cho chân chàng nghe mỏi. Chàng vươn vai cho máu chạy đều, cảm thấy mặt mình chắc khó coi.
Chàng rút trong túi áo nhỏ ra một cây lượt, chải lại mớ tóc ngắn sau một đêm nhụi đầu vào ghế đã xòa rối.
Trình chợt thấy linh cảm một điều, thư linh cảm do kinh nghiệm chồng chất mà có. Ví như chàng linh cảm đoán biết những khó khăn của Bạch Phù trên con đường đơn độc đi vào xứ lạ. Nàng như một đóa hoa sanh trưởng nơi u cốc không chịu nổi ánh sáng gây gắt của mặt trời. Muốn đem hoa ấy trồng đi chỗ khác thì phải có tàng cây bóng mát. Hôm qua chàng mua hai vé xe, hôm nay mới nhận thấy mình làm như vậy là đúng.
Nghĩ đến Bạch Phù, chàng quay lại thấy nàng đã ngồi dậy, không biết nàng đã ngồi tự lúc nào, người tựa vào thành ghế, đôi mắt thất thần, lơ lửng nhìn màn mưa. Trình ở kế bên nàng mà nàng không mảy may chú ý.
Chỉ trải qua một đêm, trông nàng ốm hẳn đi, càm như nhỏ lại, đôi mắt lớn như không tương xứng với gương mặt. Hơi thở nàng thật nhẹ, hai má ửng hồng vì cơn sốt chưa qua. Nhưng nàng đã cởi áo của chàng để bên cạnh. Trình hỏi :
- Em thức hồi nào ?
Trình vừa hỏi vừa lấy áo choàng đắp lên mình nàng.
- Anh nghĩ là em nên ngủ thêm.
Nàng đưa mắt nhìn Trình rồi lại quay đầu nhìn ra khung cửa xe.
- Người vẫn chưa khỏe, sao em không ngủ thêm nữa ?
Nàng cũng không đáp lời Trình, nàng bất động. Đứng yên một lúc, Trình chỉ có cách... ngồi xuống. Ngồi xuống xong, chàng lại nói :
- Tới Đào Viên rồi, nhanh ghê.
- Trời mưa.
Nàng vẫn hướng ra ngoài nói gọn hai tiếng bâng quơ như người trong mộng thôi.
- Khí trời Hương Cảng tệ lắm, không tốt cho em.
- Vận đời cũng chẳng may mắn hơn mấy chút.
Nàng nói với Trình cũng như thể nói với mình :
- Cứ hễ ra cửa là trời mưa.
Trình cố mỉm cười.
- Trời mưa thì có quan hệ gì đến vận mạng ?
- Có chớ.
Nàng vẫn dựa vào người Trình gần như không có cảm giác gì hết.
Trình bảo :
- Em chỉ nhà chị em, anh gọi xe đưa đến đó.
Trình ngạc nhiên không thấy Bạch Phù trả lời mà nàng gục đầu xuống vai mình. Chàng hốt hoảng nhìn kỹ lại nàng, thấy đôi mắt nhắm kín, chàng lắc lắc vai nàng hỏi tới tấp :
- Bạch Phù ! Sao vậy, cái gì vậy ?
Mơ hồ Bạch Phù nghe tiếng gọi của Trình và nàng từ từ mở mắt ngó chàng :
- Anh hỏi gì ?
Trình lặp lại câu hỏi :
- Mình đi đâu bây giờ ? Em chỉ nhà chị em đi.
Nàng nói không suy nghĩ :
- Nhà chị em đâu mà chỉ ?
- Ủa, sao vậy ? Rồi em sang Hương Cảng nầy làm gì ? Ăn đâu ? Ở đâu ?
- Chưa biết, chắc là phải tới sở làm.
Trình không hiểu gì hết, chàng lại nói :
- Em đang bịnh, tới sở làm sao được ? Phải nghỉ cho khỏe đã, vài hôm sau hãy tới.
Bạch Phù không nói gì. Những điều Trình lo ngại thì nàng đã nghĩ rồi. Chẳng những không đến được sở mà nàng cũng không muốn tới nhà Lý Mang để làm khổ bạn. Giữa hai phải chọn một, nàng bảo Trình :
- Không đến sở thì em còn biết đi đâu ?
- Nhưng còn ông Vũ ? Còn gia đình chị em ?
Bạch Phù không trả lời Trình về vấn đề đó, nàng chỉ ngó xuống đất nhủ thầm :
- Anh không biết chuyện đó đâu ! Anh hoàn toàn không biết gì hết.
Như người bị lạc vào trong sương mù, tất cả đều trở thành bí mật mịt mờ không sao dò đoán. Trình suy nghĩ một lúc mới nói :
- Dầu sao, chúng ta cũng không thể đứng mãi ở bến xe, bây giờ hãy đi kiếm khách sạn nghĩ đỡ rồi sẽ tính.
- Khách sạn ? Thoạt nghe nàng đâm hoảng sợ. Với bản năng tự nhiên, nàng đáp liền :
- Không.
- Vậy theo ý em thì mình phải đi đâu ?
- ...
Nàng im lặng. Sự thật, với đô thị mới lạ nầy nàng không biết phải đi về đâu ? Đành là phải lặn lội trong gió mưa lê thê để đến một khách sạn.
Khách sạn nào cũng vậy thôi, chỗ nàng ở phía dưới dùng làm tửu quán, tiệm ăn, cầu thang trên lầu ở cạnh, phía bên trên mới thật sự là khách sạn. Phòng rất nhỏ, bên trong có sẵn giường ruột gà và một cái bàn, một cái ghế.
Phần trống còn lại thật không tiện cho hai người day trở. Trong phòng cũng không có cửa sổ đón ánh sáng mặt trời. Cửa sổ lại hướng về một con đường nhỏ.
Phòng tối tờ mờ, Bạch Phù vặn đèn, nhận ra ngay nơi nầy không thoáng khí. Hơn nữa, gặp lúc trời mưa, nàng ngửi thấy có mùi ẩm mốc. Mùi ẩm mốc hình như đóng cả trên trần.
Người chỉ dẫn là một cô gái khoảng hai mươi tuổi, mặc dù vẫn dồi phấn thoa son, mỗi lần mở miệng cho thấy cô ta có răng vàng lấp lánh.
Trình dìu nàng đi. Cô bồi phòng nhìn cả hai với ánh mắt lạ lùng, cô không nghĩ ra việc có người mướn phòng lại bước đi loạng choạng như vậy.
Lúc Trình đến hỏi mướn phòng, cô bồi phòng đã nhìn chàng dò xét một hồi rồi hỏi nhỏ :
- Nghĩ đỡ bây giờ hả ?
Trình do dự rồi gật đầu.
Cô bồi phòng rất hài lòng, làm bồi ở đây mấy năm, cô đã nghe và biết rất nhiều. Cứ dáng dấp bồn chồn như Trình, nhân lúc gió mưa não nề thì chắc chắn sẽ lén dắt bạn gái lên phòng tìm hơi ấm. Rồi sau đó, khi trời không hay, đất không hay, cả hai vội vã chia tay. Cô ta nghĩ là họ mướn căn phòng nầy, cố ý là để che tai mắt người khác.
Cô ta còn đưa óc tưởng tượng đi xa hơn lúc Trình mới vào hỏi qua vài điều rồi thoăn thoắt bước đi. Cô ta đoán chắc bên ngoài phải có một cô gái đang đợi. Chỉ cần Trình ngoắc tay một cái thì cô gái bên ngoài sẽ như con chuột con chạy rúc vào nhà.
Với khách đàn ông, cô nhìn cảnh tưởng ấy riết rồi quen. Nếu khách không có bạn gái, cô bồi phòng sẽ nhe răng vàng nói :
- Ở "cu ky" buồn lắm ! Tìm bạn nhá !
Bồi phòng luôn luôn làm nhiệm vụ giới thiệu, nếu thành công được chia tứ lục. Cũng có nhiều khách nói thẳng với cô ta :
- Tốt lắm, nhưng tôi muốn chính cô em tiếp tôi.
Có nhiều ông khách miệng bằng tay, tay bằng miệng, vừa mở miệng nói là tay chân đã cử động lôi thôi. Cô bồi được một phen giả vờ tránh né, mỉm cười duyên, rồi thì đâu vào đó. Được khách chọn, cô ta rất sung sướng.
Bây giờ gặp người trẻ tuổi, tránh mưa vào khách sạn lại mang sẵn bạn gái, cô bồi phòng có phần bất mãn. Cô ta không thể nào tha thứ cho cô gái kia. Bởi vì cô ta bị thiệt hại cho phần mình hay ít ra là thiệt hại không được chia tứ lục. Mang tâm lý hiếu kỳ và ánh mắt khó chịu, cô bồi phòng muốn tìm biết xem bạn gái của Trình là người thế nào mà phá được nồi cơm của mình.
Đang khi tưởng tượng đủ thứ, cô chợt thấy người đi theo Trình là một bịnh nhân. Cô bồi giựt mình. Nhìn vào rương trấp xách theo, cô chắc chắn đây là khách từ phương xa tới.
Cô bồi phòng liếc qua, cười thầm vẻ ngơ ngáo của Trình. Cái câu "nghỉ đỡ bây giờ" không còn nghĩa lý gì nữa.
Trình bận rộn phục dịch cho Bạch Phù. Chàng đỡ nàng nằm xuống. Bạch Phù rất cần một chỗ để ngã lưng nên cả hai không còn chú ý gì đến căn phòng tồi tệ. Đồng thời, cả hai cũng không còn thời giờ chú ý đến cách nhìn và thái độ của cô bồi phòng.
Từ Quảng Châu đến đô thị Hương Cảng xa lạ, cả hai không phải bà con cũng không phải là bạn thân. Họ tìm khách sạn nghỉ ngơi cũng chỉ vì cần thiết. Hành vi của họ rất chính đáng, nào họ có biết những bí mật hiện thời của khách sạn. Nếu biết rõ, chắc chắn có chết bên đường Bạch Phù cũng nhứt định không vào.
Đã có chỗ nghỉ, Trình nhận ly nước trà tự tay cô bồi phòng đưa mời Bạch Phù. Uống xong ly trà, nàng nghe dễ chịu hơn một chút. Được nằm trên giường, tránh được gió mưa vất vả nàng nhớ lại lúc còn trên xe mà nghĩ tới tương lai diệu viễn. May là có Trình tận lự c giúp đỡ, nàng mới đến được nơi nầy.
Trình là người tốt lại có nhiệt tâm. Đi chung xe, chàng dành chỗ cho nàng, dành chỗ chất đầy rương trấp, riêng chàng tự ép mình co ro. Lên xe, xuống xe bao lần, đầu tóc chàng đẫm ướt nước mưa, đôi giày da của chàng cũng bết đầy sình đất. Nhưng xem Trình vẫn tỏ ra vui vẻ không phiền muộn chút nào hết. Trình hỏi :
- Em thấy đói không ?
Trình ngồi trên chiếc ghế duy nhứt trong phòng, nhìn đồng hồ rồi tiếp :
- Em muốn ăn gì, nói để anh mua.
- Sao em không muốn ăn gì hết anh à ! (Nàng nói giọng yếu ớt) Nhưng phần anh thì phải đi ăn cái gì mới được.
- Ăn trứng được không ? Ăn hột gà "la cót" cũng dễ tiêu mà.
Nói xong, không đợi nàng đồng ý, Trình vồn vã tiếp :
- Em cứ ngủ cái đã, để anh đi ra ngoài hỏi xem gần đây có nhà thương nào khá không rồi trở lại đưa em đi xem bịnh. Tốt nhứt là anh cố mời bác sĩ lại đây để em khỏi phải mất công đi đứng.
Nàng gật đầu :
- Dạ. Anh đi !
Nàng mở mắt nhìn theo Trình, chờ chàng đi khuất rồi mới nhắm lại.
Vừa xuống thang lầu, Trình bỗng nghe có tiếng người hỏi :
- Ông ra phố hả ?
Chàng quay nhìn, bắt gặp một người ngoài ba mươi tuổi, mang kiếng đang ngồi bên cạnh bàn. Trình "dạ" một tiếng rồi hỏi lại :
- Gần đây có chỗ nào bán đồ ăn sáng không ông ?
- Ở đầu đường kia.
Viên quản lý đứng dậy, bước ra chỉ tay :
- Ở bên đó có mấy chỗ bán đồ ăn được lắm. Bánh bao, phở, miến gà, bún đều khá cả.
- Dạ cám ơn ông.
Trình chớm bước đi, viên quản lý lại gọi :
- Ông nầy, xin ông cho ghi tên vào sổ.
- Đi về rồi ghi được mà. Bây giờ không có thì giờ bởi tôi còn phải tới y viện nữa.
Trình chợt nghĩ ra, hỏi thêm :
- Thưa, ở Hương Cảng, bác sĩ nào nổi tiếng nhứt hả ông ?
- Bộ muốn xem bịnh cho cô bạn hả ?
Viên quản lý không bỏ qua cơ hội :
- Bịnh gì ? Có ngặt lắm không ? Có phải bịnh truyền nhiễm không ?
- Hôm qua, cô ấy đi xe bị trúng gió.
- Ờ, nếu thế thì không việc gì. Ít ngày tự nhiên khỏi thôi. Nhưng... cũng cần đi bác sĩ xem. Ở đường Di Đôn có phòng mạch của bác sĩ Đinh Vượng Qúy khá lắm.
Chàng hỏi gặn lại :
- Dạ, nhưng ở đây có bịnh viện nào công không ông ?
- Ông muốn hỏi cái "nhà ghét" ấy à ?
Viên quản lý nhún vai tiếp :
- Ai cũng bảo là các bịnh viện công điều tốt. Nhưng đến nơi ấy mới biết, mất nhiều ngày giờ lắm. Muốn xem bịnh phải chờ đợi có khi đến cả ngày. Tới đó vẫn phải tốn tiền. Đi tới đi lui đợi cho có người xem mạch thì tiền xe ăn không biết bao nhiêu mà kể. Hơn nữa, người ta mang danh làm việc công thì có coi mình vào đâu. Tới đó mình phải nói nhỏ tiếng, không được hối thúc, có chết cũng rán chịu chớ người ta làm việc theo giờ khắc, hết giờ thì thôi. Kết quả là người bịnh càng tức mình, bịnh thêm. Sao cho bằng đi tới các phòng mạch tư, bác sĩ người ta tử tế đãi khách. Tội gì mình tới những nhà thương đã được mệnh danh là "nhà ghét" ấy !
Trình suy nghĩ một lúc thấy ông ta nói có lý. Ở các bịnh viện công và tư, quả có cách tiếp đãi bịnh nhân khác nhau. Ông ta là người ở đây, nói về chuyện ở đây càng đáng tin hơn nữa.
Viên quản lý nói thêm :
- Nếu ông không muốn đi bác sĩ Đinh Vượng Qúy thì ở đường Thượng Hải đây có một phòng thuốc ở trên lầu, trị các bịnh thông thường dễ dàng lắm.
- Nhưng ông nói bác sĩ Đinh gì đó, ổng có đi trị bịnh bên ngoài không ?
- Chắc không đâu, bởi vì người nằm trong phòng mạch tư của ổng đông lắm, ổng không có ngày giờ. (Viên quản lý giải thích) Ông ta tên Đinh Vượng Quý. Vượng là chữ thạch vượng, quý trong chữ phú quý. Ổng đậu bằng bác sĩ ở Anh, mở dưỡng đường ở đây, ai cũng biết ông ta. Cứ nói tên là phu xe biết kéo ngay tới phòng. Chỉ sợ Ông tới trễ không lấy thẻ kịp thì không được ông ta coi bịnh cho thôi. Mà nầy, tốt nhứt là ông nên tới trước cho biết chỗ chắc chắn rồi hãy chở cô bạn đi.
Trình gật đầu lia lịa, trong lòng sanh chút hiếu kỳ, tưởng chừng như bác sĩ Đinh Vượng Qúy có liên quan với mình thế nào đó.
Thoăn thoắt bước xuống cầu thang hẹp, Trình vừa nhẩm tính :
- Để ăn cái gì trước đã, rồi sau sẽ tìm bác sĩ.
Khi Trình xách gói đồ ăn về thì Bạch Phù đã mỏi mệt ngủ vùi.
Chàng ngồi phía trước giường nhìn xem dáng nàng nằm ngủ. Nàng ngủ rất ngon, qua một đêm bị cơn bịnh hành hạ, nàng mệt lắm !
Mắt nàng nhắm híp, lông mi đều nằm cùng một chiều về phía dưới. Bây giờ Trình mới kịp nhận ra lông mi của nàng vừa dài vừa nhuyễn.
Có lẽ trong giấc ngủ còn chút dằn vật nào đó, nên lông mày nàng hơi cau. Hơi thở nàng đều đều, song so với hàng ngày thì nhịp nhanh hơn một chút. Hơn nữa, ở yết hầu nàng chừng như có tiếng rên khẽ.
Bây giờ không thể gọi nàng dậy, Trình cứ tiếp tục nhìn nàng, nhờ đó mà lấy lại năng lực suốt đêm bị tiêu hao vì cực nhọc. Thật thì Trình cũng muốn cho nàng mau thức giấc để đi bác sĩ khám bịnh. Trong lúc chờ đợi chàng nhảy mũi một cái.
Trình quả có ý muốn trở về phòng mình nằm nghỉ lưng một lúc, nhưng sợ khi nàng tỉnh dậy không thấy mình. Thôi thì đành ngồi ghế lặng lẽ đợi chờ.
Hồi nãy, trước khi về khách sạn, chàng đã dọ hỏi xong số nhà và con đường đến bác sĩ. Chàng cũng viết thêm lá thơ gởi về sở xin phép được nghỉ thêm. Mấy lời trong thơ làm chàng mất thì giờ rất lâu. Bởi Trình coi trọng công việc, đi làm xưa nay chàng chưa từng xin phép nghỉ.
Bao nhiêu kế hoạch của Trình đều không sai. Chàng đã dự bị đem theo đủ tiền. Một phần bỏ túi trong đây, một phần cất ky dưới đáy va ly. Tất cả đều thuộc phần tiền tiết kiệm của Trình tháng nầy qua tháng khác. Lương dư xài hàng tháng, một phần lớn Trình đem đi mua vàng. Cuộc sống lưu lạc đã giúp Trình bao thí nghiệm cay đắng nên đã tập cho chàng quen thói phòng xa.
Trình để dành tiền chờ khi có dịp may thì cưới vợ cho xong. Trình để dành tiền còn là để phòng hờ những cơn đau yếu bất ngờ trong cuộc sống.
Giờ phút nầy, Trình mới thấy được uy lực của đồng tiền. Song vì Bạch Phù, Trình sẵn sàng bỏ tiền ra xài phí, không mảy may hối tiếc. Trình có cảm giác vì nàng mà mình đã để dành tiền bạc. Đem xài cho nàng chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi. Nếu không phải tốn tiền bác sĩ, Trình định đem số tiền kia mua tặng nàng vài thứ thuốc bổ, son phấn và áo quần. Tốt nhứt là Trình sẽ dành số tiền để dành để đi may đồ cưới, cùng nàng thành lập gia đình.
Xây mộng thành hôn với Bạch Phù, Trình càng nghĩ càng thấy như xa như gần. Thấy gần là Trình ghi nhận thấy nàng một thân một mình, không nơi nương tựa : một người không gốc rễ, trôi nổi như cánh bèo sẽ rất dễ tìm chỗ ký thác.
Trình không có cơ hội hỏi qua Bạch Phù về gia đình nàng. Chàng chỉ đoán chung mối quan hệ giữa chị em nàng đã chấm dứt, nàng hiện là một người sống tự do.
Trình có nghĩ đến Quang Vũ và lờ mờ thấy đó như là một trở ngại. Có thể Quang Vũ sẽ can thiệp vào hành động của nàng. Trình càng nghĩ càng lo. Tuy chỉ thấy mặt Quang Vũ vài lần, nói chuyện qua điện thoại mấy câu, Trình vẫn nhận ra Quang Vũ là "chính nhân quân tử" nếu không có một quá khứ huy hoàng thì cũng sẽ có một tương lai rực rỡ.
Trình rất hối hận là trong điện thoại đã không hẹn ngày gặp lại Quang Vũ để được nói chuyện nhiều hơn. Tự nhiên chàng không sao biết rõ hoàn cảnh phức tạp của Bạch Phù. Tánh nàng lặng lẽ, nếu không vì bịnh, có lẽ Trình không sao có cơ hội tìm hiểu nàng hơn được.
Chợt nhớ đến Bạch Phù, Trình quay nhìn thần sắc nàng : Hai má vẫn ửng hồng, màu ửng đỏ thoa lên gương mặt hơi xanh của nàng làm thành một nét đẹp buộc phải thận trọng, phải "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa".
Trình vừa mừng vừa lo trước tình trạng đó. Nàng đẹp Trình mừng, nàng còn trong cơn sốt Trình lo. Chàng nhẹ chân bước đến bên giường, đưa tay nhè nhẹ thăm dò nhiệt độ của nàng.
Bàn tay Trình mát lạnh khiến Bạch Phù sực tỉnh, choàng mở mắt. Lúc đầu nàng hoang mang và lạ lùng. Định thần lại, nàng mới nhớ ra hoàn cảnh của nàng, vì bịnh hoạn mà tạt vào lữ quán. Giấc ngủ ngắn ngủi song đã giúp nàng thoát khỏi một khoảng buồn dài.
Trình ái ngại nói :
- Xin lỗi ! Anh đã phá giấc ngủ của em rồi.
- Em cũng vừa thức đó chớ ! Bây giờ là mấy giờ rồi ?
- Mười một giờ.
- Vậy à ! Em ngủ lâu ghê, mới đó mà đã được ba giờ đồng hồ.
Giọng nàng không khác lúc bình thường, không có vẻ gì là người đang bịnh, đang suy nhược.
Trình lật đật mở hộp bánh :
- Anh có mua cho em mộ ít đồ ăn đây. Em nên ăn một chút. Em thích thứ nào nè ?
Nàng nhìn lướt qua rồi từ từ ngồi dậy. Trình một mực ngăn cản không cho nàng bước xuống đất. Chàng dùng một cái gối kê đứng cho Bạch Phù tựa lưng vào thành giường. Bạch Phù hỏi :
- Anh về bao giờ ?
- Mới đây thôi.
- Sao anh không gọi em ?
- Anh nghĩ là em nên ngủ thêm, biết đây nhờ ngủ được mà người khỏe ra, hết bịnh. Giờ em cảm thấy có đỡ không ?
- Dạ đỡ.
Nàng nhai bánh một cách nhỏ nhẹ rồi tiếp :
- Anh cũng nên ngủ đi. Anh đứng cả đêm thật là khổ.
- Không sao. Lát chiều không có việc gì, anh sẽ ngủ cũng được.
Trình mỉm cười. Chỉ cần nàng nói được câu trên, đối với chàng cũng bằng hàng trăm giấc ngủ, hàng trăm thang thuốc bổ. Trình lại cười :
- Vừa rồi anh đã hỏi thăm đường tới nhà bác sĩ. Đợi em ăn xong mình đi.
- Em phải đi bác sĩ sao ? (Bạch Phù lắc đầu) Em mạnh rồi mà !
- Nhưng cũng cần biết rõ căn bịnh và uống thuốc cho mau lại sức. Để khi có việc làm mà người còn bịnh có phải phiền không ? Tốt nhứt là phải đi bác sĩ một lần.
- Hổng có bịnh gì đâu. Em biết em mà.
Nàng tỏ vẻ tự tin. Dầu vậy, nàng cũng có phần cảm động trước sự thành khẩn của Trình.
Chập sau hai người rời khách sạn.
Trời đã dứt cơn mưa tuy mây vẫn còn dầy đặc và thấp xuống như đè áp đỉnh đầu, áp đến bắt người nghe khó thở. Xem thế cũng biết trời chưa có thể quang đãng liền được.
Phòng mạch của bác sĩ Đinh Vượng Qúy không xa, nhưng phải qua một đoạn đường náo nhiệt. Nhìn cảnh sắc đủ màu, Bạch Phù nghe lòng rộn rã khác thường.
Mười hai giờ thiếu mười lắm, phòng mạch đã không còn người ngồi chờ. Bịnh viện riêng của bác sĩ khá yên tĩnh mặc dầu tường sau giáp với đường cái. Bên trong vòng rào là một khu rộng rãi, kiến thiết tương đối khá đẹp. Có cả phòng nằm và phòng chiếu quang tuyến X.
Nhìn bên ngoài thì không sao nhận ra con người thấp nhỏ, tuổi sồn sồn, râu tóc loe hoe ấy là một bác sĩ có thực tài.
Ông ta có thực tài và nghiêm nghị khả kính đối với tất cả bịnh nhân.
Vân Trình đưa Bạch Phù thẳng vào bên trong gặp bác sĩ và thay mặt nàng nói rõ bịnh trạng nàng phát nóng, ho, ói mửa.
- Thưa bác sĩ, thế là bịnh gì ? Bị cảm mạo hay là yếu phổi ?
Bác sĩ vui vẻ đáp :
- Cần phải khám kỹ bịnh nhân mới định bịnh được.
Bác sĩ nghe mạch Bạch Phù cách cẩn thận. Một lúc sau, ông bảo phải thử máu và chụp hình phổi.
Nàng rất khó chịu với bao nhiêu thứ phiền toái ấy, trong lòng không muốn khám chút nào. Nhưng đã đến phòng mạch thì không thể không tuân lời bác sĩ. Huống chi Trình ở kề bên luôn luôn khuyến khích nàng :
- Em cần để bác sĩ xem kỹ. Theo lẽ mỗi năm mỗi người cần phải nhờ bác sĩ "tổng kiểm tra thân thể" lại một lần. Nhưng người mình thường ỷ lại, không chú ý đến những nguyên nhân sanh bịnh thông thường, nhứt là bịnh phổi.
Nghe đến bịnh phổi, Bạch Phù chấn động ngay và nghĩ đến Quang Vũ.
Quang Vũ và nàng hiện đang ở chung một thành phố nhưng khoảng cách lại như diệu viễn muôn trùng. Nàng không có cách nào gặp chàng. Nếu không vì vướng bịnh thình lình, xuống xe xong, nàng có thể đến sở làm. Bị bịnh lại có Trình bám sát một bên, nàng không sao đi được. Nàng không sao thoát đi đâu được.
Ở phòng mạch ra, Bạch Phù và Vân Trình nhân thể ghé quán ăn cơm trưa. Nhìn nàng không thấy có gì là bịnh song vì nôn nóng nghĩ tới Quang Vũ, người nàng nặng nề hết sức.
Nàng bỗng nói với Trình :
- Chiều nay em muốn đến sở báo tin là mình đã đến.
- Buổi chiều à ?
Trình bất mãn trách :
- Sao có thể đi được ? Bác sĩ bảo là ngày mai còn phải tới xem lại.
- Em không muốn đi.
Nàng có vẻ không ngăn được cơn giận :
- Thứ cảm gió có một chút mà bày vẽ đủ điều. Đi một lần rồi lại bảo đi nữa ! Đi hoài để bác sĩ lấy hết tiền sao ?
- Bác sĩ đã chụp hình, ngày mai mình phải tới xem hình.
- Em không xem.
- Lạ chưa ! Sức khỏe là vấn đề quan trọng em không lo mà lại đi lo công việc !
- Tự nhiên, phải đi lo sự làm chớ, bằng không mất sở rồi làm sao ?
- Mất sở nầy mình còn tìm sở khác, có khó khăn gì ? Nhưng đã mất sức khỏe thì biết phải tìm đâu ?
Bạch Phù lặng thinh, lời nói của Trình không phải là không có lý. Ngay trường hợp Quang Vũ, chàng đã vì bịnh mà mất bao nhiêu thì giờ, tiền bạc lẫn tinh thần. Nếu chàng đừng đau ốm thì sự nghiệp ắt đã khả quan rồi. Tiếc thay, bịnh của Quang Vũ cứ tiến từ từ như con ốc, thấy thì chậm nhưng cứ nhích lần đi tới.
Trình bảo nàng :
- Tốt nhứt là bây giờ chúng ta về khách sạn, em ngủ thêm một lúc, mai nghỉ thêm một ngày, mốt hãy đến sở làm.
Bạch Phù nhìn Trình hỏi :
- Thế còn anh ? Chừng nào mới về Quảng Châu ?
- Lo cho em xong xuôi, anh mới về.
Nàng trầm ngâm :
- Ngày mai.. Ngày mốt...
- Nếu em không yên lòng thì để anh đi thế cho. Hoặc giả em viết thơ cho công ty, anh mang đến cho người ta hay cũng được.
Nàng gật đầu đồng ý. Trình yên lòng hết sức. Thuyết phục được nàng, Trình còn đắc ý nữa. Trình làm sao biết được ý nghĩ của Bạch Phù.
Trải qua một đêm mệt nhọc, về đến khách sạn, Trình không còn cố gắng được nữa. Lo cho nàng nằm nghỉ xong, Trình trở về phòng mình lăn ra giường ngủ vùi.
Trình ngủ như chết, không động đậy. Mãi tới lúc cô bồi phòng lớn tiếng tiễn khách đi, rước khách vào, Trình mới tỉnh giấc.
Chàng thức vào lúc hoàng hôn, đồng hồ chỉ sau giờ. Trình bò dậy, rửa sơ mặt mày rồi bước sang phòng Bạch Phù với lòng tự trách : Tiếng là lo cho người bịnh mà chàng lỡ ngủ vùi khá lâu nên trong lòng áy náy không yên.
Trình gõ cửa phòng nhè nhẹ. Bên trong không một tiếng động.
Trình gọi thêm :
- Bạch Phù ! Bạch Phù ơi !
Bên trong vẫn im lìm.
Trình đoán chừng giờ nầy nàng không thể ngủ say được, nhưng không hiểu sao nàng không lên tiếng với mình. Trình lo ngại, toan đẩy cửa bước vào thì bất ngờ phát hiện cửa đã khóa chặt.
Đang khi Trình hoảng hốt, cô bồi phòng bỗng xuất hiện nói :
- Thưa ông, cô ấy đi rồi.
- Đi rồi ?
Trình sững sờ một lúc rồi hỏi tiếp :
- Đi bao giờ ?
- Lâu rồi, có lẽ đã hơn hai giờ thì phải.
Trình nhăn nhó, gương măt. vuông bỗng biến thành dài ra.
Bạch Phù hành động như vậy khiến Trình không sao ngăn được tức giận. Cơn giận ấy lại trút lên đầu người có mặt : cô bồi phòng.
Trình gắt :
- Sao thấy cổ đi mà không ngăn lại ? Cổ đang bịnh mà.
- Tôi ngăn cổ sao được ? (Cô bồi phòng nhe răng vàng khè giải thích) Tôi có nói : "Thưa, cô không được khỏe đừng đi ra ngoài". Cổ không nghe, bảo là có việc rồi đi mất.
Trình trở về phòng xem lại đồng hồ. Nàng đi đã mấy tiếng đồng hồ, vậy thì nàng đi đâu ? Thời gian dài quá... Cho dầu nàng đi đâu rồi cũng phải về chớ ! Sao bây giờ chưa thấy ? Hay là nàng bị lạc trong thành phố ? Hay là nàng bồng dưng ngã bịnh ? Hoặc bị xe đụng giữa đường ? Trình không dám nghĩ tiếp, song rồi vẫn nghĩ :
- "Có thể Bạch Phù đi đến công ty vì muốn thủ tín và sợ thất nghiệp. Nàng quyết định chính nàng phải đến đó nói rõ nguyên nhân vì sao chưa đến sở được và mong có sự thông cảm của công ty".
- "Có lẽ công việc ở sở bận rộn lắm mới khiến nàng ở lâu như vậy". Nghĩ đến đây, Trình muốn gọi điện thoại hỏi công ty.
Chàng bước vào phòng quản lý, lật tìm số điện thoại của công ty Hương Hoa. Chàng gọi một lúc lâu mới có người tiếp chuyện. Trình gấp rút hỏi :
- Alô ! Công ty Hương Hoa đó phải không ?
- Dạ đúng rồi, ông tìm ai ?
- Xin ông cho tôi hỏi, chiều nay có một nhân viên mới tìm đến công ty không ? Cô ta tên là...
- Không biết.
Trình không ngờ bị cắt ngang câu nói, người bên kia đầu dây tiếp :
- Bây giờ đã tan sở. Không còn ai ở đây cả. Ông muốn hỏi gì xin hãy đợi chín giờ sáng mai.
Không đợi Trình van nài, người bên kia đã gác điện thoại. Cầm ống nói, Trình vừa giận vừa buồn như tâm trạng người ăn mày vừa bị tống cổ đuổi ra khỏi nhà.
Đang khi căm giận, Trình bỗng nghe tiếng cô bồi phòng nói vọng lên :
- Cô ấy về đây nè, ông ơi !
Tim Trình nhảy thình thịch. Chàng ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi phòng, vừa đến thang lầu thì thấy Bạch Phù từ dưới thong thả đi lên. Nhìn lướt qua thì thấy nàng không có chi khác lạ, cũng không có vẻ bịnh hoạn, Trình mới yên tâm hỏi :
- Em đi đâu vậy ?
Bạch Phù nhìn Trình mỉm cười mà không đáp. Nàng thở nhè nhẹ, gương mặt phớt hồng, hình như có niềm vui trong lòng.
Nàng không nói gì hết nhưng phần Trình tự nhiên là không thể lặng yên. Tuy nhiên, trước mặt cô bồi phòng đang tò mò và có vẻ thích thú tìm hiểu cả hai, Trình không dám lộ vẻ gì cả.
Chàng lặng lẽ bước theo nàng về phòng.
Giọng Trình không vui :
- Coi em mệt lắm, đi bộ sao ?
- Không phải tại đi bộ mà mệt đâu ! Đứng chờ xe cả nửa giờ ai lại không mệt ?
Trình hoài nghi hỏi tiếp :
- Em đi đâu mà chờ xe lâu quá vậy ?
- Em...
Bạch Phù ngập ngừng, hình như vừa rồi nàng nói lỡ lời nên nàng nghĩ cách nói thêm :
- Em đi tìm một người... một người bạn.
- Anh ngủ đến bây giờ mới dậy, nghe cô bồi phòng nói em đi rồi làm anh lo quá ! Không ngờ em đi thăm bạn. Bạn nào ? Ở đâu mà phải đi thăm gấp rút quá vậy ? Để mai đi không được sao ?
- Chị Lý Mang, người xin giúp chỗ cho em đó. Sang Hương Cảng, tự nhiên là phải đến thăm chỉ. (Bạch Phù ngẩng mặt nói cách tự nhiên) Em cùng chị ấy còn đến công ty cho biết nữa.
Lòng Trình nhẹ nhõm, Lý Mang là bạn thân của Bạch Phù, chàng có nghe nói qua.
Bạch Phù tiếp :
- Dầu gì mình cũng phải đi một lần, trước để thăm Lý Mang, sau để nhờ chỉ dắt đến công ty giới thiệu với ông giám đốc. May là ông giám đốc vừa thấy mặt Lý Mang đã nói liền : "Cô ấy mới đến, còn mệt, muốn nghỉ một hai ngày cũng được."
- Thế thì tốt quá, em nên nghỉ một hai ngày rồi sẽ đi làm.
- Không đâu.
Bạch Phù nhìn mấy đốm nhòe trên trần nhà.
- Em còn muốn đi làm ngay sáng mai.
- Ủa, sao vậy ? Em vốn cứ lo về chỗ làm, bây giờ đâu đó xong xuôi thì tội gì mà gấp ? Em đừng có lo lắng nhiều như thế. (Trình vung tay) Anh tuy nghèo, nhưng cũng có phòng xa, tiền của anh em cứ xài.
Nàng hỏi nhỏ :
- Sao có thể như thế được ?
- Tại sao không ? Là bạn thì chúng ta phải lo cho nhau chớ. Bạch Phù ! Em có nhìn nhận chúng ta là bạn không ?
Vân Trình bước tới đỡ nhẹ tay nàng !
Nàng không gỡ tay ra, chỉ quay mặt hướng vào vách.
Trình xoa nhè nhẹ mấy ngón tay của nàng, những ngón tay mềm mại cơ hồ không có đốt xương. Đã lâu rồi, Trình không thấy có một món trang sức nào trên bàn tay nàng.
Cổ tay Bạch Phù quả mềm thật, Trình xoa tay nang mà gần như không bắt gặp ở nàng một biểu lộ xúc động nào. Nàng quá trong trắng, quá tự mình đè nén. Trình quyết sẽ đem tất cả tài ba, sức lực mình dâng trọn cho nàng.
Trong thoáng chốc đó, Trình bỗng nẩy sanh ý kiến. Chàng cầm tay nàng, kéo nàng dậy :
- Mình kiếm cái gì ăn đã.
Nàng rút tay về, nhoẻn miệng cười :
- Em làm biếng, không muốn đi đâu nữa, cũng không đói nữa, anh đi ăn một mình đi.
- Không ăn sao được nà ? Ở đường hẻm bên kia có mấy cái quán cóc, hổng biết họ có chịu mang lên cho mình ăn không ? Để anh đi hỏi cô bồi phòng xem.
Trình đi một lúc rồi trở vào.
- Được rồi, chuyện ăn uống đã lo xong. Anh đã kêu người ta mang lên tô canh, thịt nướng, rau cải... Em thấy thế có đủ không ?
- Được rồi ! May ra có canh thì em ăn được chút đỉnh.
Trình lắc đầu nói :
- Canh là phần của anh, thịt nướng anh kêu mới là phần của em. Người trong gia đình anh thích ăn canh lắm.
- Em cũng thích vậy.
- Thế thì em thuộc người...
Trình nhìn nàng nhoẻn miệng cười, nhưng không nói hết câu.
Bạch Phù thừa biết Trình muốn nói gì nên lại "xí" nhẹ một tiếng, cố ý cãi lại :
- Cả nhà em cũng thích ăn canh...
Nói đến đây nàng chợt thay đổi nét mặt, tự biết mình lỡ lời.
Quả nhiên, Trình mượn lời nàng gợi ra mà vào thẳng đề.
- Bạch Phù, nếu em không nhắc thì anh đã quên hỏi em.
Trình kéo ghế xích lại nàng, trịnh trọng tiếp :
- Nếu đã xem anh là bạn thì xin cho anh biết, việc gì đã xảy ra trong gia đình em ?
Bạch Phù nghiêng đầu, mắt nhìn xuống, thần sắc có vẻ khó xử, suy nghĩ một lúc nàng mới đáp :
- Không có chuyện gì đâu anh.
- Còn chị em ? Có phải chị em đã ly hôn với anh Quang Vũ rồi không ?
Bạch Phù ngạc nhiên :
- Sao anh biết ? Ai nói với anh ?
- Không, anh đoán vậy thôi. Xin em cho anh biết anh đoán có đúng không ?
Bạch Phù trầm ngâm một lúc, sau cùng không thể không nhận là thực.
Vân Trình hỏi :
- Chị ấy đang ở Quảng Châu à ?
- Không biết. (Bạch Phù lắc đầu tiếp) Em và chị ấy lâu rồi không còn là chị em nữa.
- Nhưng còn Quang Vũ ? Anh ấy đang ở đâu ? Mà không... Bây giờ thì anh ấy không còn là anh rể của em nữa.
Nàng nhìn Trình bằng ánh mắt lạnh lùng :
- Tại sao vậy ? Vì chuyện ly hôn của chị em mà em phải xem anh Vũ là người hoàn toàn xa lạ sao ?
- Không... không nghĩ vậy, nhưng dựa vào những sự việc xảy ra, anh nói thế.
Trình luống cuống giải thích, chàng thật không ngờ những lời vừa nói ra lại khiến nàng xúc động mãnh liệt thế. Thật lạ lùng và đáng phiền quá. Đồng thời Trình cũng muốn biết thêm, nên hỏi :
- Em cũng chưa cho anh biết hiện giờ anh Quang Vũ ở đâu.
- Anh muốn biết chi vậy ?
- Bởi vì anh thật tâm lo lắng cho em, lo lắng với tấm lòng của người bạn thiết. (Trình thắc mắc hỏi tiếp) Bộ anh Vũ làm việc gì chắc ?
Nàng gật đầu thay lời đáp.
- Ở đâu ?
- Thanh Sơn.
- Cơ quang nào ?
- Kìa... (Bạch Phù cau mày khó chịu) Anh cần gì phải biết tỉ mỉ như vậy ?
- Anh muốn điện thoại đến ảnh để ảnh đến thăm em.
- Không cần, không cần. Em không thể để cho ảnh biết em đang ở khách sạn với một người con trai. Hơn nữa, ảnh có muốn đi cũng đi không được.
Trình lấy làm ngạc nhiên, vừa hỏi vừa cười :
- Sao lại đi không được ? Hay là ảnh ở tù ?
- Bậy nà ! (Nàng nghiêm nghị nhìn Trình) Ý của em là ảnh mới đến nơi, còn bận rộn lắm, nhứt định không đi được đâu.
Cơm đưa đến rồi vô hình trung chấm dứt đoạn đối thoại của Trình và Bạch Phù. Tuy không được lời một cách đầy đủ, Trình vẫn tạm thỏa mãn. Nhưng một chút, Trình thấy mình còn thời giờ tìm hiểu thêm, không việc gì phải đi bức bách một người bịnh nói không nghỉ.
Đồ ăn làm khá ngon, Bạch Phù ăn hết tô canh nhưng Trình cứ theo mời nàng ăn thêm vài miếng thịt nướng. Còn lại bao nhiêu thì Trình không ngần ngại ăn vét cho hết.
Cơm xong, Trình chạy ra nhìn trời rồi trở vào bảo :
- Mình cần đi chơi một lúc cho tiêu cơm không em ?
- Có gì hay để đi ? (Bạch Phù tỏ vẻ uể oải tiếp) Với lại, em thấy không thích.
- Vậy em nên uống thuốc rồi nằm nghỉ, anh muốn đi ra ngoài một lúc.
- Có cần lắm không ?
- Anh muốn mua thêm một ít món cần dùng.
Trình đáp úp mở, đồng thời liếc nhìn vào cổ tay nàng.
Bạch Phù nói theo :
- Vâng, anh đi.
Nàng ngạc nhiên vô cùng vì trước khi đi, Trình còn bắt tay nàng và siết chặt rất lâu.
Trình đi rồi, nàng vẫn còn cau mày lắc đầu rồi đâm ra tức cười.
Trong phòng bây giờ chỉ còn có mỗi mình nàng nên rộng ra thêm. Nàng bắt đầu quan sát và nhận thấy gian phòng nầy còn hơn gian phòng mà công ty dành riêng cho nàng. Nghĩ đến đó, nàng thấy được an ủi nhiều lắm.
Lúc chiều, ông giám đốc đã có thái độ săn sóc đến nàng, dành cho nàng một gian phòng trong công ty. Đường lên xuống bất tiện nên chính ông lại hỏi nàng : "Có cần một phòng khác ở phía sau kho vật liệu không ?"
Ông giám đốc hơi ốm, người lùn thấp, tuổi khoảng bốn mươi, đầu sói một lõm về phía trước. Ông ta có mang kiếng cận, thoáng trông thấy mắt sáng. Đối với người giúp việc hình như ông thường tận tình giúp đỡ. Theo Lý Mang nói thì ông ta sống độc thân, chưa cưới vợ lần nào nên thích đeo đuổi theo các cô gái. Lý Mang đã cười và bảo Bạch Phù phải chú ý.
Trước đây, Lý Mang đã bảo Bạch Phù như vậy, nhưng sự thật ngày hôm nay thì chính nàng nói gạt Trình. Hồi chiều, nàng không gặp bạn. Nàng chỉ gọi nhờ điện thoại nói chuyện ngay trong phòng bạn đang làm việc. Lý Mang cho biết rất bận nên phải đợi đến giờ tan sở mới đi đón Bạch Phù được. Đành là Bạch Phù phải đơn thân độc mã tìm đến công ty Hương Hoa.
Có một điều nữa, Bạch Phù cũng giấu luôn Trình. Từ công ty ra, nàng đến thăm Quang Vũ ơ? Thanh Sơn.
Nàng tự bảo : điều đó không cần phải giấu ai cả, chẳng qua là nàng không cần nói rõ cho Trình biết thôi. Mỗi người đều có cuộc sống riêng tư thì tại sao Trình lại đòi hỏi biết từng ly từng tý về nàng chớ ? Hơn nữa, chính nàng không muốn cho ai biết Quang Vũ hiện đau phổi. Bịnh của Vũ nàng coi như bịnh của nàng.
Nàng phải đến thăm Quang Vũ, xem việc đó cũng quan trọng như việc tìm đến sở làm. Nói đúng ra, việc đi thăm Quang Vũ quan trọng hơn.
Nàng đã đến bịnh viện Thanh Sơn một lần nên khi ở công ty ra nàng tìm đến bến xe không khó.
Nàng lên xe búyt ngồi, tỏ ra đắc ý vì đã thích ứng được với hoàn cảnh. Trong đô thị xa lạ nây, cái ý chí tranh đua, phấn đấu của nàng vụt nổi dậy. Xuống xe, nàng còn phải đi một đoạn đường mới đến một ngã khác dẫn đến Thanh Sơn. Nàng không chịu dùng xe mà thả bộ suốt con đường ấy.
Mưa đã dứt, nhưng mây màu xám vẫn còn là đà bao lấy đỉnh núi xa. Mây cứ biến dạng đổi hình, tạo thành một bức tranh đẹp mắt, loại trang mà những người đang quần quật trong thành phố không thể nào thưởng thức được.
Làm việc là một điều bắt buộc trong đời sống. Nhưng khi phải rời xa nhiệm sở thì cũng không đến nỗi quá lưu luyến. Như chính nàng làm việc ơ? Quảng Châu đã hai năm nay, khi cần phải rời xa thì cứ việc đi, đâu có giống chuyện nàng phải rời xa Quang Vũ. Chỉ cách xa có một hai ngày mà nàng đã nghe nao nao, nóng nảy không chịu được.
Từ xa, nàng đã nhìn thấy lờ mờ bức tường của viện bài lao. Nhìn thoáng qua thì Thanh Sơn dưỡng viện ấy không giống như một bịnh viện thường mà giống một cơ sở nghiên cứu. Từ ngoài tường nhìn vào, có thể thấy liền các bình thí nghiệm, các sơ đồ. Không có lầu cao, không có cửa rộng. Ngoài cổng cũng không treo bảng vàng ghi rõ tên cơ sở cho người ta chú ý. Ở bên cửa có tấm bảng cây khắc mấy chữ : Thanh Sơn liệu dưỡng viện.
Thanh Sơn liệu dưỡng viện là của tư nhân thành lập, viện trưởng họ Ngô từng du học ở Tây Phương và đỗ bằng bác sĩ. Ông chuyên môn nghiên cứu cách ngăn chặn hạch khuẩn. Dưới mắt ông ta bịnh phổi thông thường như bịnh cảm, không có gì đáng sợ. Cần chữa trị điều hòa, biết cách tịnh dưỡng thì muốn lành bịnh có gì khó.
Các kiến trúc, trang trí bên trong viện rất mới, duy có điều lệ phí nằm bịnh viện cao kinh khủng.
Người bị bịnh thường thường mới thấy sức khỏe là quan trọng, tiền bạc là vật ngoại thân, sống không đem theo mà chết cũng bỏ đi, nên đã không ngần ngại đút đầu vào "máy chém" để đổi lấy sức khỏe.
Vừa bước qua cửa bịnh viện, Bạch Phù vừa nghĩ ngợi. Nếu nàng không phải bận cái ăn cái mặc, có giờ rảnh rang mà đến ở đây thì đúng là một cách hưởng thụ tốt nhứt.
Hỏi qua người chỉ dẫn, nang đi về dãy phòng thứ ba, nơi Quang Vũ đang nằm điều trị. Đường vắng vẻ, phẳng phiêu, cây ngay hàng thẳng lối hợp với thảm cỏ, lối hoa tạo thành một vườn hoa vĩ đại. Hễ chỗ nào có cây to bóng mát thì có liền băng đá kề bên để ngồi chơi. Đáng tiếc là không khí nơi đây có hơi ẩm thấp, phải đợi có tia sáng mặt trời rọi chiếu mới trở thành một thứ tiên cảnh giữa trần thế.
Bước vào hành lang, Bạch Phù vui mừng đến tim đập mạnh. Nàng mừng nỗi mừng như đã xa Quang Vũ quá lâu rồi, bây giờ mới gặp lại.
Đi qua phòng nào nàng cũng đưa mắt nhìn vào. Phòng nào cũng thanh nhã, mỗi người bịnh một giường. Có người ngồi một mình trước cửa, có kẻ tản bộ ngoài hành lang hay đang gom nhóm hai ba người tán chuyện. Hình dáng của mỗi người xác định bịnh họ nặng hay nhẹ.
Khi đến phòng Quang Vũ, Bạch Phù dừng lại bên ngoài bất động. Nàng thấy Quang Vũ đang ngồi tựa thành giường với dáng nửa ngồi nửa nằm, mắt nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ, Vũ đang chú ý đến mây trời biến triễn không ngừng, hoàn toàn không biết có nàng tới.
Nàng cố ém hơi thở, thở thật nhẹ để tiếp tục nhìn anh. Dáng điệu của Quang Vũ trông tuy rất an nhàn nhưng vẫn biểu lộ nhiều nỗi buồn u uất. Không biết Quang Vũ đang nghĩ ngợi gì, Bạch Phù không dằn được bước tới gọi :
- Anh !
Quang Vũ quay nhìn với vẻ mặt khó chịu, nhưng rồi tươi tỉnh lên ngay :
- Kìa em !
Chàng quay hẳn lại, màu da xanh xao thoáng ửng hồng. Quang Vũ vừa cười vừa nói :
- Chính anh đang lo không biết em đến có được không ? Mưa sao mà mưa suốt ngày.
- Nhưng anh cứ nằm đi chớ.
Nàng bước tới đỡ Quang Vũ, nàng nghe lòng chua xót quá, trào nước mắt tự nhiên như đứa bé tìm gặp người thân. Quang Vũ không phải là người thân của nàng sao ? Người thân duy nhứt nữa !
Quang Vũ hỏi nhỏ :
- Em tới bao giờ ?
- Sáng sớm nầy.
Bạch Phù như thu hẳn người lại, cố tránh ánh mắt của Quang Vũ, đồng thời giả như cần sửa lại gối nằm cho ngay ngắn. Nàng muốn gục đầu lên mình chàng mà khóc một hồi cho đã. Nàng muốn nói với Quang Vũ là nàng ngã bịnh, suốt đêm không ngủ lúc bên ngoài mưa gió lê thê. Nàng muốn được chính Quang Vũ an ủi nàng đôi câu hay ít ra là phải vuốt ve nàng.
Nhưng nàng không thực hiện được điều đó. Bởi nàng không thể vòi vĩnh như con nít. Bởi nàng biết nếu Quang Vũ rõ hoàn cảnh của nàng tất sẽ cảm động, bịnh sẽ nặng thêm nên phải cố tránh.
Quang Vũ nói :
- Ở đây người ta săn sóc tử tế lắm. Ờ, em ngồi đi, anh có việc muốn hỏi.
Giọng Quang Vũ nghe thân thiết lạ. Chàng tiếp :
- Em sắp xếp xong xuôi mọi việc ở Quảng Châu chưa ?
- Dạ rồi.
- Việc gì em cũng chu toàn hết, thật anh không ngờ.
Quang Vũ cảm động, khen thật tình, nhưng Bạch Phù muốn biết một điều :
- Có người tới phụ việc với em. Có phải anh điện thoại cho người ấy đến tiếp tay với em không ?
- Đúng vậy, anh ngại một mình em làm không xong, nhưng anh sợ nói ra trước sẽ bị em phản đối. Tuy anh chỉ gặp Trình hai lần, nhưng theo anh, Trình là người không đến nỗi nào, có thể bảo là một người tốt, trung hậu, bằng không thì thật anh chẳng dám nhờ đến Trình, Trình có đưa em ra xe không ?
- Dạ có.
Bạch Phù đáp ỡm ờ, rất sợ Quang Vũ hỏi thêm. May mà Vũ không hỏi, lẽ dĩ nhiên chàng không thể ngờ Trình đã bỏ công phí sức đưa nàng sang Hương Cảng, lại còn nán ở lại chung khách sạn với nàng.
Quang Vũ lại nói :
- Em cũng nhân lúc rảnh rang viết thơ cho Trình cám ơn anh ta đã hết sức giúp đỡ mình.
- Em biết.
Nàng đáp gọn, hy vọng câu chuyện có cái tên Trình chấm dứt ở đây.
Lại thêm một lần nữa may mắn là Quang Vũ xoay qua hỏi việc làm ăn :
- Hãng sắp xếp cho em thế nào ? Chỗ ở có dễ chịu không ?
- Dạ khá lắm.
Nàng cố gắng che đậy một phần việc của công ty, lắng nghe Quang Vũ dặn dò :
- Với hoàn cảnh mới, việc gì mình cũng phải cẩn thận. Nhứt là cách đối nhân xử thế, em phải cố gắng lấy chữ khiêm nhường, hòa nhã làm đầu.
Quang Vũ nói với nàng bằng một giọng đều đều của ông thầy khiến nàng nhớ lúc còn nhỏ được Vũ kèm cho học. Trong quá khứ, nàng chỉ có hân hoan chớ không gợn chút u buồn. Và cũng trong quá khứ ấy, Vũ thật là phong lưu, thật ra vẻ, thật đáng yêu, đáng kính.
Phải trả lời Quang Vũ xong nàng mới có dịp hỏi lại :
- Còn anh, ở đây có thấy dễ chịu không ?
- Tốt lắm, dễ chịu lắm !
Chàng làm ra vẻ nhẹ nhàng, thơ thới :
- Lúc mới đến, ông viện trưởng đã làm cho anh tin tưởng. Ổng bảo chỉ cần anh theo đúng lời chỉ dẫn thì trong vòng một năm sẽ lành bịnh.
- Thiệt hả ? (Đôi mắt Bạch Phù sáng rực lên, miệng nói liền theo) Em cũng nói vậy mà. Bịnh anh xoàng thôi. Một năm không lâu đâu, ăn thua là ở chính lòng anh, nhứt định anh phải nghe lời bác sĩ. Trước tiên phải uống thuốc đều đều chớ không được phép buồn. Anh nầy, vừa rồi em thấy như anh hãy còn đeo mang tâm sự.
- Không phải đeo mang tâm sự mà tâm sự vốn đã nặng nề lắm rồi. (Quang Vũ thở dài tiếp) Anh có cảm tưởng như mình đang ở tù, buồn chết đi được.
- Anh mới tới nên không quen, chớ về sau thì phải khác đi. Đợi công việc đâu đó xong xuôi, em sẽ đến thăm anh đều đều.
- Không cần phải thăm anh thường.
Quang Vũ cau mày, trầm giọng giải thích :
- Anh muốn nói là lương bổng của em chẳng bao nhiêu, đừng để phải tốn nhiều thì giờ và tiền bạc khi đến thăm anh.
- Ăn nhằm gì ? Nếu không đến thăm anh thì ở Hương Cảng nầy, em còn biết đi chơi đâu nữa ?
- Lúc rỗi rảnh, em có thể đi xem thắng cảnh hay tìm dự một trò vui nào đó. Hai năm nay em đã khổ sở quá !
Nghĩ đến đoạn đời buồn thảm đã qua, Quang Vũ cau mày nói :
- Em có thể đi xem ciné, nghe nhạc, giải trí để tâm hồn thơ thới. Hơn nữa, em cần phải làm quen với nhiều người khác. Ở đây không như ở Quảng Châu, mình rất xa lạ, cuộc sống sẽ gặp nhiều điều khác, nếu em không tập sống hợp đoàn sẽ thấy cơ đơn lắm.
Bạch Phù ngồi trên giường lẳng lặng nghe anh nói. Quang Vũ muốn nói nhiều với nàng về quan niệm sống nhưng chàng khó mở lời. Có lẽ là do cả ngày nay, sự vắng lặng đã làm cho chàng nghiệm xét thật chính chắn. Cũng có thể do sức khỏe chàng yếu nên không thể trình bày cùng một lúc, càng có thể là do những điều chàng khó nói ra với Bạch Phù.
Quang Vũ nói ít hay nói nhiều đều chỉ vì Bạch Phù thôi. Chàng vẫn xem nàng như một đứa bé vừa rời nhà chuẩn bị vào học đường hay vừa rời học đường để chuẩn bị lao thân vào đời. Quang Vũ lo lắng cho nàng đủ thứ, vì đây là lần đầu tiên trong đời, nàng phải tha phương cầu thực.
Bạch Phù không muốn cho Quang Vũ nói nhiều, vì nói nhiều chỉ làm chàng thêm mệt. Nàng muốn được yên lặng ngồi bên Quang Vũ và cả hai cùng yên lặng thì tốt hơn.
Đáng tiếc là thời gian gần nhau có hạn. Đến năm giờ là hết hạn thăm bịnh nhân. Bạch Phù không muốn rời Quang Vũ cũng không được nữa. Cô y tá đến nhắc nhở Bạch Phù về đến hai lần.
Trời lại rắc hạt mưa nhè nhẹ. Nàng ra về với bước chân nặng nề và lòng nặng trĩu. Nàng vẫn còn nhiều điều muốn nói với Quang Vũ mà chưa nói hết được. Đến một câu chuyện cũng không nói được.
Thỉnh thoảng nàng ngó ngoái lại viện bài lao, lòng xốn xang đến suýt rớt nước mắt. Nhưng cũng từ đó nàng tìm thấy được một nguồn an ủi. Chỉ cần có thời giờ rảnh rang nàng sẽ tới đây. Có thể là ngày mai, có thể là ngày mốt, nàng sẽ đến thăm chàng.
Bạch Phù ra đường đứng chờ xe một mình một bóng. Khác hơn lúc đi là đôi mắt nàng lung linh hình bóng Quang Vũ và mọi ý nghĩ đều hướng về chàng.
Trình đi rồi, Bạch Phù nằm lại một mình trong phòng vắng và nghĩ đến Vũ. Giây phút ấy cho nàng cảm thấy có gì ấm áp trong lòng.
Nàng vẫn chưa dám xác nhận cảm giác ấy là ái tình.
Cho đến lúc Trình trở về gõ cửa. Bạch Phù vẫn còn nghĩ về Quang Vũ. Chàng đang làm gì ? Có nghĩ đến mình không ? Chàng ngủ rồi chăng, trong mộng chàng có tìm gặp mình không ?
- Bạch Phù !
Trình không biết nàng đang nghĩ đến Quang Vũ nên vừa bước vào phòng là cười hỏi :
- Em xem anh có về sớm không ?
Thoạt thấy Trình vui vẻ, Bạch Phù cũng vui lây, gạn hỏi :
- Anh vừa đi đâu đó ?
- Xuống chợ, Hương Cảng thiệt náo nhiệt, muốn mua thứ gì cũng có. Em nên đi thăm qua một lần cho biết.
Trình vừa nói vừa bước tới nắm tay nàng kéo dậy.
Nàng kêu lên :
- Ơ, anh làm gì vậy ?
Nàng rút tay về trước cử chỉ đột ngột của Trình và nói liền một câu trách móc.
Trình giựt mình, nhưng rồi lại cười. Chàng biết động tác lúc hứng khỏi của mình đã thành lỗ mãng nên bị nàng hiểu lầm là muốn xúc phạm tới nàng. Trình không dám nói thêm mà chỉ rút từ trong túi ra một gói giấy nhét vào tay nàng với vẻ ngượng nghịu.
Nàng hỏi nhanh :
- Cái gì đây ?
Nàng lạ lùng mân mê gói giấy. Nhưng gói giấy cứng hình như bên trong là một cái hộp. Trình nhắc :
- Cứ mở ra xem.
Bạch Phù chẩm rãi mở giấy bên ngoài, một cái hộp bao nhung thật đẹp mắt, trên mặt lại có chữ mạ vàng "Công ty đồng hồ Thắng Lợi".
- Em thích cái đồng hồ nầy không ?
Trình cầm đồng hồ, một tay nắm lấy tay nàng. Lần nầy Bạch Phù không phản đối nhưng trong lòng có chút xốn xang.
Nàng cố trắn tỉnh hỏi :
- Nãy giờ anh đi ra ngoài là để mua đồng hồ nầy ?
- Phải, mua tặng em.
Trình cắt nghĩa thêm :
- Em cần có một cái đồng hồ đeo tay để biết giờ đi làm việc. Từ lâu, anh đã nghĩ đến việc biếu em một cái gì nhưng sợ em hiểu lầm. Bây giờ thì chắc em đã hiểu lòng anh. Mong em không từ chối.
Bạch Phù cúi xuống nhìn chiếc kim ghỏ, chữ nhỏ trên mặt đồng hồ, lòng đầy phức tạp. Nàng thật không ngờ Trình thẳng thắn và dám tốn tiền như vậy. Tuy nàng chưa biết rõ đồng hồ tốt hay xấu, nhưng ít lắm đồng hồ nầy cũng đến vài trăm. Trình lại nói :
- Đồng hồ loại nầy chạy rất đúng, nhiều người thích dùng. Nhưng nếu em không thích kiểu nầy thì anh sẽ đổi lấy cái khác.
Bạch Phù cúi nhìn đồng hồ, không biết phải như thế nào mới đẹp. Nhưng nếu nói đẹp thì phải là đồng hồ mặt vàng như thứ Quang Vũ tặng Hồng Liên.
Được cái là đồng hồ nầy mặt vuông hợp với cổ tay nàng. Xưa nay, nàng không để ý đến các kiểu đồng hồ cả đến các kiểu quần áo, tuy là trong lòng cũng có nghĩ đến việc mua sắm, nhưng hy vọng của nàng chưa đạt được vì thiếu hụt tiền. Ở nhà có đồng hồ lớn, ở các sở có đồng hồ tường, tội gì phải sắm đồng hồ riêng ? Bây giờ Trình mua tặng nàng thì còn gì bằng. Đồng hồ đã giúp nàng có thêm cảm tình với Trình.
Thấy nàng làm thinh, biết nàng không phản đối, Trình mới yên tâm. Chàng giao cả hóa đơn cho nàng, đắc ý nói :
- Anh cũng có đi qua vài tiệm vàng định mua một chiếc nhẫn biếu em nhưng đối với loại này, anh dốt đặt nên sợ mua em không vừa ý. Sáng mai hãy còn ngày giờ, chúng ta đi lựa nhá ?
Cho thêm nhẫn à ? Bộ ai cho cũng được sao ? Tặng nhẫn là phải chăng để bày tỏ ý định cầu hôn ? Phải chăng Trình sẽ đưa nàng lần lần vào rọ ? Nàng đâu thể chấp nhận dễ dàng vậy ! Thấy nàng do dự, Trình mỉm cười tiếp :
- Ý định mua cà rá biếu em thật đơn giản, em đừng có nghĩ ngợi. Anh thấy tay em rất đẹp, nếu có nhẫn cẩm thạch đỏ hay xanh thì lại càng đẹp.
Bị Trình nhìn thấu ý nghĩ rồi đổi thay lời nói, Bạch Phù cảm thấy khó chịu, tìm cách nói quanh :
- Ngày mai em phải dọn đi lại đằng hãng rồi, em không có ngày giờ dạo phố đâu. Vả lại, em cũng không thích đeo nhẫn.
Trình dán mắt nhìn nàng :
- Em, ngày mai em nhứt định đi sao ?
- Sáng sớm phải dọn đi, tới là dọn đến lúc mọi người chưa tới làm việc.
Thái độ của Bạch Phù thật cương quyết, Trình thở dài thất vọng.
Nàng hướng sang chuyện khác :
- Anh tính chừng nào trở lại Quảng Châu ?
- Em đi rồi anh cũng đi.
Không khí buồn, im lặng.
Mấy phút sau, Bạch Phù mới mở miệng nói :
- Anh Vân Trình, lâu nay em cám ơn anh nhiều lắm ! Anh vì em mà tốn hao bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền bạc.
- Đừng khách sáo, Bạch Phù ! (Trình ngăn nàng, rồi nói tiếp) Có tốn hao bao nhiêu với em cũng không sao mà. Chỉ cần em đừng phiền giận, đừng nói ơn nghĩa... Anh... mong được làm một người bạn trung thành của em.